(Click vào hình tam giác để nghe; muốn nghe file khác, click vào
2 gạch song song (trái) để tắt file đang phát rồi click vào file khác để nghe).
Hồi ký.
Chân dung tác giả.
Xuất thân:
- Trung học Trần QuốcTuấn Quảng Ngãi
- Đại học Dược Khoa Sài Gòn
- Khoa kinh tế ĐH QG TP Ho Chi Minh
Viết báo, làm thơ, bút hiệu: Vũ Bằng Phong Lê Văn Công.
Báo Giáo dục TPHCM.
- TRỞ LẠI NGÀNH DƯỢC.
Như vậy là, suốt mười ba năm sau ngày 30-4-1975, tôi đã phải lăn lộn vào các ngỏ ngách cuộc đời, làm đủ thứ nghề, trải nghiệm bao nhiêu vực thẳm, và giờ đây, tôi thực tình cảm thấy mệt mỏi, muốn làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống. Tôi đã kết hôn, con trai đầu lòng mới có hai tuổi. Với kiểu làm việc di động thuờng xuyên, quả là đã không còn phù hợp với đời sống gia đình.
Cùng thời điểm đó, đất nước đang chuyển mình theo hướng đổi mới. Phong trào Perestroika ở Liên Xô và Đông Âu đang trỗi dậy, lôi kéo cả thế giới vào một đổi thay chưa từng thấy. Tại Việt Nam, Đại hội Đảng lần thứ sáu đã gióng lên tiếng nói dõng dạc cuả xu thế đổi mới và hội nhập. Ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng, cũng không nằm ngoài quỹ đạo cuả đổi mới. Các nhà thuốc liên doanh, rồi tư nhân, dần dà được phép thành lập để giải quyết nhu cầu cung ứng thuốc, một công việc mà ngành dược quốc doanh đã tỏ ra bất kham.
Bạn bè khuyên tôi nên quay lại ngành dược, vừa đúng với chuyên môn cuả mình, vừa được ở gần vợ con, mà thu nhập cũng không đến nỗi nào. Những lời khuyên này phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng cuả tôi. Cho nên tôi quyết định bàn giao công việc ở La Hai cho anh Ngô Xuân Vũ, công việc ở Dray H Ling cho anh Trần Thi, để trở về Quảng Ngãi, làm thủ tục cho ra đời một nhà thuốc.
Công việc ở pharmacy, lúc đầu đòi hỏi tôi phải cập nhật các kiến thức về dược mà tôi đã bỏ bê suốt mười ba năm trời. Làm quen với các biệt dược, và nhất là phải tham khảo các tài liệu về Pathology. Làm dược sĩ mà không am hiểu về bệnh học, giống như làm bác sĩ mà không am tường về dược phẩm, là những thiếu sót rất lớn, không thể chấp nhận. Tôi mượn tài liệu từ những người bạn là bác sĩ, và tranh thủ thời gian rảnh rổi ở nhà thuốc để đọc. Bên cạnh đó, kiến thức về dược cho phép tôi phát hiện những sai lầm nghiêm trọng cuả một số bác sĩ khi kê đơn và đã thẳng thắn góp ý. Chẳng hạn, một bác sĩ ghi toa Chloramphenicol 250mg với liều dùng ban đầu rất cao, cho một cháu bé 5 tuổi mà ông nghi đang bị sốt thương hàn. Ngoài tính năng gây suy tuỷ, Chloramphenicol, nếu được dùng liều ban đầu cao để chữa bệnh thương hàn, sẽ khiến bệnh nhân có thể tử vong, không phải do bệnh, cũng chẳng phải do thuốc. Vậy tử vong vì lý do gì? Chính mà do các nội độc tố từ xác cuả Samonella Typhi.
Hoặc một bác sĩ khác, thường xuyên ghi @Chymotripsin 5mg, ngày uống 4 viên chia hai lần, trong khi nếu chiụ khó đọc sách, ông ta sẽ biết rằng @Chymotrypsin, bản chất là một enzym không hề có tác dụng đường uống, vì sẽ bị acid dạ dày phá huỷ, mà chỉ có thể dùng bằng cách ngậm dưới lưỡi. Trong bối cảnh thuốc men cuả thời kỳ đầu đổi mới, không phải bác sĩ nào cũng biết và sử dụng được các biệt dược.
Dù sao, công viêc ở nhà thuốc cũng có những niềm vui, đặc biệt là khi, theo yêu cầu cuả bệnh nhân, tôi phải đóng vai trò của một bác sĩ bất đắc dĩ. Tuy là một vai trò khiên cưỡng, song kết quả nhiều khi rất khả quan, tạo ra những hứng thú nhất định. Đó là khi mình tìm được một số biệt dược để chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo, mà bệnh viện đã “chạy”.
Tất nhiên, việc chẩn đoán là nhiệm vụ chủ yếu cuả bác sĩ, nhưng khi chẩn đoán ra bệnh mà dùng thuốc không chuẩn, thì bệnh cũng không lành. Khổ nỗi, với học trình chỉ có sáu, bảy năm, mà phaỉ học quá nhiều môn, thời gian dành cho môn Pharmacology của người bác sĩ là rất ít ỏi. Do đó, ở lĩnh vực dùng thuốc, người dược sĩ phải đóng vai trò cố vấn. Chính vì vậy mà bây giờ, ở Mỹ và một số nước khác, người ta có thêm chương trình đào tạo dược sĩ lâm sàng.
Thời học dược, tôi hay so sánh công việc cuả người bác sĩ và người dược sĩ. Rõ ràng, trong cuộc chiến đấu chống lại các tác nhân gây bệnh, vai trò cuả bác sĩ là quan trọng hơn, giống như một sĩ quan trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Còn dược sĩ thì giống một sĩ quan quân giới, rất rành tính năng các loại vũ khí đạn dược, song ít khi có dịp sử dụng trực tiếp. Ngược lại, anh sĩ quan chiến đấu, nếu không được người sĩ quan quân giới hỗ trợ, tư vấn về các loại vũ khí, vẫn có khả năng sử dụng hoả tiễn M72, vốn là một vũ khí chống xe tăng, để bắn… máy bay.
Có điều, theo thời gian, tôi bắt đầu cảm nhận sự nhàm chán trong cuộc sống cuả người dược sĩ tỉnh lẻ. Điều này dễ hiểu, bởi trước khi quay lại ngành dược, tôi đã từng bôn ba khắp nơi, từ miền Tây Nam bộ, Nha Trang, Sông Cầu, An Khê, Gia Lai hay Buôn Ma Thuột, nếm trải mùi vị cuả những bước chân phiêu lãng, sống tự do như một cánh chim giang hồ, nhìn nhận cuộc đời dưới nhãn quan cuả một con người thường xuyên dịch chuyển, trân trọng mọi thứ, nhưng nhiều khi cũng coi thuờng mọi việc. Cái tính cách ấy đã hình thành, có thể do thiên phú, mà cũng có thể do hoàn cảnh tạo ra. Tôi chấp nhận, và tự coi mình như một con người có cuộc sống đa chiều, hiểu theo nghĩa là một người có cách nhìn về đời sống không tập trung vào một mục tiêu duy nhất. Chính vì thế, tôi hay mơ mộng đến một kiểu tự do như André Maurois đã từng gán cho những người có tâm hồn nghệ sĩ: ”… nghệ thuật phải được sống bằng hy vọng, bằng đổi mới, bằng đau thương…”
Còn cuộc sống hiện tại, đúng là ấm êm, vì có một gia đình, với thu nhập ổn định, có thới gian để chăm sóc cha mẹ, vợ con, và công việc phù hợp với ngành nghề mình từng theo đuổi ở Đại học. Thời kỳ này, tôi nhận được một bức thư dài của Nhung từ Mỹ gửi về. Cô ấy viết: “Bỗng dưng lại mất hút nhau đến 10 năm, bây giờ Nina mừng cho anh, đã dừng cánh chim phiêu lãng, tìm thấy tổ ấm”. Song từ trong tâm thức, tôi vẫn lờ mờ cảm nhận là chất men cuả cuộc sống ổn định này, không phù hợp với tôi. Đêm đêm tôi vẫn nói với Bích Thu: ”Chẳng lẽ đời anh cứ như thế này mãi sao?“. Cô ấy có vẻ ngạc nhiên: ”Thế anh còn muốn gì nưã?”. Tâm hồn giản dị và hiền thục, cô ấy không thể hiểu được, tôi còn mơ mông những gì, khi đã có một gia đình ấm êm, hạnh phúc, với tài sản tương đối là một nhà thuốc riêng, thu nhập ổn định, được nhiều người xung quanh mong ước.
Rồi một buổi chiều muộn cuối năm, nhà thuốc cuả tôi bất ngờ được tiếp hai người khách từ Sài Gòn. Đó là Lâm Văn Sử và Phạm Ngọc Toản. Cuộc gặp gỡ này đã đem lại nhiều thay đổi trong cuộc sống cuả tôi.
CIBA GEIGY
Công ty CIBA Geigy là một công ty đa quốc, hoạt động đa ngành, quốc tịch Thuỵ sĩ, có chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới. Tôi biết đến CIBA cách đây mấy năm, khi bác sĩ Trần Tấn Trung tức Trần Bồng Sơn –người sau này nổi tiếng khắp Sài Gòn với chuyên môn về giới - nhận lời uỷ thác cuả ông Raymond Luissier, giám đốc CIBAVN, đi khắp nơi tuyển mộ người để thiết lập mạng lưới trình dược. Qua bác sĩ Trần Như Tâm, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi và giới thiệu người cho CIBA. Nhưng đó là chuyện của mấy năm về trước.
Còn bây giờ, Sử và Toản, hai người bạn cùng lớp của tôi, lại là “Ban lãnh đạo” mới cuả CIBA, đang công du để tìm cách phát triển thị trường. Nhà thuốc của tôi ở Quảng Ngãi là một trong những nhà thuốc lớn, cho nên tôi nhận lời làm đại lý phân phối cho CIBA. Sự thành công trong công việc phân phối đưa doanh số CIBA tại QN tăng vọt, đã khiến cho Sử và Toản rất ngạc nhiên về tiềm năng cuả thị trường Quảng Ngãi và khả năng bán hàng cuả bạn mình. Đó cũng là lý do khiến thời gian sau này, Toản thường xuyên ghé Quảng Ngãi.
Qua trao đổi với Toản, tôi được biết, Sử và Toản được Công ty giao phó trọng trách tổ chức lại CIBA VN, theo hướng củng cố nhân sự để thực hiện chiến lược phát triển toàn diện. Là một con người có tầm nhìn chiến lược, Lâm Văn Sử đã phác thảo một dự án, theo đó sẽ phiên chế tổ chức công ty, thành các đơn vị kinh doanh phụ thuộc (subsidize business unit =SBU), theo địa lý, bao gồm miền Tây, Miền Đông Nam bộ, Sài Gòn, miền Trung và miền Bắc. Mỗi vùng sẽ có một người, đạt yêu cầu đòi hỏi là có năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm, và hiểu biết thị trường, sẽ chịu trách nhiệm toàn diện cuả khu vực. Dự án đã được phê duyệt và công việc tìm người gần như hoàn tất. Đã có dược sĩ Nguyễn Thái Hải cho miền Đông, dược sĩ Trần Văn Lý miền Tây, dược sĩ Nguyễn Văn Liệp Sài Gòn, bác sĩ Huỳnh Cầm miền Trung. Như vậy, chỉ còn miền Bắc, là chưa giải quyết được vấn đề nhân sự, trong khi tình hình miền Bắc đang rất phức tạp. Toản hỏi tôi có muốn tham gia CIBA với các bạn không? Tôi hỏi lại nếu tham gia thì tôi sẽ giữ vai trò gì? Toản đáp: chịu trách nhiệm ở miền Bắc.
Tất nhiên, tôi đang chán công việc hiện tại cuả mình, và rất mong có cơ hội mới. Song ra miền Bắc lại là cả một vấn đề. Đã 18 năm sau giải phóng, nhưng tôi chưa có dịp nào đặt chân ra Hà Nội hay bất cứ tỉnh nào cuả miền Bắc. Những hiểu biết về thị trường dược phẩm, về nhân sự, hay ngay cả mức độ, quy mô xâm nhập cuả CIBA ở miền Bắc cũng là con số không. Vậy liệu tôi có nên ra Hà Nội, đơn thân độc mã, đối diện với những vấn đề mình chưa lường hết?
Toản động viên tôi: ”Công cứ ra đó đi, rồi anh em trong này sẽ hỗ trợ”.
Sử cũng khích lệ:
“Mình nghĩ là với tầm nhìn sâu sắc và bản tính trầm tĩnh, Công sẽ làm được”.
Nhưng vượt qua rào cản tâm lý đối với sự e dè về vùng đất mới, cũng mới chỉ là một khiá cạnh của vấn đề. Khiá cạnh khác chính là ở chỗ tôi có nhận được sự đồng thuận của gia đình hay không? Nếu tôi làm việc ở Hà Nội, thì giải quyết thế nào về hoạt động của pharmacy? Không thể đóng cửa hay sang nhượng, bởi lẽ đó là nguồn thu nhập quan trọng của gia đình. Mặt khác, tôi cũng mới có thêm cháu bé, mới hơn một tuổi, trong khi Bích Thu vẫn còn đi dạy. Nếu tôi đi Hà Nội, thì ít nhất, Bích Thu, vốn rất yêu nghề, phải xin nghỉ dạy, để về trông nom nhà thuốc. Đó cũng phải coi là một sự hy sinh.
Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng thuyết phục được Bích Thu, khi cố gắng vẽ ra một viễn tượng phát triển, coi việc đi Hà Nội cuả tôi như là một cách tiếp cận cuộc sống mới, trong một đất nước đang thay đổi từng ngày.
Như vậy vấn đề đã được quyết định.
Công việc tiếp theo khi đã có quyết định là chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn với ông sếp tây. Ông Raymond Luisier là một người Thụy Sĩ, đang phụ trách mảng thị trường Việt Nam. Ngôn ngữ sử dụng trong cuộc phỏng vấn sẽ là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tiếng Pháp thì sau ba năm học thời trung học đệ nhị cấp, tôi chỉ còn nhớ được mấy câu thơ của Verlaine và Avert. Tiếng Anh thì đỡ hơn, với 7 năm trung học và 5 năm đại học.
Hóa ra, cuộc phỏng vấn không có gì ghê gớm. Sau khi Toản và Sử giới thiệu, ông Luisier yêu cầu tôi tham dự ngay vào lớp Training of Coaching mà ông đang hướng dẫn. Trong giờ nghỉ trưa, ông mời cả lớp đi ăn cơm ở nhà hàng Vietnam House trên đường Đồng Khởi. Ông xếp tôi ngồi gần ông và bắt đầu nói chuyện một cách thân mật. Ông hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình, về nguyện vọng, nhưng tuyệt không đá động đến công việc. Chỉ đến khi làm bài thu hoạch chiều hôm đó, ông mới yêu cầu tôi viết về các dự kiến mà tôi định triển khai ở Hà Nội. Hôm sau, khi lớp học mãn khóa, tôi nộp bài, ông chăm chú đọc rồi ghi lên mấy chữ trước khi trả lại tôi. Tôi đọc thấy ở đầu trang: Go ahead! cùng chữ ký của ông. Vậy là tôi đã được chấp nhận.
* * *
Ăn Tết xong, tôi bắt đầu tiếp nhận công việc ở Hà Nội, với tư cách là người đại diện cho CIBA Pharma tại miền Bắc. Quả thực, tình hình phức tạp hơn tôi tưởng, khiến nhiều khi tôi hoài nghi tự hỏi, phải chăng mình đã quá phiêu lưu, khi nhận lời ra Hà Nội? Thị trường miền Bắc dung chứa rất nhiều ẩn số. Địa giới được giao cho tôi phụ trách bao gồm từ Lạng Sơn đến Quảng Bình, có nghĩa là cả lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước đây, với dân số 35 triệu người, mà phần lớn vẫn còn xa lạ với các loại biệt dược cao cấp và y tế kỹ thuật cao. Đặc điểm nổi bật nữa là cư dân ở miền Bắc quá nghèo. Sau bao nhiêu năm chiến tranh, và nhất là với nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, mức thu nhập của người dân miền Bắc, tính trên diện bình quân là dưới cả chuẩn nghèo, cho nên việc hy vọng họ sẽ có tiền mua thuốc chữa bệnh sản xuất từ Thụy Sĩ là một hy vọng rất đỗi mong manh. Về mặt tổ chức nội bộ của công ty CIBA, thì khác với miền Nam, có lực lượng trình duợc viên hùng hậu, bao phủ từ Huế đến Cà Mau, miền Bắc chỉ có ba trình dược viên cho Hà Nội và một ở Hải Phòng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về văn phòng CIBA Hà Nội, là nhân sự ở đây rất thiếu, còn tinh thần kỷ luật thì hầu như không có gì, chen vào là thái độ bất phục và bất hợp tác, không ai bảo được ai. Trước khi đi Hà Nội, tôi đã tiên liệu khả năng này, nên không dao động, song cũng khá ngạc nhiên về mức độ trầm trọng cuả vấn đề.
Bạn bè ở Sài Gòn rất lo lắng cho tôi. Liệp goị điện cho biết, anh em trong này ngày nào gặp nhau cũng bàn tán về tình hình miền Bắc. Nói chung, anh em lo ngại tôi không trụ được. Tôi nói với Liệp qua điện thoại: ”Mấy ông cứ yên tâm đi. Đã đành Bắc Hà là đất dữ, còn Hà Nội đúng là long đầm hổ huyệt, song nếu như ông PVĐ là dân Quảng Ngãi, mà trụ được ở Hà Nội, thì mình cũng là dân Quảng Ngãi đây. Và mình cũng sẽ trụ được“. Miệng thì nói cứng như vậy, nhưng trong lòng, tôi cũng cảm thấy nao núng, khi hình dung ra cảnh bạn bè tụ họp đông vui, ấm áp bên bàn cà phê mỗi sáng, với không gian quen thuộc cuả Sài Gòn, trong lúc một mình tôi đơn độc giữa chốn Hà thành xa lạ.
Toản thì tỏ ra khá điềm tĩnh. Sau khi bay ra Hà Nội thị sát tình hình thực tế, Toản nóí riêng với tôi: ”Ông còn nhớ cái lúc tụi mình mới ra đơn vị, mình là Dược sĩ Trung úy hẳn hoi, song lại cứ bị mấy ông Thượng sĩ già ăn hiếp ra trò. Cứ đợi đấy, chừng ba tháng sau, thì lính ra lính, quan ra quan ngay ấy mà”.
Đối với tôi vấn đề chủ yếu trong điều kiện hiện tại, là phải xác lập chiến lược để ổn định tình thế và từ đó mới có thể nói đến phát triển. Công việc cần làm trước tiên là tăng cường lực lượng, khôi phục kỷ luật lao động, để đưa doanh số tăng trưởng, chứ còn như hiện nay, thì doanh số miền Bắc đang hết sức èo uột, mặc dù công ty đã đầu tư vào đây rất nhiều công sức và tiền của suốt hai năm trời.
Trong kinh doanh, mọi vấn đề chỉ có thể biện minh, và anh chỉ có thể làm chủ tình hình, nếu anh có thể làm cho doanh số tăng trưởng. Nhưng bằng cách nào?
Tôi quyết định tuyển dụng thêm nhân sự cho Hà Nội, Thanh Hoá và Nghệ An. Những người mới được tuyển dụng, phải tuân theo một quy trình chuẩn mực về phỏng vấn, cho nên chất lượng có vẻ như đạt yêu cầu hơn. Bác sĩ Hải Đường, bác sĩ Thanh Thuỷ, dược sĩ Tất Thoan, dược sĩ Quỳnh Hoa ở Hà Nội, bác sĩ Hùng và bác sĩ Hoàng ở Thanh Hoá, bác sĩ Hiền và dược sĩ Huy ở Vinh, sau này đều trở thành các trình dược viên năng động, nhiệt tình. Về những người cũ, tất cả đều được giữ lại với hy vọng sẽ có sự cải thiện trong môi trường làm việc mới. Trong số các bạn trình dược viên cũ, thì Lan Hương đã gây cho tôi một ấn tượng đẹp, ngay từ lần gặp đầu tiên. Lan Hương là một bác sĩ mới ra trường. Rất thông minh, vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh tươi, tính tình vui vẻ và cởi mở, Lan Hương có vẻ đẹp của một người đàn-bà-trẻ-con, có khả năng gây được thiện cảm với bất cứ ai tiếp xúc lần đầu. Tôi đề nghị công ty bổ nhiệm Lan Hương làm trợ lý, phụ trách về logistic. Ở vai trò này, Lan Hương đã giúp đỡ tôi, chẳng những kiểm soát được sự lưu chuyển hàng hoá, mà còn đánh giá đúng nguồn mạch thị trường, của các khách hàng tiềm năng.
Khi vấn đề nhân sự tạm ổn, thì bài toán xoay qua vấn đề chiến lược xâm nhập. Nếu đánh giá tình hình đúng, và tìm ra chià khoá cuả vấn đề, thì anh sẽ có chiến lược tốt và, nếu gặp một chút may mắn, anh sẽ thành công. Còn ngược lại, thì ngay cả sự may mắn cũng chẳng giúp được gì nhiều.
* * *
Quá trình tìm hiểu đã hé lộ cho tôi thấy quy trình sử dụng dược phẩm tại các bệnh viện miền Bắc, rất khác với miền Nam. Đã sống quá lâu trong môi trường bao cấp, các bác sĩ điều trị rất kỷ luật trong việc ghi toa, tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị mẫu. Như vậy, rõ ràng chià khoá đang nằm trong tay các sếp, các giáo sư đầu ngành. Với sự giup đỡ cuả bác sĩ Lan Hương, tôi vào Bạch Mai và tiếp cận một nhân vật rất đặc biệt, người mà sau bao nhiêu năm tháng trôi qua, tôi vẫn không quên. Đó là Giáo sư Nguyễn Năng An, một con người mang trên mình rất nhiều chức danh. Ông từng là Tiến sĩ khoa học VN đầu tiên trình luận án ở Liên Xô, nguyên hiệu trưởng Đại hoc Y Hà Nội, thành viên Ban soạn thảo Bách Khoa Thư Bệnh Học, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm bộ môn kiêm trưởng khoa Miễn dịch dị ứng bệnh viện Bạch Mai… Chức danh nhiều, song tính tình giản dị và khiêm tốn. Ông tiếp tôi rất trọng thị, tỏ ra có cảm tình đặc biệt với tôi. Khi ra về ông tặng tôi cuốn Bách Khoa Thư Bệnh Học, mà ông là đồng tác giả, với lời đề tặng trang trọng: ”Kính tặng DS Lê Văn Công, Đại diện hãng CIBA GEIGY tại miền Bắc, để kỷ niệm những ngày đầu cộng tác“.
Thông qua Giáo sư An, tôi tiếp xúc và tìm được sự hỗ trợ cần thiết cuả các Giáo sư Trần Quỵ, Giám đốc Bạch Mai, Giáo sư Trần Ngọc Ân, chủ nhiệm bộ môn Cơ Xương Khớp, Giáo sư Phạm Gia Khải và Phó giáo sư Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng và Viện phó Viện Tim, Giáo sư Lê Xuân Hinh, chủ nhiệm bộ môn thần kinh, Giáo sư Tôn Thất Bách, Hiệu trưởng Đại học Y kiêm phó Giám đốc BV Việt Đức. Phải khách quan nhìn nhận, ở thời điểm ấy, các Công ty dược phẩm nước ngoài xâm nhập VN chưa nhiều. Mà thuốc của CIBA có thể coi là những sản phẩm có chất lượng tuyệt hảo, cho nên, chúng tôi có đủ cơ sở để thuyết phục được các vị giáo sư đầu ngành bằng những luận cứ khoa học vững chắc. Khi các vị này được thuyết phục thì toàn bộ ê kíp sẽ sử dụng thuốc của CIBA và chuyện doanh số sẽ không còn là vấn đề.
Đến cuối tháng 3 năm ấy, doanh số miền Bắc đã khiến cho văn phòng phiá Nam kinh ngạc. Tỉ lệ tăng trưởng 300% là một con số khó tin, khiến một số người, kể cả Raymond Luisier và Toản, tỏ ra hoài nghi về tính xác thưc cuả báo cáo. Song đến tháng Tư, sau khi bộ phận Administration kiểm tra thực địa, doanh số lại tiếp tục tăng lên nữa, thì mọi người phải công nhận đó là một thực tế. Ông Raymond Luissier gửi cho tôi một phần thưởng bất ngờ: quyết định cử tôi và Toản đi học về quản lý ở Singapore vào tháng 6.
Ở thời điểm đó, một người mới vào làm ở công ty hơn ba tháng mà đã được đi nuớc ngoài là chuyện rất hiếm. Ngay cả Toản, là sếp trực tiếp cuả tôi, đã làm cho CIBA gần hai năm, thì đây cũng mới là lần đầu xuất ngoại. Suốt những năm tháng sau ngày giải phóng, khái niệm xuất ngoại, trong đầu chúng tôi, luôn luôn gắn liền với một một nỗi ám ảnh cuả những lần vượt biên. Còn xuất ngoại với giấy tờ hẳn hoi, là điều chúng tôi chưa hề nghĩ đến. Cảm giác trong tôi lúc máy bay cất cánh, rời khỏi Việt Nam, giống như cảm giác cuả một người vưà được cởi trói, sau gần 20 năm.
Lần đầu tiên xuất ngoại, cái gì đối với chúng tôi cũng rất là lạ lẫm. Chúng tôi bỡ ngỡ từ chuyện ô tô ở Singapore chạy phiá bên trái con đường, đến chuyện nhận phòng ở khách sạn 5 sao Marina Mandarin. Khách sạn có nhiều tầng, tôi được xếp một phòng ở tầng 12, Toản được xếp một phòng ở tầng 15. Buồn quá, chúng tôi yêu cầu receptionist xếp cho chúng tôi ở chung phòng. Họ đồng ý, nhưng nhìn chúng tôi với ánh mắt là lạ. Chắc họ tưởng chúng tôi là những gays thứ thiệt
Khoá học chỉ có năm học viên. Hai nguời Việt Nam là Toản và tôi. Ba nguời nữa từ CIBA Thái Lan bay sang. Thầy dạy là một người Anh, giáo sư Geff Cook. Buổi trưa nghỉ học hơn một tiếng, thầy dẫn năm học viên đi ăn ở một trong những nhà hàng (Blossome) nằm trong khách sạn. Mỗi Blossome bán thực phẩm cuả một nước, và chúng tôi thường xuyên thay đổi tiệm ăn trong các bữa trưa. Đầu tiên là Chinese blossome, sau đó là Thailand, Malaysia, India, France, Italia…
Buổi chiều, chúng tôi tự túc. Thoạt tiên, vài ngày đầu, tôi với Toản vào ăn trong một vài blossome của khách sạn, nhưng khi tính tiền, cái bill nào cũng trên 100 USD, chúng tôi bàn nhau là không nên ăn uống kiểu này nữa. Đành rằng công ty sẽ thanh toán hết các chi phí, song nếu vì vậy mà mình ăn xài thoải mái quá thì cũng kỳ. Chúng tôi tìm được một tiệm ăn Tàu ở khu Simlim Square, với một điã chicken rice giá chỉ có 5 USD, thêm một món uống 2 USD, thế là quá ổn. Thức uống trong minibar của khách sạn giá đồng hạng 8 USD. Chúng tôi xuống siêu thị tầng hầm, bê lên vài chục lon nuớc ngọt, chỉ thanh toán chưa đến10 USD.
Nhờ tiết kiệm như vậy, và do Toản giành trả tiền phòng, nên số tiền ông Lussier tạm ứng cho tôi 4000 USD, sau khoản tiền vé máy bay, chỉ hao hụt có vài trăm đô. Cứ tưởng tiết kiệm như thế sẽ được khen. Ai ngờ khi thấy tôi mang trả lại hơn 3.300 USD, có lẽ chưa có tiền lệ, ông ta cười, và nói với cô Diệp, kế toán trưởng văn phòng, nửa đùa nửa thật: “Nếu trong công ty CIBA, ai cũng không biết tiêu tiền như Mr. Công, thì không biết kinh doanh để làm gì?”
* * *
NOVARTIS
Đời sống như một dòng sông, biến dịch không ngừng. Đó là quy luật, song khi có những sự biến xảy ra, thì ít nhiều đều tác động vào tâm thức chúng ta, gây ra những vết tích không phai.
Cuối năm ấy, Lan Hương đột ngột báo cho tôi biết là cô ấy sắp nghỉ việc ở CIBA để đi du học ở Đại học Nagoiya, Nhật Bản. Lan Hương nói thêm: ”Lẽ ra em báo cho anh biết sớm hơn, nhưng vì em thấy dạo sau này, anh không có vẻ quan tâm gì đến em, nên đến bây giờ em mới báo.”
Quả tình là tôi đã bị sốc khi nhận được tin này. Mặc dù chỉ mới gần gũi và cộng tác với nhau chưa đến một năm, và trong thời gian ấy đã từng có những thăng trầm trong mối quan hệ, song tôi vẫn xem sự hiện hiện của Lan Hương như là một điều không thể thiếu. Cũng như tôi hiểu rằng Lan Hương đã chọn lựa một con đường tươi sáng, bởi vì cô ấy còn phải lo cho sự nghiệp và cuộc sống riêng tư, song đây vẫn là một bất ngờ lớn. Còn ở một lĩnh vực trừu tượng khác của tâm hồn, trong một đêm trăng ở Huế, tôi đã viết: Đêm sông Hương. Có lẽ đó là một cách xác lập chỗ đứng của tôi.
Trước khi đi Nhật, Lan Hương tặng tôi một gói quà, trong đó có hai món. Cô ấy bảo chiếc khăn quàng cổ sẽ bảo vệ sức khỏe cho anh trong những ngày đông tháng giá ở miền Bắc, còn bộ dao cạo râu sẽ chăm chút dung mạo cho anh. Năm tháng sẽ trôi đi, nhưng tôi biết chắc, vẫn sẽ còn lại không phôi pha, những gì gọi là tình cảm chân thành của con người, những gì mà dù không thể nói ra, song người này có thể hiểu ý người kia như đọc một trang sách mở.
Mất đi sự giúp đỡ của Lan Hương, công việc của tôi gặp rất nhiều trở ngại. Người thay thế không có được năng lực và phẩm cách như Lan Hương, khiến chẳng những khó khăn trong công việc cứ tăng dần, thậm chí tôi còn bị những tổn thất đáng kể về tài chính.
Giữa năm thứ hai của thời kỳ tôi ở Hà Nội, Sử rời bỏ công ty, sau khi Emanuel Puginier, một bác sĩ người Pháp, trở thành sếp mới của CIBA và vô hiệu hoá hoàn toàn vai trò cuả Raymond Luisier. Trước đó Hải và Lý cũng đã xin nghỉ. Ê kíp cũ còn lại bốn người: Toản, Liệp, Huỳnh Cầm và tôi.
Năm thứ ba của thời kỳ này, cũng là một năm có quá nhiều biến động trên thương trường thế giới. Hai công ty dược phẩm khổng lồ cuả Thụy sĩ là CIBA Geigy và Sandoz sáp nhập để trở thành tập đoàn Novartis, một sự sáp nhập gây chấn động vì đã hình thành một tập đoàn có số vốn lên đến 86 tỷ USD. Đến nỗi, tại Hoa Kỳ đã có một số đơn kiện về việc sáp nhập này. Nguyên nhân là tại Hoa Kỳ có một đạo luật chống độc quyền rất nổi tiếng. Bên nguyên đơn cho rằng sự sáp nhập giữa hai công ty dược phẩm khổng lồ này tất yếu dẫn đến sự độc quyền đối với một số sản phẩm. Việc kiện tụng đã khiến cho approval đến trễ hơn một năm so với châu Âu. Sự sáp nhập này cũng đã đẻ ra nhiều vấn đề cho các cấp quản trị trung gian, kể cả Puginier. Trước đây Ciba và Sandoz, đều có một sếp nước ngoài ở VN. Khi sáp nhập, ai sẽ trở thành thống lĩnh? Puginier của Ciba hay Bousquet của Sandoz?
Taị miền Bắc, CIBA Pharma, do tôi làm đại diện, còn bên Sandoz thì do Hoàng Kim Phượng làm sếp. Hoàng Kim Phượng là ai, và là mẫu người như thế nào? Đó là một phụ nữ xinh đẹp, quý phái, gia đình được xếp vào loại thế gia ở đất Hà Thành. Kim Phượng là con gái cuả Đại tướng Hoàng Văn Thái, và là con dâu cuả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi tốt nghiệp Dược khoa ở ở Rumania, Phượng về nước làm việc cho Sandoz từ lúc công ty này bắt đầu xâm nhập miền Bắc.
Trong quá trình sáp nhập cuả hai công ty, trong vài cuộc gặp gỡ xã giao, Phượng cho tôi biết là cô ấy có dự định ra nước ngoài sinh sống. Song tôi nghĩ đó có thể mới chỉ là dự định. Tất cả còn tuỳ thuộc ở cuộc quyết đấu Puginier-Bousquet. Nếu sau hợp nhất, Bousquet trở thành sếp cuả Novartis Việt Nam, thì Phuợng sẽ trở thành Giám đốc khu vực miền Bắc cuả Novartis. Tôi phải chấp nhận vai trò làm phó, hoặc rời khỏi Công ty. Còn nếu Puginier thắng thế thì tình hình sẽ diễn tiến theo chiều hướng ngược lại.
Nếu xét về tương quan lực lượng, Bousquet của Sandoz có vẻ nhỉnh hơn. Bousquet đã làm sếp Sandoz VN hơn 6 năm. Số lượng sản phẩm Sandoz đã triển khai ở VN nhiều hơn CIBA, nên doanh số cao hơn CIBA nhiều lần.
Puginier không có ưu thế về quy mô công ty như Bousquet, nhưng ngược lại, được cái là trẻ trung, năng động và có background rất tốt, được đánh giá là am hiểu tình hình VN một cách sâu sắc. Ông cố của Pugnier từng xây dựng một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Nam Định mang tên dòng họ Puginier. Bản thân Puginier là một bác sĩ y khoa tốt nghiệp đại học Y khoa Paris, lại đã từng là tuỳ viên Văn hoá toà Đại sứ Pháp ở Hà Nội, hồi đầu thập niên 90, trước khi làm việc cho CIBA.
Cuối năm ấy, cuộc quyết đấu giưã Puginier và Bousquet cũng đã đến hồi ngã ngũ. Lãnh đạo Novartis khu vực châu Á Thái Bình dương ra quyết định chính thức bổ nhiệm bác sĩ Emmanuel Puginier làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cuả Novartis pharma VN. Tôi đón nhận thông tin này với sự thản nhiên một cách triết lý, coi đó là một trò chơi cuả số phận, trong khi Bousquet có ưu thế rõ ràng: sản phẩm Sandoz được biết đến nhiều hơn sản phẩm Ciba, doanh số Sandoz cũng gấp ba lần doanh số chúng tôi.
Nhưng dù sao, cảm giác của người ở bên thắng cuộc, vẫn dễ chịu hơn nhiều so với bên thua cuộc. Những kinh nghiệm về vực thẳm, đến với tôi năm 1975, đã là quá đủ cho tôi, để có thể thưởng thức hương vị ngọt ngào cuả chiến thắng, mặc dù đóng góp cuả tôi vào chiến thắng đó là rất nhỏ nhoi.
Puginier tổ chức tiệc mừng ở một nhà hàng Nhật trong khách sạn Equatorial, Saigon. Thành phần tham dự chỉ có ông ta, các managers và Liễu, cô thư ký thân tín. Uống rượu Sakê, Puginier hào hứng kể về những khó khăn mình đã vượt qua trong cuộc đua tranh và dự phóng con đường sắp tới. Ông kết luận: “Họ tin rằng chúng ta sẽ làm tốt công việc hơn là các tay Sandoz”. Puginer tỏ ra thoả mãn. Nhiệm kỳ cuả ông ta ở VN có thể coi là thành công tốt đẹp và ông có khả năng được promote lên những cương vị cao hơn.
Một tuần sau, Puginier bay ra Hà Nội. Chuyến đi có hai mục đích. Thứ nhất Puginier muốn gặp gỡ các đối tác ở Hà Nội, trong cương vị mới: Tổng giám đốc Novartis pharma VN. Thứ hai, để trao cho tôi quyết định promote tôi lên làm giám đốc khu vực (Regional Fieldforce Manager), đồng thời bàn bạc với tôi về phương hướng sắp xếp, tổ chức lại Novartis miền Bắc. Sau khi cùng Puginier viếng thăm các đối tác, và làm việc với Puginier về vấn đề nhân sự ở văn phòng suốt ngày Thứ Sáu và sáng Thứ Bảy, tôi yên trí sẽ được thư giãn vào weekend, và đã hẹn hò với bạn. Đến ba giờ chiều Thứ Bảy, bỗng nhiên Puginier gọi điện, yêu cầu tôi có mặt ở khách sạn Metropol Sofitel đúng lúc năm giờ ngày chiều hôm đó. Khi tôi hỏi lý do, Puginier chỉ đáp ngắn gọn: “Chúng ta sẽ tiếp khách quý”.
Khách quý chiều hôm đó là giáo sư Tôn Thất Bách (con trai của cố bác học Tôn Thất Tùng), Hiệu trưởng Đại học Y khoa Hà nội, và giáo sư Tiến sĩ Đỗ Kim Sơn, giám đốc bệnh viện Việt Đức. Giáo sư Tôn thất Bách là một nhân vật có danh vọng lớn cuả ngành y, là người Việt Nam đương thời duy nhất được bầu làm viện sĩ viện Hàn lâm phẫu thuật Paris. Ngoài ra, ông cũng đang là đại biểu Quốc hội. Bên phiá Novartis, còn có thêm Bousquet, nguyên sếp Sandoz, cựu địch thủ cuả Puginier.
Chỉ đến khi đích thân Puginier đứng ra sắp xếp chỗ ngồi, tôi mới hiểu rõ ý đồ cuả ông ta: Puginier ngồi ở đầu bàn, kế đó là hai vị khách quý ngồi ở hai bên. Ngồi kế tiếp hai vị khách quý, một bên là Bousquet, một bên là tôi. Bằng cách sắp xếp như vậy, Puginier muốn dằn mặt Bousquet, kẻ đã từng “dám” tranh giành chức Tổng giám đốc Novartis Pharma VN với Puginier. Thông điệp khá rõ ràng: “Bousquet ơi, trước đây anh là một địch thủ đáng gờm của tôi, song từ nay, vị trí cuả anh trong công ty là do tôi quyết định, trước mắt, anh chỉ ngang hàng Mr. Công thôi đấy”. Một kiểu diệu võ dương oai của một con người hiếu thắng, có vẻ trẻ con và hơi buồn cười. Dù sao, năm đó Puginier chỉ mới 35 tuổi.
Bữa ăn, tuy có những gượng gạo ban đầu - tôi cảm nhận như thế - song rồi cũng trở nên thân mật, nhờ Bousquet nói được tiếng Việt, đồng thời cũng tỏ ra hết sức khôn ngoan và lịch lãm.
Giáo sư Sơn điềm đạm và sâu sắc. Còn giáo sư Tôn Thất Bách thì trẻ trung và vui nhộn. Trên bàn ăn của nhà hàng có để một chiếc bảng nhỏ bằng thủy tinh, trên đó ghi mấy chữ: NO SMOKING. Giáo sư Tôn Thất Bách thản nhiên lật úp tấm bảng rồi rút thuốc lá châm hút. Tôi nhìn ông và cười:
-“Những người nghiện thuốc lá, chắc chắn sẽ rất phấn khởi, khi thấy một vị giáo sư y khoa danh tiếng lẫy lừng như giáo sư, lại rất coi thường những lời khuyên từ bỏ thuốc lá “
Ông cũng cười và nhún vai:
-“Nói thật với anh, nếu như bỏ thuốc lá, mà được trường sinh bất tử, không chết nữa, thì tôi sẽ dứt khoát bỏ ngay. Chứ còn bỏ thuốc để được sống thêm hay bớt mấy năm, thì thực tình cũng đâu có quan trọng gì”.
Sau này, khi nghe tin giáo sư Tôn Thất Bách đột ngột từ trần, bên cạnh niềm thương tiếc một nhân tài đã ra đi quá sớm ở tuổi 58, tôi còn băn khoăn tự hỏi, phải chăng thuốc lá đã đóng một vai trò nhất định trong cái chết đột ngột cuả ông?
* * *
Đúng như tôi tiên liệu, chỉ một năm sau, Pugnier lại có cơ hội thăng tiến. Ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Xuất nhập khẩu của Novartis Pháp, và được về làm việc ở Paris. Đang là Tổng giám đốc Novartis VN với doanh số hàng năm chỉ ở hàng chục triệu USD, bỗng nhiện lại được về Paris làm Tổng giám đốc một đơn vị có doanh số hàng tỷ USD mỗi năm, Puginier giống như một tay áo gấm về làng. Chỉ sau ba tháng ở cương vị mới, ông gửi cho tôi một bức thư có nội dung như sau:
Dr. E. Puginier, General Director, Import-Export Novartis SA, France
To: Mr. Le Van Cong, Regional FF Manager,Novartis Vietnam.
“Dear Mr. Cong,
We are very glad to inform you that you are invited to attend the Annual Reunion Export meeting in Paris (France) from Dec 17 to Dec.22 1997.
All the expenses of this trip, including air ticket, accommodation, taxi, and metro will be paid by:
NOVARTIS Pharma S.A
2&4, rue Lionel Terray cedex
PB 308
F- 02506 Reuil Malmaison cedex
Te : 0033-1-55476231
Fax:0033-1-55476566
With best regards,
Dr. Emmanuel Puginier.
Lê Văn Công
(Trích trong “Sắc Màu thời gian”).
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click tại đây
Xem trang QN: Đất nước, con người, click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com