Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
HỌ TRƯƠNG VÀ NHỮNG NGÔI MỘ THIÊNG
TRƯƠNG QUANG CẢM

 

1. Dòng họ Trương

 

Họ Trương Đăng xuất phát từ Hà Thanh thuộc xã Thạch Long huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Vào định cư tại xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi cách nay 395 năm. Trải qua 395 năm truyền được 16 đời. Hơn 6.000 người ở khắp nơi trong nước và trên thế giới. Sinh ra nhiều người con ưu tú đóng góp cho đất nước, như: thời Tây Sơn có Đô Đốc Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ, Tri Phủ Trương Đăng Phác… Thời nhà Nguyễn có Thái sư Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế, Đông các Đại học sĩ Trương Quang Đản… Thời cận đại có Trương Quang Thống đại đội trưởng du kích Ba Tơ, Trương Quang Trọng, sinh viên y khoa, Bí thư tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội bị bắt và hi sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết ở nhà ngục KonTum tháng 7 năm 1931, Trương Quang Giao lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ, Bí thư khu ủy khu V, Phó Ban Thống Nhất Trung ương, Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng CS/VN.

 

Dòng họ được ghi chép đầy đủ trong gia phả cổ bằng Hán tự khắc gỗ (mộc bản). Đầu thế kỷ XX gia phả được trùng tu viết tay chữ Hán Nôm gồm 5 cuốn với 518 trang giấy cỡ 15 x 23cm. Do cử nhân hàm Thị giảng Học sĩ Trương Quang Phùng (đời thứ 9) làm chủ biên. Bộ gia phả hoàn thành cuối triều Khải Định năm thứ X Ất Sửu 1926. Nội dung bộ gia phả viết từ năm vị Tổ thứ nhất Trương Đăng Nhứt vào Nam năm Quí hợi 1623 niên hiệu Vĩnh Tộ, Lê Thần Nông đến năm 1926 cộng 303 năm gồm 11 đời kế tiếp. Đến năm 1970 Gia phả được dich ra chữ quốc ngữ bởi nhà giáo Trương Quang Văn và Tri huyện Đỗ Linh… Đến năm 1984, kỹ sư Trương Quang Phương (đời thứ 11) dựa vào bộ gia phả đã được dịch ra chữ quốc ngữ, viết thành một bộ gia phả mới trình bày theo mã số. Năm 2003 Trương Quang Nhàn tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn 1962 kế thừa các bộ gia phả trước đó, viết thành bộ gia phả qui mô và hiện đại theo cách viết trang web.

 

2. Về những ngôi mộ.

 

2a. Mộ Trương Đăng Nhứt (còn gọi mộ Thủy tổ hay mộ Bàu Cò):

 

Hai vợ chồng Trương Đăng Nhứt cùng với những người họ Phạm, họ Võ… là những người đầu tiên rời xã Thạch Long Thạch Hà, Hà Tĩnh vào định cư ở xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1623. Hai ông bà sinh được một người con trai tên Trương Đăng Trưởng (1623-1679). Cuối đời ông Trương Đăng Nhứt mất, gia đình đào huyệt định táng ở cánh đồng bên kia của bàu ruộng. Nhưng tối trước ngày táng, người con trai ngủ thấy chiêm bao có một cụ già râu trắng tóc bạc chống gậy dặn: “Ngày mai trên đường đi đến huyệt mả, nếu đứt dây ở đâu táng ở đó. Chôn chỗ này, ngày sau con cháu thịnh vượng” nói rồi biến mất. Quả hôm sau lúc khiêng quan tài đi ngang bàu ruộng nước xâm xấp thì bỗng đứt dây. Nhớ lại điềm chiêm bao, người con trai quyết định chôn cha ngay tại đó. Đây là vùng trũng bàu ruộng ngập nước nhưng từ khi có mộ, đất tự nhiên cứ bồi nâng lên, rồi cò khắp nơi bay về đậu. Từ đó mộ có tên là mộ Bàu Cò. Ngôi mộ được trùng tu nhiều lần, hai lần gần đây là 1960 và 2003. Hàng năm dòng họ giỗ 13, 14, 15 tháng hai âm lịch con cháu khắp nơi dự và viếng mộ Tổ. Việc linh ứng này được thể hiện từ chỗ chỉ có hai vợ chồng mà nay đã truyền được 16 đời và hơn 6.000 con người. Ở mỗi đời, có nhiều người đỗ đạt và làm quan to.

 

2b. Mộ ông Trương Đăng Hưng (còn gọi là mộ Báo ân hay mộ Lùm)

 

Ông Trương Đăng Hưng (1650-1720) đời thứ ba là con ông Trương Đăng Trưởng và là cháu nội ông Trương Đăng Nhứt làm quan chức Cai Hiệp, khi về hưu trí được phong tước Huy Đức Tử. Theo gia phả kể lại trong vườn nhà ông có một cây cổ thụ bị gió bão đánh bật gốc. Ông phát hiện dưới gốc cây có một chum vàng. Ông đem vào nhà đào lỗ chôn. Mười năm sau bỗng có người Tàu lạ từ xa đến vườn ông tìm kiếm nhiều lần. Thấy lạ ông hỏi, người khách bèn trình bày sự thật và đưa tờ chúc thư có vẽ bản đồ kho báu của ông bà họ để lại cho ông xem. Sau khi xem xong, ông nói: “việc này quả có”. Rồi dẫn người Tàu ấy vào nhà mình chỉ nơi chôn cất vàng. Sau khi đào lên thấy chum vàng vẫn còn dấu niêm, mở ra đếm thấy đủ số như trong tờ chúc thư ghi. Người khách Tàu quá khâm phục đề nghị tặng ông một nửa số vàng nhưng ông nhất mực từ chối. Ông nói: “Đây là của cải của ông bà quí ông, lão phu không lấy làm gì.” Nói sao ông cũng không nhận. Người khách Tàu bèn làm mâm cỗ cúng heo quay tạ ông bà mình và thết đãi người chủ nhà. Phát hiện trong bụng heo quay và nhưn bánh tét có vàng, ông Hưng bèn trả lại. Người khách Tàu phải than: “Ông Phước Thọ này, tuy nghèo được nghìn vàng mà không đem dùng, nay tặng cũng không nhận, cái thạnh tình này, nghìn năm chỉ có một”. Xong xuôi xin cáo biệt về nước. Ba năm sau người này trở lại, dẫn theo một thầy địa lý danh tiếng người Tàu đến thăm và đề nghị tặng một huyệt mộ đặc biệt để báo ân ông. Thầy Tàu tìm ra được một huyệt mộ và hết sức trầm trồ ngạc nhiên phán rằng: ”Giai thành thông thông, thế xuất hầu công” (Ngôi mộ này đẹp đời đời có công hầu). Đến ngày mùng 3 tháng 1 âm lịch năm Kỷ dậu 1729, ông mất và được chôn cất ở huyệt này. Đó là ngôi mộ Lùm còn gọi là mộ Báo ân hiện ở Gò Ra, Trà Sơn, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Trước đây, nơi này cũng là một thắng cảnh ở trong vùng. Cây cối mọc chung quanh ngôi mộ cứ mọc cong ra làm thành một bức tường tự nhiên rất đẹp và mộ luôn sạch sẽ.

 

2c. Mộ ông Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ đời thứ sáu

 

Lúc nhỏ ông Trương Đăng Đồ ra học ở kinh đô Huế. Nhờ nổi tiếng hay chữ và võ giỏi được nhà Tây Sơn trọng dụng phong chức Đô Đốc và tước Hầu: Tú Đức Hầu. Tháng 6 năm Nhâm tuất 1802, ông phò vua Quang Toản và Quang Thùy chạy ra Bắc cầu viện. Tại Sơn Tây bị quân nhà Nguyễn bao vây quá ngặt, không chịu để quân Nguyễn bắt giết, ông nói với với vợ là bà Nguyễn Thị Dung, một trong “ngũ phụng thư” của nhà Tây Sơn: “Phận tôi đáng chết, còn bà nên về Nam”. Bà khẳng khái nói: “Bề tôi chết vì vua, vợ lại không được chết vì chồng hay sao?”. Ông bà đã tuẫn tiết bằng gươm. Đó là ngày 21 tháng 6 âm lịch. Người đời thương tiếc là bậc trung nghĩa nên đã chôn cất tử tế ở tỉnh Sơn Tây. Về sau Thái sư Trương Đăng Quế cháu gọi bằng chú ruột đã đưa hài cốt ông bà về cải táng tại xã Tinh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ngôi mộ đã được trùng tu năm 2013. Trong khi trùng tu một người cháu trong họ tên là Trương Quang Huệ (đời thứ XIII) vái xin ông để được lấy một mảnh xương về thờ và sau này có dịp thử ADN tìm cho ra hậu duệ cho ông. Vì đây đó có giả thuyết cho rằng Trương Cầm thân phụ của Bình Tây Nguyên Soái Trương Định là con của Trương Đăng Đồ.

 

2d. Mộ ông Trương Đăng Phác (1758-1801)

 

Ông là anh ruột của Trương Đăng Đồ và là thân phụ của Thái Sư Tuy Thạnh Quận Công Trương Đăng Quế. Nổi tiếng là người ham đọc sách và có kiến thức rộng được nhà Tây Sơn trọng dụng cử chức tri huyện Mộ Hoa (Mộ Đức) sau thăng lên chức Hữu Tuyên Vũ tức Tri Phủ tỉnh Quảng Ngãi. Nhà Tây Sơn sụp đổ, ông mất đột ngột, tương truyền là tự tử để giữ lòng trung “trung thần bất sự nhị quân” (người trung thần không thờ hai chúa) lúc mới 44 tuổi. Mộ táng tại xã Tịnh Khê. Đặc biệt trong quần thể hai ngôi mộ của ông bà có hai tấm văn bia của Thái Sư Trương Đăng Quế, một viết dựng cho cha, một viết dựng cho mẹ lời lẽ chân thành xúc động. (xem phụ lục 1, 2)

 

2đ. Mộ ông Trương Đăng Quế (1793-1865)

 

Năm 1819 ông thi đỗ Hương Tiến (học vị cao nhất thời Gia Long) và là người khai khoa thủ sĩ của tỉnh Quảng Ngãi. Làm quan đến nhất phẩm triều đình. Về hưu ở nhà từ đường, nhà tranh vách đất. Khi mất, triều đình bãi triều 3 ngày. Ngôi mộ được chính quyền bấy giờ xây, có thành nội thành ngoại, bốn góc có bốn trụ búp sen, dưới bốn trụ ấy là bốn chum dầu phụng có tiêm bấc thắp sáng nhiều năm. Chung quanh khuôn viên mộ trồng thông. Phía trước quần thể mộ là một nhà bia bằng đá non nước ở Thanh Hóa, văn bia do Tuy Lý Vương viết về Thầy của mình.

 

2e. Mộ ông Trương Quang Du (1845- 1904)

 

Ông là con trai thứ năm của Thái sư Trương Đăng Quế. Khi còn đương chức Trương Đăng Quế không cho năm người con trai ra thi và làm quan. Khi ông mất các con mới ra thi và được bổ làm quan. Ông Trương Quang Du làm Thương Tá tỉnh vụ. Ông có ba bà vợ và toàn con gái. Ông lập đàn chẩn tế cúng chùa, từ thiện, cầu nguyện mới có được người con trai duy nhất. Trước khi mất ông đã nhờ thầy địa lí tìm huyệt mộ phát đinh tức sinh nhiều con trai. Ngôi mộ hiện nay tọa lạc gần nhà chiến tích Sơn Mỹ (Tịnh Khê). Về sau nhánh phái này sinh con cháu trai rất nhiều như người ta thường nói “con một cháu bầy”.

 

2g. Mộ ông Trương Quang Diêu (1815-1900)

 

Tri phủ Trương Đăng Phác (1758-1801) sinh 4 người con trai là Trương Đăng Sĩ, Trương Đăng Dực, Trương Đăng Quế, Trương Đăng Tưởng. Ông Trương Quang Diêu là con ông Trương Đăng Sĩ. Cha mẹ mất sớm ở với chú ruột (trọng thúc). Lớn lên ra kinh thành Huế ở với chú ruột Trương Đăng Quế (quí thúc phụ) đi học 3 năm. Về lại quê nhà lập gia đình. Sau ra Huế được chú ruột cho đi học khóa Lễ sinh để về thờ tự nhà thờ họ. Ông vừa thừa tự nhà thờ vừa biết buôn bán làm ăn. Thời ấy ông đã có đội ghe bầu gần chục chiếc và thợ thuyền gia nhân vận chuyển các sản vật của quê nhà như đường muỗng, bột huỳnh tinh… đem ra tận Nam Định bán rồi mua vải vóc, chén bát đĩa sành sứ ở Nam Định đem về quê bán. Thời ấy, người sống 70 tuổi rất hiếm (nhân sinh thất thập cổ lai hi). Năm 84 tuổi, Thành Thái thứ 11 (Kỷ Hợi 1899) ông được tặng thưởng “Bách Tuế thọ quan”. Biết tuổi già có ngày cũng mất, ông viết sẵn cho mình một văn bia (xem phụ lục 3). Năm 2012 đi giẫy mộ, mọi người biết là mộ cổ trong họ nhưng không biết là mộ của ai. Ông Trương Quang Huệ (đời thứ XIII) vái xin, liền sau đó phát hiện ra được tấm bia viết bằng chữ Hán bị chôn vùi trong cát hơn ¾ phần. Đó là mộ phần và văn bia do chính ông viết.

 

3. Phần Kết

 

Ở nước ta có rất nhiều dòng họ, riêng dòng họ Trương là một dòng họ lâu đời, có số lượng con cháu rất đông. Chỉ kể gốc ở Quảng Ngãi đời thứ nhất Trương Đăng Nhứt thì đến nay đã có 16 đời hơn 6.000 người, nếu kể luôn gốc Trương ở Thạch Hà, Hà Tĩnh thì số lượng người sẽ hơn mấy chục lần đó nữa. Vốn từ trước là dòng họ Trương Đăng nhưng đến đời vua Kiến Phúc tên là Ưng Đăng, vì kỵ húy, từ 1884 tộc Trương Đăng đổi thành Trương Quang. Chỉ riêng về gia phả, ngôi mộ và các tấm văn bia của dòng họ cũng giúp ích rất nhiều cho các nhà gia phả học và văn bia học, địa lí học nghiên cứu./.

 

Trương Quang Cảm.

 

*  *  *

 

Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang QN: Đất nước, con người,
click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com

 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh