Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỤP HÌNH ĐỂ CHẨN BỆNH (BS. Hồ Ngọc Minh)
Webmaster
Các bài liên quan:
    HUYỀN THOẠI VỀ MUỐI (BS. Hồ Ngọc Minh)
    YÊU NƯỚC (BS Hồ Ngọc Minh )
    EXPIRATION DATE - ĐỒ DÙNG HẾT HẠN? (BS. Hồ Ngọc Minh)
    TẠI SAO ĐƯỜNG VÀ DẦU ĂN LÀ CHẤT ĐỘC? (BS. Hồ Ngọc Minh)
    GHIỀN ĐƯỜNG (BS. Hồ Ngọc Minh)

 

Lời giới thiệu: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com


1. X-rays (X-quang) là gì?


Để hiểu X-quang là gì, trước hết hãy tìm hiểu khái niệm về “sóng điện từ trường” (electromagnetic wave, electromagnetic radiation).

 


 

Chung quanh chúng ta luôn luôn hiện hữu một không gian năng lượng dưới dạng điện từ trường, trong đó ánh sánh mặt trời, hay ánh sáng mà chúng ta thấy được cũng chỉ là một dạng sóng điện từ trường. Có nhiều loại sóng từ trường, từ yếu đến mạnh theo thứ tự, gồm có: sóng radio, sóng microwaves, sóng hồng ngoại (infared, IR, dùng trong các remote controls), ánh sáng thường, tia cực tím còn gọi là tia tử ngoại (ultraviolet light, UV), tia X-quang, và cuối cùng là gamma-rays. Như thế chỉ có 3 loại sóng mạnh hơn là ánh sáng thường. Sóng càng mạnh, độ “xuyên thủng” qua tế bào càng nhiều. 

 

Ba tia X-rays, UV, và Gamma đều được sử dụng trong y học để truy tầm hay chữa bệnh. Trong khi đó, ánh sáng thường trở xuống, khi đụng vật cản đa phần sẽ bị phản chiếu và ít ảnh hưởng đến cấu trúc hay làm hư hại vật thể bên trong. Mở ngoặc một tí cho vui, tôi nói “đa phần” ở đây vì sóng có thể tồn tại dưới dạng sóng (wave), năng lượng (energy), và vật chất (matter), vì thế năng lượng có khi một phần bị hấp thụ mà không phản chiếu ra.

   

Có thể hiểu, cơ thể chúng ta, có lúc hiện hữu chỉ là một khối lượng sóng và năng lượng trong không gian điện từ trường!.

 


 

X-rays được khám phá năm 1895 bởi một giáo sư vật lý người Đức.

 

Một công dụng thường dùng của X-rays là để “chụp hình quang tuyến”, tuy nhiên X-rays còn dùng để trị ung thư và để dò tìm các thiên thể trong ngành thiên văn (cosmos).

   

X-rays còn được dùng để dò tìm hàng lậu, súng ống ...


2. CT scan là gì?


     
 

CT scan còn gọi là CAT scan, viết tắt của hai chữ “computed tomography”, được phát minh năm 1967 bởi một kỹ sư người Anh tên là Godfrey Hounsfield.

 

CT cho ta thấy hình chụp của cơ thể theo dạng mặt cắt, một khối 3 chiều, thể hiện trên những mặt phẳng hai chiều. Mỗi một hình ảnh là tập hợp bởi nhiều tia X-rays, bắn đi từ nhiều hướng khác nhau vòng quanh cơ thể. Khi chụp hình bằng X-ray thường, tia sáng bắn đi một chiều nên hình ảnh chồng lên nhau. Thí dụ chụp hình phổi, ta thấy cả tim phổi xương sườn chồng lên nhau làm cho khó thấy rõ chỗ bị bệnh. CT scan dùng computer để tổng hợp hình X-rays từ nhiều góc độ khác nhau, để có thể để tạo ra hình chụp rõ ràng, giống như cơ thể được cắt ngang từng lát mỏng như những lát chanh trong dĩa bò tái chanh!


3. MRI là gì?

 


 

Một hạn chế của X-rays là nó xuyên qua cơ thể và mang theo phóng xạ (radiation) vì thế ngày nay MRI có nhiều lợi thế hơn. MRI viết tắt của ba chữ, Magnetic Resonance Imaging. MRI được sáng chế bởi Paul C. Lauterbur vào năm 1971, nhưng kỹ thuật không được hoàn thiện mãi cho đến những năm 1990’s.

 

 

 

Nguyên tắc của MRI là tạo ra một từ trường chung quanh phần cơ thể muốn chụp hình. Vì trong cơ thể chúng ta hầu hết là... nước, mà phân tử nước có chứa nguyên tử Hygrogen mang điện cực dương, còn gọi là proton. Khi bị kích động bởi từ trường, những hạt proton như bị “sắp hàng lại” và rung lên, phát ra sóng radio. Máy computer sẽ ghi nhận sóng radio nầy thành hình ảnh.

 

Như vậy, chung chung, MRI an toàn, và kỹ thuật càng ngày càng tiến bộ, độ chính xác nhiều hơn là CT.


4. PET scan là gì?

 

 


PET scan là chữ viết tắt của Positron Emission Tomography. PET scan là một thử nghiệm dùng chất phóng xạ để truy tầm những đấu hiệu bất bình thường trong cơ thể, hầu hết là truy tầm bệnh ung thư hay ung thư di căn. Tuỳ theo trường hợp, bệnh nhân sẽ được tiêm, uống, hay hít thở hơi có chất phóng xạ, gọi là radiotracer. Nguyên tắc là, các tế bào bất thường, như ung thư chẳng hạn, thường tụ tập thành khối u, và sử dụng nhiều máu, nhiều oxigen, ăn nhiều đường, tiêu hoá và sanh sản nhanh hơn tế bào thường. Như thể nhờ vào chất phóng xạ, những chỗ bất thường nầy sẽ hiện lên hình bất thường ở những tụ điểm. PET scan thường kết hợp với CT hay MRI, vì hai thử nghiệm trên chỉ phát hiện hình ảnh, thí dụ khối u chẳng hạn, trong khi đó PET sẽ cho biết khối u đó là ung thư hay không.


5. Siêu âm, ultrasound là gì?

 

 


Ultrasound, còn gọi là sonogram, là thử nghiệm dùng sóng âm thanh, siêu âm để tạo ra hình ảnh. Tương tự như sóng radar mà các loài dơi dùng để định hướng, hay ứng dụng dò tìm tàu ngầm, tìm máy bay cho trạm không lưu, hay tìm... cá cho dân đi câu! Thiết bị phát âm thanh sẽ bắn ra sóng âm thanh, khi đụng vật thể muốn dò tìm sẽ dội lại tạo ra hình ảnh. Trong nghề cấy thai nhân tạo của tôi, máy siêu âm là con mắt thứ ba của tôi mỗi ngày. Nhiều bệnh nhân hỏi tôi có an toàn không. Xin trả lời là rất an toàn, vì nó chỉ là sóng âm thanh, không có phóng xạ gì cả. Chỉ là âm thanh mà chỉ có loài dơi hay những chú chó có thể nghe được mà thôi.


6. Mức độ an toàn của các thử nghiệm?


Như thế, MRI và sonogram có lẽ an toàn nhất vì chẳng dính dáng gì tới phóng xạ, radiation cả. Millisievert (mSv) là đơn vị để đo độ phóng xạ. Mỗi năm, trung bình mỗi người chúng ta chịu độ phóng xa là 3 mSv từ môi trường xung quanh. Trong một chuyến bay 5 tiếng từ Los Angeles qua New York, mỗi hành khách sẽ bị nhiễm phóng xa khoảng 0.03 mSv. Trung bình chụp hình X-rays, tuỳ theo bộ phận của cơ thể, độ nhiễm phóng xạ từ 0.001 mSv cho đến 1.5 mSv, thí dụ chụp hình ngực mammogram là 0.4 mSv và chụp hình phổi là 0.1 mSv, độ nhiễm ít hơn là một ngày phơi nắng ngoài biển! Trong khi đó, CT scan, độ nhiễm phóng xạ từ 2 dến 20 mSv. Còn, mỗi PET scan, sẽ gây ra phóng xạ khoảng 25 mSv.


So ra thì độ nhiễm phóng xạ của các phương pháp chụp hình cũng không đến nỗi nào, vì lâu lâu mới chụp một lần, và nếu cần là chuyện phải làm mà thôi. 

 

Nhờ vào những phát minh này mà y khoa có thể dò tìm và chữa trị bệnh mau chóng.

 

*  *  *

 

Chụp PET/CT là gì?

 

Chụp cắt lớp phát xạ (PET/CT) là một hình thức chẩn đoán bằng hình ảnh các chuyển hóa sinh học hoặc chức năng trong cơ thể có thể chụp được và nghiên cứu một số các chức năng chuyển hóa ở dạng tế bào. Đây là điểm cực kỳ khác biệt so với các thiết bị chẩn đoán khác như cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp điện toán (CT) thường được dùng để nhận diện các bệnh lý và các bệnh cảnh ở giai đoạn chớm của bệnh thông qua việc phát hiện cấu trúc hay những thay đổi về kết cấu tổ chức của cơ thể.

 

Những chuyển hóa bất thường trong cơ thể thường xảy ra sớm hơn so với các thay đổi về cấu trúc cơ thể, vì thế chẩn đoán hình ảnh PET cho phép phát hiện sớm phần lớn các bệnh cảnh ung thư và đánh giá mức độ di căn của ung thư trong cơ thể một cách chính xác hơn so với các thiết bị chẩn đoán hình ảnh thông thường như cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp điện toán (CT scans). Chẩn đoán hình ảnh bằng PET hiệu quả và ưu việt hơn trong việc xác định giai đoạn và đánh giá chuyển đoạn của các bệnh ung thư, phát hiện tái phát cũng như việc đánh giá theo dõi các đáp ứng cơ thể đối với điều trị.

 

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các thiết bị chẩn đoán hình ảnh hợp nhất thế hệ thứ 2 cho phép kết hợp hai hệ thống hình ảnh PET/CT. Điều này giúp cho các bác sĩ có thể có được những thông tin về chuyển hóa và cấu trúc liên quan đến căn bệnh chỉ với một hình ảnh PET/CT.

 

Ngoài việc chụp hình ảnh của những bệnh cảnh ung bướu, thiết bị hình ảnh PET cũng rất hiệu quả trong việc đánh giá những bệnh lý động mạch, các bệnh về rối loạn cơ xương và một số bệnh lý về thần kinh như bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

 

RadLink là nơi đầu tiên ở Singapore sử dụng hệ thống chụp cắt lớp kết hợp PET/CT 64 lát cắt có chức năng “Time-of-Flight”. Hệ thống chụp ảnh PET/CT cực kỳ hiện đại với kỹ thuật “Time-of-Flight” này giúp cải thiện chất lượng hình ảnh bằng cách giảm tiếng ồn và cho hình ảnh có độ nhạy cao. Chức năng này còn có những lợi điểm khác như giảm bớt liều lượng phóng xạ, thời gian chụp ngắn hơn và chất luợng hình ảnh được cải thiện tốt hơn.

 

PET/CT được sử dụng trong các lĩnh vực nào?

 

Trong Ung thư

Để đánh giá mức độ di căn của ung thư trong cơ thể

Phát hiện tái phát

Xác định xem một khối u lành tính hay ác tính, ví dụ những hạch phổi

Đánh giá theo dõi đáp ứng cơ thể đối với việc điều trị

 

Một hình ảnh PET/CT có thể thay thế nhiều phép chẩn đoán hình ảnh y khoa khác chỉ với một lần chụp.

Trong bệnh lý Tim Mạch

 

RadLink cung cấp phép chẩn đoán dùng Rubidium PET chụp tim mạch là một kỹ thuật mới nổi bật trong lĩnh vực chụp hình ảnh tưới máu cơ tim. Đây là một kỹ thuật chụp đánh giá tim mạch không xâm lấn, chính xác hơn phép chụp tưới máu cơ tim sử dụng MIBI. Quá trình chụp nhanh hơn nhờ vậy rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.

 

PET Tim mạch thường được dùng để :

 

Chẩn đoán và đánh giá những dấu hiệu sinh lý học của các bệnh lý động mạch vành

 

Đánh giá các rủi ro và phân loại các dạng bệnh nhân khác nhau có bệnh lý động mạch vành. Điều này giúp cho bác sĩ tim mạch quyết định việc bệnh nhân có cần những can thiệp động mạch vành hay không.

 

Đánh giá sự hoạt động của tim mạch đối với những bệnh nhân chuẩn bị đại phẫu.

 

Theo dõi kết quả/ hiệu quả điều trị y khoa.

 

Dùng để đánh giá đối với những bệnh nhân sau khi đã được nong mạch vành.

 

FAQ

 

Việc chụp PET/CT được thực hiện như thế nào ?

 

Để chụp một ảnh PET ung bướu, một lượng nhỏ phóng xạ sẽ được truyền vào mạch máu của bạn. Phóng xạ sẽ theo máu đi khắp cơ thể trong khi bạn nằm ở tư thế nghỉ ngơi hoàn toàn trong khoảng 60 phút (còn gọi là giai đoạn ngấm thuốc). Sau đó, bạn sẽ tiến hành chụp PET/CT, việc này mất khoảng từ 20 đến 30 phút.

 

Liệu việc chụp PET/CT có an toàn không?

 

Có, rủi ro liên quan đến việc chụp PET/CT hầu như không đáng kể và lợi ích thì rất lớn. Phóng xạ của PET tồn tại rất ngắn trong cơ thể và sau đó sẽ thải rất nhanh ra ngoài cơ thể. Sự ảnh hưởng của phóng xạ do chụp PET/CT cũng tương tự như trong việc chụp cắt lớp CT thông thường.

 

Tôi cần chuẩn bị những gì?

 

Khi đi chụp, bạn cần mang theo giấy chỉ định của bác sĩ, tất cả các kết quả chiếu chụp trước đó cùng các báo cáo y khoa

 

Bạn cần đến đúng giờ theo lịch hẹn, mặc quần áo thuận tiện cho việc thay đổi. Phóng xạ tự phân hủy và rất nhạy cảm với thời gian. Vì thế, việc quan trọng là bạn cần có mặt đúng giờ hẹn.

 

Nếu bạn bị tiểu đường, cần gọi và báo cho RadLink để được hướng dẫn cụ thể.

 

Không được ăn, uống , ngoại trừ nước lã ít nhất 6 giờ trước khi chụp.

 

Không tập thể dục hay có những hoạt động vận động quá mức ngày trước khi chụp.

 

Một cuộc chụp PET/CT mất khoảng 2 tiếng. Sauk hi chụp PET, bạn có thể trở lại sinh hoạt bình thường.

Bạn có đang uống thuốc theo toa không?

 

Nếu như bạn có bất kỳ câu hỏi nào về một loại thuốc nào đó, xin vui lòng gọi cho trung tâm của chúng tôi. RadLink sẽ liên lạc với bạn trước cuộc hẹn chụp để trao đổi việc chuẩn bị và những thuốc theo toa mà bạn đang sử dụng.

 

Khi nào thì có kết quả chụp?

 

Kết quả chụp PET/CT sẽ được gởi về cho bác sĩ chỉ định của bạn trong vòng 24 tiếng sau khi chụp. Bác sĩ của bạn sẽ thông báo giải thích kết quả với bạn. Bạn cũng có thể tự quay lại nơi chụp để lấy kết quả chụp PET/CT.

 

*  *  *

 

Vai trò và Ứng dụng của Chụp CT

5 Tháng Mười, 2015    

 

Chụp CT là một trong những phương pháp Chẩn đoán hình ảnh Y học, với những ứng dụng rộng rãi trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh lý, Chụp CT là một phần không thể thiếu và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống Y tế.

 

 

Chụp CT là gì?

 

CT là từ viết tắt của thuật ngữ Computed Tomography – Chụp ảnh cắt lớp vi tính. Đây là phương pháp tạo ảnh dựa vào tính chất hấp thụ tia X của vật chất. Cùng với các phương pháp tạo ảnh khác như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính CT giúp cho ta “nhìn thấy” các cơ quan bên trong của con người mà không phải thực hiện phẫu thuật….

 

Trong tất cả các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện nay, chụp CT cho hình ảnh về các phần cứng của cơ thể rõ nhất.

 

 

 

 

 

Kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh sử dụng máy CT

 

Vai trò của Chụp CT trong Chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh

 

- Hình ảnh CT có thể dùng để xác định chẩn đoán bệnh, đặc biệt là những bệnh cần hình ảnh có chất lượng cao. Nhờ độ phân giải cao, CT cho phép khảo sát toàn bộ cơ thể với các hình ảnh chi tiết và rõ nét, giúp cho việc chẩn đoán các bệnh lý trong cơ thể chính xác và rõ ràng.

 

- Các thế hệ máy CT hiện đại, nhiều lát cắt (đa lát cắt) còn là một phương tiện vô giá trong quy trình chẩn đoán bệnh ung thư. Nó cho phép phát hiện các khối u nhỏ chỉ vài milimet. Kỹ thuật này còn giúp xác định vị trí, kích thước và tình trạng xâm lấn của khối u, giúp các Bác sĩ phẫu thuật có quyết định điều trị và lập kế hoạch phẫu thuật được dể dàng.

 

- Trong chấn thương, CT cho phép xác định nhanh và chính xác các thương tổn, giúp việc cấp cứu và điều trị bệnh nhân được dể dàng. Ổ bụng, CT cho phép chẩn đoán thương tổn tại các tạng rỗng và tạng đặc. Trên lồng ngực, nó giúp xác định tình trạng thương tổn phổi, màng phổi và trung thất. Ngoài ra, CT còn là phương tiện rất tốt trong chẩn đoán chấn thương sọ não, xương khớp.

 

CT còn là phương tiện để các Bác sĩ, Y sĩ theo dõi trường hợp sau mổ khối u trong cơ thể để có một tiên liệu tốt nhất cho người bệnh.

 

Ứng dụng của Chụp CT

 

- Chụp CT được ứng dụng rất rộng rãi trong Chẩn đoán hình ảnh Y học lâm sàng cũng như trong sinh thiết. Chụp CT được dùng để chẩn Các bệnh về tim mạch như tắc nghẽn mạch máu, các dị tật của tim…. CT được dùng trong nha khoa, nhi khoa, nhãn khoa hay để thực hiện nội soi ảo dùng kỹ thuật tạo ảnh 3D với sự hỗ trợ của máy tính đoán các phần cứng của cơ thể bị tổn thương như: sọ não, cột sống, xương, phổi …

 

- Đặc biệt, CT được dùng để chẩn đoán ung thư, giúp phát hiện, định lượng, định dạng khối u. Chụp CT có tiêm thuốc cản quang có thể giúp cho bác sĩ đánh giá sự phát triển và sự di căn của khối u …

 

- CT được các kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh sử dụng trong việc tầm soát, kiểm tra tình trạng bệnh nhân ung thư. Khi có kết luận ung thư, bệnh nhân được chỉ định chụp CT để kiểm tra vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u. Hình ảnh CT được sử dụng đáp ứng rất hiệu quả yêu cầu này, giúp Bác sĩ dễ dàng định hình và đánh giá tình trạng khối u, mức độ lan tỏa, ảnh hưởng…

 

 

 

Chụp CT

 

 Chụp CT, CT mô phỏng đã và đang đóng góp rất nhiều trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư, đây là công cụ vô cùng quan trọng phục vụ cho việc nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Hứa hẹn mang lại nhiều niềm tin, hi vọng hơn cho bệnh nhân đặc biệt là bệnh nhân ung thư. Quá trình điều trị ngắn hơn, đơn giản hơn, chính xác và hiệu quả cao hơn…

 

*  *  *

 

Chụp MRI – phương pháp "vàng" chẩn đoán chính xác thoát vị đĩa đệm

18/09/2015 10:12

Thoát vị đĩa đệm đang trở thành căn bệnh phổ biến, không chỉ với những người lao động nặng mà ngay cả giới văn phòng. Tuy nhiên, khi mắc bệnh, không ít người đã lựa chọn khám và điều trị theo phương pháp dân gian, thậm chí truyền miệng mà không tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng bằng phương tiện hiện đại hay chữa trị bằng các phương pháp nhanh lành. Hệ quả là người bệnh phải chịu đau nhiều năm mà vẫn vô cùng tốn kém.

 

Chữa bệnh theo “mách nước”- 10 năm phải chịu đau

 

Với 40 năm làm công tác điều trị các bệnh nội cơ xương khớp, PGS.TS Vũ Đình Hùng - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Sài Gòn đã gặp nhiều trường hợp bị bị các bệnh lý cột sống dai dẳng vì điều trị sai ngay từ đầu.

 

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (50 tuổi, ở TPHCM), làm nghề thuyền trưởng tàu sông - thường xuyên ngồi 1 tư thế lái tàu nhiều giờ, nhiều ngày - đã bị đau lưng 10 năm nay. Sợ phải chờ đợi khi đi khám bệnh, sợ phải can thiệp bằng mổ xẻ nên đi đến đâu, ai mách phương pháp điều trị nào, ông Vĩnh cũng theo cách đó: Lúc thì nắn chỉnh cột sống, khi thì cắt thuốc các bài thuốc nam, bấm huyệt. Nhưng bệnh chỉ đỡ một thời gian rồi lại tái phát nên ông vẫn thường xuyên bị những cơn đau lưng hành hạ. Cuối cùng, sau một lần đứng ngồi không yên vì các cơn đau ở thắt lưng lan xuống chân khiến gần như bại cả người, ông Vĩnh quyết định đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa, hy vọng chữa được khỏi bệnh.

 

Khi đến Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Sài Gòn, ông Vĩnh đã được PGS Vũ Đình Hùng khám và chọn lựa chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện chính xác các tổn thương gây đau. Sau 30 phút chụp, ông đã có kết quả là bị thoát vị đĩa đệm đốt L4 – L5. Trên cơ sở chẩn đoán chính xác như vậy, PGS Hùng đã tư vấn cho ông Vĩnh phương pháp điều trị phù hợp nhất lúc này là phẫu thuật. Sau nhiều ngày cân nhắc, ông quyết tâm thực hiện phẫu thuật. Đến nay, sau 6 tháng, bệnh thoát vị đĩa đệm của ông Vĩnh gần như khỏi hẳn.

 

 

 

Máy MRI tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Sài Gòn

 

PGS Vũ Đình Hùng cho biết: Với các bệnh cơ xương khớp – thần kinh, việc chẩn đoán đúng bệnh, đúng vị trí tổn thương ngay từ đầu rất quan trọng. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể là chụp X quang, siêu âm, CT Scanner... Tuy nhiên, với các bệnh cột sống vùng cổ, cột sống vùng thắt lưng, chụp MRI là phương pháp “vàng” để chẩn đoán. Dựa vào các hình ảnh rõ nét của phim cộng hưởng từ, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể kết luận chính xác về tình trạng bệnh lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, chèn rễ thần kinh… Từ đó, thầy thuốc chuyên khoa sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị hợp lý, bằng thuốc hay phẫu thuật. Dù điều trị bằng thuốc, hình ảnh chụp cộng hưởng từ cũng sẽ giúp bác sĩ theo dõi sát sao diễn tiến trong thời gian người bệnh uống thuốc và có thể điều chỉnh thuốc khi cần thiết.

 

MRI Vinmec Sài Gòn: Kết quả nhanh, chính xác

 

Trả lời câu hỏi chụp MRI có bị nhiễm xạ không, Thạc sĩ - bác sĩ Ngô Văn Đoan – Phụ trách Chẩn đoán hình ảnh, Phòng khám đa khoa quốc tế Vinmec Sài Gòn khẳng định: “Chụp MRI là phương pháp an toàn, người chụp không bị nhiễm xạ. Tại phòng khám đa khoa quốc tế Vinmec Sài Gòn, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Telsa (sản xuất năm 2015) có từ lực cao, cho chất lượng hình ảnh rõ nét về các tổn thương. Đặc biệt, máy có thể chụp mà không cần tiêm thuốc cản từ, nên giảm thiểu tác dụng phụ cho người bệnh. Sau 30 phút chụp, người bệnh sẽ được các thầy thuốc chuyên môn cao tại Phòng khám phối hợp cùng các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện Thành Đô … đọc kết quả chính xác. Đặc biệt những người bệnh mắc hội chứng sợ lồng kín (khoảng 5%) cũng được tận tình hướng dẫn và hỗ trợ để đạt kết quả tốt nhất”.

 

 

 

Bác sĩ Ngô Văn Đoan - Phụ trách Chẩn đoán hình ảnh, Phòng khám đa khoa quốc tế Vinmec Sài Gòn

 

PGS.TS Hùng cho biết thêm: Tỉ lệ mắc các bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm hiện nay lên tới trên 10% ở những người trên 60 tuổi. Bệnh cũng đang có xu hướng trẻ hóa, không chỉ ở những người phải lao động nặng mà cả ở giới công chức – văn phòng do thói quen ngồi lâu một tư thế, ít vận động. Dù quyết định phương pháp điều trị nào, cả người bệnh và thầy thuốc đều cần dựa trên kết quả chẩn đoán chính xác bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Tránh tự ý điều trị hoặc “đi lòng vòng” khiến người bệnh tốn kém mà không khỏi tiệt căn.

 

BS. Hồ Ngọc Minh

 

Theo VOV.VN

 

*  *  *

 

Xem bài trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Xem bài trên trang Y học, đời sống: click vào đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh