Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
MỘT CUỘC CHIA LY KHÔNG HẸN TRƯỚC.
CHU THIÊN TỬ

Mở speakers ON, click vào tam giác bên trái để nghe.

Muốn OFF, click vào hai gạch thẳng đứng bên trái.

NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG

Sáng tác: Thanh Sơn 

Ca sĩ: Giao Linh

 

Trên cành một cây cổ thụ trong khu rừng kia có đôi chim tha rác về làm tổ, đẻ trứng, sinh con. Sau một thời gian mớm mồi, tập bay, đàn chim con đủ lông, đủ cánh đã xa lìa tổ ấm bay đi muôn phương, tự sinh tồn, kết bạn rồi sinh sôi nảy nở.

 

Đôi nam nữ kia kết bạn lứa đôi, sinh con, nuôi dạy khôn lớn, chúng cũng dần dần tách ra, tìm phương sinh sống, lập tổ uyên ương cho riêng mình, xa dần ngôi nhà gốc. Chuyện phân ly để phát triển sinh tồn âu cũng là qui luật. Qui luật này cũng đã xảy ra tại một ngôi trường thân yêu mà tôi đã ròng rã theo học bảy năm đằng đẳng, đó là trường Trung học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi.

 

Vào thập niên 60 và những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước 20, tỉnh Quảng Ngãi chỉ có một trường công lập có đệ nhất và đệ nhị cấp, đó là trường Trung học Trần Quốc Tuấn. Trường có hai cấp học: Trung học Đệ Nhất cấp gồm 4 khối Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ và Đệ tứ và Trung học Đệ nhị cấp gồm 3 khối, Đệ tam, Đệ nhị và Đệ nhất. Học sinh tuyển vào các lớp Đệ thất phải qua một kỳ thi rất cam go. Thí sinh trong 10 quận (huyện ngày nay) của tỉnh khoảng trên 2.000, trường nhận hơn 300 học sinh, chia làm 7 lớp. Tôi đã may mắn trúng tuyển và từ một miền quê hẻo lánh xa xôi được bước chân lên tỉnh, theo học ngôi trường danh giá này.

 

Niên học 1960-1961, trường chia ra 3 lớp Anh văn và 4 lớp Pháp văn, tôi vào lớp Đệ thất 3 Anh văn. Lớp tôi có khoảng trên 50 học sinh, nữ sinh khoảng hơn mười bạn. Các bạn nữ lớp tôi xinh đẹp, duyên dáng làm sao! Đa số họ là con cháu những gia đình khá giả, khi mùa Đông về họ khoác lên mình những chiếc áo len sắc màu sặc sỡ càng tăng thêm vẻ quý phái, trang đài. Những bóng hồng lớp tôi ngày ấy như Kim Trâm (về sau là phu nhân của thầy Trần Văn Giao), Bạch Yến, Nguyễn Thị Hồng...

 

Niên học đầu tiên đã êm đềm trôi qua, hè về phượng nở, ve ngân rồi chia tay viết lưu bút cho nhau. Theo sự chuyển vần của tạo hoá, mùa Thu lại về, náo nức sắm sang sách vở, áo quần, bảng tên để chuẩn bị nhập học. Năm học thứ hai, năm Đệ lục bắt đầu. Chúng tôi đã dạn dĩ và quen thuộc hơn với ngôi trường bề-thế này, đặc biệt cơ thể phát triển hơn lên, tuổi mười lăm, mười sáu ý niệm về giới tính dường như âm ĩ phát triển theo, lòng thấy thầm yêu trộm nhớ vẩn vơ những bông hoa xinh đẹp của lớp mình chẳng một ai dám bày tỏ nỗi lòng...

 

Mùa Hè nữa lại về, cây phượng già ngoài cổng chẳng ai bón phân tưới nước vẫn kiên cường đơm hoa đỏ ối, tiếng ve ngân buồn tấu khúc nhạc chia ly! Chúng tôi chia tay nhau về quê phụ giúp công việc đồng áng hay đá bóng, thả diều thoả thích... Thời ấy ít ai bận học hè, học “bồi dưỡng”, học nâng cao như thời đại hôm nay.

 

Đầu năm Đệ ngũ (1962-1963) tức 7 năm sau ngày lập trường (1955-1962), như mọi năm chúng tôi họp đàn sau mùa Hè xa cách. Ngôi trường sáng sủa khang trang và rộn rã tiếng cười vui ngày họp mặt. Sau vài tuần vào lớp, bỗng một hôm dăm bảy thầy từ văn phòng mang theo sổ sách xuống từng phòng đọc tên các nữ sinh từ khối Đệ thất đến khối Đệ tứ chuẩn bị sách vở rời trường . Quang cảnh khá hỗn độn vào buổi sáng hôm ấy. Chúng tôi ngơ ngác lẫn ngac nhiên rồi mới hay nữ sinh chuyển trường. Họ tách rời ngôi trường mẹ Trần Quốc Tuấn thân yêu để về ngôi trường mới vừa xây xong, đó là trường Nữ Trung học đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, ngày nay là trường Trung Học Phổ Thông Trần Hưng Đạo.

 

Cuộc chia ly bất ngờ không được báo trước không lời từ biệt, trong lòng chúng tôi dấy lên nỗi niềm bâng khuâng nuối tiếc khôn nguôi...

 

Hai năm sau tức vào năm 1964, những cánh thiên nga xa đàn giờ trở về quê mẹ sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp (Đíp-lôm), tuy nhiên tôi không còn được học chung với bạn nữ nào của hai năm về trước thay vào đó là hai bạn nữ từ các trường Tư thục chuyển vào. Tôi học lớp Đệ tam B1 (ban Toán Lý Hoá), các bạn nữ trước đây như Kim Trâm, Bạch Yến, Nguyễn Thị Hồng... Học ban A (Lý Hoá Sinh) hay ban C (Văn, Sử Địa), giờ đây trông họ đã "anh hoa phát tiết đủ đầy", vừa xinh đẹp vừa duyên dáng chững chạc. Họ là đối tượng của các bậc đàn anh và của một số Giáo sư độc thân trẻ tuổi, chúng tôi chỉ biết thương trộm nhớ thầm thỉnh thoảng gặp nhau chỉ hé môi cười thay lời chào hỏi.

 

Ngày nay, đã hơn 50 năm, vật đổi sao dời, mỗi khi hồi tưởng về cuộc chia ly gấp vội không hẹn ước của ngày nào năm ấy, lòng tôi như còn gờn gờn cái cảm giác buồn thương tiếc nuối vẩn vơ!

 

Lớp tôi ngày mới nhập trường có trên 50 bạn ngày nay tôi chỉ còn gặp một người cùng tôi ròng rã 7 năm liền ở Trần Quốc Tuấn là Phạm Duy Ninh, mười mấy bạn nữ xinh đẹp cùng bao bạn nam ngày ấy giờ họ đi đâu? về đâu? ai còn ai mất? Phải chăng nhân sinh là ảo ảnh, biến hiện vô thường!

 

Lòng buồn mang mang ký ức của thời áo trắng xa xưa hiện về, tôi ngâm khe khẽ mấy vần thơ không đề trong một đoản văn của mình trước đây về tuổi học trò như sau:

 

Hoa phượng nở rồi hoa phượng rơi

Vô tư đem sắc hương dâng đời.

Hoa tươi, hoa đẹp hoa hồng thắm ,

Nào hiểu gì đâu chuyện đổi dời.

 

Ve sầu hè đến ve sầu ca

Râm ran trong ánh nắng chan hoà

Vô tư ve hát quên ngày tháng,

Vướng bận gì đâu chuyện cách xa!

 

Xa cách sum vầy chuyện thế nhân

Tiếc thương thời áo trắng vô ngần,

Trường xưa, Thầy cũ bao bằng hữu

Giờ đã về đâu giữa cõi trần!

   

CHU THIÊN TỬ

(Nguyễn Thái Ất, TQT niên khoá 1960-1967).

Sài Thành 17-3-2016

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây 
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click vào đây 
trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh