Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
Bài 1: VUA GIA LONG CHỌN NGƯỜI KẾ NGHIỆP
LÊ NGỌC TRÁC
Các bài liên quan:
    TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT CÓ CHỐNG ĐỐI VIỆC VUA MINH MẠNG NỐI NGÔI VUA GIA LONG KHÔNG?
    NHỮNG VỤ TRỌNG ÁN DƯỚI THỜI VUA MINH MỆNH
    VỊ THẾ NỔI BẬT VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC LÂN BANG DƯỚI THỜI MINH MỆNH
    MINH MỆNH – VỊ HOÀNG ĐẾ SINH RA NHIỀU NHÀ THƠ TÀI HOA
    Bài 3: TẠI SAO TRIỀU ĐẠI MINH MỆNH CÓ NHIỀU CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA NÔNG DÂN?
    Bài 2: MINH MỆNH VỚI NHỮNG CẢI CÁCH NỔI BẬT

 

Lời giới thiệu:

Ban Điều Hành nhận được 4 tài liệu liên quan đến vua Minh Mạng từ tác giả gởi đến. Xin cám ơn tác giả. Xin giới thiệu đến độc giả.

Webmaster.

 

*  *  *

 

Vua Gia Long là vị vua sáng nghiệp triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, tên húy là Chủng, còn có tên khác là Noãn. Nguyễn Phúc Ánh sinh năm 1762, con thứ ba của Nguyễn Phúc Luân và là cháu nội của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.

 

Gia Long lên ngôi hoàng đế năm 1802, đặt quốc hiệu là Việt Nam, trị vì đất nước hơn 18 năm. Sau khi băng hà, Gia Long được truy tôn miếu hiệu là Thế Tổ Cao hoàng đế. Gia Long là người thông minh, đầy mưu lược, suốt cuộc đời luôn kiên định ý chí và quyết tâm duy nhất là giành lại vương quyền cho dòng họ chúa Nguyễn dù phải nhiều phen trải qua cái chết và bao gian nan, khổ cực trong đời. Năm 1774, mới 12 tuổi đầu, Nguyễn Phúc Ánh đã đau lòng nhìn cảnh gia đình dòng họ ly tán, phủ chúa ở Phú Xuân rơi vào tay nhà Trịnh. Năm 1777, quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy quét dòng họ chúa Nguyễn. Gia đình dòng họ tôn thất chúa Nguyễn bị Tây Sơn bắt và giết. Nguyễn Phúc Ánh may mắn trốn thoát. Năm 15 tuổi phải sống cuộc đời bôn ba trôi nổi khắp nơi. Với chí kiên định, Nguyễn Phúc Ánh vượt qua gian khổ, tập hợp lực lượng, bền bỉ đấu tranh vũ trang với quân Tây Sơn suốt 25 năm trời, với quyết tâm giành lại vương quyền, phục hưng công nghiệp của tổ tiên. Năm 1792, vua Quang Trung mất. Nội bộ nhà Tây Sơn chia rẽ. Lợi dụng tình hình Tây Sơn suy yếu, năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh dốc toàn lực phản công, đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi vua tại Huế (Phú Xuân) và thống nhất đất nước.

 

Trong quá trình đánh nhau với Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh không từ bỏ một thủ đoạn, biện pháp nào, kể cả cầu viện quân đội nước ngoài. Tháng 3 năm 1783, Nguyễn Phúc Ánh cầu viện 5 vạn quân Xiêm cùng 300 chiến thuyến sang đánh nước ta, đã bị quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh tan tác ở Rạch Gầm, Xoài Mút (Mỹ Tho). Cầu viện quân Xiêm bị thất bại, năm 1784, Nguyễn Phúc Ánh đã giao hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh mới 4 tuổi cho giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Georges Pineau de Behaine) đi Pháp cầu viện binh. Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh đã yến kiến Pháp hoàng Louis XVI. Ngày 28/11/1787 Bá Đa Lộc (thay mặt Nguyễn Phúc Ánh) cùng Bá tước De Montmorin - Thượng thư Bộ ngoại giao nước Pháp - thay mặt vua Pháp Louis XVI ký một Hiệp ước. Nội dung bản Hiệp ước có những điều khoản chính như sau: "Vua nước Pháp thuận giúp cho Nguyễn Vương 4 chiếc tàu chiến, 1200 lục quân, 200 pháo binh và đủ các loại súng thuốc đạn. Nguyễn Vương phải nhượng đứt cho nước Pháp cửa Hội An, Côn Đảo, phải cho người Pháp vào Việt Nam buôn bán tự do và không được cho người nước nào ở châu Âu sang buôn bán ở Việt Nam. Khi nào nước Pháp cần đến lính thủy, lính bộ, lương thực, tàu bè ở phương Đông thì Nguyễn Vương phải cung cấp đủ cho nước Pháp. Khi đã khôi phục được nước rồi, thì mỗi năm, làm 1 chiếc tàu y như tàu của Pháp đã giúp đem sang trả cho Pháp hoàng". Đây là một Hiệp ước bất lợi cho Việt Nam.. Sau khi ký hiệp ước, nội bộ triều đình Pháp có những ý kiến không thống nhất, nên các khoản những điều trong hiệp ước nước Pháp không thực hiện.

 

Tuy không cầu viện binh được từ nước Pháp, nhưng Bá Đa Lộc đã chiêu mộ được những người Pháp như Chaigneau, Vannier, De Forçan, Victor Ollivier và hơn 20 người Pháp sang Việt Nam giúp Nguyễn Phúc Ánh. Thực chất đây là một đội lính đánh thuê người Pháp giúp cho Nguyễn Phúc Ánh đánh nhau với quân Tây Sơn. Việc cầu viện binh nước ngoài đánh nhau với Tây Sơn, tranh giành quyền lực là những vết đen, mảng tối trong cuộc đời và sự nghiệp của vua Gia Long. Thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành lại vương quyền với quân Tây Sơn của Gia Long - Nguyễn Phúc Ánh có sự đóng góp giúp đỡ của giám mục Bá Đa Lộc và đội quân đánh thuê người Pháp. Là người sớm giao thiệp và trong văn minh phương Tây, dựa vào kỹ thuật của Pháp. Nhưng, ngay sau khi giành được vương quyền, lên ngôi hoàng đế, Gia Long cai trị đất nước theo mô hình nhà nước phong kiến cổ truyền Việt Nam, lấy học thuyết Khổng Mạnh làm nền tảng chính trị. Đối với những người Pháp từng giúp Gia Long trong thời kỳ đấu tranh khó khăn, nhà vua không bổ nhiệm họ vào những chức vụ trọng yếu trong triều đình. Ngoài mặt, thì quan hệ bình thường, nhưng trong thâm tâm vua Gia Long bắt đầu xa lánh họ và có ý nghi ngờ, cảnh giác với các giáo sĩ và nước Pháp. Nhà vua cố thoát ra khỏi ảnh hưởng của người Pháp.

 

Các thời đại phong kiến ở Việt Nam và các nước phương Đông, việc truyền ngôi vua thường được truyền cho con trưởng và dòng đích. Đối với vua Gia Long, từ năm 1793 đã lập người con trưởng là Nguyễn Phúc Cảnh làm Đông cung Thái tử. Hoàng tử Cảnh bị bệnh mất vào ngày 20/03/1801. Sau khi Gia Long lên ngôi, trong triều đình có nhiều người đề nghị Gia Long xác lập người kế vị. Những cận thần như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt đề nghị hoàng tôn Đán là Nguyễn Phúc Đán (Nguyễn Phúc Mỹ Đường) con trai của hoàng tử Cảnh làm người kế vị. Lúc bấy giờ, hoàng tôn Nguyễn Phúc Đán còn nhỏ tuổi, gia đình hoàng tử Cảnh lại gần gũi, ảnh hưởng của các giáo sĩ người Pháp. Tuyệt nhiên, vua Gia Long không nghe lời thỉnh nghị của các đại thần.

 

Kinh nghiệm lịch sử và bản thân cho vua Gia Long rút ra một bài học là: Những vị vua "trẻ con" chỉ là “con rối” trong tay các quan đại thần, dễ dẫn đến rối loạn triều đình, vương quyền của dòng họ có nguy cơ sụp đổ.

 

Nhà vua trả lời với các quan cận thần và triều đình: "... Nhà nước mới yên, phải chọn người lớn tuổi cầm quyền, chẳng nên dùng kẻ thơ ấu...".

 

Trong những người con của vua Gia Long có hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm (Nguyễn Phúc Kiểu) sinh năm 1791 là người có tư chất minh mẫn, hiếu học, tinh thâm Nho học, am hiểu học thuyết Khổng Mạnh. Nguyễn Phúc Đảm là người siêng năng, nhạy bén, quyết đoán trong công việc, được vua Gia Long yêu mến. Về chính trị, Nguyễn Phúc Đảm là người có tư tưởng bài ngoại, không thích Pháp và các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo. Ông đề cao Nho giáo. Năm 1816, Gia Long thiết triều tại điện Cần Chính, chính thức xác lập Nguyễn Phúc Đảm làm Hoàng thái tử và ban chiếu "Thái tử là ngôi trừ nhị của nước, cần phải lập để trọng chính thống và giữ bền gốc nước". Gia Long đã cho Nguyễn Phúc Đảm thay mặt mình đảm trách những công việc quan trọng của triều đình, chỉ khi nào có việc trọng yếu, to lớn, phức tạp mới trình vua Gia Long quyết định.

 

Ngày 19/12 năm Kỷ Mão (1820), vua Gia Long bị bệnh qua đời. Ngày mồng một tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), tại điện Thái Hòa, Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mệnh. Vua Minh Mệnh trị vì đất nước 21 năm, từ năm 1820 đến năm 1840. Sau khi qua đời được truy tôn miếu hiệu là Thánh Tổ Nhân hoàng đế.

 

Trong thời gian trị vì đất nước, vua Minh Mạng đã có những cải cách nổi bật về chính trị, văn hóa, về bộ máy tổ chức hành chính của triều đình và đạt những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Triều Nguyễn trải qua 13 đời vua. Giai đoạn vua Minh Mệnh trị vì đất nước là thời kỳ cực thịnh của triều Nguyễn.

 

LÊ NGỌC TRÁC

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

 

1) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thể (NXB Văn Hóa - 1999)

2) Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (NXB Thông Tin - 1999)

3) Chân dung các vua Nguyễn của Đồ Bang - Nguyễn Minh Tường.

4) Triều Nguyễn - những vấn đề về lịch sử tư tưởng và văn học. (NXB Đại học Sư phạm Huế - 1994)

 

*  *  *

 

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh