Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
BAO GIỜ GÁNH ĐÁ ÔNG ĐĂNG CHO RỒI!
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Ngày nay ở xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa còn lại một di tích lịch sử - văn hóa có một cơ cấu kiến trúc bằng đá khá đặc biệt, đó là đền Phúc Khê, tức khu lăng mộ của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (1525-1595), người thời Lê Trung hưng.

 

Trong bài "Chuyện về người thầy dạy hai đời vua Lê", ông Đỗ Huệ đã mô tả sơ lược khu lăng mộ nầy như sau:

 

"Với tổng diện tích 38.000m2, khu đền thờ - lăng mộ Nguyễn Văn Nghi bao gồm nhiều thành phần kiến trúc với chức năng khác nhau được bố trí theo kiểu "Nội công ngoại quốc", gồm 2 vòng thành khép kín: Thành đất (thành ngoại) ở ngoài, thành đá (thành nội, rộng tới 16.000m2) ở trong. Bên trong thành nội là các cụm kiến trúc gỗ được xây dựng theo hình chữ "Công", chữ "Tam", chữ "Nhị" và "Nhất" rất tiêu biểu cho lối kiến trúc thời hậu Lê.

 

Đường dẫn từ thành ngoại vào trong khu nội viên được lợp đá tảng, hai bên là hàng chó đá, ngựa đá, voi đá và tượng thần hộ pháp. Hai chiếc bia đá rộng hơn 2,5m đối xứng hai bên, một chiếc bao gồm cả phần mái che cũng được đục nguyên khối không tách rời khiến người xem phải kinh ngạc vì sự tỉ mỉ của từng con chữ và hoa văn được khắc tinh tế trên bia.

 

Cổng vào hình mái vòm, bên trên có khắc ba chữ "Tướng công môn". Tường đá bao bọc cao tới gần 2m, bề rộng 1,5m dựng bằng hai hàng đá tảng, ở giữa đổ đất nện, phía trên là những phiến đá hình mai rùa úp xuống. Tính chiều dài bao phủ của tường thành nội cũng đến cả cây số, nhưng do nhiều lý do, một phần của tường thành đã bị chuyển ra làm cầu cống nên mất mát không ít." (net)

 

Nguyễn Văn Nghi sinh năm 1525 trong một gia đình thuộc dòng dõi khoa bảng. Ông nội là Nguyễn Uyên, thân phụ là Nguyễn Tú đều làm quan triều Lê, cả hai từng được phong Thái bảo, đứng vào hàng chánh nhất phẩm. Ông sinh trưởng tại làng Cổ Bôn, còn gọi là Kẻ Bôn, huyện Đông Sơn, tức là xã Đông Thanh ngày nay.

 

Đất Ái Châu xưa đã từng truyền tụng câu "Đông Sơn tứ Bôn, Hoằng Hóa lưỡng Bột" với niềm tự hào đây là vùng đất hiếu học và khoa bảng nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa.

 

"Đông Sơn tứ Bôn" xưa thuộc tổng Thạch Khê gồm 4 xã (tứ xã Bôn):

 

- Xã Phúc Thọ nay là làng Phúc Triền nơi tọa lạc đền thờ Phúc Khê tướng công.

 

- Xã Ngọc Bôi nay là làng Kim Bôi có đình và nghè Miễu Hạ thờ Đăng quận công Nguyễn Khải là con trai của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi

 

- Xã Ngọc Đôi nay là làng Ngọc Tích nơi tọa lạc đình Ngọc Tích thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi và Đăng quận công Nguyễn Khải.

 

- Xã Quỳnh Bôi.

 

Có giai thoại kể rằng, thuở còn là một bạch diện thư sinh, nhân một lần dạo mát bên bờ sông quê nhà, chàng nho sinh Nguyễn Văn Nghi nghe một người đàn bà thuyền chài hát ru con bằng câu ca dao:

 

Bên sông vắng vẻ một mình,

Có ông ngư phủ biết tình mà thôi!

 

Câu ca dao lời hay ý lạ này chợt đến rồi nằm yên mãi trong tiềm thức của Nguyễn Văn Nghi. Thế rồi, trong một khoa thi, nhân đề bài ra có dính dáng đến con nước thủy triều, ông chợt nhớ lại câu ca dao nọ và viết ngay vào bài thi thành 2 câu thơ chữ Hán mang nội dung đúng như trong câu ca dao.

 

Giang hà tĩnh mịch vô nhân vấn

Duy hữu ngư ông thức đắc tình!

 

Đến khi chấm bài, quan duyệt quyển đọc đến 2 câu thơ này bèn đánh dấu khuyên đỏ với lời phê "thần cú" (câu thơ thần). Câu "thơ thần" còn lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

 

Trong bộ Lịch triều Hiến chương Loại chí, phần Nhân vật chí, mục "Nhà Nho có Đức nghiệp", nhà thư tịch học Phan Huy Chú (1782-1840) đã tóm lược tiểu sử của Nguyễn Văn Nghi như sau:

 

"Ông người làng Ngọc Bôi, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, đỗ nhất giáp Chế khoa năm Thuận Bình thứ 6 (1554) đời Trung Tông. Ông tính đoan chính, cẩn hậu, có khuôn phép, được Lượng quốc công (Trịnh Kiểm) tôn trọng, lúc đầu làm Hiệu lý viện Hàn lâm.

 

Năm Bính Thìn (1556), Anh Tông lên nối ngôi, Lượng quốc công thấy ông học hành thuần chính cho vào hầu giảng, ông trình bày nghĩa lý được nhà vua rất tôn trọng. Ông giảng dạy ở tòa Kính diên giúp ích rất nhiều.

 

Mùa Xuân Đinh Tỵ đời Thiên Hựu (1557) ông được lên chức Cấp sự Hộ khoa, kiêm quản lý tài chánh, đến đời Gia Thái đổi làm Tả thị lang bộ Binh, tổng ký lục Chính Dinh.

 

Năm Canh Thìn đời Quang Hưng (1580), ông được đổi Tả thị lang bộ Lại, vào hầu giảng Kinh diên, kiêm Học sĩ Đông các.

 

Bấy giờ Thế Tông còn trẻ, ông giúp đỡ giảng dạy, trau dồi hun đúc nên, sau thành vị vua giỏi thời Trung hưng do công đào tạo của ông rất nhiều. Khi ông chết, truy tặng Thượng thư bộ Công, gia Thái bảo.

 

Ông là bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, đức nghiệp và tiếng tăm hơn cả các Nho thần đầu thời Trung hưng.

 

Về sau, có năm đại hạn, [người ta] cầu ở đền ông được mưa, nên vua phong làm Phúc thần."  

 

Ba vua tri ngộ ở đây là: Lê Trung Tông (1548-1556),  Lê Anh Tông (1556-1573) và Lê Thế Tông (1573-1599).

 

Về thời gian xây dựng đền Phúc Khê, ông Đỗ Huệ, trong bài viết nêu trên đã cho chúng ta biết như sau:

 

"Theo sử sách, đền thờ Nguyễn Văn Nghi được xây dựng từ năm 1617 niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời vua Lê Kính Tông (1600-1619). Đến năm 1628, con trai thứ hai của ông là Binh bộ Thượng thư Đăng quận công Nguyễn Khải đã mở rộng thêm quy mô kiến trúc. Đến đời cháu ngoại của ông là Lê Khắc Tuy - Tri phủ Hà Trung cùng dân 14 xã trong huyện Đông Sơn tu bổ hoàn chỉnh vào tháng 9 năm 1632, đời vua Lê Thần Tông (1619 - 1643), đền thờ được tôn tạo đúng vị trí ban đầu."  

 

Nguyễn Văn Nghi mất năm 1599, mãi đến năm 1617 dưới đời vua Lê Kính Tông lăng mộ của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi mới được khởi công. Chúng ta không biết khu lăng mộ xây dựng lần đầu như thế nào và trong thời gian bao lâu; chúng ta chỉ biết, hơn 10 năm sau, năm 1628 dưới đời vua Lê Thần Tông lần thứ nhất (1619-1643) (*), con trai của ông là Binh bộ Thượng thư, Đăng quận công Nguyễn Khải mới "mở rộng thêm quy mô kiến trúc".

 

Về Đăng quận công Nguyễn Khải, cũng theo Phan Huy Chú, sau phần viết về Nguyễn Văn Nghi đã có lời phụ chú như sau:  

 

"Nguyễn Khải làm quan võ, tước Đăng quận công mấy lần trải thăng đến Tả đô đốc, được phong làm Hiệp mưu Dương võ công thần. Sau lại lên Thượng thư bộ Binh, tiến lên Thái bảo. Trong thời Đức Long (1629-1634) lại được gia Thái phó. Ông cùng với Nguyễn Thực đều là bậc quốc lão, tham dự triều chính"

 

Đức Long là niên hiệu thứ 2 của vua Lê Thần Tông, sau niên hiệu Vĩnh Tộ (1620-1628)         

 

Chúng ta nhắc đến tên Đăng quận công Nguyễn Khải ở đây bởi vì ông là người đã đứng ra lo việc "mở rộng thêm quy mô kiến trúc" khu đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi và tên tuổi của ông lại được nhắc đến qua mấy câu ca dao sau đây, hẳn đã xuất hiện vào sinh thời của ông và lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Đó là:

 

- Làng Vạc ăn cỗ ông Nghè

Làng Vận, làng Chè kéo đá ông Đăng

 

- Cơm ăn mỗi bữa một lưng

Bao giờ gánh đá ông Đăng cho rồi

Cơm ăn mỗi bữa một vơi

Bao giờ gánh đá cho rồi ông Đăng?

 

Một số sách sưu tập ca dao, sau khi ghi những câu ca dao dẫn thượng đều có lời chú:

 

"Ông Đăng: Đời Hậu Lê (1600), nhân dân Ngọc Bôi bị Đăng quận công Nguyễn Khải bắt gánh đá làm sinh từ ở Đông Sơn, Thanh Hóa." (sách Kho Tàng Ca Dao Người Việt - 507)

 

Mã Giang Lân trong Tục ngữ Ca dao Việt Nam ghi chú:

 

"Ông Đăng: Đăng quận công Nguyễn Khải, đời Lê Mạc, bắt nhân dân Thanh Hóa kéo đá xây sinh từ..." (tr.195)

 

Trong một bài biên khảo bằng tiếng Anh đã được Ngô Bắc dịch ra tiếng Việt với nhan đề "Sử ký dân gian tại Việt Nam", nhà biên khảo Huỳnh Sanh Thông cũng đã nhắc lại câu ca dao nầy với lời nhận xét như sau:

 

"Tại miền Nam, các Chúa Nguyễn cũng chẳng khá hơn bao nhiêu đối với quần chúng.  Nguyễn Khải, cũng được biết là ông Hoàng Đằng, muốn có một ngôi đền thờ của chính ông được xây cất tại Thanh Hóa và vào khoảng năm 1800 đã trưng tập nhiều nông dân làm công dịch không lương.  Sự bất mãn của họ được thổ lộ trong đôi câu thơ này: “Cơm ăn mỗi bữa một lưng/. Bao giờ gánh đá ông Đằng cho rồi? (*). 

 

Sinh từ là "đền thờ, nhà thờ lập sẵn khi còn sống" (Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức). Thông thường, con cái lập sinh từ cho cha mẹ hay dân chúng lập sinh từ để đền đáp công ơn của một người nào đó đối với địa phương mình ngay khi người ấy vẫn còn tại thế như trường hợp dân chúng vùng Tiền Hải, Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình xưa lập sinh từ cho Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ người đã có công lập nên 2 huyện nầy. Cũng có khi một người nào đó, hoặc giàu có hoặc có nhiều quyền thế cũng xây sinh từ cho riêng mình.

 

Cứ theo như tài liệu và di tích còn lại tại xã Đông Thanh,  tại làng Kim Bôi (xưa là xã Ngọc Bôi) có đình và nghè Miễu Hạ thờ Đăng quận công Nguyễn Khải và đình làng Ngọc Tích (xưa là xã Ngọc Đôi) thờ hai cha con Nguyễn Văn Nghi và Nguyễn Khải. Đây chỉ là 2 ngôi đình làng, theo chính quyền tỉnh Thanh Hóa, chỉ được xếp hạng là loại di tích lịch sử cấp tỉnh ; trong lúc đó, ngôi đền Phúc Khê tức khu lăng mộ của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, thân phụ của Đăng quận công Nguyễn Khải, mới thật là quy mô bề thế, theo một cung cách kiến trúc đặc biệt toàn bằng đá như đã được mô tả ở trên và đã được xếp hạng theo loại di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

Chúng tôi, một lần nữa, xin mượn lời của ông Đỗ Huệ:

 

"Theo lời ông từ giữ đền Nguyễn Xuân Thái, trước kia, nơi đây là một vùng trũng, bốn bề là nước. Ở giữa có một khu đất cao hơn một chút, về sau được nhà vua ban cho gia đình Đăng Quốc công Nguyễn Khải (con trai Nguyễn Văn Nghi) làm nơi thờ tự. Việc dựng đền trong khu vực này gặp không ít gian nan.

 

Tương truyền để xây dựng xong khu đền, người xưa đã phải sử dụng tới hàng vạn phiến đá tảng từ núi Nhồi, hàng trăm chuyến bè nối đuôi nhau trên sông, đến sát khu chân đền rồi vận chuyển tiếp lên cao. Không biết có phải "phạm" tới long thần, thổ địa hay không mà không ít lần bè đã đến bến mà vẫn vỡ. Những phiến đá xanh kích cỡ cả nửa khối đá được mài nhẵn 6 mặt cứ thế chìm xuống lòng sông, người thợ lại phải kích lên rồi vận chuyển bằng chính sức người.

 

Ròng rã nhiều năm trời, nơi dùng để tập kết bè chở đá giờ vẫn còn vết tích là một khu trũng sâu, nước ngập. Việc làm móng thì vô cùng vất vả, phải gia công hàng năm trời đất mới đủ độ chắc để xây dựng..." (Đỗ Huệ)

 

Đọc qua những đoạn văn được trích dẫn trên đây, có 2 điều chúng ta cần lưu ý:

 

- Thứ nhất, khu lăng mộ bề thế của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây cất phần lớn bằng đá.

 

- Thứ hai, việc xây cất khu lăng mộ nầy kéo dài trong nhiều năm.

 

Khởi xướng việc "mở rộng thêm quy mô kiến trúc" này vào năm 1628 là Đăng quận công Nguyễn Khải và hẳn nhiên ông cũng là người chịu trách nhiệm trong công việc này nên từ đó mới xuất hiện bài ca dao có nhắc đến tên ông "...Bao giờ gánh đá ông Đăng cho rồi..." như đã được nêu ở trên.

 

Ông cho "mở rộng thêm quy mô kiến trúc" khu đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi là ông đang làm một công việc vô cùng quan trọng mà người Việt chúng ta gọi là "báo hiếu" như ca dao của chúng ta cũng đã từng nhắc nhở:

 

Công cha ba năm sinh thành tạo hóa

Nghĩa mẹ chín tháng cực khổ cưu mang

Hai đứa mình lấy chi đền nghĩa đáp ân

Lên non gánh đá xây lăng phụng thờ.

 

Có lẽ đây chỉ là ước vọng của một đôi vợ chồng nghèo và "xây lăng phụng thờ" ở đây cũng chỉ mang một ý nghĩa tượng trưng. Thế nhưng, đối với Đăng quận công Nguyễn Khải, việc "xây lăng phụng thờ" của ông là một công việc có thật, được ông thực hiện một cách dễ dàng, bởi vì, vào thời gian nầy, Nguyễn Khải đang lãnh chức Binh bộ thượng thư Thái úy Đăng quận công - một nhân vật có rất nhiều thế lực trong triều đình đương thời. Ông muốn cho khu lăng mộ phải "tương xứng" chẳng những đối với địa vị "Thầy dạy 2 Vua" của thân phụ ông, mà còn với ông là một vị thượng quan đương triều nữa! Ông không có thì giờ để ngày ngày trông coi công việc xây cất nhưng ông là người hoàn toàn chịu trách nhiệm trong cộng cuộc xây cất này.

 

Chúng ta thử đọc vài sự kiện có quan hệ đến đời sống của nhân dân lúc bấy giờ. Những đoạn dưới đây được trích từ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Net):

 

-"Đinh mão, Vĩnh Tộ thứ 9 (1627) ....Tháng 2, Thanh Đô vương hộ vệ thánh giá thân chinh. Quân đến cửa Nhật Lệ, giặc (tức chúa Nguyễn ở phía Nam sông Gianh - ĐĐN chú) dựa vào thế hiểm chống lại, đại quân mấy lần giao chiến không lại, liền chỉnh đốn lại quân ngũ trở về." (667)

 

-"Kỷ tỵ, Vĩnh Tộ thứ 11 (1629).. Mùa Hạ, tháng 4 hạn hán...Đói to". Vua phải đổi niên hiệu Đức Long năm thứ 1.(667)

 

-"Canh ngọ, Đức Long năm thứ 2 (1630)...Tháng 6, nước to đổ về, sông Nhị đầy tràn, ngập vào đến phố, phố phường nhiều người bị chết đuối. Lại đê điều ở các xã Yên Duyên, Khuyến Lương huyện Thanh Trì bị vỡ, thóc lúa hao tốn, nhân dân đói kém." (668)

 

Tháng 9, vua làm 3 tòa cung điện và 10 gian hành lang.

 

- Giáp tuất, Đức Long năm thứ 6 (1634)...Mùa Hạ đại hán, lúa má khô héo, nhân dân đói kém. Đến mùa Thu mới mưa."  

 

Nạn đói kém kéo dài lại thêm cái nạn phải xây thêm cung điện cho nhà vua đã khiến nhân dân phải buông lời oán than trách cứ:

 

Từ ngày Vĩnh Tộ lên ngôi

Khoai chửa mọc chồi đã nhổ lên ăn.

 

Trong hoàn cảnh đất nước như thế, Đăng quận công Nguyễn Khải lại cho "mở rộng quy mô kiến trúc" khu lăng mộ của thân phụ  và bắt nhân dân quê hương ông phải è cổ ra mà phục dịch!

 

Làng Vạc ăn cỗ ông Nghè

Làng Vận, làng Chè kéo đá ông Đăng

 

Làng Vạc tức làng Cổ Đô, thời Lê trung hưng thuộc tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, nay thuộc về xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng Vạc có người đỗ đạt cao, đó là ông nghè Trần Hữu Nho, đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa thi Canh Tuất (1490) thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497).

 

Vào thời Nho học thịnh hành, để khuyến khích việc học hành, nhiều địa phương cấp phủ, huyện hoặc cấp tỉnh, đưa ra lệ là làng nào có người đỗ đạt cao trai tráng trong làng khỏi phải làm tạp dịch, phu phen.

 

Trong thời gian xảy ra việc "kéo đá ông Đăng" này, các làng Vạc (tức làng Cổ Đô), làng Chè (tức làng Trà Phượng), làng Vận (tức làng Vận Quy) đều thuộc tổng Vận Quy, nay thuộc về xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa nằm về phía Bắc giáp ranh với Cổ Bôn nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Cùng thời gian này, Cổ Bôn có Nguyễn Văn Nghi cũng đậu đệ nhất giáp Chế khoa (tức tiến sĩ). Vì vậy, chỉ có dân làng Vận và làng Chè phải nai lưng kéo đá để xây đền thờ của thân phụ Đăng quận công Nguyễn Khải!

 

Câu ca dao nầy chỉ nhắc tới làng Vận, làng Chè, chứ trên thực tế hẳn còn nhiều làng xã khác  quanh vùng phải tham gia vào công việc nặng nhọc chuyển đá xây lăng nầy!

 

Trong công việc xây lăng, dân chúng đã phải phục dịch nặng nhọc, gặp nhiều trắc trở khó khăn như ở trên ông Đỗ Huệ đã theo tương truyền mà kể lại, đời sống bình thường đã lâm vào đói kém lại càng đói hơn vì phải làm nặng mà ăn uống lại thiếu thốn, mỗi bữa một lưng chén cơm, mỗi ngày khẩu phần mỗi giảm làm sao bù nổi cho sức lực mỗi ngày bỏ ra ; trong lúc đó, công việc xây cất quy mô lại kéo dài không biết bao giờ mới xong:

 

Cơm ăn mỗi bữa mỗi lưng,

Bao giờ gánh đá ông Đăng cho rồi?

Cơm ăn mỗi bữa một vơi,

Bao giờ gánh đá cho rồi, ông Đăng?

 

Đăng quận công có nghe được những lời ta thán não nùng nầy chăng? Hẳn là có. Cứ theo nội dung của câu ca dao, rõ ràng là dân chúng than vãn về thời gian kéo dài không biết đến bao giờ cho xong, có vẻ như muốn đặt thẳng vấn đề với Đăng quận công Nguyễn Khải.

 

Thế nên, câu hỏi "Bao giờ gánh đá ông Đăng cho rồi" có thể là một câu tự vấn, buồn cho số phận thì hỏi bâng quơ vậy thôi ; nhưng đến câu "Bao giờ gánh đá cho rồi, ông Đăng?" thì có vẻ như dân chúng đã trực tiếp chất vấn người chịu trách nhiệm cao nhất trong công trình xây cất này: Đăng quận công Nguyễn Khải!

 

Tiếng ta thán còn vọng mãi đến ngàn sau!

 

Thế mới biết câu ví của dân gian xưa nói không sai:

 

"Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ!".

 

 

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Ghi chú:

 

Lê Thần Tông lần thứ nhất: 1619-1643

Lê Thần Tông lần thứ hai: 1649-1662

 

(*) Trong đoạn văn trích dẫn trên đây của nhà biên khảo Huỳnh Sanh Thông có 2 điểm cần bàn lại:

 

- Vào năm 1800, nước Việt Nam đã bị phân chia làm 2 lấy sông Gianh làm ranh giới: Miền Bắc gọi là Đàng Ngoài, Miền Nam gọi là Đàng Trong. Thanh Hóa thuộc về miền Bắc, dưới quyền vua Lê chúa Trịnh chứ không phải chúa Nguyễn!

 

- Ông Nguyễn Khải ở Thanh Hóa, tước Đăng quận công, không phải là ông Hoàng Đằng (Prince Đằng). Nếu có một ông Hoàng nào ở Thanh Hóa thì ông Hoàng đó phải mang họ Lê!

 

- Câu ca dao "Cơm ăn mỗi bữa mỗi lưng - Bao giờ gánh đá ông Đằng cho rồi" đọc lên nghe có vẻ trục trặc bởi, trong câu bát (câu thơ tám chữ) chữ thứ sáu và chữ thứ tám không thể cùng một "thanh". Nếu chữ thứ sáu là "phù bình thanh" (tức không có dấu) thì chữ thứ tám phải là "trầm bình thanh" (tức có dấu huyền) hay ngược lại.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh