Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
CÁC QUAN TRẠNG AN NAM.
PHƯƠNG-ĐÌNH

Lãm Cổ Quan Kim: LAI RAI VỀ CÁC QUAN TRẠNG AN NAM.
Phương Đình.

Dẫn Nhập:

Gia đình tôi gồm vợ chồng tôi và 4 con đã tạm biệt quê hương sang tạm dung thị trấn Manchester, bang New Hamsphire kể từ đêm 19-9-1994, tức đêm 14 tháng 8 (tiết Thu phân) năm Giáp Tuất.

Thế mà, thời gian vùn vụt trôi qua, mùa Đông năm Bính Tuất cũng sắp giã từ, để nhường cho khách ly hương chuẩn bị đón mừng cái Tết và mùa Xuân Đinh Hợi (2007). Với gia đình chúng tôi, thấm thoát thoi đưa, đã vào năm thứ mười ba, sáng chiều tôi vẫn đứng nhìn dòng sông Menimack lặng lờ trôi...
....

Mấy năm trước, tình cờ múa bút mà chơi, Phương Đình đã góp với đồng hương một số bài trên các số Xuân bằng cách “khảo” về 12 con thú theo trình tự “thập nhị chi”. Xuân này là Xuân Đinh Hợi – nôm na là xuân con Heo, con Lợn – lại là con vật chịu phận hiền lành đứng chót trong 12 chi, nên người viết cần cố gắng hơn để may ra có thể giúp cho các bạn đồng canh và hậu duệ giữ được nụ cười Xuân của khách ly hương lúc trà dư tửu hậu. Nội dung phần chính của bài viết sẽ là:

- Tự, từ, thành ngữ về Trư, Heo, Lợn.

- Cao dao, thơ.

- Heo, Lợn qua truyện cổ nước Nam.

- Tào Tháo đa nghi: một con heo... giết chín mạng người.

- Trạng Lợn Việt Nam Nguyễn Nghiêu Tư, ông là ai?

I. TỰ, TỪ, THÀNH NGỮ VỀ TRƯ, HEO, LỢN

THỈ: Heo, Lợn.
- Lang bồn thỉ đột: lợn sói hoành hành; giặc giã hoành hành lung tung.

TRƯ: Con lợn, con heo (Le pore; the pig).
- Trư quản: người chăn heo.
- Trư bài: món thịt lợn rán, món phi lê rán.
- Trư tử: chỉ người bị bán cho người ngoại quốc để làm lao động khổ sai.
- Trư linh: Vị thuốc Đông y, một thứ nấm mọc trên cây phong (espèce de lycaperdon) kết thành cục, khối. Dùng với phục linh trong một tể thuốc bổ.
- Trư cẩu đẳng: đồ (loài) heo, đồ chó (khinh miệt).
- Dã trư: heo rừng (sangliu, wildboar).
- Trư Bát Giới: nhân vật Tây Du Ký, cùng với Tề Thiên Đại Thánh, Sa Tăng tháp tùng sư Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh về thời nhà Đường (Trung Quốc).
- VIPIG: Do chữ VIP (A Very Important person) biến tướng ra để miệt thị một người khác (đại để: You’re a very important pig!).
- Trạng Lợn: Trư trạng nguyên, tức Nguyễn Thiên Tư, là danh thần đời Lê Nhân Tông (1443-1459). Ông đỗ Trạng Nguyên năm 1448. Năm 1459, triều đình nhà Lê cử ông làm Chánh Sứ sang gặp vua Minh (xin xem tiếp phần cuối bài).

LỢN, HEO QUA CAO DAO, THƠ:

Mở đầu ca dao đồng quê, ta nhớ lại trước đây từ 90-95% đồng bào ta sống về nông nghiệp. Hàng ngày, ngoài việc ruộng ngương, rẫy bái, kênh rạch..., phụ nữ thời ấy còn lo vườn tược, chăn nuôi heo/lợn, gà vịt, nuôi dạy con cái, nhất là con gái thuở còn thơ đến ngày lớn khôn xuất giá theo chồng. Do vậy, hình ảnh con lợn/heo đã quá quen thân và gần gũi với ca dao trong các sinh hoạt đồng quê.

Sau đây là bài hát Ru Con với những tình tiết ngược đời, dí dỏm:

Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi.
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà, be rượu nuốt người lao đao.
Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.
Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn, cỏ lát rình mò bắt trâu.
Gà con đuổi bắt diều hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.


Con heo có khi cũng gây ảnh hưởng đến xã hội, phong tục thời xưa. Cậu thí sinh lều chõng đi thi đã qua được trường thi Hương, thi Hội, nghĩa là đã đậu bằng Cử Nhân; đến trường ba (vào Đình thí) để lấy bằng Tiến Sĩ thì hỏng (rồi!), nên đành gởi tâm sự mình qua câu ca dao:

Ai về nhắn nhủ mẹ cha,
Mua heo ai thì trả (chớ) trường ba con hỏng rồi!


Thời xưa, tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng, thắm thiết. Đã sinh con gái, vì lễ nghi xã hội quá nhiều cưỡng chế nên chính người mẹ phải lo đào tạo nhân cách và bản lãnh cho con gái theo “tứ đức tam tòng”. Nếu ngược lại:

Đẻ con chẳng dạy, chẳng răn,
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng!


Với thiên chức của người mẹ cũng giúp mẹ thật vô cùng lịch lãm, tế nhị để tránh trường hợp con gái phải khóc lóc âm thầm vì khốn đốn cho mối tình duyên dở dang, bạc bẽo:

Mẹ tôi tham thúng xôi dền (rền),
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng!
Mẹ em tham thúng bánh chưng,
Tham con lợn đẻ, em lưng chịu đòn.


Trong kho tàng ca dao Nam Trung Bộ, thỉnh thoảng ta cũng gặp được đôi mảnh tâm tình bộc trực, thuần phác của cô gái miền Nam Ngãi Bình Phú đã đưa hình ảnh con Heo làm thể Hứng/ thể Phú để diễn đạt rất chân thành qua mấy câu hát/ hò vừa giản dị vừa rất dễ thương:

Bởi vì con heo nên phải đèo gốc chuối,
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan.
Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan,
Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian (họ) chê cười!
. . .
Cũng vì con heo nên phải đèo gốc chuối,
Chớ ai có tội tình gì (mà) lội suối băng sông.


Đây lại là trường hợp “xem diện tướng”:

Xem mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng (lợn) mới ngon!


Và một trường hợp nữa, chị em vừa tan buổi cấy, gặt, bừa ruộng ngoài đồng, trở về đến nhà thì chộ mặt đức lang quân thật là “vô sự”:

Trời làm chi cực bớ Trời,
Heo kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem (“toòng teeng”).


Cuối đoạn, xin tạm mượn khúc hát “huê tình” của một chàng trai trong một đêm trăng hát dạo ở miền quê đã bày tỏ tình yêu chân thật của mình với ý trung nhân lỗi nhịp trong dịp lễ vu quy sắp đến của nàng:

... Khâu rồi anh sẽ trả công,
Mai mốt lấy chồng anh sẽ giúp cho.


Mà giúp cái gì?

Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.


THƠ

Qua nhà

...Từ ngày cô đi lấy chồng,
Gớm sao có một quãng đồng mà xa!
Bờ rào cây bưởi không hoa,
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo.
Lợn không nuôi, đặc ao bèo,
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn.
Giếng thơi mưa ngập nước tràn,
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều...

Nguyễn Bính (1936)

HEO, LỢN QUA TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM

1. Chiêm bao thấy lợn kêu:

Xưa có người đoán chiêm bao hay có tiếng. Một hôm có ngừơi làng khác muốn hỏi thử, mới tìm đến đặt điều ra nói rằng:
- Đêm qua tôi nằm chiêm bao thấy lợn kêu, thầy thử đoán hộ xem điều gì?

Người kia đoán rằng:
- Tất rồi có ai đem miếng ăn đến cho.

Quả nhiên hôm sau có người đem xôi thịt cho anh ta thật. Cách mấy hôm, anh ta lại tìm đến người kia, bảo rằng:
- Thầy đoán tài lắm. Nhưng đêm qua tôi lại chiêm bao thấy lợn kêu. Thầy đoán hộ.

Người kia đoán rằng:
- Tất rồi có ai đem cho cái khăn, cái áo gì. Cách một vài ngày, quả nhiên có người làng đem cho anh cái khăn thật.

Ít lâu sau, anh ta lại tìm đến người kia, bảo rằng:
- Thầy đoán giỏi quá! Song mà đêm qua tôi lại chiêm bao thấy lợn kêu nữa. Thầy thử đoán xem...

Người kia đoán rằng:
- Ngày mai phải giữ mình cho khéo, chớ có đi đâu, kẻo có người nó đánh đập xấu hổ.

Anh ta nghe thấy, lấy làm lo sợ, nghĩ bụng rằng:
- Hai lần trước hắn đoán đã nhằm, thì lần này không thể sai được.

Rồi cả ngày hôm sau, anh ta run sợ cứ ro ró ở trong nhà, không dám bước chân đi đâu. Đến lúc nhá nhem tối, anh ta mót đi đại tiện, không sao nhịn được. Vả chăng nghĩ ngày cũng đã gần qua rồi, mới liều bước chân ra ngoài ngõ. Nhưng mót quá, không kịp đi xa, anh ta vội ngồi bên nhà hàng xóm phịch một bãi to tướng. Bỗng thấy người trong nhà nó vác gậy ra nó choảng cho mấy cái nên thân. Đau quá, anh ta ôm quần chạy bán mạng.

Về nhà càng nghĩ, càng phục người đoán chiêm bao giỏi, nhưng không hiểu đoán về cái nhẽ làm sao. Tinh sương hôm sau, anh ta sang hỏi người kia rằng:

- Ba bận tôi nằm chiêm bao đều thấy lợn kêu, thầy đoán ra ba việc khác nhau, mà sao cũng đều đúng cả?

Người kia bảo rằng:

- Nào có khó gì đâu, để tôi giải cho mà nghe: Kẻ nuôi lợn nghe thấy lợn kêu, nghĩ rằng nó đói thì cho nó ăn; đã cho ăn rồi nó lại còn kêu, nghĩ rằng nó rét thì cho nó ấm. Ăn đã no, ở đã ấm mà nó còn kêu, thì nghĩ rằng nó làm phiền mình, tất phải đập phải đánh cho nó chừa đi. Lấy cái lễ đó mà suy, nên chú nằm chiêm bao thấy lợn kêu lần đầu, tôi cho là được ăn, lần thứ hai tôi cho là được mặc; đến lần thứ ba quá lắm tôi cho là phải đòn. Nào có phải tôi cao đoán gì đâu?

2. Con lợn ăn no lại nằm

Xưa ông Trời có một thằng người nhà, hễ ăn thì siêng, đến việc làm thì nhác.

Trước Trời cho nó ăn mỗi bữa ba bốn bát, nó cứ kêu “ít ít”; sau Trời cho nó mỗi bữa năm, sáu bát, nó vẫn kêu “ít ít”. Sau nữa, Trời cho nó ăn mỗi bữa bảy, tám, chín, mười bát, nó vẫn còn cứ kêu van là “ít, ít, ít, ít”...

Trời thấy nó quá lắm, một hôm mới gọi ra mắng rằng:

- Mày chẳng được công gì! Cứ ăn rồi lại nằm, nằm rồi lại ăn, mà cho mầy ăn bao nhiêu, mầy cũng kêu là “ít”. Mầy cứ ăn thế này mãi, thì rồi tao biết lấy gì mà nuôi mầy. Thôi, bây chừ tao phong cho mầy một chức, mầy xuống dưới hạ giới mà ở...

Người kia hỏi:

- Cha phong cho làm chức gì?

Trời bảo:

- Tao phong cho mầy chức GÀ.

Rồi đến cả chức BÒ nữa, người kia cũng không chịu. Rốt cùng, người ấy khẩn khoản xin Trời phong cho chức gì chỉ có ăn mà không phải làm. Cứ nằm một chỗ, mỗi ngày hai buổi người ta phải đem tận miệng cho mà ăn.

Trời bảo:

- Cái chức gì mà chỉ ăn rồi lại nằm, nằm rồi lại ăn, người ta đã không sai khiến được việc gì, lại còn mỗi ngày hai ba bữa bưng đến tận mồm cho mà ăn, ăn cho nó to, ăn cho nó béo! Cái chức ấy thì chỉ có cái chức LỢN, chức HEO đó mà thôi.

Trời chưa nói hết lời, người kia mừng quýnh, vội vàng quỳ xuống tâu:

- Vậy xin cha phong cho con làm chức LỢN, làm chức HEO. Ăn xong rồi nằm, nằm rồi lại ăn. Con được lĩnh cái chức ấy, thật là vui thỏa cho con lắm.

Trời khẽ bảo:

- Nhưng nó nuôi cho to, cho béo rồi một ngày kia nó lại đem ra làm thịt.

Trời tuy nói vậy, mà người kia như đã mãi ăn, không nghe rõ tiếng gì nữa, cứ mau mau xin đòi xuống làm chức LỢN dưới hạ giới.

Cho đến bây giờ, người nhà Trời ấy tuy được làm LỢN rồi, mà thường vẫn còn hiềm như chưa đủ, vẫn còn cứ kêu “ít, ít, ít, ít” luôn mồm!

3. Con gà, con lợn và con chó

Xưa có một nhà thật giàu có, ruộng nhiều, trâu bò lắm. Phải một hôm đến hơn mười con vừa trâu vừa bò đi đâu mất cả. Sau nhờ bà con láng giềng lùng đi tìm mãi mới lại thấy đủ.

Cảm cái ơn ấy, hai vợ chồng bàn với nhau rằng:

- Của ta đã mất lại tìm thấy là nhờ lòng tử tế của bà con xóm giềng cả. Vậy bây giờ ta phải báo ơn lại. Nếu bữa nay chưa kịp thì bữa mai ta phải thịt một con gà, một con lợn và một con chó, rồi mời những ai đã giúp việc ta thì cơm rượu cho thật no say.

Hai vợ chồng bàn xong đi ngủ. Đêm nằm thấy ông Tổ hiện lên báo mộng rằng:

- Tao nghe chúng mày định một bữa mai giết hại những ba con vật. Tao sợ chúng mày làm điều thất đức. Vậy chúng mày mà giết nó, thì phải biết hóa kiếp cho chúng nó, rồi trong nhà mới yên lành được.

Vợ chồng nghe nói, kêu với ông Tổ rằng:

- Chúng con dương gian mắt thịt, không biết làm cái gì để hóa kiếp cho chúng nó. Xin cụ dạy bảo cho...

Ông Tổ bảo rằng:

- Hễ khi làm thịt gà thì phải hái lá chanh, khi làm thịt lợn thì
phải thái củ hành, khi làm thịt chó thì phải giã củ riềng, mà cho thêm vào thì hồn các con vật ấy mới hóa được.

Hai vợ chồng vâng vâng, dạ dạ. Mà khi ông Tổ nói, con gà, con lợn, con chó, ba con đều nghe thấy tiếng, biết mình không sao tránh khỏi chết, cũng đành vậy. Nhưng ba con chỉ sợ chủ nhà quên điều ông Tổ dặn các thứ phải gia thêm vào thịt cho mau hóa kiếp, nên mới lúc sáng sinh sương, ba con đều ùa nhau kêu ầm lên:

Gà thì: cục tác lá chanh,
Lợn thì ủn ỉn: mua hành cho tôi.
Chó thì khóc đứng, khóc ngồi,
Mẹ ơi, mẹ hỡi mua tôi đồng riềng.


Vì chuyện này mà từ đó ta ăn gà phải có lá chanh, ăn lợn phải có hành, ăn chó phải có riềng thì ăn mới ngon, mà cũng tức là để chóng hóa kiếp cho ba con vật rất có ích cho ta vậy.

III. TÀO THÁO ĐỘC HIỂM ĐA NGHI: VÌ MỘT CON HEO GIẾT CHÍN MẠNG NGƯỜI

(Phỏng theo Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, bản Việt dịch đầu tiên của Phan Kế Bính).

Sau đây là trích đoạn về tính đa nghi, độc hiểm của Tào Tháo sau khi nhận đao thất bảo của quan tư đồ Vương Doãn, Tháo giắt đao vào ngay tướng phủ để giết Đổng Trác. Việc bại lộ vì gặp Lã Bố đứng hầu bên cạnh Đổng Trác. Tháo bèn nói có con dao quý xin dâng cho Thừa Tướng. Trong khi Đổng Trác khen là dao quý, Tháo vừa đem vỏ dao đeo ở lưng cỡi ra đưa nốt cho Lã Bố. Nhân dịp này, Tháo xin phép đem ngựa của Trác ra cưỡi thử. Vừa ra khỏi tướng phủ, Tháo lên yên rồi ra roi đi nước đại thẳng hướng Đông Nam mà chạy để tránh lệnh tầm nã của Trác.

Chạy qua huyện Trung Mâu, bị quân canh cửa thành bắt nộp cho quan huyện. Quan huyện tên Trần Cung nhìn kỹ Tháo một lúc rồi bảo:

- Ta đã gặp ngươi ở Lạc Dương, chính ngươi là Tào Tháo, ngươi nói dối sao được!

Giam đến nửa đêm, quan huyện sai người thân tín xuống gọi Tào Tháo lên. Tháo vào, quan huyện nhẹ lời hỏi han. Sau khi biết được mưu đồ của Tháo, quan huyện nói:

- Mạnh Đức bây giờ định đi đâu?

Tháo nói:

- Ta muốn về làng phát lời kêu gọi, vời cả chư hầu trong thiên hạ khởi binh giết Đổng Trác. Đó là sở nguyện của ta.

Nghe Tháo nó, quan huyện bèn cởi trói cho Tháo, mời ngồi lên trên rồi thụp xuống lại hai lạy mà nói rằng:

- Ông thực là người trung nghĩa ở đời này.

Tháo cũng lạy đáp lại. Và quan huyện cũng nói:

- Tôi họ Trần, tên Cung, tên chữ là Công Đài. Tôi có mẹ già và vợ con ở Đông quận. Nay cảm bụng trung nghĩa của ông, xin bỏ chức quan này, theo ông đi trốn.

Ngay đêm hôm ấy, Trần Cung thu xếp hành trang và lộ phí, cả hai cùng thay quần áo, mỗi người đeo một thanh gươm, cưỡi một con ngựa đi về quê Tào Tháo.

Đi được ba hôm rồi đến Thành Cao, trời đã xâm xẩm tối. Tháo cầm roi ngựa trỏ vào một đám cây cối um tùm bảo Cung rằng:

- Ở trong này có Lã Bá Sa là bạn kết nghĩa với cha tôi. Tôi muốn vào hỏi thăm tin nhà, rồi ngủ đấy một đêm, nên không?

Cung nói:

- Thế thì hay lắm!

Hai người đến cửa trại xuống ngựa, vào chào Lã Bá Sa. Sa hỏi Tháo rằng:

- Ta nghe triều đình tầm nã anh gấp lắm. Cha anh phải lánh sang ở Trần Lưu rồi. Sao anh đến được đây?

Tháo bèn đem chuyện đầu đuôi kể với Lã Bá Sa, rồi trỏ vào Trần Cung nói:

- Nếu không gặp được quan huyện đây thì bây giờ đã thịt nát xương tan rồi.

Lã Bá Sa vái Trần Cung rồi nói:

- Cháu nó không gặp được ngài thì họ Tào còn gì! Đêm nay hãy xin ngài thong thả nghỉ lại đây.

Nói xong, đứng dậy vào trong nhà, một chốc trở ra bảo Trần Cung:

- Nhà tôi không có rượu ngon, để tôi sang xóm Tây mua một bình rượu ngon về uống.

Nói rồi lật đật cưỡi lừa ra đi.

Tháo với Cung ngồi ở nhà, chợt nghe thấy sau nhà có tiếng mài dao. Tháo bảo Trần Cung rằng:

- Lã Bá Sa đối với tôi không thân thiết gì lắm. Chuyện này đáng nghi đấy!

Hai người sẻ rón rén bước vào sau nhà tranh, chỉ nghe thấy có tiếng người nói:

- Trói lại mà giết.

Tháo bảo Trần Cung:

- Đúng rồi! Nếu ta không hạ thủ trước thì sẽ bị bắt mất!

Tháo và Cung hai người cùng rút gươm đi thẳng vào, gặp người nào trong nhà giết người ấy, giết một lúc cả thảy tám người. Khi vào đến trong bếp, chỉ thấy một con lợn trói bốn vó sắp đem chọc tiết.

Cung giật mình nói:

- Mạnh Đức ơi! Ta đa nghi quá, giết lầm phải người tử tế rồi!

Hai người vội vàng trở ra lên ngựa đi. Được độ hai dặm gặp Lã Bá Sa cưỡi lừa về, trước yên treo hai bình rượu, tay xách một nắm rau quả. Lã Bá Sa hỏi hai người rằng:

- Hiền điệt với sứ quân sao lại đi?

Tháo nói:

- Tôi là người có tội, không dám ở lâu.

Lã Bá Sa nói:

- Ta đã dặn người nhà làm thịt con lợn rồi. Sứ quân với hiền điệt ngại gì một đêm, xin quay ngay ngựa lại cho!

Tháo cứ tế ngựa đi. Đi được vài bước, rút gươm ra quay ngựa trở lại, gọi Lã Bá Sa hỏi:

- Ai đi đằng sau ông đấy?

Sa quay đầu lại xem. Tháo chém ngay; Sa ngã xuống chết.

Cung cả sợ hỏi Tháo:

- Lúc nãy nhầm đã đành, bây giờ sao lại còn đang tay như thế?

Tháo nói:

- Bá Sa về nhà thấy nhiều người chết, tất nhiên không để yên, nếu đem người đi đuổi thì ta bị vạ ngay.

Cung nói:

- Biết rằng mình nhầm rồi, lại còn cố ý giết người nữa thật là đại bất nghĩa.

Tháo nói:

- Thà ta phụ người, không để người phụ ta!

(Thật là câu sàm ngôn đoản hậu để đời cho bọn đại bất nghĩa vậy!).

V. TRẠNG LỢN VIỆT NAM NGUYỄN NGHIÊU TƯ, ÔNG LÀ AI?

Thử lướt qua kho tàng các cổ/ tân thư về giai thoại các quan Trạng trong làng Nho Việt Nam trải qua các triều đại – nhất là từ đời Trần trở về sau – ta mới càng rõ rằng Việt Nam ta vốn là “văn hiến chi bang”, qua những lần các vị trạng nguyên được cử làm sứ thần sang Tàu từ triều Nguyễn trở về sau. Chứa sẵn một bồ kinh sử, làu thông thiên kinh vạn quyển với phong độ của bậc túc nho, nhiều phen giữa triều nghi phương Bắc ta đã khẳng khái, kiên cường phô bày tài năng, kiến thức với vua chúa Trung Hoa, đặc biệt từ các triều Nguyên, Minh, Thanh, mãi đến sau này.

Ngoài một số các quan Trạng đã lừng danh trong làng Nho như Mạc Đỉnh Chi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm v.v... từ đời Trần, Lê đã phát hiện nhiều vị Trạng Nguyên với những biệt danh có phần nôm na, thân quen khiến đám bình dân dễ nhớ, như:

1. Trạng Non:

Đó là biệt xưng của thần đồng Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên lúc mới 13 tuổi, đời nhà Trần. Khi vào triều kiến, nhà vua hỏi:

- Trạng học ai?

Nguyễn Hiền tâu:

- Thần học thần.

Nhà vua cho Trạng tuổi còn non, chưa biết lễ, nên bảo về học thêm ít năm rồi sẽ ra làm quan. Nguyễn Hiền về được ít tháng, sứ giả Trung Quốc đem sang một bức thư nhờ nước Nam (thực ra là vãn nạn ta) giảng hộ 4 câu thơ.

Các triều thần đọc, song không ai biết nghĩa lý gì. Nhà vua phải sai sứ đến nhà gặp Nguyễn Hiền và đưa chiếu vua vời ra. Nguyễn Hiền không chịu đi ngay. Sứ giả về tâu, vua phải ra lệnh lấy kiệu, cờ quạt... dùng đúng nghi lễ Trạng Nguyên đến mời, Hiền mới chịu đi.

Tới nơi, nhà vua đem 4 câu thơ ra, Nguyễn Hiền lấy bút viết ra chữ Điền và nói:

- Tất cả 4 câu này cũng chỉ là một chữ Điền mà thôi.

Sứ giả Trung Quốc phải phục nước Nam có người giỏi và khen họ Nguyễn là một bậc kỳ tài và thông minh.

Nguyễn Hiền ra về. Nhà vua định ít năm sẽ vời ra làm quan, nhưng chưa kịp thì ông đã từ trần.

2. Trạng Nguyên Vũ Công Duệ.

Trạng Nguyên Vũ Công Duệ quán làng Trình Xa, tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt. Mới ngoai 20 tuổi, Công Duệ đã thi đỗ Trạng Nguyên, giữ chức Đô Ngự Sử cuối đời nhà Lê (1428-1527). Tính khí cương trực, các quan văn võ đều kính sợ. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Công Duệ cương quyết không theo bọn nghịch thần. Ông chửi mắng Đăng Dung thậm tệ rồi ôm ấn nhảy xuống cửa Thần Phù tự tử.

3. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613).

Tự là Hoằng Phu, quê làng Phùng Xá (gọi là làng Bùng), thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Tục truyền ông là em cùng mẹ khác cha của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; ngay từ thuở nhỏ, nhờ anh hết lòng dạy bảo, nên mới 20 tuổi, văn tài đã lừng lẫy, lại tinh tường khoa thuật số. Năm 1550, ông theo nhà Lê vào Thanh Hóa (Lê Trung Tông), ông ra thi, đỗ đầu khoa. Năm 1580, ông dự khoa thi Hội đỗ Nhị Giáp Tiến Sĩ tức Hoàng Giáp, bấy giờ đã 53 tuổi. Ông luôn tận tâm phò Lê, chống cự Mạc.

Vua Lê đánh được nhà Mạc, khôi phục đất nước, theo lệ phải cử sứ bộ sang Tàu tiến cống và cầu phong; Phùng được cử làm Chánh Sứ (1597). Ông đã hướng dẫn sứ bộ từ ải Nam Quan suốt ba tháng lặn lội, leo trèo mới đến Bắc Kinh vào gặp triều đình nhà Minh. Ông đã dùng tài năng, kinh nghiệm biện bác, áp đảo được vua quan triều Minh khâm phục.

Trạng Bùng mất năm 1613, thọ 85 tuổi.

4. Trạng Vật Võ Phong.

Là em ruột Thượng Thư Võ Hữu, Trạng Vật là đô vật nổi tiếng đời Lê Thánh Tông. Quê làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Đã từng ra kinh đấu thắng các đô lực sĩ trong triều, được phong làm Đô Lực Sĩ Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Thị Vệ (Võ Trạng Nguyên).

Có lần ông được sung vào phái đoàn đi sứ nhà Minh biểu diễn tài đấu vật, đã áp đảo các tay đô vật Trung Quốc, được vua Minh khen ngợi ông là “Lý Tồn Hiếu An Nam”.

5. Trạng Ngọt Hưu Tam Tĩnh (1476 - ?).

Văn thần đời Lê Uy Mục, quê làng Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Ông đẹp trai, nổi tiếng văn học, đi thi khoa Mậu Thìn (1528) đỗ Bảng Nhãn (Tiến Sĩ thứ nhì) lúc 32 tuổi.

Khi các vị tân khoa vào chầu, nhà vua khen tướng mạo ông hơn Nguyễn Giản Thanh, đồng Trạng Nguyên quê làng Mặc (tục gọi làng Me), còn ông quê làng Vọng Nguyệt (tục gọi làng Ngọt), vì thế dân gian có câu: “Trạng Me đè Trạng Ngọt, Trạng Ngọt vọt Trạng Me”.

Khoảng năm Quý Dậu (1513), ông sung chức Phó Sứ sang sứ nhà Minh. Về sau, ông làm quan cho nhà Mạc đến Thượng Thư Bộ Lại, rồi đi sứ nhà Minh cầu phong cho họ Mạc.

6. Trạng Cờ Võ Huyên.

Danh thủ cờ tướng đời Lê Huyền Tông, không rõ năm sinh, năm mất. Con quan nghè Võ Đôn, quê làng Mộ Trạch, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Ông có tiếng thơ văn, lại chuyên về môn đấu cờ tướng không ai hay hơn ông. Có lần sứ giả Trung Quốc đấu cờ với vua Lê, chính ông cầm lọng đứng hầu đã mách nước cho nhà Vua thắng sứ giả phương Bắc. Ngoài tài nghệ chơi cờ, ông cũng giỏi về chính trị, làm quan có tiếng thanh liêm. Nhà vua trọng đãi, ban cho danh hiệu “Đấu Kỳ Trạng Nguyên”.

7. Trạng Bịu Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719)

Danh sĩ đời Lê Hy Tông, quê làng Hoài Bão (tục gọi là làng Bịu (Bựu)), huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc). Năm Nhâm Tuất ông đỗ Hương Tiến (Cử Nhân). Năm sau, 1683 đỗ đệ nhất giáp Tiến Sĩ (Trạng Nguyên) vừa đúng 32 tuổi.

Ông quê làng Bịu nên gọi là Trạng Bịu. Ông đã đi sứ Trung Quốc hai lần vào các năm 1687-1697.

8. Và Trạng Lợn Nguyễn Nghiêu Tư.

Vậy Trạng Lợn, ông là ai?

Là danh thần đời Lê Nhân Tông (1443-1459), tự Quân Trù, hiệu Tùng Khê, quê xã Phù Lương, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm sinh, năm mất không rõ.

Ông là học trò Cúc Pha Võ Mộng Nguyên. Năm Mậu Thìn 1448 đỗ Trạng Nguyên. Khoa này vua Lê Nhân Tông nằm mộng thấy “lợn đỗ Trạng”. Kịp lúc treo bảng, đích ông đỗ đầu kỳ điện thí vừa qua mới biết ông sinh tháng Hợi, năm Hợi. Nhân vì ông tuổi Hợi, nên thân phụ đặt tên tục là TRƯ, do đấy đời bấy giờ có câu truyền tụng: “Long đầu trư, Nguyễn Nghiêu Tư”.

Ông làm Hàn Lâm Trực Học Sĩ rồi ra làm An Phủ Sứ ở Tân Hưng Thượng Lộ (nay là Tiên Hưng).

Khi Lạng Sơn Vương Nghi Dân cướp ngôi (Kỷ Mão, 1459), triều đình cử ông làm Chánh Sứ sang nhà Minh xin cầu phong. Sau ông làm đến Thượng Thư coi cả sáu Bộ, tước Hào Tùng Hầu.

Khi sứ bộ lặn lội đến Bắc Ninh, ông và sứ đoàn vào diện kiến vua Anh Tông, hiệu là Thiên Thuận (1457-1465) cùng với sứ đoàn các nước lệ thuộc Minh triều, đặc biệt là sứ Cao Ly vốn được vua Minh chỉ định tranh tài với Chánh Sứ Việt Nam.

Trước sự tham dự đông đảo, náo nhiệt để sẵn sàng, tranh biện, ứng đối của các sứ bộ trước bá quan văn võ “thiên triều”, vua Minh đĩnh đạc ra câu thách đối như sau:

“Nam Bắc lai triều sum tế tế!”.

Trong khi Trạng Nguyên Chánh Sứ các phái bộ đều nô nức, xôn xao, đặc biệt là sứ Cao Ly được nhà vua lưu ý, thì Trạng Lợn Nguyễn Nghiêu Tư cung kính đứng thẳng dậy nhón gót nhìn ra hai mặt Đông Tây của ngoại thành là cả một cánh đồng lúa xanh biêng biếc, cảnh quan nườm nượp giữa mùa cấy với từng đoàn thiếu nữ nông dân vừa cấy vừa hát đối đáp vui say trong cảnh trí thái bình.

Qua mặt cả sứ thần Cao Ly, Trạng Lợn xin phép vua được ứng đối khi ông định thần mục kích những thiếu nữ nông dân mỹ miều vừa cấy lúa, vừa hát, vừa đưa tay vào miệng rà đẩy miếng bã trầu đỏ lòm lòm thắm cả vành môi.

Ông vừa giơ tay như bắt chước vừa ngâm lớn từng chữ trong vế đối:

Dang tay dí bẹn đỏ hăm hăm!

Vế đối bất chợt đã gây không khí vui nhộn, chấn động cả chốn triều nghi, vì tất cả đều nghĩ và địch ra rằng đó là vế đối 7 chữ rất đỗi tài hoa và tài tình của Trạng Nguyên nước Nam ta vậy.

Thật có một vẻ gì mầu nhiệm đã khiến các sứ giả và vua Minh đều nghe ra là:

Đông Tây chí biện đỗ hân hân!

Thì ra, cắp đối liên chỉ có 14 chữ, nhất là nhờ 7 chữ ở vế đối của Trạng Lợn nước ta đã diễn tả được cảnh đông vui giữa triều nghi của Minh Anh Tông, vừa hình dung được cảnh thái bình thịnh trị của triều đại ấy. Đọc lại hai câu:

Nam Bắc lai triều sum tế tế!
Đông Tây chí biện đỗ hân hân!


Tạm dịch:

Nam Bắc về chầu đông rày đông quá!
Đông Tây đến họp, vui hỡi vui ghê!

Dù đây có thể là huyền thoại, song Trạng Lợn Nguyễn Nghiêu Tư cũng rất xứng danh là Trạng Việt Nam hơn năm thế kỷ đã trôi qua!

Thay lời kết

Vừa tạm lai rai về chuyện TRƯ, HEO, LỢN để góp vui với bạn đồng hương nhân dịp đầu Xuân Đinh Hợi, Phương Đình sực nhớ lại bốn câu thơ của Vương Ngư Dương đề tặng Bồ Tùng Linh, tác giả bộ Liêu Trai Chí Dị:

Cô vọng ngôn chi, cô thính chi,
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xướng thi.


Dịch:

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi,
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời đã chán không buồn nhắc,
Thánh thót nghe ma đọc mấy lời.

Ồ! Đó vốn chỉ là cơn “trường mộng hồ ly” qua 445 truyện của Liêu Trai Chí Dị. Chứ còn qua các truyện vừa nêu trên để gọi là chút quà Xuân gởi mừng quý bạn hỉ xả trong dịp Tết Xuân xa xứ này, ít nhiều mang nặng lời THỀ NON HẸN NƯỚC. Qua thi phẩm THỀ NON NƯỚC, tác giả đã phóng bút cùng cô bạn Vân Anh để đề vào bức tranh gia bảo nàng đã cất giữ từ lâu. Ba chữ THỀ NON NƯỚC cũng là ba chữ Nôm viết theo lối triện trên đầu bức cổ họa. Vừa uống rượu, Tản Đà vừa nghĩ được 4 câu mở đầu:

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.


Vân Anh đọc tiếp:

Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời Tây ngã bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.


Khách (Tản Đà) khen: Hay lắm! Và yêu cầu Vân Anh đọc lại mấy lần. Rồi khách lại ra đi. Rồi một tối, Vân Anh đem bài thơ ra, suy nghĩ và thêm hai câu:

Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.


Và người khách lại trở về, Vân Anh đọc hai câu trên. Khách khen rất hay nhưng bảo nếu nối thêm được nữa thì có được dồi dào hơn. Nhờ tửu hứng cao, khách thêm:

Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui.


Vân Anh nối rằng:

Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.


Khách nói:

- Như thế thôi thật là hết nghĩa.
(Trên đây là trích đoạn trong tiểu thuyết THỀ NON NƯỚC của Tản Đà)

Biên giả từ khi còn ở bậc Trung Học cách nay hơn 60 năm, vẫn thuộc nằm lòng và ngâm nga bài THỀ NON NƯỚC của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Cho đến hôm nay, mỗi lần Xuân về Tết đến, nhớ về Đất Mẹ thiêng liêng thì hình ảnh non cao sừng sững trong tâm tưởng như:

Ấn Sơn, Bút Lĩnh non càng vững,
Vệ Thủy, Trà Giang sóng chửa nhòa!
(Phương Đình)

Rồi càng tâm đắc 8 câu cuối cùng của thi phẩm THỀ NON NƯỚC và hy vọng, tin tưởng rằng phận mình là mây, là nước, vốn đã có giao ước với non cao từ Quê Hương dù cách nửa vòng trái đất, thì sự thực sẽ đến:

Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.


PHƯƠNG ĐÌNH
Manchester, NH.
Xuân Đinh Hợi 2007




Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh