Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
CỬ NHÂN LÊ TRUNG ĐÌNH
TRƯƠNG QUANG

ĐÔI ĐIỀU XÁC MINH VỀ ANH HÙNG XỨ QUẢNG:
CỬ NHÂN LÊ TRUNG ĐÌNH và TRƯỜNG THI BÌNH ĐỊNH.
TRƯƠNG QUANG

Hơn một thế kỷ qua, tổ quốc Việt Nam trải qua nhiều biến cố được gắn liền với những danh nhân yêu nước. Kể từ tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858) chiến thuyền Pháp bắn phá cửa Đà Nẵng, rồi lần lượt đánh chiếm cả 6 tỉnh Nam kỳ, tiến chiếm Bắc kỳ và cuối cùng là cuộc đánh trả đêm 22 tháng 4 năm Ất Dậu tại kinh thành Huế bị thảm bại, vua Hàm Nghi xuất bôn, quân đội triều Nguyễn tan rã. Nhưng, nơi nào quân xâm lược Pháp đặt chân đến là nơi ấy nổi lên những cuộc khởi nghĩa của dân chúng chống Pháp.

Có căn cứ địa và quân tướng nhiều như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật ở Bắc kỳ, Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực ở Nam kỳ, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng ở Trung kỳ. Ở mỗi tỉnh, quân Pháp và quan quân tay sai gặp phải sức kháng cự dũng cảm của Nghĩa binh Cần Vương do những sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Nghĩa binh chiếm giữ thành Quảng Ngãi vào tháng 7/1885 dưới quyền chủ tướng là vị anh hùng yêu nước trẻ tuổi nhất của phong trào Cần Vương phục quốc: cử nhân Lê trung Đình.

Có nhiều sách, bài viết và hội thảo về Lê trung Đình, quí tác giả ấy đã góp phần phát huy lòng yêu nước của tiền nhân truyền lưu cho hậu thế. Tuy nhiên, còn vài điều chưa thống nhất giữa các tài liệu về niên đại và sự kiện là vấn đề phải giải quyết cho thật đúng. Bài nầy, chúng tôi không viết lại cuộc đời của chí sĩ Lê trung Đình, mà chỉ khảo chứng những dị biệt về năm ông đỗ cử nhân tại trường thi Bình Định để có được tài liệu sát đúng với lịch sử về Lê trung Đình truyền lại đời sau.

LÊ TRUNG ĐÌNH ĐỖ CỬ NHÂN NĂM NÀO?

Điểm qua các sách, các bài viết, các bản tham luận về Lê trung Đình đã nêu lên 2 thời điểm đỗ cử nhân của ông sai khác nhau : một số ghi là khoa Nhâm Ngọ (1882), số khác ghi là khoa Giáp Thân (1884).

Các tác giả viết Lê trung Đình đỗ cử nhân khoa Nhâm Ngọ (1882) đều còn tại thế, nên trao đổi ý kiến rất thuận lợi, hiện ở trong nước hay hải ngoại, gồm có:

* Hiện trong nước:

- Phạm trung Việt: “Non nước xứ Quảng” (ấn bản 1971, 1996)
- Hồng Sinh, Hồng Phú: “Sao sáng sông Trà” (1975)
- Đinh xuân Lâm và Chương Thâu: “Danh nhân lịch sử Việt Nam (1988)
- Trần văn Thận: “Lê trung Đình: con người, sự nghiệp, giai thoại, văn chương (1999)
Các bài tham luận tại Hội thảo về Lê Trung Đình tại Quảng Ngãi (6/1996)

* Hiện định cư tại Hoa Kỳ có:

- Trương Quang (Nội san Quảng Ngãi/Connecticut, tháng 6/1995)
- Hà Thuận Quảng (Đặc san Quảng Ngãi/Bắc California, Xuân 1999)
- Phương Đình (Đặc san Quảng Ngãi/New England, Xuân 2000)

Các tác giả kể trên chỉ ghi Lê Trung Đình đỗ cử nhân khoa Nhâm Ngọ (1882) mà không chú dẫn nguồn tài liệu đã lấy làm căn cứ. Hầu hết đều viết rập theo niên đại ấy của Phạm Trung Việt (tức ông Phạm Viết Trưng, là người đang sinh sống tại Quảng Ngãi gần 80 năm qua). Chính kẻ viết bài nầy đã phạm lỗi tắc trách, không kiểm chứng lại khi viết về Lê Trung Đình để kỷ niêm ngày giỗ thứ 110 của Người. Nay tôi xin có lời đính chính dưới đây và kính mong quí thức giả góp ý kiến để đạt đến mức trung thực của lịch sử về Lê trung Đình.

Các tài liệu cũ bằng Hán văn ghi rõ Lê trung Đình đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884) tại trường thi Bình Định, thật quí giá là 2 sách kể sau:

1. Bài Ngoại Liệt Truyện của Tiến sĩ Phan trọng Mưu (bản dịch của Lê Thước). Tác giả Phan Trọng Mưu người xã Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông chào đời năm Tân Hợi (1851), đỗ cử nhân khoa Bính Tý (1876), đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mão (1879) làm quan đến chức Thị độc triều Tự Đức. Sĩ phu Phan Trọng Mưu tham gia nghĩa binh Cần Vương chống Pháp tại huyện Hương Khê, rừng Vụ Quang do Đình Nguyên Phan Đình Phùng lãnh đạo. Vì bệnh nặng, ông phải trở về làng dưỡng bệnh đến lúc mệnh chung. Tiến sĩ Phan Trọng Mưu là người đương cuộc cùng chí hướng với cử nhân Lê Trung Đình nên sách ông viết về những nhà ái quốc đương thời, có mức độ khả tín rất cao. Người dịch là Giáo sư Lê Thước, vốn là thủ khoa Hương thí (1918) ở trường Nghệ An.

Trong Bài Ngoại Liệt Truyện, phần “Tiểu truyện Lê trung Đình” tuy không dài, nhưng ghi lại nhiều chi tiết quan trọng, có đoạn ghi rõ: “Ông là người xã Phú Nhơn, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cha là Lê Trung Lượng, đậu cử nhân khoa Nhâm Tý triều Tự Đức (1852), làm Án sát. Lê Trung Đình đậu cử nhân khoa Giáp Thân, triều Kiến Phúc (1884)”. Bài Ngoại Liệt Truyện là tác phẩm thành văn sớm nhất co viết về nhà ái quốc Lê Trung Đình.

2. Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục (bản dịch Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm). Tác giả Cao Xuân Dục (1842-1928) hiệu Long Cương, ông đỗ cử nhân năm 1876, hỏng khoa thi hội 1877 nên nhận chức Hậu bổ ở Quảng Ngãi, từng giữ các chức vụ Kinh lịch, rồi Tri huyện Bình Sơn, Tri huyện Mộ Đức nên ông rất quen biết với giới khoa bảng và quan lại ở tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1881, Long Cương Cao Xuân Dục được triệu dụng về kinh đô Huế để nắm giữ chức Thượng thơ bộ Học và Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, thời gian nầy ông biên soạn nhiều tác phẩm có giá trị.

Theo Quốc Triều Hương Khoa Lục, khoa thi Nhâm Ngọ (1882) trường Bình Định lấy đỗ 11 cử nhân (Quảng Ngãi 5, có giải nguyên; Bình Định 6 có á nguyên). Tên quí ông đỗ cử nhân khoa 1882, quê Quảng Ngãi là: thủ khoa Trần Cư (người Bình Sơn), thứ 6 Nguyễn Mậu Thọ (người Mộ Đức), thứ 7 Nguyễn Du (người Mộ Đức), thứ 9 Lê Tựu Khiết (người Mộ đức) và thứ 11 Bùi Doãn (người Sơn Tịnh). Không có tên Lê Trung Đình lên bảng ở khoa nầy.

Đọc tiếp Quốc Triều Hương Khoa Lục về khoa thi Hương năm Giáp Thân (1884) Kiến Phúc nguyên niên, trường Bình Định lấy đỗ 18 cử nhân (Quảng Ngãi 5 có giải nguyên, Bình định 12 có á nguyên và Phú Yên 1). Tên và thứ tự quí tân khoa cử nhân khoa 1884 của Quang Ngãi là: Thủ khoa Phạm Văn Chất (người làng Thi Phổ, huyện Mộ Đức), xếp thứ 5 là Võ Dương (ở Mộ Đức), xếp thứ 7 là Phạm Văn Nga (ở Mộ Đức), xếp thứ 8 là Nguyễn Thừa Lương (ở Chương Nghĩa, nay là Tư Nghĩa) và xếp thứ 17 là Lê Trung Đình (người Bình Sơn, nay thuộc huyện Sơn Tịnh).
Sách trên còn cho biết thêm khoa Hương thí Giáp Thân (1884) tại trường Bình Định là ân khoa, vì chính khoa theo định lệ vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.

Bởi vậy, năm sau là Ất Dậu (1885) Hàm Nghi nguyên niên, trường Bình Định lại có khoa thi Hương theo định lệ, các sĩ tử Quảng Ngãi đỗ xong kỳ thứ nhất thì được tin kinh thành thất thủ, phẫn chí, bỏ thi kéo nhau về quê, nên khoa nầy chỉ đỗ cử nhân 8 người (Bình Định 7, Phú Yên 1). Lãnh tụ Cần Vương Bình Định là Mai Xuân Thưởng vừa đỗ cử nhân khoa Ất Dậu (1885) là cùng với Nguyễn Duy Cung (người Quảng Ngãi, thầy học của cử Đình) dấy nghĩa binh chống Pháp, hiệp đồng với Lê trung Đình ở Quảng Ngãi và Hường Hiệu ở Quảng Nam.

Viết Quốc Triều Hương Khoa Lục, ông Cao Xuân Dục đã lấy tư liệu từ văn khố Nguyễn Triều, trên cương vị Thượng thư bộ Học coi về khoa cử đương thời, cùng với sự khảo cứu công phu, đã xác định Lê Trung Đình đỗ cử nhân năm Giáp Thân (1884) tại trường thi Bình Định. Thiết tưởng 2 sách dẫn thượng không ai phủ nhận được.

Một vài thơ văn và giai thoại của Lê trung Đình như bài Tự Trào và giai thoại “gõ đầu thủ khoa Chất” cũng góp phần làm sáng tỏ là ông đỗ cử nhân khoa Giáp Thân.

* Về bài Tự Trào:

Nhà giáo Trần văn Thận (viết trong “Lê trung Đình, con người, sự nghiệp, giai thoại, văn chương”, Sở VHTT Quảng Ngãi, 1999) xác nhận Quốc Triều Hương Khoa Lục chép tên Lê Trung Đình đỗ khoa Giáp Thân (1884), mặt khác lại dựa vào bài Tự Trào của Lê Trung Đình và thêm vài ý kiến khác để khẳng định Lê Trung Đình đỗ cử nhân khoa Nhâm Ngọ (1882). Xin đọc lại bài Tự Trào, ai cũng thấy rõ Lê Trung Đình không nói chuyện khoa thi Nhâm Ngọ (1882) mà nói về khoa thi Kỷ Mão (1879) như sau:

Khoa Kỷ Mão ưu, bình trường nhất đủ
Giải nguyên nầy hai chú hãy tranh nhau.
Chữ nhất kia xuất vận bởi vì đâu?
Nên Đình lại qua khoa Nhâm Ngũ.
Còn một tay Bá Võ
Vào trường ba, chữ TẤN lại quên đài.
Úy, thôi thôi! Hỏng cả vừa hai
Con tạo hóa thày lay lắm bấy.
Long độc nhãn phi lai hà xứ tộc
Bảng vàng nơi gạn lọc nhân tài
Mất thủ khoa về bởi tay ai?
Rồng khúc thủy lạc loài nơi Chương Nghĩa.


Ngay câu đầu đã nêu rõ là khoa thi Kỷ Mão (1879), hai thí sinh Lê Trung Đình và Trần Bá Võ (người ở Châu Sa, Sơn Tịnh, bạn học với Lê Trung Đình ở thầy Án Cung) đều đậu cao hạng ưu bình ở trường nhất, hy vọng 2 người sẽ tranh nhau học vị giải nguyên (thủ khoa trường thi Hương). Vào trường hai, Lê Trung Đình hỏng vì bài văn có chữ NHẤT bị lạc vận. Trần Bá Võ đậu trường hai, vào tiếp trường ba thì viết chữ TẤN quên đài, nên cũng hỏng nốt. Câu “mất thủ khoa về bởi tay ai” không phải mất thủ khoa về Phạm Văn Chất như ông Trần Văn Thận viết, mà lời trào lộng của hai chú thí sinh mới đỗ cao ở trường đầu tưởng đâu như mình sẽ đoạt giải nguyên! Khoa Kỷ Mão (1879) nầy, giải nguyên là Bùi Phụ Truyền ở Chương Nghĩa (nay là huyện Tư Nghĩa).

Chí sĩ Lê Trung Đình (1862-1885) tham dự thi Hương từ lúc 17 tuổi, hỏng liền 2 khoa 1879 và 1883, đến khoa 1884 đậu cử nhân lúc 22 tuổi. Năm sau, ông là chủ tướng của nghĩa sĩ Cần Vương chiếm thành Quảng Ngãi, đại sự cứu nước bị thất bại, ông khẳng khái nhận cái chết ngày 18-7-1885 tại cửa Bắc, thành Quang Ngãi. Từ xưa đã có câu: “Chớ đem thành bại luận anh hùng” và “Học tài thi phận” đều rất đúng với cuộc đời Lê Trung Đình. Chốn khoa trường thuở ấy, người tầm thường không thể đậu, người bình thường có thể đậu, người phi thường chưa hẳn đều thi đậu. Lê Trung Đình là người phi thường, bậc xuất chúng, chí lớn không phải chú tâm vào việc tránh phạm trường qui (như ở bài Tự Trào hay phạm húy, thiệp tích...) đến các bài văn nghĩa, kinh sách phải rập khuôn ý Thánh hiền và đúng với đường lối nhân nhượng cầu hòa với giặc Pháp của Triều đình. Tư tưởng khoáng đạt và quyết chiến bảo vệ chủ quyền của Lê Trung Đình, nên ông lận đận tại trường thi buổi ấy là chuyện dễ hiểu.

Thuở ấy, có nhiều người văn tài lỗi lạc, ý tưởng phóng khoáng cũng đã từng lận đận về nghiệp khoa hoạn, như Trần Tế Xương cũng chỉ đậu đến tú tài (khoa Giáp Ngọ, 1894), Cao Bá Quát cũng chỉ đậu á nguyên cử nhân (khoa Tân Mão, Minh Mạng 12 rồi thi Hội mãi đến triều Tự Đức vẫn không đậu).

* Giai thoại Lê Trung Đình gõ đầu Thủ khoa Phạm Văn Chất đã mặc nhiệm xác nhận Lê Trung Đình đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884) vì ông Chất là giải nguyên khoa nầy. Giai thoại “gõ đầu thủ khoa”, theo ngu ý có vẻ ngông ngạo, quá trớn chăng khi người thuật chuyện vẽ vời thêm; khác hẳn với bài thơ Tự Trào lời văn trẻ trung, ý tứ tự chế nhạo rất trào lộng. Có nhiều giai thoại về Lê Trung Đình được truyền khẩu trong dân gian và chỉ được viết lại thành văn sớm nhất là sau khi Pháp mất quyền đô hộ Việt Nam vào năm 1945, lúc Quảng Ngãi được đặt tên là tỉnh Lê Trung Đình.
Giai thoại không phải là lịch sử, nhưng được hình thành dựa vào sự kiện lịch sử và được lưu truyền nên có những tác giả viết lại có phần sai khác nhau:

- Phần đông tác giả viết rằng:

Sau buổi trình diện 18 cử nhân tân khoa ở dinh Tổng đốc Bình Định ra về, cử Đình sẵn quạt cầm tay gõ lên đầu thủ khoa Chất mấy cái và chê không xứng đáng giải nguyên. Hai ông cãi vả gay gắt nên bạn đồng khoa can ngăn. Về nhà, cụ Án Lượng nọc cử Đình ra đánh mấy roi để răn dạy; từ đó xuất phát ra câu đối ngông ngạo của cử Đình:

Đầu thủ khoa năm ba cán quạt
Đít cử Đình sáu bảy lằn roi.


- Có vài tác giả viết đại lược:

Khi vào trình diện Hội đồng khảo thí, cử Đình lấy giấu quạt gõ mạnh lên đầu thủ khoa Chất và bảo: “Thứ như anh mà thủ khoa con mẹ gì?!” Lẽ phải phạt nặng, nhưng vì nể tình cụ nghè Lượng nên chỉ phạt đánh 6 roi và bắt làm thơ tức cảnh. Cử Đình đọc ngay:

Đầu thầy khoa thủ ăn ba quạt,
Đít cử Trung Đình bị sáu roi
Rõ thật đầu khinh mà đít trọng,
Đầu thầy khoa thủ đít Đình tôi.


Các quan biết rõ cử Đình lộng ngôn chơi xỏ thủ khoa Chất nữa, nhưng cũng đành bỏ qua.

Qua hai cách trình bày khác nhau trên đây đều thống nhất chuyện gõ đầu thủ khoa là có thật, nội dung câu đối hay bài thơ vẫn là một ý, còn vài tiểu tiết khác nhau lại rất quan trọng cần được kiểm chứng để có được giai thoại hợp lý và đáng tin nhất.
Chữ “ông Nghè” để chỉ người có học vị tiến sĩ ở khoa thi Hội, còn lên tiếp khoa Đình để xếp hạng Trạng nguyên (tức đình nguyên dưới triều Nguyễn) Bảng nhãn, Thám hoa. Còn người có học vị cử nhân gọi là “ông Cống” là gọi tắt chữ hương cống ở khoa thi Hương. Thân sinh cử Đình là cụ Lê Trung Lượng, đậu cử nhân khoa Nhâm Tý (1852), được vua Tự Đức bổ nhiệm Tri huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) sau thăng Án sát. Cụ Lượng nổi tiếng thanh liêm, cương trực; vì cụ chỉ trích thái độ cầu hòa yếu hèn trước quân xâm lược Pháp của vua quan triều Nguyễn, nên bị Triều đình kết tội. Dân chúng Nam Đàn nhớ ơn cụ Lượng đã khai hoang lập ấp 12 xã, bèn tâu xin, nên chỉ bị cách chức.

Vấn đề tồn nghi là ai đã đánh đòn cử nhân Lê Trung Đình? Tôi đã đặt nghi vấn nầy với 2 vị thức giả cao niên lúc còn sinh tiền, trước năm 1975:

Tôi đặt câu hỏi trên với thầy Lê Trung Kiệt, sau giờ dạy của thầy tại trường trung học tư thục Trần Hưng Đạo tại khu định cư La Hà quận Tư Nghĩa (lúc nầy ông cũng ra ứng cử nghị viên Hội đồng tỉnh Quảng Ngãi với dấu hiệu Cái rựa). Tôi được câu trả lời của người cháu nội cử Đình, như tát nước vào mặt [cái gene còn lưu truyền mà!]: “Ông nội tôi đỗ cử nhân có cờ đưa trống rước, dân làng nghênh đón từ huyện về làng. Nếu ví kiêu ngạo – cho là thiếu phẩm cách đi! – tất phải truất bỏ bằng cử nhân mới được đánh đòn bởi chánh chủ khảo chứ! Chú đã từng là giám khảo cái đám học trò ngổ ngáo bây giờ mà đã có đứa nào dám khinh miệt quyết định của Hội đồng giám khảo khi trình diện chưa? Huống hồ ngày xưa “tiên học lễ hậu học văn”. Sao chú tối dạ mà hỏi lẩn thẩn thế !”
Một lần khác tôi cũng hầu chuyện nầy với thầy Lê Kỉnh khi cả thầy và tôi cùng dạy (tuy khác cấp lớp) tại trường trung học Trần Quốc Tuấn tại thị xã Quảng Ngãi. Thầy Lê Kỉnh đỗ Tú tài Hán học, bấy giờ tôi vẫn thường tham vấn về cổ văn nơi thầy như khi tôi còn học chữ Hán thầy dạy ở trường Lê Khiết.

Khúc mắc “ai đánh đòn cử Đình vì gõ đầu thủ khoa Chất” được thầy tú Kỉnh giải đáp, đại lược: “Theo lời mấy ông cử Dương, cử Nga người Mộ Đức có mặt khi cử Đình gõ đùa cái quạt giấy lên đầu thủ khoa Chất sau lễ lãnh mũ áo ra về. Bị xúc phạm thể diện, thủ Chất phản ứng nên có gây lộn, liền được quí bạn tân khoa can gián êm xuôi ngay. Còn khẩu khí trong câu đối hay bài thơ về “đít cử Đình đầu thủ Chất” chỉ được nghe ở Quảng Ngãi, có lẽ do cụ Án Lượng muốn răn đe con mình về tính ngông ngạo”.
Quả vậy, “không ai biết con bằng cha”, cụ Án Lượng biết rõ sức học, tài cán đảm lược của con mình, nên ông muốn dạy thêm đức khiêm cung, phải đét cho mấy roi để cử Đình bỏ cách ngạo mạn khi khõ đầu thủ khoa. Vậy Giai thoại được xem là hữu lý nhất.

Nhân bài viết nầy, thiết tưởng cũng nên khái quát về trường thi Bình Định có quan hệ ra sao với sĩ tử và dân chúng Quảng Ngãi vào vài thế kỷ trước đây.

TỪ TRƯỜNG THI BÌNH ĐỊNH ĐẾN TRƯỜNG TRANH ĐẤU CHỐNG PHÁP CỦA SĨ PHU QUẢNG NGÃI.

Trường thi Bình Định, lò tuyển chọn sĩ tử 6 tỉnh nam Trung kỳ.


Dưới triều vua Gia Long, Minh Mạng & Thiệu Trị chưa mở trường thi Bình Định thì sĩ tử ở phía Bắc đèo Cả dự thi trường Thừa Thiên, ở phía nam đèo Cả dự thi trường Gia Định. Từ khoa Nhâm Tý (1852) đời Tự Đức thứ 5, trường Bình Định mở khoa thi đầu tiên, đến khoa Mậu Ngọ (1918) đời Khải Định thứ 3 là khoa cuối cùng, chấm dứt vĩnh viễn khoa cử Hán học tại Việt Nam, trường Bình Định đã mở 23 khoa thi Hương trong thời gian 68 năm.

Chỉ tính trong thời gian 68 năm ấy, triều đình nhà Nguyễn đã mở 29 khoa thi Hương, còn 6 khoa trường Bình Định không tổ chức thi được vì cuộc chiến chống Pháp xâm lược có biến động lớn hoặc do phong trào Cần Vương, khất thuế bùng nổ dữ dội ở các tỉnh nam Trung kỳ. Những khoa trường Bình Định không tổ chức thi được, có một số sĩ tử miền nầy ra thi chung với trường Thừa Thiên. Riêng biệt khoa thi cuối cùng năm Mậu Ngọ (1918) sĩ tử miền này ra thi trường Thừa Thiên tại kinh đô Huế, nhưng danh sách thí sinh, bảng trúng tuyển của trường Bình Định đều lập riêng biệt.

Theo định lệ, khoa thi được mở vào các năm Tý-Ngọ-Mão-Dậu từ tháng 7 cho các trường thi Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định và Gia Định, mở từ tháng 9 các năm trên cho các trường thi phía bắc là Thanh Hóa, Nam Định và Hà Nội. Mỗi khoa lấy đậu 124 cử nhân trên cả nước.

Trường thi Bình Định là nền đất rộng chừng 3 mẫu xây bằng đá ong cao quá đầu người, ba mặt giáp bờ nam sông Côn, thuộc thôn Hòa Nghi, tổng Thời Đôn, phủ An Nhơn. Đến hạn mở khoa thi, Tổng đốc Bình Định cho dựng nhà tạm cho quan trường ở giữa, chung quanh trường dựng rào dày kín có vọng gác cao ở bốn góc. Ngày thi, sĩ tử được gọi vào vi đã phân định theo lô, rồi tự dựng lều có chõng bên trong để làm bài, không được liên hệ nhau trong giờ thi. Mỗi khoa thi phải qua 3 trường (tức 3 bậc), có kết quả trúng tuyển kỳ này mới được vào thi trường tiếp theo, cho nên mỗi khoa thi dài hơn 1 tháng.

Việc tuyển chọn người trúng tuyển thuở ấy rất cẩn trọng. Quyển của thí sinh tất nhiên có rọc phách nên giám khảo không biết là của ai, khi hồi phách chiếu theo hạn ngạch được khảo quan chấm đậu tại trường thi. Tất cả quyển thi lại được bộ Học ở Triều đình xét lại, có thể bị truất bớt hay vớt thêm mới có danh sách trúng tuyển chính thức, xin đơn cử vài trường hợp ở trường thi Bình Định:

Bộ đánh rớt vì bài giống nhau. Ví dụ khoa thi Kỷ Dậu (1909) do Tham tri bộ Học Đặng như Vọng và Tế tửu Quốc tử giám Trần Tấn Ích làm Chánh và Phó chủ khảo lấy đậu 18 người. Cho dù 2 vị là quan chức tại Triều, Bộ vẫn xét duyệt lại thấy bài Lê Toại và Đoàn Văn Hân có nhiều đoạn giống nhau nên đánh rớt cả 2, danh sách trúng tuyển chính thức còn 16 cử nhân.

Bộ truất vì bài thi thiệp tích (có dấu lạ, dù vô ý hay cố ý đều bị xem là thông đồng với giám khảo), đó là trường hợp Trần Tuân ở khoa thi Nhâm Tý đã bị giáng xuống đậu Tú tài vì lỗi thiệp tích.
Bộ vớt vì có 1 bài điểm cao như Vũ Liêm Sơn (cũng ở khoa Nhâm Tý, 1912) theo điểm hạng ngạch chỉ đậu Tú tài, nhờ bài thi chữ Pháp có điểm cao nên Bộ đã vớt lên đậu cuối bảng cử nhân, nâng tổng số lên 18 trúng tuyển.

Bộ truất vì bài kém như có bài bị điểm liệt, hoặc không có bài được điểm bình trở lên: khoa Mậu Thìn (1868), Bộ duyệt lại truất 3 ông Phạm Khởi, Lê Văn Cơ và Nguyễn Lương có bài bị điểm liệt, chỉ có đậu Tú tài, hỏng Cử nhân còn lại 15 người chính thức. Khoa Bính Tí (1876), Bộ xét duyệt truất 3 người cuối bảng là Nguyễn Bá Đệ, Trần Quang Khởi và Trịnh Hữu Bằng trong các quyển thi không có điểm ưu hoặc bình nên chỉ cho đậu Tú tài, danh sách còn lại là 12 cử nhân.

Trong tình thế vô cùng khẩn trương của đất nước, việc thi cử để kén chọn nhân tài vẫn tiến hành đều đặn, có qui củ và nghiêm túc. Tổng kết qua 23 khoa thi Hương văn của trường Bình Định đã tiến dẫn cho đại cuộc 355 cử nhân Hán học ở 6 tỉnh Nam Trung bộ: Bình Định 186 người (có 12 giải nguyên và 9 á nguyên), Quảng Ngãi 104 người (có 11 giải nguyên và 10 á nguyên), Phú Yên 22 người (có 1 á nguyên), Bình Thuận 11 người (có 1 á nguyên), Khánh Hòa 7 người, Ninh Thuận 3 người, các tỉnh đến ngụ cư 22 người (có 2 á nguyên): đây là con các quan và viên chức theo cha đến tạm trú tại lỵ sở trong 6 tỉnh trên.

Trường thi Bình Định là lò nung đúc chí khí của sĩ phu đương thời trong cả nước, được nhóm lên từ đề tài văn học thúc đẩy sự kiện lịch sử trong giai đoạn kháng thuế và Duy tân vào các năm 1906, 1908.

Vào năm 1905, ba nhà đại khoa của Quảng Nam là Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng trên đường vào Nam liên kết người đồng chí hướng, có dừng chân tại Bình Định, gặp lúc nơi đây mở khoa tuyển sinh chuẩn bị cho khoa thi Hương Bính Ngọ (1906), Thành Thái thứ 16. Thừa cơ hội sĩ tử đông đến 700 người, viên đốc học không thể chủ trì cuộc thi (là Hồ Trung Lượng, đậu Tiến sĩ 1892, về Duy Xuyên chịu tang), quan đầu tỉnh thay thế.

Ba chí sĩ giả làm sĩ tử chen được vào trường thi. Quan trường ra đề, ông Trần làm đề phú “Lương ngọc danh sơn” có 6 vần 38 câu, ông Phan làm đề bài thơ “Chí thành thông thánh” thể thất ngôn bát cú Đường luật, đều lấy một tên chung là Đào Mộng Giác (nghĩa là đã tỉnh mộng), ông Huỳnh lo việc quan sát tình hình và lo việc an ninh chung cho cả 3. Hai ông nộp quyển như bao sĩ tử khác, nhưng nội dung triển khai đề bài vào ý thức cảnh tỉnh lòng người, khuyên nhủ nên từ bỏ lối học khoa cử, bỏ mộng làm quan và khơi dậy lòng yêu nước thương dân.

Chấm đến quyển Đào Mộng Giác, quan trường hoảng hốt, một mặt Tổng đốc Bình Định cho lính truy lùng thì 3 ông đã thong dong trên đường vào Nam, mặt khác phải đệ quyển về Triều để chịu tội. Đó là “một tiếng sét đánh thức cả nước” (lời Huỳnh Thúc Kháng) được ông Trần Quí Cáp dịch ra Việt văn và chuyển cả ra Bắc hà để ông Nguyễn Hải Thần truyền bá cho hàng nho sĩ toàn quốc.

Sau Hương văn 3 khoa, trường thi Hương võ được mở năm Đình Mão (1867) Tự đức thứ 20, cũng nằm bên bờ nam sông Côn, tại thôn An Thành, chỉ cách trường thi Hương văn 3 thôn. Trường thi Hương võ Bình Định cũng nhận thí sinh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, cũng theo định lệ 3 năm một khoa vào các năm Tý-Ngọ-Mão-Dậu. Đáp ứng theo nhu cầu quốc phòng, các khoa Hương võ trường Bình Định đã cung cấp nhiều võ quan cho đất nước trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, mặt ngoài chống đỡ quân xâm lược Pháp, mặt trong tiễu trừ những đám giặc nổi lên ở Bắc kỳ. Đất Bình Định và Quảng Ngãi đã phát sinh nhiều võ quan Tư mã, Đô đốc dưới trướng vua Quang Trung, được trường võ thí Bình Định hun đúc và duy trì ; tinh thần thượng võ ấy còn truyền tụng trong câu ca dao:

Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi, đi quyền.


Danh nhân yêu nước ở Quảng Ngãi xuất thân từ trường thi Bình Định.

Những bậc thủ lãnh trong phong trào Văn Thân và Cần Vương quyết liệt chống quân xâm lược Pháp khi chủ quyền nước ta lần lượt bị chiếm đoạt, đều xuất thân từ trường thi Bình Định.

* Tại Quảng Ngãi có Lê Trung Đình (1862-1885) đậu cử nhân thứ 17, khoa Giáp Thân (1884) và Nguyễn Tự Tân, đậu Tú tài cùng khoa với Lê Trung Đình và là phó tướng. Tháng 7/1885, Nguyễn Tự Tân hy sinh giữa trận tiền và Lê Trung Đình bị xử trảm khi giặc Pháp tái chiếm thành Quảng Ngãi.

* Tại Bình Định có Mai Xuân Thưởng (1860-1887) đậu cử nhân thứ 7 khoa Ất Dậu (1885) cùng Nguyễn tTrọng Trì (1854-1922) đậu cử nhân thứ 8 khoa Bính Tí (1876) và Võ Phong Mậu, đậu cử nhân thứ 5 khoa Quí Dậu (1873).

* Tại Phú Yên có Nguyễn Thành Phương, đậu Tú tài, đặt bản doanh tại Quán Cau.

* Tại Khánh Hòa có Nguyễn Phong, đậu Tú tài cùng với Trần Đường, Trịnh Phong. Ông được phong Tán tương quân vụ, đóng quân tại Nha Trang.

Đến năm 1908, miền Trung bùng nổ cao trào khất sưu chống thuế, tiếp theo là phong trào Duy Tân năm 1916, chống lại chính quyền đô hộ của Pháp và Tân triều tay sai, đã áp đặt chặt chẽ trên toàn cõi Đông Dương. Chỉ nói riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, thủ lãnh 2 phong trào nầy là những sĩ phu yêu nước xuất thân từ trường thi Bình Định:

* Nguyễn Thụy (1878-1916) người thôn Hổ Tiếu, xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa đỗ cử nhân thứ 9 khoa Qúi Mão (1903). Cử Thụy là lãnh tụ hàng đầu của phong trào khất sưu, bị án khổ sai 9 năm lưu đày Côn đảo. Năm 1916 cử Thụy tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, việc bại lộ ông bị xử chém.

* Nguyễn Đình Quản, đỗ cử nhân thứ 14 khoa Đinh Dậu (1897), bị kết án trảm quyết, nhưng đổi thành chung thân lưu đày Côn đảo và chết ở đó.

* Nguyễn Mân đỗ cử nhân thứ 15 khoa Đinh Dậu (1897) án đày đi Côn đảo.

* Lê Tựu Khiết (Lê Khiết) đỗ cử nhân thứ 9 khoa Nhâm Ngọ (1882) cùng với Nguyễn Bá Loan (con quan Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Bá Nghi) bị giải kinh và thực dân xử tử sau 3 tháng kiên giam.

Các Tú tài tham gia lãnh đạo Phong trào Duy tân (do Việt Nam Quang Phục Hội đề xướng dưới sự lãnh đạo của Thái Phiên, Trần cao Vân) cũng xuất thân từ trường thi Bình Định:

* Tú tài Nguyễn Thoa án khổ sai 9 năm.

* Tú tài Phạm Cao Chẩm và Tú tài Nguyễn Tuyên án khổ sai 9 năm đày Côn đảo.

* Tú tài Trần Kỳ Phong (1873-1914) bị đày Côn đảo, và các tú tài Lê Ngung, Lê Triết cũng bị trọng án.

Tưởng cũng nên kể thêm các bậc đại khoa của Quảng Ngãi cũng khởi đầu từ trường thi Bình Định như:

* Kiều Tòng (còn gọi là nghè Lâm) người thôn An Đại huyện Tư Nghĩa, đậu Á nguyên khoa Ất Mão (1855), đậu tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1862), ra làm quan chức Bang biện Ngãi Định, dưới triều Nguyễn.

* Phạm Văn Hành người thôn Thuận Phước, huyện Bình Sơn, đậu giải nguyên khoa Bính Tí (1876), đậu phó bảng khoa Đinh Sửu (1877).

* Đỗ Duân (con quan Phó bảng Đỗ Đăng Đệ) ngưởi thôn Châu Sa, huyện Sơn Tịnh, đậu á nguyên khoa Tân Mão (1891), đậu hội nguyên tiến sĩ khoa Ất Mùi (1895).

Sĩ phu Ngãi-Định so tài ở trường thi trước khi dấn thân vào trường đời.

Bước đầu của sự nghiệp lập thân thuở ấy là kinh qua trường thi. Những bậc anh hùng ái quốc trên đây đã thành đạt ở trường thi là xả thân vào trường đời chống thực dân xâm lược, tuy liệt vị “không thành công nhưng đã thành nhân” dẫu cho “mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ”. Đó là lý do tiềm tàng trong ý thức dân chúng trọng “khoa” (thi đậu, có học vị) hơn “hoạn” (ra làm quan). Trong bối cảnh lịch sử chao đảo giữa hai dòng tư tưởng Đông Tây, của hai giai tầng thống trị và nô lệ, chỉ có hàng trí thức là những sĩ phu có học vị mới đủ uy tín lãnh đạo phong trào kháng Pháp. Yêu chuộng văn hóa đã là truyền thống của dân chúng :

Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.


Nho sinh đất Quảng trước năm 1850 (và đôi ba khoa về sau) đều dự thi tại trường Thừa Thiên, ngay tại kinh thành Huế, từ đó có câu ca dao:

Học trò Quảng Ngãi ra thi,
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.


Học trò Quảng Ngãi thuộc nòi đa tài và đa tình. Thuở ấy qua lại Hương Giang chỉ mỗi một cầu Tràng Tiền, nên dân chúng và sĩ tử về dự thi qua sông bằng đò ngang, nhộn nhịp nhất là bến đò Thừa Phủ. Chàng trai đất thần kinh hơi ngán các anh học trò hào hoa, nên phải đưa người yêu đến tận bến đò mới yên tâm quay về:

Đưa em cho tới bến đò
Kẻo em thơ dại học trò phỉnh em!


Không ai biết chắc chàng nào “chân đi không đành” và cô nào bị “phỉnh” của 2 câu ca dao phát xuất từ Huế, nhưng theo thống kê thì các cô gái Huế theo chồng về Quảng Ngãi chiếm tỷ số hàng đầu của các cô gái xứ khác về làm dâu tỉnh nầy.

Về sau, trường thi Bình Định là nơi tranh đua của sĩ tử 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, là 2 tỉnh có đông thí sinh, luôn luôn tranh nhau hạng đầu và hạng nhì trong 6 tỉnh miền nam Trung kỳ. Trường thi Bình Định thọ được 68 tuổi (1850-1918) gồm 23 khoa thi. Đậu thủ khoa Hương thí là mang vinh dự về cho cả tỉnh.
Khai khoa Nhâm Tí (1852), liên tiếp khoa Ất Mão (1855) và Mậu Ngọ (1858) đỗ giải nguyên là người Bình Định, còn Quảng Ngãi cũng tranh sát nút đều đỗ á nguyên ở 3 khoa nầy. Từ đó, phát sinh câu ca dao châm chích nhẹ nhàng khá ý nhị:

Tiếc công Quảng Ngãi đường xa
Để cho Bình Định thủ khoa ba lần.


Thừa thắng, tiếp theo khoa Đinh Mão (1867) Bình Định chiếm cả giải nguyên lẫn á nguyên và liên tục đến thứ 8, tỷ số đậu cũng cao nhất là 14 cử nhân.

Sau 4 khoa Bình Định dẫn đầu, sĩ tử Quảng Ngãi đã quật khởi đem lai kết quả rực rỡ ở 2 khoa liền là Mậu Thìn (1868) và Canh Ngọ (1870) và đạt tỷ số đậu vượt qua Bình Định. Một câu ca dao đáp lễ được loan truyền:

Tiếc công Bình định xây thành,
Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa.


Sau đó, Quảng Ngãi còn đoạt thủ khoa ở 3 kỳ liền là khoa Kỷ Mão (1879), khoa Nhâm Ngọ (1882) và khoa Giáp Thân (1884). Đến đời Thành Thái, sĩ tử Quảng Ngãi còn đoạt cả giải nguyên và á nguyên liền 2 khoa Đinh Dậu (1897) và Canh Tý (1900), lại vượt qua Bình Định cả tỷ số đậu.

Nhìn chung, trường thi Bình Định đã tuyển chọn cho tỉnh Bình Định 186 cử nhân (có 12 giải nguyên và 9 á nguyên), cho tỉnh Quảng Ngãi 104 cử nhân (có 11 giải nguyên và 10 á nguyên). Bình Định là tỉnh lớn có đông thí sinh hơn nên thi đỗ nhiều hơn (chưa kể Quảng Ngãi đã bỏ thi giữa khoa Ất Dậu, 1885, quay về lập chiến khu Truyền Tung đánh Pháp), nhưng con số đoạt giải nguyên và á nguyên thì bằng nhau. Quảng Ngãi có truyền thống hiếu học, cụ thể có người đậu cử nhân lúc 20 tuổi là Nguyễn Thuyên ở huyện Bình Sơn (khoa Bính Ngọ, 1906), có người lớn tuổi còn lều chõng vào thi, đậu cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894) là ông Võ văn Quy lúc đã 53 tuổi. Tài học chốn khoa trường đã xuất sắc, vào trường đời để lãnh đạo các phong trào Văn Thân, Cần Vương, chống sưu thuế và Duy Tân, nhiều sĩ phu Quảng Ngãi nêu cao lòng yêu nước và khí phách anh hùng lưu danh muôn thuở.

Connecticut, 2001
TRƯƠNG QUANG.
(Trích Đặc San QUẢNG NGÃI, Xuân Quí Mùi – 2003 Liên Hội Đồng Hương Quảng Ngãi New England)




Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh