Mở speakers ON, click vào tam giác bên trái để nghe.
Muốn OFF, click vào hai gạch thẳng đứng bên trái.
BẠCH ĐẰNG GIANG
Nhạc: Lưu Hữu Phước.
Lời: Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên.
Hợp ca
Chuyện vào đề: Thường ngày, chúng tôi - những người tuổi đời chồng chất qua bao cuộc biển dâu - ngồi xuống bên nhau với ly cà phê đắng trên tay, cùng bàn chuyện thế giới bao đồng, sau hết vẫn là chuyện ưu tư về hiện tình của Tổ quốc Việt Nam.
Ông A nói: Trên đất nước ta, dân Tàu-cọng đi lại nghênh ngang không cần giấy nhập cảnh, họ đã lấn chiếm và dời cột mốc biên giới vào sâu nội địa VN; ải Nam-quan, thác Bản-Giốc đã vào đất Tàu. Họ đã chiếm cứ các trọng điểm chiến lược ở Tây-nguyên lập nhà máy khai thác Bauxite ở Dak-cơ Tân-rai, chiếm cứ bờ biển Đà-Nẵng không cho người Việt lai vãng, lập khu phố Tàu ở Bình-Dương, Hà-Nội; thuê cảng nước sâu Vũng-Án ở chân đèo Hải-Vân; lập các trại nuôi cá và các khu kỹ nghệ dọc bờ biển VN, như lò luyện thép Formosa ở Kỳ-Anh, Hà-Tĩnh.
Ông B tiếp lời: Ấy đấy, lúc sơ khai, chủ xí nghiệp Formosa là người Đài Loan, nay 65% vốn đầu tư là của Tàu-cọng nên Formosa thực hiện âm mưu của Tàu-cọng, nhà máy đã xả chất độc hại tiêu diệt cá dọc bờ biển VN, nước biển đã nhiễm độc gây di hại cho mấy thế hệ người Việt rồi cũng sẽ chết dần mòn mà thôi.
Ông C chen vào: Đường thủy của ta khốn nạn vô cùng. Ngư dân Quảng Ngãi chúng tôi đánh cá trong hải phận nước mình, gần đảo Hoàng-Sa, đã bao lần bị các tàu hải cảnh và dân quân biển của Tàu-cọng tịch thu cá lẫn lưới, bắt người đòi tiền chuộc mạng kể cả nhiều lần đâm chìm tàu, giết hại ngư dân mình. Chính phủ và Cảnh sát biển của Việt-cọng làm ngơ, chưa bao giờ phản ứng sự tàn bạo độc chiếm Biển-Đông của Tàu-cọng.
Năm 2014, Tàu-cọng ngang nhiên kéo giàn khoan Hải-Dương Thạch-Du 981 vào vùng biển Hoàng-Sa để khoan dầu (cũng gần với đảo Lý Sơn, quê tôi), suốt cả mấy năm chẳng thấy Hải-quân VN động thủ. Năm 1989 (?) Tàu-cọng chiếm thêm đảo ở Trường Sa, bắn giết sạch một Đại đội QĐND/VN, họ có lệnh của Đại tướng Lê Đức Anh (Bộ trưởng Quốc phòng) không được bắn trả đồng chí CHND/ TH, dù là để tự vệ. Việt-cọng hèn nhát, khuất phục như thế, nên Tàu-cọng được trớn liên tục bồi đắp các bãi cạn đã chiếm ở Trường-Sa thành các đảo nhân tạo đặt căn cứ quân sự, phi trường cho phi cơ chiến lược, quân cảng cho hạm đội của họ, nhằm đè bẹp VN và khống chế toàn Biển-đông.
Ông Đ đưa tay, phát biểu: Hầu hết các nước trên thế giới đều ghét chính sách bá quyền, lấy thịt đè người, ỷ mạnh hiếp yếu của Tàu-cọng. Ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài quốc tế La Haye (xét đơn Philippines kiện Trung-cọng) đã ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò chín đoạn do Trung-cọng tự vẽ ra chiếm 80% Biển-đông là vô căn cứ, trái Luật biển Quốc tế. Đây là cơ hội thuận lợi cho VN thoát Trung, dành lại chủ quyền lãnh hải của mình. Hơn nữa các nước giàu mạnh trên Thế giới như Hoa-kỳ, Pháp, Ấn-độ, Úc, Nhật-bản đương tích cực ủng hộ VN chống lại sự xâm lấn của Tàu cọng. Nhiều nước trong khối ASEAN ở gần bị Tàu cọng lấn hiếp như Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore ; muốn liên minh với VN chống lại Tàu-cọng độc chiếm Biển-đông. Toàn dân VN muốn nhân cơ hội ngàn vàng nầy để lìa xa Tàu-cọng, trước nhất là dành lại chủ quyền lãnh hải và các đảo; chỉ riêng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bọn đầu sỏ trong Bộ Chính-trị của đảng CsVN vẫn ôm chân Tàu-cọng, cống nạp Tổ quốc cho họ, để được họ bảo vệ Đảng Cs, dành chức vị, đặc quyền, đặc lợi cho mình.
2 chiến hạm Mỹ USS Mustin và Nhật JS Kirisam
trong một lần thao dượt tại Biển-Đông
Sử liệu:
Trước hiện tình biển & đảo của Tổ quốc tiếp tục bị Tàu-cọng cưỡng chiếm, bịt kín lối ra của VN tiếp cận với thế giới; ai là người mang dòng máu Lạc Hồng chẳng phẩn uất. Tổ tiên người Việt tài giỏi về thủy chiến như Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn 3 lần trừng phạt Bắc quân xâm lược, máu đỏ sông Bạch- đằng. Đọc trang sử cũ, tôi viết bài nầy trong mục đích "Ôn cố nhi tri tân", Ôn chuyện cũ để biết chuyện mới, nhằm xác nhận quân xâm lược phương Bắc chưa bao giờ từ bỏ mộng thôn tính VN và dân tộc ta đủ dũng lược đẩy lui sức bành trướn ấy ra sao. Dưới đây tôi chỉ sao chép nguyên văn đoạn liên hệ trong 2 bộ Việt sử xác thực, được quí trọng nhất là:
1) Đại Việt sử ký toàn thư: được biên soạn qua nhiều đời do nhiều sử gia nổi tiếng như Lê Văn Hưu (thế kỷ XIII), Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV), Phạm Công Trứ, Lê Hy (thế kỷ XVIII). Đây là bộ Đại Việt Sử ký theo lối biên niên, được dịch từ chữ Nho sang Việt-ngữ do nhà Hán-học Cao Huy Giu và Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính.
Tôi có trong tay bản in Đại Việt Sử ký toàn thư xưa nhất - bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính-Hòa thứ 18 (1697) - do bà C. Rageau, Giám đốc Thư viện trường Viễn đông bác cổ (EFEO) tặng VN bộ vi phim (microfilm) Đại Việt Sử ký toàn thư (bản gốc hiện lưu trữ tại Paris) Từ bộ vi phim Gs Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn + Gs sử học Phan Huy Lê & tổng biên tập Nhà xuất bản KHXH Phan Hựu cùng xem xét với bản Việt ngữ đã lưu hành để xuất bản trọn bộ Đại Việt Sử ký toàn thư năm 1992.
2) Việt-Nam Sử lược: của học giả sử gia Trần Trọng Kim là bộ sử bằng Việt ngữ do Bộ Giáo dục VNCH, trung tâm Học liệu tái bản năm 1971, được dùng chính thức tại trường học. Soạn giả đã kê cứu từ 16 bộ sách chữ Nho và chữ Quốc ngữ +10 bộ sách Pháp ngữ Việt Nam sử lược khá súc tích, biên soạn chuẩn mực mọi sự việc và biến cố trong năm.
Sông Bạch-đằng và dấu tích bãi cọc:
Bạch-Đằng-giang nằm trong hệ thống sông Thái-Bình ở miền Bắc VN. Sông Bạch-Đằng có tên thường dùng là sông Rừng, tên hiệu là sông Vân-Cừ, chảy giữa thị xã Quảng-Yên (Quảng-Ninh) và huyện Thủy-Nguyên (Hải-Phòng), cách vịnh Ha-Long, nơi cửa Lục chừng 40 Km. Sông Bạch-Đằng dài 32 Km
.. điểm đầu là Phà Rừng - Hải-Phòng (ranh giới Hải-Phòng và Quảng-Ninh).
.. điểm cuối là bãi Nam-Triệu (Hải-Phòng).
Sông Bạch Đằng là đường thủy tốt nhất từ miền Nam Trung-Quốc đi vào Hà-Nội (tên cũ là Thăng-Long), từ sông Nam-Triệu các chiến thuyền đi vào sông Kinh-Thầy, sông Đuống đến Sông Hồng chảy qua Hà-Nội.
Sông Bạch đằng ngày nay, thuyền thả chà đánh cá (Hình Copy từ Wikipedia)
Sông Bạch-Đằng vang danh với 3 chiến công hiển hách của quân dân Đại Việt:
- Trận thủy chiến Bạch-Đằng năm 938: Ngô Quyền đại thắng quân Bắc xâm Nam Hán
- Trận thủy chiến Bạch-Đằng năm 981: Vua Lê Đại Hành phá tan quân Tống xâm lược.
- Trận thủy chiến Bạch-Đằng năm 1288: Hưng-Đạo-Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân Bắc xâm Nguyên Mông (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 3).
Hiện nay trong khu vực Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng dân tộc:
* đình Hàng-Kênh (Lê Chân, Hải-Phòng) thờ Ngô Quyền.
* Đền vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh-Đức (Thủy-Nguyên, Hải-Phòng)
* Đền thờ Trần Hưng Đạo ở phường Yên-Giang (Quảng-Yên, Quảng-Ninh).
Bãi cọc ngầm trên Bạch Đằng giang là trận địa chống phá quân Nam Hán của Ngô Quyền vào năm 938. Hiện nay có 2 bãi cọc đã được tìm thấy:
* Một được phát hiện năm 1953 (khi dân chúng đào đất đắp đê) nằm trong đầm nước giáp đê sông Chanh thuộc Yên-Giang, thị xã Quảng-Yên, tỉnh Quảng-Ninh. Bãi nầy còn hàng trăm cây cọc làm bằng gỗ lim, gỗ táu cắm thẳng đứng, đa số nằm chếch hướng 15 độ, cắm hình chữ Z. Mỗi cọc dài từ 2,8m đến 3,2m, đầu dưới vát nhọn dài 1m, đầu trên đã bị hư gãy. Toàn bãi cọc nầy chiếm diện tích 220 mét vuông, đã được xây kè bảo vệ, trong đó có 42 cọc còn ở nguyên trạng.
*Một bãi cọc phát hiện năm 2005 tại cánh đồng Vạn-Muối (thuộc Nam-Hòa, thị xã Quảng-Yên) có hàng chục cọc trong thửa ruộng lầy. Tất cả số cọc được phát hiện ở 2 nơi đều nằm sâu 2m dưới bùn đã tích tụ qua nhiều thế kỷ, phần nhô trong nước từ 0,2m đến 2m.
Năm 1997, trong chuyến thăm sơn hệ trên vịnh Hạ-Long, chúng tôi vào tham quan Hang ĐẦU GỖ là nơi quân dân Ngô Quyền đẵn gỗ trong núi trên biển làm cọc, cất giữ vào hang động Đầu gỗ, rồi bí mật dùng thuyền ngụy trang chở vào nội địa. Hiện Bảo tàng viện Hà-Nội có trưng bày mấy cọc gỗ đã đóng dưới sông Bạch Đằng thuở trước .
Cọc nhọn nhô lên trong trận thủy chiến
Bạch-đằng-giang (Hình minh họa, copy từ Wikipedia)
Sử chép 3 trận đánh tan quân Hán Tống Nguyên trên Bạch Đằng
1) Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch-Đằng năm 938
Trích nguyên văn từ Đại Việt Sử ký toàn thư (tập I, trang 205+206).
“Đinh Dậu [937] (Tấn Thiên-Phúc năm thứ 2). Mùa Xuân, tháng 3, nha tướng của Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn giết Đình Nghệ để thay chức.
Mậu Tuất [938] (Tấn Thiên-Phúc năm thứ 3). Mùa đông, tháng 12, nha tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền từ Ái-châu cất quân đánh Công Tiễn. Công Tiễn sai sứ sang đút lót để cầu cứu với nhà Hán. Vua Hán là Cung muốn nhân khi nước ta có loạn chiếm lấy nước, bèn cho con là Vạn-Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh-Hải quân Tiết-Độ-Sứ, đổi tước phong là Giao-Vương, đem quân sang cứu Công Tiễn. Vua Hán tự làm tướng, đóng ở Hải-Môn để làm thanh viện. Vua Hán hỏi kế ở Sùng-văn-sứ là Tiêu Ích, Ích nói: "Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi mới nên tiến". Vua Hán không nghe, sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào, muốn đánh Quyền, nhưng Quyền đã giết Kiều Công Tiễn rồi.
Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: "Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm trước ở cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát". Định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển. Khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. Quân Hoằng Tháo không kịp sửa thuyền
Bản đồ trận Bạch đằng (tam giác là quân cung nỏ
phục bờ sông, cọc đen nhô lên khi thủy triều rút)
mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về”.
2) Vua Lê Đại Hành vùi dập quân Tống trên sông Bạch-đằng năm 981
Trích nguyên văn Đại Việt Sử ký toàn thư (tập I, trang 224 + 225)
“Họ Lê, tên húy là Hoàn, ngưới Ái-Châu, làm quan nhà Đinh đến chức Thập-Đạo Tướng-Quân. Quân Tống xâm lược, đem quân ra chống cự, rồi thay nhà Đinh làm vua, ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi [941- 1006], băng ở điện Trương-Xuân. Vua trừ nội gián mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự.
Tân Tỵ, (Thiên-Phúc năm thứ hai) [981] Mùa xuân, tháng 3, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng-Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây-Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông. Quân Tống lui, lại đến sông Chi-Lăng (là con sông ở xã Chi-Lăng, tức khúc sông Thương chảy qua tỉnh Lang-Sơn). Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, nhân đó bắt được Nhân Bảo đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân Khâm Tộ thua to,chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng. Bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Hưng đem về Hoa-lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng Đế.
3) Trần Hưng-đạo-vương tiêu diệt quân Nguyên trên Bạch-đằng-giang năm 1288:
Trích nguyên văn Việt nam sử lược, cùa Trần Trọng Kim [tập I trang 156+157+158].
Trận Bạch-đằng-giang, bắt Ô Mã Nhi: Quân Nguyên từ khi thua trận Vân-Đồn, lương thảo một ngày một cạn đi, Thoát Hoan muốn cho người về Tàu cầu viện và lấy thêm lương. Hưng Đạo vương biết ý, sai người lên giữ núi Kỳ-Cấp và ải Nữ-Nhi ở Lạng-Sơn không cho người Tàu đi lại. Các tướng Nguyên Mông thấy vậy bèn vào bàn với Thoát Hoan rằng: "Quân ta đóng ở đây thành trì không có, kho tàng lại cạn cả; và bây giờ là đang lúc hết Xuân sang Hạ, khí trời nồng nực, mà lại những chỗ hiểm yếu đều mất cả, chi bằng hãy rút quân về, rồi sau sẽ liệu kế khác". Thoát Hoan thấy quân thế của Hưng-Đạo-vương mạnh lắm, chưa có thể phá được, bèn nghe lời các tướng; sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp dẫn thủy quân theo đường sông Bạch-Đằng về trước. Còn mặt bộ thì sai Trịnh Bằng Phi, Trương Quân dẫn binh đi chặn hậu. Sửa soạn định vài hôm nữa thì rút về.
Tượng Trần Quốc Tuấn chỉ Hóa-giang thề:
Không đánh tan quân Nguyên thì không trở về.
Hưng-Đạo-vương biết mưu ấy, bèn sai Nguyễn Khoái dẫn binh theo đường tắt lên mé sông thượng lưu sông Bạch-Đằng, kiếm gỗ đẽo nhọn bịt sắt đóng khắp giữa giòng sông, rồi phục binh chờ đến lúc nào nước thủy triều lên thì đem binh ra khiêu chiến, nhử cho thuyền giặc qua chỗ đóng cọc. Hễ lúc nào nước thủy triều xuống thì quay binh lại hết sức mà đánh. Lại sai Phạm Ngũ Lão, Nguyên Chế Nghĩa dẫn quân lên phục ở ải Nội-Bàng (thuộc Lạng-Sơn) chờ quân Nguyên chạy lên đến đấy thì đổ ra mà đánh.
Các tướng đi đâu đấy cả rồi. Hưng-Đạo-vương tiến quân lên đánh giặc, sực nghe tin báo rằng Ô Mã Nhi đã kéo quân về đến Bạch-Đằng, Hưng-Đạo-vương mới hô quân sĩ trỏ sông Hóa (là một ngọn sông thuộc sông Thái-Bình, ở giáp giới tỉnh Kiến-An và tỉnh Thái-Bình) mà thề rằng: "Trận nầy không phá xong giặc Nguyên thì không về đến sông này nữa!". Quân sĩ ai nấy đều xin quyết chiến, kéo một mạch đến sông Bạch-Đằng.
Những chiến thuyền cùa Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp theo giòng sông Bạch-Đằng, bỗng chốc thấy tướng nhà Trần là Nguyễn Khoái dẫn chiến thuyền đến khiêu chiến. Ô Mã Nhi tức giận thúc quân xông vào đánh, Nguyễn Khoái liền quay thuyền chạy. Bấy giờ trong lúc nước thủy triều lên, mặt nước mênh mông, Ô Mã Nhi vô tình thấy địch quân chạy, cứ việc thúc thuyền đuổi theo. Nguyễn Khoái thấy quân Nguyên đi khỏi xa chỗ đóng cọc, rồi mới quay thuyền đánh vật lại. Hai bên đánh đang hăng thì đại quân của Hưng-Đạo-vương tiếp đến. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thấy quan quân to thế lắm, mới quay thuyền chạy trở lại. Khi chạy đến khúc sông có cọc đóng thì nước thủy triều đã rút xuống, thuyền của quân Nguyên vướng mắc phải cọc, đổ nghiêng đổ ngửa, đắm vỡ rất nhiều. Quan quân thừa thắng đánh cực hăng, quân Nguyên chết như rạ, máu loang đỏ cả khúc sông. Tướng Nguyên là Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc đều bị bắt cả.
Trận Bạch-Đằng đánh vào tháng 3 năm Mậu-Tí (1288) lấy được chiến thuyền của quân Nguyên hơn 400 chiếc và bắt được quân sĩ rất nhiều. Thoát Hoan nghe tin quân thủy đã vỡ tan rồi, dẫn bọn Trịnh Bằng Phi, A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, Trương Quân, Trương Ngọc đi đường bộ chạy về đến ải Nội-Bàng, bỗng gặp quân phục của Phạm Ngũ Lão đổ ra đánh. Các tướng hết sức giữ gìn Thoát Hoan, vừa đánh vừa chạy. Trương Quân dẫn 3.000 quân đi đoạn hậu cố sức đánh lấy đường chạy, bị Phạm Ngũ Lão chém chết. Thoát Hoan chạy thoát ra được cửa ải, quân sĩ mười phần tổn hại mất 5, 6 phần.
Bọn Thóat Hoan đang đi, bỗng có tin báo rằng tự cửa ải Nữ-Nhi đến mãi núi Kỳ-Cấp hơn 100 dặm, chỗ nào cũng có đồn ải. Nghe tin ấy quân sĩ đều xôn xao sợ hãi, và mé sau lại nghe tiếng quan quân ầm ầm đuổi theo đã sắp kéo đến. Thoát Hoan vội vàng sai A Bát Xích, Trương Ngọc dẫn quân đi trước mở đường, Áo Lỗ Xích đi đoạn hậu.
A Bát Xích, Trương Ngọc gặp phải quan quân chặn đường phục ở hai bên sườn núi bắn tên thuốc độc xuống như mưa. Hai tướng đều tử trận, và quân sĩ chết thây nằm ngổn ngang từng đống. Còn Trịnh Bằng Phi hết sức giữ gìn Thoát Hoan chạy ra Đan-Kỹ, qua Lộc-châu rồi đi lẻn con đường tắt về châu Tư-Minh. Áo Lỗ Xích đi sau, chạy thoát được, mới nhặt nhạnh tàn quân theo cả Thoát Hoan về Yên-Kinh.
Hưng-Đạo-vương chuyến nầy trừ hết quân Mông-Cổ mới hội cả các tướng, dẫn quân rước xa giá Thượng-hoàng và Nhân-Tông về kinh sư. Khi về đến Long-Hưng, Nhân-Tông đem bọn tướng Nguyên bị bắt là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc vào làm lễ hiến phù ở trước Chiêu-Lăng. Nhận thấy giang sơn lại được như cũ, Thánh-tông Thượng-hoàng có làm 2 câu thơ để kỷ niệm:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
Dịch nôm:
Xã tắc hai phen bon ngựa đá ,
Non sông thiên cổ vững âu vàng.
Về đến Thăng-long vua sai mở tiệc khao thưởng tướng sĩ, cho dân sự mở hội vui vẻ 3 ngày gọi là "Thái bình diên yến".
Tượng Trần Hưng Đạo, Thánh Tổ Hải Quân VNCH
tại Công trường Mê Linh (sau đổi thành Công trường Bạch Đằng),
trước cồng chánh vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH, Sài-Gòn
Văn học ca tụng Bạch đằng giang khá nhiều, bài nầy xin kể vài ba chuyện tiêu biểu:
Đối lại ĐỒNG TRỤ là BẠCH ĐẰNG :
Sứ thần Giang Văn Minh (1573 - 1638) người xã Mộng-Phụ huyện Thương-Phúc [nay là thôn Mộng-Phụ, xã Đường-Lâm] thị xã Sơn-Tây tỉnh Hà-Tây. 56 tuổi đỗ Hội-nguyên, Đình-nguyên Thám-hoa khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ X (1626) đời Lê-Thần-tông. Năm Đinh-Sửu hiệu Dương-Hòa (1637), ông Giang Văn Minh giữ chức Tự-Khanh được cử đi sứ nhà Minh bên Trung quốc.
Vua quan nhà Minh thường cao ngạo với nước Nam vì nằm dưới quyền đô hộ của Thiên triều, tỷ như khi Mã Viện đánh thắng cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng, có dựng cột đồng ở biên giới khắc chữ "Đồng trụ chiết, Giao-chỉ diệt": Cột đồng gãy, dân Giao-chỉ bị diệt.
Minh triều ra một vế đối: ĐỒNG TRỤ CHÍ KIM ĐÀI DĨ LỤC.
Giang văn Minh đối lại: ĐẰNG GIANG TỰ CỔ HUYẾT DO HỒNG.
Dịch nghĩa:
Câu xuất đối: Cột đồng trụ [do Mã Viện trồng] rêu đã mọc xanh.
Câu đối đáp: Sông (Bạch) Đằng từ xưa máu còn đỏ [do Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn giết quân Bắc xâm lược máu còn đỏ sông].
Triều thần nhà Minh căm tức trước khí phách ung dung lúc ông ứng đối, vì ông dám nói lên 3 lần máu quân Tàu nhuộm đỏ sông (Bạch) Đằng, nên họ sai người đầu độc ông. Nhà Minh sai người mổ bụng, lấy ruột và đổ thủy-ngân vào bụng để chở thi hài ông về nước. Thám-hoa Giang Văn Minh được truy tặng chức Thị-Lang, tước Vinh-Quận-công.
BẠCH-ĐẰNG GIANG PHÚ của Trương Hán Siêu:
Trương Hán Siêu tự là Tăng Phủ, một hiền thần đời nhà Trần, rất giỏi về chính trị, giỏi về thi văn, tánh khí cương nghị. Ông quê ở làng Phúc-Thành, huyện An-Ninh (nay là làng Phúc-Am, huyện Gia-Khánh, tỉnh Ninh-Bình, Bắc Việt). Trước ông làm môn khách của Hưng-Đạo-vương Trần Quốc Tuấn. Đời vua Trần-Anh-tôn được bổ làm Hàn-Lâm Học-sĩ, trải qua 4 triều vua nhà Trần, làm quan đến chức Tham-Tri Chính-Sự. Ông mất năm Giáp Ngọ (1354, đời vua Trần-Dụ-tôn, niên hiệu Thiệu-Phong thứ IV). Trương Hán Siêu là tác giả các áng danh văn: Linh tế tháp ký, Quan nghiêm tự bi văn, Bạch Đằng giang phú. Ngoài ra ông cùng danh sĩ Nguyễn Trung Ngạn soạn ra sách Hoàng-triều đại điển chép về điển lệ nhà Trần. Ông có tư tưởng tiến bộ, thường bài xích mê tín và hủ tục.
Bạch Đằng giang phú
Tác giả: Trương Hán Siêu
Bản dịch của Đông Châu
[Nam phong tạp chí, tập XIV số 8, tháng 6-1924]
Khách có kẻ: Chèo bể bơi trăng. Buồm mây lướt gió. Sớm ngọn Tương kia.
Chiều hang Vũ nọ. Vùng vẫy giang hổ. Tiêu dao Ngô Sở.
Đi cho biết đây. Đi cho biết đó.
Chằm Vân mộng chứa ở trong kho tư tưởng, đã biết bao nhiêu.
Mà cái trí khí tứ phương, vẫn còn hăm hở.
Mới học thói Tử Trương: Bốn bể ngao du. Qua cửa Đại-Than. Sang bến Đông-Triều.
Đến sông Bạch-đằng: Đứng đỉnh phiến chu. Trắng xóa sóng kềnh muôn dặm.
Xanh rì dặng ác một màu. Nước trời lộn sắc. Phong cảnh vừa thu.
Ngàn lau quạnh cõi. Bến lách đìu hiu. Giáo gậy đầy sông. Cốt khô đầy gò.
Ngậm ngùi đứng lắng. Ngắm cuộc sống phù du.
Thương kẻ anh hùng đâu vắng tá . Mà nay dấu vết hãy còn lưu.
Kìa kìa bến sông. Phu lão người đâu. Lượng trong bụng ta. Chứng có sở cầu.
Hoặc gậy trống trước. Hoặc thuyền bơi sau. Vái tạ mà thưa rằng:
Đây là chỗ chiến địa. Vua Trần bắt giặc Nguyên.
Và là nơi cố châu của vua Ngô phá quân Lưu đây.
Đương khi: Muôn đội thuyền bày. Hai quân giáo chỉ. Gươm tuốt sáng lòe.
Cờ bay đỏ khí!. Tướng Bắc quân Nam. Đôi bên đối lũy. Đã nổi gió mà bay mây.
Lại kinh thiên mà động địa.
Kìa quân Nam Hán nó mưu sâu. Nọ Hồ Nguyên nó sức khỏe.
Nó bảo rằng: Phen nầy đạp đổ nước Nam. Tưởng chừng có dễ.
May sao: Trời giúp quân ta, mây tan trận nó.
Khác nào như quân Tào Tháo bị vỡ ở sông Xích-bích khi xưa.
Giặc Bồ Kiên bị tan ở bến Hợp-phù thuở nọ.
Ấy cái nhục tày trời của họ, há những một thời.
Mà cái công tái tạo của ta, lưu danh muôn thuở.
Tuy vậy từ thuở có trời đất vẫn có giang sơn. Trời đất đặt ra nơi hiểm trở.
Người tính lấy cuộc tồn an. Hội nầy bằng hội Mạnh-tân, như vương sự họ Lã.
Trận nào bằng trận Dung-thủy, như quốc sĩ họ Hàn.
Kìa trận Bạch-đằng nầy mà đại thắng. Bởi chung Đại-vương coi thế giặc nhàn.
Tiếng thơm còn mãi. Bia miệng hao mòn. Nhớ ai sa giọt lệ. Hổ mình với nước non.
Rồi vừa đi vừa hát rằng:
Sông Bạch-đằng một dải dài ghê! Cuồng to sóng lớn dồn về Biển Đông.
Trời Nam sinh kẻ anh hùng. Tăm kềnh lặn sóng. Non sông vững vàng.
Khách vừa đi vừa hát rằng: Vua Trần hai vị thánh quân.
Sông kia còn dấu tẩy trần giáp binh. Nghìn xưa gẫm cuộc thăng bình.
Tài đâu đất hiểm. Bởi mình đức cao./.
Ca khúc BẠCH ĐẰNG GIANG
Nhạc: Lưu Hữu Phước.
Lời: Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên.
Chiếm giải thưởng của Hội Khuyến học Nam-kỳ năm 1942
Lời 1:
Đây Bạch-Đằng giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng.
Giống Lạc Hồng Nam Bắc Trung.
Trên trời xanh, muôn sắc đua chen bóng ô.
Dưới đáy giòng nước, ánh sáng vởn vơ nhấp nhô.
Hàng cây cao soi bóng, gió cuốn muôn ngàn lau.
Hồn ai đang phảng phất trong gió, cảm biết bao!
Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành:
Thời liệt oanh của bao thời xưa trung chính.
Vì yêu quốc gia, vui lòng hiến thân. Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần.
Điệp khúc:
Giòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng.
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng.
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng.
Đằng-giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung
Lời 2:
Trên dòng sông muôn bóng gợi trong trí ta.
Biết mấy thành tích, biết mấy gắng công thiết tha.
Kìa quân Ngô tiên-chủ, chém giết quân Tàu man.
Kìa Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Thoát Hoan.
Thời gian qua đã bôi mờ trong đêm tối.
Người nay có hay đã vì chúng ta. Người hùng anh xưa giữ nước non nhà.
[Điệp khúc: như lời 1 trên đây]
Connecticut, tháng 9/2016
TRƯƠNG QUANG
* * *
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com