Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NGUYỄN CƯ TRINH VÀ MIỀN ẤN TRÀ.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Mùa Xuân năm Canh Ngọ (1750), Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) bổ dụng Đạm Am Nguyễn Cư Trinh, 34 tuổi, người Thừa Thiên làm Tuần-Vũ Quảng Ngãi. Ông là một trong số rất hiếm những nhà cai trị đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân địa phương từ thời ông bắt đầu đặt chân trị nhậm Quảng Ngãi mãi cho đến ngày nay bởi những gì ông đã cống hiến cho họ. Do đó, ở đây, chúng tôi sẽ chỉ bàn về giai đoạn Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ Quảng Ngãi mà thôi.

THỜI GIAN NGUYỄN CƯ TRINH LÀM TUẦN VŨ QUẢNG NGÃI:

Tất cả các tài liệu hiện hành nói về Nguyễn Cư Trinh đều xác nhận ông về làm Tuần vũ Quảng Ngãi vào đầu năm Canh Ngọ (1750).

Ông rời Quảng Ngãi năm nào? Trong các tài liệu có nhắc đến tên tuổi Nguyễn Cư Trinh mà chúng tôi được biết đều không thấy ghi rõ thời điểm xảy ra sự kiện này.

Trong Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh và truyện Sãi Vãi, 2 ông Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật ghi như sau:

“Nhờ tấm lòng nhân và quân tử, ông (Nguyễn Cư Trinh) bình định mọi Đá Vách rất mau chóng.

Chẳng những thế, mùa Đông năm sau (1751) ông còn làm sớ dâng vua, bày tỏ nỗi khổ sở của thổ dân và yêu cầu Triều đình nên tùy thời để giữ lòng dân, vì dân là gốc của nước...(1).

Nhưng sớ ấy tâu lên, không có công hiệu gì, ông bèn hết sức xin từ chức. Vua mới triệu về, bổ ông sang làm chức Ký lục Bố Chánh dinh...

Lúc bấy giờ, chúa Trịnh gởi thư xin mượn đường Trấn Ninh để đi đánh Lê Duy Mật. Ông viết thư trả lời không cho”. (2)


Theo đoạn văn trên, ta được biết Nguyễn Cư Trinh đã bình định xong người Thượng Đá Vách ngay trong năm 1750, năm ông vừa đến nhậm chức Tuần Vũ, và cuối năm sau (1751) ông dâng sớ xin cải cách lên Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát nhưng không được Võ Vương cho thực hiện, ông bèn dâng sớ xin từ chức và đã được chấp thuận. Ở đây, ta không thấy nêu rõ ông xin từ chức năm nào và được bổ dụng làm Ký lục dinh Bố Chính vào năm nào. Ngay cả việc ông viết thư khước từ việc mượn đường gửi cho chúa Trịnh cũng không biết đã xảy ra vào năm nào.

Rất may, đọc Việt Sử: Xứ Đàng Trong, ta được biết:

-”...Năm Quý Dậu (1753) (Trịnh Doanh) đưa thư cho Nguyễn Vương, xin mượn đường Trấn Ninh để tiến quân (dẹp cuộc khởi Nghĩa của Lê Duy Mật, ghi chú của ĐĐN), Nguyễn Vương sai Ký lục dinh Bố Chính là Nguyễn Cư Trinh làm thư khước từ” (3).

Cũng trong Việt Sử: Xứ Đàng Trong:

-”Năm Quý Dậu (1753) sai Cai đội Thiện Chính (không rõ họ), Ký lục Nguyễn Cư Trinh đem đại binh đánh Chân Lạp...” (4).

Vậy là từ năm quý dậu (1753), Nguyễn Cư Trinh không còn làm Tuần Vũ Quảng Ngãi thuộc dinh Quảng Nam nữa mà đã nhận chức Ký lục tại dinh Bố Chính (Ký lục là một chức thuộc hàng văn quan ngang với chức Bố chánh sau này).

Như vậy, ta có thể xác định là Nguyễn Cư Trinh giữ vai trò Tuần Vũ Quảng Ngãi trải qua các năm Canh Ngọ (1750), Tân Mùi (1751) và Nhâm Thân (1752).

CÔNG CUỘC BÌNH ĐỊNH NGƯỜI THƯỢNG ĐÁ VÁCH:

Như ở trên đã nói, tháng 2 năm Canh Ngọ (1750), Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát bổ nhiệm Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tuần Vũ Quảng Ngãi với trọng trách dẹp những cuộc nổi loạn cướp phá của người Thượng Đá Vách.

Sử gia Nguyễn Đức Cung trong Lịch Sử Vùng Cao Qua Vũ Man Tạp Lục Thư đã nói về người Thượng Đá Vách như sau:

-”Sắc tộc này ở rải rác trong các quận Sơn Hà, Minh Long và nhiều nhất là ở quận Ba Tơ cho nên một số tài liệu cũng gọi sắc tộc này là người Thượng Ba Tơ. Sắc tộc này trước đây có tên là “Mọi Chòm”. Nguyễn Bá Trác cho biết thêm danh từ “Mọi Đồng” cũng được dùng để chỉ sắc tộc Thượng này “vì chúng ở dưới đồng bằng từng chòm, từng xóm.”

Các tài liệu khác cũng gọi họ tên chung là Hré hay Rê hoặc một số các tên khác như Kré, Khét, Hreng, Karé v.v... Nguyễn Tấn đặt chú tâm vào sắc tộc này và gọi tên chung là Thanh Cù” (5). Sắc tộc này ngày xưa còn được biết dưới cái tên “mọi Đá Vách” hay “Thạch Bích man”. Vóc người tầm thước như người Kinh nhưng rắn chắc, da ngăm ngăm, có tục lệ “cà răng căng tai”, mắt đen và khá lanh lẹ. Nguyễn Tấn, một người cũng có công lớn trong việc bình định người Thượng Đá Vách, có những kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về sắc dân này đã nhận xét như sau:

-”Người “man” ở tỉnh tôi tánh tình hung hãn, đi đứng, chạy nhảy lanh lẹ, “đến như luồng sóng, đi tựa ánh chớp” (như lời của Vương Khôi đời Hán), dựa vào nơi hiểm yếu, bắn tên phóng lao, đó là mọi sở trường của họ vậy.

Khi nghe ta tiến binh đánh, chúng kéo ra vài chục tên hung ác, hoặc khoảng mười tên hay năm, sáu mươi tên chận chỗ hiểm yếu để chống lại. Nếu chúng cự chiến không nổi thì lặng lẽ trốn chạy không để lại dấu tích, đợi quân ta tiến đến thì chúng từ trong núi sâu la hét vang dội cả núi rừng khiến cho ta kinh hãi, rồi thừa cơ đánh tập hậu ta, hoặc chận giữ nơi hiểm trở rồi bắn tên phóng dáo tới tấp. Nếu ta thất thế một lần thì chúng lại trở nên đắc chí. Trước đây quan binh ta đã từng bị chúng đánh thua và đấy chẳng phải là một lần mà thôi” (6).


Nguyễn Cư Trinh không phải là người đầu tiên giữ trọng trách đối phó với người Thượng Đá Vách. Ngay từ khi Lê Thánh Tông (1460-1497) chiếm được vùng đất của người Chiêm Thành từ phía nam đèo Hải Vân vào đến đèo Cả và lập nên Thừa tuyên Quảng Nam (1471), người Việt đã phải đối phó với sắc dân thiểu số này. Bùi Tá Hán (1496-1568) người Châu Hoan (Nghệ An) đã chọn làng Thu Phổ, huyện Tư Nghĩa làm quê hương đã là người Việt Nam đầu tiên khuất phục được sắc dân thiểu số này và được họ rất kính sợ. Thế nhưng, sự kính sợ cũng chỉ có hạn trong những khi họ còn no đủ. Khi đói kém họ mau chóng thay lòng đổi dạ. Mà biết làm sao khác được. Họ sống nhờ vào nương rẫy. Gặp năm thiên tai hạn hán, mùa màng thất bát, không cách nào sinh sống, họ bèn tổ chức thành từng đoàn xuống đồng bằng cướp lương thực, trâu bò để sinh sống.

Biết vậy, nên vừa nhậm chức, trước khi phải dùng lực để trấn áp, Nguyễn Cư Trinh, một tay từ hàn khét tiếng của triều Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, đã viết thư để phủ dụ bọn người này nhưng bọn họ vẫn không chịu hàng phục. Dùng thư chiêu dụ không xong, Nguyễn Cư Trinh đặt kế hoạch tiến binh lại gặp sức phản động của bọn quan binh đương thời. Quả thực, sau trận giao tranh lần thứ bảy, cũng là trận giao tranh cuối cùng giữa 2 dòng họ Trịnh - Nguyễn vào năm 1672, cho đến trước ngày Nguyễn Cư Trinh trấn nhậm Quảng Ngãi (1750), non 80 năm Đàng Trong của chúa Nguyễn được coi là thanh bình. Mọi người hầu như không còn biết chiến tranh là gì. Bỗng dưng người Thượng Đá Vách tràn xuống quấy phá, cướp bóc. Phải đối đầu với bọn người hung tợn đang lâm vào tình trạng đói kém này, quả là một thử thách quá lớn đối với quan quân đương thời. Vậy nên, khi Nguyễn Cư Trinh bàn đến kế sách dùng quân sự để chống trả lại sự quấy nhiễu của nhóm người Thượng này, các bạn đồng liêu dưới quyền của ông lập tức nêu ra muôn vàn lý do trở ngại để bàn không nên gây chiến, nào đường lên rừng núi xa xôi cách trở, nào phải đối đầu với lam sơn chướng khí, với rắn rết hùm beo v.v... và v.v...

Để phản ứng lại tinh thần bạc nhược sợ khó ngại khổ của bạn đồng liêu, của quần chúng đương thời, đồng thời để phấn khích tinh thần binh sĩ dưới quyền, ông đã sáng tác tập truyện nôm Sãi Vãi.

Viết truyện Sãi Vãi, ông nhằm vào hai mục đích: bài xích các nhà tu hành Phật giáo với tinh thần xuất thế vô vi(?) đồng thời xiển dương tinh thần nhập thế tích cực của Tống Nho để từ đó kích động tinh thần quan quân trong công cuộc bình định người Thượng Đá Vách.

“Không phải Nguyễn Cư Trinh chỉ bài xích người đi tu dựa thế vào chùa trốn xâu, lậu thuế nhưng lòng còn đầy thất tình lục dục, ông còn đi xa hơn: đả kích ngay chính sự tu hành đúng nghĩa” (7).

Bởi vì theo ông “Sự tu hành đối với thời sinh lộ của quốc gia đang bị chận, vào lúc địch phía Bắc (tức chúa Trịnh) lúc nào cũng dòm ngó, cũng trông chờ dịp tiến quân vào đánh phá không thể chấp nhận được” (8).

Bài xích lối tu hành theo Phật giáo, ông hết sức xiển dương “tu hành theo đường lối Tống Nho, cốt là ích quốc lợi dân bằng cách luyện tập thao lược, sửa quốc gia, trau dồi nhân đức để cảm hoá dân chúng” (9).

Hễ đạo làm đế làm vương, thì phải tu nhân tu chính.
Tu quyền, tu bính; tu kỷ, tu cang.
Trên, thì tu Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang; dưới, thì tu kinh luân thao lược.”

(Truyện Sãi Vãi)

“Tu kinh luân thao lược” chính là đem thân ra giúp nước mỗi khi đất nước lâm nguy. Và để kích thích tinh thần quan quân, trước khi đưa ra nguyên do trực tiếp phải chiến đấu, ông đã vẽ ra con đường tương lai trước mắt đầy hấp dẫn. Đó không phải là con đường tiến về phía Tây vì phía Tây gặp dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp. Đó không phải là con đường ngược về phương Bắc vì phương Bắc bị dòng họ Trịnh đang án ngữ. Và dĩ nhiên, đó cũng không phải là con đường tiến về phương Đông vì phương Đông là biển cả bao la. Vậy thì chỉ có một sinh lộ duy nhất. Đó là con đường tiến về phương Nam với đất đai bạt ngàn, nhưng...

Tây phương không đường tới; Bắc lộ khó nẻo qua.
Đường Nam phương thấy đó chẳng xa, thì những sợ nhiều quân Đá Vách.

(Truyện Sãi Vãi).

Phải rồi. Muốn tiến về Nam để mở đường sống cho quốc gia cần phải san bằng mọi chướng ngại. Và sắc tộc Đá Vách chính là một cản trở đầy thử thách phải vượt qua cho bằng được. Bởi lẽ, Nguyễn Tấn sau này đã nhận xét về họ như đã được trích trên đây, họ tàn ác và nguy hiểm:

Tưởng thôi lạc phách; nhớ đến kinh hồn.
Nọ giết người như dế, như trùn; nọ hại người như rít như rắn.
Đến đâu là tảo tận; bắt đặng ắt giết tươi.
Đã vào làng cướp của hại người; lại xuống nội bắt trâu đuổi ngựa.

(Truyện Sãi Vãi)

Ông kêu gọi mọi người hãy đồng tâm nhất trí san bằng cho bằng được trở ngại này. Và ông đã ý thức một cách rõ ràng rằng, chính ông, Nguyễn Cư Trinh, Tuần phủ Quảng Ngãi, cùng các thuộc hạ đều phải là những người chịu trọng trách trong công việc bình định người Đá Vách nếu không, càng để về sau càng nhiều nguy hiểm như kinh sách xưa đã dạy: bọn mọi rợ phía tây (Tây Nhung) và bọn mọi rợ phía bắc (Bắc Địch) phải đánh mà đuổi đi như người Tàu ngày xưa đã làm, thì bọn - mọi rợ - Đá Vách ngày nay cũng phải chịu một số phận như vậy:

Kinh trung hữu thuyết: “Nhung Địch thị ưng”
Ai chịu quyền trọng trấn nhứt phương; nếu không đánh để sau sinh tệ.

(Truyện Sãi Vãi)

Như vậy là, ngoài giá trị của một tác phẩm văn học, Sãi Vãi còn có giá trị của một bài Hịch thống thiết kêu gọi tinh thần chiến đấu của binh sĩ và chính nhờ bài hịch được truyền bá sâu rộng trong đám quan quân mà sau đó, mọi người đã nức lòng chiến đấu, và chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc dấy loạn của người Thượng Đá Vách đã bị dẹp tan.

Đánh giá chung về tác phẩm Sãi Vãi, giáo sư Trịnh Vân Thanh trong Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển đã viết:

“Tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh đã nói lên một phần lớn cái khéo léo trong việc “dụng đức trị dân”, dùng văn chương “động viên tinh thần” binh sĩ và đồng thời loại bỏ những cái gì quá “dị đoan mê tín” đưa con người đến chỗ biết chuộng “thực tế”, xa lánh những gì “viễn vông huyễn hoặc” (10).

Sau khi dẹp tan được sự quấy phá của người Thượng Đá Vách, để có thể giữ cuộc trị an lâu dài, ông cho quân “chiếm cứ sào huyệt bọn chúng, lập trại sách, đồn điền, đóng đồn nghiêm mật giả làm kế ở lại lâu dài, người «man» bèn đưa nhau đến cửa quân xin hàng” (11).


Trong bài văn bia đặt ở nhà từ đường của ông Nguyễn Tấn ở làng Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, một người cũng có công lớn trong công cuộc tiễu trừ người Thượng Đá Vách sau Nguyễn Cư Trinh hơn 100 năm, tức vào năm 1863, Lại bộ Hữu Tham tri kiêm quản Thông Chánh sứ Xuân Đình Lê Lượng đã viết lời khen ngợi sau đây:

“Từ thời Quốc sơ, người huyện Chương Nghĩa là Bắc quân Đô đốc Quận công Bùi Tá Hán, người Thừa Thiên là Lại bộ Thượng thư Nguyễn Cư Trinh, người Mộ Đức là Tả quân Đô thống Quận công Lê Văn Duyệt đến thì dùng uy, về thì giữ tín, người «man» sợ hãi không dám làm loạn” (12).

Miền xuôi được yên ổn một thời gian để từ đó triều đình chúa Nguyễn mới rảnh tay nghĩ đến việc mở mang bờ cõi về phương Nam.

CÔNG CUỘC CAI TRỊ:

Trong thời gian đầu trị nhậm Quảng Ngãi, Nguyễn Cư Trinh đặt toàn bộ trọng tâm vào công cuộc bình định người Thượng Đá Vách. Trong khoảng thời gian này, hẳn ông cũng đã phải đặt chân đến nhiều nơi thuộc vùng cao tỉnh Quảng Ngãi để xem xét tình hình địa thế đặt kế hoạch chiến đấu. Sau khi loạn đã dẹp yên, ông nghĩ ngay đến việc lo cho đời sống của dân chúng dưới quyền ông trị nhậm.

Trong thời Nguyễn Cư Trinh trị nhậm Quảng Ngãi, xứ Đàng Trong (còn gọi là Nam Hà) của chúa Nguyễn đang ở trong thời kỳ cực thịnh, “trong nước nông nghiệp mở mang, việc thương mãi với ngoại quốc được thịnh vượng; nghề khai mỏ (mỏ vàng ở Thuận Hóa và Quảng Nam, mỏ bạc ở Quảng Ngãi, mỏ sắt ở Bố Chánh) được phát đạt. Nhà nước thâu thuế được nhiều” (13).

Nhìn chung, xứ Đàng Trong lúc bấy giờ tuy có phồn thịnh, nhưng đó chỉ là lớp váng bề mặt. Đời sống của dân chúng nói chung không lấy gì làm khá giả và thái bình. Cứ xem ở lời căn dặn của nhà Chúa trước khi Nguyễn Cư Trinh đến lỵ sở Quảng Ngãi đủ rõ:

-”Thuộc lại gian tham, ngươi phải xét trị; hào hữu lấn cướp, ngươi phải ức chế; hộ khẩu không đông, ngươi phải làm cho phồn thịnh; nhân dân không kính thuận, ngươi phải giáo hóa; những kẻ gian tà, trộm cướp, ngươi phải bắt vào khuôn phép; mọi tình trạng của quân, nỗi khổ của dân, cho ngươi tùy nghi làm việc, chỉ cầu thanh sự, chớ ngại nhọc nhằn” (14).

Tuy chúng ta không còn giữ được tài liệu nào nói đến các thành quả về cai trị ông đã đạt được trong thời gian làm việc tại Quảng Ngãi trong vai trò Tuần vũ, nhưng căn cứ vào bản sớ mà ông gửi về triều đình, chúng ta cũng có thể đoán định được cách thức làm việc, ước vọng cai trị của ông như thế nào.

Trước khi có đủ chứng liệu để gửi về triều đình xin cải cách, hẳn ông đã đặt chân đến nhiều nơi trong địa hạt Quảng Ngãi. Nhờ những cuộc đi này, ông mới thấy hết cái tệ quan tham lại nhũng đầy rẫy trong địa hạt ông cai trị; ông mới thấy hết cái phi lý của cách thức cai trị về trước mà ông mong muốn được cải cách và trong những chuyến đi này, ông mới thấy hết cuộc sống cực khổ, đầy rẫy bất công mà lớp dân đen phải chịu đựng. Và dĩ nhiên, cũng nhờ vào những chuyến đi này mà ông đã khám phá và đặt tên cho mười cảnh đẹp của quê hương núi Ấn sông Trà.

Chúng ta hãy đọc những đoạn tấu sớ dưới đây để thấy hết nỗi lòng vì dân vì nước của một vị quan thanh liêm chính trực. Trong một tờ sớ gửi cho Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, ông đã bộc trực trình bày quan điểm về cách thức cai trị “thân dân”của ông:

-”Dân là gốc nước, gốc không vững thì nước không yên, ngày thường không lấy ân huệ mà hết lòng dân, đến lúc có việc sẽ nương cậy vào đâu? Trộm lo: Trong dân gian mối tệ cất chứa đã nhiều, nếu cứ an theo thói thường, giữ lề lối cũ, không tùy thời thêm, bớt, lập bày kỷ cương, thì một ấp chẳng làm được, huống chi một nước. Nay việc gây tệ hại cho dân là: cấp lính, nuôi voi, và nạp tiền án. Ngoài ra, còn sự nhũng phí quá lệ rất nhiều, nhưng việc ấy thuộc về kinh kỳ, (tôi) không dám vượt chức nói ra. Xin nói những việc trong chức phận: Dân Quảng Nghĩa chịu thống thuộc nhiều nơi, đã chịu lệnh của nha trường sai dư, lại chịu lệnh các nha trường điền tô, lại chịu lệnh các nha biệt tải, biệt nạp, lại chịu lệnh các nha sai viên vi tử, lại chịu lệnh các nha sai viên đầu nguồn, lại chịu lệnh bán phủ, lại chịu lệnh quan lại nha môn, lại chịu lệnh các sai nhân, lại chịu lệnh người đi săn ngang dọc, há chẳng phải 10 con trâu đến 9 người chăn? Nghèo khổ, thất nghiệp rất là đáng thương, đã không có hằng sản, làm sao giữ được hằng tâm? Trong lúc bình yên mà lòng dân còn rất dao động, một mai có việc thì chế ngự sao kịp?” (15).

Cũng nhân đó, ông nêu lên những điều tệ lậu trong cách thức cai trị đương thời và nêu lên một số đề nghị cải cách:

1. Chức trách các quan phủ huyện là trị dân ; nhưng ít lâu nay lại chỉ sai đi khám nã hỏi tra các việc kiện cáo. Xin từ giờ trở đi các thuế lệ về sai dư, điền tô, đều phó cho quan huyện biên thu; rồi giao về quan tỉnh Quảng Nam đệ nạp, để bớt sự phiền nhiễu.

2. Đến nay các quan phủ huyện chỉ lấy cách bắt bớ hỏi tra làm mối kiếm bổng lộc, cho nên dân càng ngày càng nghèo, tục càng ngày càng bạc. Nay xin cấp lương cho các quan, mà ai liêm hay chăm thì thăng lên, còn ai tham hay lười thì truất đi.

3. Hạng dân lậu thuế có hai: hạng du đãng mà trốn đóng thuế má là một; hạng đói rét mà trôi giạt tha phương là hai. Nếu nay không chia ra đẵng hạng nào, cứ chiếu tên trong sổ mà bắt đóng thuế thì tất nhiên chúng nó sợ hãi mà lưu tán đi hết, rồi ẩn nấp ở các nơi rừng rú; thành ra dân xã lại phải bồi thường, thì chịu sao cho nổi. Nay xin xét những kẻ lậu thuế, ví bằng còn có cách sinh nhai được, thì cứ theo lệ bắt đóng thuế; còn như những kẻ đói rét cố cùng thì tha cho, tùy cách mà vỗ về nuôi nấng, để cho chúng nó được sinh hoạt.

4. Phải làm yên dân, chớ không nên làm động, vì làm động dân thì nước dễ loạn, mà yên dân thì nước dễ trị. Nếu nay sai người đi săn bắn, bắt gà, bắt ngựa mà nhũng nhiễu dân gian, thì những kẻ giả mạo đến đâu náo động đấy, đến nỗi ai cũng kêu ca. Xin từ nay về sau, hễ sai người đi thì phải có giấy trình quan địa phương thẩm nghiệm; mà kẻ nào nhiễu dân thì bắt trị ngay, họa chăng lòng dân yên ổn, khỏi đến nỗi dao động” (16).

Trước khi đến Quảng Ngãi, ông đã được Võ Vương căn dặn bằng những lời tâm huyết về những điều ông phải làm. Vậy mà, khi va chạm phải một thực tế còn phũ phàng hơn nhưng điều nhà Chúa căn dặn, ông đã đưa những đề nghị cải cách nêu trên thì nhà Chúa lại tảng lờ, không hề đả động đến. Và ông đã xin từ chức Tuần vũ Quảng Ngãi.

VỀ 10 THẮNG CẢNH CỦA QUẢNG NGÃI.

Trong “Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh với quyển Sãi Vãi”, 2 tác giả Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật ghi:

“Ông Nguyễn Cư Trinh khi làm Tuần Vũ Quảng Ngãi, nhân cảnh thiên nhiên mà đặt tên cho “mười cảnh”, có lẽ đã hứng cảm về “Tiêu Tương bát cảnh” : Thiên Ấn niêm hà, Thiên Bút phê vân, Long Đầu hý thủy, La Hà thạch trận, Thạch Bích tà dương, Hà Nhai vãn độ, An Hải sa bàn, Cổ Lũy cô thôn, Liên Trì dục nguyệt, Vu Sơn lộc trường.

Trong phần ghi chú bên dưới, 2 ông ghi thêm:

“Sau thêm 2 cảnh nữa, thành 12 cảnh: Vân Phong túc vũ, Thạch Cơ điếu tẩu” (17).

Trong “Non Nước Xứ Quảng tân biên” do nhà sách Khai Trí, Sài Gòn ấn hành năm 1969, ông Phạm Trung Việt ghi:

“Từ năm 1750, nhà thơ Đạm Am Nguyễn Cư Trinh, tác giả tập thơ nôm đối thoại Sãi Vãi, thời kỳ lưu trú tại Quảng Ngãi đã vịnh 10 cảnh sau đây, tiêu biểu cho thắng cảnh địa phương: Thiên Ấn niêm hà, Thiên Bút phê vân, Long Đầu hý thủy, La Hà thạch trận, Liên Trì dục nguyệt, Cổ Lũy cô thôn, Thạch Bích tà dương, Hà Nhai vãn độ, An Hải sa bàn, Vân Phong túc vũ.

Sau Nguyễn Cư Trinh, các nho sĩ thi nhân miền núi Ấn sông Trà cũng vịnh thêm 2 thắng cảnh: Vu Sơn lộc trường, Thạch Cơ điếu tẩu” (18).


Trong 2 tài liệu kể trên ta thấy có một điểm khác biệt:

Theo Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật, 2 thắng cảnh được đặt thêm về sau là Vân Phong Túc Vũ và Thạch Cơ Điếu Tẩu. Trong lúc đó, theo Phạm Trung Việt, 2 cảnh thêm là Vu Sơn Lộc Trường và Thạch Cơ Điếu Tẩu.

Trong Di Tích và Thắng Cảnh Quảng Ngãi (bài viết của Cao Chư) và trong Quảng Ngãi, Đất Nước-Con Người-Văn Hóa (do Bùi Hồng Nhân chủ biên) đều ghi tên 10 thắng cảnh như của Phạm Trung Việt trong sách nêu trên. Riêng trong Quảng Ngãi: Đất nước - Con Người - Văn Hóa còn ghi 2 thắng cảnh được thêm vào sau này giống như của Phạm Trung Việt.

Thế nhưng sau này, trong Non Nước Xứ Quảng được bổ sung bằng nhiều tài liệu mới và được in tại Hoa Kỳ năm 1998, Phạm Trung Việt lại theo một tài liệu khác bỏ Vân Phong Túc Vũ và thay vào đó là Thạch Cơ Điếu Tẩu trong phần 10 thắng cảnh do Nguyễn Cư Trinh đặt tên, và coi Vu Sơn Lộc Trường và Vân Phong Túc Vũ là 2 cảnh do người đời sau thêm vào.

Tuy không nêu rõ căn cứ vào nguồn tài liệu nào để xác minh 10 cảnh do Nguyễn Cư Trinh đặt ra, nhưng chúng ta có thể đoan chắc là ông Phạm Trung Việt đã tin vào bài thơ sau đây - một bài thơ khuyết tên tác giả nhằm giới thiệu 10 cảnh đẹp của Quảng Ngãi đã được Phạm Trung Việt cho đăng vào phần đầu của đề mục “Danh Lam Thắng Cảnh Giai Thoại Cổ Tích” trước khi giới thiệu các thắng cảnh của Quảng Ngãi. Rất tiếc, tác giả Phạm Trung Việt đã không cho ta biết xuất xứ của bài thơ cũng không rõ là bài thơ làm ra trong khoảng thời gian nào. Bài thơ đó như sau:

Chạnh niềm non nước lẽ đầy vơi
Cẩm Quận từ xưa cảnh có mười:
Ấn giáp Long Đầu xem rạng vẻ,
Bút kề Thạch Trận ngắm càng tươi.
Tà Dương, Điếu Tẩu mưa thương nắng,
Dục Nguyệt, Bàn Sa cảnh nhớ người
Cổ Lũy, Hà Nhai người cảm cảnh,
Kìa non, nọ nước khéo trêu ngươi.

(Khuyết danh) (19).

Mười cảnh được bài thơ kể tên là: Thiên Ấn niêm hà, Long Đầu hý thủy, Thiên Bút phê vân, La Hà thạch trận, Thạch Bích tà dương, Thạch Cơ điếu tẩu, Liên Trì dục nguyệt, An Hải sa bàn, Cổ Lũy cô thôn, Hà Nhai vãn độ.

Như vậy 10 cảnh nào là 10 cảnh do Nguyễn Cư Trinh đặt tên và 2 cảnh nào là 2 cảnh do người sau thêm vào?

Theo chúng tôi, chúng ta nên tin vào tài liệu xưa nhất và khả tín nhất, đó là bộ Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn - một bộ dư địa chí do Quốc sử quán triều Nguyễn được khởi thảo từ năm Tự Đức thứ 18 (1865)và hoàn tất vào năm Tự Đức thứ 35 (1882) nhưng mãi đến năm 1910 đời Duy Tân năm thứ 3 mới được khắc in - và đã được tác giả các sách Non Nước Xứ Quảng Tân Biên (1969), Quảng Ngãi Quê Hương Tôi (1991) và Quảng Ngãi Đất Nước-Con Người-Văn Hóa (2001) đều chấp nhận như thế.

Đại Nam Nhất Thống Chí, trong quyển viết về Quảng Ngãi, có viết:

-“Núi Vu Sơn ở cách huyện Bình Sơn 10 dăm về phía tây, chót vót chọc trời, là chỗ phát mạch của các núi trong huyện, phía sau núi rậm rạp, hươu nai thành đàn. Người sau có thơ tục vinh “Vu Sơn lộc trường” (Bãi nai ở núi Vu Sơn) làm cảnh thứ 11 ở Quảng Ngãi” (20) (Về bài “Thạch Cơ điếu tẩu” chúng tôi sẽ nhắc đến khi bàn về bài thơ “An Hải sa bàn”).

Vậy 10 cảnh do Nguyễn Cư Trinh đặt tên là:

1. Thiên Ấn niêm hà (Ấn trời đóng trên sông, huyện Sơn Tịnh)
2. Long Đầu hý thủy (Đầu rồng giỡn nước, huyện Sơn Tịnh)
3. Hà Nhai vãn độ (Bến đò chiều Hà Nhai, huyện Sơn Tịnh)
4. Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây, huyện Tư Nghĩa)
5. La Hà thạch trận (Trận đá La Hà, huyện Tư Nghĩa)
6. Cổ Lũy cô thôn (Thôn Cổ Lũy hiu quạnh, huyện Tư Nghĩa)
7. Thạch Bích tà dương (Bóng chiều tà Thạch Bích, Minh Long & Sơn Hà)
8. An Hải sa bàn (Mâm cát An Hải, huyện Bình Sơn)
9. Liên Trì dục nguyệt (Ao sen tắm trăng, huyện Đức Phổ)
10. Vân Phong túc vũ (Mưa đêm núi Vân, tây bắc huyện Sơn Tịnh)

VỀ NHỮNG BÀI THƠ ĐƯỢC XEM LÀ CỦA NGUYỄN CƯ TRINH:

Trước khi phân tích những bài thơ được xem là của Đạm Am Nguyễn Cư Trinh, chúng tôi xin nêu ra những tài liệu nhắc đến tên tuổi của ông có liên quan đến các thắng cảnh của Quảng Ngãi.

* Những tài liệu có nhắc đến việc Nguyễn Cư Trinh đặt tên cho 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi mà không nhắc đến việc ông có làm thơ đề vịnh hay không:

- Trong tiểu mục “Phong cảnh tự nhiên”, của Quảng Ngãi Tỉnh Chí, sau khi kể tên và xác định vị trí “mười hai cảnh theo tư tưởng nhà văn sĩ phê bình cho giang sơn tỉnh Quảng Ngãi...”, Nguyễn Bá Trác viết tiếp:

-”Khi trước ông Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ Quảng Ngãi nhân cảnh tự nhiên mà đặt tên chỉ có mười cảnh, sau thêm hai cảnh nữa, thành ra mười hai cảnh” (21).

- Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật trong Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh và quyển Sãi Vãi, ghi:

-”Ông Nguyễn Cư Trinh khi làm Tuần vũ Quảng Ngãi, nhân cảnh thiên nhiên mà đặt tên cho “mười cảnh”... và trước đó các ông đã ghi: “Sự nghiệp văn chương của ông Nguyễn Cư Trinh có quyển Đạm Am thi tập với mười bài họa Hà Tiên Thập Vịnh của Mạc Thiên Tích, và bổn Sãi Vãi, một tác phẩm có giá trị lịch sử, được truyền tụng đến ngày nay” (22).

* Những tài liệu có nhắc đến việc Nguyễn Cư Trinh làm thơ vịnh 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi (Quảng Ngãi thập vịnh) nhưng lại không xác nhận là thơ Nôm hay thơ chữ Hán.

- Trong Quảng Ngãi: Đất nước, Con người, Văn hóa ghi: “Vào giữa thế kỷ XVIII, khi đến trấn nhậm Quảng Ngãi, Nguyễn Cư Trinh đã làm thơ vịnh 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi” (23).

- Trong Non Nước Xứ Quảng tân biên (1969), Phạm Trung Việt ghi: “Từ năm 1750, nhà thơ Đạm Am Nguyễn Cư Trinh, tác giả tập thơ nôm đối thoại Sãi Vãi, thời kỳ lưu trú tại Quảng Ngãi đã vịnh 10 cảnh sau đây, tiêu biểu cho thắng cảnh địa phương” (24).

- Trong Di tích và Thắng cảnh Quảng Ngãi, trong phần Tổng quan, tác giả Cao Chư đã viết: “...Nguyễn Cư Trinh, với tấm lòng yêu Tổ quốc và phẩm chất thi sĩ của mình, chí ít cũng là một trong những người đầu tiên phát hiện những cảnh đẹp Quảng Ngãi, hoặc là người đầu tiên có thơ ngâm vịnh, mà mãi đến bây giờ chúng ta không thể không nhắc tới” (25).

* Tài liệu xác nhận Nguyễn Cư Trinh làm thơ vịnh thắng cảnh Quảng Ngãi bằng chữ nôm:

- Đỗ Minh Tâm, trong phần giới thiệu tiểu sử Nguyễn Cư Trinh trong Từ Điển Văn Hóa Việt Nam (phần nhân vật): “Ông có 12 bài thơ nôm vịnh cảnh Quảng Ngãi” (26)

- Bùi Duy Tân, trong phần viết về Nguyễn Cư Trinh trong Từ Điển Văn Học, tập II viết:

-”Tác phẩm chữ nôm có vè Sãi Vãi (AB. 388), Quảng Ngãi Thập Nhị Cảnh, chữ Hán có Đạm Am Thi Tập... Đạm Am Thi Tập hiện nay chưa tìm thấy” (27).

* Những tài liệu không nhắc đến Nguyễn Cư Trinh làm thơ vịnh 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi:

- Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, do Trần Văn Giáp chủ biên, tập I: “...Tác phẩm của ông có: Đạm Am tập (văn, triết), Truyện Sãi Vãi (viết nhân dịp đánh Thạch Bích)” (28)

- Tự Điển Việt Nam (tập 2) của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, phần Nhân danh và Địa danh, ghi: “Về văn học, ông có sáng tác truyện Sãi Vãi để chấn hưng phong tục và khuyến khích binh sĩ; ông có cùng Mạc Thiên Tích xướng họa và có Đạm Am văn tập truyền lại” (29).

- Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên, trong phần đầu sách giới thiệu tiểu sử các tác giả, ghi: “ (Nguyễn Cư Trinh) có soạn bài hài văn Sãi Vãi, Đạm Am tập và 10 bài thơ họa Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên” (30).

- Tự Điển Văn Học của Thanh Tùng phần viết về Nguyễn Cư Trinh, ghi: “...Tác phẩm: Sãi Vãi - Đạm Am văn tập - Họa 10 bài Hà Tiên thập cảnh của Mạc Thiên Tích” (31).

- Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển của Trịnh Vân Thanh ghi: “Ông có vịnh (họa?) mười bài “Hà Tiên Thập Cảnh” của Mạc Thiên Tứ (tức Mạc Thiên Tích).

Về văn thơ, Nguyễn Cư Trinh còn để lại một thi phẩm nhan đề là “Đạm Am Thi Tập” (32).

Như vậy là, trong số các tài liệu chúng tôi vừa nhắc đến trên đây, có 2 tác giả xác nhận Nguyễn Cư Trinh làm thơ bằng chữ Nôm để vịnh cảnh đẹp Quảng Ngãi, rất tiếc là cả 2 ông Đỗ Minh Tâm và Bùi Duy Tân lại ghi là “12 cảnh” trong lúc vào thời Nguyễn Cư Trinh mới chỉ có “10 cảnh” được ông đặt tên mà thôi! Có thể là 2 ông Đỗ Minh Tâm và Bùi Duy Tân đã căn cứ vào một bản Hán Nôm chép tay có nhan đề là “Quảng Nghĩa thập nhị vịnh”! (Rất tiếc chúng tôi chưa được thấy tác phẩm này nên không biết thực hư như thế nào về tác giả cũng như nội dung của tập sách!)

Tuy nhiên, theo một số tài liệu hiện hành, chúng ta lại có 4 bài thơ Nôm sau đây được xem là của Nguyễn Cư Trinh:

* Thiên Ấn Niêm Hà được ghi trong Non Nước Xứ Quảng tân biên của Phạm Trung Việt, trang 60 và trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, quyển 2, trang 598.

* An Hải Sa Bàn ghi trong Quảng Ngãi Quê Hương Tôi, tr 70.

* Hà Nhai Vãn Độ ghi trong Non Nước Xứ Quảng, bản in năm 1998 tại Hoa Kỳ, trang 174.

* Cổ Lũy Cô Thôn ghi trong Quảng Ngãi Quê Hương Tôi, tr 38.

Tất cả các sách trên đều không ghi rõ xuất xứ của từng bài thơ.

Trong phần dưới đây, chúng tôi thử căn cứ theo một vài sự kiện, một vài hình ảnh, thậm chí một vài ý tưởng trong từng bài thơ để đánh giá độ xác thực về tác giả của nó.

* Về bài thơ “Thiên Ấn niêm hà”:

Năm 1750, Đạm Am Nguyễn Cư Trinh về trấn nhậm Quảng Ngãi thì trước đó 55 năm, tức vào năm 1695, một nhà sư trẻ người Phúc Kiến (Trung Hoa) đã dừng bước vân du trên đỉnh đồi Thiên Ấn và dựng nơi đây một ngôi thảo am để tu hành và vào năm 1716, sau khi đã được trùng tu thành ngôi chùa khang trang làm nơi tu học cho nhiều tăng ni và là nơi chiêm bái cho nhiều thiện nam tín nữ, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho ngôi chùa này biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự”. Khi Nguyễn Cư Trinh nhậm chức Tuần vũ Quảng Ngãi thì nhà sư trẻ ngày xưa nay đã là đại lão Hòa thượng Pháp Hóa tuổi đã ngoài 80.

Khi trấn nhậm Quảng Ngãi, hẳn quan Tuần vũ Nguyễn Cư Trinh cũng đã lên viếng cảnh và chùa Thiên Ấn. Đứng trên đỉnh Thiên Ấn, nhìn xuống chân núi phía nam thấy dòng Trà Giang lặng lờ uốn khúc, ông đã đặt cho cảnh đẹp thiên nhiên này bằng cái tên thơ mộng “Thiên Ấn niêm hà”. Tiên sinh, vốn là một nhà thơ, có thể cũng đã làm thơ đề vịnh. Thế nhưng, thơ đề vịnh Thiên Ấn của tiên sinh làm bằng chữ Hán hay chữ Nôm, chúng tôi không dám xác quyết; chỉ biết rằng hiện nay có một bài thơ vịnh cảnh “Thiên Ấn niêm hà” được hai tác giả Phạm Trung Việt trong Non Nước Xứ Quảng Tân Biên và Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận xác nhận là của Nguyễn Cư Trinh sáng tác.

Bài thơ được trích dẫn như sau:

Phong cảnh ta đây thật rất xinh
Niêm hà có ấn của trời sinh
Xem kia dấu tích còn vuông vức
Nhận lại non sông rõ dạng hình
Cách thức như in đồ cổ tự
Cỏ cây nào phụ tiếng chuông linh
Châu Sa để dưới chân chờ mãi
Trấn chỉ sau lưng phía Cẩm Thành.


Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, sau khi giới thiệu công việc làm chùa Thiên Ấn và công việc đào giếng thời Hòa thượng Pháp Hóa và truyền thuyết về “chuông thần” do Hòa thượng Bảo Ấn cho thỉnh cỗ chuông của làng Chú Tượng mang về chùa Thiên Ấn vào năm 1845, tác giả Nguyễn Lang đã đi đến kết luận: “Ông Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) có làm bài thơ sau đây vịnh núi, chùa và chuông Thiên Ấn” (33) và tiếp theo ông đã trích đăng bài thơ như được trích dẫn ở trên.

Cứ theo như mạch văn trong toàn bộ đoạn văn nói về chùa Thiên Ấn nêu trên thì “tiếng chuông linh” phải là tiếng chuông của quả đại hồng chung do làng Chú Tượng, Mộ Đức, một làng chuyên nghề đúc chuông của Quảng Ngãi ngày xưa đúc, và đã được Hòa thượng Bảo Ấn cho thỉnh về chùa vào năm 1845 và hiện nay vẫn còn lưu giữ tại chùa.

Truyền thuyết kể rằng, một hôm trong giờ thiền định, hòa thượng Bảo Ấn thấy một vị hộ pháp báo cho Ngài nên đến làng Chú Tượng, huyện Mộ Đức để thỉnh quả đại hồng chung cho chùa Thiên Ấn. Xuất định, Ngài nhờ sư Điền Tọa đến làng Chú Tượng thì được biết làng này có đúc cho chùa làng một quả đại hồng chung nhưng đánh không kêu, định phá ra đúc lại. Sư Điền Tọa hỏi mua cho chùa Thiên Ấn và đã được chấp thuận. Vào buổi lễ khai chuông, hòa thượng Bảo Ấn đặt hết tâm ý vào lời chú nguyện, xong Ngài cầm dùi khai chuông thì bỗng tiếng chuông ngân vang lan ra thật xa. Từ đó chuông này được gọi là “chuông thần” (34).

Chúng tôi cũng nghĩ “tiếng chuông linh” phải là tiếng chuông đã được Hòa thượng Bảo Ấn khai chung vào năm 1845. Và nếu đúng như vậy thì bài thơ chỉ có thể được sáng tác sau khi “tiếng chuông linh” của chùa Thiên Ấn được quảng đại quần chúng loan truyền sau năm 1845 và tác giả đích thực của nó hẳn không phải là Nguyễn Cư Trinh!

Vả chăng, như trong phần nói về tác phẩm Sãi Vãi, ta đã thấy Nguyễn Cư Trinh là một nhà Nho bài xích Phật Giáo triệt để, do đó, ông không thể chấp nhận “tiếng chuông linh” như một sự thực hiện hữu, nói chi đến “tiếng chuông linh” còn lay động cả đến cỏ cây!

Một điểm nữa chúng ta cũng cần bàn để đi đến xác định thời điểm xuất hiện của bài thơ: đó là địa danh Cẩm Thành. Cẩm Thành là một danh xưng để chỉ thành Quảng Ngãi, một bức tường thành xây quanh một khu đất rộng được xem là khu hành chánh của tỉnh Quảng Ngãi từ thời Gia Long. Từ tên gọi cho thành Quảng Ngãi, về sau Cẩm Thành, còn có người gọi là Cẩm Quận để chỉ chung lãnh thổ Quảng Ngãi như trong bài thơ giới thiệu 10 thắng cảnh Quảng Ngãi được Phạm Trung Việt giới thiệu và chúng tôi đã trích ở phần trên.

Theo Phạm Trung Việt, “Thành Quảng Ngãi được xây dựng tại xã Phú Nhơn phía bắc cầu Trà Khúc thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương (1749). Đến niên hiệu Gia Long (1802) thành Quảng Ngãi được dời vào xã Phú Đăng huyện Chương Nghĩa (gần huyện Tư Nghĩa ngày nay). Cả 2 di tích thành cổ trên không còn nữa.

Đến đời Gia Long năm thứ 6 (1807) thành Quảng Ngãi lại được dời ra xã Chánh Mông lúc đó cũng thuộc huyện Chương Nghĩa (sau này đến đời Đồng Khánh (1885-1889) xã Chánh Mông được đổi thành xã Chánh Lộ), hiện nay thuộc phần đất của hai phường Nguyễn Nghiêm và Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Ngãi.

Thành được xây xong năm 1815 sau 8 năm khời công do kiến trúc sư De Puymanel và Théodore Le Brun thiết kế theo kiểu thành Vauban.” (35)

Vậy thì, như chứng dẫn của Phạm Trung Việt, lỵ sở của quan Tuần vũ Nguyễn Cư Trinh nằm tại xã Phú Nhơn và ngày nay không còn để lại chứng tích. Điều này chứng tỏ rằng đây chỉ là một thành trì tạm bợ. Phải đợi đến thời Gia Long (1802-1819) thành Quảng Ngãi mới được xây kiên cố theo hình dáng của Hoàng thành tại Kinh đô Huế, bên ngoài tường thành kiên cố là hào sâu bao quanh. Có lẽ, với hình dáng đẹp đẽ và kiên cố, thành mới được đặt tên là Cẩm Thành. Và từ đây, trong thơ văn nói về Quảng Ngãi, một số tác giả đã dùng tên Cẩm Thành để gọi thay cho tên Quảng Ngãi. Vậy thì, bài thơ trên chắc hẳn phải xuất hiện sau khi có tên Cẩm Thành và như vậy, một lần nữa, chúng ta có thể xác quyết bài thơ “Thiên Ấn niêm hà” dẫn thượng không phải là sáng tác của Nguyễn Cư Trinh!

* Về bài thơ “An Hải sa bàn”:

Bài này được trích đăng trong Quảng Ngãi Quê Hương Tôi của Thế Kỷ - Hà Thanh. Nguyên văn như sau:

Bàn Cổ xưa nay kế đã thâm
Khéo bày lọc cát đúc thành mâm
Khạc ra cá nhảy đầy Đông hải
Dọn những mùi ngon rặt nghĩa sâm
Chợ cách hóa nên non nước thế
Đũa giơ rồi rủ giá trăng ngâm (?)
Mời ông Điếu Tẩu Sa Kỳ tới
Rót chén yên hà để dưỡng tâm.


Theo chúng tôi, câu thơ thứ 6 có gì trục trặc nên không rõ nghĩa, hoặc do lỗi của người đánh máy chăng? Điều đáng bàn ở đây là câu thứ 7: “Mời ông Điếu Tẩu Sa Kỳ tới”.

Như chúng tôi đã bàn trong phần trên, “Thạch Cơ điếu tẩu” và “Vu Sơn lộc trường” là hai thắng cảnh do người đời sau đặt ra. Điều này đã được chính tác giả Thế Kỷ - Hà Thanh xác nhận. Trong Quảng Ngãi Quê Hương Tôi, để giới thiệu thắng cảnh “Thạch Cơ điếu tẩu”, Thế Kỷ - Hà Thanh đã ghi:

“Đại Nam Nhất Thống Chí trang 379, chỉ qua mấy dòng ghi ngắn: “Tấn Sa Kỳ: Ở cách huyện Bình Sơn 37 dặm về phía đông nam, cửa biển rộng 145 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 3 thước, có đặt thủ sở. Cửa biển nước sâu, ở giữa có ghềnh đá nhô lên mặt nước, đứng xa trông như hình người đang câu. Người sau tục vịnh bài “Thạch Ki điếu tẩu” (ông câu trên ghềnh đá), là cảnh thứ 12 ở Quảng Ngãi...” (36) Như Đại Nam Nhất Thống Chí đã xác định, “Vu Sơn lộc trường” và “Thạch Cơ điếu tẩu” là 2 thắng cảnh được “người sau tục vịnh”. Hẵn là vào thời Nguyễn Cư Trinh, ông không phát hiện ra hình ảnh “ông lão ngồi câu” (điếu tẩu) “trên ghềnh đá” (thạch cơ) vì vậy mà người đời sau mới có cơ may khám phá ra thắng cảnh này để cùng nhau làm thơ đề vịnh! Thế thì bài thơ vịnh “An Hải sa bàn” này phải được đề vịnh sau khi có người khám phá và đặt tên cho “Thạch Cơ điếu tẩu”, tức là sau khi Nguyễn Cư Trinh không còn trấn nhậm tại Quảng Ngãi nữa!

* Về bài thơ “Hà Nhai vãn độ”:

Trong Non Nước Xứ Quảng bản in tại Hoa Kỳ năm 1998, tác giả Phạm Trung Việt đã giới thiệu về bài thơ này như sau:

“Theo ông Bùi Văn Lăng (giáo sư Trung học Qui Nhơn thời Pháp thuộc) thì thơ vịnh thắng cảnh của Nguyễn Cư Trinh “Hà Nhai Vãn Độ” là bến đò Hà Khê (Thu Xà). Bến này, chiều chiều đò đưa khách buôn bán các nơi chung quanh về tấp nập, náo nhiệt, phồn thịnh một thời:

Nam, Bắc, Đông, Tây hiệp một nhà
Hà Khê đây có thiệt phồn hoa
Khe trong tôm cá lên trừng nguyệt
Bóng mát bướm ong lộn dệt hoa
Bữa bữa lâu đài chuông giục tố
Chiều chiều thương mại khách đi qua
Chốn Trường Sa ngó xa vòi vọi
Lên xuống phong lưu cũng nước trà” (37).

Tất cả các sách có phần giới thiệu về thắng cảnh xưa của Quảng Ngãi từ thời Nguyễn Cư Trinh đều ghi tên là bến đò Hà Nhai (Hà Nhai vãn độ) và đều xác nhận bến đò này nằm về tả ngạn sông Trà Khúc thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh ngày nay. Còn bài thơ trích dẫn trên đây lại miêu tả bến đò Hà Khê thuộc địa phận Thu Xà ngày nay, tức là nằm ở miền đông quận Tư Nghĩa.

Chúng ta thử phân tích bài thơ trên đây.

Bài này tả bến đò Hà Khê ở Thu Xà đúng như câu thơ thú 2 đã xác nhận “Hà Khê đây có thiệt phồn hoa”.

Câu hỏi được đặt ra là: đây có phải bến đò Hà Khê vào thời Nguyễn Cư Trinh trị nhậm Quảng Ngãi hay không? Quả thực đây không thể là bến đò Hà Khê trong khoảng thời gian Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ Quảng Ngãi. Bởi vì, vào thời Nguyễn Cư Trinh, tức là khoảng thời gian giữa thế kỷ 18, Hà Khê ở Thu Xà quá lắm cũng chỉ mới là một vạn chài - có tên là vạn Tiên Sà - như những vạn chài khác nằm sát các cửa biển mà thôi. Hơn thế nữa, cái cảnh “...chiều chiều đò đưa khách buôn bán các nơi chung quanh về tấp nập, náo nhiệt, phồn thịnh một thời”, và cái cảnh “Bữa bữa lâu đài chuông giục tối, Chiều chiều thương mại khách đi qua” chỉ có thể xuất hiện sau khi những người Trung Hoa chọn vùng đất vạn Tiên Sà cạnh cửa biển này làm nơi dung thân để rồi dần dần phát triển nơi này thành một phố thị sầm uất vào cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 (38).

Và do đó, chỉ vào thời gian này phố thị Thu Xà mới có “lâu đài” và “thương mại”! Hơn thế nữa, chỉ sau khi vạn Tiên Sà biến thành phố nhỏ Thu Xà và bị người Pháp buộc triều đình Huế ký làm nhượng địa vào thời vua Hàm Nghi (1884-1888) (39) thì cái cảnh “Nam, Bắc, Đông, Tây hiệp một nhà” mới thực sự xuất hiện, vì vào những thập niên cuối của thế kỷ 19 và 3 thập niên đầu của thế kỷ 20, Thu Xà là nơi tiếp nhận các thương khách từ Trung Hoa (Bắc), từ Lục Tỉnh Nam Kỳ (Nam), các thương điếm của người Pháp (Tây) với các thương gia bản địa (Đông) mới thực sự “hiệp một nhà” tại Thu Xà.

Vậy thì, theo nhận định của chúng tôi, bài thơ này xuất hiện sớm lắm cũng chỉ vào vài thập kỷ đầu của thế kỷ 20 chứ không thể xuất hiện vào thời Nguyễn Cư Trinh và dĩ nhiên Nguyễn Cư Trinh không thể là tác giả bài thơ nói trên.

Như ở trên đã giới thiệu, có 4 bài thơ nôm được xem là thơ của nhà thơ Đạm Am Nguyễn Cư Trinh đề vinh thắng cảnh Quảng Ngãi đang được lưu truyền thì theo chúng tôi, 3 bài đã có những điểm không thể tin là được Nguyễn Cư Trinh sáng tác, chỉ còn một bài, đó là bài đề vịnh “Cổ Lũy cô thôn” theo chúng tôi vẫn còn tồn nghi:

Giặc giã đời mô đã dẹp rồi
Lũy xưa còn đắp xóm mồ côi.
Đá xây quanh quất theo bờ biển,
Người ở cheo leo dưới cửa lồi.
Trông thấy thuyền tình ba bốn phía,
Vẳng nghe trống giục một đôi hồi.
Hỏi thăm tạo hóa bao giờ đó
Thạch trận về đây mới đắp bồi.


KẾT LUẬN:

Nguyễn Cư Trinh, một nhà nghệ sĩ đa tình: ông đã nhìn thấy cái đẹp của những đám mây vần vũ trên đỉnh Thiên Bút để thêm hình ảnh “phê vân”, thành Thiên Bút phê vân; ông đã nhìn thấy cái đẹp của ánh ráng chiều tà trên đỉnh Thạch Bích để thêm hình ảnh “tà dương” - thành Thạch Bích tà dương; ông đã nhìn thấy cái đẹp của ánh trăng lung linh dưới ao sen Liên Trì để tưởng tượng ra hình ảnh nàng trăng đang tắm “dục nguyệt” - thành Liên Trì dục nguyệt và v.v...Không có con mắt tinh đời của nhà nghệ sĩ, không có con tim thiết tha của nhà nghệ sĩ thì không thể có những cái tên nên thơ “Thiên Ấn niêm hà”, Long Đầu hý thủy”, “Cổ Lũy cô thôn” và v.v...

Nguyễn Cư Trinh, một nhà thơ đầy tâm huyết trong truyện nôm Sãi Vãi, dù ông có khắt khe khi nhìn về các nhà tu hành Phật giáo đương thời, nhưng tấm lòng của ông vẫn là tấm lòng của một con người yêu quê hương xứ sở, muốn quê hương mình phải có những bàn tay đóng góp tích cực để đập tan mọi chướng ngại cho sự phát triển của Tổ quốc về phương Nam.

Nguyễn Cư Trinh là một nhà quân sự tài ba, người đã biết vận dụng “tâm lý chiến” bằng tác phẩm Sãi Vãi để làm nức lòng ba quân trong cuộc chiến bình định sự quấy nhiễu của người Thượng Đá Vách trong một thời gian ngắn.

Nguyễn Cư Trinh là một nhà cai trị nhân từ và khoan dung, khoan dung và nhân từ đối với người Thượng Đá Vách, khoan dung và nhân từ đối với đám dân cùng khổ mà ông đã lo cho họ trong non 3 năm nhậm chức Tuần vũ tại Quảng Ngãi mà lời sớ gởi về cho triều đình Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần “thân dân” khoan dung và nhân từ đó.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Los Angeles, 10-2006.

Chú thích:

1. Sãi Vãi, Lê Ngọc Trụ & Phạm Văn Luật, Sài Gòn 1969, tr 40-41.
2. Sãi Vãi, tr 42.
3. Việt Sử Xứ Đàng Trong (1), Phan Khoang, Hoa Kỳ, tr 245.
4. Việt Sử Xứ Đàng Trong (1) tr 241.
5. Lịch Sử Vùng Cao Qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nguyễn Đức Cung, Hoa Kỳ, 1998 tr 32.
6. Lịch Sử Vùng Cao..., tr 195.
7. Văn Học Nam Hà, Nguyễn Văn Sâm, Sài Gòn, 1974, tr 203.
8. Văn Học Nam Hà, tr 203.
9. Văn Học Nam Hà, tr 207.
10. Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển (2), Trịnh Vân Thanh, Hoa Kỳ, tr 827.
11. Lịch Sử Vùng Cao..., tr 218.
12. Lịch Sử Vùng Cao..., tr 233.
13. Sãi Vãi, trang 45.
14. Việt Sử Xứ Đàng Trong (1), tr 242.
15. Việt Sử Xứ Đàng Trong (2), tr 612, 613.
16. Sãi Vãi, tr 41, 42.
17. Sãi Vãi, tr 57, 58.
18. Non Nước Xứ Quảng Tân Biên, Phạm Trung Việt, Sài Gòn, 1969, tr 59.
19. Non Nước Xứ Quảng, Phạm Trung Việt, Hoa Kỳ, 1998, tr 151.
20. Quảng Ngãi: Đất Nước, Con Người, Văn Hóa, Nhiều tác giả, Quảng Ngãi, 2001, tr 171.
21. Quảng Ngãi Tỉnh Chí trong Nam Phong Tạp Chí, số 181 năm 1930, Nguyễn Bá Trác, tr 177.
22. Sãi Vãi, tr 87.
23. Quảng Ngãi Đất Nước..., tr 164.
24. Non Nước Xứ Quảng Tân Biên, tr 59.
25. Di Tích & Thắng Cảnh Quảng Ngãi, Nhiều tác giả, Quảng Ngãi, 2001, tr17.
26. Tự Điển Văn Hóa Việt Nam (nhân vật), Hà Nội, 1993, tr 319.
27. Từ Điển Văn Học (2), Nhiều tác giả, Hà Nội, 1984, tr 54.
28. Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, Trần Văn Giáp chủ biên, Hà Nội, 1971, tr 322.
29. Từ Điển Việt Nam (2), Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Sài Gòn, 1970, tr 159.
30. Văn Đàn Bảo Giám (1), Trần Trung Viên, Sài Gòn, 1968, phần đầu.
31. Văn Học Từ Điển, Thanh Tùng, Hoa Kỳ, 1990, tr 176.
32. Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân..., tr 826.
33. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (2), Nguyễn Lang, Hà Nội, 2001, tr 598.
34. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tr 597.
35. Non Nước Xứ Quảng, tr 118.
36. Quảng Ngãi Quê Hương Tôi, Thế Kỷ, Hà Thanh, Quảng Ngãi, 1991, tr 77.
37. Non Nước Xứ Quảng, tr 174.
38 & 39. Quảng Ngãi Mến Yêu (bài Thu Xà...), Thinh Quang, Hoa Kỳ, 2003, tr 220.





Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh