Higher education in South Vietnam before 1975
Tóm tắt
Bài viết trình bày sơ lược quá trình hình thành hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và nêu lên những nhận định tổng quát về nền giáo dục ấy dưới nhiều góc độ khác nhau. Qua đó, có thể nhận thấy, dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi 20 năm, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nỗ lực xây dựng và duy trì một nền giáo dục đa dạng về loại hình cũng như lĩnh vực đào tạo, đảm trách được những sứ mạng trọng yếu của một nền giáo dục đại học đúng nghĩa, bao gồm việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực cần thiết cho việc xây dựng và phát triển của quốc gia.
ABTRACT
The article outlines the process of forming the higher education system in South Vietnam before 1975 and makes a general judgement about that education from different angles. From the information in the article, it can be said that, despite a short existence of only 20 years and the devastation of war, the government of the Republic of Vietnam had made remarkable efforts to build and maintain a diversified education including educational types and fields, to take charge of developing higher education, including teaching and scientific research, in order to provide adequate human resources necessary for the process of national development.
NỀN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở MIỀN NAM VIỆT NAM TRƯỚC 1975
Nguyễn Văn Nhật (*)
Đại học là trung tâm văn hóa quốc gia (GS Nguyễn Xuân Xanh)
I. Quá trình hình thành hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam trước 1975
Tuy chỉ tồn tại hơn 20 năm từ 1954 đến 1975, và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, hầu hết nhân tài vật lực phải phục vụ cho hoạt động trị an và đối phó với chiến tranh mất chừng 15, 16 năm, xã hội miền Nam Việt Nam cũng đã xây dựng được một nền giáo dục đại học khá phong phú.
Có thể coi tiêu biểu là Viện Đại học Sài Gòn được thành lập vào năm 1957, lúc ấy chỉ có các phân khoa Sư phạm, Luật, Văn khoa, Khoa học và Y khoa, tiếp thu từ các cơ sở vốn thuộc nền học chánh Đông Dương đã được bàn giao cho chính thể Quốc gia Việt Nam vào năm 1955. Lần lần, theo nhu cầu, trường Dược khoa được tách ra khỏi trường Y vào năm 1961, một trường Nha Y khoa được thành lập vào năm 1963, trường Kiến trúc được đặt trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn vào năm 1967 và Hải học viện Nha Trang được chuyển sang cho Viện Đại học Sài Gòn quản lý về học vụ vào năm 1969.
Cũng trong năm 1957, do sự kiên trì vận động của các bậc thức giả miền Trung hằng lưu tâm đến tiền đồ văn hóa dân tộc và vai trò lịch sử của cố đô Huế, Viện Đại học Huế đã được thành lập theo Sắc lệnh số 45/GD do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành ngày 01/3/1957.
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ là việc tổ chức một nền giáo dục kỹ thuật cao cấp để đào tạo các chuyên viên phục vụ việc kỹ nghệ hóa đất nước. Do đó, bên cạnh việc sắp xếp các trường đại học nhân văn và khoa học như trên, một Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật cũng đã được thành lập theo Sắc lệnh 213/GD ngày 29/6/1957. Cũng trực thuộc sự quản trị của Bộ Giáo dục lúc bấy giờ, còn có Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật đặt tại trung tâm tỉnh Gia Định được thành lập theo Nghị định 1182/GD ngày 31/12/1954 của Bộ Giáo dục nhằm đáp ứng việc phát huy văn hóa Việt Nam trên phương diện mỹ thuật; từ trường này, về sau đã phát xuất thêm Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ; ngoài ra, còn có trường Sinh ngữ và trường Thương mại cùng được thành lập vào ngày 17/10/1956 theo hai nghị định lần lượt là 2576 và 2577/TTP/CV. Bên cạnh đó, cũng cần kể tới những cơ sở đào tạo cao cấp không thuộc Bộ Giáo dục, như Trường Quốc gia Hành chánh trực thuộc Phủ Thủ tướng từ năm 1954, lớp Huấn luyện Chuyên viên Ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Quốc gia tổ chức đào tạo từ năm 1956, Trường Quốc gia Bưu điện trực thuộc Bộ Giao thông Công chánh thành lập vào năm 1959, Trường Cao đẳng Nông Lâm Mục thuộc Bộ Canh nông khai giảng khóa đầu tiên năm 1959, và các trường trực thuộc Bộ Y tế như Trường Cán sự Điều dưỡng bắt đầu hoạt động năm 1955, Trường Nữ Hộ sinh Quốc gia và Trường Cán sự và Tá viên Thí nghiệm tổ chức đào tạo từ năm 1957. Trong số những cơ sở này, có một vài trường về sau được chuyển sang sự quản trị về học vụ của Bộ Giáo dục. Một cơ sở nghiên cứu khác có tham gia đào tạo là Viện Khảo cổ trực thuộc Bộ Giáo dục được thành lập vào ngày 18/1/1956 theo Nghị định 19/GD của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Cũng trong giai đoạn này, một tổ chức tư nhân cũng đã tiến hành vận động để thành lập một viện đại học tư: Hội Đại học Đà Lạt thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam được phép chính thức hoạt động theo Nghị định số 67/BNV/NA ngày 08/8/1957; kế đó, hội này được công nhận là một Hội Công ích. Trên các cơ sở pháp lý đó, hội đã tiến hành xây dựng Viện Đại học Đà Lạt và căn cứ vào các Sắc lệnh 199/GD ngày 28/8/1961 của Tổng thống và Nghị định 1206/GD/PC/NĐ ngày 04/9/1961 của Bộ Quốc gia Giáo dục thì Viện Đại học Đà Lạt được quyền cấp phát văn bằng bậc Đại học một cách chính thức.
Về mặt tổ chức và học vụ, có thể thấy các viện đại học và các trung tâm đào tạo công nghệ và nông nghiệp được thành lập trong giai đoạn này vẫn chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp. Tuy nhiên, ảnh hưởng này đã dần mờ nhạt kể từ khi Việt Nam bắt đầu gởi công chức và sinh viên sang học tại Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan và các nước khác [2].
Sau cuộc chính biến ngày 01/11/1963, xã hội miền Nam Việt Nam có những thay đổi lớn; đồng thời, chiến tranh ngày một lan rộng khiến chính quyền phải tập trung sự chú ý vào các vấn đề cấp thiết nhằm duy trì sự tồn tại của mình. Tuy nhiên, vì công tác giáo dục là việc của những người hoạt động trong ngành giáo dục, ngay trong lúc có những sự thay đổi liên tục về thành phần nhân sự lãnh đạo chính quyền trong giai đoạn từ cuối năm 1963 đến năm 1967 thì các sắp xếp về giáo dục vẫn được tiến hành đều đặn. Chẳng hạn, việc tổ chức Đại hội Giáo dục Toàn quốc năm 1964 tại Sài Gòn vẫn được diễn ra theo kế hoạch từ ngày 10 đến ngày 22 tháng 10 năm 1964, quy tụ đại biểu của 45 tỉnh, thị xã trên toàn miền Nam.
Trong bối cảnh đó, Viện Đại học Cần Thơ được thành lập vào tháng 3/1966 để đáp ứng nguyện vọng học tập của dân chúng trong vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Tiếp theo, nhu cầu nhân lực của các địa phương đã thúc đẩy các nhà giáo dục nghĩ tới việc thành lập các Đại học Cộng đồng. Ngay trong năm 1971, hai Viện Đại học Cộng đồng được thành lập cùng ngày 15 tháng 8 là Viện Đại học Cộng đồng Tiền Giang ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường và Viện Đại học Cộng đồng Duyên Hải ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 1973, một Viện Đại học Cộng đồng khác ra đời ở thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Viện Đại học Quảng Đà, đã khai giảng năm học 1973-1974. Ngoài ra, theo kế hoạch, Viện Đại học Cộng đồng Tây Nguyên ở thị xã Ban Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc và Viện Đại học Long Hồ ở thị xã Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long cũng sẽ được thành lập nhưng chưa thực hiện thì chính thể Việt Nam Cộng hòa đã sụp đổ.
Về mặt đào tạo giáo chức, ngoài việc hầu hết các viện đại học lớn đều có phân khoa Sư phạm đào tạo giáo viên Trung học Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp (cấp 2 và cấp 3 ngày nay), chính quyền miền Nam còn tổ chức các trường Cao đẳng Sư phạm để cung cấp giáo viên tiểu học cho các địa phương. Cho đến năm 1974, trên toàn miền Nam có 16 trường Cao đẳng Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học, nổi bật nhất là các trường Cao đẳng Sư phạm ở Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, Ban Mê Thuột, Vĩnh Long, Long An, Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên. Bên cạnh đó, Nha Sư phạm trực thuộc bộ cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu nghiệp cho giáo chức. Ngoài ra, về giáo dục kỹ thuật thì có Ban Sư phạm Kỹ thuật thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật tổ chức các khóa huấn luyện từ năm 1962, còn về giáo dục nông nghiệp thì có các Khóa Giáo dục Nông nghiệp do Trường Cao đẳng Nông Lâm Mục chịu trách nhiệm đào tạo. Vấn đề đào tạo giáo chức cấp cao (đại học và cao đẳng) chủ yếu được thực hiện thông qua các kênh tu nghiệp và du học nước ngoài.
Trước vụ chính biến năm 1963, trong nền giáo dục đại học ở miền Nam chỉ có một viện đại học tư nhân là Viện Đại học Đà Lạt do Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam tổ chức. Sau đó, trong chính thể Đệ nhị Cộng hòa lại có thêm một số trường đại học tư ra đời. Sớm nhất là Viện Đại học Vạn Hạnh do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức, được thành lập vào tháng 10/1964. Tiếp theo, Viện Đại học Phương Nam, cũng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhưng do phái Việt Nam Quốc Tự chủ trương, được thành lập vào năm 1967. Sự thành công của Viện Đại học Vạn Hạnh, đại biểu cho tinh thần giáo dục cao cấp của Phật giáo, đã thúc đẩy các tôn giáo khác tại miền Nam cho ra đời những cơ sở giáo dục cao cấp của tôn giáo mình. Trước hết, Viện Đại học Minh Đức có khuynh hướng Thiên Chúa giáo đã khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 9 năm 1970; sau đó, Viện Đại học Hòa Hảo được thành lập vào ngày 08/9/1971 ở tỉnh Long Xuyên và Viện Đại học Cao Đài thành lập vào ngày 24/11/1971 tại tỉnh Tây Ninh.
Ngoài những đại học tư có khuynh hướng tôn giáo trên, cũng có một viện đại học do tư nhân thành lập vào năm 1973 là Viện Đại học Cửu Long theo sáng kiến của một nhóm người thuộc các giới doanh nhân, kỹ nghệ và giáo dục trong và ngoài chính quyền. Như vậy, cho đến khi chính quyền Sài Gòn giải tán, nền học vấn cao cấp ở miền Nam có tới 7 viện đại học tư, trong đó, 6 cơ sở được tổ chức do bốn tôn giáo chính ở miền Nam lúc bấy giờ; điều này cho thấy “một đặc tính dân chủ ở miền Nam, mặc dù sự phát triển tự do này có vẻ biểu hiện nhu cầu xác lập vai trò và ảnh hưởng của mỗi tôn giáo trong xã hội hơn là nhu cầu thật sự về giáo dục đại học” [1].
II. Nhận định tổng quát về nền đại học miền Nam Việt Nam trước 1975
Trước hết, ngay từ ban đầu, khu vực công lập của nền giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam trước 1975 chỉ là một hệ thống vá víu được xây dựng trên một phần cái nền lỏng lẻo của hệ thống học chính Đông Dương thuộc Pháp do thực dân để lại.
Thật vậy, miền Nam Việt Nam được xem xét ở đây là hậu thân của chính thể Quốc gia Việt Nam tồn tại từ 1948 đến 1955, tuyên bố chủ quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn chịu sự chi phối của chính quyền thực dân Pháp về các mặt tài chính, thương mại, ngoại giao và quân sự. Khi người Pháp buộc phải ký kết hiệp định Genève để kết thúc chiến tranh Đông Dương, họ mới thấy cần phải trao trả hoàn toàn độc lập cho chính thể này vào ngày 04 tháng 6 năm 1954, sáu tuần trước khi kết thúc hội nghị Genève [1]. Tuy nhiên, vì người Pháp vẫn muốn duy trì ảnh hưởng ở Việt Nam nên trước khi hoàn tất việc chuyển giao tất cả các cơ sở công quyền cho Việt Nam, Quốc gia Việt Nam và Pháp đã ký kết một bản thỏa hiệp có hiệu lực mười năm về hợp tác và trao đổi văn hóa [2].
Theo Hiệp định Genève 1954, chính quyền miền Nam được giao quản lý một vùng lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào; và vì trước đó chính quyền này đóng trụ sở tại Hà Nội, bấy giờ được trao cho chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản, họ đã phải di chuyển khá nhiều cơ sở hành chánh của họ vào Sài Gòn, nơi đã được họ chọn làm thủ đô. Trong số những cơ sở được di chuyển, có một bộ phận lớn của Viện Đại học Hà Nội; bộ phận này kết hợp với chi nhánh Sài Gòn của Viện Đại học Hà Nội đã có mặt từ trước để thành lập Viện Đại học Quốc gia Việt Nam dưới chính thể Quốc gia Việt Nam. Ngày 30/4/1955, viện đại học này mới được chính thức chuyển giao cho chính quyền miền Nam và lễ nhận bàn giao diễn ra vào ngày 11/5/1955. Sau đó, ngày 22/12/1955 một lễ khai giảng các trường đại học thuộc Viện Đại học Quốc gia Việt Nam được tổ chức, đánh dấu việc giành lại độc lập hoàn toàn cho nền giáo dục đại học của miền Nam Việt Nam. Mãi đến năm 1957, dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, cơ sở đại học này mới có tên là Viện Đại học Sài Gòn.
Mặc dù phải thừa hưởng một di sản không lấy gì làm tốt đẹp ấy, những nhà giáo dục ở miền Nam Việt Nam đã quyết tâm xây dựng một nền giáo dục cao cấp phù hợp với hoàn cảnh xã hội, đáp ứng mọi cố gắng của dân chúng muốn vươn lên để tồn tại và phát triển. Một điều may mắn là xã hội ấy đã có sẵn tinh thần phóng khoáng và giới trí thức trong xã hội ấy đã giành được những sự nể trọng nhất định của giới cầm quyền. Lưu ý rằng giới trí thức cao cấp của xã hội ấy không chỉ là những người được đào tạo trong nước tại các trường Cao đẳng Đông Dương thuộc Pháp mà có khá nhiều người đã du học tại chính quốc Pháp cũng như ở một số các quốc gia phương Tây khác hoặc tại Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả những vị được đào tạo tại chỗ từ thời Pháp cũng “đều là những trí thức ưu tú không thua kém gì những đồng nghiệp người Pháp hay ngoại quốc khác. Họ đã xây dựng vững chắc nền đại học miền Nam từ 1954 và hầu hết sinh viên của họ khi ra nước ngoài đi làm hay học lấy bằng cấp cao hơn cũng đều là những nhân tài xuất sắc”.
Về phương diện học thuật, ngay từ năm 1956, Bộ Giáo dục đã tổ chức một cuộc hội nghị nhằm thống nhất về ngôn ngữ trên các phương diện phát âm, chính tả, các từ đồng nghĩa, các từ đồng âm dị nghĩa, các phương ngữ, ấn định danh từ địa lý, danh từ khoa học kỹ thuật [3]. Ngoài ra, một kỳ Đại hội Giáo dục cũng đã được tổ chức vào năm 1958 tại Sài Gòn [3], qua đó, xác định triết lý giáo dục của miền Nam là Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng. Kết quả của những kỳ hội thảo và đại hội trên đều có tác động đến việc giáo dục ở bậc Đại học.
Quả thật, nền giáo dục đại học ở miền Nam trước 1975 đã bám sát triết lý giáo dục Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng. Nó luôn luôn lấy con người làm cứu cánh, thể hiện tư tưởng nhân bản, luôn luôn chú trọng vào việc xây dựng đạo làm người, phát triển mầm mống tốt ở con người, phục vụ nhân sinh để tiến đến một xã hội hoàn thiện.
