Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
TRƯỜNG TRẦN QUỐC TUẤN VÀ MỘT THỜI TRONG ĐỜI TÔI
Đạm Phong
Sau năm 1975, Xuân Diệu nhân một lần đến Quảng Ngãi có ghé thăm trường Trần Quốc Tuấn, lúc ấy chắc ông đã đủ già để thấy mỏi mệt với những năm tháng đeo đuổi công danh sau khi từ chối dĩ vãng, phủ nhận tâm huyết một thời của mình. Cùng lúc ấy hẳn Xuân Diệu cũng không thể tưởng tượng được rằng, ngay dưới mái trường này, cũng như khắp miền Nam trong suốt hai mươi năm (1955-1975), nhiều thế hệ học trò đã từng học, từng hâm mộ và chuyền tay nhau chép lại những thơ văn tiền chiến giá trị của ông và các tác giả khác. Thật vậy, chúng tôi vẫn mang ơn Xuân Diệu vì món quà quý giá dành riêng cho học trò mà ông đã cho, nhờ vị thầy Việt văn của chúng trôi trao lại trong niên học Đệ Thất tại trường Trần Quốc Tuấn. Xuân Diệu đã ân cần giao lại tuổi thơ:
-“Hai tay em đong đầy những hoa lốc của cuộc đời như một trái quý phong màng giấy xanh, em hãy mở ra cho thận trọng... Tội thay cho bao nhiêu đàn ông suốt kiếp phải làm một người đời mà chưa hề làm một gã con trai, họ đã bỏ qua mất cái tuổi nụ hoa không biết hưởng...” (1).
May mắn thay, không những đám học trò Trần Quốc Tuấn chúng tôi đã hưởng trọn vẹn cái thời hoa mộng ấy mà còn góp phần chăm sóc cho vườn hoa văn hóa, văn học nước nhà vẫn giữ được vẻ tươi thắm trong một môi trường xã hội có tự do và một nền giáo dục nhân bản và phóng khoáng.
Một nhóm học sinh lớp Đệ thất trường TQT niên khóa 1960-1961.
Trường Trần Quốc Tuấn được xây dựng và bắt đầu giảng dạy từ khi hòa bình được lập lại và tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa hồi sinh. Tôi được vào ngôi trường công lập lớn nhất tỉnh này năm 1960 sau một buổi lễ xướng danh trúng tuyển vào Đệ Thất, sự kiện này đối với tôi có lẽ còn long trọng hơn những lần thi đậu về sau. Phần đông các phụ huynh thời ấy đều nghèo nên lo cho con được học lên trung học là một cố gắng đáng kính phục, nhưng người dân Quảng Ngãi vốn có truyền thống hiếu học, vì thế các trường trung học công và tư khác được dần dần thành lập trong tỉnh như Chấn Hưng, Hùng Vương, Kim Thông, Bồ Đề, Nguyễn Công Trứ, Hàn Thuyên...
Riêng trường Trần Quốc Tuấn với những thành tích giáo dục, thi cử, thể thao đạt được cũng không thua kém các trường có tiếng ở miền Trung như Quốc Học, Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Cường Để, Võ Tánh, Tăng Bạt Hổ... Chính vì thế sau này khi lớn khôn hơn tôi mới biết được học trường Trần Quốc Tuấn là may mắn và cũng ân hận đã trót lỡ cằn nhằn ba tôi khiến ông buồn lòng đang lúc ông quá mừng rỡ và xúc động khi được tin tôi đậu vào trường này. Thời đó, cha mẹ cho con đi học là để biết chữ nghĩa, tôi nghĩ rằng từ này không hẳn chỉ hàm ý mong cho con thành tài, thành danh mà chính là để thành người. Ngoài một số ít có cha mẹ khá giả, phần lớn học trò ở thôn quê ngoài lúc đi học thường phải giúp gia đình trong việc chăn nuôi, đồng áng, còn ở thành thị thì giống như Tản Đà đã tả:
Con nhà khó nhiều khi vất vả
Ngoài học đường thư thả được đâu
Khi thì gánh nước tưới rau
Chợ tan đón gánh theo sau mẹ già. (2)
Tất cả những thành phần học trò đó, trên đường đi học hay dưới mái trường bất cứ ở đâu, luôn tạo nên một hình ảnh vô cùng sinh động và theo tôi là một biểu tượng đẹp nhất của xã hội loài người.
Trường Trần Quốc Tuấn tọa lạc tại khu vực thuộc phía Nam phường Nam Lộ, nằm dọc theo và ở phía Đông đường Quang Trung. Trước trường là hàng phượng mới trồng và trên lề đường bên phải cổng là cây phượng già có lẽ đã trổ hoa từ những mùa hè tôi chưa ra đời, vẫn như luôn dang tay chào đón và vươn bóng mát chở che cho đám học trò đến sớm buổi học chiều trước giờ trống tựu mở cổng. Trường là một dãy phòng trệt, xây thành hình chữ U, đầu dãy bên phải là phòng Hiệu trưởng, tiếp đến là Văn phòng, rồi phòng Giáo sư và phần còn lại tất cả đều là phòng học.
Giữa đáy chữ U bên trên lợp ngói nhưng dưới để trống dùng làm nhà chơi và được biến cải thành sân khấu cùng hội trường vào những dịp lễ Tết. Vuông sân trước trường là bốn thảm cỏ viền quanh bằng những hàng bạc hà được ngăn bằng hai lối đi cắt ngang hình chữ thập. Giữa chữ thập là sân cờ, nơi mà mỗi đầu tuần chúng tôi theo từng lớp sắp hàng nghiêm chỉnh chào quốc kỳ, sau đó nghe chỉ thị của ông Hiệu trưởng và Ban Giám thị. Hàng tháng cũng tại đây các học sinh giỏi được tuyên dương và được phát bằng danh dự. Sân sau trường là bãi cỏ rộng để tập thể dục, chơi vũ cầu, bóng rổ, bóng chuyền và cũng là mặt hậu thoáng mát nhìn ra cánh đồng lúa bao la với những cánh diều bay lượn trên không.
Về hình thức, trường Trần Quốc Tuấn không có nét gì đặc biệt, nhìn qua có vẻ còn thua cách kiến trúc của trường Bồ Đề hoặc Kim Thông và tất nhiên là kém hẳn những ngôi trường nguy nga đồ sộ mà tôi được thấy về sau. Nhưng ngôi trường giản dị ấy là nơi suốt sáu năm dài tôi cùng bè bạn ngày hai buổi học tập và sống trọn một thời hoa niên. Trong trường cảnh vật thật đơn sơ như Xuân Diệu tả:
-“Tôi giao cho em bụi chuối sau vườn, khóm dừa trước cổng tóc gió chải qua những chiếc lược xanh. Tôi giao cho em phòng học an lành, sân trường có tiếng guốc vang những chiều mưa, tôi giao cho em nắng vàng thương nhớ và cho em cả gió, cả trăng...” (3).
Hàng dừa dọc rào trước vừa mới lên xanh, bụi chuối sân sau bên phải cạnh nhà người phu trường kế bên phòng Thí nghiệm và cả ở phía bên trái trong khuôn viên dọc theo đường Phan Thanh Giản (nay là đường Lê Khiết), nơi mà dãy lầu đúc được xây thêm sau này khi có số lượng học sinh tăng cao. Cái nền xanh tươi mát của cỏ cây, màu tường vàng, mái ngói đỏ sống động hẳn lên nhờ những tà áo dài trắng nữ sinh và những bộ đồng phục áo trắng quần xanh của nam sinh.
Những sinh hoạt nhà trường càng ngày càng khởi sắc phần lớn nhờ công sức của ông Hiệu trưởng Hà Như Hy. Ông nghiêm nghị nhưng rất năng động, tạo được những thành tích cho trường về kỷ luật, học tập, thi cử và ông cũng chú trọng những hoạt động thể thao, văn nghệ, trại Hè thi đua với các trường trung học khác ở miền Trung.
Sau biến cố chính trị năm 1963, ông Nguyễn Khoa Phước (em của Tướng Nguyễn Khoa Nam) được bổ nhiệm thay ông Hy làm Hiệu trưởng và rời chức vụ sau khi đắc cử Thượng nghị sĩ. Ngoài các vị Hiệu trưởng và các ông Giám thị, Thư ký như ông Nguyễn Tiên, Nguyễn Văn Lụt, Nguyễn Văn Nhường, Lê Thành tương đối đứng tuổi, trường có cụ Lê Kỉnh là cao niên nhất. Với chiếc áo dài quốc phục đen hoặc trắng khi lên lớp môn Hán văn, với nội dung các bài học về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Cụ Kỉnh là hình ảnh vị sư phụ khả kính còn lại từ thời Nho học. Tuy nhiên lớp của cụ không vì thế mà kém hào hứng, một phần do sự tương phản đạo mạo của thầy và loắt choắt của trò.
Đa số các thầy cô khác của trường, không cách biệt tuổi tác mấy so với học sinh Đệ nhị, Đệ nhất, tốt nghiệp từ các trường Sư phạm Sài Gòn và Huế đã làm cho trường thành ra nơi tập trung trí thức trong tỉnh. Giáo chức thời ấy được hưởng lương vợ con và có đời sống tương đối phong lưu được xã hội, phụ huynh và học trò nể trọng, không đến nỗi như mãi về sau này giáo chức phải “dứt cháo” nên nhiều tệ trạng sinh ra và trí dục, đức dục vì thế giảm giá dần. Có thực mới vực được đạo. Lời tục quả chí lý!
Các vị giáo sư lúc bấy giờ một số là người Bắc như các thầy Nguyễn Thọ Chấn, Bùi Đức Lạc, Cao Đức Thư, Nguyễn Văn Chi, Dương Mạnh Thường, Thái Văn Hoàng, Trần Tiến Toàn, Vũ Đức Vượng, Nguyễn Thái Sơn...và người Huế như các thầy Hồ Đình Mai, Nguyễn Duy Đằng, Nguyễn Đình Luyện, Hoàng Đức Thạc, Nguyễn Trọng Do, cô Lê Thị Đường, cô Trần Thị Phương, cô Trần Thị Kim Đính... Có người từ Nam ra như quý thầy Bùi Đắc Đức, Nguyễn Ngọc Thanh, Trần Trúc, Nguyễn Công Trí, Bùi Xương, Phạm Hữu Đạo, Võ Hữu Nhân... Các thầy gốc Quảng có vẻ lớn tuổi hơn như các thầy Thái Đức Nhuận, Nguyễn Diễn, Chung Văn Miêng, Phạm Huệ, Võ Hữu Bá, Nguyễn Xuân Tảng, Đặng Xuân Nhi, Trần Quang Ngọc, Lê Quang Chưởng, Trương Quang Nhàn... Tất cả quý thầy cô ấy đã góp phần nâng cao trí tuệ không riêng cho học sinh Trần Quốc Tuấn mà cho cả tỉnh nhà.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội mới, nền giáo dục trung học đã trang bị những kiến thức căn bản về khoa học, toán, sinh vật, địa lý, nhân văn, chính trị. Sử học và văn học cổ điển cũng được chú trọng trong đường hướng bảo tồn truyền thống và văn hóa dân tộc, thơ văn cận đại đáng kể là những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn đã có ảnh hưởng lớn với thanh niên. Đặc biệt trong thời kỳ này văn hóa phương Tây cũng thâm nhập mạnh mẽ vào học đường.
Trong một xã hội khá phóng khoáng, tư tưởng phương Tây qua các tác phẩm được phổ biến rộng rãi thu hút giới trẻ từ hiếu kỳ trở thành hâm mộ. Chúng tôi vẫn còn đọc những truyện ngoại sử Tàu tràng giang đại hải của nhà Tín Đức Thư Xã, cả những danh tác như Tam Quốc Chí, Thủy Hử... Nhưng cũng đọc sách của Alexandre Dumas, Shakespear, Léon Tolstoï, cùng nhức đầu giống nhau khi đọc Trang Tử, Henry Miller hoặc Krishnamurti; mộng mị với cả Bồ Tùng Linh lẫn Edgar Poe. Chúng tôi thích thú và cảm động với thế giới trẻ thơ của Edmund D. Amicis, Hector Maillot, Mark Twain...bắt chước hiện sinh với Françoise Sagan, Sartre, bơ vơ trước biển trời bao la theo Hemingway, St. Exupéry...bối rối với những phức tạp và thẳm sâu cõi người với Eric M. Remarque, Jack London, Boris Pasternak...học đòi anh hùng như Don Quichotte của Cervantes...
Thầy Vũ Ngọc Châu (Anh văn), thầy Nguyễn Văn Giao (Pháp văn) và một nhóm học sinh lớp Đệ Nhị C TQT niên khóa 1965-1966.
Và học sinh cũng đọc những tác phẩm Việt Nam của Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Mạnh Côn, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng...thể hiện những giá trị riêng thích hợp với hoàn cảnh và tâm hồn của người đọc Việt Nam hơn. Hiện tượng mê sách tâm lý xã hội của Quỳnh Giao và sách võ hiệp Kim Dung cũng khá phổ biến ở giới trẻ. Nhưng nói cho cùng, các tư tường từ phương Tây đã giữ thế áp đảo, ưu thế này có thể ví von cũng mạnh như những đoàn quân viễn chinh của họ.
Thật vậy, văn hóa, văn minh Tây phương đi kèm với những học thuyết mới về xã hội và chính trị đã đến Việt Nam cùng một lần với bạo lực. Nhân sinh quan Đông Tây vôn xung khắc từ bản chất tạo nên sự va chạm mãnh liệt khi tiếp cận, dẫn đến hậu quả là những biến động xã hội vô cùng phức tạp mà cao điểm nhất là một cuộc chiến tranh khốc liệt. Và thế hệ chúng tôi là chứng nhân cũng là nạn nhân của giai đoạn đặc biệt có một không hai trong lịch sử này, một số người đã có tâm trạng bi quan lẩn trốn:
Nằm trên căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Bạn bè rời xa chăn chiếu
Ô hay còn đến bao giờ? (4)
Và một số khác tuyệt vọng và thống trách:
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh. (5)
Tuy nhiên, đa số giới trẻ của thời ấy nhờ truyền thống lâu đời của dân tộc cũng như qua giáo dục ở nhà trường đã tích cực đảm đương vai trò của thanh niên trong thời quốc biến đáp ứng được nhiệm vụ: “Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau”. Tôi tin chắc rằng từ thưở niên thiếu học sinh đã thuộc nằm lòng những bài hùng sử ca: “Lam Sơn giáng sinh anh hùng, tài cao tâm chí lớn lao...” hoặc “Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng...” hoặc “Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng, biên thùy rung chuyển...” hoặc “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi...”. Chúng tôi đã thật khích động với tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, với Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, với Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Bối cảnh lịch sử nước nhà đã tạo cho thanh niên tinh thần hào hùng nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Văn thơ nhạc tiền chiến vẫn được truyền bá tự do và những chàng trai của Uyên Thao, Quang Dũng là những mẫu người lý tưởng của tuổi trẻ:
Buông tay gàu vui lại thuở “bình Mông”
Ghì nấc súng nhớ ơi ngày đắc thắng
Chân đã mòn trên nẻo đường vạn dặm
Áo nào phai chưa bạc chút hào hoa.
(Nhà Tôi – Yên Thao)
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Nói đến tuổi trẻ mà không nhắc đến tình yêu học trò thì thật là một thiếu sót. Ở độ tuổi mà Đinh Hùng đã tả:
Khi mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy
Làm học trò mắt sáng với môi tươi.
Và những chàng trai ấy biết yêu lần đầu, trong sáng và ngây thơ như trong thơ Huy Cận:
Rồi cứ thế bỗng nhiên rồi họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.
Tình yêu với chút đam mê đầy màu sắc học trò:
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa màu nhung nhớ.
(Cần Thiết – Nguyên Sa)
Người học trò của Phạm Thiên Thư bạo dạn và si tình hơn:
Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Trưa trưa, chiều chiều
Thu Đông chẳng nhiều
Xuân qua, phượng nở sang Hè...
Để rồi thất vọng vì mái tóc dài, tà áo vờn bay ngày một khuất xa, đành “nhặt vội hoa này ép vào cuối vở, muôn thưở còn thương”. Và Xuân Diệu đã tỏ ra hoàn toàn cảm thông:
Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà lại được yêu
Cho rất nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết.
Những mối tình thơ dại ấy dù đã qua từ lâu hẳn vẫn còn để lại những kỷ niệm khó mờ phai.
Tuy nhiên, với tình yêu người ta có thể thay đổi, có thể quên nhưng tình bạn thường vẫn mãi mãi bền lâu. Trong thời tôi còn học Đệ nhất cấp, hầu hết các quận xã còn yên ổn; vào những dịp cuối tuần, lễ Tết, hoặc mùa Hè, chúng tôi thường từng đoàn chở nhau bằng xe đạp đi du ngoạn các thắng cảnh hoặc đến thăm nhà các bạn học ở miền thôn quê.
Ra khỏi thị xã đi về hướng Bắc là đến sông Trà Khúc nơi mỗi chiều chúng tôi thường bơi lội. Chiếc cầu cũ đã bị hư hại từ thời chiến tranh, chỉ còn trơ vài nhịp giữa dòng và cầu mới thì đang xây dở dang, nên một chiếc phà nổi được dùng tạm làm phương tiện qua sông.
Dòng nước trong cuốn theo bóng mây về đâu.
Lặng lờ Trà Khúc nước trôi mau.
Nắng vươn qua nhịp cầu. (6)
Bên kia bờ là “Long Đầu hý thủy”, có khu chợ nhỏ Quán Cơm thuộc xã Sơn Long, quê quán của nhà ái quốc Lê Trung Đình. Theo con đường đá dọc theo sông có thể nhìn thấy:
Đường đồi lên Thiên Ấn dốc xa xa,
Lơ lững áng mây vàng trên mái chùa xưa im vắng. (6)
Mặt bằng đầy cỏ xanh và bóng mát trên đồi quả là nơi cắm trại đầy lý tưởng.Tại đây chúng tôi có dịp thăm mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Đi tiếp về hướng đông đến Mỹ Khê là “miền biển xanh muôn sóng trắng, trời nước vẫn êm đềm tiếng ai hò câu tình ca” (6). Ẩn dưới bóng dừa kéo dài đến tận mũi Batangan là những thôn xóm hiền hòa vốn là bản quán của Quận công Trương Đăng Quế và liệt sĩ Trương Công Định. Cũng thuộc quận Sơn Tịnh, từ quốc lộ 1 rẽ lên hướng Tây là Ba Gia, Đồng Ké quê của các bạn Nhuận và Kim Sinh. Để ghi nhớ ngày phải xa quê sau trận chiến Ba Gia năm 1963, L. Thương đã viết bài thơ:
Tôi sợ lắm màu nâu màu đất Bắc,
Sao nỡ đành đem riêng tặng quê tôi.
Những người đi hãy ghi nhớ trong đời...
Tôi cũng có nhiều bạn ở Châu Ổ thuộc Bình Sơn như Hồ, Thuyên, Hộ, Thoại... và cùng với họ đi chơi dọc theo sông Trà Bồng ra đến Bình Thủy. Làng này là quê của chị em Hoàng Thơ, Dũng, được Tế Hanh tả:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá...
Từ hữu ngạn sông Trà xuống biển thuộc quận Tư Nghĩa, chúng tôi lần lượt qua nhà Nghĩa, Việt, Tường, Sáng ở Phú Thọ; đến Thu Xà là khu phố cổ một thời sầm uất cũng là quê của nhà thơ Bích Khê. Cuối con đường và ra đến tận biển là thôn Cổ Lũy nhắc khách lạ thương về Quảng Ngãi:
Người có nhớ lối đi “Cổ Lũy cô thôn”
Dừa cuốn gió hòa nhịp đời
Tình đẹp mãi trong lòng tôi. (6)
Tư Nghĩa là quận rộng lớn và trù phú của tỉnh, dọc theo quốc lộ về phía Nam qua ngọn “Thiên Bút phê vân” rồi “La Hà thạch trận”, hai bên đường là những cánh đồng lúa bao la vào đến sông Vệ. Chúng tôi đã có dịp thăm nhà các bạn Nhuận, Dư, Tuyết, Huệ. Về phía Tây thị xã đi bằng hai lối đều đến Nghĩa Hành, lối thứ nhất qua Ngã Năm, nhưng lối qua ngã ba Thu Lộ thì đáng nhớ hơn, ít ra là với Tế Hanh:
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa...
Qua đường sắt vài cây số là đến phi trường cũng là nơi từng chứng kiến những lần tiễn biệt người thân, bạn bè. Quận Nghĩa Hành là quê của các bạn T. Liễu, Toàn, K. Trâm, N. Diệp, Tùng. Các địa danh đèo Eo Gió, núi Đình Cương, những tên dễ nhớ, cùng tên trại Hành Tín đã được nhiều thế hệ “cải tạo viên”(!) biết đến và cũng là đề tài cho tác phẩm “Suối Bùn Reo” của nhà văn Nguiễn Ngu Í.
Dòng sông Vệ là lằn ranh giới phía Nam của quận Nghĩa Hành và Tư Nghĩa. Hữu ngạn sông Vệ thuộc về Mộ Đức. Tôi và các bạn học đã đến thăm nhà thầy Tú Kỉnh ở Long Phụng gần nhà Giảng và Điền, thôn Bồ Đề gần đó là bản quán của Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhà của Công, M. Tâm, M. Tánh, Lê, Sum ở dọc đường từ Quán Lát, Thạch Trụ, chợ Đồng Cát, Quán Hồng rồi đến Sa Huỳnh, năm 1955, Phan Lạc Tuyên đã qua đường này và để lại nhạc phẩm Tình Quê Hương:
"Anh về qua xóm nhỏ
Em chờ dưới bóng dừa
Nắng chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ
Mai nầy đất sẽ tươi mầm sống
Đàn trẻ thơ reo giữa lúa vàng..."(7)
Qua rồi một mùa ly loạn, tuổi trẻ tại phố thị làng quê lại nô nức đến trường. Trong số bạn cùng lớp tôi có người lớn hơn đến năm, ba tuổi vì đi học muộn do chiến tranh như Thông, Kim, Sen, Kha, Lầu kể cả Nguyễn Hữu Đông chân bị tật phải dùng nạng. Nhưng các anh đều học hành chuyên cần là những gương tốt cho bọn trẻ chúng tôi.
"Anh chiến binh tiền tuyến
Về giải phóng quê em
Xây nhịp cầu đất nước
Nối liền quê miền Trung..."(7)
Từ xa hơn nữa, những người bạn miền Bắc trước khi chia Bến Hải đôi bờ cách trở đã kịp vào xứ Quảng và cùng chúng tôi học hành buồn vui mà lòng vẫn trĩu nặng:
Ôi Thăng Long năm xưa thành phố cũ rêu xanh mờ
Hà Nội ơi nhớ nhé, ngày hồi hương ta vẫn mong chờ...(8)
Hoặc lưu luyến làng quê ở bến sông Đà:
Ai qua bến Đà Giang cho ta nhắn vài câu
Thương về mái tranh nghèo bên hàng cau...
Những người mang tâm sự ấy là Tôn, Tình, Tuyển, Tường, Mý, Cường, Ngà, anh em Thuận Kiên Bé, chị em Tần Tấn, anh em Loan Khắc...Chúng tôi cũng có những người bạn đến từ miền sông Hương núi Ngự như Dung, Nhuận, Lài, Ẩn...
Thời gian qua, ngôi trường như bà mẹ hiền bao dung chứng kiến đàn con mỗi năm thêm khôn lớn, thêm đông đúc mà mỗi đứa mỗi vẻ hoặc siêng năng, hiền lành hoặc lanh lợi, quấy phá...
Đến năm tôi lên Đệ Ngũ thì trường mẹ phải lo cho đám con gái sang bên trường Nữ Trung học vừa được thành lập. Trường dành cho các cô cũng ở trung tâm thị xã nên không xa mấy, những cuộc chia tay này hẳn đã làm cho nhiều chàng trai mới lớn buồn lòng đủ để “sản xuất” ra những dòng thơ...thẩn trong đêm khuya thao thức, và rất lâu sau đó người ta vẫn còn thấy những cậu học trò ngẩn ngơ đi lạc ở khu Phòng Đọc Sách hoặc ở chỗ Công viên trước tòa Hành chánh Tỉnh. Sau sự đổi thay này các lớp học của trường được sắp xếp lại, và đến năm tôi lên Đệ tam thì các cô từ trường Nữ lại trở về trường mẹ để học Đệ nhị cấp. Thế là trai gái lại đoàn viên và ngôi vườn của mẹ giờ đây đã đầy hương sắc của trăm hoa đua nở. Tôi lại có thêm nhiều bạn mới như Quy, Bình, Lực, Vỹ, Thể, Yến, Thanh, Hợp, Dương, Bê, Trầm, Em, N. Cầm, Thanh Tâm, Thu, Giang, Tuyết, Muội... Tất cả đã cùng tôi đi hết những năm Trung học.
Nhưng rồi cuộc họp nào mà lại không tan. Những trang lưu bút, những cánh hoa ép đổi trao càng nhiều hơn khi ngày thi Tú tài càng đến gần. Những khuôn mặt hốc hác vì chong đèn học bài, gợn thêm nỗi buồn vì ngày phân ly đã tới. Nhưng điều ưu tư nhất đối với tất cả là đã đến lúc bước vào cuộc đời với những sóng gió thực sự. Những biến động chính trị ở miền Nam xảy ra thường xuyên, và chiến tranh loang nhanh như vết dầu. Những bình an dưới mái trường như giấc mơ đẹp bị khuấy động phũ phàng vì tiếng bom đạn gầm thét mỗi đêm mỗi ngày càng rõ hơn.
Tin buồn từ chiến trường về có tên của những đàn anh mới rời trường không lâu. Chiến tranh không có mắt, không có lòng và cũng không phân biệt đối xử với thầy lẫn trò. Chúng tôi đã truy điệu thầy Nguyễn Duy Vinh chỉ ít lâu sau ngày thầy nhập ngũ. Dòng đời cứ thế đẩy đưa thầy trò về trăm ngả... Ngay cả sau khi cuộc chiến đã tàn hồi năm 1975,cuộc đổi đời năm ấy đã khiến cho phần lớn giào sư đổi nghề. Có thầy lỡ vận lên rừng đốt than hoặc về quê đi cày, có người xuống chợ trời bán mua độ nhật, có người chạy xe ôm nuôi vợ con như thầy Trai, có người lạc lõng giữa chợ đời như thầy Phương, có người vào nhà tu như thầy Châu.
Một nhóm học sinh lớp Đệ Nhị C TQT niên khóa 1965-1966.
Một số giáo sư khác trước sau rời Trần Quốc Tuấn rồi lưu lạc đến đất khách như các thầy Nguyễn Như Thọ, Lê Quang Chưởng, Nguyễn Duy Đằng, Hoàng Đức Thạc, Thái Văn Hoàng, Bùi Đức Lạc, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Bá, cô Lê Thị Đường... Riêng các thầy Phạm Phú Bé, cụ Lê Kỉnh, cụ Thái Đức Nhuận, thầy Nguyễn Diễn, thầy Trần Văn Giao đã lần lượt thành người thiên cổ... Nước Pháp có chuyện kể tướng Carnot có lần về làng cũ để thăm cụ giáo già đã dạy ông thời còn thơ ấu. Tôi không thẹn vì cả đời chẳng được làm ông đại tướng mà chỉ thẹn lòng đối với thầy cũ cũng không sánh được với Carnot.
Thầy đã xa. Và trò rồi cũng xa sau mùa thi 1966, đôi khi tưởng về trường cũ:
Nhớ hàng phượng thắm ven đường
Những lúc chiều buông, tan tác rơi cài lên mái tóc xanh.
Và các chàng trai từ dạo ấy:
Anh kinh đô tôi trở về miền xa
Biệt ly ai khéo gieo chi lên bao mái đầu xanh.
Còn các cô thì:
Ngày mai trong dám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi. (9)
Và thế là:
Hẹn nhau chưa hết một mùa phượng rơi
Nay hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay.
Rồi Nga Phước, Q. Nhì, Phượng, K. Trâm lần lượt xuất giá “tòng sư” và Mai, Lũy, Tần cũng xuất giá “tòng quan”, Hồng Vân, Hồng Việt thì:
Đời tôi là bến, ai qua ghé thăm đôi lần
Nhớ chăng tiếng ca cung đàn ngày xưa. (10)
Có người không chịu sang sông, chọn “hai chữ bình an” như Tú, Phiến để được mãi:
Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần. (11)
Nhưng cũng có bạn đã rũ bụi trần, về cõi khác như:
Hạnh ngủ buồn trong đất
Bên Ô Lâu lặng lờ
Hồn có còn u uất
Hay đã về hư vô?
Và Thu Vân:
Texas giờ đã lạnh tuổi xuân
Người đi và dĩ vãng xa dần...
Thời chiến, nhiều cô bạn đã trở thành chinh phụ như Phúc, M. Tâm khi:
Chàng từ đi vào nơi gió cát
Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao? (12)
Trong số các bạn chỉ có Lê Trung Hoa theo nghiệp làm báo và một số khác may mắn hơn còn tiến xa trên con đường học vấn như Uyên, Công, Cường. N. Thạch, Bảo, Nhuận. Phần còn lại như Giới, Thuận, Khương, Nga, Vĩnh, Lai, Việt, Mai, Chứng, Danh, Giáp, Tùng, Đoàn, Ất, Ái, Ân, Mùi, Tín, Huê, Võ, Lợi, Đỉnh, Minh, Thịnh, Vinh, Cự... đã xếp bút nghiên:
Giã nhà đeo bức chiến bào
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu (12)
Chiến tranh đã tàn phá quê hương, hủy hoại con người nhưng đồng thời cũng xây dựng được tình yêu đất nước cho tuổi trẻ. Tiếc thay, vì hoàn cảnh riêng và ý thức khác nhau về cuộc chiến, bạn bè một thời chung bước, chung trường có lúc rẽ ra hai nẻo:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi. (13)
như Lê Văn Nghĩa, Phạm Toàn...rồi một ngày:
Anh bạn dã dầu không bước nữa
Gục lên mũi súng ngủ quên đời (14)
và mãi mãi:
... không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong. (13)
Đi một nẻo khác, Lê Quang Kiệt, Phan Ngọc Vĩnh, Nguyễn Cho, Phan Thượng Dư, Nguyễn Hữu Chẩn, Huỳnh Khôi, Nguyễn Văn Dậu… sang sông làm Kinh Kha:
Gió hiu hắt, chừ sông Dịch lạnh ghê
Tráng sĩ một đi không trở về.
Và Nguyễn Đình Hành một thời tung mây lướt gió cũng đã:
Ngày nao thương ôi! Rụng cánh đại bàng!
Những người bạn học năm xưa đến ngôi trường mang tên Trần Quốc Tuấn mà lòng họ cùng kính ngưỡng ấy, có lúc đã ở hai bên chiến tuyến nay hẳn đã gặp lại nhau để cùng được vị anh hùng dân tộc khai ngộ cho ý nghĩa đích thực của lòng ái quốc và lẽ chính tà.
Năm 1966, tôi rời trường, xa bạn cũ, xa nhà và cũng xa Quảng Ngãi:
Ngày xưa mẹ vá con manh áo
Mẹ dẫn con đi đến cổng trường
Ngày nay muôn áo non sông rách
Mẹ tiễn con ra chốn chiến trường. (15)
Chinh chiến đã đưa tôi đi khắp nẻo đường đất nước và trả tôi về với vết thương không bao giờ lành hẳn:
Dừng chân quán năm xưa, uống nước dừa
Hay nước mắt quê hương. (16)
Và cảm thấy bơ vơ:
Người đi theo cánh gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu linh về chốn cũ
Tới đây chân bước còn ngại ngùng... (17)
Tuy trong lòng:
Tôi vẫn hình dung nét ai đang cười (18)
Một trong những người bạn đồng song gần 40 năm xưa ấy đến nay vẫn cùng tôi chia xẻ khóc cười theo vận nước nổi trôi, sống đời di trú, chỗ đất lành thì chim đậu. Những cánh chim Việt như Tuấn, Nho, Hùng, Lợi, Phúc, Nhung, Hoạt, Long, Hãng, Kiệt, Đồng, Đông, Ký, Hải, Sơn, Thành, Chiển, Na, Nhuận, An, Khôi, Soại, Quế Anh, Thiên Hương, Bửu Anh, Thu Hồng, Bình, Huệ... nếu còn đủ sức bay, hẳn sẽ có một ngày tìm về tổ cũ.
Đã 32 năm trôi qua kể từ khi tôi rời trường Trần Quốc Tuấn. Đã có 5 thế hệ học trò khác tiếp nối đến rồi đi. Nhưng hình ảnh trường xưa trong tôi vẫn còn nguyên vẹn, và trên thực tế vẫn còn nguyên vẹn cho đến năm 1975, như được kể trong một bài bút ký đăng trên nội san Trần Quốc Tuấn năm 1996, (trang 13, cột 1, dòng 33 đến 43):
-“Trường Trần Quốc Tuấn có khuôn viên đẹp, văn phòng, lớp học khang trang (chưa vỡ một tấm gương), cây xanh bóng mát, học sinh lớn có ý thức, lễ độ, rất dễ thương. Dưới những hạt mưa Thu, các nữ sinh trong những chiếc manteau đầy màu sắc, với những chiếc dù hoa. Đứng trên ban-công của phòng đợi nhìn xuống sân trường hoa lệ, tôi tưởng mình lạc vào Băng-Cốc hay Hồng-Kông!”...
Đây là đoạn trích những cảm nghĩ đầu tiên về ngôi trường và học trò Trần Quốc Tuấn của ông N. Đ. Quyền là giáo viên vừa từ miền Bắc vào “tiếp thu” trường trong niên học 1975-1976. Các nhận xét trên rất thành thật, riêng câu “nhìn xuống sân trường hoa lệ, tôi tưởng mình lạc vào Băng Cốc hay Hồng-Kông!” rõ là quá đáng, vì chắc chắn trước đó ông chưa bao giờ thấy tận mắt hai đô thị “phồn vinh... không giả tạo” ấy; và thật tội nghiệp cho ông suốt 20 năm thời còn dạy học ở miền Bắc, ông cũng chưa từng thấy ngôi trường nào ngoài ấy có thể tạm sánh với trường Trần Quốc Tuấn ở một tỉnh nhỏ miền Nam này. Trong một đoạn sau, ông N. Đ. Quyền, một lần nữa lại tỏ ra tính thật thà đáng quý của một người già trong những năm tháng cuối đời, khi viết những dòng chữ vào năm 1996 tả lại sinh hoạt trường Trần Quốc Tuấn (1981) sau 5 năm ông về “tiếp thu” (trang 13, cột 2, dòng 22-26):
-“...Học sinh không còn đồng phục nữa. Chương trình phân ban đã bị xóa. Trong các lớp học, cửa chớp, cửa sổ, cửa lớn không còn một tấm gương...”.
Hai đoạn trích trên thuộc bài bút ký có tựa đề “Những kỷ niệm êm đềm” nhưng chữ “êm đềm” thật khó đúng nghĩa khi đã có lẫn vào “những tiếng loảng xoảng của các tấm gương vỡ”. Những tấm gương đã bền bỉ trên các khung cửa lớp học suốt 20 năm trước đó, nay đã vỡ rồi! Ông Quyền không cho biết vì sao mà vỡ. Thế còn trí tuệ và tâm hồn trong sáng của tuổi học trò, vẫn thường được ví như những tấm gương, liệu có còn nguyên vẹn như xưa?
Riêng tôi, mỗi lần nghĩ đến các thế hệ học trò đàn em và nghĩ đến trường, vẫn luôn mang mặc cảm có lỗi mà không tự biện giải được...
Còn thầy xưa, bạn cũ đã xiêu lạc bốn phương trời! Nay thản hoặc gặp nhau trên đất khách, có người giờ đã là bà nội, ông ngoại, nhưng “tha phương ngộ cố tri, diệc bất lạc hồ” thật vô cùng xúc động, trong phút giây một thời hoa niên thơ mộng như chợt sống lại. Nhưng rồi cùng “một lứa bên trời lận đận, dưới trời nắng chang chang đang khi phải kiếm cơm giật gạo, tay làm hàm nhai, em có thể trở lại hái hoa được sao?” (3). Vật đổi sao dời, xưa kia chỉ một dòng sông Hán Dương ngăn cách, Thôi Hiệu đã thở than:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Lòng tôi còn thấm thía hơn. Việt Nam nay nghìn trùng xa cách bên kia biển Thái Bình Dương, có tỉnh nghèo Quảng Ngãi, có ngôi trường Trần Quốc Tuấn thân yêu, nơi mà tôi cùng với bạn bè đã sống một thời đẹp nhất trong đời.
California Hè 1998.
ĐẠM PHONG
Chú thích:
(1) (3) Giao Lại Tuổi Thơ – Phấn Thông Vàng
(2) Học Trò Khó
(4) Nhạc Trinh CS.
(5) Thơ Vũi Hoàng Chương
(6) Nhạc Anh Đỗ - Văn Quang
(7) Nhạc Đan Thọ
(8) Nhạc Hoàng Dương
(9) Thơ Hàn Mặc Tử
(10) Nhạc Huỳnh Anh
(11) Thơ Nguyễn Bính
(12) Chinh Phụ Ngâm Khúc
(13) Thơ Thâm Tâm
(14) Thơ Quang Dũng
(15) Thơ khuyết danh
(16) Nhạc Phạm Thế Mỹ
(17) Nhạc Văn Cao
(18) Nhạc Hoàng Quý.
Xem các Bài liên hệ tại đây và tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net