Lời giới thiệu:
Ban Điều Hành nhận được 4 tài liệu liên quan đến vua Minh Mạng từ tác giả gởi đến. Xin cám ơn tác giả. Xin giới thiệu đến độc giả.
Webmaster.
* * *
Khi giành được vương quyền, cai trị đất nước, nhà Nguyễn gặp phải sự chống đối của các lực lượng xã hội. Theo sử sách, thời Gia Long có 90 cuộc khởi nghĩa chống đối. Thời Minh Mệnh số lượng cuộc khởi nghĩa, chống đối quyết liệt lên đến 250 vụ lớn nhỏ. Mặc dầu, các cuộc khởi nghĩa, chống đối, phản loạn được dẹp bỏ. Nhưng, đã khiến cho xã hội và đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, bất ổn, nội bộ nhân dân chia rẽ, bất an, khổ cực.
Trong bối cảnh, trước khi nhà Nguyễn nắm quyền làm chủ, đất nước ta trải qua một thời kỳ dài loạn lạc, chiến tranh, chia rẽ liên miên. Trịnh, Nguyễn phân tranh; chiến tranh chống quân Thanh, nhà Tây Sơn nội chiến. Chiến tranh đối đầu giữa Gia Long và nhà Tây Sơn. Khi Gia Long lên ngôi, thống nhất đất nước, lòng người vẫn còn ly tán, phân rẽ. Trong nhân dân, một số còn tưởng vọng nhà Lê, nhớ và cảm phục Quang Trung - Nguyễn Huệ với những chiến công, chiến thắng quân Thanh, giải phóng dân tộc, đất nước.
Những cuộc khởi nghĩa, chống đối nổ ra gây tiếng vang lớn như: Thời Gia Long, do Nguyễn Văn Tuyết cầm đầu binh lính Tây Sơn nổi dậy chống đối ở Hải Dương. Thời Minh Mệnh, năm 1826, Phan Bá Vành nổi lên ở Nam Định, Hải Dương. Năm 1833, Lê Duy Lương dấy binh chống đối ở Ninh Bình với chiêu bài phục hồi nhà Lê. Năm 1833, ở miền Bắc, có Nông Văn Vân. Trong Nam, có Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) nổi lên chống đối... Nguyên nhân là do quan lại tham nhũng, thiên tai, mất mùa, nhân dân đói khổ. Nhiều người phải bỏ xứ lang thang kiếm ăn. Ở Hải Dương có đến trên 2 vạn người lang thang cơ nhỡ, đi xin ăn. Nghệ An bị thiên tai làm hơn 4 vạn ngôi nhà bị sụp đổ, hơn 5.200 người bị chết. Ở miền Bắc, số người bị bệnh, bị đói đến chến lên trên 6 vạn. Tình hình nhân dân khốn khổ, nhưng triều đình ban hành những chính sách chỉ có lợi cho quan lại và vương triều, lại thêm chủ trương bế môn tỏa cảng và cấm đạo, có lúc cấm họp chợ. Triều đình độc quyền và ngoại thương, làm cho dân gặp nhiều khó khăn trong buôn bán, mưu sinh và không có cuộc sống tự do. Nhiều người phải bỏ làng quê trốn vào vùng đất phương Nam sinh sống.
Thời kỳ Minh Mệnh, tuy có nhiều cải cách và chú trọng đến phát triển nông nghiệp, khai khẩn đất đai. Nhưng trong những nguyên nhân dẫn đến sự chống đối khởi nghĩa của nông dân có nguyên nhân về chính sách ruộng đất của triều đình. Chính sách ruộng đất của triều Nguyễn nói chung, cũng như dưới thời Minh Mệnh đều ưu ái cho tầng lớp giàu có như địa chủ và quan lại.
Thời vua Gia Long, tình trạng bao chiếm ruộng đất của giai cấp địa chủ diễn ra gay gắt trong cả nước. Đến thời vua Minh Mệnh nạn bao chiếm đất đai đã đến lúc nghiêm trọng. Tình trạng tư hữu, bao chiếm ruộng đất của địa chủ và quan lại đã phổ biến lấn áp cả bộ phận ruộng đất nhỏ của nông dân. Do không có điều kiện kinh tế, ruộng đất của người dân sớm rơi vào tay người giàu, địa chủ và trở thành người làm thuê cho địa chủ, vạn hộ, thiên hộ ngay trên mảnh đất mình vừa khai phá. Chính sách tô, thuế của triều đình lại có lợi cho địa chủ.
Trước thực trạng trên, triều đình đã chủ trương lấy bớt ruộng tư của địa chủ làm công điền. Năm 1838, Tổng đốc Bình - Phú là Vũ Xuân Cẩn dâng sớ lên vua Minh Mệnh xin áp dụng chính sách hạn điền, chỉ để lại cho chủ tư nhân 5 mẫu ruộng. Còn lại đem chia cấp cho dân nghèo theo lệ quân điền. Nhưng Minh Mệnh và nhiều quan trọng thần trong triều đình không đồng ý, vì sợ "chưa thấy lợi mà thành nhiễu sự". Triều đình nhà Nguyễn chọn giải pháp ít căng thẳng hơn là yêu cầu địa chủ bỏ ra 50% ruộng tư để làm ruộng công. Trước ở Bình Định có 70.000 mẫu ruộng tư và chỉ trên 6.000 mẫu ruộng công. Sau khi điều chỉnh chính sách ruộng đất, triều đình đã có thêm 40.000 mẫu ruộng công để cấp theo phương thức quân điền. Đến năm 1840, Bố chánh Gia Định Lê Khánh Trình xin triều đình cho áp dụng kinh nghiệm đã làm ở Bình Định, nhưng vua không đồng ý. Riêng với địa chủ ở miền Nam, vua Minh Mệnh tỏ ra muốn áp dụng chính sách mềm dẻo hơn.
Nhìn chung, triều Nguyễn và vua Minh Mệnh đã có nhiều cố gắng trong giải quyết vấn đề ruộng đất. Nhưng, vẫn không thoát khỏi chính sách lỗi thời về ruộng đất của các triều đại phong kiến trước đây là duy trì chế độ quân điền. Từ những hạn chế của chính sách ruộng đất dẫn đến tình trạng phân hóa, chia rẽ trong nội bộ nông dân và trong xã hội. Nông dân nghèo đói, không có đất canh tác, mưu sinh dễ dẫn đến phản kháng chống đối triều đình. Chính sách ruộng đất từ đời Minh Mệnh còn kéo dài đến các triều vua Thiệu Trị, Tự Đức... sau này. Quan lại tham nhũng, chính sách tập quyền bảo thủ, hà khắc, độc quyền kinh doanh giao thương, chính sách ruộng đất... là những nguyên nhân dẫn đến sự phản kháng, chống đối triều đình của nông dân. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá, không hề xưa cũ cho các triều đại.
Lê Ngọc Trác
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
1/ Quốc triều chính biên.
2/ Đại Nam thực lục.
3/ Lịch sử Việt Nam của giáo sư Nguyễn Phan Quang và tiến sĩ Võ Xuân Đàn (NXB thành phố Hồ Chí Minh - 2005)
4/ Lược sử Việt Nam của Trần Hồng Đức (NXB VHTT - 2009)
5/ Tiến trình lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên) (NXB Giáo dục - 2006).
* * *
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com