Về vấn đề dân tộc, có thể dẫn nhận định của Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch:
“Nói đúng ra, trong một phần nào, người sinh viên Việt Nam phải đợi đến thời kỳ độc lập mới có dịp đi sâu vào quá khứ dân tộc, tìm hiểu những giá trị đích thực của nền quốc học, nhờ nhiều cải cách kịp thời trong địa hạt giáo dục. Do đó, đại học Việt Nam, trong một vài phương diện, đã được biến đổi thành một thành trì bảo vệ và khai thác di sản tinh thần của tiền nhân để lại, thành một cơ sở nghiên cứu một cách thực tiễn những thực thể Việt Nam” (“Tinh thần quốc gia và các đại học Á Châu. Trường hợp Việt Nam”, Xây dựng và phát triển văn hóa giáo dục, Lửa thiêng, Sài Gòn, 1970, tr. 24).
Cụ thể hơn, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch còn nêu rõ:
“Tại trường Đại học Luật khoa, thời bị trị, chương trình là chương trình Pháp rất nặng về Dân luật Pháp, về luật La Mã. Tuy không phủ nhận giá trị đào tạo trí thức của hệ thống pháp luật La Mã và Pháp, các giáo sư Việt Nam đã không quên ghi vào chương trình việc nghiên cứu các hệ thống pháp luật Trung Hoa và cổ Việt Nam để sinh viên có thể giữ được những mối liên lạc với quá khứ.
“Về kinh tế tài chính và hành chính học cũng vậy, ngoài những bài về lý thuyết, trường Luật, cũng như Học viện Quốc gia Hành chánh lo hướng dẫn sinh viên tìm hiểu những yếu tố căn bản của kinh tế và chính trị Việt Nam, nhìn vào thực thể Việt Nam, vào những ‘trường hợp điển hình Việt Nam’ có thể thấy, có thể khán nghiệm được ngay trong hoàn cảnh sinh sống hàng ngày của sinh viên.
“Tại các trường Khoa học và Y Dược, mặc dầu tính cách đại đồng và phổ quát của các khoa học, sinh viên cũng được hướng dẫn để có thể, ngoài căn bản lý thuyết, hiểu biết nhiều thêm về hoàn cảnh Việt Nam, và tự tạo một tinh thần quốc gia mạnh mẽ. Ví dụ những nghiên cứu về y học nhiệt đới của trường Y Dược, những nghiên cứu của các phòng thí nghiệm Đại học Khoa học về thảo mộc, động vật, địa chất học Việt Nam, về các chất hóa học có thể phân tích được ở Việt Nam. Ở đây, ta phải kể thêm những kết quả về hải dương lý hóa học, động vật và thực vật các miền biển Việt Nam đã thâu lượm được tại Viện Hải học Nha Trang Việt Nam, nơi có lần đã được dùng làm trung tâm huấn luyện cho các chuyên viên Hải học ở Đông Nam Á.
“Ngoài ra, các trung tâm kỹ thuật gồm một số các trường Cao đẳng Kỹ thuật liên lạc với trường Đại học Khoa học, có mục đích là đào tạo những chuyên viên trong khung cảnh Việt Nam, luyện cho họ một lối làm việc thực tiễn, một tinh thần quốc gia sáng suốt, ngõ hầu mai sau, lúc được gửi tới điều khiển các tổ chức kỹ nghệ và canh nông, họ có thể phục vụ quốc gia một cách hữu hiệu.
“Các trường Cao đẳng Mỹ thuật và Kiến trúc cũng không quên nhiệm vụ phát huy tinh thần mỹ thuật truyền thống Việt Nam, hòa hợp yếu tố đó với nhu cầu đời sống hiện đại. Sinh viên hội họa trong khi nghiên cứu về sơn dầu, một kỹ thuật ngoại lai, luôn luôn trở về nguồn, tìm hiểu bí quyết của sơn mài, tranh lụa và các tranh mộc bản bình dân, những kho tàng của mỹ thuật và mỹ nghệ truyền thống Việt Nam. Về phần các kiến trúc sư thì một số vẫn cố gắng dung hòa kiến trúc cổ điển và những nhu cầu, đòi hỏi của cuộc sinh hoạt mới. Tại trường Quốc gia Âm nhạc cũng đã thành lập một ban nghiên cứu về âm nhạc cổ Việt Nam, về kịch trường, ca vũ cổ truyền để cho sinh viên có dịp trở về với truyền thống văn nghệ dân tộc” (Tlđd, tr. 20-23).
Đặc biệt, là một vị Khoa trưởng Trường Đại học Văn khoa, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch cũng có phần chú trọng đến việc thành lập một trường Văn khoa, ông viết:
“… Một trong những cố gắng đáng ghi nhớ của Việt Nam độc lập là một trường Đại học Văn khoa, một phân khoa thường vẫn được coi như linh hồn của các trường Đại học Quốc gia, như một cơ quan trọng yếu trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc. Một phân khoa chuyên dạy về ngôn ngữ, văn chương, triết lý, lịch sử và địa lý… tất có liên hệ mật thiết với những yếu tố căn bản của văn nghệ và học thuật quốc gia, và có thể coi như một lò luyện tinh thần ái quốc cho thanh niên” (Tlđd, tr. 23).
Tuy vậy, đại học miền Nam trước 1975 không bao giờ cổ vũ một tinh thần dân tộc cực đoan; thay vào đó, nó chú trọng xiển dương tinh thần khai phóng. Cũng Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch đã nhận định:
“… Riêng về phần Việt Nam, trong chương trình cải tổ giáo dục, theo liền nguyên tắc dân tộc hóa nền giáo dục là nguyên tắc thành lập một nền giáo dục khai phóng, cởi mở, sẵn sàng đón nhận những giá trị văn hóa ngoại lai khi chúng là những giá trị đích thực, có tính cách phổ quát, có tính cách ‘người’, vì giá trị một nền văn hóa là ở những cá tính độc đáo, nhưng một nền văn hóa tự thu hẹp trong cái ‘vốn’ của nó là một nền văn hóa đóng kín (closed), mà văn hóa bế môn tỏa cảng là văn hóa chết (… ) chúng ta không thể quên được tính cách quốc tế, đại đồng của truyền thống đại học tự ngàn xưa. Tính cách đại đồng này đã giúp cho sự nghiên cứu khách quan và bất vụ lợi, một trong những sứ mệnh căn bản của bất cứ đại học nào trên thế giới. Cho nên, nếu nền giáo dục ở Việt Nam là một nền giáo dục dân tộc, nhằm phát triển văn hóa quốc gia, thì nó cũng là một nền giáo dục cởi mở, khai phóng.
“Nguyên tắc giáo dục rộng rãi, khai phóng đã được cụ thể hóa trong sự có mặt tại Việt Nam của một số học giả ngoại quốc cộng tác mật thiết với đại học Việt Nam và các giáo sư ngoại quốc trong đó có một số lớn phụ trách giảng dạy các môn sinh ngữ, tiếng mẹ đẻ của họ (…) Các sinh viên vẫn phải trau dồi ít nhất là một ngoại ngữ để có đủ phương tiện tham khảo tài liệu, sách báo ngoại quốc, nghe bài giảng của các giáo sư ngoại quốc và tìm hiểu các nền văn hóa ngoại quốc (…).
“… Các viện khảo cứu và đại học luôn luôn giao thiệp mật thiết, trao đổi với các cơ quan và phái đoàn văn hóa của các nước bạn, các thư viện đại học Việt Nam vẫn nhận đều đều sách báo và tài liệu nghiên cứu của những nước đó…” (Tlđd, tr. 25-27).
Một thể hiện sinh động về tinh thần khai phóng của nền đại học miền Nam thời bấy giờ là sự tham dự và đóng góp của các cơ quan đại học cũng như của cá nhân các vị giáo sư đại học vào những tổ chức nghiên cứu quốc tế, đặc biệt có quan tâm tới khu vực Đông Á và Đông Nam Á, cụ thể như Modern Languages Association, Association of American University Professors, Association for Asian Studies, American Oriental Society, Societé des Etudes Indochinoises, The Centre for East Asian Cultural Studies (thuộc Đông Dương văn khố, Toyo Bunko, Tokyo), The Institute of Eastern Culture, Japan Society for Southeast Asia History… Đặc biệt, thông qua tổ chức UNESCO, với sự đóng góp của hàng loạt những giáo sư đại học miền Nam Việt Nam như Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Quang Trình, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc, Trần Hữu Thế, Lý Chánh Trung…, nền giáo dục cao cấp Việt Nam đã tham dự vào nhiều hoạt động nghiên cứu và huấn luyện có liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng hạn, Việt Nam là thành viên tích cực trong việc xây dựng một mô hình toán học cho dự án nghiên cứu vùng hạ lưu sông Mekong; tổ chức một hội nghị địa phương các nhà nghiên cứu về Hải dương học trong vùng Đông Nam Á tại Sài Gòn vào năm 1958; tham gia nghiên cứu ban đầu liên quan đến việc thu thập dữ liệu về nhu cầu và sự cung ứng nhân sự khoa học và kỹ thuật của UNESCO, hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu về Phát triển Kinh tế và Xã hội của UNESCO có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ); tham gia các cuộc hội thảo về việc giảng dạy kỹ thuật căn bản tổ chức tại Manila (Phi Luật Tân), về khoa Di truyền học tổ chức tại Tokyo, về nghiên cứu khoa học tổ chức tại Hồng Kông…trong năm 1961; tổ chức một cuộc hội nghị chuyên đề địa phương với chủ đề “Những hệ quả gián tiếp về mặt xã hội của sự tiến bộ kỹ thuật trong các vùng nông thôn và thành thị ở Đông Nam Á” tại Sài Gòn vào đầu năm 1960…
Về việc giảng dạy ở đại học, ngay khi xây dựng lại nền giáo dục cao cấp ở miền Nam, các nhà giáo dục đã quan tâm đến việc sử dụng tiếng Việt để truyền bá kiến thức. Trước năm 1955, hầu như tất cả mọi giáo trình đại học đều được giảng bằng tiếng Pháp; không những thế, ngay cả các giáo sư cũng phần nhiều là người ngoại quốc. Từ khi tiếp nhận, các nhà sư phạm Việt Nam đã dần dần thay thế người ngoại quốc, những học giả lão thành và uyên thâm cũng được mời nhận lãnh trách nhiệm giáo huấn sinh viên. Các cố gắng điển chế danh từ chuyên môn, dịch tài liệu giáo khoa sang tiếng Việt… cũng sớm được chú trọng. Nhờ vậy, cho đến năm 1960, hầu hết các trường đại học đều lấy tiếng Việt làm chuyển ngữ; chỉ riêng lãnh vực y dược và khoa học thì buộc phải tiếp tục có một số bài giảng được giảng bằng tiếng Pháp; hoặc tại một số giờ dạy của các giáo sư ngoại quốc được biệt thỉnh để giảng dạy trong các lớp tiến sĩ Luật thì tất nhiên sinh viên phải cố gắng tiếp thu khi các vị ấy giảng bằng tiếng ngoại quốc.
Nền giáo dục miền Nam cũng có sự học hỏi, tiếp thu các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Vào khoảng cuối thập niên 1960 thì truyền thống giáo dục đại học chịu ảnh hưởng của Pháp đã bắt đầu có những thay đổi nhờ sự trở về của những vị giáo sư đã du học hoặc đi tu nghiệp tại các quốc gia có nền giáo dục phóng khoáng hơn giáo dục Pháp, như Anh, Đức, Úc, Tân Tây Lan, Nhật và Hoa Kỳ. Ngay cả một số giáo sư trước đây do Pháp đào tạo, sau khi đi tu nghiệp ở các quốc gia ngoài Pháp trở về, đã cập nhật kiến thức và các phương pháp mới vào việc giảng dạy. Do đó, những mâu thuẫn giữa các khuynh hướng giáo dục dần dần tan biến: nhiều ngành học mới trong hệ thống đại học Mỹ được du nhập; việc sinh viên chép bài giảng của thầy rồi học thuộc lòng được thay bằng việc tự tìm kiếm tài liệu nghiên cứu thông qua sự hướng dẫn của các giáo sư; sinh viên thích thú tìm hiểu về các trào lưu tư tưởng và học thuật trên thế giới rồi cùng trao đổi với nhau dưới sự điều hợp của các giáo sư; có những giáo sư không ngần ngại lập thuyết. Nói chung, hệ thống đại học miền Nam thời bấy giờ đã áp dụng phương châm giáo dục của Kant là “không chỉ giảng dạy cho sinh viên các tư tưởng mà dạy cho họ biết tư tưởng”.
Cũng có thể thấy đại học miền Nam thời bấy giờ đã có những tác động tích cực trong việc xác định tinh thần dân chủ cho xã hội miền Nam lúc đó. Trong bài “Đại học miền Nam trước 1975: hồi tưởng và nhận định” đăng trên kỷ yếu Humboldt, Giáo sư Lê Xuân Khoa có thuật lại việc một vị giáo sư thuộc Học viện Quốc gia Hành chánh đã được giao nhiệm vụ đọc bài khai giảng niên khóa 1965-1966 cho toàn trường; vị giáo sư này tóm tắt bản luận văn tiến sĩ của ông ở Hoa Kỳ bàn về vai trò quân đội ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó, ông nhấn mạnh đến những quyết định sáng suốt của một vài chính quyền quân đội đã mau mắn trao trả quyền lực cho nhân dân thông qua việc bầu cử phổ thông nên đã tránh được những cuộc đấu tranh chính trị gây đau thương chia rẽ trong cộng đồng dân tộc và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Cuộc nói chuyện của vị giáo sư này có sự tham dự của đại diện chính phủ quân nhân lúc ấy, bài giảng của vị giáo sư được vị đại diện chính phủ lấy về làm tờ trình và đã có những vị trong chính phủ chịu trách nhiệm nghiên cứu luận văn tiến sĩ của vị giáo sư đó. Giáo sư Lê Xuân Khoa cho biết, sau đó không thấy công bố kết quả nghiên cứu hay phản ứng của chính phủ quân nhân. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy vào ngày 11 tháng 9 năm 1966, chính phủ quân nhân thời ấy đã tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến để soạn thảo Hiến pháp mới được ban hành vào ngày 18/3/1967, và sau đó, căn cứ trên bản Hiến pháp ấy để xây dựng chính thể Đệ nhị Cộng hòa, thì cũng có thể nghĩ rằng bài giảng hôm khai giảng niên khóa 1965-1966 ở Học viện Quốc gia Hành chánh cũng có phần có tác dụng.
Về phương diện quản trị chung, trong quá trình phát triển, các cơ sở giáo dục đại học công lập đã từng bước được sắp xếp lại, có sự tách ra hoặc sáp nhập để hợp lý hóa về phương diện đào tạo theo một chính sách tổng thể. Vì thế, trong số những cơ sở đại học và cao đẳng công lập nêu trên, cho đến thời gian trước khi chính quyền miền Nam tan rã, đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi không thể trình bày hết ở đây.
Về phương diện tổ chức, càng về sau, nền đại học ở miền Nam trước 1975 càng thiên trọng về tinh thần thực dụng của nền đại học Hoa Kỳ. Chế độ tự trị đại học ngày càng được nhấn mạnh. Một thành công của các nhà giáo dục miền Nam lúc ấy là việc tranh thủ để Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967 đã ghi rõ trong Điều 10, “Nền giáo dục Đại học được tự trị”.
Về vấn đề tự trị đại học, nhận định của Giáo sư Lê Xuân Khoa trong bài viết đã dẫn là xác đáng:
“Chịu ảnh hưởng truyền thống cổ điển của Pháp, giáo dục đại học ở miền Nam không được tự trị về cả ba phương diện ngân sách, nhân viên và học vụ. Quả thật các Viện Đại học Sài-gòn, Huế, Cần Thơ, Đại học Bách khoa Thủ Đức, các trường Cao đẳng và Đại học Cộng đồng của chính phủ đều được đặt dưới quyền điều hành của Bộ Giáo dục. Các quyết định quan trọng như tuyển dụng hay thăng ngạch trật của giáo sư, mua sắm vật liệu hay chi phí xây dựng đều phải trình cho Bộ trưởng duyệt ký. Riêng chức vụ Viện trưởng là do Tổng thống bổ nhiệm, nhưng dưới thời Đệ nhị Cộng hòa thì việc bổ nhiệm Viện trưởng phải được Quốc hội thông qua sau một buổi điều trần về đường lối và tổ chức đại học. Tiếp theo đó, Thủ tướng bổ nhiệm các Phó Viện trưởng theo đề nghị của Viện trưởng nhưng không cần phải thông qua Quốc hội. Chữ ký của Viện trưởng trên các văn bằng đại học luôn luôn theo sau dòng chữ ‘Thừa ủy nhiệm Bộ trưởng Giáo dục’. Các khoản viện trợ từ bên ngoài cho phát triển đại học cũng phải qua ngân sách của Bộ Giáo dục ngoại trừ dưới hình thức hiện vật như sách vở, dụng cụ, máy móc, hay giáo sư thỉnh giảng (visiting professors) không do chính phủ Việt Nam trả lương. Nguồn viện trợ thường là các chương trình ngoại viện của các chính phủ Pháp, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan... Về học vụ, mặc dù nội dung chương trình giảng dạy thuộc thẩm quyền của đại học, việc tổ chức các phân khoa, thi cử và văn bằng cùng với mọi sáng kiến thay đổi hay dự án mới đều phải được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục. Tóm lại, Bộ Giáo dục giữ vai trò điều hợp tổng quát các đại học để thống nhất về mặt triết lý giáo dục, quản trị nhân viên và tài chánh (trừ Học Viện Quốc gia Hành chánh huấn luyện công chức là trực thuộc Phủ Tổng thống)”.
Giáo sư Lê Xuân Khoa cũng nêu lý do khiến nền tự trị đại học ở miền Nam lúc bấy giờ chưa thể có được những thành tựu đúng mức. Trong bài viết dẫn trên, ông nhận định:
“Ở miền Nam, khi ghi trong Hiến pháp năm 1967 là ‘Nền giáo dục Đại học được tự trị’, các nhà làm chính sách giáo dục đã xác nhận sự cần thiết phải hội nhập với thế giới dân chủ, nhất là theo mô hình của Mỹ. Nhưng việc trao cho đại học quyền tự trị, nhất là về quản trị nhân viên và sử dụng ngân sách, từ những định chế lâu đời như Bộ Giáo dục, Tổng nha Công vụ và Tổng nha Ngân sách đòi hỏi những sự thay đổi hay điều chỉnh thích hợp về luật lệ và thủ tục, do đó cần phải có thời gian thực hiện theo một tiến trình chuyển tiếp”.
Nhưng ông cũng nhìn nhận về những ưu đãi mà chính quyền miền Nam đã dành cho giới đại học thời ấy:
“Dù sao trong tiến trình tự trị hóa, đại học miền Nam đã được hưởng nhiều ưu đãi. Các đề nghị của Hội đồng đại học về nhân viên hay ngân sách thường được chính phủ chấp thuận mau chóng ngoại trừ những quyết định thật quan trọng. Do sự tín nhiệm sẵn có đối với lãnh đạo đại học, sự chấp thuận của chính phủ được căn cứ vào sự hợp lệ về hành chánh và khả năng ngân sách hơn là xét về nhu cầu và giá trị của đề nghị. Về mặt học vụ, sự chấp thuận của Bộ Giáo dục lại càng có tính hình thức hơn nữa vì không khi nào bộ ra chỉ thị hay can thiệp vào việc ấn định nội dung các môn học, thể lệ thi cử và chấm thi, các công tác nghiên cứu và giảng dạy, miễn là không trái ngược với ba nguyên tắc căn bản là nhân bản, dân tộc và khai phóng. Chính sách uyển chuyển này đối với lãnh đạo đại học đưa đến thái độ mặc nhiên chấp thuận cho đại học thử nghiệm sáng kiến mới để rốt cuộc chính thức công nhận kết quả của thử nghiệm”.
Cũng về vấn đề tự trị đại học, Giáo sư Lê Xuân Khoa thuật lại một trường hợp cho thấy ý kiến xác đáng của các chuyên viên luôn được giới cầm quyền tôn trọng:
“…Khoảng giữa năm 1965, tôi được biệt phái từ Đại học Văn khoa Sài Gòn sang Viện Đại học Vạn Hạnh trong một năm để giúp tổ chức và soạn thảo chương trình cử nhân cho Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn. Sau khi hội ý với Thượng tọa Viện trưởng Thích Minh Châu và được sự đồng ý của Thượng tọa, tôi bắt đầu soạn thảo các môn học theo hệ thống tín chỉ (credits) thay thế cho các chứng chỉ cử nhân nhưng vẫn duy trì chế độ niên khóa. Tôi trở về Đại học Sài Gòn khi xong công việc và được biết dự án cải cách dung hòa cũ-mới này sau đó được Hội đồng Viện hoàn chỉnh và lần lượt áp dụng vào các phân khoa khác. Điều đáng chú ý là khi Viện Đại học Vạn Hạnh trình dự án này lên Bộ Giáo dục xin ý kiến, bộ không chính thức chấp thuận hay bác bỏ, nhưng các văn bằng cử nhân của Đại học Vạn Hạnh đều được bộ công nhận”.
Những nhận định về tính chất của sự tự trị đại học trong nền đại học miền Nam Việt Nam trước 1975 của Giáo sư Lê Xuân Khoa nói trên phù hợp với một nhận xét được nêu trong bài viết “Giáo dục Việt Nam Cộng hòa” đăng trên trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia như sau:
“Riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học, Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) nêu rõ: Nền giáo dục đại học được tự trị. Ở miền Nam trước 1975 không có ‘Bộ Đại học’ cũng không có cơ quan chủ quản kiểu như Bộ Y tế quản lý các trường đại học y-dược. Trong ban lãnh đạo của Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa có một thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học. Công việc của vị này chủ yếu là lo về chính sách chung vì các viện đại học là cơ quan ngoại vi đối với bộ ở trung ương. Về học vụ và điều hành, các cơ sở giáo dục đại học được tự trị. Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa đại học) có quyền thảo luận và quyết định mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ bất cứ ai. Các hiệu trưởng hay khoa trưởng của các trường đại học hay phân khoa đại học không do Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng Khoa bầu lên.
Về mặt tài chính, tuy các viện đại học công lập có ngân sách riêng nhưng đây là một phần của ngân sách chung thuộc ngân sách quốc gia và phải được Quốc hội chấp thuận. Tất cả các chi tiêu phải qua thủ tục ‘chiếu hội ngân sách’ do Bộ Tài chính kiểm soát và thực hiện. Ngoài ra, giảng viên và nhân viên là công chức quốc gia. Việc tuyển mới, chuyển ngạch, bổ nhiệm, thăng chức, v.v... phải qua thủ tục ‘chiếu hội công vụ’ do Phủ Tổng ủy Công vụ thực hiện để kiểm soát. Trong thực tế, thủ tục này được thực hiện một cách khá dễ dàng và nhanh chóng. Như vậy, về mặt tài chính các viện đại học công lập ở miền Nam không được nhiều quyền tự trị như các viện đại học ở Hoa Kỳ. Lý do của việc này là do các viện đại học này không thu học phí của sinh viên, không có nguồn thu riêng”.
Một đặc điểm nổi bật của hệ thống đại học miền Nam Việt Nam trước 1975 là hầu như đại học không chịu tác động của môi trường chính trị về phương diện học thuật; hay nói khác đi, đại học miền Nam trước 1975 thực sự được hưởng tinh thần tự do học thuật. Bài viết “Giáo dục Việt Nam Cộng hòa” trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia vừa nêu còn đưa ra nhận định:
“Ở Việt Nam, ngay từ thời xa xưa, giáo dục là của những người làm giáo dục. Các vương triều của Việt Nam thường chỉ vạch ra những đường nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo đó là tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào hoạt động giảng dạy của các cơ sở giáo dục. Sang thời Pháp thuộc, người Pháp lập ra một nền giáo dục mới, nhưng việc điều hành và soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo được huấn luyện chuyên môn, dù là người Pháp hay người Việt.
Đặc điểm trên được tôn trọng trong suốt thời Quốc gia Việt Nam của Cựu hoàng Bảo Đại và đặc biệt là thời Việt Nam Cộng hòa. Các chức vụ bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng các chức vụ khác trong Bộ Giáo dục đều là những nhà giáo chuyên nghiệp đảm trách (ngoại trừ một số chức vụ có tính chất chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư, v.v...). Họ là những người am hiểu công việc, có kinh nghiệm, giàu tâm huyết, và xem chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới quan trọng. Trong các cơ quan lập pháp, những người đứng đầu các ủy ban hay tiểu ban giáo dục của Thượng viện và Hạ viện (của Quốc hội Việt Nam Cộng hòa) đều là những nghị sĩ quốc hội xuất thân từ nhà giáo. Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường”.
Cũng về lãnh vực này, người ta có thể nhắc lại một lần nữa tinh thần khai phóng của đại học miền Nam. Mọi người đều biết, trong giai đoạn từ 1955 đến 1975, giữa hai miền Nam Bắc có sự khác biệt về ý thức hệ chính trị của hai xã hội: miền Bắc quyết tâm xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa trên tinh thần chủ nghĩa cộng sản do Karl Marx tập đại thành, trong khi miền Nam xiển dương một xã hội theo tinh thần dân chủ tư bản chủ nghĩa. Tuy vậy, người sinh viên đại học miền Nam vẫn được tự do nghiên cứu chủ nghĩa Marx, tác phẩm Tìm hiểu triết học Karl Marx của Giáo sư Trần Văn Toàn xuất bản năm 1965 là một trong những đầu sách được nhiều sinh viên đại học miền Nam thời bấy giờ quan tâm. Có thể thấy các trào lưu tư tưởng thế giới đều được các giáo sư đại học giới thiệu cho sinh viên miền Nam thời bấy giờ.
Nói đến đại học là phải nghĩ đến việc nghiên cứu, các hoạt động thực hành, thực tập, và tài liệu tham khảo. Đây là những nhu cầu không thể đáp ứng được bằng tinh thần mà phải có ngân khoản. Trong hoàn cảnh mới xây dựng, đang có những vấn đề về nội trị và phải đối phó với chiến tranh, ngân khoản dành cho trang bị đại học không đáng kể, nền đại học miền Nam trước 1975 đã giải quyết các nhu cầu này bằng sự chắt chiu và sự vận dụng rất đáng trân trọng. Nói chung, các phòng thí nghiệm và máy móc trang bị thường thiếu thốn và nếu có thì cũng quá cũ kỹ. Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch ghi nhận:
“Cảnh tượng hàng ba, bốn chục sinh viên chen chúc nhau quanh một máy thí nghiệm cũ (đáng lẽ mỗi máy chỉ dùng cho từ một đến năm sinh viên và phải là máy mới!) là cảnh thông thường tại Đại học Khoa học, Dược khoa…
“…Vài loại máy rất thông dụng ở Âu Mỹ như máy chiếu qua đầu (overhead-projector), máy thu và phát thanh để học ngoại ngữ, máy chiếu hình, máy tính và máy chụp bản sao (photocopy) thường dùng tại các văn phòng, vẫn còn là một giấc mơ xa đối với một vài phân khoa” (Tlđd, tr. 153).
Về thư viện, tình hình cũng không có gì sáng sủa. Theo tài liệu Phát triển thư viện tại miền Nam trước 1975 của Giáo sư Lâm Vĩnh Thế, thì trước năm 1967, hệ thống thư viện của Việt Nam Cộng hòa yếu kém về mọi mặt. Đối với thư viện của các đại học, ông cho biết:
“… mỗi trường đại học đều có thư viện. Riêng tại Sài Gòn, trong khối đại học công, tức là các phân khoa trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn, phần lớn các thư viện của các phân khoa Luật, Khoa học, Văn khoa và Sư phạm đều bé nhỏ, cơ sở vật chất chật hẹp, và sưu tập không đáng kể. Chỉ riêng có Học viện Quốc gia Hành chánh là có thư viện tương đối có tầm vóc với cơ sở vật chất khang trang và sưu tập đáng kể vì trường này có được hỗ trợ trực tiếp từ trường đại học Michigan State University… Trong khối đại học tư thì thư viện của Viện Đại học Vạn Hạnh là lớn nhứt với cơ sở vật chất đồ sộ và sưu tập rất phong phú do tài trợ của cơ quan Văn hóa Á Châu (Asia Foundation)…”. Sau đó, cũng tài liệu trên ghi nhận “sự phát triển vượt bực của riêng Thư viện Đại học Y khoa Sài Gòn, với sự tài trợ của Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association)… đầu năm 1974, Thư viện Y khoa đã có một sưu tập gồm 16.355 nhan đề sách và trên 300 nhan đề tạp chí”.
Tài liệu này cũng ghi nhận sự xuất hiện của các thư viện quân sự, nổi bật nhất là thư viện của Trường Võ bị Quốc gia ở Đà Lạt và thư viện Trường Cao đẳng Quốc phòng.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn đó, các sinh hoạt đại học cũng vẫn có không ít thành tựu. Một hiện tượng thể hiện sự năng động của nền đại học Việt Nam tại miền Nam trước năm 1975 là sự nở rộ của các ấn phẩm chuyên khoa, có thể là các tạp chí thuộc các phân khoa đại học, các viện đại học hoặc những tạp chí có sự tham gia tích cực của các vị giáo sư đại học và các nhà trí thức độc lập. Từ rất sớm, giới trí thức đại học đã quy tụ chung quanh những tập san độc lập như các tạp chí Quê hương, Văn hóa Á Châu,… để đóng góp ý kiến với các nhà làm chính sách bằng những bài luận thuyết về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Lần lượt, trong quá trình phát triển, các phân khoa hay các viện đại học có điều kiện đều phát hành các ấn phẩm định kỳ trình bày những kết quả nghiên cứu học thuật của khoa hay viện mình; được ghi nhớ nhiều có thể kể đến tờ Đại học của Viện Đại học Huế, các tập san Tri thức và Thụ nhân của Viện Đại học Đà Lạt, tạp chí Acta Medica Vietnamica của trường Y Dược, Luật học Kinh tế tạp chí của trường Luật, tập san Nghiên cứu Hành chánh của Học viện Quốc gia Hành chánh, tập san Sử địa của trường Sư phạm Sài Gòn, Tư tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh. Nội dung của các ấn phẩm nói trên thể hiện rõ quan điểm lấy con người làm cứu cánh của mọi hoạt động học thuật tư tưởng, trình bày những kiến thức mới nhất trong lãnh vực học thuật có liên quan và tập trung giải quyết những vấn đề của đất nước trong hiện tình chiến tranh thời bấy giờ.
Bên cạnh việc phát hành các ấn phẩm định kỳ của các viện hay các trường đại học, công tác du nhập trí tuệ cũng được các nhà giáo dục miền Nam rất quan tâm. Giáo sư Lê Xuân Khoa hồi tưởng:
“Nhà xuất bản Hiện đại là một dự án văn hóa có những đóng góp không nhỏ cho những hoạt động tự do, khai phóng của đại học. Vì sự gia tăng cường độ của chiến tranh, công cuộc phát triển đại học gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc gửi sinh viên đi du học nước ngoài. Bộ Giáo dục và Viện Đại học đã phải mời một số giáo sư ngoại quốc tới giảng dạy nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Khi làm Đổng lý Văn phòng tại Bộ Văn hóa Giáo dục năm 1965, tôi đã có dự án du nhập trí tuệ bằng việc mời giáo sư nước ngoài và dịch sách nghiên cứu để giải quyết nạn thiếu giáo sư và mở rộng kiến thức của sinh viên. Khi nói chuyện với các cơ quan viện trợ văn hóa nước ngoài, khẩu hiệu ‘We want to bring the brain in’ của tôi có sức thuyết phục nhưng chưa kịp làm được gì thì chính quyền dân sự Phan Huy Quát đã phải ra đi. Năm 1971, cùng với sự nở rộ của các đại học tư và đại học cộng đồng kiểu Mỹ, tôi có cơ hội quan hệ với Hội đồng Quản trị Hội Việt-Mỹ và đề nghị chương trình dịch tài liệu giáo khoa của Mỹ cho giáo sư và sinh viên đại học Việt Nam bên cạnh chương trình phổ biến kiến thức phổ thông về văn học, khoa học và nghệ thuật mà Hội Việt-Mỹ đang thực hiện. Dự án được chấp thuận, Hội Việt-Mỹ phụ trách điều đình với các nhà xuất bản ở Mỹ về quyền được dịch sách và Nxb Hiện đại ra đời với sự hợp tác của nhiều giáo sư và học giả có uy tín cho đến những ngày cuối tháng Tư 1975.
“Trong bốn năm hoạt động, Nxb Hiện đại đã hoàn thành được 45 tác phẩm trong đó 30 cuốn là sách nghiên cứu về kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật. Điển hình là: Căn bản chính trị của phát triển kinh tế của Robert T. Holt và John E. Turner, Vũ Quốc Thúc dịch; Sự biến đổi của quốc tế công pháp của W. Friedman, Tạ Văn Tài dịch; Chính trị và bang giao quốc tế của Hans J. Morgenthau, một nhóm chuyên viên dịch, Nguyễn Mạnh Hùng chủ biên; Thế quân bình thế giới và tương lai của Á Châu của Robert Scalapino và William Griffith, Phạm Thiên Hùng dịch; Á Châu và các đại cường của Robert A. Scalapino, Nhóm Toàn Hưng dịch; Văn minh dân chủ của Leslie Lipson, Vũ Trọng Cảnh dịch; Nguyên tắc quản trị: Phân tích các chức vụ quản trị của Harold Koontz và Cyril O’Donnell, Trần Lương Ngọc và Cung Thúc Tiến dịch; Xã hội học của Joseph Fichter, Trần Văn Đĩnh dịch; Khía cạnh kinh tế của phát triển nông nghiệp của John W. Mellor, Nguyễn Đăng Hải dịch; Năng lượng và thế giới ngày mai của Hal Hellman, Ngô Đình Long dịch; Ký giả chuyên nghiệp của John Hohenberg, Lê Thái Bằng và Lê Đình Điểu dịch. Đáng chú ý là bộ Kinh tế học của Paul Samuelson, người được giải Nobel Kinh tế năm 1970, Cung Thúc Tiến, Nguyễn Minh Hải và Trần Lương Ngọc dịch, Nguyễn Cao Hách hiệu đính, mới in xong tập I (700 trang) khoảng giữa tháng Tư 1975, chưa kịp bán. Năm 1990, khi tôi và phái đoàn SEARAC gặp cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch ở New York để vận động việc định cư cựu tù nhân cải tạo ở Mỹ, nhân dịp đề cập đến kế hoạch đổi mới của Nhà nước, ông Thạch báo tin vui là bộ sách của Samuelson đang được dịch sang tiếng Việt. Tôi kể lại chuyện năm 1975 Nxb Hiện đại để lại hai nghìn bản dịch cuốn sách này còn thơm mùi giấy mới và nói thêm: ‘Chắc lúc đó các anh đã cho đốt hết rồi’. Ông Thạch trả lời bằng một nụ cuời xòa.
“Ngoài chương trình dịch sách của các tác giả người Mỹ, Nxb Hiện đại cũng xuất bản sách dịch từ Pháp văn và sách viết bằng tiếng Việt của tác giả người Việt. Cuốn sách tiếng Pháp làm sôi nổi dư luận thế giới hồi đó là cuốn Ni Marx, Ni Jesus của triết gia Pháp nổi tiếng Jean-François Revel được Nguyễn Khắc Nhân dịch sang tiếng Việt là Không theo Marx, không theo Jesus. Ba cuốn sách viết bằng tiếng Việt do Hiện đại xuất bản là Từ điển quản trị và hành chánh của Bùi Quang Khánh và Vũ Quốc Thông, William Faulkner: Cuộc đời và tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ và Nguyễn Văn Nha, và Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy”.
Một trong những khó khăn lớn của đại học miền Nam là thiếu trầm trọng đội ngũ giảng huấn. Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch dẫn tài liệu của Viện Đại học Sài Gòn trong năm 1968-1969 cho thấy số sinh viên ghi danh trong niên khóa này là 26.559 người, trong khi số giáo chức chỉ có 347 vị, nghĩa là một giáo sư phải phụ trách tới 77 sinh viên.
Đối tượng chính của đại học là những người đi học, các sinh viên. Về mặt này, có thể thấy là khu vực công lập của nền đại học miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đã thực sự thể hiện tinh thần dân chủ và nhân bản, lấy con người làm cứu cánh. Trước năm 1975, tất cả mọi thanh niên không phân biệt nam nữ, tôn giáo, chủng tộc, thành phần xuất thân… đều có thể được theo học đại học dựa trên những tiêu chuẩn đồng nhất là đã có bằng Tú tài II và trải qua một kỳ thi tuyển nếu cơ sở đại học đó có tổ chức thi tuyển. Những trường có tổ chức thi tuyển hầu hết là những trường bảo đảm công ăn việc làm cho người tốt nghiệp, như Sư phạm, Quốc gia Hành chánh, Y, Dược, các học viện kỹ thuật và nông nghiệp… Ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Lạt dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xác nhận,
“Tôi là con của một cán bộ Việt Minh, tham gia Cách mạng tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc [...] Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn” (xem “Giáo dục Việt nam Cộng hòa” trên trang Bách khoa toàn thư điện tử Wikipedia).
Việc tổ chức thi tuyển vào đại học lúc bấy giờ được thực hiện rất nghiêm túc; và vì thế, có thể khẳng định được rằng những người đã bước chân vào các trường đại học có thi tuyển thực sự là những sinh viên có năng lực.
Tuy nhiên, tình trạng của giới sinh viên đương thời thực sự không có gì lấy làm sáng sủa, và đó là một trong những lý do khiến đã xảy ra những hiện tượng được gọi là “nổi loạn” của sinh viên trong những năm giữa thập niên 1960 cho đến lúc chính thể Việt Nam Cộng hòa tan rã. Nhận định về tình trạng này, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch viết:
“Hiện thời, sinh viên Việt Nam phải học tập trong nhiều điều kiện hoàn toàn thiếu thốn như chúng ta đã thấy (phòng ốc, giáo sư, dụng cụ, thư viện, phòng thí nghiệm…), ngoài ra, cuộc sống vật chất của họ không có gì sáng sủa (tình trạng chiến tranh, đời sống đắt đỏ…), một số lớn phải vừa đi học, vừa đi làm; trợ cấp của nhà nước dưới hình thức học bổng lại quá ít ỏi…
“Một vài ví dụ điển hình không lấy gì làm khả quan: Với khoảng 30.000 sinh viên, Đại học Sài Gòn chỉ có thể thâu nhận được lối 500 sinh viên vào học xá (tình trạng học xá cũng không hơn những khu tạm cư của dân tỵ nạn là bao nhiêu!) và cũng chỉ có hai quán cơm nhỏ bé tại Học xá Minh Mạng và Trung tâm Y khoa. Sinh viên lại hầu như không có nơi gặp gỡ, giải trí. Khắp Sài Gòn, với số sinh viên khổng lồ kể trên, ta không có được một sân vận động hoặc một hồ tắm dành riêng cho thanh niên đại học (sự yếu kém về thể dục học đường là một sở đoản trầm trọng của nền giáo dục Việt Nam, quá thiên về trí dục hơn là đức dục và thể dục).
“Về phương diện tinh thần thì sự khủng hoảng trầm trọng trong nội tâm người sinh viên Việt Nam là một sự thực bi đát. Tuổi trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh khói lửa kéo dài liên miên từ một phần tư thế kỷ nay, mắt đã thấy rất nhiều đổ vỡ đau thương…
“Tâm hồn trong trắng, lý tưởng, của người thanh niên hai mươi tuổi luôn luôn va chạm với thực tế của một xã hội đảo điên, sa đọa và đầy dẫy bất công, hoàn toàn khác thế giới sách vở… Chung quanh họ tất cả chỉ là một tấn tuồng giả dối, bẩn thỉu. Mọi giá trị xã hội đều đảo lộn, chỉ có kim tiền và ưu thế vật chất là đáng kể, các giá trị đạo đức và tinh thần hầu như không còn ai nhắc nhở tới nữa! Đâu đâu cũng chỉ là tham nhũng, lừa đảo trên trường kinh tế cũng như chính trị chỉ có những thủ đoạn, tiểu xảo, nịnh bợ, dối trá…, cảnh tượng một nhân loại xấu xa, hỗn loạn, múa may quay cuồng đã in sâu trong trí não người trẻ tuổi, đem tới cho họ một phẫn nộ và chán chường thường xuyên.
“Họ thất vọng vì các thế hệ đàn anh đã không tỏ ra xứng đáng, không nêu lên một tấm gương đẹp đẽ nào, ngược lại, đã chèn ép hoặc không nâng đỡ để cuộc sống của họ, cả vật chất lẫn tinh thần, trở nên nghèo nàn, chua xót… Họ chờ mong, cầu cứu những người đàn anh xứng đáng, đưa đường chỉ lối, đem đến cho họ những thực phẩm tinh thần và một niềm tin khả dĩ lôi họ ra khỏi tình trạng bế tắc hiện thời. Nhưng thần tượng không có, và niềm tin trống rỗng lớn lao trong tâm trí họ vẫn chưa được lấp kín. Lúc đó là lúc họ rất dễ trở thành mồi ngon của những tên “lái buôn tuổi trẻ”, của bọn phù thủy chính trị…” (Tlđd, tr. 191-193).
* * *
Qua những trình bày trên, có thể thấy nền giáo dục đại học miền Nam Việt Nam trước 1975 vẫn chỉ là một nền đại học sơ khai, đang hết sức cố gắng vươn lên đến mức có thể đáp ứng được khát vọng học tập của dân chúng đang lặn hụp trong một xã hội đã đổ nát và các giá trị bị đảo lộn vì chiến tranh, hướng đến những sứ mạng trọng yếu và đa diện của một nền giáo dục đại học đúng nghĩa, bao gồm việc giảng dạy kết hợp với nghiên cứu, cung cấp đủ nhân sự cần thiết cho việc xây dựng một đất nước ổn định và phát triển. Những cố gắng đó đã bị hoàn cảnh khắc nghiệt chận đứng. Tuy vậy, nền đại học thiếu chăm sóc và chết non đó đã nhận được những đánh giá trân trọng. Bài viết “Giáo dục Việt Nam Cộng hòa” trên trang Bách khoa toàn thư điện tử Wikipedia đã dẫn bài viết của Deborah Shapley trên tạp chí Science số 189 phát hành hồi tháng 8 năm 1975 như sau:
“Từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 6 năm 1975 (tức là sáu tuần sau sự kiện ngày 30 tháng 4), Arthur W. Galston, giáo sư sinh học ở Viện Đại học Yale, viếng thăm miền Bắc Việt Nam (lúc đó vẫn là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Theo tường trình của Galston cho tạp chí Science số ra ngày 29 tháng 8 năm 1975 thì một trong những chủ đề khiến các nhà lãnh đạo miền Bắc bận tâm vào lúc đó là vấn đề thống nhất với miền Nam.
Theo tạp chí Science thì ‘Việc thống nhất trong lĩnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó khăn vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng khác nhau trong nhiều thập niên. Nhưng dù cho có nhiều khó khăn, Galston nhận thấy các nhà lãnh đạo miền Bắc công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc điểm của nền khoa học và giáo dục ở miền Nam; họ dự định kết hợp những đặc điểm này vào miền Bắc khi quá trình thống nhất đang được thảo luận sôi nổi vào lúc đó thực sự diễn ra’. Theo Galston, các nhà lãnh đạo miền Bắc, cụ thể được nhắc đến trong bài là Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) và Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đặc biệt quan tâm đến hệ thống giáo dục nhấn mạnh đến các ngành kỹ thuật và điện tử cùng hệ thống các trường đại học cộng đồng hệ hai năm đã được thiết lập ở miền Nam”.
Một người khác trong cuộc là Giáo sư Lê Xuân Khoa cũng đã nhận định:
“Sự gia tăng cường độ của chiến tranh kéo theo tình trạng bất ổn về xã hội và khó khăn về kinh tế đã hạn chế rất nhiều khả năng nghiên cứu, cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy của các giáo sư. Nhiều người đậu tiến sĩ ở ngoại quốc chưa muốn trở về nước giảng dạy vì bất mãn với chính quyền miền Nam. Nạn thiếu giáo sư càng trầm trọng trước sự gia tăng số sinh viên và số trường đại học mới mở khiến cho những giáo sư giỏi phải đi dạy ở nhiều trường hoặc đảm nhận thêm công việc khác. Trong những điều kiện hạn chế và khó khăn như thế, đại học Việt Nam vẫn cố gắng phát triển, nâng cấp những trường cao đẳng chuyên nghiệp, mở thêm các đại học cộng đồng và đại học bách khoa, áp dụng hệ thống tín chỉ... Môi trường đại học đích thực là một môi trường tự do của hoạt động trí thức. Nhiều giáo sư, dù bận dạy nhiều trường hay có việc làm thêm, vẫn cố gắng đóng góp ý kiến qua những diễn đàn trí thức về những vấn đề quan tâm chung. Tiếc rằng vào thời điểm những năm đầu thập kỷ 1970, chưa có ai nghĩ đến việc thành lập “think tank” để tư vấn cho những nhà làm chính sách, có lẽ khái niệm về những cơ quan nghiên cứu tư vấn kiểu Mỹ này còn khá xa lạ đối với Việt Nam.
“Tôi không muốn so sánh đại học miền Nam trong 20 năm chiến tranh trước 1975 với nền đại học Việt Nam hiện nay, sau 35 năm đất nước hòa bình và thống nhất. Nhưng tôi thành thật nghĩ rằng nếu hiệp định Paris 1973 giữa bốn phe tham chiến được thi hành nghiêm chỉnh, thực hiện những điều khoản đã thỏa thuận về “hòa giải và hòa hợp dân tộc” (Chương IV, Điều 10, 11 và 12) thì miền Nam Việt Nam dưới một chính quyền mới sau cuộc tổng tuyển cử đã có triển vọng giàu mạnh không thua kém Nam Hàn, và đại học miền Nam cũng đã đạt được “đẳng cấp quốc tế”. Kết quả này cũng chắc chắn đã diễn ra, dù chậm trễ hơn nhiều năm sau khi đất nước thống nhất, nếu đường lối đổi mới thật sự của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn như Nguyễn Cơ Thạch hay Võ Văn Kiệt không bị trở ngại trên bước đường thực hiện.
“Cũng may là ở Việt Nam ngày nay vẫn còn có những trí thức không quên theo đuổi lý tưởng của người làm thầy cao hơn người làm quan (tiến vi quan, đạt vi sư), nhất là không quên sứ mạng “lương sư hưng quốc”. Họ đã không ngừng tuyên dương và cố gắng phát huy truyền thống đại học Humboldt, trong đó tự do nghiên cứu và giảng dạy là điều kiện thiết yếu để đào tạo con người và phát triển xã hội. Các nhà lãnh đạo Nhà nước cũng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng đại học “đẳng cấp quốc tế”, đang tiếp cận với các nền giáo dục phát triển phương Tây, đặc biệt nền giáo dục đại học Hoa Kỳ, nhưng đến bao giờ thì mới thật sự tạo điều kiện cho việc thực hiện mục tiêu này? Thời gian không chờ đợi trên vũ đài thế giới” (Tlđd).
Nguyễn Văn Nhật (*)
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. The Pentagon Papers, Gravel Edition, Volume 1, Chapter 5, “Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960”, Boston: Beacon Press, 1971.
2. Lê Xuân Khoa, “Đại học miền Nam trước 1975: Hồi tưởng và nhân định”, Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010). Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, Nxb Tri thức, 2011.
3. Theo Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua: Việc từng ngày (1945-1965), Nam Chi tùng thư, Sài Gòn, 1966.
4. Chủ biên: Ngô Bảo Châu - Pierrre Darriulat - Cao Huy Thuần - Hoàng Tụy - Nguyễn Xuân Xanh - Phạm Xuân Yêm, Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010). Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, Nxb Tri thức, 2011.
5. Việt Nam Cộng hòa, Chính sách Văn hóa Giáo dục, 1972, Digitized by namkyluctinh.org.
6. Nguyễn Khắc Hoạch, Xây dựng & phát triển văn hóa giáo dục, Lửa thiêng, Sài Gòn, 1970.
7. Phòng Tâm lý và Hướng nghiệp Đắc Lộ, Chỉ nam giáo dục cao đẳng Việt Nam, Sài Gòn, 1974.
8. Văn hóa nguyệt san, tập XIV, quyển 3 & 4, tháng 3-4/1965 (Số đặc biệt về Đại hội Giáo dục Toàn quốc, 1964), Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn.
9. “Giáo dục Việt Nam Cộng hòa”, Bách khoa toàn thư điện tử Wikipedia.
10. Nguyễn Khắc Hoạch, “Tinh thần quốc gia và các đại học Á Châu. Trường hợp Việt Nam”, Xây dựng và phát triển văn hóa giáo dục, Nxb Lửa thiêng, Sài Gòn, 1970.
(*) Thành phố HCM.
* * *
Xem bài liên hệ cùng chủ đề: click vào đây
Xem trang Kiến thức, Tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net