* * *
Tóm tắt
Bài viết giới thiệu tóm tắt quá trình thành lập và hoạt động của Viện Đại học Sài Gòn và 9 trường trực thuộc, bao gồm: Trường Đại học Luật khoa, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Văn khoa, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y khoa, Trường Đại học Dược khoa, Trường Đại học Nha khoa, Trường Đại học Kiến trúc và Hải học viện Nha Trang. Qua đó người đọc có thể nắm được những nét cơ bản của nền giáo dục Đại học ở miền Nam trước năm 1975.
ABSTRACT
The article summarizes the establishment and operation of the University of Saigon and nine member schools, including Faculty of Law, Faculty of Sciences, Faculty of Literature, College of Pedagogy, College of Medicine, College of Pharmacy, College of Dentistry, College of Architecture and Nha Trang Institute of Oceanography. From the information in the article, readers can basically comprehend the higher education in South Vietnam before 1975.
VIỆN ĐẠI HỌC SÀI GÒN VÀ CÁC TRƯỜNG TRỰC THUỘC
The University of Saigon and its affiliated colleges
Khánh Uyên
Tổng quan
Viện Đại học Sài Gòn là hậu thân của Trường Cao đẳng Đông Dương do chính phủ thuộc địa thành lập từ năm 1906. Đến cuối năm 1949, do Hiệp ước Văn hóa Pháp-Việt, trường này đổi tên là Viện Đại học Hỗn hợp Việt Pháp gồm một bộ phận chính ở Hà Nội và một bộ phận nhỏ hơn ở Sài Gòn. Sau hiệp định Genève, một phần thuộc bộ phận Hà Nội được chuyển vào Sài Gòn, kết hợp với bộ phận tại chỗ để hình thành một cơ sở đại học vẫn còn nằm trong sự quản lý của chính quyền Pháp. Ngày 30/4/1955, hai chính phủ đồng ý việc chuyển giao cơ sở đại học đó cho chính quyền Quốc gia Việt Nam, trường được gọi là Viện Đại học Quốc gia Việt Nam sau ngày lễ chuyển giao chính thức tổ chức vào ngày 11/5/1955. Viện Đại học Quốc gia Việt Nam gồm có các cơ sở đào tạo sau: 1) Trường Đại học Luật khoa; 2) Trường Đại học Y-Dược khoa; 3) Trường Đại học Khoa học; 4) Trường Cao đẳng Kiến trúc; và 5) Ban Dự bị Văn chương Pháp. Từ tháng 3 năm 1957, do việc thành lập Viện Đại học Huế, Viện Đại học Quốc gia Việt Nam được đổi tên là Viện Đại học Sài Gòn.
Ngay sau khi được chuyển giao cho Việt Nam, Ban Dự bị Văn chương Pháp được nâng cấp thành Trường Đại học Văn khoa. Tiếp theo, vào năm 1958, Trường Cao đẳng Sư phạm được cải tổ thành Trường Đại học Sư phạm và đặt trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn; năm 1961, bộ phận Dược học thuộc Trường Đại học Y-Dược khoa được tách ra thành một trường riêng là Trường Đại học Dược khoa; đến năm 1963, Ban Nha khoa thuộc Đại học Y khoa cũng được cải tổ thành một trường riêng là Trường Đại học Nha khoa; năm 1967 Trường Cao đẳng Kiến trúc cũng cải tiến thành Trường Đại học Kiến trúc; năm 1969, Hải học viện Nha Trang được đặt trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn về mặt học vụ. Đến đầu niên khóa 1974-1975, Viện Đại học Sài Gòn gồm có 9 cơ sở đào tạo:
- Trường Đại học Luật khoa
- Trường Đại học Khoa học
- Trường Đại học Văn khoa
- Trường Đại học Sư phạm
- Trường Đại học Y khoa
- Trường Đại học Dược khoa
- Trường Đại học Nha khoa
- Trường Đại học Kiến trúc
- Hải học viện Nha Trang
Tổng quát, Viện Đại học Sài Gòn đặt dưới quyền điều khiển của một Viện trưởng với sự góp ý của Hội đồng Đại học do Viện trưởng làm Chủ tịch. Viện trưởng do Tổng thống bổ nhiệm nhưng phải được Quốc hội thông qua. Các Phó Viện trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Viện trưởng. Viện trưởng còn có Tổng Thư ký Viện Đại học phụ tá trong những vấn đề điều hành nội bộ. Thuộc phạm vi điều hành của Viện trưởng Viện Đại học gồm tất cả những cơ sở đào tạo nói trên cùng với một Ty Y tế Sinh viên; ba lưu học xá gồm Đại học xá Minh Mạng dành cho nam sinh viên, Đại học xá Trần Quý Cáp và Đại học xá Thanh Quan dành cho nữ sinh viên. Viện cũng tổ chức quán cơm sinh viên, một tại Trường Đại học Y khoa và một ở gần sân vận động Hoa Lư.
Về mặt học vụ, tùy theo ngành học, Viện Đại học Sài Gòn đã cấp phát các văn bằng Cử nhân, Cử nhân tự do, Cử nhân Giáo khoa, Văn bằng Nha sĩ Quốc gia, Văn bằng Dược sĩ Quốc gia, Văn bằng Tốt nghiệp Sư phạm Đệ nhất và Đệ nhị cấp, Chứng chỉ Thiết kế đô thị, Văn bằng Cán sự Kiến trúc, và Văn bằng Kiến trúc sư cho chương trình đào tạo bậc Đại học. Ngoài ra, đối với chương trình đào tạo sau Đại học, viện cấp phát các văn bằng Cao học, Chứng chỉ Đệ tam cấp, Tiến sĩ Đệ tam cấp, Tiến sĩ Kỹ sư, và Tiến sĩ Quốc gia. Hầu hết các văn bằng do Viện Đại học Sài Gòn cấp đều được giới đại học quốc tế công nhận.
Về nguyên tắc, các cơ sở đào tạo trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn là các phân khoa. Mỗi khoa có một vị Khoa trưởng đứng đầu được phụ tá bởi các vị Phó Khoa trưởng về mặt học vụ và một vị Thư ký Đại học đường về các hoạt động hành chánh, tài chánh, quản lý sinh viên. Khoa trưởng được bầu bởi Hội đồng Khoa, không chịu sự can thiệp của Bộ Giáo dục. Trong giai đoạn đầu, Viện Đại học Sài Gòn còn hoạt động theo cơ chế thời Pháp thuộc. Sau vụ chính biến 1963, việc tổ chức Viện Đại học Sài Gòn cũng dần chuyển theo khuynh hướng giáo dục đại học Hoa Kỳ.
Các phân khoa hay trường trực thuộc
1. Trường Đại học Luật khoa
Từ trước, chính quyền bảo hộ Pháp đã thành lập một trường luật lấy tên là Trường Cao đẳng Pháp chính Đông Dương nhằm cung cấp nhân sự phục vụ guồng máy cai trị ba nước thuộc địa, trường này thường được gọi là Trường Hậu Bổ. Đến năm 1933, trường này được đổi tên là Trường Cao đẳng Luật học (École Supérieur de Droit). Vào năm 1938, trường được nâng lên thành một phân khoa trực thuộc Đại học Paris. Từ năm 1941, Trường Đại học Luật khoa Đông Dương đã dạy đến cấp Tiến sĩ. Đến năm 1955, sau khi chuyển giao cho chính phủ Việt Nam, trường được đặt tên mới là Luật khoa Đại học đường và sáp nhập vào Viện Đại học Quốc gia Việt Nam sau này được gọi là Viện Đại học Sài Gòn. Mục đích của trường là đào tạo những lý thuyết gia có khả năng hoạt động trong các vai trò như luật sư, thẩm phán, nhà kinh tế, nhà chính trị, giáo sư đại học, tư vấn luật pháp cho các ngành thương mại và kỹ nghệ… Ngày nay, cơ sở của trường được sử dụng làm Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Là một trường không tổ chức thi tuyển đầu vào, mọi người đã có văn bằng Tú tài II đều có thể ghi danh nhập học năm thứ nhất ban Cử nhân, không giới hạn độ tuổi. Vào niên khóa 1973-1974, trường chỉ mở hai cấp học là Cử nhân và Cao học.
Sinh viên theo học ban Cử nhân phải theo đuổi một học trình bốn năm. Hai năm đầu, chương trình dạy các vấn đề tổng quát liên quan đến Luật học, Chính trị học và Kinh tế học. Kể từ năm thứ ba, sinh viên phải chọn một trong ba ban: Kinh tế, Công pháp hoặc Tư pháp. Đã chọn ban, sinh viên không được đổi ban, kể cả khi theo học lên bậc Cao học.
Để lên lớp, mỗi năm sinh viên đều phải trải qua một kỳ thi được tổ chức rất nghiêm túc và khắt khe. Việc khảo hạch bao gồm thi viết một số môn, những môn còn lại phải thi vấn đáp. Nếu có một bài thi viết dưới một số điểm nào đó thì sinh viên sẽ bị loại, không được vào vấn đáp. Nếu rớt vấn đáp kỳ I thì sinh viên được thi vấn đáp kỳ II mà không phải thi viết lại, nhưng nếu rớt cả hai kỳ vấn đáp thì không được bảo lưu điểm cho năm sau. Trong hai năm đầu, sinh viên phải thông thạo những vấn đề có tính cách nhập môn của tất cả những môn học gồm Dân luật, Luật hiến pháp, Kinh tế học, Công pháp quốc tế, Pháp chế sử, Hình luật, Bang giao quốc tế, Tài chánh công, Luật Hành chánh, Luật Đối chiếu và phải nắm vững tất cả những danh từ chuyên môn đối chiếu Anh, Pháp. Khi đã vào chuyên khoa, sinh viên đào sâu thêm trong lãnh vực của mình. Hoàn tất bốn năm học, sinh viên được cấp văn bằng Cử nhân Luật, có thể tham gia vào mọi ngành hoạt động có liên quan và cũng có thể học lên để lấy Cao học theo một học trình hai năm.
Để lấy Cao học, mỗi năm nghiên cứu sinh phải qua một kỳ thi viết và một kỳ thi vấn đáp về ngành học của mình; ngoài ra, mỗi năm phải trình một bài tiểu luận mang tính cách thâm cứu, nêu luận cứ để bảo vệ ý kiến của mình đã nêu ra trong bài tiểu luận trước vị giáo sư chủ khảo. Sau khi hoàn tất bậc Cao học, sinh viên có thể tìm một vị giáo sư bảo trợ để làm luận án Tiến sĩ; thường thì một luận án Tiến sĩ phải mất bốn năm mới hoàn thành dưới sự hướng dẫn của vị giáo sư bảo trợ mà sau này cũng là chánh chủ khảo. Khi vị giáo sư bảo trợ thấy bản luận án của nghiên cứu sinh đã hoàn tất và xứng đáng được chấp nhận thì vị ấy mới đề nghị Khoa trưởng cử hai vị phụ khảo để thành lập Hội đồng Giám khảo xét duyệt luận án. Trong một buổi lễ trình luận án được tổ chức long trọng, nghiên cứu sinh bảo vệ những luận điểm của mình trước ba vị giáo sư. Sau đó, Hội đồng Giám khảo họp kín và quyết định dựa trên đa số.
Do những quy định về thi cử rất nghiêm ngặt, số sinh viên tốt nghiệp trường Luật không phải là nhiều. Một thống kê cho thấy năm 1970, số sinh viên ghi danh năm thứ nhất là khoảng 13.000 người; bốn năm sau (1974), số sinh viên tốt nghiệp được nhận văn bằng Cử nhân của cả hai khóa chỉ là 715 người. Trong hai mươi năm đào tạo, số Tiến sĩ tốt nghiệp tại Đại học Luật khoa Sài Gòn cũng là một con số ít ỏi.
2. Trường Đại học Khoa học
Tiền thân của Trường Đại học Khoa học là Trường Cao đẳng Khoa học trực thuộc Viện Đại học Đông Dương đặt tại Hà Nội được thành lập từ năm 1941. Năm 1947, một trung tâm thứ hai được thiết lập tại Sài Gòn. Năm 1953, một văn bản của hai chính phủ Pháp và Việt Nam đổi tên Trường Cao đẳng Khoa học thành Trường Đại học Khoa học (còn gọi là Khoa học Đại học đường), gồm một cơ sở ở Hà Nội và một cơ sở ở Sài Gòn. Tháng 11/1954, cơ sở ở Hà Nội di chuyển vào Nam và sáp nhập với cơ sở ở Sài Gòn. Tháng 3 năm 1957, sau khi Viện Đại học Huế được thành lập thì Viện Đại học Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Viện Đại học Sài Gòn; cũng từ đó Trường Đại học Khoa học được mang tên Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Theo chương trình Viện trợ Văn hóa cho chính phủ Việt Nam của Tân Tây Lan (New Zealand), vào năm 1964, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn bắt đầu được xây dựng tại khu Đại học Thủ Đức (cơ sở Linh Trung hiện nay), nhưng cho đến năm 1975, phần lớn hoạt động của trường vẫn diễn ra tại cơ sở chính hiện nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ.
Mục đích của trường là cung cấp nhân lực chuyên môn về khoa học cơ bản cho nhu cầu quốc gia trên tinh thần bổ túc chứ không dẫm chân lên công việc của các trường chuyên nghiệp. Trường giảng dạy các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiên văn học, Khoa học Địa cầu; luôn bám sát kiến thức khoa học hiện đại. Trường Đại học Khoa học Sài Gòn được xem là trường khoa học cơ bản mạnh nhất lúc bấy giờ và là cái nôi nghiên cứu khoa học cơ bản. Trường đào tạo hệ đại học và sau đại học, tổ chức bảo vệ luận án “Tiến sĩ Quốc gia” đầu tiên về Hóa học vào năm 1965, từ đó trường tổ chức đào tạo bằng “Tiến sĩ Quốc gia” và “Tiến sĩ Đệ tam cấp” trong các ngành khoa học.
Tại Đại học Khoa học, sinh viên học theo chế độ chứng chỉ; sau năm đầu tiên lấy được một chứng chỉ dự bị, các năm sau, sinh viên có thể theo học nhiều chứng chỉ chuyên khoa tùy theo năng lực. Ở bậc Đại học, trường Khoa học cấp phát các văn bằng Cử nhân về Toán học, Vật lý, Hóa học, Địa chất, Sinh vật… tùy theo các chứng chỉ mà sinh viên thu nhận được. Để được cấp văn bằng Cử nhân, sinh viên phải có một chứng chỉ dự bị và sáu chứng chỉ chuyên khoa; thông thường, ở trình độ chuyên khoa, mỗi năm một sinh viên chỉ lấy được hai chứng chỉ, như vậy, học trình cũng kéo dài bốn năm. Một số sinh viên chuyên khoa xuất sắc có thể lấy một năm ba chứng chỉ, rút ngắn thời gian học tập. Trường cũng phân biệt Cử nhân tự do và Cử nhân Giáo khoa. Gọi là Cử nhân Giáo khoa khi sinh viên lấy đủ số chứng chỉ quy định của một ngành.
Trong thời gian theo học, ngoài những giờ lý thuyết, sinh viên phải theo những buổi thực tập, thực hành trong phòng thí nghiệm dưới sự hướng dẫn của các vị giảng nghiệm viên; cũng có những ngành học mà sinh viên phải tham dự các chuyến du khảo. Sinh viên cũng phải chuyên cần theo đủ các giờ học. Tuy nhà trường không kiểm soát sinh viên trong giờ lý thuyết, nhưng các giáo sư vẫn có những cách để nhận biết sinh viên có chuyên cần hay không. Mỗi năm, sinh viên phải trải qua một kỳ thi cho các chứng chỉ mà mình theo học. Mỗi kỳ thi gồm cả ba phần, lý thuyết, thực tập và vấn đáp. Chỉ khi trúng cách thi viết, sinh viên mới được thi thực tập; và qua kỳ thi thực tập rồi mới được vào thi vấn đáp. Kết quả thi viết và thi thực tập được bảo lưu một năm cho những người rớt phần vấn đáp.
Sau khi xong Cử nhân, sinh viên có thể tiếp tục học lên để lấy Cao học và Tiến sĩ theo sự hướng dẫn của một vị giáo sư bảo trợ. Để lấy được Cao học và Tiến sĩ, nghiên cứu sinh cũng phải trình tiểu luận và luận án với một quy trình khắt khe.
Là một phân khoa đại học không tổ chức thi tuyển đầu vào, Trường Đại học Khoa học tiếp nhận mọi sinh viên đã có bằng Tú tài II không phân biệt tuổi tác ghi danh vào học năm đầu tiên, gọi là năm dự bị. Tuy nhiên, do số lượng sinh viên ghi danh học năm dự bị ngày càng đông, niên khóa 1973-1974 đã có sự hạn chế, chỉ thu nhận 5.000 sinh viên cho các chứng chỉ Toán-Lý (MGP), Toán- Lý-Hóa (MPC) và Lý-Hóa-Nhiên (SPCN); riêng chứng chỉ Lý-Hóa-Sinh (PCB) do cơ sở Thủ Đức đào tạo thì sẽ do các ban Sinh Lý và Sinh Hóa tự quyết định.
3. Trường Đại học Văn khoa
Tiền thân của Trường Đại học Văn khoa là Trường Đại học Văn khoa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Phan Huy Quát ký quyết định thành lập vào năm 1949 thời Quốc gia Việt Nam. Hoạt động của trường trong những năm kế tiếp bị gián đoạn vì tình hình chính trị. Mãi đến năm 1955, thời Đệ nhất Cộng hòa, Trường Đại học Văn khoa mới được ưu tiên phát triển. Lúc đầu Trường Đại học Văn khoa cấp bằng Cử nhân Văn chương Pháp và Anh. Phải đến năm học 1957-1958 thì các chương trình Cử nhân Giáo khoa Văn chương Việt Nam và Cử nhân Giáo khoa Triết học mới được xây dựng hoàn thiện. Trường không đào tạo chuyên viên mà nhằm mục đích cung cấp kiến thức tổng quát cho nhiều ngành học khác nhau như Triết học, Văn chương, Lịch sử, Địa lý, Khoa học Nhân văn; nói như Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Khoa trưởng Đại học Văn khoa từ 1965 đến 1969, Trường Đại học Văn khoa có tham vọng góp phần đào tạo “… những con người tượng trưng cho nền nhân bản mới, những con người thể hiện được sự quân bình giữa lý trí và tình cảm, giữa nội tâm và ngoại giới, giữa kiến thức chuyên môn và tổng quát, giữa bản thân và xã hội, giữa vật chất và tinh thần, giữa Tháp Ngà và Nhân Sinh, luôn luôn trung thành với quá khứ dân tộc nhưng đồng thời vẫn vươn mình tới tương lai, trong một tinh thần cởi mở và khoan dung…”. Hiện nay, cơ sở cũ của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn đã trở thành Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.
Đại học Văn khoa cũng đào tạo ba cấp học: Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ. Trường Văn khoa cũng đào tạo theo hệ thống chứng chỉ. Sau năm đầu tiên lấy được chứng chỉ dự bị, các năm sau sinh viên có thể lấy vài ba chứng chỉ chuyên khoa. Ở bậc Cử nhân, sinh viên phải có một chứng chỉ dự bị và bốn chứng chỉ chuyên khoa. Tuy vậy, thời gian ngắn nhất để một sinh viên hoàn tất học trình Cử nhân cũng phải là ba năm. Tương tự Đại học Khoa học, văn bằng Cử nhân của Văn khoa cũng phân biệt Cử nhân tự do và Cử nhân Giáo khoa. Được cấp văn bằng Cử nhân Giáo khoa khi sinh viên hoàn tất các chứng chỉ theo quy định của từng ngành học. Tốt nghiệp bậc Cử nhân, sinh viên có thể học lên để có bằng Cao học và Tiến sĩ. Sinh viên lấy Cao học phải trình một tiểu luận trong thời gian tối thiểu là 12 tháng và tối đa là hai năm. Sau khi có Cao học, sinh viên có thể tìm giáo sư bảo trợ để nhận một đề tài nghiên cứu trong thời gian ba năm và đệ trình bài nghiên cứu của mình dưới dạng luận án trước một Hội đồng Giám khảo để được cấp phát văn bằng Tiến sĩ khi luận án được chấp nhận.
Trừ ra một số ngành học có liên hệ đến hoạt động du khảo và thực hành như các môn học về Lịch sử, Địa lý, Khảo cổ, Tâm lý… nói chung, sinh viên Văn khoa chỉ phải tham dự các buổi diễn giảng của các giáo sư nhưng cũng không có tính bắt buộc.
Mỗi năm, sinh viên Văn khoa cũng phải dự các kỳ thi để lấy chứng chỉ. Để lấy chứng chỉ dự bị thì sinh viên chỉ phải thi viết; nhưng với các chứng chỉ chuyên khoa, sinh viên phải vừa thi viết, vừa thi vấn đáp.
Là một phân khoa tự do, trường Văn khoa tiếp nhận mọi người có bằng Tú tài II ghi danh học chứng chỉ dự bị không giới hạn độ tuổi. Tuy nhiên, những người ý thức được tầm khai phóng của Văn khoa đều có lúc vào ngồi ở giảng đường Văn khoa. Rất đông sinh viên sau khi đã hoàn tất chương trình cử nhân ở một trường khác, đã ra đời làm việc, lại trở vào học từ lớp dự bị Văn khoa để trang bị cho mình một kiến thức nhân văn.
4. Trường Đại học Sư phạm
Sắc lệnh số 246-GD ký ngày 21/8/1955 cải tổ Trường Cao đẳng Sư phạm thành Trường Đại học Sư phạm và đặt trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Trường Đại học Sư phạm có mục đích đào tạo giáo viên cấp 2 và giáo viên cấp 3 (lúc đó gọi là giáo sư Đệ nhất cấp và giáo sư Đệ nhị cấp) các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh học, Việt văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh ngữ Anh hoặc Pháp để cung cấp cho các trường trung học (cả phổ thông, tổng hợp và cộng đồng) trên toàn quốc. Trường tọa lạc tại nơi nay là Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Đây là một trường chuyên nghiệp, sinh viên ra trường là có một nghề, nghề giáo.
Từ năm 1970, do số học sinh chọn học Pháp văn làm sinh ngữ chính ở cấp Trung học ngày càng giảm, Trường Đại học Sư phạm đã không tiếp tục đào tạo Sư phạm Pháp văn nữa. Do vậy, về Đệ nhất cấp, trường Sư phạm tuyển sinh vào học bốn ban gồm Toán, Lý Hóa, Việt văn và Anh văn; về Đệ nhị cấp, có bảy ban được đào tạo là Việt Hán, Sử Địa, Anh văn, Pháp văn, Toán, Lý Hóa và Vạn vật. Số lượng sinh viên được tuyển thay đổi hàng năm tùy theo nhu cầu giáo chức trên cả nước.
Để được nhập học, sinh viên phải đủ 18 tuổi và không quá 30 tuổi tính đến cuối năm nhập học, đã có bằng Tú tài II và phải trải qua một kỳ thi tuyển gồm hai phần, phần thi viết và phần thi vấn đáp. Nội dung bài thi viết liên quan đến ngành học thuộc chương trình các lớp 10, 11 và 12. Sau khi trúng cách bài thi viết, sinh viên mới được dự thi phần vấn đáp. Kỳ thi vấn đáp nhằm xác định người sinh viên có phẩm chất tổng quát của một nhà giáo hay không. Sau khi trúng tuyển thực thụ, sinh viên phải trải qua một kỳ khám sức khỏe tổng quát. Những sinh viên thiếu sức khỏe đều không được dự học. Về học trình, để tốt nghiệp Sư phạm Đệ nhị cấp, sinh viên phải học trong bốn năm; còn sinh viên theo học khóa Sư phạm Đệ nhất cấp thì chỉ học hai năm. Nói chung, ngành Sư phạm đào tạo hai ban, ban Khoa học và ban Nhân văn. Về phương diện chuyên môn, người tốt nghiệp Sư phạm Đệ nhị cấp được coi là tương đương với Cử nhân Khoa học hay Cử nhân Văn khoa; ngoài ra, với quan niệm rằng người giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn có trách nhiệm đào luyện nhân cách, người sinh viên sư phạm còn phải học các môn chuyên biệt về sư phạm trong đó có Lịch sử giáo dục, Tâm lý giáo dục, Giáo dục đối chiếu, Quản trị học đường, Sư phạm lý thuyết, Sư phạm thực hành, Các vấn đề giáo dục. Môn Các vấn đề giáo dục tìm hiểu kỹ thực trạng nền giáo dục đương thời và những khó khăn cần phải giải quyết, như việc thiếu nhi phạm pháp chẳng hạn.
Trong quá trình học tập, người sinh viên sư phạm phải thể hiện sự chuyên cần, không được phép vắng mặt quá một số buổi đã ấn định. Ngoài các giờ học trên lớp, sinh viên phải tham gia đầy đủ các buổi thực hành ở phòng thí nghiệm cũng như các hoạt động du khảo theo chương trình, phải tham dự một số buổi thực tập của sinh viên lớp đàn anh, phải trải qua các kỳ thi lên lớp hàng năm, và phải thi tốt nghiệp vào năm cuối học trình trong đó có một buổi thực tập do chính mình thực hiện trước sự quan sát của các giám khảo. Vì vào sư phạm là để học nghề, nghề dạy học, và sẽ được quốc gia sử dụng sau khi tốt nghiệp, chẳng những sinh viên sư phạm không phải đóng một khoản chi phí nào cho việc học tập mà mọi sinh viên đều được hưởng một khoản học bổng, học bổng Sư phạm Đệ nhị cấp cao hơn. Khi ra trường, tùy theo thứ hạng tốt nghiệp, người sinh viên được ưu tiên chọn nhiệm sở.
Vào năm 1967, Trường Sư phạm Sài Gòn bắt đầu tổ chức các lớp huấn luyện giảng viên cho các trường Sư phạm Tiểu học trên toàn quốc. Những người đã tốt nghiệp Sư phạm Đệ nhị cấp hoặc có văn bằng Cử nhân Giáo khoa và đã có thời gian dạy học 3 năm liền đều được tham dự. Việc tuyển chọn người theo học lớp này thuộc thẩm quyền của một tiểu ban đặt dưới sự chủ tọa của vị Tổng trưởng Giáo dục để xem xét về các tiêu chuẩn hạnh kiểm, tư cách, tinh thần phục vụ, khả năng sư phạm, thâm niên và ngạch trật. Học trình bao gồm mười tháng học lý thuyết cùng với một thời gian quan sát và nghiên cứu tại một trường Sư phạm Tiểu học để viết một tiểu luận.
Từ năm 1970, Trường Đại học Sư phạm bắt đầu mở ban Cao học. Để theo học Cao học Sư phạm, nghiên cứu sinh phải là người đã tốt nghiệp Sư phạm Đệ nhị cấp và đã thực sự dạy học hai năm; kể từ niên khóa 1973-1974, nghiên cứu sinh phải dự một kỳ thi tuyển. Học trình Cao học là hai năm, một năm nghiên cứu lý thuyết và một năm soạn tiểu luận dưới sự hướng dẫn của một giáo sư. Trong lúc học, nghiên cứu sinh được hưởng trọn lương bằng với mức lương đang hưởng khi bắt đầu học Cao học. Hoàn tất việc học Cao học, nghiên cứu sinh có thể được bổ nhiệm Phụ khảo tại Đại học Sư phạm. Trường đã có kế hoạch mở ban Tiến sĩ Giáo dục.
Ngoài ra, trường còn tổ chức lớp huấn luyện nhân viên Quản thủ Thư viện trong thời gian một năm, lớp Sư phạm Doanh thương, Công kỹ nghệ và Thương mại trong thời gian 16 tháng và lớp Hướng dẫn Khải đạo trong thời gian 8 tháng để cung cấp chuyên viên và giáo viên liên quan cho các trường trung học có nhu cầu trên toàn quốc. Theo học các lớp này phải là người đã tốt nghiệp Sư phạm Đệ nhị cấp.
5. Trường Đại học Y khoa
Cho tới thập niên 1940, chỉ có một trường Y khoa duy nhất ở Việt Nam, đó là Trường Đại học Y-Dược khoa Hà Nội. Để đáp ứng nhu cầu cho số sinh viên càng ngày càng gia tăng ở miền Nam Việt Nam, một chi nhánh của trường Y được thành lập năm 1946 tại Sài Gòn nhưng chỉ đảm nhận việc huấn luyện trong hai năm đầu, từ năm thứ ba, sinh viên vẫn phải ra Hà Nội học. Sau năm 1954, một bộ phận của Trường Đại học Y-Dược khoa Hà Nội di chuyển vào Nam, chi nhánh Y-Dược khoa Sài Gòn biến thành Trường Đại học Y-Dược khoa và độc lập với trường Hà Nội. Khi Viện Đại học Sài Gòn chính thức thành lập thì Trường Đại học Y Dược khoa trở thành một thành viên của viện. Đến các năm 1961 và 1963, lần lượt các bộ phận Dược khoa và Nha khoa tách ra thành lập trường riêng; kể từ đó Y khoa là một phân khoa riêng biệt. Trường Đại học Y khoa có nhiệm vụ đào tạo các bác sĩ chuyên khoa và đa khoa. Sinh viên ra trường được cấp bằng Y sĩ Quốc gia và được phép hành nghề. Sau khi trình một luận án và được chấp thuận, vị Y sĩ Quốc gia đó được cấp bằng Tiến sĩ Y khoa Quốc gia.
Kể từ năm 1956, muốn vào học năm thứ nhất Trường Đại học Y khoa, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển. Điều kiện là sinh viên đã phải có một chứng chỉ dự bị PCB. Đến niên khóa 1963-1964, sinh viên đã có Tú tài II được thi trực tiếp vào lớp dự bị Y khoa APM (Année Prémédicale) học trong một năm rồi mới vào năm thứ nhất Y khoa. Sang niên khóa 1969-1970, lớp dự bị APM lại bãi bỏ; sinh viên thi vào năm thứ nhất sau khi đã lấy xong chứng chỉ dự bị PCB, SPCN hoặc MPC ở Trường Đại học Khoa học. Số lượng sinh viên được tuyển vào năm đầu tiên Trường Đại học Y khoa cũng thay đổi theo hàng năm, dao động trong khoảng từ 200 đến 220 sinh viên.
Không kể năm dự bị, sinh viên Y khoa phải học trong sáu năm, hai năm đầu học về Khoa học cơ bản của ngành Y, thời lượng tổng cộng gồm 2.240 giờ lý thuyết và 24 tuần tương đương 480 giờ thực tập ở bệnh viện; hai năm kế học về Khoa học Bệnh lý với 600 giờ học lý thuyết và 1.920 giờ thực tập tại bệnh viện; và hai năm sau cùng thực tập nội trú trong các bệnh viện, trong đó có 184 giờ lý thuyết ở năm thứ năm. Người sinh viên Y khoa khi ra trường đã được trang bị kiến thức cơ bản về Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tâm lý học, Xã hội học và những kiến thức chuyên sâu về Cơ thể học, Sinh lý học, Mô học, Phôi học, Di truyền học, Sinh lý học, Sinh hóa học, Vi trùng học, Ký sinh trùng học, Cơ thể bệnh lý học, Dược liệu học, Triệu chứng học, Bệnh lý học lâm sàng… bên cạnh những hiểu biết vững vàng về các kỹ thuật Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Sản khoa, Niệu khoa, Nhãn khoa, Phế lao, Ung thư, Khẩu xoang, Tai Mũi Họng, Chỉnh hình, Trị liệu học, Gây mê Hồi sức, Giải phẫu trẻ em, Giải phẫu thần kinh, Y học nhiệt đới, Y khoa phòng ngừa, Pháp lý Y khoa… Ngoài ra, mọi sinh viên đều phải có khả năng sử dụng thành thạo cả hai ngoại ngữ Anh và Pháp.
Đối tượng của Y khoa là con người. Trước mặt người thầy thuốc là các bệnh nhân, do đó, trong việc giáo dục Y khoa, việc thực tập tại bệnh viện là quan trọng hơn cả. Theo hồi ức của Giáo sư Đào Hữu Anh từng là Khoa trưởng Trường Đại học Y khoa trong thời gian từ 1970 đến 1971, vào năm 1955, bệnh viện Bình Dân đã được một số nhà hảo tâm đóng góp xây dựng gấp rút, một phần là để có chỗ cho sinh viên Y khoa thực tập. Một Cơ thể Học viện do Giáo sư Nguyễn Hữu chủ trương thành lập cũng được hoàn thành vào năm 1956 để tạo điều kiện cho sinh viên học tập về bộ môn Cơ thể học. Từ năm 1957, Cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ đã bước đầu tiến hành nghiên cứu xây dựng một Trung tâm Giáo dục Y khoa ở Sài Gòn. Giữa năm 1958, một phái đoàn do một vị Giáo sư là Khoa trưởng Howard Medical School ở Washington DC cầm đầu đến Việt Nam với nhiệm vụ hoàn thành một đề án xây dựng Trung tâm Giáo dục Y khoa cho Việt Nam, nếu theo đề án này thì trung tâm còn được giao quản lý và điều hành một bệnh viện 500 giường; tuy nhiên, chương trình bệnh viện thực tập này đã không được thực thi [1].
Đến năm 1963 Trung tâm Giáo dục Y khoa bắt đầu được xây dựng và công trình hoàn tất vào năm 1966. Tháng 6 năm 1966, Trường Đại học Y khoa chuyển về cơ sở mới, được trang bị hiện đại và đầy đủ nhất trong tất cả các cơ sở đại học ở Sài Gòn. Cùng lúc, một chương trình hợp tác giáo dục Y khoa Việt Mỹ được xúc tiến, qua đó, một loạt các trường Y khoa Hoa Kỳ đã gởi nhân viên giảng huấn sang Việt Nam giảng dạy và nhận nhân viên giảng huấn Việt Nam sang Mỹ tu nghiệp, mỗi trường đều viện trợ cho Việt Nam sự giảng huấn về môn học mà họ có ưu thế. Chương trình này cũng đem lại lợi ích cho cả phía bạn vì các giáo sư Hoa Kỳ đến Việt Nam cũng được củng cố thêm kiến thức về các bệnh nhiệt đới mà họ ít gặp [1].
Như vậy, có thể thấy người sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn có điều kiện tiếp xúc với những kiến thức y học tiến bộ nhất. Hơn nữa, do tính chất nghề nghiệp, sinh viên Y khoa thực tập chung với nhau phải cộng tác với nhau, giúp đỡ nhau, tranh luận với nhau một cách thẳng thắn, do đó nảy sinh sự thân thiết và củng cố tinh thần tập thể; từ đó, ý thức cộng đồng và khát vọng cống hiến được phát triển khiến lời thề Hippocrates được nhắc bảo thường xuyên. Trong quá trình học tập, người sinh viên năm sau luôn biết ơn sự chỉ bảo của những người năm trước. Tại giờ thực tập, họ sẵn sàng làm những công việc của nhân viên điều dưỡng, trong lúc những người học trước hoặc làm tờ trình về bệnh lý, hoặc suy luận để định bệnh, nêu những ý kiến trị liệu dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ tại bệnh viện.
Việc thi cử đối với sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn cũng căng thẳng như đối với bất kỳ người sinh viên nào khác tại Viện Đại học Sài Gòn. Không những thế, họ còn chịu đựng nhiều áp lực hơn, bởi mỗi năm học họ phải trải qua hai kỳ thi bán niên. Số lượng các môn học rất nhiều mà mỗi môn đều phải thi cả lý thuyết lẫn thực tập tại bệnh viện và đều phải đủ điểm chứ không thể lấy điểm môn này bù môn khác. Sinh viên nào ở lại lớp quá một năm đều bị cho thôi học, dù đó là gây lãng phí công quỹ quốc gia, nhưng nhà trường hoàn toàn có lý do chính đáng để buộc phải áp dụng biện pháp ấy. Vào cuối năm thứ sáu, sinh viên phải dự kỳ thi “Bệnh lý” cũng bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành. Chỉ khi đạt lý thuyết mới được thi thực hành. Và khi đã trúng cách thì người sinh viên mới được quyền làm luận án.
Sau khi chính thức được cấp bằng Tiến sĩ Y khoa Quốc gia, các bác sĩ có thể theo học chương trình Hậu Đại học để trở thành bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài việc giảng dạy, các giáo sư Y khoa Sài Gòn còn tích cực tham gia khảo cứu. Nhiều báo cáo khoa học đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở nước ngoài. Trường còn chủ trương một tạp chí Y khoa lấy tên là Acta Medica Vietnamica xuất bản ba tháng một số, số đầu tiên phát hành vào năm 1957 và xuất hiện đều đặn đến tận năm 1975. Tạp chí này được tồn trữ và trưng bày tại một số thư viện và trung tâm Y khoa lớn ở nước ngoài. Một trong những tài liệu quý mà các giáo sư Đại học Y khoa Sài Gòn đã thực hiện là tập sách liệt kê các luận án đã đệ trình tại trường Y Hà Nội và trường Y Sài Gòn từ năm 1947 đến năm 1972 [1]. Nhờ tập sách này mà người ta có thể ước lượng 20 năm đào tạo của trường Y Sài Gòn đã cung ứng cho xã hội khoảng 2.300 bác sĩ.
6. Trường Đại học Dược khoa
Trước kia, Dược khoa là một bộ phận của Trường Đại học Y-Dược khoa Sài Gòn. Vào năm 1961, để đáp ứng nhu cầu phát triển việc đào tạo, một sắc lệnh của Tổng thống tách bộ phận Dược ra khỏi Trường Đại học Y-Dược khoa Sài Gòn để thành lập Trường Đại học Dược khoa Sài Gòn, là một thành viên của Viện Đại học Sài Gòn. Mục đích của trường là đào tạo các dược sĩ phụ trách các dược phòng lẻ, có khả năng bào chế thuốc theo toa bác sĩ và phân phối các sản phẩm đặc chế. Bên cạnh đó, dược sĩ còn phải có khả năng chỉ dẫn người bệnh sử dụng dùng thuốc đúng cách, việc đối phó với những phản ứng có thể xảy ra khi dùng thuốc, những cấm kỵ và cách tồn trữ thuốc. Ngoài ra, Trường Đại học Dược khoa Sài Gòn còn giảng dạy về Dược khoa Bệnh viện, sản xuất dược phẩm, làm thí nghiệm Y khoa và hướng đến việc đào tạo nhân viên giảng huấn chuyên ngành Dược khoa.
Để theo học Dược khoa, sinh viên phải có bằng Tú tài II và trải qua một kỳ thi tuyển gồm hai đợt, đợt thứ nhất là sơ tuyển, sau khi có kết quả sơ tuyển mới vào kỳ thực tuyển. Bài thi được ra theo lối trắc nghiệm, khảo sát các kiến thức về Lý, Hóa, Sinh vật và một bài dịch Việt ngữ ra Anh hoặc Pháp theo chương trình lớp 12 hiện hành. Những người đã tốt nghiệp Đại học - có bằng Y sĩ, Nha sĩ, Thú y sĩ, Cử nhân Giáo khoa Khoa học hay Kỹ sư - có thể được vào học mà không phải thi tuyển. Mỗi năm, trường Dược khoa tuyển chừng 200 sinh viên vào năm đầu tiên. Chương trình học kéo dài trong năm năm: hai năm đầu chuyên về Khoa học cơ bản; hai năm tiếp theo chuyên về Dược khoa tổng quát; năm cuối cùng sinh viên sẽ chọn một trong ba ngành gồm Dược khoa kỹ nghệ, Dược khoa kỹ thuật thí nghiệm và Dược khoa cộng đồng. Trong quá trình theo học, sinh viên Dược phải có khả năng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ Anh hoặc Pháp để có thể tham khảo tài liệu. Ngoài ra, số giờ thực tập của sinh viên Dược là rất nhiều về các lãnh vực Bào chế cổ truyền, Động vật sinh học, Hóa học, Vật lý, Toán học, Hóa dược học, Chế dược học, Dược liệu học… Về mặt lý thuyết, sinh viên Dược còn học thêm về Tổ chức Quản trị, Quản trị Xí nghiệp, Quản lý Dược phòng…
Mỗi năm, sinh viên Dược đều phải trải qua một kỳ thi lên lớp. Từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, sinh viên chỉ thi các phần viết về lý thuyết và thực tập bên cạnh một bài thi sinh ngữ. Vào năm thứ tư, về lý thuyết có thêm phần thi vấn đáp. Sinh viên phải đạt đủ điểm trung bình và không bị điểm loại ở bất cứ môn nào thì mới được lên lớp. Thi tốt nghiệp cũng được tiến hành như kỳ thi cuối năm thứ tư. Trải qua kỳ thi tốt nghiệp, nếu đỗ, sinh viên được cấp bằng Dược sĩ Quốc gia.
Kể từ niên khóa 1968-1969, Trường Đại học Dược khoa Sài Gòn bắt đầu tổ chức đào tạo sinh viên lấy văn bằng Tiến sĩ Đệ tam cấp cho những người đã là Dược sĩ Quốc gia. Thời gian lấy Tiến sĩ Đệ tam cấp là khoảng ba năm, trong đó có một năm học để lấy một chứng chỉ Đệ tam cấp, và thời gian còn lại là để soạn và trình một luận án thuộc một trong ba lãnh vực Kỹ thuật Lý Hóa, Sinh học ứng dụng, và Vi trùng học thâm cứu.
Theo giáo sư Tô Đồng, người có thời gian ngắn là Khoa trưởng Đại học Dược khoa Sài Gòn, trong quá trình đào tạo, trường Dược đã thường xuyên cải tổ chương trình cho phù hợp với sự tiến bộ của thế giới. Nhất là khi vai trò của người dược sĩ đã thay đổi, không còn giữ công việc phân phối thuốc theo toa bác sĩ như trước kia mà chỉ phân phối thuốc đặc chế, người dược sĩ phải có khả năng sâu hơn trong việc sản xuất thuốc. Năm 1972, một cuộc hội thảo Dược khoa được tổ chức tại trường, quy tụ hầu hết những nhân vật có uy tín liên quan đến ngành để tìm hiểu vai trò của người dược sĩ trong xã hội và nhu cầu đào tạo thực tế. Việc phân ban cho năm cuối Dược khoa theo các hướng Thí nghiệm, Cộng đồng và Kỹ nghệ một phần dựa trên kết quả cuộc hội thảo này [2]. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh các môn học theo hướng thực tế cũng được ban giảng huấn chú trọng với mục đích đào tạo các dược sĩ có năng lực: quản lý dược phòng lẻ; nhập cảng dược phẩm, y cụ, hóa chất và dụng cụ vệ sinh; làm chuyên viên kỹ thuật hoặc quản trị tại các viện bào chế; nghiên cứu và tiến hành việc bào chế mỹ phẩm và các sản phẩm vô trùng, các dụng cụ thủy tinh trung tính; tham gia việc kiểm soát thực phẩm…
7. Trường Đại học Nha khoa
Trường Đại học Nha khoa Sài Gòn, được thành lập vào năm 1963 căn cứ vào một sắc lệnh của Tổng thống, đã được phát triển từ bộ môn Khẩu-Xoang của Trường Đại học Y khoa. Mục đích của ngành Nha khoa là đào tạo những chuyên viên có khả năng phục vụ chữa trị các chứng bệnh thuộc Răng-Hàm- Miệng cho dân chúng.
Cũng như điều kiện để vào Đại học Y khoa, sinh viên muốn học Nha khoa phải có một chứng chỉ dự bị SPCN hay PCB của Đại học Khoa học và phải trải qua một kỳ thi tuyển có ba phần gồm thi viết, thi điêu khắc và thi vấn đáp. Trong phần thi viết, sinh viên được khảo hạch về các môn Vật lý, Hóa học, Động Sinh học và Anh văn. Chỉ khi sinh viên đã trúng cách trong kỳ thi viết thì mới được gọi đi thi điêu khắc và vấn đáp. Trong phần thi điêu khắc, sinh viên phải thể hiện được sự mẫn cảm của đôi bàn tay thông qua việc tạo ra một sản phẩm thạch cao giống một mẫu hiện vật và những chỉ dẫn bằng văn bản. Trong kỳ thi vấn đáp, sinh viên được kiểm tra về kiến thức tổng quát. Mỗi năm trường chỉ tuyển khoảng 60 sinh viên.
Do tính cách đặc thù của ngành học, đến năm 1971, trường được đổi tên là Trường Đại học Nha-Y khoa, thực hiện một quy trình đào tạo hai giai đoạn:
- Giai đoạn một kéo dài 4 năm, đào tạo Nha Y sĩ Quốc gia.
- Giai đoạn hai học thêm 2 năm nữa để ra trường với bằng Bác sĩ Nha khoa Quốc gia.
Với quy trình đào tạo này, về thực tế, sinh viên tại Trường Đại học Nha khoa Sài Gòn chỉ học bốn năm, vì lẽ với chứng chỉ Nha Y sĩ Quốc gia, phần đông đã có thể hành nghề và ít quan tâm đến việc nâng cao chuyên môn; thiếu người học lên cao, nhà trường không đào tạo giai đoạn hai.
Ở hai năm đầu, sinh viên trường Nha học chung với sinh viên trường Y về những môn căn bản. Qua hai năm sau, sinh viên đi thẳng vào chuyên khoa của mình. Cũng như ở trường Y, thực tập luôn đi kèm với lý thuyết trong mọi lãnh vực học tập tại trường Nha. Sinh viên Nha thực tập chung với sinh viên Y trong năm thứ nhất, nhưng các năm sau thì thực tập riêng tại phòng thí nghiệm Nha và các khu bệnh lý đặt ngay trong các bệnh viện.
Vì từ một bộ môn của trường Y khoa tách ra nên một số quy trình làm việc của trường Nha cũng tương tự trường Y. Sinh viên phải chuyên cần. Việc vắng mặt quá một số buổi, dù là lý thuyết hay thực tập, cũng đều dẫn đến việc cấm thi. Mỗi năm học, sinh viên phải trải qua hai kỳ thi bán niên; cuối năm, chỉ những sinh viên nào thiếu điểm trong các kỳ thi bán niên mới phải thi lại. Vào năm thứ tư, nghĩa là năm cuối cùng trong học trình lấy bằng Nha Y sĩ Quốc gia, sinh viên phải qua một kỳ thi “Khảo sát năng lực nghề nghiệp”.
Cho đến lúc giải tán chính quyền miền Nam, sinh viên Trường Đại học Nha khoa được coi là được biệt đãi nhất, vì lẽ số lượng sinh viên vào học tương đối hạn chế, trong lúc phương tiện giảng dạy tại trường Y khoa và trường Nha khoa là tối tân và dồi dào nhất.
8. Trường Đại học Kiến trúc
Năm 1926, Trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội mở ban Kiến trúc. Đầu năm 1944, ban này được nâng lên thành trường Kiến trúc và di chuyển lên Đà Lạt. Năm 1948, trường được sáp nhập vào Viện Đại học Đông Dương và được nâng lên bậc Cao đẳng. Vào năm 1950, Trường Cao đẳng Kiến trúc được di chuyển từ Đà Lạt về Sài Gòn. Đến năm 1967, trường được sáp nhập vào Viện Đại học Sài Gòn, trở thành một phân khoa, đổi tên là Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn. Trường có nhiệm vụ đào tạo các kiến trúc sư, các chuyên viên thiết kế đô thị và cán sự kiến trúc, một lãnh vực có nhiều nhu cầu trong quá trình phát triển đất nước.
Để theo học Đại học Kiến trúc Sài Gòn, sinh viên phải có bằng Tú tài II ban Toán, ban Khoa học Thực nghiệm, ban Kỹ thuật hoặc văn bằng tương đương và phải qua một kỳ thi tuyển. Hàng năm, Trường Đại học Kiến trúc chỉ tuyển khoảng 50 sinh viên chính thức và 20 sinh viên dự thính.
Sinh viên tại trường Kiến trúc được đào tạo theo ba ban: ban Kiến trúc để trở thành kiến trúc sư, ban Thiết kế đô thị để trở thành chuyên viên thiết kế đô thị và ban Cán sự kiến trúc để trở thành các cán sự kiến trúc. Từ niên khóa 1969-1970, do thiếu phương tiện, trường tạm thời chỉ đào tạo ban Kiến trúc mà thôi. Học trình ban Kiến trúc kéo dài trong 6 năm, sinh viên được học về Lịch sử kiến trúc, Phong cách kiến trúc, bên cạnh đó, sinh viên được cung cấp kiến thức khoa học về các loại vật liệu kiến trúc, về cấu tạo địa chất, về cơ học nền đất, sức bền vật liệu, sức bền kết cấu… Ngoài phần lý thuyết, sinh viên phải thực hiện các họa đồ kiến trúc, thực hành lập các đồ án kiến trúc, tìm hiểu về kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Năm thứ nhất, sinh viên phải thi lên lớp với các môn khoa học. Trong hai năm thứ hai và thứ ba, ngoài các kiến thức khoa học, sinh viên còn phải trình mỗi tháng một họa đồ kiến trúc với thể tài được các giáo sư hướng dẫn chỉ định. Ở các năm thứ tư, thứ năm và thứ sáu, sinh viên chọn một đồ án kiến trúc được giáo sư hướng dẫn đồng ý, sau đó tự nghiên cứu để thiết lập đồ án đó cho đến khi hoàn tất có thể đệ trình để dự thi; trong thời gian đó, sinh viên tiếp tục tìm hiểu về lý thuyết để bảo vệ việc thực hiện đồ án kiến trúc của mình một cách khoa học.
Theo đề án cải tổ việc đào tạo mở khoa Kiến trúc, các giáo sư đề nghị sinh viên Kiến trúc sẽ phải học thêm các môn có tính cách xã hội và thực dụng và tổ chức học trình 6 năm thành ba cấp: Cấp 1 kéo dài hai năm học các môn cơ bản; Cấp 2 kéo dài hai năm học các môn chuyên nghiệp; và Cấp 3 kéo dài trong hai năm cuối cùng học về chuyên ngành và sưu khảo. Học trình sẽ ấn định chi tiết để có thể tổ chức thi theo lối tín chỉ. Tinh thần học tập thay đổi theo chiều hướng thực dụng, chủ động và thực tế. Trường cũng đã có kế hoạch xây dựng các ban mới như Kỹ thuật kiến tạo, Kỹ thuật trang bị kiến trúc, Kiến trúc nhiệt đới… Ngày nay, Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn đã trở thành Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.
9. Hải học viện Nha Trang
Hải học viện Nha Trang vốn là một cơ sở nghiên cứu khoa học do người Pháp thành lập năm 1922 và đã được cải tổ lần đầu vào năm 1930 để phục vụ việc nghiên cứu sinh vật biển và việc khai thác cá ở Biển Đông cũng như trong vùng Biển Hồ tại Campuchia để xác định một chiến lược phát triển nghề cá ở Đông Dương. Năm 1952, khi có quyết định bàn giao cơ sở nghiên cứu này cho Việt Nam, viện đã được đổi tên là Hải học viện Nha Trang. Vốn là một cơ quan nghiên cứu có phạm vi hoạt động rộng lớn, Hải học viện Nha Trang đã trở thành hội viên của Ủy hội Hải dương học Liên chính phủ trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Từ năm 1959, Hải học viện Nha Trang và Khoa học Đại học đường Sài Gòn đã tổ chức một cuộc hội thảo nhằm đẩy mạnh điều tra nghiên cứu về khoa học biển ngoài biển khơi; công việc không tiến triển được vì thiếu phương tiện. Tuy vậy, về các nghiên cứu ven bờ, những hợp tác giữa Hải học viện Nha Trang và Trường Đại học Khoa học Sài Gòn vẫn tiếp tục thông qua những trao đổi kết quả phân tích được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm thuộc ban Địa chất và Vật lý Địa cầu của Trường Khoa học Sài Gòn với các phòng thí nghiệm về Lý Hóa tại Hải học viện Nha Trang. Dựa trên sáng kiến của Việt Nam, một chương trình du khảo để tìm hiểu vùng Biển Đông đã được phối hợp thực hiện giữa Hoa Kỳ, Thái Lan và Việt Nam gọi là Naga Expedition; qua chương trình này, Hải học viện Nha Trang đã là nơi tổ chức một khóa huấn luyện các nhà khoa học biển vùng Đông Nam Á. Nhiều báo cáo từ chuyến du khảo này được chuyển đến những cơ quan nghiên cứu Hải học có quan tâm và được đánh giá cao. Những nghiên cứu ven bờ của Việt Nam vẫn tiếp tục và đều chia sẻ với giới nghiên cứu Hải học trên thế giới [3].
Do có những hoạt động mang tính đào tạo, từ niên khóa 1969-1970, Hải học viện Nha Trang được đặt dưới sự quản lý của Viện Đại học Sài Gòn về mặt học vụ.
Hoạt động nghiên cứu và đào tạo tại Hải học viện Nha Trang được chia thành hai ngành:
- Ngành Lý Hóa Hải dương có các ban: Hải dương hóa học, Sóng biển, Địa chấn, Hải dương địa chất, Hải dương đồ bản.
- Ngành Hải Sinh học có các ban: Giáp xác, Nhu thể, Hoàng tiết, Xoang tràng, Hải miên, Phiêu sinh, Rong biển và Ngư học.
Hải học viện Nha Trang chỉ đào tạo cấp sau đại học, cấp phát văn bằng Chứng chỉ Hải học Đệ tam cấp, và văn bằng Tiến sĩ Hải học Đệ tam cấp. Cho đến năm 1974, Hải học viện Nha Trang đào tạo được 14 người có văn bằng Chứng chỉ Hải học Đệ tam cấp và một vị Tiến sĩ Hải học Đệ tam cấp.
Hải học viện Nha Trang thường xuyên có các quan hệ với những cơ quan nghiên cứu Hải học trên thế giới, và có nhiều triển vọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và đào tạo ở trình độ cao.
Khánh Uyên (*)
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Đào Hữu Anh, “Y khoa Đại học Sài Gòn: nhìn lại 60 năm lịch sử”, http://ttntt.free.fr/archive/ daohuuanh.html
2. Tô Đồng, “Trường Dược và tôi”, http://www.svqy.org/truongduocvatoi.html
3. Final Report of Naga Expedition, SIO Reference 63-11.
4. Phòng Tâm lý và Hướng nghiệp Đắc Lộ, Chỉ nam giáo dục cao đẳng Việt Nam, Sài Gòn, 1974.
5. Nguyễn Khắc Hoạch, Xây dựng và phát triển văn hóa giáo dục, Nxb Lửa thiêng, Sài Gòn, 1970.
(*) Thành phố Hồ Chí Minh.
* * *
Xem bài liên hệ cùng chủ đề: click vào đây
Xem trang Kiến thức, Tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net