Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
THƯ GỞI CHO MẸ
NGUYỄN HỮU THỜI

 

(Based On True Story)

 

Bà Đoá đang làm bếp cho bữa cơm chiều, bà với tay lấy chai nước mắm; tính nêm thêm vào nồi cá đang sôi, bỗng tiếng điện thoại nơi phòng khách reo liên hồi. Bà rụt tay lại, nhanh tay tắt bếp, vội bước lên nhà trên bắt điện thoại. Đầu dây bên kia, con trai bà, Dũng lên tiếng:

 

- Chào mẹ, chiều nay con không về nhà ăn cơm với cả nhà được. Mẹ và hai chị dùng cơm đi, không chờ con, và đừng để phần cho con. Con dùng cơm với các bạn ở trường. Con sẽ về nhà trễ đó Mẹ.

 

Bà nhanh miệng đáp:

 

– Ừ! Ban đêm, con lái xe cẩn thận nghe con.

 

Bà biết tính thằng con trai của bà, nó thường bỏ bữa cơm chiều, có khi nó gọi thông báo, có khi nó quên không gọi, bà lại phải để phần, có lúc thì nó bận làm tutor kèm toán cho những sinh viên còn yếu môn này, lúc thì đàn đúm với  bạn bè nơi câu lạc bộ của trường. Dũng thường nói:

 

“Cái job tutor part-time nầy của con cũng kiếm lai rai tiền đổ xăng, cà-phê, cà pháo, cơm trưa với bạn bè cũng đỡ phải không Mẹ”.

 

Năm nay, nó đúng hai mươi ba, vừa tốt nghiệp bốn năm đại học, và đang xin học chương trình cao học toán (MS) ở đại học UC San Diego. Dũng kể với bà, hồi học năm cuối vừa qua, tới giờ toán, giáo sư phụ trách cho phép nó khỏi đến lớp học, ông nói:

 

“You khỏi học giờ nầy với tôi, khi thi cuối khoá, tôi cho phép You vào dự thi”.

 

Ông biết khả năng toán của nó rất xuất sắc nên đã cho một đặc ân để Dũng có thời giờ làm part time kiếm thêm tiền. Trong giờ học, Dũng thường hỏi  ông những phương trình, những giải tích đau đầu, vựợt quá chương trình toán của lớp. Thỉnh thoảng, có những ngày cuối tuần, Dũng thường xin phép bà rủ bạn bè về nhà chơi, chuyện vãn, đánh đàn, nghe nhạc. Những lúc đó, bà nấu nướng mệt nghỉ để đãi đằng bọn chúng. Bà thường thoáng nghe, bọn trẻ bàn chuyện học hành, tương lai thì ít mà bàn chuyện chính trị, thời cuộc thì nhiều. Nhất là những tháng gần đây, chúng thừơng bàn bạc về chuyện bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến vào tháng 11 nầy. Nhưng tháng  qua, chúng chuyển đề tài bàn chuyện dân chúng Việt Nam biểu tình ở Sài gòn, Hà Tĩnh và đặc biệt là ở Vũng Áng, Vinh, chống công ty sắt thép Formosa sa thải chất độc hại làm ô uế môi trường, nhiễm độc nước biển khắp bốn tỉnh miền Trung, gây ra hàng ngàn tấn cá chết trôi dạt vào bờ, cả mấy chục ngàn ngư dân thất nghiệp, kéo theo cả ngàn người buôn bán chợ cá phải ngồi nhà, trường học đóng cửa, trẻ em phải nghỉ học, cuộc sống hàng ngày của họ thật khó khăn, chật vật, và nạn đói đang đe doạ, thấp thoáng  nơi ngưỡng cửa mỗi nhà.

 

Có em còn hăng hái đề nghị bỏ học, rủ nhau về Việt Nam tham gia biểu tình chống Formosa. Có em lại phản bác chuyện bỏ học trở về tham gia cho là rất nguy hiểm, có thể bị Việt cọng đánh đập, bắt bớ, bỏ tù không có dịp trở lại Mỹ, và có khi mất mạng nữa. Cháu Thanh Tâm và Lan Nhi (nữ sinh viên) trong bọn đưa ra ý kiến là chúng ta ở đây vẫn biểu tình, thắp nến, đêm không ngủ mà  vẫn chống Formosa, chống bạo quyền cọng sản được mà, hà tất gì phải về tới Việt Nam. Không khí họp mặt, bàn cãi thật là sôi nỗi, hăng say, nhưng bọn trẻ biết tự chế, không quá trớn, khôngđi đến sự mất đoàn kết anh chị em, bạn học  cùng trường.

 

Bà để ý thấy những tuần sau đó, con trai bà về nhà rất trễ, nét mặt lúc nào cũng tỏ ra buồn bã, lo lắng, ít nói, đăm chiêu, hình như đang suy nghĩ điều gì quan trọng. Bà nghĩ, không lẽ, nó đang rơi vào tình trạng yêu đương, thất vọng tình yêu gì chăng?

 

Một hôm, cả nhà đang quây quần nơi phòng khách sau bữa cơm chiều, xem TV. đài 57.3 mục “Thế Sự Thăng Trầm” do xướng ngôn viên Phương Thanh phụ trách, đài chiếu lại cảnh người dân Sài gòn biểu tình chống công ty sắt thép Formosa thiết lập ở Hà Tĩnh, xả thải chất độc làm ô nhiễm môi trường, khiến cả ngàn tấn cá chết trôi dạt vào bờ, công an Việt cọng đàn áp tàn bạo, đánh trọng thương đổ máu nhiều người, đặc biệt có người đàn bà Việt Nam ôm con đi biểu tình, bị đánh khá nặng, máu chị đổ lênh láng nơi đầu. Dũng nổi giận và xót xa nói với bà:

  

- Mẹ thấy không? Người biểu tình đâu có bạo động. Họ chỉ tuần hành trong trật tự đòi hỏi công lý, lẽ phải, chống công ty Formosa mà bạo quyền Việt cọng không đứng về phía người dân, trái lại, lệnh cho bọn công an đàn áp dã man; đánh đập không tiếc thương, kể cả đàn bà, con nít, như vậy đâu còn là lẽ phải, công bằng, công lý nữa, bọn chúng vi phạm nghiêm trọng hiến pháp, công ước quốc tế mà chúng đã soạn thảo,  ký kết, phải không Me?”

 

Bà lặng thinh nhìn con, không biết phải nói gì. Vừa dứt lời, Dũng đứng lên, dáng điệu có vẽ uất ức, bực bội bỏ đi vào phòng tắm, đôi mắt đỏ ngầu như người ngủ trưa vừa thức dậy.

 

Hai tuần tiếp, Dũng vẫn đi học về bình thường, và về nhà đúng giờ. Bà thấy yên tâm và nghĩ rằng, con bận lo học hành, quên đi chuyện biểu tình, chuyện công an Việt cọng đánh đập tàn nhẫn người biểu tình  vừa xảy ra ở VN…

 

Những tuần tiếp, thái độ Dũng khác hẳn thường ngày, lúc nào cũng tỏ ra săn sóc, vấn an bà. Trong bữa cơm tối, Dũng thường kể nhiều chuyện vui ở trường, ở chỗ làm cho cả nhà nghe. Ba ngày sau không thấy Dũng về nhà như thường lệ, và cũng không điện thoại báo cho bà biết lý do. Cả nhà rất lo âu, điện thoại khắp nơi, hỏi thăm các bạn bè của Dũng, ai cũng trả lời không rõ. Có người khuyên phải báo cảnh sát là Dũng đã mất tích, và nhờ cảnh sát tìm hộ. Bỗng sáng nay, bà nhận được bức thư của Dũng gởi đến bằng đường bưu điện, vừa mừng, vừa lo, bà không kịp ngồi xuống, liền mở ra đọc. Thư viết:

 

San Diego, ngày 14 tháng 10 năm 2016

 

Mẹ kính yêu của con

 

Thưa Mẹ

 

Khi Mẹ nhận được thư nầy, con đã về đến Sài Gòn. Con biết Mẹ và hai chị sẽ buồn con dường nào; khi rõ sự thật con đã trở lại Việt Nam mà không một lời từ giã Mẹ và hai chị. Con lo Mẹ và các chị bịn rịn, ngăn cản nên con dấu đi chuyện con trở về Việt Nam. Con cúi đầu xin Mẹ tha thứ, và xin lỗi hai chị. Con rất biết, từ năm cha con mất trong cơn bạo bệnh; vì những năm tháng bị đày đoạ ở những trại tù cọng sản miền Bắc VN, bịnh đã âm ỉ xâm nhập vào cơ thể từ lâu, không được chữa trị đúng mức, mà phải làm lao động rất vất vả trong trại tù, sức lực đã cạn kiệt. Khi đến được ở đây, dù các bác sĩ Mỹ Việt hết lòng cứu chữa, nhưng cũng không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Mẹ vẫn can đảm đứng lên, cố quên chuyện đau buồn, làm việc thêm giờ, vất vả nuôi chúng con ăn học. Công ơn sinh thành, dưỡng dục của Mẹ như Trời Biển, con chưa đền đáp được gì, nay lại lặng lẽ bỏ đi. Tội đại bất hiếu của con, một lần nữa, con cúi xin Mẹ tha thứ. Con sắp thưa với Mẹ những gì con nghĩ, con mong Mẹ đọc hết bức thư nầy sẽ hiểu con hơn. Nếu Thượng Đế phù hộ con còn sống sót, con sẽ trở về sống lại bên Mẹ cho tới khi con nhắm mắt, xuôi tay.

 

Thưa Mẹ

 

Quả thật, con không thể nào chịu đựng nỗi khi nhìn thấy cảnh công an Việt Cộng đánh đập tàn nhẫn đồng bào mình biểu tình chống Tàu cọng cướp biển đảo, thải chất độc vào vùng biển của bốn tỉnh miền Trung nước ta, gây bao đau khổ, tan thương cho họ. Cọng sản Tàu âm mưu tiêu diệt dần dần giống nòi Việt Nam.  Giặc thù phương Bắc lại được sự tiếp tay, bao che của bọn bán nước cầu vinh đang cầm quyền tại VN. Mẹ có biết không, có nhiều đêm con thức trắng, không thể nào yên giấc được khi nghĩ đến những đau khổ tận cùng của đồng bào mình. Họ “Thấp Cổ Bé Miệng” đang phải chịu “Trăm Cay Nghìn Đắng”, và phải  sống không tự do, nhân quyền, không có một chút tối thiểu quyền làm người ở VN. Nay lại thêm đại hoạ đổ lên đầu những người dân vô tội: môi trường biển bốn tỉnh miền Trung ô nhiễm nặng, thiên tai lụt lội, lại thêm nước xả từ đập thuỷ điện Hố Bo làm tràn ngập cả xóm làng, nhà cửa trôi đi, người chết, gia súc, của cải chìm trong biển nước mênh mông. Đời sống của họ là bữa đói, bữa no, thiếu trước, hụt sau, đói khổ, thất nghiệp, trẻ em phải không có nơi để đi học, bọn cầm quyền lại không quan tâm gì đến, bọn họ  còn tổ chức hội họp vui chơi ở Hà Nội, bỏ mặc dân chúng lầm than, kêu trời không thấu, gọi đất không nghe!

 

Một thời gian dài sống ở Mỹ, con mới hiểu rõ hai chữ TỰ DO. Nó như hơi thở của con người, như mạch máu chạy qua tim...Mẹ ơi! Con phải trở về Việt Nam để có thể giúp đỡ được gì cho đồng bào mình, chia xẻ những nổi thống khổ của họ. Con biết “Một Con Én Không Làm Được Mùa Xuân” nhưng trăm ngàn con én góp lại sẽ là một mùa Xuân bất tận đó Mẹ. Con chấp nhận sự bắt bớ, tù đày, đánh đập kể cả tử hình đi nữa… Con còn nhớ hồi cha còn sống, ông thường kể những anh hùng của dân tộc VN, lãnh đạo toàn dân đứng lên chống quân xâm lược từ phương Bắc như tướng Lý Thường Kiệt, Đức Thánh Trần, người nông dân áo vải Lam Sơn Lê Lợi, người thanh niên Tây sơn Quang Trung Nguyễn Huệ v.v… và thế kỷ qua, có  người anh hùng trẻ tuổi  Nguyễn Thái Học, mới hai mươi bảy và mười hai đồng chí của ông đã bị bọn thực dân Pháp đưa lên máy chém ở Yên Báy vì đã hô hào toàn dân đứng lên đáp lời sông núi, đuổi bọn thực dân Pháp đang thống trị ra khỏi bờ cõi nước ta.

 

Thưa Mẹ

 

Con biết, khi con rời xa gia đình, Mẹ và các chị sẽ nhớ nhung, lo lắng và có một ít bạn con sẽ cho con là kẻ không bình thường, nhưng thưa Mẹ, nếu con an phận học xong, kiếm việc làm, rồi lập gia đình, sống ích kỷ, chỉ biết có mình và gia đình thôi; thì thưa Mẹ, con nghĩ cuộc sống của con như vậy không có ý nghĩa gì. Con nhận thấy những nam nữ  thanh niên VN bây giờ ở trong nước, họ rất cô đơn. Họ ngơ ngác, lúng túng không biết phải làm gì để góp phần cứu nguy dân tộc đang dần dần vào nạn diệt vong, và lãnh thổ quốc gia đang từ từ rơi vào tay Tàu cọng. Họ bơ vơ, lạc lõng, sống cho qua ngày, một số họ sa vào cảnh nghiện ngập, say sưa cho quên đi những ngày tháng vô vị, còn những ai ý thức được đất nước đang lâm nguy, gióng lên tiếng nói đòi hỏi quyền làm ngưới, cứu nguy dân tộc thì bị bắt bớ, đánh đập, tù đày.  Những oan khiên ngày càng chồng chất lên đầu tuổi trẻ Việt Nam. Con phải về để cùng họ nói lên tiếng nói đòi nhân quyền, lẽ phải cho toàn dân Việt nam đó Mẹ. Con xin Mẹ thông cảm cho con.

 

Con hy vọng một ngày không xa, nước ta, dân tộc VN ta được sống trong an bình, cơm no, áo ấm, có nhân quyền, có tự do, và kẻ thù truyền kiếp ngàn năm phương Bắc không còn trên đất nước VN. Lãnh thổ VN sẽ trở lại vẹn toàn. Dân tộc Việt Nam sẽ hãnh diện và vươn lên cùng những dân tộc khác trên thế giới.

    

Cuối thư, con cầu chúc Mẹ và các chị an bình.

 

Con trai út của Mẹ

 

Lê Dũng

 

Đọc xong thư, bà ngẩn ngơ, xúc động, ngồi phịch xuống ghế, cái thư rơi bên cạnh. Bà miên man, mơ màng nghĩ lại mấy mươi năm trước, ngày đầu gặp cha Dũng ở Sài gòn. Năm ấy, 1983, bà vừa đúng 20 tuổi, cọng sản vào chiếm Sài gòn tháng Tư năm 1975, gia đình lâm vào cảnh túng quẩn, cha và anh Hai bị cọng sản bỏ tù và đưa ra giam ngoài Bắc, nói là “học tập cải tạo”, bà phải bỏ học ở nhà giúp mẹ buôn bán ở chợ Cầu Ông Lãnh sống qua ngày. Một hôm, bà vừa khoá chiếc xe đạp tính bước vào chợ, bỗng một người đàn ông vội vã bước tới, ông cúi đầu chào, và ngập ngừng hỏi:

  

- Chào Cô! Xin cô vui lòng chỉ giùm tôi đường ra bến xe đò về miền Tây.

 

Bà ngạc nhiên nhìn người đàn ông lạ, thấy bao nỗi tang thương vây quanh người nầy, nét mặt trông ngơ ngác, xanh xao, lo lắng, thân hình gầy ốm ẩn trong chiếc áo xanh đã bạc màu, chiếc quần ka-ki màu cháo lòng, có nhiều nơi rách chưa được vá, vai mang cái xấc cũ kỹ, loang lổ những vết bẩn chưa được giặt tẩy. Bà  liền liên tưởng ngay đến anh Hai bà là dân tù cải tạo; vừa mới được về nhà chỉ mấy tháng trước đây, dáng điệu, cử chỉ, thái độ, ăn mặc từa tựa như người nầy. Bà đoán ông nầy cũng là dân tù cải tạo đây. Để cho chắc chắn, bà mạnh dạn hỏi:

 

- Có phải ông là tù cải tạo mới được họ thả ra  không?

 

- Dạ vâng! Sao Cô biết vậy?

 

- Tôi đoán thôi. Anh Hai tôi cũng được thả ra mấy tháng trước đây.

 

Nhìn nguồi đàn ông lạ, bà cảm thấy xót xa và xúc động, lòng thương người nổi dậy, không đắn đo, suy nghĩ , bà nói tiếp:

 

- Sẵn có chiếc xe đạp nầy, tôi chở ông đến bến xe đò về miền Tây.

 

Ông trở lại quê ở Tân Phú Trung, quận Châu Thành, Sa Đéc, ông được biết, cha mẹ đã ra người thiên cổ từ những năm đầu ông vào tù, nhà cửa bị cọng sản địa phương tịch thu, người yêu không chờ được đã bỏ đi lấy chồng. Ông bơ vơ, lạc lõng chính nơi quê hương chôn nhau cắt rún của mình. Giờ đây, ông là kẻ không nhà, lang thang quanh vùng tìm người thân. Trong một dịp tình cờ và rất may mắn, ông được tin bà chị con ông bác đang làm công nhân cho Vườn Hồng, cạnh bờ sông Sa giang, Sa Đéc, nơi trồng các loại bông để bán trong các dịp Lễ, Tết. Ông đến xin tá túc, và được chị giới thiệu vô làm nhân công ở đây. Tết Nguyên Đán năm đó, ông cùng người chủ chở hoa lên Sài Gòn bán Tết.

 

Thật là một điều kỳ lạ, một ân sủng của Thượng Đế ban cho người ở hiền gặp lành hay có phải là do sự sắp xếp của Thượng Đế hoặc duyên phận gì đây, ông gặp lại người thiếu nữ đã giúp chở ông ra bến xe đò về miền Tây mấy tháng trước đây. Hai năm sau, ông thành hôn với bà lúc tuổi đời của ông vừa đúng bốn mươi hai!

 

Bà thiếp đi trên chiếc ghế sofa nơi phòng khách lúc nào không rõ./.

 

NGUYỄN HỮU THỜI.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Văn: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh