Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Liên trường Quảng Ngãi
HỘI NGỘ LIÊN TRƯỜNG TRUNG HỌC QUẢNG NGÃI TẠI MIỀN BẮC HOA KỲ
TRƯƠNG QUANG
Các bài liên quan:
    CẢM TƯỞNG NHỮNG NGÀY HỘI NGỘ LTTH QUẢNGNGÃI KỲ 8 TẠI TIỂU BANG MINNESOTA

Mở speakers ON, click vào tam giác bên trái để nghe.

Muốn OFF, click vào hai gạch thẳng đứng bên trái.

HỌC SINH HÀNH KHÚC

Sáng tác: Lê Thương 

Hợp ca

 

Suốt ngày 22-7-2016, hai cựu hoc sinh Trương Quang Cảnh và Cao Bá Trác như taxi con thoi đón đưa tham dự viên từ phi trường MSP về các Khách sạn Best Western và Country Inn để tham dự Hội ngộ Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi kỳ 8 tại tiểu bang Minnesota, miền Bắc Hoa-Kỳ. Đồng thời, nhiều tốp tham dự viên đi xe nhà, như mây bốn phương đổ về đây thành cơn mưa rào giữa mùa nắng hạ. Nói theo ẩn dụ: chúng ta là NƯỚC bị lửa đỏ bạo quyền 1975 thiêu đốt ra khói mây bay tản mác cùng trời cuối đất, gặp duyên hội ngộ vân tập về đây, là chúng ta trở về với bản chất "nước". Lẽ Biến dịch & Tuần hoàn của vạn hữu trong cõi đời nầy được thi-tiên Tản Đà diễn dịch thật súc tích: ...Nước trôi ra biển lại mưa về nguồn/ Nước non Hội ngộ còn luôn/ Bảo cho non chớ có buồn làm chi!/ Nước kia dù hãy còn đi/ Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui... (Ngàn dâu là con cháu do chúng ta "= nước" dưỡng dục thành tài nơi hải ngoại).

 

Cảm khái từ ý tưởng trên, tôi ghi trang “Nhật ký Hội ngộ kỳ 8” cho mình (vì trí nhớ đã kém e càng tồi tệ hơn theo tuổi đời càng cao) và cho thân hữu đồng hội đồng thuyền.

 

Thứ sáu 22-7-2016: Tiền Hội ngộ

 

Tại U Garden Chinese Restaurant: 2725 University Ave SE, Minneapolis-MN, lúc 5:30 PM, tham dự viên nhộn nhịp trước bàn các nữ Tiếp tân nhận bảng tên mang trước ngực và mũ lưỡi trai màu xanh có thêu chữ HNLT Quảng Ngãi/ Minnesota 2016. Bàn khác là từng chồng Đặc san Hội ngộ kỳ 7 tại Seatle, ai muốn thì nhận và tùy hỉ góp chút tiền.

 

 

 

BTC & nhóm Văn nghệ đồng ca Quốc ca VN &

Chiến sĩ vô danh (Võ Thành Chương đánh nhịp)

 

Buổi Tiền Hội ngộ được diễn tiến linh động, dành sự thoải mái cho tham dự viên. Từng nhóm cựu hoc sinh nam nắm tay nhau ngồi vào bàn, nói cười rôm rả. Từng nhóm cựu hoc sinh nữ tươi trẻ trong phục sức thời trang (có bạn đã lên chức bà nội bà ngoại rồi đấy!) chào hỏi nhau với nụ cười ngời lên ánh mắt. Các cựu hoc sinh cùng lớp của trường Nữ Trung học Quảng Ngãi cứ quấn quít bên nhau là Trương Lan Phương (đến từ CT) + Như Hiền (đến từ PA) + Huỳnh Như Huệ (đến từ CA) + Đinh T. Hoàng Yến (đến từ VN). Xem ra Tình Bạn Học ở tuổi hoa niên là Tình Đẹp Vĩnh Cữu trong đời.

 

Còn tình nghĩa Thầy Trò? Phải ghi nhận tình cảm thiêng liêng nầy (dù biết là chạm đến "cái tôi đáng ghét"): Tôi đương trò chuyện giữa nhóm tham dự viên thì một bạn trẻ nghe biết giọng nói quen đến nhìn tôi, bỗng anh quì mọp xuống ôm chân tôi khóc nghẹn ngào: "Con nghe Thầy đã chết trong trại tù Việt-Cọng. Con là Nguyễn Thế Thành học thầy ở Trần Quốc Tuấn 40 năm trước, thầy còn nhớ không? Gặp thầy vẫn khỏe, con vui mừng quá đỗi". Một tham dự viên đỡ anh đứng lên, anh cứ ôm hôn vai tôi. Bốn ngày du ngoạn sau đó, anh Thành luôn gần gũi giúp đỡ tôi, mà tôi chưa có lời trần tình rằng: "Cựu hoc sinh Thành là Carnot của thời đại, anh xứng hợp với thiên chức Nhà Giáo - đương dạy Toán tại Canada. Còn tin vịt là tôi đã chết trong trại tù CS không phải vô cớ, vì binh chủng Chiến tranh Chính trị là khắc tinh của CS, họ đã nắm quyền tiêu diệt đối thủ. May nhờ gặp được 2 cựu hoc sinh đương học tôi ở lớp 11 (bỗng thấy mang lon Sĩ quan Công an ngay khi Quảng-Ngãi bị chiếm), L. lặng lẽ tiếp tế thuốc và sữa vào xà lim, H. bạch hóa hồ sơ bị vu cáo, tôi thoát hiểm". Chúng ta nhớ ơn nền Giáo dục VNCH với phương châm “Nhân bản, Dân tộc & Khai phóng” đã đào tạo nên CON NGƯỜI - viết hoa - như Thành, L., H.

 

Cựu hoc sinh đến vấn an thầy trong dịp Hội ngộ, tôi không thể nhớ tên hết. Tuy nhiên tôi ghi nhớ những cựu hoc sinh từng hiện diện qua 5 kỳ hội ngộ trước, hôm nay cũng vẫn luôn cận kề với Thầy Cô như Nguyễn Như Tuyến (Trh tư thục Bồ đề), Vũ Anh Đoàn + Nguyễn T. Thanh Ngọc (ở VN sang) Hồng T. Vân (Vân - Thạch An), Nguyễn Phương Lan (Lan - Thạch Lập) Vương Sĩ (Trh công lập Bình-Sơn) v.v...

 

Đến 8 giờ tối, tất cả tham dự viên xếp thành 2 hàng đến lấy thực phẩm khá dồi dào do nhà hàng bày sẵn trên 3 dãy bàn dài, mang về bàn tròn ngồi nhâm nhi với nước trái cây, vừa nghe ca nhạc tự phát và xem "bản nháp" các điệu vũ cho đêm hội ngộ chính. Khá thích thú là những nhạc phẩm sôi nổi điệu Cha cha cha: Từng bước chân âm thầm (Võ Thành Chương hát); điệu Twist: 60 năm cuộc đời & Tình yêu thủy thủ (Thy Trâm hát); điệu Valse: Về lại sông Trà (Toàn Phúc hát); điệu Pasodoble: Dừng bước giang hồ (mươi cựu hoc sinh ngứa chân tay dắt nhau ra sàn nhảy). Xen lẫn là những ca khúc êm dịu tha thiết điệu Tango: Mộng chiều Xuân (Ngọc Mai và Bruce Đoàn hợp diễn); điệu Bolero: Những ngày thơ ấu xưa (Bích Ngân hát) điệu Slow: Việt Nam tôi đâu? (Trần Uy Nam trình bày).

 

Đêm tiền hội ngộ được chấm dứt sớm, để tham dự viên dưỡng sức cho những ngày vui tiếp đến.

 

Thứ bảy 23-7-16 Thăm thành phố đôi Minneapolis-St Paul & Sông Mississipi.

 

Hai xe bus chở 110 tham dự viên - chạy chậm trên skyway - nhìn lướt qua thành phố (như cỡi ngựa xem hoa). Hệ thống skyway đã gắn kết 73 khu phố tại Minneapolis vào nhau tạo thuận tiện tối đa, khách bộ hành không phải đi ngoài trời vào mùa băng tuyết. Mall of America lớn nhất nước Mỹ khai trương năm 1992 trên diện tích 4,2 triệu square feet (tương đương sức chứa 32 phi cơ Boeing 747), có 400 cửa hàng cho mọi dịch vụ. Minnesota là tiểu bang Vạn hồ (chính xác có 11,482 hồ lớn nhỏ) và nhiều công viên khoáng đãng. Xe bus đổ tham dự viên xuống Minnehaha Park, một công viên rộng 170 acres, đi lại có xe du lãm. 

 

 

Hậu cảnh là Minnehaha Fall. Tham dự viên từ phải sang:

Trần Công Khanh, Như Hiền, Trương Lan Phương, vợ chồng

Trương Quang Trọng, Nguyễn Dzõi, 1 tham dự viên,

Phạm Hồng Hạnh, 2 tham dự viên, Hồng Thị Vân.

 

*Thác Minnehaha Fall (tiếng thổ dân có nghĩa Falling water) đã có từ 10,000 năm qua, với chiều cao 53 feet, chảy vòng vo trong thành phố Minneapolis trước khi đổ vào sông Mississipi. Vào mùa Đông, Minnehaha Fall đóng băng tạo nên bức tường băng đá sáng bóng như thạch nhũ, là lúc nhiều du khách đến thưởng ngoạn.

 

* Chuyến du ngoạn St Paul & Minneapolis Riverboat cruise: khởi hành từ đảo Harriet trên Padelfort Packet Boat Co. Du thuyền có 2 tầng với đầy dủ bàn ghế hai bên mạn, thuận tiện cho tham dự viên đem bánh mì nhân thịt và nước lọc (do BTC cung cấp) ra ăn trưa. Đây là dịp tôi trao đổi "chuyện biển dâu" với cựu hoc sinh Tạ Cự Nguyên (vốn là Sĩ quan Hải quân) và vợ là Phạm Kim Hương. Đứng mũi du thuyền nhìn mưa rơi, tôi cùng nói "chuyện thường ngày ở huyện" với Ds Phan Lục và vợ là Trần Phương Thảo. Từ cabin du thuyền, tham dự viên ngước nhìn cầu St Paul (The St Paul High Bridge) với những nhịp vòng cung trên cao hòa nhập vào nhà chọc trời quanh bờ, cùng soi mình xuống dòng sông bát ngát. Lịch trình thăm Hang mắt heo (Pig's Eye cave) và cửa sông Minnesota (Minnesota River mouth) phải hủy bỏ vì thời gian có hạn. Missisipi là sông rộng lớn hàng đầu của Mỹ quốc. Sông Missisipi phát nguyên từ Lake Itasca (MN), cách thủ phủ St Paul về phía Bắc hơn 3 giờ lái xe. Hôm nay chắc có mưa nguồn nên nước sông vẩn đục, chảy phăng phăng giữa đôi bờ cách xa vời vợi, bên nầy mưa thưa, bên kia nắng quái.

 

* Thăm Summit Avenue Mansions, xe chạy chậm (thay vì Walking Tour) trên đường dài 4,5 miles; hai bên đường có 440 dinh thự tráng lệ sau hàng danh mộc, đã xây dựng từ năm 1855 - 1920. Summit Avenue có 40 tỷ phú sinh sống trong số lâu đài huy hoàng ấy, nơi cận kề với thành phố St Paul. Từ những ngày đầu, giao thương đã bùng phát tại đây, từ đó mở ra đường tàu lửa và phát triển các ngành nghề hiện đại. Lúc khởi nghiệp, giá đất chỉ $1/acre, chẳng bao lâu lên đến $500/ foot mặt đường trong suốt 50 năm. Số lâu đài nầy là chứng tích lịch sử, do đó thành phố Minnesota được mệnh danh là Sao Bắc Đẩu.

 

 

 

Hai trong các dinh thự (mansion) trên Đại lộ Summit

 

*Thăm Cathedral of St Paul, là nhà thờ hoành tráng do E.L.Masqueray thiết kế, bắt đầu xây dựng năm 1906 với ngân sách sơ khởi 1 triệu Mỹ kim. Thánh đường St Paul có mái vòm cao 76 Feet (=23m), đường kính 186 feet (=57m). Năm 1987 nhà thờ mua 5 chiếc chuông đồng đúc ở Pháp; mái vòm bằng đồng được trùng tu và mạ vàng năm 2002. Các bức tường bên ngoài đều xây bằng đá Rockville Granite lấy từ St Cloud (MN), các hàng cột bên trong được dựng ốp đá cẩm thạch. Nội thất được chiếu sáng bởi 24 cửa kính màu vàng khắc họa hình ảnh thiên thần và 4 cửa sổ hoa hồng. Ngày 25-3-2009 Hội nghị Giám mục Công giáo tại Hoa Kỳ tuyên bố: "Thánh đường St Paul là đền thờ quốc gia", ngôi nhà thờ tông đồ Phao-lồ duy nhất trên miền Bắc Hoa Kỳ.

 

 

Nhà thờ lớn Saint Paul (Cathedral of St. Paul), năm 2012.

 

Vài buổi Họp Mặt bên lề, nhân dịp Hội ngộ Liên trường.

 

1) Họp mặt gia đình và thân hữu, được cặp vợ chồng cựu học sinh Trương Quang Cảnh + Ngô Quỳnh Thảo tổ chức chiều 23-7-2016 tại tư gia, 1072 Mc Cool Dr, E. Burnville, MN. Một phần gia đình họ Trương từ xa đến có: cha mẹ Trương Quang Trọng và anh chị Trương Lan Phương + Trần Công Khanh (từ CT), anh chị Trương Quang Huy + Đặng Kim Chi & 2 con (từ Chicago, IL), anh chị Trương Quang Phúc + Võ Thu Hương & 4 con trai (từ Boston, MA) và 2 em Trương Quang Nhật + Nguyễn Hoàng Vân & 3 con với bạn Lê Trương (từ CT). Phía gia đình họ Ngô đều cư trú ngay tại Minnesota nên tề tựu đông đủ gồm cha mẹ Ngô Mậu Hoàng, chị Ngô Lệ Thu và các con, anh Ngô Sơn + vợ & các con, anh Ngô Phong + vợ & các con, anh chị Ngô T. Châu + Nguyễn Trác & các con. Một số thân hữu tại Hoa-Kỳ, Canada (như Nguyễn Thế Thành), kể cả VN như anh chị Nguyễn Toàn Phúc + Trương Ngọc Thanh đều đến chung vui. Phòng khách và phòng ăn rộng rãi là nơi số người cao niên, nữ giới và con trẻ ngồi lại chuyện trò thân mật lúc ăn uống. Giới trai trẻ quây quần nơi dãy bàn ghế trên sân thượng, ăn nhậu thoải mái, nói cười rổn rảng. Buổi họp mặt gia đình đã gắn chặt thêm thân tình giữa sui gia và bằng hữu.

 

 

Số thân hữu nầy sẽ rời họp mặt gia đình lúc 10 giờ tối để đến với

Họp bạn lửa trại. Từ trái sang: Nguyễn Cho, Phạm Trợ, Nguyễn Lâm,

Lê Quang, Trần Công Đài, Trương Quang Trọng, Kiều Thạnh.

 

2) Đêm Họp bạn Lửa trại của thành viên IVS và Hướng đạo sinh do cựu học sinh Nguyễn Văn Kông phối hợp và tổ chức trùng lặp ngày giờ với Buổi họp gia đình nói trên; dù vậy chúng tôi đã dành giờ chót đến chung vui với bạn trẻ. Đêm đã khuya, đống lửa trại trong sân vườn cựu học sinh Cao Anh Thông vẫn cháy hừng hực. Nhóm nam nữ trại viên mang mặt nạ hay hóa trang đi theo nhịp luân vũ vòng quanh đống lửa, vừa vỗ tay vừa hát Sinh hoạt ca. Vào trong nhà, tôi được gặp những khuôn mặt cộng đồng và nhiều bạn trẻ năng động ở nhà trường ngày trước. Trên bàn thức ăn còn nhiều bên cạnh mấy thùng bia lỡ dở, đó đây vài ba chai rượu Martel vơi phân nửa. Ngoài sân là phong cách Sinh hoạt học đường thời VNCH, trong nhà là cảnh hưởng thụ của người Mỹ gốc Việt bây giờ. Thích ứng với phía nào là tùy theo sự lựa chọn của mỗi người, cầu được vui là quí.

 

Chúa nhật 24-7/2016: Dạ tiệc & Văn nghệ Hội ngộ Liên trường QN kỳ 8. Chiều chưa tắt nắng, từng chuyến xe bus đưa tham dự viên từ 2 khách sạn đến U Garden Restaurant, đồng thời với loạt xe nhà đưa tham dự viên tề tựu, cho buổi Hội ngộ khai mạc đúng 5:00 giờ chiều. Ai nấy cũng y phục tươm tất, lịch sự: nam formal veston (hay trẻ trung với chemise + cravate); nữ trong áo dài hoa lá thướt tha (chí ít cũng jupe serrée). Hội trường có 28 bàn tròn (10 ghế/ bàn), tham dự viên ngồi đúng vào bàn do BTC sắp đặt trước, không dư ghế nào - có nghĩa #280 người hiện diện. Khai mạc đêm Hội ngộ là lời chào mừng Thầy Cô, quí thân hữu và toàn thể cựu học sinh của Trưởng Ban tổ chức Cao Anh Thông.

 

Phần thủ tục được mọi người đứng lên, mở đầu là lễ chào cờ Hoa-Kỳ do Ts Trần Văn Hải hát quốc ca Hoa Kỳ. Chào cờ VNCH do nhóm Văn nghệ & BTC sắp 2 hàng trên sân khấu đồng ca Quốc ca VN, (5 phút sau đến đồng ca bài Chiến sĩ vô danh), tham dự viên hưởng ứng cùng hòa ca tạo nên khí thế phấn khởi, hùng hồn. Phút mặc niệm do Ban nhạc diễn tấu bài Hồn tử si, mọi người im lặng tưởng niệm (đến nghe cả tờ giấy rơi).

 

Trống kèn Múa Lân dồn dập nổi lên theo nhịp nhảy múa nhào lộn cùa 3 con lân trắng, vàng, đỏ, hội trường trở nên sinh động tưng bừng. Theo thông lệ, tiếp đến là lời phát biểu của: - cựu học sinh Trần Văn Hải, thay mặt ban yểm trợ và cựu học sinh, trình bày sự cần thiết vì hữu ích của Hội ngộ Liên trường QN hàng năm; - Cựu GS Trần Văn Hưng nhắc nhở cựu học sinh về vai trò Kẻ Sĩ trong cuộc đời. - BTC mời quí thầy cô lên trước sân khấu để nhận túi quà kỷ niệm do các cựu học sinh nữ thùy mị, kính trao tặng. Kỳ nầy, số thầy cô tham dự đếm được bằng đầu ngón tay, là: Gs Hiệu trưởng Lê Thị Đường, Gs Nguyễn Cao Can, Gs Trương Thị Quỳnh Hoa, Gs Trần Văn Hưng: là những giáo sư của Trường Nữ Trung học công lập QN), Gs Trương Quang Trọng (Trung học công lập Trần Quốc Tuấn), Gs HT Nguyễn Hữu Thời (Hiệu trưởng Trung học bán công Lê Văn Duyệt) và Gs Nguyễn Hữu Lợi (các Trung học tư thục ở Quảng-Ngãi & Sài-Gòn). Nhiều thầy đã không đến có lẽ vì cách xa hay vì già yếu?!

 

 

Từ phải sang: Gs Trương Quang Trọng, Gs Nguyễn Hữu Thời,

Gs Nguyễn Hữu Lợi, Gs Trần Văn Hưng

 

8: 30 Pm, nhóm servants (hầu bàn của lữ quán) đã lần lượt bày biện thực phẩm dạ tiệc khắp các bàn. Rượu Champagne nổ lốp bốp cùng với tiếng khua muỗng nĩa vào chén dĩa súp măng cua, tôm càng, gà quay, bò nướng, cơm Dương-Châu... và tiếng cụng ly. Cựu học sinh Thành còn đem biếu bàn GS chai rượu Tây để quí thầy nhâm nhi lúc thưởng thức ca vũ nhạc. Ai cũng nhận biết Văn nghệ lần nầy đa dạng, quá hay, không bõ công dàn dựng của Trưởng nhóm Võ Thành Chương. Như rừng hoa thơm trái ngọt, tôi là người thưởng lãm nên tạm phân loại như sau:

 

* Đẹp nhất là các vũ điệu:

- Hò trên núi (gồm 7 vũ nữ, do Như Hiền biên đạo).

- Vũ dân tộc (trang phục theo 8 sắc dân, do Ngọc Mai phụ trách)

- Lối về xóm nhỏ (vũ điệu Marche theo nhạc & lời Trịnh Hưng).

- Huế xưa (Thy Trâm múa đơn).

 

* Hợp ca có:

- Viêt Nam quê hương ngạo nghễ (gồm 9 nam nữ cựu hoc sinh).

- Tôi yêu quê tôi (đoàn ca áo xanh).

- Kỷ niệm nào buồn (song ca Mậu Diễn + Minh Thủy).

- Phượng buồn (tam ca Ngọc Mai+Ngọc Diệp+Thy Trâm).  

 

* Đơn ca có:

- Cho một người nằm xuống (cựu hoc sinh Trần văn Hải hát)

- Chiếc cầu biên giới (cựu hoc sinh Toàn Phúc hát)

- Gợi giấc mơ xưa (cựu hoc sinh Vương Sĩ hát)

- Trường cũ tình xưa (cựu hoc sinh Petty Kiệt Nguyễn hát).

- Thơ của Ts Tạ Cự Hải (do cựu hoc sinh Mậu Diễn ngâm)

 

* Thời trang áo dài với tiêu đề “Một thoáng quê hương” (cựu hoc sinh Ngọc Mai đạo diễn).

 

Bài hát “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” do đôi uyên ương Võ Thành Chương ngồi đệm đàn Guitar cho Huỳnh Như Huệ đứng hát. Tiếng đàn hát trầm thống và hình ảnh nầy gợi nhớ lạị nền nếp tài hoa của Sinh viên thời VNCH.

 

Một hiện tượng lạ do tài nghệ độc tấu trên dàn trống Jazz (Drum Solo) của bé Ngô Kỳ - con trai cựu học sinh Ngô Phong - được tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt. Văn nghệ có sức hấp dẫn nhờ vào Ban nhạc Hòa âm khá chuyên nghiệp, luôn luôn lôi cuốn hàng chục tham dự viên bước đi lả lướt toàn thân uyển chuyển trên sàn gỗ trước sân khấu, theo các vũ điệu Tango, Valse, Rumba, Twist...

 

Lễ trao cờ Luân lưu từ BTC Hội ngộ kỳ 8 đến BTC Hội ngộ kỳ 9 tại California, trước sự chứng kiến của sáng lập viên Lê Thị Đường, Trưởng BTC các kỳ trước và toàn thể tham dự viên.

 

 

Trao cờ luân lưu. Từ trái: Cao Anh Thông (BTC kỳ 8, còn cầm cờ),

Ts Tạ Cự Hải & Ts Trần Văn Hải (Ban yểm trợ), cựu hoc sinh Võ Thành

Chương & cựu hoc sinh Hùynh Như Huệ (BTC kỳ 9 Năm 2017 tại Nam CA).

 

10:15 Pm, chuyến xe bus đầu tiên đến chở tham dự viên trả về khách sạn; ngồi lại hội trường chừng 100 tham dự viên còn hào hứng với ca vũ. Dịp nầy BTC nhường máy vi âm + ban nhạc + sàn nhảy cho gia đình chúng tôi; vài con em lên hát cho số đông bước nhịp nhàng bay lượn theo tiếng nhạc (đã lâu, vợ chồng tôi mới trở lại sàn nhảy do vài bạn thân mời gọi).

 

 

Gia đình trên sàn nhảy: Trương Quang Cảnh (bồng cháu Annabelle),

Nguyễn Hoàng Vân (đối diện, vỗ tay), Ngô Quỳnh Thảo (quay lưng)

đối diện với Võ Thu Hương (áo đen), Trương Quang Phúc (bìa phải)

 

Đêm đã khuya, lúc chia tay ai cũng biểu hiện vẻ hân hoan về kỳ Hội ngộ 8 LTTH/ QN thành công trong mục đích củng cố Tình Nghĩa Thầy trò và Bạn học mãi trường tồn.

 

25, 26, 27/7/2016: Du ngoạn South Dakota & vùng Keystone.

 

- Ngày 25/7: Hai xe bus đủ tiện nghi, chở đầy 120 tham dự viên tự nguyện, rời tiểu bang Minnesota trên highway 35, rồi tăng tốc lực trên highway 90W theo hướng Tây-Nam đến tiểu bang South Dakota. Hai đường ngược xuôi thẳng tắp mất hút cuối chân trời, bên đường trống vắng như hoang mạc, thỉnh thoảng nổi lên màu xanh ở những cánh đồng bắp hay đậu nành và nhiều cuộn cỏ khô to tướng để nuôi trâu bò còn nằm đó. Quanh đây không có sinh vật, trừ mấy vũng nước có bầy bò đen quanh quẩn. Gặp sông Missouri rộng lớn là hết cảnh thảo nguyên (rồi sông Missouri sẽ mất tên khi nhập vào sông Missisipi - như vợ nhập theo họ chồng - dòng Missisipi mang lưu lượng lớn hơn, đổ ra Đại-Tây-Dương tại tiểu bang Louisiana). Qua cầu Missouri là địa hình đồi trọc lổm ngổm bò đến Rapid city, tiếp nối đến núi đá rừng già chạy qua biên giới tiểu bang Wyoming.    

 

- Thăm Corn Palace tại Mitchell, một trung tâm triển lãm, giải trí và thương mãi không giống mọi nơi. Tiền diện Corn Palace kết thành từ vô số trái bắp đủ màu, cùng kỹ thuật như những bức tranh lớn rộng trên vách trong hý viện, cũng do hàng vạn trái bắp khác màu hình thành. Giờ ăn trưa, tham dự viên đi ngắm nhìn thủ công nghệ và mô hình sinh hoạt thổ dân.

 

 

 

2 Hình của Mitchell Corn Palace

 

Đến xế chiều, 2 xe bus dừng lại Badlands National Park cho tham dự viên ngắm cảnh mặt trời gác núi, làm sơn hệ nầy đổi từ màu trắng sang màu vàng đến màu đỏ và tím. Khu vực Badlands rộng 244,000 acres do nước và gió xói mòn qua nhiều thiên niên kỷ làm nổi lên nhiều ngọn núi đầu nhọn và hang động kỳ lạ màu trắng vôi, có suối sâu nước chảy dưới chân. Chính tại Badlands đã lộ ra nhiều bộ xương của sinh vật thời tiền sử. Cho đến 11 giờ đêm, 2 xe bus mới đến khách sạn White house Resort, ai nấy nhận phòng đã sắp xếp trước. Tôi và cựu học sinh Lê Văn Thăng chung phòng có 2 giường, ngủ ngon lành.

 

 

Cảnh mặt trời sắp lặn tại Công viên Quốc gia Badlands

 

- Ngày 26/7: Sáng ngày, 2 xe bus đưa tham dự viên đến vùng Keystone. Bên đường từng bầy bò rừng (bison) to đùng, (trung bình nặng #2000 lbs dài #12 feet) ung dung gặm cỏ. Tiếp đến bầy trâu rừng (buffalo) hùng hục, ngang nhiên cắt ngang đường, quả thật "giang sơn nào, anh hùng nấy" buộc 2 dòng xe xuôi ngược đều phải "đứng nghiêm" tại chỗ 15 phút. Rồi đến họ hàng nhà Ngựa gồm đủ Lừa, La kéo nhau đi bên đường (phải chăng ngựa phối hợp với lừa đẻ ra la, đến la là stop). Đẹp mảnh mai là mấy "con nai vàng ngơ ngác" đứng ở lưng chừng núi nhìn xuống dòng xe chạy băng qua núi rừng của nó.

 

 

Bầy trâu rừng băng ngang xa lộ tại vùng núi

Keystone (ảnh chụp từ trong xe bus)

 

 

Bầy bò rừng (bison) băng ngang xa lộ

 

Thăm Crazy horse, là tượng đá cao 88 feet trên đỉnh núi, chỉ dấu nơi sống của người thổ dân bản địa (American Indian), do điêu khắc gia Zorczak Ziolkowski khởi công tháng 6 năm 1948. Ông làm việc đơn độc trên núi đá, tiếp theo là 7 người con của ông kiên trì tạc xong khuôn mặt, sẽ tạc hình con ngựa người thổ dân cỡi. Trong Crazy horse Memorial, ở bảng khắc chữ trên đá cẩm thạch có câu: "Crazy horse memorial is to be carved not so much as lineal likeness, but more as a memorial to the spirit of crazy horse… to People. With his left hand thrown out pointing in answer to the derisive question ask by a white man: "Where are your lands now?". He replied, "My land are where my dead lie buried" - Zorczack, Sc (1908-1982). Tạm dịch: {Đài kỷ niệm Crazy horse được khắc họa không những thật giống chân dung dòng dõi họ, hơn thế nữa là đài kỷ niệm về tinh thần của Ngựa chứng (Crazy horse)…với Dân chúng. Trả lời câu hỏi nhạo báng của một người da trắng: "Đất của ông bây giờ ở đâu?". Ông vung tay trái chỉ tới để trả lời: "Đất của tôi là những nơi tôi nằm xuống và chôn tôi khi chết" - Zorczack, Điêu khắc gia (1908-1982)}. Câu trả lời khiến tôi trầm tư về chủ quyền của Dân và Đất.

 

 

Trên đỉnh núi Crazy horse, đã tạc khuôn mặt, từ lỗ đục sẽ tạc

nên con ngựa. Tổ hướng dẫn du ngoạn từ trái sang:

Nguyễn Thế Thành, Ngô Lệ Thu, 1 tham dự viên,

Như Hiền, Nguyễn Văn Kông, Cao Anh Thông.

 

Thăm Mount Rushmore, nơi tạc tượng 4 Tổng thống, là bức điêu khắc khổng lồ trên đỉnh núi đá Harney peak (cao 7,242 feet) của dãy Rockies & Swiss Alps, thường được gọi chung là Mount Rushmore. Công trình do 400 công nhân làm việc nguy hiểm suốt 14 năm (từ Oct /1927 đến Oct/1941), không ai tổn thương. Tượng đá 4 vị tổng thống đều có đầu cao 60 feet (Washington có mũi dài 21feet rộng 11feet, miệng rộng 18 feet). Khu vực tượng đài mở cửa quanh năm. Chúng tôi đến dự Evening light Ceremony lúc 9:00 đêm 26-7-2016 tại quãng trường dưới chân núi. Sau lời thuyết trình của MC thì chân dung 4 Tổng Thống được chiếu sáng từ hệ thống đèn rọi đặt sau cổng ra vào.

 

 

Cờ 50 tiểu bang trên 14 trụ cổng. Tượng 4 tổng thống trên

núi đá chính diện. Du khách quá đông lúc gần tối. Khuôn mặt

của 4 tổng thống trên núi đá Rushmore, từ trái sang:

 

- George Washington: Cha của quốc gia, hoàn thành nền Độc lập Hoa-Kỳ khỏi Anh quốc; là vị lãnh đạo Pháp lý và Tổng Tư lệnh Quân lực Liên bang.

 

- Theodore Roosevelt: vị tổng thống thứ 26, đã hoàn thành giấc mộng của Christopher Columbus là khai thông kênh đào Panama nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.

 

- Thomas Jefferson: tổng thống thử 3, soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập (lúc mới 33 tuổi) và mua lãnh địa Louisiana lớn rộng cho Hoa-Kỳ.

 

- Abraham Lincoln: Tổng Thống thứ 16, chấm dứt nội chiến Civil War.

 

 

Tượng 4 tổng thống tạc trên núi Rushmore

 

Ngày 27-7-2016 Rời South Dakota: 2 xe chở đủ 120 tham dự viên du ngoạn (sau khi ghé Bệnh viện đón bà xã cựu học sinh Tôn Long Bình đã chẩn bệnh là vô sự) trực chỉ về Minnesota. Nhiều tham dự viên đã uể oải, nên tổ hướng dẫn viên liên tục kể chuyện vui để mua lấy trận cười, có chuyện tiếu lâm đố tục giảng thanh thì tham dự viên mỉm cười dai dẳng. Nhiều tràng pháo tay dành cho các hoạt náo viên Nguyễn Thế Thành, Nguyễn Văn Kông, Trần Văn Thân và nữ tham dự viên nói giọng Bắc khá hay (tôi quên tên). Cựu học sinh Lê Văn Thăng đọc thơ mình sáng tác về quê nhà huyện Đức Phổ dưới bút hiệu Lê Phổ-Nhơn (hay Email của anh là An-tây) đều là tên làng tên thôn, cố hương của anh.

 

Cả 2 lần du ngoạn gần và xa đều đạt kết quả viên mãn là nhờ Ban tổ chức đặt kế hoạch chi tiết trên văn bản, cung cấp dồi dào thực phẩm, trái cây thức uống đến tham dự viên, chăm sóc sức khỏe từng người (như cố mời tôi đi Wheelchair, First-aid cho chị Tôn Long Bình bị vấp ngã nhẹ). Xin tán dương công lao của BTC, trong đó có cựu học sinh Ngô Lệ Thu mẫn cán.

 

* Phụ đính:  

 

Vài ghi nhận trên đường đi qua miền Bắc Hoa-Kỳ.

 

Đến tham dự Hội ngộ Liên trường QN tại 2 tiểu bang Minnesota và South Dakota, chúng tôi còn đi về qua 2 tiểu bang Wisconsin và Illinois, là hội đủ 4 tiểu bang miền Bắc Hoa-Kỳ.

 

 

Một phần mặt trước The Field Museum tại Chicago.

(Như Tuyến - đội nón và vợ chồng Trương Quang)

 

- Tiểu bang Wisconsin: Từ Chicago đi Minneapolis theo Highway 94 hướng Tây-Bắc xuyên qua giữa tiểu bang Wisconsin là cánh đồng bắp trải dài, được hệ thống tưới nước dẫn theo đường ống giăng mắc trên hàng trụ giữa ruộng bắp. Đến thủ phủ Madison lớn đẹp bên phải và xa hơn bên trái là núi đá đen kỳ lạ đột khởi giữa bình nguyên. Vòng về, chúng tôi đi tàu lửa Amtrak chạy xuyên liên bang, dọc theo bờ hồ Michigan bên trái, cánh đồng bắp, xóm làng và rừng cây bên phải. Wisconsin có nhiều ga ở gần phố thị, là nơi tàu lửa dừng cho khách lên xuống nhộn nhịp. Chúng tôi phải xuống ga Chicago (một cơ sở hỏa xa quá lớn, chưa quen dễ lạc lối đi) để đổi qua tàu lửa Metra vào nội thành. Tại Chicago tôi đã chán ngán trước nhiều tầng, nhiều lối đi và sự phiền toái về kiểm soát an ninh ở phi trường O'hare. Thử đi tàu hỏa là chịu giá vé đắt hơn tàu bay, đổi tàu tại ga lại phiền phức hơn kiểm soát ở phi trường! Suy ra không gì tiện lợi bằng đi xe car tư nhân.

 

 

Tàu lửa Amtrak

 

- Thành phố Chicago: nằm phía Bắc tiểu bang Illinois, là thành phố lớn trong "Top Five" của Hoa-Kỳ. Nằm ở cực Nam hồ Michigan nên Chicago có vẻ đẹp tươi mát cho rừng cao ốc bên bờ hồ. Ngũ đại hồ gồm: lake Superior, lake Michigan, lake Huron, lake Erie và lake Ontario làm ranh giới phân cách giữa miền Bắc và Đông-Bắc Hoa Kỳ với Canada. Nhân dịp chúng tôi còn lưu lại nhà con trai tại Chicago, vợ chồng cựu học sinh Nguyễn Như Tuyến + Bùi Quang Thanh đón chúng tôi đến nhà dùng bữa cơm thịnh soạn và cùng cậu con trai là Dr Bùi Gia Thinh đến tham quan bảo tàng viện The Field Museum. Đây là Museum tôi ngưỡng mộ nhất trong các Museum lớn, nhờ cách bài trí đẹp trong các tầng lầu rộng.

 

 

Trong phòng đá quí ở The Field Museum: Trên là viên Ngọc bích

lớn nhất thế giới, dưới có 3 viên ngọc, kim cương là tặng phẩm

của Thuy Ngô Nguyễn và 2 Dr Ngô (đều là người Việt có hảo tâm)

 

Lịch sử các nền văn hóa Trung-Hoa, Ai Cập, Hy Lạp được trưng bày di tích và mô hình như thật. Các vườn thảo mộc và cầm thú có đủ loại cây cỏ và dã thú trên địa cầu, đúng với tầm cỡ thật. Tất nhiên khoáng chất và đá quí trong tủ kính dày được bảo vệ bằng hệ thống điện tử. Kiến thức do The Field Museum cung cấp quá sâu rộng và hiện thực.

 

 

Đường hầm Lowry Hill tại Minneapolis, Minnesota

 

Thành phố Chicago có đường hầm xa lộ rất dài dưới lòng đất, đã loại trừ nạn kẹt xe. Đây cũng là thành phố có cộng đồng người Việt vững mạnh. Những ngày cuối tháng 7/2016, các con tôi đưa cha mẹ đến tham dự các hội họp người Việt:

 

1) Tại nhà thờ St Henry Chicago, gặp bạn cố tri Henry Khúc Hữu Chấp, Chủ nhiệm & Chủ bút tuần báo Người Việt Illinos mấy thập kỷ qua. Ông biếu cho tôi (cũng tặng miễn phí cho mọi người) số báo đầu tháng 8/2016. Ông cho biết tập báo được liên tục và khởi sắc nhờ vào nhiệt tâm ủng hộ của người Việt.

 

2) Hôm sau, chúng tôi đươc mời đến tham gia Trại picnic của Ca đoàn người Việt tại trang viên thánh đường Teshny (Home to Divine Word Missionaries) tại khu phố Northbrook. Hàng trăm bạn trẻ VN phấn khởi với trò chơi, các môn thể thao, liên hoan và ẩm thực. Nhìn chung: người Mỹ gốc Việt tại Chicago có tình đoàn kết, có đời sống lành mạnh.

 

 

Người Việt trước cửa Nhà thờ St Henry (Đặng Kim Chi

đương chụp hình 2 bà mẹ dưới tượng Chúa)

 

Tổng kết:

 

Hội ngộ LTTH/QN kỳ 8 đã bảo tồn truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, duy trì và sưởi ấm “Tình nghĩa Trường xưa bạn cũ”. Ưu điểm là những ngày du ngoạn lý thú trên 2 tiểu bang Minnesota và South Dakota sẽ chuyển tải lực hấp dẫn cho Hội ngộ mai sau./.  

           

Connecticut, trung tuần tháng 8/2016                  

Trương Quang

 

*  *  *

 

Xem thêm hình liên hệ

 

 

 

 

 

 

Thêm hình vài dinh thự (mansion) trên Đại lộ Summit.

 

 

Nhà thờ lớn Saint Paul (Cathedral of St. Paul)

 

 

Bên trong Nhà thờ lớn Saint Paul (Cathedral of St. Paul)

 

 

 

Xe lửa Amtrak

 

 

Mitchell Corn Palace

 

 

 

 

Bò rừng (bisons)

 

*  *  *

 

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây

Xem thêm trang Liên Trường: click tại đây
Trang QN: Đất nước/ con người: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh