Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
MỘT THỜI NHIỄU NHƯƠNG
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Ngày 19-7-1883 vua Tự Đức băng hà.

 

Ngày 13-12-1888 thực dân Pháp đưa vua Hàm Nghi xuống chiếc tàu biển mang tên "Biên Hòa" vượt đại dương sang Algérie, một thuộc địa khác của Pháp tại Bắc Phi, để sống cuộc đời lưu đày!

 

Khoảng thời gian giữa hai sự kiện nói trên là thời kỳ rối ren bi đát nhất của triều đình nhà Nguyễn. Chỉ trong vòng 5 năm 4 tháng 24 ngày không biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra - đau lòng có mà bi tráng cũng có.

 

Sau khi thôn tính toàn bộ Lục Tỉnh Nam Kỳ làm thuộc địa (1867), thực dân Pháp bắt đầu nghĩ đến việc tiến quân ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ.

 

Với một lực lượng quân sự hùng hậu nhờ vào vũ khí tối tân gấp nhiều lần so với vũ khí của triều đình nhà Nguyễn vào lúc đó, quân Pháp đã tạo nên nhiều áp lực đáng kể buộc triều đình nhà Nguyễn phải từng bước nhượng bộ.      

 

Trong lúc giặc ngoài đang hoành hành thì trong triều đình, quan lại chia làm hai phe mà phe chủ chiến với 2 viên Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cầm đầu nắm thế áp đảo đã tạo nên một tình trạng rối ren vô cùng bi đát cho đất nước.

 

Tình trạng rối ren bi đát nầy một phần bắt nguồn từ việc vua Tự Đức không có con phải nhận con của 2 người em làm con nuôi. Nhà vua đăng quang năm 1848 khi mới 17 tuổi, mãi đến năm ngoài 40 tuổi Ngài mới nhận con nuôi. Đó là:

 

Ưng Chân: Con trai thứ 2 của Thoại Thái vương Hồng Y, vị hoàng tử thứ 4 của vua Thiệu Trị, mẹ là Trần Thị Nga, sinh năm 1853, được vua Tự Đức nhận làm dưỡng tử năm 1869, đặt tên là Ưng Chân, giao cho Trang Ý hoàng quý phi Vũ Thị Duyên nuôi dưỡng dạy bảo. Năm sau, Ưng Chân được nhận làm trưởng tử, phong tước Thụy quốc công, cho xây nhà học gọi là Dục Đức Đường.

 

Thứ đến là Ưng Kỷ (còn có tên là Ưng Đường) con trai trưởng và Ưng Đăng con trai thứ 3 của Kiên Thái vương Hồng Cai (Hồng Hợi), vị hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị. Mẹ là bà Bùi Thị Thanh.

 

Biết mình vắn số, vua Tự Đức đã soạn sẵn một tờ Di chúc lo người kế vị là hoàng trưởng tử Ưng Chân, tước Thụy quốc công.

 

Trong Di chúc có đoạn sau đây không ngờ đã gây ra mối di họa kéo dài suốt trong nhiều năm:

 

"Trẫm nuôi sẵn 3 con, Ưng Chân, cố nhiên là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu, nhưng mặt hơi có tật, giấu kín không rõ ràng, sợ sau không sáng, tính lại hiếu dâm, cũng rất là không tốt, chưa chắc đương nổi việc lớn. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn này, không dùng hắn thì dùng ai? Sau khi trẫm muôn tuổi, nên cho hoàng tử Thuỵ quốc công Ưng Chân nối nghiệp lớn, lên ngôi Hoàng đế." (1)  

 

Nhiều vị đại thần khuyên can nhà vua nên bỏ đoạn này đi, nhưng nhà vua quyết giữ với dụng ý răn đe Ưng Chân sau khi đã tức vị.

 

Lời oan nghiệt này trong bản di chiếu chính là sợi dây thòng lọng vua Tự Đức đã tròng sẵn vào cổ vị hoàng trưởng tử mà Ngài đã chấp nhận cho kế vị ; và hai vị Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã cầm sẵn mỗi vị một đầu dây, chỉ chờ cho nhà vua nằm xuống là kéo dây siết cổ Dục Đức mà thôi. Thôi thì biết đâu đó chẳng là cái nghiệp mà bao kiếp trước đã gieo và kiếp nầy Dục Đức phải trả?

 

Ngày 20-7-1883, trong buổi lễ đăng quang tại điện Thái Hòa, Phụ chính Đại thần Trần Tiễn Thành đọc di chiếu. Đến đoạn văn trên, ông Thành đọc nhỏ lại khiến cho Nguyễn Văn Tường ra lệnh Trần Tiễn Thành ngưng đọc rồi giao cho một viên quan khác đọc tờ di chiếu.

 

Quả nhiên, vua Tự Đức không ngờ rằng, chính đoạn di chúc này đã là lý do khiến cho 2 viên Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường có cái cớ chính để phế lập Dục Đức. Đình nguyên Phan Đình Phùng phản đối, may thay, ông chỉ bị Tường Thuyết cách tuột chức tước rồi đuổi về quê và do đó, về sau mới có một lãnh tụ Cần vương kháng Pháp kiệt hiệt là Phan Đình Phùng! Vậy là, chỉ ở ngôi mới 3 ngày, chưa kịp đặt niên hiệu đã bị phế truất rồi sau đó bị bỏ đói cho đến chết vào ngày 6-10-1883, năm nhà vua mới 31 tuổi.        

 

Sau này sử gọi là vua Dục Đức, thực ra  chỉ là tên nhà học của Ưng Chân mà thôi!

 

Sau khi truất ngôi Dục Đức, bọn Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vội vã ép Lãng quốc công Hồng Dật, con trai thứ 29 vua Thiệu Trị, 36 tuổi lên ngôi, lấy niên hiệu Hiệp Hòa. Trước khi lên ngôi, Hiệp Hòa sống cuộc đời lãng tử giang hồ, vui với gió trăng, không thiết tha mấy với sự đời. Tương truyền đương thời đã có câu ca dao nói về Lãng quốc công Hồng Dật:

 

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,

Nhớ người đãy gấm, khăn điều vắt vai.

(Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,

Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai)

 

Trong lúc vua Hiệp Hòa vừa lên ngôi, Toàn quyền Harmand cũng vừa đến Hải Phòng để cùng 2 tướng Bouet và Courbet đặt kế hoạch quân sự uy hiếp triều đình Việt Nam. Trong lúc Bouet đánh nhau với quân Cờ Đen ở Bắc thì Harmand cùng Courbet cho quân tấn công cửa biển Thuân An, phá vỡ tuyến phòng thủ của ta là thành Trấn Hải vào ngày 18-7-1883. Các tướng giữ thành của ta, kẻ tử trận như Lê Sĩ, Lê Chuẩn, kẻ nhảy xuống sông tự trầm như Trần Thúc Nhẫn, Lâm Hoành. Sau này, giận vì nỗi đau bị thất trận đã khiến cho dân chúng phẫn nộ đặt câu hỏi trách cứ:

 

Đồn anh văn cũng giỏi, võ cũng tài

Cớ sao cửa Thuận An Tây cướp, Trấn Bình Đài cờ Tây treo?

 

Trấn Bình Đài là một cơ sở quân sự được củng cố lại rất kiên cố vào  thời Minh Mạng nằm về phía đông bắc kinh thành Huế, dân gian vẫn gọi là đồn Mang Cá. Sau hòa ước Pâtenôtre (1884), Tây chiếm Trấn Bình Đài làm chỗ đóng quân.

 

Trước sự thất trận ê chề, triều đình đành xin giảng hòa. Phía triều đình cử 2 viên đại thần là Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp nghị hòa với đại diện ngoại giao của Cộng hòa Pháp tại Việt Nam lúc bấy giờ là François Jules Harmand. Trước sức mạnh quân sự của Pháp, triều đình nhà Nguyễn đành chịu ký Hòa ước Quý Mùi, còn gọi là Hòa ước Harmand ký ngày 23-7 Quý Mùi tức ngày 25-8-1883 gồm 27 điều khoản xác lập quyền bảo hộ của người Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

 

Thấy được sức mạnh của người Pháp, vua Hiệp Hòa có ý muốn nhờ sự bảo hộ này để giữ vững ngai vàng. Thêm vào đó, biết Tôn Thất Thuyết là người hiếu sát mà lại giữ binh quyền có nhiều sức mạnh, vua Hiệp Hòa đã hoán chuyển Nguyễn Văn Tường từ Lại bộ Thượng thư sang giữ chức Binh bộ Thượng thư và Tôn Thất Thuyết đang giữ chức Binh bộ Thượng thư sang giữ chức Lại bộ Thượng thư. Biết âm mưu của Hiệp Hòa, Tường Thuyết ra tay trước. Lấy cớ nhà vua hay liên lạc với viên Khâm sứ Pháp là Rheinart, 2 ông trình với Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ truất ngôi của Hiệp Hòa để đưa Dưỡng Thiện tức dưỡng tử thứ 3 của vua Tự Đức là Ưng Đăng lên thay. Vậy là sau 4 tháng ở ngôi, Hiệp Hòa bị bức tử vào ngày 29-11-1883. Phụ chính Đại thần Trần Tiễn Thành phản đối cũng bị hạ sát, trong triều không còn vị quan nào, kể cả mấy vị hoàng thân quốc thích dám đương đầu với 2 vị Phụ chính Đại thần đầy quyền thế và thủ đoạn là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nữa.

 

Trong 3 người con nuôi, Ưng Đăng là người được vua Tự Dức thương yêu và tin tưởng nhất.  

 

"Vua từ thuở nhỏ, đã hiểu biết sớm, ôn hòa, yên lặng, sạch sẽ, cẩn thận lời nói và việc làm. Khi hầu cơm, khi thăm hỏi kính cẩn giữ phận làm con. Ngày thường chỉ ưa thích sách vở, thơ văn. Dực tông Anh hoàng đế khen ngài thông minh chăm học, giống tính vua cha, tỏ ý yêu dấu khác thường." (2)  

 

Trong di chúc của vua Tự Đức đã ghi:

 

"Duy con út là Ưng Đăng hầu hạ cẩn thận biết sợ, dạy được chưa thấy có vết gì, nhưng tuổi còn ít, đang học chưa thông, đương lúc khó khăn này chưa chắc đã am hiểu. Cho nên, trẫm cắt bỏ lòng riêng, theo lẽ công, quyết thi hành mưu kế lớn là vì xã tắc. Nghĩ ơn nuôi nấng đã hết lòng, không nên để cho phân biệt, nhưng chưa kịp làm, nay cho sung làm Hoàng tử cho đổi tên là Ưng Hỗ" (3).

 

Mới lên 2 tuổi vào năm 1871, Ưng Đăng đã được vua Tự Đức nhận làm con nuôi, đưa vào cung giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương nuôi dưỡng.

 

Ưng Đăng lên ngôi vào ngày 2-12-1883 (3-11 Quý Mùi), tại điện Thái Hòa, niên hiệu Kiến Phúc nhưng mọi việc trong triều đều do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết đoán cả.

 

Như vậy là, chỉ trong vòng 4 tháng, 3 vị vua đã kế nghiệp nhau do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường làm việc phế lập.

 

Tương truyền, do sự việc này mà trong dân gian đương thời đã truyền nhau 2 câu thơ chữ Hán như sau:

 

Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết,

Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường.

(Một con sông chia làm 2 nước là điều khó nói,

Bốn tháng mà có đến 3 vua là điềm chẳng lành)

 

Có thuyết cho đây là 2 câu thơ của cử nhân Ông Ích Khiêm (1832-1884) một vị tướng của triều đình đương thời.

 

Một con sông - tức sông Hương ở kinh đô Huế - phía tả ngạn có Hoàng cung của triều đình nhà Nguyễn, phía hữu ngạn có tòa Khâm sứ của thực dân Pháp.

 

Bốn tháng mà có 3 vua kế tục nhau: Dục Đức - Hiệp Hòa - Kiến Phúc.

 

Thuyết và Tường trong câu trên lại là tên của 2 vị đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, hai người đã gây ra sự biến nêu trên.

 

Sau khi hòa ước bất bình đẳng Harmand được ký kết, nhiều quan lại của triều đình đã tự ý từ quan để hướng dẫn nhân dân chống Pháp, rồi sau đó, khi có dụ Cần Vương, tất cả đều hăng hái tham gia phong trào cứu nước nầy, như Nguyễn Thiện Thuật từng giữ chức Tán tương Quân vụ, Nguyễn Quang Bích từng giữ chức Tuần vũ Hưng Hóa, Tạ Quang Hiện từng giữ chức Đề đốc Quân vụ Bắc Kỳ...

 

Trong khoảng thời gian nầy, thực dân Pháp, dù đã ký Hòa ước Harmand vẫn xua quân tiến đánh các thành Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang trên đất Bắc.

 

Sau khi Pháp buộc triều đình Mãn Thanh ký thỏa ước tạm thời Thiên Tân công nhận quyền bảo hộ của người Pháp tại Việt Nam, một lần nữa, Pháp lại ép triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước bất bình đẳng, thường gọi là Hòa ước Giáp Thân hay Hòa ước Patenôtre ký ngày 13-5 Giáp Thân tức ngày 6-6-1884, ký kết giữa Toàn quyền Đại thần Phạm Thận Duật, đại diện cho triều đình Việt Nam và Jules Patenôtre, sứ thần Cộng hòa Pháp. Hòa ước gồm 19 điều khoản một lần nữa công nhận quyền bảo hộ của Pháp, Pháp sẽ đại diện Việt Nam về phương diện đối ngoại đồng thời bảo vệ quyền lợi Việt Nam tại nước ngoài v.v...

 

Trong tình thế rối ren như thế, vua Kiến Phúc lại bị bệnh và từ trần vào ngày 6-8-1884. Cái chết của nhà vua vẫn còn là điều bí ẩn. Bị bệnh chết hay chết vì độc dược?  

 

Đáng lẽ, sau khi Kiến Phúc từ trần, triều đình phải tôn người con nuôi thứ 2 của vua Tự Đức là Chánh Mông Ưng Kỷ đã 20 tuổi  lên ngai vàng. Nhưng 2 ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại muốn tìm một người nhỏ tuổi lên ngôi để dễ bề thao túng. Vì vậy 2 ông đã trình với Từ Dũ Hoàng Thái Hậu đưa Ưng Lịch (còn có tên Nguyễn Phúc Minh), con của Kiên Thái Vương Ưng Cai và bà Phan Thị Nhàn, là em ruột của Chánh Mông và vua Kiến Phúc, mới 12 tuổi lên ngôi vua.

 

Trước đó, tức sau khi ký Hòa ước Patenôtre, Khâm sứ Trung Kỳ là Rheinart đã gởi giấy sang triều đình buộc rằng mỗi lần đưa người lên ngôi vua phải xi phép tòa Khâm sứ.

 

Nghe tin Tường Thuyết đưa Ưng Lịch lên ngôi vua mà không thông báo cho tòa Khâm sứ, Pháp đem quân từ Bắc vào ức hiếp triều đình, buộc lòng Tường Thuyết phải làm đơn xin phép lập hoàng đế, cuối cùng tên Khâm sứ Rheinart đã sang triều đình ta để làm lễ phong vương cho Hàm Nghi. Đó là ngày 2-8-1884 (12-6 Giáp Thân)

 

Năm 1885, Thống tướng De Courcy được chính phủ Pháp cử sang Việt Nam để lo đặt nền móng cho chế độ bảo hộ. De Courcy muốn mình cùng 500 quân vào Hoàng cung để yết kiến vua Hàm Nghi bằng cửa chính là cửa chỉ dành riêng cho các vị khách quan trọng. Tường và Thuyết không chịu. De Courcy thì khăng khăng đòi làm theo ý mình. Thấy thái độ ngang ngược của người Pháp, Tường và Thuyết quyết định tấn công đồn Pháp trước. Vậy là ngay vào đêm 5 rạng ngày 6-7-1885, quân Việt tấn công đồn Mang Cá tức Trấn Bình Đài và nã thần công sang Tòa Khâm sứ nhưng chẳng gây thiệt hại là bao! Đến sáng 6-7, quân Pháp phản công dữ dội, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đành đem vua Hàm Nghi và Tam cung - gồm có Hoàng thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, Thái hậu Thuận Hiếu, vợ vua Tự Đức, mẹ nuôi Dục Đức, bà Học Phi,  vợ vua Tự Đức, mẹ nuôi Kiến Phúc - thoát khỏi hoàng thành rồi chạy thẳng ra Quảng Trị. Đó là ngày 7-7-1885.

 

Vừa ra khỏi hoàng thành, Nguyễn Văn Tường lẻn trốn ở lại rồi đầu phú với Pháp, hứa sẽ kêu gọi vua Hàm Nghi và Tam cung quay về. Vì không thực hiện được lời hứa, Nguyễn Văn Tường bị người Pháp đày đi Tahiti thuộc quần đảo Polynésie một thuộc địa của Pháp nằm ở biển Thái Bình Dương.

 

Đến ngày 9-7, vua Hàm Nghi từ biệt Tam cung, cùng Tôn Thất Thuyết và đoàn tùy tùng chạy lên Tân Sở, một cơ sở kháng chiến đã được phái chủ chiến trong triều mà đứng đầu là Binh bộ Thương thư Tôn Thất Thuyết chủ trương và cho xây dựng từ lúc ký hòa ước Harmand. Sau đó Tam cung được đưa trở về kinh đô Huế. Đến ngày 13-7-1885 tức ngày 2-6 năm Hàm Nghi thứ nhất (Ất Dậu -1885), vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương, còn gọi là Dụ Thiên Hạ Cần vương - có một số sách ghi là Chiếu Cần Vương hay Hịch Cần Vương - kêu gọi giới sĩ phu và dân chúng nổi lên chống Pháp.

 

Trước hết, tờ Dụ kể tội bọn Pháp khinh thường triều đình ta, phê phán một số quan lại chịu khuất phục trước sức ép của thực dân, nêu bật nghĩa vụ của người dân trước sự hưng vong của Tổ quốc:

 

"...Phái viên Tây ngang bức, càng ngày càng quá. Trước đây, chúng tăng thêm binh thuyền, buộc theo những điều không thể được, ta chiếu lệ tiếp đón, không chịu nhận một thứ gì. Người kinh đô náo sợ, nguy biến chỉ trong sớm chiều. Đại thần lo việc quốc gia chỉ nghĩ kế nước được yên, triều đình được trọng ; cứ cúi đầu nghe mệnh, ngồi để mất cơ hội, sao bằng thấy âm mưu biến động của giặc mà đối phó trước ? Ví như việc đến không tránh được thì cũng còn có ngày nay để lo cho tốt cái lợi sau này, ấy là do thời thế xui nên vậy. Phàm đã dự chia mối lo này, tưởng cũng dự biết. Biết thì phải dự vào, nghiến răng dựng tóc, thề giết hết giặc, nào ai không có lòng như thế ? Gối gươm, đánh chèo, cướp giáo, lăn chum, chẳng lẽ không có ai sao ? Vả thần tử đứng ở triều chỉ có theo nghĩa thôi, nghĩa ở đâu thì sự chết sống ở đấy..." (4)  

 

Và Dụ đã ra lời kêu gọi toàn dân hãy cùng nhà Vua tích cực tham dự vào cao trào kháng Pháp chứ đừng bo bo chỉ biết nghĩ đến cái yên, cái sướng cho thân mình mà thôi:

 

"Chỉ duy luân thường quan hệ, trăm quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, tất không bỏ trẫm, kẻ trí hiến mưu, người dũng hiến sức, kẻ giàu bỏ của trợ giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng từ gian hiểm, phải thế chứ ? Đến như cứu nguy chống đỡ, mở chỗ nguy khốn, giúp nơi bức bách, không tiếc tâm lực, ngay sau lòng trời giúp thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại cõi bờ chỉ cơ hội này, phúc của tôn xã tức là phúc của thần dân, cùng lo với nhau thì cùng nghỉ với nhau, há chẳng tốt sao ? Nhược bằng lòng sợ chết nặng hơn lòng yêu vua, nghĩ lo cho nhà hơn nghĩ lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì đào ngũ trốn tránh, dân không biết hiếu nghĩa cứu gấp việc công, sĩ cam bỏ chỗ sáng đi vào nơi tối, ví không phải sống thừa ở đời thì áo mũ mà hóa ra cầm thú ngựa trâu, ai nỡ làm thế?" (5)  

 

Từ đây, vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng đã luôn luôn phải trốn tránh sự truy lùng của quân Pháp và của cả quân triều đình vua Đồng Khánh - một giai đoạn vô cùng gian nan. Dân chúng đã thấy được nỗi khổ của vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng do Tôn Thất Thuyết dẫn đầu:     

 

Trời ơi sanh giặc làm chi

Để ông Tôn Thất Thuyết phải cõng vua Hàm Nghi vô rừng.

 

Sai khi nhận được Dụ Cần Vương, nhân dân kêu gọi nhau hăng hái tham gia:

 

Lần theo dấu thỏ non đoài

Miễn phò đặng Chúa, dám nài chi công!

 

Đứng trước sức mạnh vũ lực của quân Pháp và sự đầu hàng của vua Đồng Khánh, nhiều vị quan lại và tướng tá của triều đình đã quay lưng trước nỗi khổ nhục của vua Hàm Nghi, quay đầu lại với người Pháp và triều đình Đồng Khánh để có một cuộc sống yên thân đã khiến cho dân chúng có những đánh giá rất quyết liệt và chua xót:

 

Bởi vì Nam vận ta suy

Cho nên vua phải ra đi sơn phòng

Cụ Đề, cụ Chưởng làm cũng không xong

Tán tương, Tán lý cũng một lòng theo Tây!

 

Nhưng dù sao, sau khi vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương, sĩ dân khắp hai miền Trung Kỳ và Bắc Kỳ rần rần nổi lên hưởng ứng, hoặc đã có từ trước nay lấy danh nghĩa ứng nghĩa Cần Vương, hoặc mới nổi lên khi nghe Dụ Cần Vương được ban hành:

 

Ngoài Bình Định đương ngày giặc giã

Trong Phú Yên nghe đã dậy rân

Bang Thinh làm đầu đốc dân

Tú Phương, cử Đốc, đội Tần xưng quan

Mật cờ cho các xã làng

Một lần dậy rập dư ngàn dư muôn. 

 

Kể từ Nam ra Bắc, ta có các cuộc khởi nghĩa của:

 

- Lê Thành Phương (Tú Phương) ở Phú Yên, Khánh Hòa.

- Mai Xuân Thưởng ở Bình Định.

- Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi

- Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam.

- Quảng Trị chính là nơi phát tích của Phong trào Cần Vương, với sự hiện diện của vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn đã kêu gọi nhân dân Quảng Trị hưởng ứng phong trào.

- Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình.

- Nguyễn Xuân ÔnNghệ An

- Phan Đình Phùng, Cao ThắngHương Khê, Hà Tĩnh.

- Đinh Công Tráng, Phạm Bành với chiến lũy Ba Đình ở Nga Sơn, Thanh Hóa.

- Tống Duy TânQuảng Xương, Thanh Hóa.

- Nguyễn Đức Ngữ (Đốc Ngữ) ở Hòa Bình.

- Tạ Quang Hiện và Phạm Huy Quang nổi lên ở Thái Bình, Nam Định.

- Nguyễn Thiện Thuật với chiến khu Bãi Sậy ở Hưng Yên

- Nguyễn Quang Bích chỉ huy phong trào ở Phú ThọYên Bái.

. . . . .

 

Phong trào Cần Vương chỉ rầm rộ trong mấy năm đầu, nhưng vì không có lãnh đạo thống nhất cho toàn quốc, nên dần dần các cuộc khởi nghĩa đều bị đàn áp và tan rã. Tuy không thành, nhưng có những lãnh tụ Cần Vương đã để lại trong lòng dân chúng những mối cảm hoài thương tiếc và lòng tôn kính vô bờ:

 

Dân Phú Yên, Khánh Hòa làm sao quên được những nghĩa sĩ Cần Vương tên tuổi như Lê Thành Phương, Trịnh Phong...           

 

Ô Loan nước lặng như tờ

Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương

Trải bao gối đất nằm sương

Một lòng vì nước nêu gương anh hùng.

 

Người dân Bình Định làm sao quên nghĩa khí của vị lãnh tụ Cần Vương trẻ tuổi, lên đoạn đầu đài năm vừa 27 tuổi với câu nói bất hủ để trả lời sự dụ hàng của tên Việt gian Trần Bá Lộc: "Chỉ có đoạn đầu tướng quân, chứ không có hàng đầu tướng quân":

 

Ngó vô Linh Đổng mây mờ

Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây.

Sông Côn khi cạn, khi đầy

Khí thiêng đất nước nơi nầy vẫn thiêng

(Linh Đổng thuộc huyện Bình Khê, nay thuộc huyện Tây Sơn, Bình Định)

 

Nhân dân Quảng Nam làm sao quên được bậc sĩ phu tên tuổi của quê hương mình, từng đậu Phó bảng, ra làm quan cho triều đình được phong Hồng lô Tự khanh, nên còn được gọi là Hường Hiệu. Sau khi nhận được Dụ Cần Vương, Hường Hiệu đã cùng các đồng chí thành lập Nghĩa hội Quảng Nam và lập chiến khu kháng Pháp ở vùng chín xã Sông Con thuộc vùng Đại Lộc, Quảng Nam ngày nay. Thấy nghĩa quân bị vây ngặt, để chịu tội thay cho các đồng chí, ông đã tự nộp mình cho Nguyễn Thân để sau đó nhận lãnh án tử hình năm vừa tròn 40 tuổi (1847-1887)

 

Đường đi Chín xã Sông Con  

Hỏi thăm ông Hường Hiệu có còn hay không?

 

Thân xác ông không còn, nhưng danh thơm của ông thì vẫn còn cho đến ngàn sau.

 

Nhân dân Nghệ An Hà Tĩnh muôn đời không quên được vị lãnh tụ can trường Phan Đình Phùng, người làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay là huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, đậu Đình nguyên Tiến sĩ năm 30 tuổi và được xem là lãnh tụ kiệt hiệt bậc nhất của Phong trào Cần vương, kéo dài cuộc khởi nghĩa đến hơn 10 năm (1885-1896) cho đến ngày ông bị bệnh mà từ trần trong vùng rừng núi Vụ Quang (Hà Tĩnh):

 

Vườn ai trồng trúc trồng tre

Ở giữa trồng chè, hai bên đào ao?

Ấy nhà một đấng anh hào

Họ Phan làng Thái, đồng bào kính yêu.

 

Và:      

 

Sông Lam một dải nông sờ

Nhớ người quân tử bơ vơ nổi chìm.

 

Nhân dân Nghệ An Hà Tĩnh cũng không làm sao quên được cánh tay mặt của Phan Đình Phùng, được xem như một vị kỹ sư đầy tài năng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, đã từng bắt chước súng trường của Pháp để tạo ra  súng trường cho nghĩa quân sử dụng, đó là danh tướng Cao Thắng:

 

Nhớ ai nhớ mãi nhớ hoài

Nhớ người tráng sĩ gươm mài dưới trăng.

 

Nhân dân Hà Nam, Thanh Hóa làm sao quên được vị lãnh tụ tài ba của chiến khu Ba Đình (Thanh Hóa) đã từng nhiều phen làm cho quân Pháp phải táng đởm kinh hồn, dù cuộc chiến không thành, cá nhân ông bị tử trận, nhưng tên tuổi ông vẫn còn mãi trong lòng người dân Việt Nam:        

 

Có chàng Công Tráng họ Đinh

Dựng lũy Ba Đình chống đánh giặc Tây

Cơ mưu dũng lược ai tày

Chẳng quản đêm ngày vì nước lo toan

Dù cho vận nước chẳng còn

Danh nghĩa vẹn toàn muôn thuở không phai.

 

Dụ Cần Vương hay Dụ Thiên Hạ Cần Vương, về mặt hình thức là một tờ Dụ (gần giống như một sắc lệnh), về mặt nội dung lại giống như một bản Hịch kêu gọi toàn dân tham gia Cần vương. Thế nhưng trong lời cuối cùng của tờ Dụ lại mang đúng nội dung của một tờ Dụ, nêu rõ hậu quả của việc thực thi tờ Dụ: "Thưởng cũng hậu mà phạt cũng nặng, triều đình tự có phép tắc, chớ để hối hận sau này ! Phải nghiêm sợ tuân hành !" (Nùng thưởng trọng phạt, triều đình tự hữu điển hình, vô di hậu hối! Kỳ lẫm tuân chi!).

 

Tương truyền phong trào Cần vương Quảng Nam còn gọi là Nghĩa hội Quảng Nam đã xảy ra một vụ phản bội. Nguyên Trần Đỉnh, còn gọi là Tú Đỉnh, từng giữ chứ Tán tương Quân vụ vùng chín xã sông Con, nên còn có tên là Tán Thừa. Tú Đỉnh bị nghi là có lòng phản trắc, nghe theo lời dụ dỗ của bọn thuộc hạ vua Đồng Khánh nên đã bị các thủ lãnh trong phong trào Cần vương Quảng Nam ra lệnh hạ sát để làm gương cho mọi người đúng với nghiêm lệnh mà tờ Dụ của vua Hàm Nghi đã ban hành:

 

Tiếng đồn Tú Đỉnh

Coi Tân tỉnh Sông Con

Vì nghe vua Đồng Khánh lên non mất đầu.

 

Hay:

 

Tiếng đồn Tú Đỉnh sông con
Nghe lời Đồng Khánh lên non bị chặt đầu.

 

Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, Thống tướng de Courcy sai khâm sứ Trung Kỳ lúc bấy giờ là De Champeaux đến yết kiến Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ để xin lập người con nuôi thứ 2 của vua Tự Đức tức là Chánh Mông Ưng Kỷ, lúc này đã 21 tuổi lên ngôi vua.

 

Ưng Kỷ sinh năm 1864, là con trai trưởng của Kiên Thái Vương Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Năm lên 2 tuổi, ông được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm chăm sóc dạy dỗ. Đến năm 1882, ông được phong làm Kiên Giang quận công.

 

Cũng giống như Dục Đức, trong Di chiếu, vua Tự Đức đã có nhận xét về người con nuôi thứ 2 của mình là Ưng Kỷ như sau:

 

"...Ưng Kỷ người yếu hay ốm, có tâm tật, học chưa thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người cho lạm thẳng, đều không phải là tư chất thuần lương theo lời phải, sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được". (6)  

 

Sử gia Trần Trọng Kim đã từng xác nhận vua Đồng Khánh "ở rất được lòng người Pháp", và chính điều nầy đã khiến cho người dân Việt Nam đương thời đã có một cái nhìn không thiện cảm đối với ông vua thích chưng diện này:

 

Trời ơi trông xuống mà coi

Nước Nam cơ khổ “con trời” hai ông

Hàm Nghi chính thực vua trung

Còn như Đồng Khánh là ông vua xằng!

 

Như vậy là, Kiên Thái vương Hồng Cai có 3 người con đều làm vua. Đó là: con trai trưởng Ưng Kỷ tức vua Đồng Khánh đang tức vị, con trai thứ ba Ưng Đăng tức vua Kiến Phúc đã chết và con trai thứ năm Ưng Lịch tức vua Hàm Nghi đang bôn ba kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp. Do vậy, dân chúng đương thời mới tuyền tụng câu ca dao sau đây:

 

Một nhà sinh được ba vua:

Vua sống (Đồng Khánh), vua chết (Kiến Phúc), vua thua chạy dài (Hàm Nghi)

 

Hay:    

 

Một nhà sinh được ba vua:

Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài!

 

Bắt đầu từ thời Đồng Khánh, thực dân Pháp tạm coi được yên về mặt triều đình, không còn lo có những vị quan như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường gây trở ngại nữa. Từ đây bọn họ bắt đầu thực hiện chính sách thực dân của mình. Trước hết, thực dân Pháp lo xây dựng và củng cố bộ máy bảo hộ:

 

Mưa mô mưa trên trời rơi xuống

Gió mô gió từ ngoài Bắc gió vô

Kể từ ngày thất thủ Kinh Đô

Tây giăng dây thép, họa địa đồ nước Nam.

 

Mặt khác, bọn chúng hối hả lo thực hiện việc vơ vét tài sản của dân chúng Việt Nam:

 

Nhâm Ngọ thì có sao đuôi

Đến năm Quý Mùi giặc liền phá ra

Nhà vua thân với Lang Sa

Để Tây ăn cướp trứng gà của dân.

 

Ký xong hai hòa ước bất bình đẳng: Hòa ước Harmand ký ngày 25-8-1883) còn gọi là Hòa ước Quý Mùi và Hòa ước Patenotre ký ngày 6-6-1884 còn gọi là Hòa ước Giáp Thân, triều đình nhà Nguyễn đành bó tay, mọi quyền hành nằm trong tay thực dân Pháp hay nói đúng hơn là nằm trong tay tên Khâm sứ Pháp tại Trung Kỳ (Résident supérieur de l'Annam). Từ đây, người dân chỉ còn biết tuân theo các đường lối chính sách của các tên Toàn quyền, Khâm sứ ở mỗi Kỳ hay Công sứ ở mỗi tỉnh:

 

Ngó xuống sông Hương nước xanh như tàu lá

Ngó về Đập Đá, phố xá nghênh ngang

Từ ngày Tây lại, sứ sang

Đi xâu, nạp thuế, làm đàng không ngơi.

 

Năm 1886, trước sức ép của thực dân Pháp, triều đình phải ký nhường đất Tourane tức Đà Nẵng mà dân chúng địa phương vẫn quen gọi là đất Hàn, cửa Hàn cho Pháp làm nhượng địa. Bọn chúng vội vã lo xây dựng cơ tầng cơ sở để vơ vét tài sản của đất nước Việt Nam:

 

Đứng bên ni Hàn

Ngó qua bên tê Hà Thân

Nước xanh như tàu lá

Đứng bên tê Hà Thân

Ngó về Hàn phố xá nghênh ngang

Kể từ ngày Tây lại đất Hàn

Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu

Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu

Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau.

 

Trong lúc triều đình Đồng Khánh đang trị vì ở kinh đô Huế thì 2 mặt Nam Bắc của tỉnh Thừa Thiên, các cuộc khởi nghĩa Cần Vương vẫn ùn ùn nổi lên khắp nơi. Sống trong không khí chiến tranh, một mặt phải cung phụng cho triều đình, một mặt bị thực dân Pháp bóc lột, mặt khác nữa cần phải ủng hộ Phong trào Cấn vương, dân chúng thấy vô cùng lo lắng, buồn phiền:

 

Đời mô cơ khổ như ri

Đồng Khánh ở giữa, Hàm Nghi hai đầu

 

Hay:    

 

Ngẫm xem thế sự mà rầu,

Chính giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi.

 

Có một giai thoại về câu ca dao này.

 

Chuyện kể rằng, có một đám dân phu đang làm lao dịch đắp đường cho thực dân Pháp dưới sự canh chừng của một tên cai người Việt. Tên này muốn lấy lòng chủ Pháp nên rất khắc nghiệt đối với đám dân phu. Có mặt tên cai, đám dân phu làm việc có vẻ chăm chỉ ; đến khi hắn đi đến kiểm soát nới khác, họ lại râm ran chuyện trò, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện nước chuyện làng. Một bác trung niên hấp háy mắt đảo quanh rồi khẽ khàng nói:

 

- Gần đây dân quê tôi loan truyền câu ca dưới đây: "Ngẫm xem thế sự mà rầu - Chính giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi". Bà con mình có ai nghe không?

 

Tên cai trên đường quay lại, nghe tiếng được tiếng mất, bèn quát tháo dọa dẫm:

 

- Chúng mày bàn chuyện quốc sự hả? Muốn chết hả?

 

Bác dân phu trung niên lanh trí trả lời ngay:

 

- Dạ, tụi tui đâu dám bàn chuyện quốc sự!

 

- Láo, mày mới nói cái gì Đồng Khánh, Hàm Nghi đó?

 

- Dạ, đâu có nói gì tới mấy ông vua. Tụi tui nói chuyện gánh đá đó chớ. Tụi tui nói như vầy nè:

 

Ngẫm xem công việc mà rầu,

Chính giữa đòn gánh, hai đầu hai ky!

 

- Liệu mà giữ mồm giữ miệng, không thì chết cả lũ!

 

Nói xong, hắn lầm lũi bước đi. Cả đám dân phu được một trận cười no bụng.

 

Họ trách cứ cả đám quan lại có dính líu hoặc nhiều hoặc ít đến tình trạng rối ren của đất nước lúc bấy giờ. Dưới mắt họ, Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường quả là một tên gian hùng, gây nên binh biến rồi trở ra đầu thú; Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết quả là một người vũ phu, hiếu sát lại thiếu khôn ngoan; Phò mã Hoàng Kế Viêm, chồng của Công chúa Hương Lan, con gái vua Thiệu Trị, vì hám địa vị cao đã dám nhận trọng trách kêu gọi vua Hàm Nghi quy thuận; Tiễu phủ sứ Ông Ích Khiêm tuy là người có đởm lược nhưng lại hay khinh mạn, ưa chọc giận những quan đại thần mà ông cho là bọn xu thời ỷ thế. Đương thời có câu ca dao nhận xét về các nhân vật này như sau:

 

Nước Nam có bốn anh hùng:

Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu

 

Lại thêm hai đứa vũ phu:

Đề Tuyên, Đề Soạn giơ khu chịu đòn.

 

Trong lúc các cuộc khởi nghĩa thuộc Phong trào Cần vương như cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật và cuộc khởi nghĩa Hương Sơn của Phan Đình Phùng vẫn còn tiếp tục, thì, vào đêm 26-9-1888, do sự phản bội của tên Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và sau đó, vào ngày 13-12-1888, thực dân Pháp đã đưa vua Hàm Nghi xuống tàu "Biên Hòa" vượt đại dương sang Algérie, một quốc gia thuộc địa của thực dân Pháp ở Bắc Phi sống cuộc đời của một vị hoàng đế bị lưu đày.

 

*  *  *

 

Ngày 19-7-1883, vua Tự Đức băng hà. Trong lúc tử cung còn quàn điện Hòa Khiêm thì ngày 25-7-1883, chỉ mới sau 3 ngày tại vị, vua Dục Đức đã bị truất phế. Mãi đến ngày 3-9-1883, vua Tự Đức mới chính thức an táng tại điện Hòa Khiêm thuộc Khiêm cung. Trước ngày vua Dực Tông được an táng, vào ngày 25-8-1883, triều đình đã phải ký hòa ước bất bình đẳng Quý Mùi còn gọi là Hòa ước Harmand chấp nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam, sau đó được sửa lại và gọi là Hòa ước Giáp Thân còn gọi là Hòa ước Patenôtre (6-6-1884), Việt Nam hoàn toàn mất chủ quyền về mặt ngoại giao và kinh tế trên trường quốc tế. Trước khi ký Hòa ước Giáp Thân, vua Hiệp Hòa đã bị bức tử. Kiến Phúc ở ngôi mới 6 tháng đã quy tiên trong một trường hợp còn nhiều nghi vấn? Hàm Nghi lên lại xảy ra sự kiện Kinh thành thất thủ (06-7-1885), vua Hàm Nghi phải chạy ra Quảng Trị, ban Dụ Cần Vương, tạo thành một phong trào kháng Pháp khắp một giải Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Các cuộc khởi nghĩa từ từ bị dập tắt thì vua Hàm Nghi bị bắt rồi sau đó bị lưu đày (13-12-1888).

 

Đây là một giai đoạn lịch sử vô cùng đen tối nhưng cũng vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam đã được người bình dân Việt Nam ghi lại một phần bằng những lời ca dao thấm đượm tình tự yêu nước.

 

ĐÀO ĐỨC NHUẬN        

 

Ghi chú:

 

(1) Đại Nam Thực Lục, Đệ ngũ kỷ, quyển LXIX

(2)                    - như trên -

(3)                    - như trên -

(4) Dụ Cần Vương - Nguồn: Wikisource.

(5)                    - như trên -

(6) Đại Nam Thực Lục, Đệ tứ kỷ, quyển LXIX

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh