Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 22, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
MỘT CHUYẾN “NAM DU” THĂM NHÀ VĂN THINH QUANG
NGUYỄN CAO CAN

 

MỘT CHUYẾN “NAM DU” THĂM NHÀ VĂN THINH QUANG, MỘT HỌC GIẢ LÃO THÀNH QUẢNG NGÃI, NHÂN NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT ĐINH DẬU 2017

Nguyễn Cao Can tường trình

 

 

San Jose Jan. 9.2017 ‐ Trong những ngày giáp Tết Đinh Dậu, Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng sản ở San Jose tổ chức nhiều Events Mừng Xuân rất vui nhộn, nhưng anh em thân hữu Quảng Ngãi đã tổ chức chuyến Nam Du thăm nhà văn lão thành Thinh Quang. Chuyến Nam Du khởi hành từ San Jose khoảng 10 giờ sáng ngày Thứ  Sáu, mồng 6/01/2017. 

 

Thật bất ngờ và gấp gáp vì không định trước. Anh Nguyễn Liệu gọi phôn mớm ý, Võ Thạnh Văn, Nguyễn Tấn Ích và chúng tôi đều hỏi lại, tại sao lại không đi? Thì “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, người sống đến 70 đã khó, nhưng người đã thủy chung với bút nghiên gần 80 năm đằng đẵng như nhà văn lão thành Thinh Quang, năm nay 95, lại càng khó tìm hơn.

 

Chúng tôi chỉ nghĩ vậy, làm vậy. Gặp nhau ngày Thứ Năm, sáng Thứ Sáu lên đường, với một bản phân công bất thành văn theo tuổi tác: anh Nguyễn Liệu, Trưởng xa, nhà văn Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích bị bệnh nên “ngồi chơi xơi nước”, nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn và chúng tôi thay nhau vừa làm tài vừa lơ xe.

 

 

Học giả Thinh Quang năm nay đã ngoài 95 cái xuân xanh. Ông là một trong hàng bao nhiêu nhà văn lão thành nổi tiếng của quê hương Núi Ấn Sông Trà. Từ cụ Bút Trà, Hồng Tiêu, Nguyễn Vỹ, Bích Khê đến Tế Hanh, Mộng Đài…Những tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam mà chúng tôi rất tự hào. Hầu hết các cụ đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn lại mỗi nhà văn, nhà báo Thinh Quang vẫn còn tiếp tục thầm lặng làm kiếp con tằm nhả tơ ở xứ người:

 

“Mượn tuyết trắng viết câu chính khí

Lấy mây Tần ghi lại ý hoài hương”

 

 

 Sở dĩ chúng tôi gọi Cụ bằng anh vì chúng tôi và Cụ đã gặp nhau từ lúc chúng tôi còn quá trẻ. Năm ấy, 1969, từ Đà Lạt chúng tôi được biệt phái về làm giáo sư trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi thì Cụ đang là giáo sư Trung học Kim Thông.

 

Một buổi chiều tan học, chúng tôi không hẹn mà gặp nhau tại nhà sách Nam Sang, nơi có cô hàng sách rất đẹp, đẹp nổi tiếng tại Quảng Ngãi thời bấy giờ, cô Mậu. Đúng là “Những tư tưởng lớn của tuổi trẻ đã gặp nhau”. Từ cái thuở anh chàng Thiếu Úy mới vừa biệt phái, tuổi độ chừng 25, có lúc đi dạy vẫn còn thích bộ Nhà binh trên người, gặp nhà văn Thinh Quang trạc tuổi 50, chúng tôi quen nhau và kết anh em – bạn vong niên thân tình - kể từ đó. Không ngờ là chúng tôi đã dang díu với Cụ cho đến ngày nay!

 

Anh Nguyễn Liệu thì kể rằng đã mê anh Trần Dũ Khìêm [TQ] từ lúc anh cầm còi làm trọng tài bóng đá trên sân cỏ Quảng Ngãi từ thời Việt Minh (Trước 1954, Quảng Ngãi thuộc Liên Khu V, Việt Minh là tiền thân của Cộng sản)…

 

Dọc đường đi, từ San Jose về Wesmister, anh em trên xe trò chuyện râm rang xung quanh những điều liên hệ đến Cụ Trần Dũ Khiêm tức nhà văn, nhà báo Thinh Quang. Về Cụ thì có nhiều giai thoại thật đặc biệt. Cụ là người dân Quảng Ngãi đầu tiên”Vượt biên”, năm 1952, tìm đường chạy trốn khỏi Quảng Ngãi, từ bỏ vùng Việt Minh, vùng Kháng Chiến Liên Khu V, trốn ra Đà Nẳng, vùng Tự do để làm báo. Thái độ ấy đã thể hiện tinh thần chống Cộng triệt để của Cụ. Chúng ta thì mãi đến sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 mới bắt đầu có phong trào vượt biên, vuợt biển để tìm tự do…

 

Để thu ngắn đường dài từ San Jose – Los Angeless, sau nhiều chuyện lý thú về Cụ Thinh Quang được tiếp nối với chuyện Búp Bê Nhật (Japanese Robot), thật hấp dẫn. Nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ đã kể tỉ mỉ về sự mượt mà của nước da, từng ánh mắt đưa tình cùng nụ cười hấp dẫn của người đẹp Đông Kinh, Búp Bê Nhật… Anh em nói như đùa là nhờ Phù Hư Dật Sĩ order mỗi người một Nàng về làm cảnh và để lo điếu đóm trà rượu… Câu chuyện Búp Bê Nhật kéo dài đến Quận Cam.

 

 

Không rõ chuyện như đùa này sẽ có cơ duyên thành hiện thực hay không? Wait ‐ And ‐ See! Anh Liệu lại nhớ đến ”Đêm tắm rượu” tại nhà anh trong ngày vinh danh nhà văn Thinh Quang tại Bắc Cali năm 2007 và đọc vài câu thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân gửi nhà thơ Thinh Quang trong bài ”Bọn Mình Cho Đến Bây Giờ Còn Ai”:

 

“Tưởng ngày tháng rong chơi viết lách

Ngoài tám mươi còn sách, còn thơ.

Báo chương còn dở nước cờ,

Bọn mình cho đến bây giờ còn ai” 

 

Nhà thơ Hạo Nhiên đọc những câu thơ trong bài Tụ Hội Quê Người mà Cụ Thinh Quang viết tặng Hạo Nhiên nhân ngày Hội Ngộ Mừng Xuân của Hội Ái Hữu Quảng Ngãi Bắc Cali:

 

“Về đây tụ hội bên nhau

Cho vơi năm tháng nỗi đau xứ người.

Vầng trăng Thiên Ấn ngậm ngùi

Mây giăng nỗi nhớ, còn đâu chuông chùa?”

 

Đến 6:30 chiều là chúng tôi đã thấy Phước Lộc Thọ, TP. Westmingster, lấy phòng tại khách sạn Little Sài gòn Inn trên đường Brookhurst ở Garden Grove.

 

Như đã hẹn với nhau từ khi còn ở San Jose, Gs Nguyễn Liệu và chúng tôi cùng đến thăm nhà văn Cung Tích Biền vừa sang Mỹ định cư cùng gia đình. Vợ anh là chị Mai [Hoàng Thị Kim] cùng vợ chồng con trai, các cháu nội của anh đã định cư, quốc tịch Mỹ từ lâu, nay anh mới ra đi.

 

Rất mừng gặp lại nhau, vì đã xa nhau quá lâu, tưởng chừng như từ ngày “gãy súng, tan hàng” cho đến nay nên nhà văn Cung Tích Biền và chị Mai dành phần mời phái đoàn dùng dinner. Chúng tôi đến nhà anh chị khá tối, bụng đã đói meo. Biết vậy nên chị Mai rất tâm lý mời phái đoàn đi nhà hàng ngay, không kịp vào nhà.

 

Cung Tích Biền dành phần lên xe lớn để chuyện trò với anh em, chị Mai chở chúng tôi và dành phần hướng lộ. “Mới lấy bằng lái vài tháng thôi, anh Can ơi”, chị Mai tâm sự. Tôi thì khen: chị Mai lái vững vàng quá, nhưng trong bụng cũng hồi họp vô cùng vì trời tối. Chỉ hơn mười phút sau, chúng tôi đã an toạ tại một nhà hàng khá khang trang trên đường Brookhurst.

 

 

Ngồi vào bàn, Chị Mai chọn món ăn. Đã từ rất lâu, trên 40 năm, anh em chúng tôi mới có một buổi ăn tối chung. Nguyễn Liệu và Cung Tích Biền nhớ ngày xưa, các hào kiệt “Tắm Bia trong Nón Sắt nhà binh” ở khu nhà Dù của Quảng Ngãi Nghĩa Thục nên cụng ly lia chia. Xưa kia các hảo hán này từng đứng hẳn trên mặt bàn, cụng miệng chai với nhau, và…nốc một hơi cạn mỗi người một chai bia mới cười sảng khoái mà bước xuống đất. Nay, Nguyễn Liệu đã 85, Cung Tích Biền cũng vừa qua tuổi 80, nên gần đoạn cuối buổi tri kỷ tương phùng, “Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu, mà không uống cạn, mà không say!”…Người viết phải vớt bớt cho anh Liệu nửa chai bia nên niên trưởng 85 mới đứng vững được cho đến giờ cuối. Niên trưởng Nguyễn Liệu vỗ nhẹ vào bàn, gọi chủ quán tính tiền.

 

Trong lúc chén thù chén tạc, Cung Tích Biền lại nhắc đến nhà thơ Chu Vương Miện muốn gặp anh em. Nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ thì than thở là rất tiếc, không thể nào đón được Chu Vương Miện để café sáng mai với nv. Vương Trùng Dương và TH. Lê Văn Mạnh tại ZCafe @Westminster.

 

Vì chuyến đi ngắn ngày, khởi hành Thứ Sáu, Chủ Nhật thì về, và quá xa đường nên phải sorry anh em. Không thể đền đáp trọn vẹn ân tình mà bằng hữu đã dành cho. Chúng tôi đành xin hẹn chuyến sau…

 

Đại Úy Trần Ngọc Thao là nhà văn Cung Tích Biền, một cây viết thành danh, rất nổi tiếng của miền Nam từ trước 1975 với nhiều tác phẩm văn chương tiêu biểu. Sau biến cố Tháng Tư 1975, cùng số phận với các nhà văn hữu danh của Miền Nam, toàn bộ tác phẩm Cung Tích Biền bị nhà nước Cộng sản cấm in ấn, lưu hành, tàng trữ.

 

Cung Tích Biền có rất nhiều kỷ niệm êm đềm đáng trân trọng với miền Núi Ấn Sông Trà. Anh cũng là Giáo sư Việt văn lớp 12 Trung học Quảng Ngãi Nghĩa Thục. Từ khi còn là Giảng viên trường Sĩ quan Hành chánh Sàigòn cho đến khi giải ngũ, Cung Tích Biền là một trong những sáng lập viên của Trung học Quảng Ngãi Nghĩa Thục, một Tư thục không lấy học phí duy nhất của Miền Nam, có lúc quy tụ trên 3000 học sinh nghèo và trên 100 Giáo sư dạy không thù lao.

 

 

Gần đây, năm 2016, nhân kỷ niệm 60 năm cầm bút, và 50 năm bút hiệu Cung Tích Biền nhà xuất bản Magazon có xuất bản một tập sách dày trên 220 trang, là nội dung trả lời ba cuộc Phỏng vấn Cung Tích Biền, với trang Văn học Talawas [www.talawas.org], Văn chương Không Biên giới Da Màu [www.damau.org] và đài phát thanh RFA. Sách có tựa đề là “Đành Lòng Sống trong Phòng Đợi Của Lịch Sử. Tựa đề được trích từ một câu trả lời PV của Cung Tích Biền.

 

Qua tập sách này, với những trả lời chân thật, trực tiếp bộc bạch của anh, chúng ta biết thêm rất nhiều bí ẩn mà bấy nay chúng ta chưa biết tới. Sau khi giải ngũ anh được Viện Đại học Quảng Đà [Đà Nẵng] mời giảng dạy, Giáo sư Thỉnh giảng. Nhưng sau 1975 anh và gia đình bị tịch thu nhà cửa, thất cơ lỡ vận. Cung Tích Biền đi học tập cải tạo theo quy chế sĩ quan giải ngũ.

 

Riêng nghiệp dĩ cầm bút, nhà văn Cung Tích Biền đã âm thầm sáng tác trở lại sau 12 năm gát bút [1975-1987]. Tác phẩm xuất hiện trên rất nhiều trang mạng, cả in thành sách ở Mỹ, được dịch sang ngoại ngữ, được độc giả hải ngoại đón đọc với nhiều tình cảm tốt đẹp. Cung Tích Biền làm việc cần cù, nhưng nhậu cùng anh em cũng rất… cần cù, tới gục mới thôi.

 

Gặp nhau, chúng tôi lại nhớ đến nhiều kỷ niệm với nhà văn Cung Tích Biền, nhớ tới người anh ruột của anh là cố Thiếu tá Trần Ngọc Tấn, nguyên là Quận Trưởng quận Sơn Tịnh, cũng là giáo sư Việt văn của QNNT, đã nhiều Chủ nhật cùng Ban Giám đốc và một ít Giáo sư uống bia bằng nón sắt tại khu nhà Dù. Phải dùng nón sắt đựng bia và đá lạnh, cứ thế thay phiên nhau uống vì trường không có ly. Nón sắt thì trường có sẵn vì nhiều sĩ quan đến dạy bỏ quên ở văn phòng...

 

Những trận uống bia dã chiến như thế rất tuyệt vời! Nhiều bữa chúng tôi uống bia dưới trăng giữa đêm khuya, ướt sương, nhìn ngọn Thiên Bút trải dài trong đêm vắng. Mùi vị của bia xông lên dưới ánh trăng, cùng với cái lạnh của sương khuya… trộn lẫn chút men tình chiến hữu đã làm cho anh em không còn “Biết đường đi lối về”, trong đó thường có anh Hiệu Trưởng Nguyễn Liệu, Giám Đốc Nguyễn Văn Minh, Phan Nhự Thức, nv. Cung Tích Biền, Thiếu tá Trần Ngọc Tấn, nt Hà Nguyên Thạch, nv. Vương Thanh, và chúng tôi, nguyên Giám học.

 

Dĩ nhiên uống rượu như thế thì làm sao lại thiếu Thơ cho được. Anh em thay nhau ngâm, rượu vào lời ra nên rất lộn xộn, nhưng vô cùng thú vị. Lúc thì ngâm nga Người Điên của Hoàng Cầm, lúc thì Hành Phương Nam của Nguyễn Bính:

 

“Đôi ta lưu lạc phương Nam này,

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

Riêng ta với ngươi buồn vậy thay

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn, mà không say!”

 

Nhớ đến bạn bè xưa cũ của dĩ vãng một thời, bây giờ kẻ còn người mất thật vô cùng xót xa, ngậm ngùi. Đọc Hành Phương Nam của Nguyễn Bính thật đúng với tâm trạng của anh em trong chuyến Nam Du này. Cá nhân người viết lấy làm tiếc là không mời được Người Đẹp ngâm thơ hay mà ngâm Hành Phương Nam trên chuyến Nam Du này thì tuyệt vời biết mấy. Tiếc lắm thay!  

 

Nhớ đến Hành Phương Nam là nhớ vô cùng đến những người anh, những người bạn thương yêu mê thơ văn một thời, sống với lý tưởng chống Cộng sản như Thiếu tá Trần Ngọc Tấn đã chết trong Trại Cải Tạo của CS ở Trại Hà Nam Ninh. Riêng hai người bạn thân là nhà thơ Phan Nhự Thức, là Chủ tịch Hội đồng Tỉnh Quảng Ngãi và nhà văn Vương Thanh, Nghị viên Hội đồng Tỉnh đã chết tại Sài Gòn sau khi Tù Cải tạo về và nhà báo Minh Đường chết trên đường vượt biển ở Cà Mau.

 

 

Viết đến đây, chúng tôi nhớ đến chị Trần ngọc Tấn. Năm 1984, sau khi ra tù cải tạo, chúng tôi đưa gia đình trốn khỏi Quảng Ngãi về Sài Gòn, một hôm đến thăm chị Tấn ở đường Trương Minh Giảng, Phú Nhuận, vừa gặp, chị Tấn đã ôm chầm lấy chúng tôi và khóc bù lu bù loa: “Chúng nó giết anh Tấn rồi Can ơi!”. Tôi xem chị Tấn như bà chị Cả vì cháu Phấn, con gái lớn của anh chị là học trò chúng tôi ở Nữ Trung học Quảng Ngãi nên rất thân tình.

 

Chị đón chúng tôi và đứng ngay trước cửa nhà trên đường Trương Minh Giảng vừa khóc vừa chửi CS là lũ đại gian, đại ác…Chị quá khổ đau nên hóa liều. Chung quanh nhiều người đi đường dòm ngó. Chúng tôi rất ngại, bèn dìu chị vào nhanh trong nhà. Vừa vào nhà, chị rút ngăn kéo lấy giấy tờ gói trong bao ny‐lông, đưa cho tôi xem những thứ mà cán bộ CS từ Trại Tù Hà Nam Ninh vừa mang đến nhà đưa chị: Một chiếc đồng hồ Omega đứt dây, đã chết máy, một Lệnh tha và một Giấy chứng nhận trả quyền Công dân cho anh Trần Ngọc Tấn. Thật là không còn gì khôi hài hơn thế nữa!

 

 

Sau một thời gian ngắn, khi biết tin chồng mình chết trong trại tù cộng sản, một buổi trưa chị Tấn bị đứt gân máu, đột quỵ và chết ngay tại nhà!

 

Sáng ngày hôm sau, Chúa Nhật, chúng tôi phải đi lòng vòng đến đón nhà văn Trần Việt Hải cùng đi thăm Cụ Thinh Quang. Trần Việt Hải là nhà văn trẻ, một tấm gương dũng cảm nhất trong anh em, đã vượt qua nhiều khó khăn của thân bệnh để viết lách và nối kết anh em để thực hiện rất nhiều tác phẩm lưu dấu nhiều kỷ niệm ân tình.

 

 

Cùng với nv. Trần Việt Hải, chúng tôi đã thành hình một phái đoàn rầm rộ, kết hợp từ Bắc đến Nam Cali kéo vào nhà, Cụ già 95 cái Xuân Xanh, dù đang bệnh cũng cười rạng rỡ ôm hôn như say đắm từng anh em một. Đã lâu, vì sức yếu nên con cháu rất giới hạn cho Cụ bắt phôn. Anh em đã cùng Cụ đều ôm nỗi nhớ lâu ngày. Anh em tha hồ chụp hình chung với Cụ. Hôm nay, Cụ Thinh Quang là tài tử chính. Từng người một đã tâm tình với Cụ khá nhiều, khá lâu… Nhưng, quả thật, có nói cũng không cùng! Anh em chúng tôi không dám kéo dài thời gian vì mọi người muốn để Cụ nghỉ ngơi. Trước khi về, anh em đều khen cô con dâu của Cụ, đã chăm sóc Cụ rất tươm tất. Cụ bệnh nằm một chỗ lâu ngày mà giường chiếu và người Cụ vẫn giữ được sạch sẽ vô cùng. Phước Đức của Cụ khá lớn! 

 

Tuy bệnh lâu ngày, nằm một chỗ nhưng gương mặt Cụ vẫn rạng rỡ, phúc hậu. Đúng là chánh nhân và tà nhân, chánh Đạo và tà Đạo rất dễ phân biệt và rất cần thiết phải nhận biết nhất là trong thời buổi vàng thau lẫn lộn này. Thử hỏi tại sao Người Xưa nhận biết được Bố Đại Hòa Thượng? Không phải vì Bố Đại Hoà Thượng có pháp thuật, hoặc cứu độ được nhiều người mà chính là cái vẻ Tự tại, Vô ngại, không chấp trước Nhân, Ngã, Bỉ, Thử, không cầu Danh, hám Lợi, không kể lể Công đức, không cố tình để lại vết tích của Tự Ngã. Họ làm tất cả mọi việc đều vì lợi ích quần sanh chứ không phải vì sự vinh quang của tổ tông hay vì bất cứ thứ phần thưởng vật chất hay tinh thần nào của cuộc đời.

 

Cụ Trần Dũ Khiêm, nhà văn, nhà báo Thinh Quang là người như vậy. Đã gần 80 năm cầm bút, từ những tác phẩm đầu tay như “Văn Minh Đông Phương” từ thập niên 40, cho đến “VN Văn Hoá Sử Cương”, với hàng trăm truyện ngắn, hàng ngàn bài biên khảo đủ mọi thể loại, nhưng không bao giờ thấy “Cái Tôi” của Thinh Quang đâu cả. Vì thế, năm 2007, Hội Ái Hữu Quảng Ngãi, Báo Thằng Mõ Nam Bắc Cali, Văn Đàn Đồng Tâm đã vinh danh nhà văn, nhà báo lão thành Thinh Quang với tác phẩm: ”Thinh Quang Nhà Văn Hoá Thầm Lặng”, quy tụ trên 60 cây bút của các nhà văn, nhà thơ và thân hữu. Chúng tôi, người viết, là Trưởng Ban, đã tổ chức Lễ Vinh Danh và giới thiệu tác phẩm tại nhà hàng Dynasty (thành phố San Jose) thành công viên mãn, quy tụ trên 500 văn thi hữu và thân hữu cùng Đồng hương Quảng Ngãi.

 

Trên đường rời nhà Cụ ở vùng San Gabriel để về lại TP. Westmingster, chúng tôi lại lòng vòng đến thăm vợ chồng BS Đỗ Văn Học đang làm việc tại phòng mạch ở TP. West Hills/ Canoga Park. 

 

Vừa gặp, chúng tôi liền than với Bs Học: GS. Đào Đức Nhuận đã rời nhà Cụ hơn nửa giờ rồi. Bây giờ đang trên đường về nhà, vì có việc gia đình nên chị Nhuận đã triệu hồi anh về gấp. Tiếc vô cùng đã để Gs. Nhuận đợi lâu quá. Anh em mong muốn cũng không gặp được anh. Đúng là: “Đã hẹn nhau rồi không tưởng tiếc”, nhưng thực tình là rất tiếc vì rất ít có cơ hội gặp nhau được. Chưa biết chừng nào thì anh em mình mới gặp được anh Nhuận đây?

 

Bs Học đang có nhiều khách đến khám bệnh. Anh chị Đỗ Văn Học tiếp chúng tôi rất thân tình. Sau bao nhiêu năm mới gặp lại, nhưng chị Học vẫn nhận ra chúng tôi. Thật vui và cảm động.

 

Anh Học vừa lo bệnh nhân vừa tiếp anh em chúng tôi. Trần Việt Hải tiếp nhận một số lịch của Năm Mới 2017 Đinh Dậu được anh chị Bs Học trao tặng. BS Học chạy tới chạy lui, vừa khám bệnh vừa chuyện trò với anh em, thật thoải mái và tươi vui. Đã đến lúc anh chị Học đóng cửa và mời anh em đi ăn trưa. Điều bất ngờ là tại nhà hàng, khi đang gọi món ăn, và chuyện trò rôm rả thì BS Học nhận được điện thoại của sở Police gọi vì còn một bệnh nhân đang nằm trong phòng mạch. Nhưng phòng mạch lại khoá cửa, bệnh nhân không có lối ra nên phải báo Cảnh sát. 

       

Bệnh nhân bị bỏ quên ở phòng mạch vì kẹt khách phương xa! BS Học phải về mở cửa ngay. Rất may là Cảnh sát chưa đến. BS Học trở lại bảo: Mọi việc đều êm. Hú hồn! Tất cả đều tỏ vẻ lo lắng và đã thở ra cái phào! Lo thù tiếp anh em phương xa mà quên cả bổn phận. Cảm ơn anh chị BS Học vô cùng vì đã dành nhiều ưu ái với anh em nên đã quên khách hàng. Một đãng trí thật dễ thương! Những cái quên thật tình tứ ấy đã tạo ra những kỷ niệm đẹp và hy hữu của cuộc Nam Du. Có kỷ niệm đẹp để nhớ cả đời một chuyến “Hành Phương Nam” thăm nhà văn lão thành Thinh Quang đầy ấn tương, thật vô cùng tốt đẹp và chí tình.

 

 

Cho lời kết của chuyến Nam Du:

 

Chúng tôi tạm gọi theo kiểu thi sĩ Nguyễn Bính là chuyến “Hành Phương Nam.” Đúng là những người lưu lạc đi thăm viếng những người lưu lạc! Những tâm hồn sôi nổi luôn gặp những hồi sôi nổi, [nhại] theo kiểu Hành Phương Nam của Nguyễn Bính:

 

Anh em lưu lạc Phương Nam này,

Trải mấy ngày qua mưa gió bay.

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

Riêng anh em mình buồn vậy thay

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Uống vào lại gọi cấp cứu ngay… (1)

Ngươi ơi! Ngươi ơi!

Hề Ngươi ơi!

Tiếp bạn ân cần quên khách bệnh (2)

Đến chừng Cảnh sát gọi mới hay

Ngươi ơi! Tuyệt Đẹp: Tình bằng hữu!

Đời vắng nhau rồi, vui với ai? [3]

 

NGUYỄN CAO CAN

San Jose, Jan. 9th /2017.

 

Ghi chú:

 

(1). Khi về hơn nửa đường Nam Cali – San Jose, chúng tôi phải dừng xe gọi 911 để đưa một “Chàng Hành phương Nam“ vào cấp cứu ở Adventist Medical Center – Hanford. Nằm một đêm là chàng khoẻ ngay.

 

(2). Vợ chồng Bs Học vừa khám bệnh vừa ân cần tiếp bạn. Đến khi đưa anh em chúng tôi đến nhà hàng dùng cơm trưa, thì Bs Học nhận được cú phôn khẩn của sở Cảnh Sát báo là Bs  còn một Bệnh nhân, bị bỏ quên trong phòng khám! Hú hồn! BS Học quay về, mở cửa kịp, không có gì trầm trọng xảy ra.

 

[3] Nhại thơ Vũ Hoàng Chương, “Đời vắng em rồi, vui với ai”

 

*  *  *

 

Xem bài tác giả Thinh Quang: click vào đây
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh