Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
NỖI SỢ HÃI DƯỚI CON MẮT TRUYỀN THÔNG (Phần 2)
Webmaster

 

PHẦN 1: click vào đây

 

Phần 2.

 

Đầu những năm 1990, đại dịch AIDS ở các nước phát triển đã cho thấy nó có thể dễ dàng khống chế hơn là người ta vẫn thường lo ngại. Nhưng câu chuyện mà nó tạo ra, những con virus mới ngoại lai xuất hiện từ những khu rừng tại châu Phi đang đe dọa cả thế giới, đã không hề nhạt đi chủ yếu là nhờ Richard Preston tung ra cuốn The Hot Zone (Miền nóng) năm 1994. Được mệnh danh là một “câu chuyện có thật đáng sợ”, The Hot Zone kể về những con khỉ được đưa tới Virginia, nơi người ta phát hiện ra chúng bị nhiễm virus Ebola. Không hề có một đợt dịch bùng phát ở Virginia, mà nếu có thì cũng không đáng kể vì con virus mà những chú khỉ đang mang có đặc điểm là không gây chết người. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản The Hot Zone trở thành một cuốn sách bán chạy nhất cả ở nước ngoài. Báo chí liền thi nhau đưa ra những câu chuyện không có hồi kết về “mối đe dọa nổi lên từ virus” và một năm sau đó, một bộ  phim của Hollywood có tên Outbreak (Bùng phát) lấy cảm hứng từ cuốn sách này đã được tung ra. Thêm nhiều cuốn sách, nhiều bộ phim tài liệu mới ra đời từ đó. Và khi Ebola thực sự bùng phát ở Congo (lúc đó gọi là Zaire), các nhà báo liền đổ xô đến một vùng đất vốn vẫn thường bị bỏ quên. Báo chí đăng tải rất nhiều nhưng dịch bệnh Ebola 1995 đã không dẫn đến hỗn loạn và thảm họa. Mà nó chỉ là một câu chuyện đáng buồn như nhiều câu chuyện khác với số người chết tổng cộng 255 người.

 

Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn và thảm họa vẫn xảy ra đến với những người dân ở Congo và Trung Phi. Năm 1998, một cuộc đảo chính dẫn đến nội chiến và chính quyền dân sự bị sụp đổ. Khó biết chính xác có bao nhiêu người đã chết bởi bom đạn hay bệnh tật nhưng nhiều cơ quan cho rằng mấy năm đầu đã có khoảng trên 3 triệu người chết. Các nước phát triển chắc chắn là không để ý. Cuộc chiến này không thích hợp với những mạch chuyện đang được quan tâm và không liên quan trực tiếp đến những nước giàu, vì thế báo chí chỉ dành một phần rất nhỏ sự quan tâm mà họ đã phung phí cho đợt dịch Ebola, cho dù thực tế là cứ một người chết vì Ebola thì phải có đến gần 11700 người chết vì cuộc chiến đó.

 

Thậm chí những câu chuyện hấp dẫn phù hợp với mạch chuyện vẫn có thể biến mất nếu mạch chuyện đó không còn có ý nghĩa vào lúc câu chuyện xảy ra. Năm 2006, một trường học ở Tennessee đã cho 1800 học sinh về nhà sau khi nghe tin một nhà máy hạt nhân gần đó bị rò rỉ nước làm nguội phóng xạ. Đây là cuộc sơ tán liên quan đến hạt nhân đầu tiên ở Mỹ kể từ vụ việc ở Three Mile Island năm 1979. Nếu xảy ra vào lúc tình hình “sự cố hạt nhân” bắt đầu dược nói đến như khoảng mấy năm sau vụ Three Mile Island và cả vụ Chernobyl thì nó sẽ là một tin quan trọng. Nhưng đến năm 2006, vấn đề đã bị quên lãng và vụ việc này chỉ được coi là một mẩu tin địa phương và bị bỏ qua.

 

Rõ ràng là chủ nghĩa khủng bố hiện đang được nói đến rất nhiều gần đây, nhưng cách đây một thập kỷ thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma năm 1995 chỉ coi chủ nghĩa khủng bố là của những gã đánh bom như Timothy McVeigh, một gã mắc chứng hoang tưởng và chống đối chính phủ. Sau vụ việc đó, các nhà báo đã thi nhau tung ra vô số bài báo về các nhóm nhỏ mê nổ súng tự hào coi mình là những “dân quân”. Không rõ liệu những người này có phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh công cộng hay không nhưng McVeigh đã nhanh chóng gia nhập một nhóm như thế, từ đó các nhà báo đã tới tấp đưa tin về từng lời nói và hành động của nhóm này. Các cuộc tấn công ngày 11 tháng 09 đã loại bỏ những câu chuyện này và thay thế bằng câu chuyện về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo hiện vẫn đang phát triển rất mạnh. Điều đó giải thích tại sao báo chí lại không đưa tin nhiều khi một kẻ đánh bom tự sát phát nổ bên ngoài một sân vận động đông người ở Đại học Oklahoma ngày 01 tháng 10 năm 2005. Kẻ đánh bom, Joel Henry Hinrichs III, không phải là người Hồi giáo.  Anh ta chỉ là một người da trắng bị rối loạn tinh thần với một dụng cụ kích nổ mà ý định ban đầu là kích hoạt một trái bom tương tự loại Timothy McVeigh đã dùng. Nếu anh ta tiến hành vụ tấn công tại Đại học Oklahoma vào cuối những năm 1990 thì nó sẽ là một tin quan trọng trên khắp thế giới, nhưng vào năm 2005, nó không phù hợp với mạch chuyện đang được đăng tải nên cũng chỉ được coi như một tin tức nhỏ của địa phương và bị bỏ qua.

 

Điều này lại xảy ra vào tháng 04 năm 2007 khi 6 người đàn ông da trắng thuộc “Nhóm dân quân tự do Alabama” bị bắt ở Collinsville, Alabama. Cảnh sát đã tịch thu được một khẩu súng máy, một súng trường, một khẩu súng cưa nòng, hai chiếc giảm thanh, 2500 đầu đạn và nhiều loại thuốc nổ tự chế, gồm cả 130 lựu đạn cầm tay và 70 thiết bị nổ tự chế tương tự như những loại mà quân nổi dậy Iraq vẫn thường dùng. Cầm đầu nhóm là một kẻ đang bị truy nã và lẩn trốn dưới một biệt danh, một người luôn thể hiện sự căm phẫn tột độ đối với chính phủ và những người nhập cư bất hợp pháp. Tại một phiên điều trần xem xét việc bảo lãnh, một cơ quan liên bang đã chứng minh nhóm này có lên kế hoạch tấn công bằng súng máy lên những người gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sống ở một thị trấn nhỏ gần đó. Báo chí không hề quan tâm và câu chuyện gần như bị bỏ quên. Nhưng một tuần sau, việc một nhóm 06 người Hồi giáo bị bắt vì tội âm mưu tấn công Fort Dix lại trở thành một tin tức thời sự quốc tế quan trọng cho dù những người này không tinh vi hơn hay có quan hệ với những mạng lưới khủng bố nhiều hơn “Nhóm dân quân tự do Alabama”, thậm chí họ còn chẳng có gì đáng kể như kho vũ khí của những dân quân kia.

 

Một nhân tố khác cần thiết cho một câu chuyện hay đó là sự sống động cả về câu chữ cũng như hình ảnh và những phóng viên giỏi thường phải đưa điều này vào sản phẩm của mình. Điều này có tác động sâu sắc lên nhận thức về hiểm họa của con người.

 

“Bệnh bò điên” là một kiểu ngôn ngữ súc tích, sống động và có sức thuyết phục mà các tờ báo rất thích và không có gì ngạc nhiên khi đây chính là từ do một phóng viên nghĩ ra. Phóng viên David Brown của tờ The Daily Telegraph nhận thấy cái tên khoa học – bệnh não trông giống bọt biển ở bò (BSE) – nghe rất dài dòng và trừu tượng, và như đã nói trong một cuộc phỏng vấn, anh ta muốn mọi người phải chú ý và muốn có hành động về vấn đề này. “Cái tên đã nói ngắn gọn về căn bệnh. Nó đã có tác dụng thực sự. Tôi không phải hối tiếc vì đã gọi nó là bệnh bò điên”. Cái tên này thực sự hiệu nghiệm. Một báo cáo năm 2005 nghiên cứu về tác động của cuộc khủng hoảng này ở Pháp đã cho thấy việc tiêu thụ thịt bò đã giảm mạnh khi báo chí dùng từ “bò điên” thay cho BSE. Để củng cố thêm những kết quả này, hai Giáo sư Marwan Sinaceur và Chip Heath ở trường Đại học Stanford, và Giáo sư Steve Cole ở trường Đại học California (Los Angeles) đã tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm yêu cầu mọi người thử tưởng tượng khi họ vừa ăn xong miếng thịt bò thì nghe một bản tin về căn bệnh này. Họ nhận thấy những người được mô tả về căn bệnh bằng từ “bệnh bò điên” tỏ ra lo lắng hơn và có xu hướng ăn ít thịt bò hơn những người chỉ nghe BSE. Đó là do tác dụng của Quy luật Tốt – Xấu. Các nhà nghiên cứu viết “Cái tên Bò Điên gây ra nhiều tác động về cảm xúc hơn là cái tên khoa học”. “Những kết quả này trùng với lý thuyết hệ thống kép ở chỗ cái tên khoa học không làm giảm bớt tác động của cảm xúc nhưng lại khiến mọi người phải suy nghĩ thận trọng hơn”. Nói cách khác, Trực giác sẽ nghĩ ngay đến bệnh bò điên còn BSE sẽ làm Lý trí chú ý hơn.

 

Không chỉ là ngôn ngữ biểu cảm mà báo chí có vẻ ưa thích những tin xấu, cho nên các phóng viên thường nêu bật cái tiêu cực và xem nhẹ cái tích cực, ngược lại lời khuyên vốn có. Vào tháng 10 năm 2007, tờ The Independent của Anh đã cho chạy một dòng tít Không phải lo ngại về môi trường với một bài báo phê phán gay gắt về báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc. Bản báo cáo bao gồm tài liệu về tình hình môi trường ngày một tệ hại nhưng bản tóm tắt báo cáo của Liên hợp quốc cũng nêu ngay ở đoạn đầu tiên rằng họ cũng “hoan nghênh những tiến bộ thực tế trong việc giải quyết một số vấn đề môi trường cấp bách”. Nhưng trong bài báo trên thì không hề nói gì đến những tiến bộ đạt được.

 

Tờ báo thậm chí còn thiên vị hơn khi đưa tin về một cuộc khảo sát năm 2006 về tình trạng mua bán ma túy bất hợp pháp ở Anh do tổ chức DrugScope tiến hành. Báo cáo của DrugScope mở đầu bằng câu “Mặc dù có nhiều câu chuyện mơ hồ về tình trạng cocain ngập tràn các sân chơi, các loại ma túy đang ngày một dễ tiêu thụ còn hơn cả pizza và hiện đang nổ ra phong trào hút cần sa. Nghiên cứu sơ bộ giá các loại thuốc lậu ở 20 thành phố trong tháng 07 và tháng 08 cho thấy tình hình giá cả các loại này vẫn ổn định trong năm qua”. Nhưng câu dẫn trong bài báo nói về cuộc khảo sát này của tờ The Independent lại khác hẳn: “Giá ma túy ở nhiều nơi trên nước Anh năm qua đã giảm mạnh, theo một nghiên cứu chính thức, ngành kinh doanh loại ma túy trái phép này đang nở rộ”. DrugScope cũng cho biết “bệnh dịch Crystal meth bệnh mà người ta lo ngại trước đó đã không trở thành sự thật và không được coi là đáng kể trong bất kỳ thị trường dược nào”. Có thể đoán được là tờ The Independent sẽ không hề nhắc đến điều này.

 

Khi Hiệp hội Ung thư Mỹ đã đưa ra các số liệu năm 2006 cho thấy tỉ lệ ung thư nói chung ở thành phố New York và trên toàn nước Mỹ đã suy giảm, tờ New York Post đã biến tin tốt này thành một bài có nhan đề “Cảnh báo về ung thư”. Câu đầu tiên trong bài viết “Khoảng 88.230 cư dân ở Big Apple [New York] bị phát hiện mắc bệnh ung thư trong năm nay” và “một nghiên cứu mới đây cho tấy có 35.600 người chết, trong đó có nhiều trường hợp do các căn bệnh ung thư phổi và tuyến tiền liệt những bệnh có thể phòng tránh được”. Chỉ có một câu duy nhất ở đoạn thứ ba, tờ báo đã thừa nhận một cách miễn cưỡng rằng tỉ lệ ung thư – con số thực sự quan trọng ở đây – đã suy giảm. Tờ Toronton Star cũng có sự sáng tạo tương tự khi tìm ra tin xấu trong công bố thống kê của Canada rằng đàn ông Canada đã đạt mức tuổi thọ trung bình là 80. Sau khi dành chỉ một câu nói về thành tựu đặc biệt này, người viết đã đi ngay đến phần công kích bất ngờ trong suốt phần còn lại của bài báo “Thật không may là sự gia tăng nhanh chóng số người già ở Canada có thể ảnh hưởng mạnh đến hệ thống y tế của chúng ta”.

 

Các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà nghiên cứu y học từ lâu đã phàn nàn rằng báo chí thường thiên vị đối với những nghiên cứu tìm ra một nguy cơ. Nhằm xác minh nhận định này, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Toronto đã phát hiện thấy cuốn Journal of the American Medical Association của Hiệp hội Y tế Mỹ (JAMA) số ra ngày 20 tháng 03 năm 1991 có những nghiên cứu mâu thuẫn nhau về vấn đề ung thư do phóng xạ ở trẻ em. Nghiên cứu đầu tiên cho thấy đúng là có nguy cơ, còn nghiên cứu thứ hai lại cho thấy không có mối đe dọa nào. Đây là một ví dụ rõ thấy nhất về sự thiên vị vì báo chí thường đăng tin về những nghiên cứu nêu trong JAMA. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng trên báo 19 bài liên quan tới các cuộc nghiên cứu này. Trong đó 9 bài chỉ đề cập đến nghiên cứu có nguy cơ. Không bài nào chỉ nói riêng về cuộc nghiên cứu cho thấy không hề có mối đe dọa: 10 bài đưa vào cả hai nghiên cứu nhưng lại chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cho thấy có nguy cơ.

 

Cùng với sự thiên vị này, có thể hiểu được xu hướng thích những câu chuyện xúc động hơn là những số liệu chính xác. Một nhân vật trong một truyện ngắn của Margaret Atwood nhận xét “Chúng ta không thích tin xấu. Nhưng chúng ta cần nó. Chúng ta cần biết để phòng khi chính chúng ta cũng có thể gặp. Bầy hươu đang nhẩn nha trên bãi cỏ. Thế rồi “ụp” hình như có bầy chó hoang trong đám bụi rậm. Đầu ngẩng cao, tai dỏng lên nghe ngóng. Chuẩn bị chạy nào!”. Đó là một bản năng. Tổ tiên của chúng ta sẽ không vội chạy nhanh hết sức khi ai đó nói rằng không có con sư tử nào quanh đây, nhưng chỉ một tiếng hô “Sư tử!” cũng sẽ làm mọi người chú ý. Đó là cách chúng ta tiếp nhận thông tin, kể cả phóng viên cũng như độc giả. Một nghiên cứu của các nhà tâm lý học Micheal Siegrist và George Cvetkovich cho thấy khi các sinh viên ở Đại học Zurich được biết đến nghiên cứu mới về một nguy cơ đối với sức khỏe (việc nhuộm mầu thức ăn, các vấn đề điện tử), họ cho rằng một nghiên cứu đưa ra nguy cơ sẽ đáng tin cậy hơn nghiên cứu không có mối đe dọa nào. Các nhà nghiên cứu kết luận “Mọi người tin vào những nghiên cứu đưa ra kết quả tiêu cực hơn những nghiên cứu không đưa ra một nguy cơ tiềm ẩn nào”.

 

Đối với các phóng viên, sự thiên vị tự nhiên đối với tin xấu được kết hợp bởi những khó khăn khi đọc tin tốt dưới dạng những câu chuyện cụ thể. Làm thế nào để kể về một phụ nữ không bị bệnh ung thư vú? Về kẻ từng vào tù giờ đã tuân thủ pháp luật? Về chiếc máy bay đã hạ cánh an toàn và đúng giờ? “Nhân viên Bưu điện hài lòng với cuộc sống” sẽ không phải là một cái tít, còn “Nhân viên Bưu điện Giết chết Tám người” chắc chắn sẽ được đưa lên trang nhất.

 

Thậm chí những ví dụ tiêu biểu về mặt số liệu của những sự kiện không hay cũng không dễ chuyển thành tin. Tin tức về những kẻ giết người hàng loạt có thể hấp dẫn nhưng tội phạm điển hình lại là một kẻ cắp vặt 17 tuổi và tin tức về bọn này sẽ không bao giờ hấp dẫn như tin về những kẻ giết người hàng loạt.

 

Mà đó mới chỉ là truyền thông tin tức. Sự thiên vị đối với cách kể chuyện xúc động càng đúng trong lĩnh vực truyền thông giải trí vì việc làm chương trình không bị áp lực bởi tính chính xác. Tiểu thuyết, truyền hình và phim ảnh đầy những câu chuyện rủi ro bất trắc, khai thác mọi yếu tố làm hài lòng số đông mà những nhà kể chuyện từ Homer đến Quentin Tarantino đều biết đến – có tình tiết, xung đột, bất ngờ, gay cấn, bi kịch và nhiều cảm xúc mạnh mẽ mà lại chẳng giống đời thực chút nào. Truyền hình buổi tối là một nơi đặc biệt kỳ lạ. Một tập phim trong CSI mô tả một vụ sát hại một triệu phú chủ sòng bạc nhẫn tâm, một vụ được giải quyết khi những hăm tà trên xác nạn nhân đã giúp các điều tra viên phát hiện ra nạn nhân bị mắc chứng cuồng dâm nên đã bị lột trần. Trong khi đó, theo câu chuyện có tên là Grey Anatomy, một phụ nữ trẻ đẹp khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ đã được biết là mình bị ung thư đốt sống cổ và cuối cùng đã phải chết. Đến một ngày ở một bệnh viện các chứng rối loạn ít gặp như chứng viêm não Rasmussen đã xuất hiện nhiều một cách kỳ lạ mà chẳng thấy ai bị tiểu đường hay bất cứ căn bậnh nhàm chán nào vốn giết chết nhiều người hơn tất cả các chứng rối loạn hiếm gặp đó cộng lại.

 

Khi đọc những thông tin này, Lý trí biết đó chỉ là phim ảnh, cảnh sát chẳng hơi đâu đi điều tra về các vụ án mạng của các triệu phú quấn tã và chẳng có bệnh viện nào đầy những phụ nữ trẻ đẹp bị ung thư. Nhưng Trực giác thì không thấy như vậy. Nó chỉ thấy đó là những vụ việc sống động và gây xúc cảm sâu sắc đã thỏa mãn Quy luật Điển hình và Quy luật Tốt – Xấu. Vì vậy mặc dù hoàn toàn đúng khi nói truyền thông tin tức đã làm cho con người hiểu sai về các nguy cơ nhưng có lẽ truyền thông giải trí cũng phải chia sẻ một phần trách nhiệm đó.

 

Sức ảnh hưởng của truyền thông còn biểu hiện ở chỗ nó có thể xuất phát từ những nơi ít có thể nhất. Burkina Faso là một nước nhỏ ở Tây Phi từng là thuộc địa của Pháp nên tiếng Pháp cũng là ngôn ngữ chính. Báo chí bằng tiếng Pháp xuất hiện khá rộng rãi cho nên báo chí địa phương cũng lấy theo báo chí tiếng Pháp. Nhưng Burkina Faso cũng là một trong những nước nghèo nhất thế giới nên những nguy cơ tử vong hay tàn tật ở đây rất khác với ở Pháp. Vì vậy khi các nhà nghiên cứu Daboula Kone và Etienne Mullet lấy 51 cư dân ở thủ đô nước  này để đánh giá các nguy cơ bắt nguồn từ 90 loại hoạt động và công nghệ theo thang từ 0 đến 100. Có thể dự đoán được là kết quả sẽ rất khác so với các cuộc khảo sát ở Pháp.

 

Điều đó cho thấy mọi người thường cường điệu ảnh ưởng của báo chí đối với xã hội một phần vì họ tách báo chí ra khỏi xã hội, như thể đây là một lực lượng chiếm đóng bên ngoài đang đến khai thác thông tin từ các hầm mỏ. Nhưng các phóng viên, biên tập viên và nhà sản xuất, những người được gọi là “báo giới” cũng có nhà ở ngoại ô, có con đang đi học và có một căn phòng nhỏ ở nơi làm việc như mọi người khác. Và họ cũng đọc báo, xem tivi và lướt Internet.

 

Một cuộc nghiên cứu năm 1997 cho thấy báo chí đã quan tâm “quá mức” đến những nguyên nhân đặc biệt gây chết người và ung thư được coi là một trong những nguyên nhân được đăng tải nhiều. Các tác giả đã bỏ qua phát hiện này nhưng nó thực sự có ý nghĩa. Ung thư không gây chú ý như một vụ cháy nhà hay sát hại mà còn gây kịch tính. Mặt khác, ung thư lại có mặt rất nhiều trong nền văn hóa đại chúng, gây cảm giác đen tối và đáng sợ; những cảm xúc trống trải mà các nhà tâm lý gọi là tác động tiêu cực, các phóng viên cũng trải qua những cảm xúc này và nhận thức của họ được định hình từ đó. Vì vậy khi chú trọng đăng tải về bệnh ung thư thì rõ ràng báo chí đang phản ánh những suy nghĩ của dư luận chứ không phải định hướng nó. Đồng thời việc quan tâm quá mức của báo chí đối với bệnh ung thư khiến cho mọi người quá phóng đại nguy cơ này và làm cho căn bệnh càng đáng sợ hơn.

 

Cứ như vậy. Báo chí phản ánh sự lo ngại của toàn xã hội nhưng qua đó lại gây thêm sự lo ngại trong xã hội và rồi lại phản ánh tiếp. Quá trình này cứ liên tục nhưng cũng có lúc đặc biệt là khi có thêm các mối quan tâm về văn hóa khác – nó đủ mạnh và tạo ra những cơn bùng phát khác thường mà các nhà xã hội học gọi là sự hoảng loạn tinh thần.

 

Năm 1998 tạp chí Time tuyên bố “Đường xá trên cả nước đã đến giờ cao điểm. Tình trạng lái xe bất cẩn, vô tổ chức đã thành một dịch bệnh đang lan tràn trong đám xế hung hãn”. Hung thần xa lộ (Road rage), vào năm 1994, khái niệm này chưa tồn tại và vấn đề chưa được đề cập tới. Năm 1995, cụm từ này bắt đầu xuất hiện nhiều trên báo chí và đến năm 1996 đã trở thành một vấn đề quan tâm lớn của dư luận. Người Mỹ ngày càng thô lỗ, khó chịu và bạo lực khi lái xe, các tay lái dễ nổi quạu gây ra ngày càng nhiều thương vong trên đường, gần như là một “dịch bệnh”. Mọi người đều biết điều đó và đến năm 1997 đều nói về nó. Rồi lại thôi. Kiểu như vậy. Từ Hung thần xa lộ thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên báo. Nhưng vấn đề này đã biến mất hẳn khi Monica Lewinsky trở thành thực tập sinh Nhà Trắng nổi tiếng nhất trong lịch sử, và bây giờ nhắc đến cô ta cũng không còn hợp thời nữa.

 

Khi không còn gây sốc chúng sẽ bị quên lãng ngay và việc chúng từ đâu ra, tại sao lại biến mất không còn được bàn luận nhiều trên báo chí như trước nữa. Nếu việc này phải đưa ra xem xét thì có thể giải thích hợp lý rằng sự lên xuống này chỉ phản ánh thực tế tình hình đường sá ở nước Mỹ. Nhưng không có căn cứ cụ thể. Trong một nghiên cứu chi tiết về cái được gọi là bệnh dịch này trên tờ Atlantic Monthly tháng 08 năm 1998, nhà báo Micheal Fumento đã kết luận rằng “Các dòng tít lớn vẫn cứ như vậy, luôn luôn không có dù là những số liệu hay các căn cứ khoa học khác về tình trạng lái xe ngày một hung hãn trên đường. Thực ra tỉ lệ các vụ tai nạn, các vụ thương vong đang giảm bớt. Không có căn cứ để nói về “Hung thần xa lộ” hay bất cứ một “dịch bệnh” lái xe hung hãn mà đó chỉ là một phát minh của báo chí.

 

Tất nhiên báo chí không phát minh ra chuyện Hung thần xa lộ giống như các nhà tiếp thị tạo ra các trào lưu mới cho các sản phẩm của mình. Không có kế hoạch tổng thể, không có chủ định. Cũng không có sự thêu dệt. Các sự việc đầu có thật. Một bài trên U.S. News and World Reports năm 1997 đưa tin “Trên đại lộ George Washington ở bang Virginia, một cuộc tranh giành làn đường đã dẫn đến một cuộc đua tay đôi tốc độ cao khiến cả hai bị mất lái rồi đâm qua dải phân cách và cùng chết thảm”. Đúng là điều đó đã xảy ra, và được đưa tin vì nó kịch tính, bi thảm và đáng sợ. Rồi có thêm một số vụ khác cũng nghiêm trọng tương tự được đưa tin. Thế là ra đời một câu chuyện mới về mối đe dọa: các tay lái ngày càng xử sự thô lỗ trên đường khiến họ và những người khác có thể gặp nguy hiểm. Điều đó có nghĩa là các vụ việc không cần phải thật hấp dẫn hay quan trọng mới trở thành tin tức mà nó phải nằm trong một mạch chuyện bao trùm hơn và cả những vụ việc trước đây có thể sẽ không được đưa cũng vậy. Bài báo này cũng đưa tin về một “vụ việc ở thành phố Salt Lake, ông già J.C. King 75 tuổi đã rất tức giận khi bị một gã 41 tuổi Larry Remm Jr. nhấn còi vì làm tắc đường. Ông đã bám theo ném chai thuốc vào anh ta, rồi dùng chiếc Mercury đời 92 của mình đâm vỡ đầu gối của Remm. Tại Potomac (bang Maryland) sang trọng, Robin Flicker, một luật sư từng là một nhà lập pháp của bang đã ném chai vào một bà bầu sau khi cô ta táo tợn hỏi ông này tại sao lại đâm vào chiếc xe Jeep của mình”. Bây giờ thì những chuyện nhỏ nhặt này sẽ không bao giờ được đưa thành tin trên toàn quốc nhưng nó phù hợp với một câu chuyện khi đó đang được nói đến nhiều nên đã được đưa lên thành tin.

 

Ngày càng có nhiều bản tin đưa những thí dụ và những cảm xúc đó vào đầu mọi người. Dư luận ngày một quan tâm và các phóng viên đáp ứng bằng cách đưa thêm tin tức. Càng đưa tin, càng sợ hãi; càng sợ hãi, càng đưa tin. Mối ràng buộc dư luận được hình thành và sợ hãi ngày một dâng cao.

 

Tuy nhiên không chỉ có báo chí và công luận tạo ra sự ràng buộc đó. Còn có cả những cá nhân, tổ chức muốn thổi phồng sự sợ hãi và có nhiều người liên quan đến việc gây ra câu chuyện Hung thần xa lộ như Fumento đã chỉ ra. Từ Hung thần xa lộ và cái được gọi là bệnh dịch từ đó “nhanh chóng được phát tán bởi các nhóm vận động hành lang, các chính khách, các nhà trị liệu cơ hội, các cơ quan an ninh đang cần quảng bá và cả Bộ Giao thông Mỹ”. Những người khác thì thấy đây là một điều tốt và cố ăn theo bằng cách tạo ra các từ “air rage/hung thần trên không”, “office rage/hung thần công sở” và “black rage/hung thần đen tối”. Ở Anh, thậm chí các nhà trị liệu còn quảng bá cho từ “trolley rage/hung thần xe đẩy” để mô tả ngày càng có nhiều người đi mua hàng hay nổi cáu khi đứng sau chiếc xe đẩy hàng, cũng giống như những người nổi quạu, sau tay lái.

 

Khi Hung thần xa lộ được coi là một điều ai cũng biết là có thật, báo chí ít hoặc không xem xét đến những số liệu đáng sợ do các bên liên quan đưa ra. Sau khi người đứng đầu Cơ quan An toàn Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA), một nhân vật chính trị vô tình nổi lên cùng với vấn đề này, tuyên bố rằng 2/3 số người chết “có liên quan đến việc lái xe ẩu”, tờ New York Times đã chạy tít “Nóng giận được coi là nguyên nhân dẫn đến 28.000 người chết do tai nạn trên đường mỗi năm”. Đây đã trở thành một mẩu tin gây lo ngại với những số liệu minh chứng cho mọi câu chuyện đáng sợ. Nhưng khi Fumento yêu cầu một phát ngôn viên của NHTSA giải thích về các con số, cô ta nói “Chúng tôi không có con số chính xác nhưng việc lái xe ẩu gần như là đã quá rõ rồi. Những chuyện đánh võng trên đường, đi quá gần nhau, bật đèn pha nhấp nháy và đủ loại khác nữa. Say rượu, phóng nhanh vượt ẩu, gần như mọi chuyện mà bạn nghĩ đến, đều có thể quy về hành vi lái xe ẩu”.

 

Khi gắn với thực tế một cách mong manh như vậy thì Hung thần xa lộ chắc chắn không thể tồn tại được lâu. Vụ rắc rối của Bill Clinton đã đánh lạc hướng cả phóng viên lẫn dư luận khiến cho mối ràng buộc dư luận bị phá vỡ và vấn đề Hung thần xa lộ biến mất. Năm 2004, một báo cáo do NHSTA tiến hành đã đưa ra kết luận muộn màng “Cần phải xem xét lại những lời khẳng định rằng vấn đề Hung thần xa lộ ngày một phổ biến. Số liệu về các vụ va chạm cho thấy Hung thần xa lộ là một vấn đề giao thông khá bình thường mặc dù được đưa tin khá nhiều và nổi bật. Điều quan trọng là phải nhìn nhận các vấn đề khách quan vì những nỗ lực khiên cưỡng nhằm hạn chế số vụ việc liên quan đến Hung thần xa lộ có thể làm cho sự quan tâm bị chệch hướng và chuyển các nguồn lực ra khỏi những vấn đề giao thông khác nghiêm trọng hơn. Một lời cảnh báo đúng đắn nhưng phải mất đến 7 năm sau mới đưa ra được.

 

Năm 2001, chuyện tương tự cũng xảy ra với câu chuyện mà báo chí Bắc Mỹ đặt cho một cái tên nổi tiếng đó là The Summer of the Shark (Mùa hè Cá mập). Ngày 06 tháng 07 năm 2001 ở bãi biển Pensacola, Florida, một cậu bé 8 tuổi tên là Jessie Arbogast đang bơi lội ở vùng nước nước sâu thì bị một con cá mập trâu tấn công. Cậu ta bị mất một cánh tay nhưng may mắn vẫn sống sót và câu chuyện bi thảm đáng sợ kết thúc có hậu này đã trở thành một tin nóng trên toàn lục địa. Nó tạo ra một câu chuyện mới và theo một bài chính trên tạp chí Time ra ngày 30 tháng 07 năm 2001 thì “tự nhiên những tin tức về các vụ cá mập tấn công (hoặc được cho là cá mập tấn công) xuất hiện trên khắp nước Mỹ”. “Ngày 15 tháng 07, một tay lướt ván bị cắn vào chân chỉ cách chỗ Jessie bị tấn công vài dặm. Ngày hôm sau, một tay lướt ván khác cũng bị tấn công ở gần San Diego. Rồi một nhân viên cứu hộ ở Long Island (New York) dường như cũng bị một con cá mập đuôi dài tấn công. Thứ Tư tuần trước, một con cá mập hổ dài khoảng 3,6m đã đuổi theo những ngư dân xiên cá ở Hawaii”. Tất nhiên, những tin tức này không chỉ mới “xuất hiện” vì những vụ việc tương tự vẫn luôn xảy ra nhưng không ai cho là quan trọng để đưa thành tin trên toàn quốc. Mạch chuyện đã thay đổi, biến những chuyện nhỏ nhặt thành tin tức.

 

Bài báo của Time đã thận trong khi nói “dù gây ra những lo sợ song đây vẫn chỉ là những con số khá nhỏ. Năm ngoái cả thế giới có 79 vụ tấn công bất ngờ so với 58 vụ trong năm 1999 và 54 vụ năm trước đó… Bạn có nguy cơ bị sét đánh nhiều hơn gấp 30 lần. Theo các nhà nghiên cứu của Australia thì việc mắc điện không cẩn thận trên cây thông Noel còn gây nguy hiểm cho nhiều người hơn là cá mập”. Nhưng điều này lại xuất hiện trong một bài báo với những mô tả sinh động về các vụ tấn công của cá mập và những bức ảnh màu chụp cảnh chúng đang cắn thịt tươi. Và đó là tin bài chính của một trong những tạp chí tin tức lớn nhất trên thế giới. Các con số cho thấy không có lý do gì để báo động nhưng trước Trực giác thì tất cả dường như muốn hô lên: Hãy lo sợ!

 

Đầu tháng 09, một con cá mập đã giết chết một cậu bé 10 tuổi ở Virginia. Ngày hôm sau, một con khác đã lấy đi tính mạng của mọt người đàn ông đang bơi ở vùng biển gần Bắc Caroline. Bản tin tối trên cả ba đài quốc gia đều đưa những vụ này thành tin quan trọng trong tuần. Đó chính là điều mà nước Mỹ đã nói đến vào đầu tháng 09 năm 2001.

 

Vào buổi sáng ngày thứ Ba, ngày 11 tháng 09 năm 2001, một loại dã thú khác đã xông lên bốn chiếc máy bay và làm chết gần 3000 người. Ngay lập tức, mối ràng buộc dư luận cũ đã bị phá vỡ. Tin tức về cá mập đuổi theo ngư dân biến mất khỏi bản tin và nguy cơ về nó đã được coi như một chuyện xưa như trái đất, một bi kịch đối với vài người liên quan và chuyện không đáng kể đối với tất cả những người khác nếu xét về con số. Đến nay thì Mùa hè Cá mập chính là một biểu hiện cho thấy công luận (gồm cả báo chí và độc giả) có thể bị đánh lạc hướng bởi những chuyện gay cấn rẻ tiền.

 

Kể chuyện là điều bình thường. Thậm chí nó còn có thể giúp mở mang dân trí. Nhưng có nhiều cách biến đây thành một công cụ ảnh hưởng tệ hại đến những hiểu biết về thế giới mà chúng ta đang sống và những điều đang thực sự đe dọa chúng ta. Như các nhà khoa học vẫn nói, chuyện kể không phải là dữ kiện dù nó có cảm động thế nào hay nó được dựng lên ra sao.

 

Những nhận xét đó làm các phóng viên phải khó chịu. Như nhà sản xuất Sean Collins đã phản đối những chỉ trích của các chuyên gia y tế cộng đồng đối với việc đăng tin của báo chí và viết rằng thật ngớ ngẩn khi tin tức “phải đưa kèm các số liệu về tình trạng bệnh tật và chết chóc”. “Đôi khi chúng ta phải kể ra những câu chuyện gây chấn động ở đâu đó ngoài những bảng biểu của các nhà dịch tễ học”.

 

Tất nhiên là anh ta nói đúng. Tất cả những câu chuyện về người phụ nữ trẻ bị ung thư, người đàn ông bị liệt do virus West Nile, một cậu bé bị cá mập ăn thịt đều cần được kể ra. Thật kỳ diệu khi cuộc sống ngắn ngủi của Shelby Gagne được nhớ đến qua một bức ảnh trên báo. Nhưng câu chuyện về những đời đầy sóng gió và mất mát vì những nguyên nhân hiếm gặp không phải là những điều được báo chí “thỉnh thoảng” nói đến. Chúng đã trở thành chuyện cơm bữa. Còn những câu chuyện phù hợp với số liệu của các nhà dịch tễ thì thỉnh thoảng mới được nhắc đến và đó là lý do chính khiến Trực giác nói cho chúng ta những điều đáng sợ.

 

Dan Gardner

TH: T.Giang – SCDRC

 

*  *  *

 

Xem bài trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Xem bài trên trang Y học, đời sống: click vào đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh