Dan Gardner
TH: T.Giang – SCDRC
Phần 1.
Đứa trẻ còn đang chập chững nhoẻn miệng cười ngặt nghẽo và nhoài người về phía ống kính. Một chân trần bước lên trước và như đang tiến nhanh lên ôm lấy đầu gối của người chụp. Cô bé còn quá nhỏ. Tay đầy những ngấn. Đó là một hình ảnh tràn ngập niềm vui, một bức chân dung đen trắng tuyệt đẹp và dễ thương mà một người mẹ sẽ đặt trên bàn cạnh giường ngủ hoặc có thể đặt ở phòng khách để ai đi qua cũng có thể nhìn thấy. Nhưng nó lại xuất hiện trên trang nhất một tờ báo và chỉ mang một ý nghĩa duy nhất, đó là bi kịch.
Cô bé tên là Shelby Gagne. Bi kịch được ẩn dấu qua chi tiết dễ bị bỏ qua: Tóc cô bé rất ngắn và lơ thơ, giống như một đứa bé mới sinh hoặc một đứa trẻ chập chững đang được xạ hóa trị.
Chân dung Shelby Gagne
Khi mới 22 tháng tuổi, Shelby bị một cái hạch kỳ lạ xuất hiện trên vai. Erin Anderssen viết “Cô bé bị bệnh ung thư Ewing độ 4. Shelby là một trường hợp vô cùng hiếm hoi. Và bệnh của cô bé tiến triển rất nhanh: Chỉ ba ngày giữa hai lần chụp cắt lớp, các vết đốm trên phổi đã chuyển từ những đám hạt tiêu thành những đám u hạch nhìn khá rõ”. Tiếp đó là một loạt phẫu thuật và xạ trị. Chị Rebecca, mẹ cô bé “liền bỏ việc để cùng với bà Carol McHugg mẹ mình thay nhau trực 24/24 ở bệnh viện. Anh Steve, chồng chị, một người kinh doanh ôtô, đang phải tiếp tục làm việc vất vả dù biết rằng cô bé đang chết dần. Vẫn phải có người lo các khoản thế chấp”.
Cô bé dần rơi vào đau đớn tột độ, “bị sốt cao, bỏng phóng xạ độ 3. Miệng cô bé đau đến nỗi không thể nuốt được nước bọt. Và còn bị nôn 5 – 10 lần một ngày”. Tất cả đã vô ích. Cô bé đã phải dùng đến các loại thuốc giảm đau. Anderssen viết “Thậm chí là phải dùng morphin. Shelby bị ho, buồn nôn và người run lên bần bật. Liên tục. Một sự đau đớn mà người bình thường còn khó có thể chịu được huống hồ là một cô bé mắt nâu nhỏ xíu mới lên ba. Mọi người vẫn gửi thư cho Rebecca để nói rằng họ vẫn đang cầu mong một phép màu xảy ra. Nhưng chị biết không thể có phép màu nào ở đây được nữa. Ôm con trong căn phòng bệnh viện lờ mờ tối, chị không cầu cho con gái mình sống, mà với tình yêu vô bờ bến của một người mẹ, chị cầu cho Shelby được chết”. Và cô bé đã chết không lâu sau đó.
Dưới dòng tít “Ung thư: Một ngày trong đời”, bức ảnh chân dung của Shelby Gagne đã chiếm gần trọn trang nhất của tờ Globe and Mail thứ Bảy ngày 18 tháng 11 năm 2006. Tờ Globe đã tung ra một loạt bài đầy tham vọng về căn bệnh ung thư lấy Shelby làm trung tâm. Trong cả loạt bài báo xuất hiện nhiều ngày và nhiều tuần sau đó, bức ảnh đẹp đến não lòng của cô bé luôn xuất hiện ở đầu mỗi bài. Từ đó, tờ báo đã biến Shelby thành gương mặt tiêu biểu cho căn bệnh ung thư.
Nhưng điều này thật vớ vẩn bởi Shelby không phải là điển hình của căn bệnh ung thư. Trong một bài tổng hợp số liệu về căn bệnh ung thư, Hiệp hội Ung thư Canada đã cho rằng “ung thư nói chung là bệnh của người lớn tuổi”. Họ cho biết, năm 2006, 60% số người chết vì ung thư là trên 70 tuổi, 21% là những người trong độ tuổi 60. “Trong khi đó, chưa đến 1% các ca mới phát hiện ung thư và các ca tử vong là ở độ tuổi dưới 20”. Các con số cụ thể khác nhau tùy theo từng nước và từng năm, nhưng tựu chung lại nguy cơ ung thư nằm nhiều ở những người lớn tuổi và câu chuyện về Shelby là vô cùng hãn hữu.
Việc Globe đưa tin về Shelby với bức ảnh gây chú ý là một điều tốt mà báo chí cần làm. Nó thể hiện sự cấp thiết và rung động. Nhưng quyết định đưa một cô bé nhỏ tuổi thành trung tâm của loạt bài về ung thư lại là một việc không hay của báo chí. Rõ ràng là trường hợp rất hãn hữu này không mang tính điển hình, nhưng tờ báo đã chọn lấy câu chuyện thay vì những con số, lấy cảm xúc thay vì sự chính xác và qua đó có thể đưa người đọc đến những ấn tượng sai lầm về một vấn đề rất quan trọng.
Sự khác biệt giữa câu chuyện thương tâm với những con số lạnh lùng thế này vẫn thường thấy trong lĩnh vực báo chí truyền thông, nhất là trong những câu chuyện về ung thư. Năm 2001, các nhà nghiên cứu ở Đại học Washington đứng đầu là Wylie Burk đã công bố một cuộc phân tích các bài báo về ung thư vú xuất hiện trên các tạp chí lớn của Mỹ từ năm 1993 đến năm 1997. Trong số những phụ nữ được nêu ở đây, 84% lần đầu phát hiện ung thư khi dưới 50 tuổi và gần một nửa trong số này dưới 40 tuổi. Nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các số liệu thống kê lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác: Chỉ có 16% số phụ nữ dưới 50 tuổi khi bị phát hiện ung thư, 3,6% dưới 40 tuổi. Và những người phụ nữ lớn tuổi hơn có nguy cơ bị ung thư vú nhiều nhất thì lại ít được nói đến trong các bài báo: Chỉ có 2,3% trong số 172 bài nói về những phụ nữ ở độ tuổi 60 và không một bài nào nói về nững phụ nữ ở độ tuổi 70 cho dù 2/3 số phụ nữ bị phát hiện ung thư là ở độ tuổi trên 60. Theo đó, báo chí đã bẻ cong sự thật về ung thư vú theo ý mình. Các cuộc khảo sát ở Australia và Anh cũng có phát hiện tương tự.
Đây đúng là một vấn đề vì nó có thể tác động lên nhận thức của phụ nữ về ung thư vú. Thông tin về các nạn nhân mang tính cá nhân, sống động và đầy cảm xúc chính là những yếu tố tác động mạnh lên ký ức. Do đó mà sau này khi nghĩ đến nguy cơ của căn bệnh ung thư, người phụ nữ từng tiếp cận những thông tin trên (giả định là chỉ này chưa từng bị ung thư vú) sẽ dễ dàng và nhanh chóng nhớ lại các trường hợp phụ nữ trẻ bị ung thư vú song lại kó tin khi thấy những trường hợp người nhiều tuổi bị căn bệnh này. Trực giác của người phụ nữ đó sẽ lấy Quy luật Điển hình để kết luận rằng người già rất ít có nguy cơ bị ung thư vú còn ở người trẻ thì nguy cơ lại cao. Cho dù có đọc những thông tin cho thấy rõ sự thật – đó là phụ nữ càng già thì nguy cơ trên càng cao – thì cũng không nói lên điều gì vì những con số không thể thay đổi được Trực giác mà Trực giác thường là điều quan trọng trên hết trong nhận thức của con người.
Đó chính là những điều mà nghiên cứu ở nhiều nước đã chỉ ra. Trong một cuộc khảo sát về phụ nữ ở Anh do các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Oxford tiến hành năm 2007, khi được hỏi ở độ tuổi nào thì “phụ nữ có nguy cơ bị ung thư vú nhiều nhất”, có 56,2% trả lời “Tuổi tác không quan trọng”; 9,3% trả lời là torng độ tuổi 40; 21,3% trả lời trong độ tuổi 50; 6,9% trả lời trng độ tuổi 60; và 1,3% trả lời trong độ tuổi 70. Chỉ có 0,7% ít ỏi số người được hỏi trả lời đúng, đó là “80 tuổi trở lên”.
Wylie Burk đã chỉ ra “những nhận định phóng đại và không chính xác về ung thư vú có thể gây nhiều tác động xấu cho các bệnh nhân”. Những phụ nữ lớn tuổi sẽ không quan tâm đến chuyện chiếu chụp vì họ tin rằng ung thư vú là căn bệnh của những người trẻ hơn còn các phụ nữ trẻ lại có thể đang lo lắng thái quá. Chính điều này là một chuyện không hay.
Những sai lệch này có thể bắt nguồn từ câu chữ, nhưng truyền hình và báo chí thường không chỉ có câu chữ. Trong các bản tin, chúng ta thường thấy cả câu chữ và hình ảnh, và các nhà nghiên cứu nhận thấy ký ức của chúng ta thường hòa trộn hai thứ này. Vì thế nếu câu “một con chim đậu trên ngọn cây” lại được đi kèm với hình ảnh một con chim ưng trên cây, thì rất có thể người ta sẽ nhớ rằng “một con chim ưng đậu trên ngọn cây”. Rhonda Gibson, một Giáo sư ở trường Đại học Công nghệ Texas và Dolf Zillman, một Giáo sư về truyền thông ở Đại học Alabama đã nghiên cứu thêm một bước và áp dụng chúng vào nhận thức của con người về hiểm họa.
Để bắt đầu hoàn toàn không định kiến, Gibson và Zillman đã sử dụng một mối đe dọa không có thật về “Bệnh đá bay” (Bloning Rock Disease) vốn được coi là một căn bệnh mới phát hiện lây truyền qua các con côn trùng ở vùng đông nam nước Mỹ. Và trẻ em được cho là đặc biệt dễ bị mắc căn bệnh này.
Gibson và Zillman đã đề nghị 135 người, chủ yếu là các sinh viên đại học, đọc hai bài báo trích từ các tạp chí, một bài về các vùng đầm lầy và một bài về căn bệnh trên. Sau đó hai người đưa ra câu hỏi về các dữ kiện và ý kiến của họ sau khi đọc mỗi bài báo đó. Thực ra bài thứ nhất đúng là trích từ tạp chí còn bài thứ hai không có thật song vẫn được làm giống hệt một mẩu tin thường gặp trong tạp chí U.S. News and World Reports (Tin tức Mỹ và bản tin thế giới) với một dòng tít “Côn trùng đang gây hại: vùng Đông Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của căn bệnh mới chết người”. Những người tham gia được xem nhiều phiên bản khác nhau của bài báo này. Bản thứ nhất chỉ có câu chữ. Bản thứ hai có thêm hình ảnh chụp cận cảnh những con côn trùng đáng sợ. Bản thứ ba có thêm hình ảnh về những đứa trẻ bị cho là đã nhiệm bệnh. Câu chữ trong cả ba bản là như nhau, thông tin cho độc giả biết rằng trẻ em có nhiều nguy cơ hơn người lớn và đưa ra những thông tin về những đứa trẻ đã mắc bệnh.
Nếu nhận thức về nguy cơ chỉ dựa trên những thông tin và luận cứ có thật thì dù đọc bản nào thì suy đoán của mọi người về mối nguy từ “Bệnh đá bay” cũng vẫn vậy. Nhưng những người chỉ đọc bản không có hình ảnh thấy ít nguy cơ hơn những người khác. Những người đọc bản thứ hai có hình ảnh côn trùng lại thấy nguy cơ cao hơn khá nhiều còn những người đọc bản thứ ba lại thấy nguy cơ cao hơn nữa. Đây chính là tác động của Quy luật Tốt – Xấu. Không có hình ảnh nên không có nhiều cảm xúc và không có lý do để Trực giác phải nghĩ nhiều về nguy cơ; hình cận cảnh của con côn trùng mang bệnh gây kinh sợ và Trực giác lấy đó để rút ra nhiều nguy cơ hơn; hình ảnh về con côn trùng và những đứa trẻ khổ sở còn tệ hại hơn và Trực giác lại tiếp tục suy đoán thêm. Kết quả là một loạt những suy đoán về nguy cơ chẳng đúng với sự thật mà liên quan rất nhiều đến sự tác động của hình ảnh đối với cảm xúc của con người.
Sức mạnh của hình ảnh trong việc dẫn dắt nhận thức về nguy cơ đặc biệt quan trọng do sự thiên lệch thấy rõ của báo chí khi đưa tin về những nguyên nhân dẫn đến chết chóc. Như Paul Slovic là một trong những người đầu tiên chỉ ra, báo chi đưa tin sai lệch về những nguyên nhân kịch tính, bạo lực và bi thảm dẫn đến cái chết, cũng chính là những loại nguy cơ cần đến những hình ảnh sống động, gây kinh sợ trong khi lại ít chú ý đến những thứ giết người từ từ lặng lẽ như bệnh tiểu đường chẳng hạn. Năm 1997 Chuyên san Sức khỏe cộng đồng của Mỹ nghiên cứu cách đưa tin về các căn bệnh chết người của các tạp chí hàng đầu ở Mỹ đã cho thấy các tạp chí đã quan tâm “lệch lạc một cách đáng kinh ngạc” về các vụ giết người, đụng xe và dùng ma túy trái phép trong khi việc hút thuốc, đột quị và bệnh tim lại không hề được đăng tải tương xứng với số người chết mà chúng gây ra. Một cuộc nghiên cứu năm 2001 của David McArthur và các cộng sự ở Đại học California đã đối chiếu các bản tin địa phương ở Los Angeles với thực tế số người chết bởi các nguyên nhân đáng lo ngại cũng đưa ra kết quả tương tự: Những cái chết do hỏa hoạn, giết người, đụng xe và bị cảnh sát bắn được đưa tin rộng khắp còn những cái chết do bị ngã, ngộ độc hay các sự cố khác lại chẳng được chú ý đến. Thương tích cũng ít khi được đưa tin mặc dù thương tích gây ra do hỏa hoạn hay tấn công thực ra còn phổ biến hơn các vụ chết người do tai nạn. Các tác giả đưa ra kết luận rằng, nói chung, hình ảnh về thương vong được đưa qua các bản tin là “vô cùng” méo mó, quá chú trọng đến “các sự kiện có hiệu ứng hình ảnh cao” và quá dửng dưng trước các sự kiện không có hình ảnh gây sốc. Họ cũng nhận thấy, một nhân tố xuyên suốt khác đó là tội phạm. Các bản tin chỉ luôn chú trọng giật tít về các vụ thương vong do một người nào đó gây ra cho người khác mà bỏ qua những vụ việc không có người chịu trách nhiệm.
Sự bùng nổ thông tin chỉ làm tăng thêm sự thiên lệch của báo chí khi tức thời truyền các thông tin và hình ảnh đi khắp thế giới. Đoạn băng về một chiếc trực thăng đậu trên một vùng ngập nước để kéo một người đàn ông lên khỏi mái nhà hoặc ngọn cây là phần chính trong các buổi phát tin tối. Lũ lụt có thể xảy ra ở New Zealand còn nơi phát tin lại là Missouri hoặc ngược lại, nhưng các nhà đài chẳng quan tâm đến mối liên hệ giữa sự kiện và người xem. Chỉ cần hấp dẫn là được. Gần đây khi xem một bản tin tối, tôi thấy chiếu một đoạn băng quay cảnh hỗn loạn ở Athens (Hy Lạp). Rõ ràng là các sinh viên ở đó đang phản đối những thay đổi về “cách quản lý các trường đại học”. Chẳng có ý nghĩa gì với tôi nhưng cũng chẳng sao vì lời lẽ ở đây không quan trọng, mà chính là hình ảnh. Những đám hơi cay được phun ra, những người bị mặt đang ném Molotovs (một loại lựu đạn), cảnh sát trật tự đang xông lên. Đó là một đoạn phim đã được chiếu cho những người vốn chẳng liên quan gì đến nó.
Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu đây là một điều khác thường. Nhưng nó lại không khác thường vì vẫn luôn có các vụ lụt lội, gây rối, đụng xe, cháy nhà hay giết người. Đó không phải là vì xã hội mà chúng ta đang sống tràn ngập những tai ương mà là vì dân số của nước Mỹ là 300 triệu, châu Âu là 450 triệu và Nhật Bản là 127 triệu. Bản thân những con số này cũng cho thấy những sự việc hãn hữu, dù là một phần triệu, vẫn có thể xảy ra nhiều lẫn mỗi ngày khiến cho những gì khó có thể xảy ra trên thực tế vẫn xảy ra. Điều này còn đúng ngay cả với những nước có dân số tương đối ít như Canada (32 triệu người), Australia (20 triệu), Hà Lan (17 triệu) và New Zealand (14 triệu). Và cũng đúng ngay trong ranh giới các thành phố như New York (8 triệu), London (7,5 triệu), Toronto (4,6 triệu) và Chicago (2,8 triệu). Do vậy các biên tập viên và nhà sản xuất truyền hình có vô số nguồn đưa tin về những cái chết hãn hữu nhưng bi thảm đó để mà chọn lựa. Mà đó chỉ là từ khu vực hay đất nước của mình. Còn nếu nhìn ra nước ngoài thì mỗi tờ báo và mỗi buổi phát in đều có thể biến thành một loạt các bi kịch khó tin.
Những hình ảnh bị bóp méo về cái chết được báo chí đăng tải có hai tác động. Như chúng ta đã thấy, nó đưa vào ký ức của chúng ta ví dụ về những nguyên nhân kịch tính dẫn đến cái chết trong khi lại đưa rất ít ví dụ về những nguyên nhân gây chết người bình thường. Vì vậy khi vận dụng Quy luật Điển hình, Trực giác thường có xu hướng quá đề cao nguy cơ về những nguyên nhân kịch tính trong khi lại xem nhẹ những nguyên nhân khác. Nó cũng cho khán giả thấy những hình ảnh giàu cảm xúc dẫn dắt những nhận thức về nguy cơ thông qua Quy luật Tốt – Xấu và tiếp tục đẩy Trực giác đi xa hơn nữa. Từ đó, hoàn toàn có thể đoán rằng mọi người thường đề cao nguy cơ dẫn đến những cái chết kịch tính như giết người, hỏa hoạn và đâm xe mà lại xem nhẹ những nguyên nhân không kịch tính như bệnh hen suyễn, tiểu đường và bệnh tim.
Nhưng việc đưa tin sai lệch về nguyên nhân gây chết người không phải là hạn chế duy nhất của báo chí khi nói về các nguy cơ hiểm họa. Báo chí còn không đưa ra câu hỏi rất cần thiết giúp chúng ta hiểu rõ bất cứ nguy cơ nào: Nó có thể xảy ra ở mức độ nào?
Trong một bài báo buổi sáng mà tôi đọc tổng hợp những phát hiện về nguy cơ của thuốc kê theo toa đối với sức khỏe, “Thuốc giảm cholesterol Crestor có thể gây nguy hiểm đối với cơ bắp”. “Phương pháp tránh thai Depo-Provera có liên quan đến bệnh loãng xương. Thuốc Strattera bị suy giảm khả năng tập trung và rối loạn vận động có thể khiến trẻ em tự gây thương tích cho mình. Đến lúc bạn cần dọn dẹp tủ thuốc của mình”. Tác giả cảm thấy những loại thuốc này gây nhiều nguy cơ và muốn tôi cũng chia sẻ kết luận đó. Nhưng cô ấy chỉ viết là có thể là việc bảo tôi rằng một điều gì đó có thể xảy ra thực ra chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Khi ngồi viết những dòng này, có thể là một chiếc máy bay chở khách sẽ bị mất lái cả 4 động cơ và từ trên trời lao thẳng xuống chỗ tôi đang ngồi trong một cảnh ngoạn mục. Điều đó có thể xảy ra. Nhưng điều quan trọng hơn là khả năng điều này xảy ra lại quá nhỏ đến nỗi tôi chỉ có thể nhìn qua một chiếc kính hiển vi. Tôi biết thế. Nó cho phép tôi kết luận rằng mình có thể yên tâm bỏ qua nguy cơ đó và tiếp tục viết. Nhưng các bản tin lại thường chỉ nói rằng một điều gì đó không hay có thể xảy ra mà không nói rõ khả năng xảy ra ở mức độ nào.
Hai nhà sinh học John Roche và Marc Muskavitch ở Đại học Boston đã khảo sát các bài báo về virus West Nile xuất hiện trên các tờ báo lớn ở Bắc Mỹ năm 2000. Cần chú ý đến năm ở đây. Hiểm họa mới kỳ lại này nổi lên lần đầu tiên ở thành phố New York vào mùa hè năm 1999 và lan nhanh sang các bang miền đông; rồi qua cả biên giới sang Canada. Theo một cuộc khảo sát năm 2002 của Trung tâm Nghiên cứu Pew ở thủ đô Washington. D.C, 70% người Mỹ nói họ theo dõi câu chuyện về loại virus này “rất” hoặc “khá” sát sao – chỉ ít hơn 77% số người nói họ đã theo dõi sát việc chuẩn bị tấn công Iraq – cho dù con virus này vẫn hầu như chưa xuất hiện trên nước Mỹ.
Điều đáng chú ý ở đây là West Nile không phải là loại virus đặc biệt gây chết người. Theo Turng tâm Kiểm soát Dịch bệnh, 80% những người bị nhiễm virus không hề bị bất kỳ một triệu chứng nhỏ nào và phần lớn những người còn lại chỉ bị sốt, buồn nôn kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Trong số 150 người bị nhiễm chỉ có một vài người có các triệu chứng nguy hiểm như sốt cao, hoa mắt chóng mặt, tê liệt à hầu hết đã hồi phục hoàn toàn chỉ sau vài tuần – chỉ có 3 – 15% tử vong. Nhưng sự thật này lại ít khi được đưa ra thành tâm điểm của bản tin thay vào đó lại là một gia đình phải chống chọi với sự mất mát người thân hay một nạn nhân thường đi bộ trong rừng cuối cùng lại phải ngồi xe lăn.
Tuy nhiên cũng có những con số kèm theo những câu chuyện bi thảm này, Roche và Muskawitch nhận thấy 60% bài viết có nêu số người bị bệnh do virus này và 81% số bài đưa dữ kiện về các ca tử vong. Nhưng những con số này thực sự cho ta biết được gì về các nguy cơ? Nếu đọc thấy virus này đã giết chết 18 người (như đã đưa năm 2001) thì tôi có nên lo lắng không? Còn tùy. Nếu 18 người chết trong một ngôi làng 100 người thì chắc chắn là tôi phải lo lắng. Nhưng nếu là 18 người trong một thành phố 1 triệu dân thì nguy cơ này rất nhỏ. Và nếu lại ở trong một nước 300 triệu dân như nước Mỹ thì nguy cơ đó gần như không tồn tại. Suy cho cùng thì việc 875 người chết vì bị nghẹn thức ăn năm 2003 cũng không làm mọi người phải ớn lạnh trước mỗi bữa ăn. Nhưng cuộc khảo sát của Roche và Muskavitch cho thấy 89% các bài báo về virus West Nile không hề đưa ra thông tin nào về số dân làm cơ sở cho các số liệu. Vì vậy độc giả chỉ biết là loại virus này đã giết chết một số người và trong nhiều bài viết họ chỉ được đọc về một nạn nhân đang phải chịu đựng khổ sở hay về gia đình của một người chết do căn bệnh này, chấm hết. Lý trí không thể hiểu mối nguy này ở mức độ nào hay nó có đáng lo không. Nhưng Trực giá thì lại khác. Nó có đủ minh chứng để kết luận rằng có nhiều nguy cơ.
Không có gì ngạc nhiên khi một cuộc thăm dò của Trường Y tế Cộng đồng Havard năm 2002 đã cho thấy người Mỹ quá đề cao mối nguy hại của loại virus này. Câu hỏi được đưa ra là “Theo bạn thì có bao nhiêu người sẽ chết trong số những người bị bệnh do virus West Nile?” Có 5 phương án:
1 – Gần như không có ai chết (45%)
2 – Cứ 10 người có 1 người chết (45%)
3 – Cứ 4 người có 1 người chết (18%)
4 – Một nửa số người nhiễm bị chết (45%)
5 – Không biết
Phương án trả lời: 1/10 (cứ 10 người thì có một người chọn). Có 14% số người trả lời “Gần như không có ai”, số người tương tự trả lời “Hơn một nửa” trong khi 18% trả lời “Khoảng ¼ người” và 45% trả lời “Khoảng 1/10 số người”.
Hãy gọi đó là “sự mù mờ về mẫu số”. Báo chí thường nói “X người bị giết” mà ít khi nói “trong tổng số Y dân số”. “X” là tử số và “Y” là mẫu số. Để hiểu đúng về nguy cơ, chúng ta phải lấy tử số chia cho mẫu số, cho nên nếu mù mờ về mẫu số thì chúng ta cũng mù mờ về nguy cơ thật sự. Một bài xã luận trên tờ Time ở London là một ví dụ điển hình. Tờ báo này đã cho rằng số người Anh bị những kẻ lạ mặt sát hại đã “tăng lên một phần ba trong tám năm”. Có nghĩa là, tổng số người đã tăng từ 99 lên 130. Hầu hết mọi người đều thấy cũng đáng sợ. Chắc chắn là người viết bài xã luận cũng thấy như vậy. Nhưng bài xã luận lại không nói rằng có khoảng 60 triệu người Anh cho nên khả năgn bị người lạ sát hại tăng từ 99 người lên 130 người trên tổng số 60 triệu người. Nếu làm một phép tình thì sẽ thấy nguy cơ này đã tăng từ con số 0,0001% lên 0,00015% (con số gần như = 0).
Và một cách đơn giản hơn để nhìn nhận một cách đầy đủ và khách quan về một nguy cơ đó là so sánh nó với các nguy cơ khác, như tôi từng so sánh số người chết vì virus West Nile với số người chết vì bị nghẹn thức ăn. Roche và Muskavitch nhận thấy chỉ có 3% số bài báo nói về số người chết do virus này có đưa ra các con số tương đương từ các nguy cơ khác. Đây là cách đưa tin rất phổ biến về các loại nguy cơ. Một khảo sát chung về các tờ báo của Anh và của Thụy Điển đăng trong Chuyên san Public Understanding of Science (Kiến thức phổ thông về Khoa học) đã cho thấy một số ít bài báo của Thụy Điển có so sánh giữa các nguy cơ nhưng “ở Anh gần như không có sự so sánh nào tương tự” – cho dù cuộc khảo sát này nghiên cứu về các tờ báo được đăng liền trong hai thái, trong đó có cả tin tức kỷ niệm 10 này xảy ra thảm họa Chernobyl và đỉnh điểm của sự sợ hãi về BSE (madcon disease – bệnh bò điên). Độc giả cần cách nhìn đầy đủ về các vấn đề này nhưng các báo không hề đưa ra.
Một vấn đề nữa thường gặp đã được nêu rõ trong bản tin công bố vào tháng 09 năm 2006 của FDA rằng tờ thông tin sản phẩm về miếng dán ngừa thai Ortho Evra cần được cập nhật với kết quả của một cuộc nghiên cứu cho thấy – theo lời một bài báo – “phụ nữ sử dụng miếng dán này có nguy cơ bị nghẽn máu ở chân và phổi nhiều gấp hai lần những người dùng thuốc tránh thai”. Các tờ báo trên toàn Bắc Mỹ, kể cả tờ New York Times cũng chỉ đưa ra những thông tin đó. “Gấp hai lần nguy cơ” nghe có vẻ kinh khủng nhưng thực sự nghĩa là thế nào? Nếu khả năng điều đáng sợ đó xảy ra là 1 trên 8 người thì gấp đôi nghĩa là 1 trên 4 người: Báo động đỏ! Nhưng nếu nguy cơ chiếc phi cơ chở khách đâm vào bàn làm việc của tôi tăng gấp đôi thì tôi cũng chẳng bận tâm vì hai lần của gần 0 thì cũng chỉ là gần 0. Một bài của hãng tin AP đã đưa ra thông tin giúp độc giả hiểu rõ câu chuyện này, “Nguy cơ nghẽn máu ở phụ nữ dùng cả miếng dán và thuốc uống đều nhỏ”. Theo Daniel Shames thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Dược phẩm của FDA thì “Cho dù nguy cơ đối với người dùng miếng dán có tăng gấp đôi thì mỗi năm chỉ có 6 trên 10.000 phụ nữ có thể bị nghẽn máu”. Bài viết của AP được truyền đi khắp Bắc Mỹ nhưng nhiều tờ báo đưa lại bài viết này, kể cả tờ New York Times, đã cắt đi câu quan trọng này.
Các nguy cơ có thể được mô tả theo một trong hai cách. Cách thứ nhất là “nguy cơ tương đối”, cho biết nguy cơ này lớn hơn hay nhỏ hơn so với một nguy cơ khác. Trong câu chuyện về miếng dán tránh thai, “nguy cơ gấp hai lần”, tức là số phụ nữ dùng miếng dán có nguy cơ gấp hai lần người không dùng, chính là nguy cơ tương đối. Còn có “nguy cơ tuyệt đối” nữa, cho thấy xác suất xảy ra một điều gì đó. Cũng trong câu chuyện trên, 6 trên 10000 là nguy cơ tuyệt đối. Cả hai cách tư duy về nguy cơ đều có tác dụng của chúng nhưng báo chí lại thường chỉ cho độc giả biết về nguy cơ tương đối. Và đó là một điều vô cùng sai lầm.
Tại sao các nhà báo lại thường xuyên đưa ra những thông tin sai lệch hoặc đáng sợ quá mức về các nguy cơ? Lời giải thích phù hợp cho sự thổi phồng của báo chí đó là sự tư lợi. Giống như các tập đoàn, các chính khách và các nhà hoạt động, báo chí cũng được hưởng lợi từ sự sợ hãi của mọi người. Sự sợ hãi làm cho báo bán chạy hơn và được xếp hạng cao hơn, do đó những vụ việc gay cấn, đáng sợ, gây xúc động và tệ hại nhất được đưa lên trang bìa trong khi những điều cho thấy sự thật nhưng không quá hấp dẫn và đáng báo động lại bị xem nhẹ hoặc hoàn toàn bỏ qua.
Chúng ta có lý do để lo lắng rằng chủ nghĩa cảm xúc sẽ còn trầm trọng ơn khi việc phổ biến các nguồn tin tiếp tục bẻ vụn độc giả của báo chí thành những phần nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa. Các bản tin tối ở Mỹ đã giảm từ 50 triệu người xem năm 1980 xuống còn 27 triệu người năm 2005, khán thính giả đã chuyển sang truyền hình cáp rồi đến Internet. Người xem truyền hình cáp bắt đầu bỏ qua. Các tờ báo gặp khó khăn lớn nhất, đặc biệt là ở Mỹ với lượng độc giả đã giảm từ 70% năm 1972 xuống còn 1/3 năm 2006. Ở các nước khác tình hình có khá hơn nhưng xu thế lượng độc giả và khán giả ngày càng giảm đi. Việc đưa tin đang gặp nhiều khó khăn và không biết làm thế nào để có thể phục hồi, thậm chí là liệu có thể phục hồi được hay không nữa. Khi bị chìm xuống thì có thể hiểu là mọi băn khoăn về đạo lý đều sẽ bị vứt bỏ.
Động cơ thu hút độc giả và thứ hạng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự phóng đại và kích động thường thấy trong các bản tin.
Những lý do đó đã bỏ qua một tác động tinh tế lên nền công nghiệp truyền thông đặc biệt phát triển ở Mỹ. Một tài liệu về truyền thông là The State of the News Media 2006 (Tình trạng của tin tức truyền thông năm 2006), cho biết “Ở một số thành phố, các con số thôi cũng đã nói lên cả câu chuyện. Ví dụ, có đến một nửa số phóng viên làm việc tại trung tâm Philadelphia, vào năm 1980… vào năm 1990, tờ Philadelphia Inquirer có 46 phóng viên còn hiện nay là 24”. Trong khi số phóng viên đang giảm đi thì các kênh truyền thông đang tăng lên gấp bội bởi lượng thông tin do báo chí tung ra cũng đang gia tăng nhanh chóng. Làm sao có thể như vậy được? Một mặt, các phóng viên phải làm việc nhiều hơn: Một phóng viên đưa tin lên trang web vào lúc 11 giờ sáng, làm phóng sự vào lúc 3 giờ chiều và lúc 6 giờ chiều lại phải chuẩn bị một bản tin cho tờ báo ra sáng hôm sau. Nhưng họ lại ít điều tra, ít xác minh các con số, ít đọc các báo cáo. Với điều kiện thế này thì càng ngày họ sẽ càng có xu hướng chỉ cần lấy một thông cáo báo chí xem qua có vẻ đáng chú ý, biên tập lại và cứ như thế. Điều này còn cho thấy những điều sâu xa hơn khi có quá nhiều quảng cáo doanh nghiệp, nhiều chính khách, quan chức Nhà nước và các nhà hoạt động muốn dùng báo chí để lăng xê nỗi sợ hãi. Các nhà báo như chiếc phễu lọc giữa công luận và những người sẽ lợi dụng họ, nhưng cái phễu lọc đó đang thưa dần.
Năm 2003, công ty dược GlaxoSmithKline tung ra một chiến dịch “tăng cường nhận thức” về hội chứng buồn bực chân tay khiến người ta liên tục muốn lắc lư chân nếu không sẽ rất khó chịu, nhất là về đêm. Đầu tiên là một nghiên cứu cho thấy một trong những loại thuốc hiện có của GlaxoSmithKline có thể hỗ trợ điều trị chứng này. Ngay lập tức một thông cáo báo chí được đưa ra nhằm công bố về một cuộc khảo sát mà theo họ là đã cho thấy “một bệnh rối loạn thường gặp nhưng chưa xác định – hội chứng buồn bực chân tay – đang làm nhiều người Mỹ mất ngủ”. Tiếp đó là các chiến dịch quảng cáo. Năm 2006, Steven Woloshin và Lisa Schwartz của Trường Y Dartmouth đã nghiên cứu 33 bài về hội chứng này trên các tờ báo lớn của Mỹ từ năm 2003 đến năm 2005. Họ viết rằng những gì biết được thật “đáng ngại”.
Có 4 triệu chứng thường gặp nhằm xác định hội chứng này nhưng gần như mọi bài báo mà các nhà nghiên cứu tìm hiểu được đều chỉ trích dẫn cuộc khảo sát về một triệu chứng và đi đến một kết luận đáng ngạc nhiên rằng cứ 10 người Mỹ thì có 1 người đang phải khổ sở bởi hội chứng này. Các tác giả viết, hội chứng này phổ biến với khả năng đúng đúng hơn chỉ là gần 3%. Tệ hơn là gần một nửa các bài báo ở đây đều minh họa về hội chứng này chỉ với một hoặc hai câu chuyện và hầu hết đều kể về người bệnh với những triệu chứng nghiêm trọng, kể cả ý muốn tự sát. Không chỉ là một câu chuyện kể về ai đó đang trải qua những triệu chứng này nhưng không thấy khổ sở nhiều lắm (điều này đúng ra là đương nhiên). Một nửa số câu chuyện nhắc đến tên một loại thuốc của GlaxoSmithKline (ropinirole) và gần một nửa còn minh họa khả năng điều trị của loại thuốc này bằng cách kể về những người dùng thuốc này có tiến triển. Chỉ có một câu chuyện thực sự lượng hóa được lợi ích của loại thuốc mà Woloshin và Schwartz đã nói rất đúng là “khiêm tốn” (khi thử lâm sàng, 73% số người dùng thuốc ít nhất là giảm bởi các triệu chứng so với 57% số người dùng thuốc an thần). 2/3 số bài báo nói về ropinirole không hề nhắc đến tác dụng phụ của loại thuốc này và chỉ có một bài lượng hóa nguy cơ đó. Một phần năm số bài giới thiệu cho độc giả về một quỹ “phi lợi nhuận” hoạt động về căn bệnh này nhưng không bài báo nào nói rằng nhà tài trợ lớn nhất cho đến nay của quỹ này lại chính là GlaxoSmithKline. Hai người kết luận rằng “Dường như báo chí là những kẻ đồng lõa trong vụ này”.
Nhưng còn có một vấn đề khác cơ bản hơn khi quy sự tính toán chạy theo những chuyện giật gân hoàn toàn là do động cơ lợi nhuận. Độc giả hiểu ngay điều đó khi đọc câu chuyện đáng thương về Shelby Gagne ở đầu bài này. Cùng với sự thương tâm, việc nhà báo mô tả về cuộc vật lộn của gia đình và sự đau đớn của cô bé vẫn đáng chú ý và cảm động. Bất cứ ai có trái tim và lương tâm sẽ bị lay động, trong đó có các nhà báo.
Nói chung là các phóng viên, biên tập viên và nhà sản xuất truyền hình không xuyên tạc và phóng đại các nguy cơ chỉ vì đây là cách tốt nhất để tăng lợi nhuận và làm hài lòng các ông chủ ở tập đoàn; mà còn là vì những thông tin lôi cuốn và níu giữ độc giả thì cũng lôi cuốn và níu giữ chính các phóng viên. Vì họ cũng là con người.
Sean Collins, một nhà sản xuất nhiều kinh nghiệm của National Public Radio News (Bản tin phát thanh quốc gia) viết trong một bức thư gửi Western Journal of Medicine (Tạp chí Y học miền Tây) “Con người có một mong muốn bản năng là được biết và được kể về những câu chuyện gây cấn”. Phát biểu này liên quan đến một nghiên cứu về tin tức trên truyền hình ở Los Angeles, trong đó có một số chỉ trích nặng nề của David McArthur và các đồng nghiệp của mình. “Tôi không thể kể tên một bài cụ thể có thật nào lấy chủ đề là bệnh động mạch vành nhưng tôi có thể kể tên khá nhiều bài mà các vụ sát hại, loạn luân và ám sát. Hãy kiểm tra bản năng kể chuyện của mình bằng cách tự hỏi: Nếu trên đường lái xe về nhà thấy một tòa nhà đang cháy, bạn có thể giải thích một số dạng bệnh về da cho vợ mình rồi mới kể về chuyện này hay không?
Những cuốn sách lá cải được bày bán dạo trên các đường phố ở Anh thời Elizabeth đầy rẫy những chuyện giết người, quyến rũ và những chuyện bậy bạ khác theo những cách lôi cuốn nhất. Vào đầu thế kỷ 19, những tờ báo kiểu mới đang nở rộ ở London và vào năm 1820 đã xuất hiện ví dụ đầu tiên về cái mà sau này được gọi là “trò huyên náo báo chí”. Câu chuyện đáng nhớ không phải là chiến tranh, cách mạng hay thành tựu khoa học mà là âm mưu bỏ vợ của Vua George IV bằng cách để cho bà ta đi ngoại tình. Chuyện tình của nữ hoàng đã trở thành một vấn đề dư luận quan tâm và là nguồn lôi cuốn bất tận cho những người Anh biết đọc hay quen những người đó. Trong các trường báo chí hiện nay, sinh viên được nghe nhiều về một loạt những tiêu chuẩn để một câu chuyện được đưa thành tin. Những tiêu chuẩn đó là thế nào còn tùy từng giảng viên nhưng bao giờ cũng phải có tính mới lạ, mâu thuẫn, tác động và những điều lý thú chưa xác định vốn được coi là mối quan tâm của con người. Một vụ scandal tình ái trong hoàng gia luôn chiếm đầu bảng, bất kể ở thời điểm nào. Collins viết “Báo chí không phụ thuộc vào một công thức khoa học. Một câu chuyện có đáng đưa lên mặt báo hay không là do Lý trí, Trái tim và Trực giác quyết định”.
Từ cách nhìn này những câu chuyện về ung thư vú thường nhắc tới những phụ nữ trẻ cho dù thực tế hầu hết những người bị căn bệnh này đều đã lớn tuổi. Đó là một biểu hiện rõ thấy nhất về cảm xúc của con người: Một bà già 65 tuổi chết vì ung thư cũng đáng buồn, nhưng sẽ là bi thảm khi một phụ nữ trẻ gặp phải điều tương tự. Không thể biết những đánh giá tương phản này có thể bào chữa được về mặt triết học hay không. Đó là cách chúng ta cảm nhận, tất cả chúng ta. Kể cả những phóng viên đã xúc động trước người mẹ của một đứa trẻ đang chết vì ung thư hay trước người đàn ông phải ngồi xe lăn do virus West Nile và từ những cảm nhận đó đã tin rằng đây là một câu chuyện hay cần đưa thành trung tâm bài viết. Các con số có thể cho thấy những trường hợp này không có tính điển hình nhưng nếu phải lựa chọn giữa một câu chuyện đầy thuyết phục về một ai đó và một vài con số trên biểu đồ thì các phóng viên sẽ chọn lấy câu chuyện. Họ cũng chỉ là con người.
Mâu thuẫn thu hút các phóng viên vì nó là cần thiết để làm nên một câu chuyện hay. Othello sẽ không phải là một vở kịch nếu lago không tung ra tin đồn kinh khủng đó. Sự mới lạ là nhu cầu, như một biên tập viên từng chỉ bảo tôi rằng “3/4 tin tức là “mới lạ””. Sự thu hút trước hai đặc tính này và sự hờ hững trước nững câu chuyện không có hai đặc tính này thể hiện rõ trong kết quả một cuộc nghiên cứu năm 2003 của Quỹ King’s Fund – một cơ quan tư vấn của Anh – về việc đưa tin các vấn đề sức khỏe. Trong đó các nghiên cứu đã kết luận “Có hai điều thường giành ưu thế trong các câu chuyện. Một là liên quan tới Tổ chức Y tế Quốc gia (National Health Service) – hầu hết các câu chuyện về các vụ xung quanh tổ chức này trên phạm vi cả nước hoặc trong một địa bàn như thời gian chờ đợi được khám bệnh ngày một tăng hay số ca bị bỏ quên. Hai là những “mối lo ngại” về sức khỏe, tức là những nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng được đưa tin rộng rãi nhưng lại có ít tác động trông thấy đối với tình trạng ốm đau và chết sớm”. Loại thứ hai bao gồm cái gọi là bệnh bò điên, SARS và cúm gà, tất cả đều đầy những điều mới lạ. Còn cái gì thị bị bỏ qua? Số người chết từ từ, liên tục và khá nhiều do hút thuốc, uống rượu và chứng béo phì. Bằng cách so sánh số câu chuyện do một nguyên nhân gây chết người với số người chết do nguyên nhân đó, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được tỉ lệ “số người chết trên một bản tin” để “đánh giá số người chế trong một điều kiện nhất định đáng được đưa trong bản tin. Chẳng hạn, tỉ lệ này cho thấy phải đến 8571 người chết do hút thuốc mới được đưa trong một bài nói về thuốc lá trên chương trình tin tức của BBC. Trong khi đó chỉ cần 0,33 cái chết do bệnh bò điên cũng đã được đưa lên bản tin của BBC.
Mạch chuyện (narrative) kèm theo cũng được đánh giá cao vì một tin tức sẽ thuyết phục hơn nếu nằm trong một mạch chuyện bao trùm hơn. Ví dụ rõ nhất là tin tức về những người nổi tiếng hoàn toàn chỉ là những câu chuyện thuật lại. Khi có tin tức về Anna Nicole Smith, mỗi một câu chuyện lập dị mới đều trở nên ly kì hơn với mạch chuyện kèm theo nói về cuộc sống khác thường của cô ta, từ đó chúng ta sẽ có thêm nhiều thứ để nói về Anna Nicole Smith kể cả khi cô ta không còn gì mới để nói. Thậm chí những chuyện nhỏ nhặt nhất cũng có thể đưa thành tin – chính tôi đã nhận được một bản tóm lược tin của CNN qua email về việc một thẩm phán đã ra lệnh ngừng chôn một cái xác – vì chúng không chỉ là một cái tin mà là một phần trong một mạch chuyện lớn hơn. Và nếu câu chuyện lớn kia được coi là quan trọng hay lý thú thì chẳng có chuyện gì là nhỏ để mà không đưa cả. Ngược lại, nếu một tin nào không nằm trong một mạch chuyện thì đó còn lâu mới được đăng tải. Điều này áp dụng cả với những vấn đề quan trọng hơn nhiều so với tin tức về những người nổi tiếng.
PHẦN 2: click vào đây.
* * *
Xem bài trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Xem bài trên trang Y học, đời sống: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net