Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
BÍCH KHÊ LÊ QUANG LƯƠNG
XUÂN THỚI

 

Cho đến tận ngày nay vẫn chưa có một hội thảo hay tham luận nào bàn sâu sắc đến thuyết “tài mệnh tương đố” đối với những bậc tài hoa, nhất là trong giới làm văn học nghệ thuật. Cũng không tài liệu nào truyền lại thuyết đã có từ bao giờ, và ai là người chứng ra. Mà, cho đến đại thi hào Nguyễn Du, hai trăm năm trước mở đầu kiệt tác “Truyện Kiều” của mình, cũng không giấu được nỗi ngao ngán:

 

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.

 

Nỗi ám ảnh ấy như dày vò mãi tâm hồn, để đoạn sau ông phân trần không khác một lời tán thán:

 

Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

 

Không riêng nhà thơ, một người bạn vừa đồng môn vừa thân tình của cụ; nhà khoa bảng Phạm Quý Thích trong một bài cảm tác truyện Kiều của bạn cũng âu sầu:

 

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy

 

Còn nhiều, nhiều lắm, lẫn khuất trong nhân gian không biết bao nhiêu những ưu tư cho định mệnh nghiệt ngã của kiếp người tài hoa.

 

Trong đời thường, nơi đây, nửa đầu thế kỷ XX, cái tài và mệnh đó, lại như vận vào một thân phận để khiến cho tinh anh vừa phát tiết đã sớm lụi tàn. Thân phận đó là Bích Khê, Lê Quang Lương, một tinh hoa miền núi Ấn sông Trà, một thi nhân đa tài mang dòng máu Lê tộc. 

 

Trong thời kỳ thơ mới nở rộ, nếu Nguyễn Bính và Huy Cận cũng làm thơ và nổi tiếng ở tuổi mười lăm, mười bảy như Bích Khê, thì ở đây, phải nhận rằng tác giả Tinh Huyết là một thiên tài đích thực, nếu không muốn nói là thần đồng như danh xưng trong tân ngữ hiện thời. Vì dù gì hai nhà thơ kia cũng có nhiều thuận lợi hơn. Một học hành và ở ngay trong lòng chốn Thần Kinh, nơi qui tụ gần như hầu hết những bậc kỳ tài của Vương triều đương thời. Và một, ở không xa lắm nơi được gọi thủ đô “ngàn năm văn vật” nhiều thời kỳ của đất nước.

 

Người thiếu niên Lê Quang Lương, từ một làng quê xa xôi, điều kiện giao tiếp không nhiều thuận lợi, nhưng ngay từ khởi thủy sự nghiệp thơ ca của ông đã như một bông hoa với đầy đủ hương sắc diệu kì. Khiến thoạt đầu, đã làm cho những tên tuổi trong làng văn học lúc bấy giờ, từ tác giả “Mùa cổ điển”, “Gái quê”, “Điêu tàn” đến người có tâm sự “Bến My Lăng” Yến Lan, cũng tìm đến kết thân và quý mến.

 

Nếu không có thiên tư, thì một thiếu niên 15 tuổi, tận miền trung xa xôi lại am tường và say mê để sáng tác những bài ca trù, một loại hình nghệ thuật đặc trưng của miền bắc đất nước.

 

Nhưng hỡi ôi! Cái tinh anh phát ra hương sắc diệu kì ấy lại như “tương đố” với mệnh trời, nên chỉ tồn tại trên cõi vô thường nầy vỏn vẹn mười lăm năm. Để rồi “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!”. Tình ở đây không phải tình chốn thanh lâu của cô Kiều, tình lứa đôi thường tình trong cuộc sống, mà là tình của một con người với nghệ thuật, con người trong cái định mệnh nghiệt ngã vận vào một bông hoa quý vừa mới nở đã vội héo úa và lụn tàn.

 

Rồi, phải chăng nhà thơ có được cái linh cảm về mệnh của mình. “Thiên tài” (*) ấy, như hóa thân của một con tằm khi đến độ chín muồi, vội vã nhả cho đời những sợi tơ óng mượt chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, đến nỗi:

 

“…chỉ trong vòng ba tháng thôi, chàng đã viết được tập thơ bằng máu huyết, tinh tủy và châu lệ, tất cả say sưa đắm đuối của một tâm hồn thi sĩ”.

(Thơ Tinh Huyết, theo Wikipedia tiếng Việt)     

 

Vội vã như thế, gấp gáp như thế và cũng không cả tuyên ngôn, trường phái ồn áo như ai khác. Nhưng không vì vậy không có được phương châm trong sáng tác, để tự thân bộc lộ quan niệm của một tài năng:

 

Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới

Của lời thơ lóng đẹp - Hạt châu trong -

Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng

Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng...

...Ta nhịp nhàng ý nhị nhịp theo Ta

Lời nối lời bố thí lộc tinh hoa

Của âm điệu, mơ màng run lẩy bẩy,

Một hỗn hợp đẹp xô bồ say dậy

Bằng cảm tình, bằng hình ảnh yêu thương

Và mới mẻ - trên viễn cổ Đông phương!

(Ai có nghe sức tiềm tàng bí mật?)

Thơ lõa thể! Giai nhân tuần trăng mật,

Nữ thần ơi! Ta nô lệ bên người!...”

(Duy Tân)

 

Một tác phẩm đầu đời của một tài hoa mới xuất hiện đã được rất nhiều người hâm mộ. Và đến cả ngôi sao đã chói sáng trên bầu trời thơ ca dân tộc lúc bấy giờ, cũng không ngần ngại kết luận để trân trọng giới thiệu với đời trong lời tựa:

 

”Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị... Và đem phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác nhau: Thơ tượng trưng, thơ huyền diệu và thơ trụy lạc...Sự điên cuồng ấy uyên nguyên ở một phần thiên tài, và ở một phần sự "Đau khổ"...

Hàn Mặc Tử

 (Trích lời tựa Trinh Huyết)

 

Nói đến mùa thu, trong giai đoạn thơ mới làm thành phong trào và tiêu biểu cho thơ Việt hôm nay. Người ta thường chỉ nhắc đến:

. . . . . . . . . . . .

”Em không nghe rừng thu

Lá thu reo xào xạt

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp tren lá vàng khô

Lưu Trọng Lư

(Tiếng Thu)

 

…mà quên đi rằng, làm sao nhẹ nhàng, thanh thoát và như một bức tranh thủy mạc lung linh phảng phất trong hồn người yêu thơ, qua hai câu tiêu biểu của toàn bài mang đậm tính nghệ thuật độc đáo của một thơ thể (toàn vần bằng):

 

Ô hay! buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông

 (Tỳ bà – Bích Khê)

 

Ở một chỗ khác, ý tưởng nhân cách hóa hay so sánh tinh tế, mà có lẽ chỉ có được bởi trí tưởng tượng tuyệt vời của thi nhân mà thôi:

 

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương”

 (Tranh lỏa thể - Bích Khê)

 

“Tương đố” trong lãnh vực thơ ca với một tài hoa đã là thường tình. Ở một trật tự khác, nhà thơ như cũng bị sự ích kỷ, hẹp hòi làm cho chẳng những tên tuổi mà cả sự nghiệp đời người của ông, nói chung, cũng thăng trầm theo vận nước.

 

Ngay tại quê hương ông, trong thời kỳ sự yêu, ghét không bị ràng buộc bằng định hướng. một số người yêu mến tài năng, và xót thương một định mệnh, đã tự động gắn tên ông cho một con đường khu phố nhỏ của mình - đường Bích Khê. Đến khi nhân việc chỉnh trang đô thị người ta không ngần ngại xóa đi để thay vào đó bằng tên một nhà thơ lớn khác – đường Nguyễn Du. Cũng không biết được có hay không việc cố tình để tránh phản ứng của người yêu thương. Nhưng xóa được âm hưởng của một người con quê hương đáng được trân trọng hơn là định kiến.

 

Nhưng rồi lẽ phải bao giờ cũng là chân lý. Từ giá trị thơ ca tuyệt tác của ông, sự quý trọng của đông đảo người yêu thơ mọi thời đại, và nhất là những người biết trân trọng giá trị thiên tài, vượt ra ngoài ý thức thiển cận. Đã không thể để tên tuổi ông mãi trong vòng quên lãng. Và càng như một sự can đảm, đã làm được cuộc hội thảo về ông đầy đủ. Để từ đó, nhà thơ hậu sinh Thanh Thảo, người rất tâm huyết với công trình đã hoan hỉ kết luận “Bích Khê người đi sau nhưng về trước”. Vì trong lịch sử các tác giả văn học, ông là người đầu tiên có được một hội thảo để tôn vinh một tài năng đích thực, bị cố ý quên lãng. Cũng không khác nhắc lại những hẹp hòi không đáng có.

 

Trong thực tế, Bích Khê có những ý thơ và ngôn từ người đọc cảm nhận giống như Hàn Mặc Tử kết luận trong lời tựa có “tính cách thơ trụy lạc”. Nhưng là cái trụy lạc một phần “uyên nguyên từ sự đau khổ”. Không mang ý thức, cũng như xúi giục đi vào trác táng thấp hèn. Một cung cách trụy lạc chỉ để giải tỏa khổ đau. Vì vậy, thơ ông chẳng những không bị ruồng rẫy, mà còn được bao nhiêu thế hệ nối tiếp tôn vinh, để số lượng bài vở viết về ông từ những bậc tài danh đến cả người chỉ ghép nối con chữ, gấp nhiều lần so với ngôn từ ông để lại.

 

Để tưởng nhớ ngày thiên tài xuất hiện, mà một thời gian đến hàng mầy chục năm sau đó, gần như đã bị cố tình làm cho người đời quên lãng, vừa qua, anh Lê Cao Sơn, một hậu duệ đã tìm lại trong những trang sách cũ, vài tiêu biểu cảm nhận của các bậc đàn anh trong làng thơ ca ghi nhận từ lúc nhà thơ còn là:

 

Hôi miệng sữa, tuổi còn giọt máu

Nét hào hoa, chừng ná Tân, Dương

(Tài tử đa cùng phú - Cao Bá Quát)

 

… nhưng tài năng đã thành một ngôi sao sáng chói khi xuất hiện trên bầu trời văn học nước nhà.

 

Cùng với góp nhặt những cảm xúc chân thật phát xuất từ những tâm hồn cách xa ông cũng đến hàng bao nhiêu chục năm. Những con người luôn dành trọn tình cảm của mình cho người thơ yểu mệnh.

 

Sách mỏng nhưng tình dày, như lời cảm ơn chân thật đến những tấm lòng luôn mến mộ và trân trọng một thiên tài

 

Xuân Thới

Hạ chí 2016

 

 

Khu lưu niệm Thi sĩ Bích Khê (giai đoạn 1), tọa lạc tại thôn Thu Xà,

xã Nghìa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

 

(*) Chữ Hàn Mặc Tử

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com  

 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh