(Diễn ra từ ngày 22-7-2016 đến 28-7-2016)
I/ Sơ lược về tiểu bang Minnesota.
- Minnesota là tiểu bang thứ 32 được gia nhập vào liên bang Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 5 năm 1858.
- Phía Bắc có biên giới chung với Canada. Phía Đông giáp tiểu bang Wisconsin. Phía Nam giáp tiểu bang Iowa. Phía Tây giáp tiểu bang South Dakota và North Dakota.
- Thủ phủ: Saint Paul
- Dân số: gần 6 triệu người.
- Diện tích: 86, 935 square miles
Tiểu bang Minnesota có tới 11,482 hồ lớn nhỏ, và có những địa danh đặc biệt và nổi tiếng mà ban tổ chức LTTH Quảng Ngãi kỳ 8 đã hướng dẫn các tham dự viên đến thăm như: Minnesota State Capitol, Stone Arch Bridge, Lake Calhoun Minneapolis, Cathedral of St Paul, Minnehaha Falls Minneapolis, St Paul & Mpls Riverboad Cruise, Summit Avenue Mansions. Mỗi địa danh có một sắc thái riêng biệt.
a/Minnesota State Capitol: là một kiệt tác được thiết kế bỡi kiến trúc sư Cass Gilbert. Các toà nhà kiểu cổ điển, với mái vòm bằng đá cẩm thạch, đá granite, đá vôi.
b/ Stone Arch Bridge: Cây cầu nầy làm bằng đá granite và đá vôi dài 2100 feet, rộng 28 feet, có 23 mái vòm bắt qua sông Mississippi và được xây dựng vào năm 1883.
c/ Lake Calhoun Minneapolis. Đây là một hồ lớn nằm ngay trung tâm thành phố Minneapolis rộng 401 acres (1.6 km2). Chu vi hồ là con đường dài 3.4 miles, rất tiện lợi cho việc tập thể dục như đi bộ, chạy xe đạp, skater.
d/Cathedral of St. Paul. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1906. Bức tường bên ngoài nhà thờ được làm bằng đá Rockville granite. Các cột bên trong nhà thờ được làm bằng đá cẩm thạch. Hệ thống điện được lắp đặt vào năm 1940. Năm 1987, nhà thờ mua 5 chiếc chuông đồng đúc ở Pháp, và hiện đang trưng bày bên trong nhà thờ.
e/ Minnehaha Park and Minnehaha falls Minneapolis. Minnehaha Park có diện tích khoảng 17 Acres, nằm bên bờ sông Mississippi và trong Park nầy có thác nước Minnehaha fall. Chiều cao thác nước 53 feet. Vào mùa Đông, cả thác nước nầy đóng băng, tạo nên một bức tường băng đá trông như là thạch nhũ rất đẹp.
g/ St Paul & Mpls Riverboat Cruise. Chiếc du thuyền của công ty Padelford Packet Boat Co. luôn neo đậu tại vùng đảo Harriet ở St Paul. Du ngoạn trên du thuyền sẽ được ngắm nhìn cầu St. Paul High Bridge, Pig’s Eyes Cave, Minnesota River mouth, Pike Island, và sự huy hoàng vượt thời gian của sông Mississippi hùng vĩ. Dòng sông nổi tiếng nầy bắt đầu từ tiểu bang Minnesota. Thượng nguồn của sông nằm ở hồ Lake Itasca.
h/ Summit Avenue Mansions Walking. Summit Avenue ở Saint Paul là một trong những con đường còn giữ lại được những dinh thự cổ rất là nổi tiếng ở Mỹ, và chạy dài khoảng 4.5 miles là nơi toạ lạc của của 373/ 440 dinh thự cổ được xây dựng từ những năm 1855 đến 1920.
Thả bộ trên những con đường nầy, ta cảm thấy như lạc vào khung cảnh huyền thoại xa xưa mà tuổi thơ ấu, chúng ta đã đọc được trong những chuyện cổ tích thời vua chúa ở phương Tây.
II/ Thành phần Ban Tổ Chức
- Trưởng Ban: Cao Anh Thông, TQT niên khoá 1968-1975.
- Trưởng Ban Điều Hành và Ghi Danh: Cô Ngô Lệ Thu, NTH 1968-1975
- Trưởng Ban Văn Nghệ: Võ Thành Chương TQT 1967- 1974.
- Phó ban văn nghệ: Cao Anh Tân TQT 1967-1974.
- Trưởng Ban đón khách tại phi trường và local tour: Trương Quang Cảnh. Phụ tá có Cao Anh Trác.
- Trưởng Ban Ẩm Thực và Tiếp Tân: Trà Thị Nhung cùng một số các cựu nữ sinh tình nguyện phụ giúp.
- MC Bích Ngân và Như Hiền NTH 1969-1976
Ngoài BTC còn có các tham dự viên tình nguyện như các anh Trần Văn Hải, Nguyễn Văn Kông, Nguyễn Thế Thành, Nguyễn Dzỏi, các cô Thy Trâm, Đàm Kim Loan, và nhiều bạn trẻ nữa mà kẻ viết bài nầy không nhớ hết tên.
Tổng số thành viên tham dự: Hoa kỳ: 255; Canada, Úc, Pháp: 4; Việt Nam: 15
III/ THAM GIA SINH HOẠT HỘI NGỘ
Tôi rời nhà lên phi trường Los Angeles lúc 3AM ngày 22 tháng 7 năm 2016 để cho kịp tham dự tiền hội ngộ chiều 22. Máy bay rời phi trường Los Angeles lúc 6AM (giờ Cali), và đến phi trường Minneapolis Paul Airport lúc 10:40 AM (giờ Minnesota). Vừa bước chân xuống phi trường gặp ngay anh Cao Anh Trác cầm cờ vàng hình tam giác đón tiếp, và hướng dẫn đến nơi lấy hành lý. Ở đây, tôi thấy nhiều thành viên LT đã hiện diện, họ đến từ những phi trường khác khắp nước Mỹ và đang chờ đợi lấy hành lý.
Hành lý lấy xong, anh Trác liền điện thoại cho nhân viên Hotel Best Western Plus và County Inn Hotel là những nơi chúng tôi sẽ trú ngụ gởi xe bus đến đưa chúng tôi về khách sạn. Tham dự viên từ các nơi về mỗi giờ đến mỗi đông nên BTC tăng cường thêm anh Cảnh Trương tiếp sức. Công việc đón tiếp của các anh thật là nhịp nhàng và khoa học. Không ai phải chờ đợi lâu ở phi trường. Tuy mệt nhọc ngồi trên máy bay; nhưng mọi người đều tỏ ra hớn hở, vui vẻ chuyện trò, hỏi thăm nhau.
Riêng phần tôi, đây là lần thứ tám, tôi tham dự cuộc hội ngộ LTTH Quảng Ngãi. Tôi hăm hở, náo nức chờ đợi ngày hội ngộ LT; vì tôi nghĩ rằng đây là một dịp rất tốt cho tôi gặp lại những học sinh cũ, những bạn đồng nghiệp xưa, những người bạn cùng quê xóm làng ở Quảng Ngãi, những cựu quân nhân QLVNCH cùng đơn vị, cùng quân trường mà hơn năm mươi năm không gặp lại. Cuộc xâm lăng VNCH của Cọng sản Bắc việt thật là tàn khốc, gây bao tan thương cho đồng bào ta, kẻ mất, người còn, lưu lạc khắp nơi. Được gặp lại những người thân cũ, “Tha Hương Ngộ Cố Tri”, những người cùng quê, bạn bè quen biết khi xưa; thật là vô giá!
Thêm nữa, tôi được dịp thăm viếng nhiều tiểu bang Hoa Kỳ; vì khi tỵ nạn đến Mỹ tính đến nay đã 41 năm, những năm tôi sống ở Mỹ còn nhiều hơn những năm tôi được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Tuy nhiều năm ở đây nhưng tôi chưa có dịp nào đi ra khỏi Cali. Nhờ có tổ chức Hội ngộ LT là một dịp rất tốt cho tôi được đi thăm viếng đó đây, ngắm nhìn những danh lam thắng cảnh trên đất nước vĩ đại nầy. Đất nước Mỹ đã cho tôi một cuộc sống tự do, yên bình, không bị ràng buộc bởi những chế độ chính trị độc tài, khắc nghiệt, đảng phái, chia rẽ, ô nhiễm môi trường, thực phẩm đầy chất hoá học, đạo đức, văn hoá suy đồi như hiện nay đang xảy ra trên quê hương tôi. Hoa Kỳ cũng là nơi mà mọi người trên thế giới đều ao ước được đến đây định cư.
Nhân đây, tôi trân trọng kính lời cảm ơn và ngưỡng mộ các vị thành viên trong Ban Tổ Chức từ LT 1 đến LT 8 đã bỏ nhiều công sức, thời giờ riêng tư của mình và gia đình lo cho cuộc hội ngộ LT được thành công rất tốt đẹp, và cảm ơn Cô Lê Thị Đường, người nữ giáo sư khả kính, người bạn đồng nghiệp năm xưa, phu nhân bạn tôi anh Võ Vàng, đã có sáng kiến thành lập cuộc hội ngộ LT từ năm 2007, và duy trì mãi cho đến hôm nay. Riêng LT 8, đặc biệt còn có các anh chị tình nguyện tham gia, sát cánh giúp ban tổ chức. Những vị tình nguyện nầy lúc nào cũng sẵn sàng, vui vẻ giúp đỡ, chỉ dẫn những thành viên khi họ yêu cầu.
Hôm chiều Chúa Nhật ngày 24-7-2016, lúc 5:30 PM tôi cùng các bạn trú ngụ tại hotel Best Western Plus bước ra để lên xe bus dự dạ tiệc đêm hội ngộ chính, tôi thấy anh Nguyễn Dzỏi, cô Thy Trâm và nhiều bạn nữa đang khệ nệ bưng những thùng “carton” lớn bỏ sau cốp xe bus. Tôi dừng lại hỏi:
- Các Cô Chú đi dự dạ tiệc chính thức ngày hội ngộ, mặc áo quần đẹp mà vác những thùng hàng nầy đi đâu vậy?
Dzỏi và Thy Trâm cùng lên tiếng:
- Dạ! Đó là những thùng áo quần để hoá trang cho đêm văn nghệ tối nay đó Thầy.”
Chương trình văn nghệ tuy là “Cây Nhà Lá Vườn” nhưng thật là đặc sắc, công phu, tuyệt vời, không khác chi những đêm văn nghệ có bán vé vào cửa ở Little Sài gòn. Những trang phục của những thành viên trình diễn văn nghệ thật là bắt mắt, đẹp vô cùng! Các cô tha thướt trong những chiếc áo dài Việt Nam đủ màu, đủ sắc với những điệu múa uyển chuyển, lả lướt trên sàng. Tiếng hát đơn ca của Như Huệ, Thy Trâm, Như Hiền v.v… không thua gì các ca sĩ thời danh của cộng đồng Viêt Nam hải ngoại như Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Nhung, Ngọc Lan v.v… Điệu múa Sơn Cước của Nguyễn Dzỏi và Ngọc Mai cùng cách hoá trang người dân tộc thiểu số đã gây một hình ảnh độc đáo; y như người dân tộc thiểu số ở quê hương ta miền sơn cước cận sơn, gần các quận Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ.
Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau của anh chị em LT đã thể hiện một cách tích cực làm người viết rất cảm động, và đáng nể: như hôm chuẩn bị từ South Dakota trở về Minneapolis, phu nhân một thành viên LT bị té quỵ, và phải vào nhà thương khẩn cấp. Sáng hôm sau, thay vì chạy thẳng về Minneapolis, cả chuyến xe bus đều chuyển hướng về bệnh viện thăm viếng bệnh nhân. Người đưa ra ý kiến chuyển hướng xe bus là cô Ngô Lệ Thu (BTC). Cô còn nói, "Nếu chị N. không đỡ hơn, BTC sẽ mua vé máy bay chuyển về bệnh viện lớn ở Minneapolis, ở đây có nhiều phương tiện chữa trị tối tân hơn".
Hình ảnh người con gái xứ Quảng, năng nổ, xông xáo, lo toan, luôn luôn tỏ ra người có trách nhiệm cao, lo lắng, chăm sóc cho các thành viên, đã ghi đậm nét trong trí tôi trong những ngày tham dự hội ngộ LT. Khi thì cô lái xe nhỏ, khi thì cô nhảy lên xe bus, vui vẻ mang những thùng thức ăn phân phát cho mọi người, lúc nào cô cũng tươi cười, năng động, cận kề với các thành viên, và sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn anh chị em khi họ cần đến.
Hôm đốt lửa trại ở trang trại anh Cao Anh Thông, trời đã sắp tối, chiếc xe bus đưa thành viên dần dần chạy xa thành phố; hướng về trang trại, càng xa thành phố, đường sá càng vắng lặng không một bóng người, không một chiếc xe qua lại. Ngồi trên xe bus, bỗng nhiên tôi thấy bên vệ đường một cô gái Á châu đứng cạnh chiếc xe tắt máy, tay phải đang cầm điện thoại áp sát vào tai, trông nàng như đang liên lạc cầu cứu người nhà đến giúp. Tôi cảm thấy ái ngại, và nghĩ rằng, giờ nầy, ở một nơi vắng vẻ mà cô kia bị hư xe, có thể gặp nguy hiểm. Chiếc xe bus vẫn tiếp tục chạy qua cô ta chừng vài trăm mét, tôi ngạc nhiên thấy người tài xế bỗng nhiên tìm cách quanh đầu xe lại, hỏi ra mới biết người đứng bên đường là cô Lệ Thu (BTC) đang chờ xe bus đến để hướng dẫn vào trang trại tham dự đốt lửa trại.
Đường vào trang trại hẹp, xe bus không vào được. Người thứ hai, tôi cũng ghi đậm nét khi trở lại Cali là anh Nguyễn Thế Thành (tình nguyện viên từ Canada). Trên chuyến xe bus từ Minneapolis chạy về thủ phủ South Dakota, đường dài bằng Sài Gòn ra Quảng Ngãi. Xe chạy liên tục 9 tiếng đồng hồ, nghỉ hai nơi, mỗi nơi 30 phút, anh Thành đứng gần tài xế làm MC không biết mỏi mệt, anh kể những chuyện vui làm cho mọi người đỡ buồn ngủ, và quên đi chuyến xe đường dài.
Có nhiều thành viên tình nguyện tiếp anh Thành kể chuyện, đặc biệt có cô Kim Cúc (Orlando, Florida), cô vốn gốc người Bắc, cha mẹ di cư năm 1954, định cư ở Quảng Ngãi và sinh cô ra ở đây. Cô kể chuyện vừa tiếng Quảng Ngãi (giả bà bán trứng gà), vừa tiếng Hà Nội (cô nữ sinh gốc Bắc trường NTH). Câu chuyện thật dí dỏm, nội dung nói lên sự thật thà, chơn chất của người đàn bà Quảng Ngãi, ngồi bán trứng gà nhà ở chợ tỉnh, và sự ngây thơ của cô nữ sinh, người Quảng gốc Bắc muốn tìm hiểu sự sinh hoạt buôn bán ở chợ búa xứ Quảng. Mọi người trên xe đều cười rộ lên mỗi câu cô nói. Không khí trên xe vui vẻ khác thường. Niềm vui ở đâu xa, chính là nơi đây.
Ngồi trên xe bus chạy về South Dakota mới thấy cảnh đồng quê Hoa Kỳ rộng rãi, bao la, hai bên là ruộng bắp chạy dài cả trăm cây số, xanh tươi, ngút ngàn, thỉnh thoảng mới thấy nhà kho chứa máy cày, máy gặt; nhưng không thấy một bóng người. Nhiều đoạn đường dài gần ba, bốn trăm miles, không một xe cảnh sát tuần tiểu như ở Cali. Không gian thật yên bình, lặng lẽ, tôi thoáng nghĩ như xe đang chạy lạc lối vào nơi đâu.
Một điều nữa mà tôi muốn viết ra đây là sau cuộc hội ngộ kết thúc; BTC có thông báo là còn dư một số tiền trên ba ngàn đô-la, số tiền nầy sẽ gởi về giúp các Thầy Cô giáo LT và các cựu học sinh còn ở quê nhà đang gặp sự khó khăn trong cuộc sống. Ý kiến đó thật hay, thật đáng quí trọng, thật đáng hoan hô. Như vậy, cuộc hội ngộ của chúng ta mới có thêm ý nghĩa.
Cuộc vui nào rồi cũng tàn nhưng kỷ niệm êm đẹp của những kỳ hội ngộ LT thật khó quên trong tôi, đặc biệt Hội Ngộ LT 8, BTC đã đem hết sức lực của mình, tổ chức cuộc hội ngộ thật là công phu, lớp lang, chu đáo. BTC cùng những tình nguyện viên như đã kể trên đã để lại trong tôi một niềm cảm mến, kính phục, và muôm vàn cảm ơn.
Lời cuối của người viết: Bài viết nếu có thiếu sót, xin Thầy Cô và các cựu học sinh Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi bỏ qua cho. Chân thành cảm ơn.
Nguyễn Hữu Thời.
Los Angeles, California.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Liên Trường QN: click vào đây
Trang QN: Đất nước/ con người: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com