Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
XÃ HỘI VÀ CÔNG LÝ
XUÂN THỚI

 

Nếu một người nước ngoài đến thăm Việt Nam, hay bất kỳ ai đó tìm hiểu về công lý xã hội đất nước nầy, mà chỉ qua tài liệu pháp lý thôi, nghĩa là không qua thực tế, chắc chắn họ sẽ nghĩ rằng một dân tôc đang hưởng sự công bằng xã hội vào bậc nhất thế giới. Vì, bất cứ một đơn vị hành chánh cơ sở nào dù lớn dù nhỏ, ở bất cứ đâu trong đất nước cũng đều có cán bộ tư pháp đầy đủ. Cùng với cán bộ tư pháp xã phường, cấp quận huyện vùng sâu hay vùng xa đến mấy cũng đều có tòa án Nhân dân với quyền hạn xét xử rộng rãi và bao quát.

 

Một bài viết ngắn trên mang xã hội gần đây, điểm lại lịch sử pháp lý dân tộc qua mọi thời kỳ. Từ các vua Hùng đến nhà Lê (Lê Sơ) 1428 - 1527 với Bộ Luật “Quốc triều hình luật” hay thường gọi “Bộ luật Hồng Đức”, và sau đó. Kết luận, không một giai đoạn nào luật pháp được đầy đủ như hiện nay.

 

Thế nhưng, việc áp dụng luật đã xây dựng đó, gần như đi ngược lai tinh thần nó mang. Mặc dù, việc chỉnh sửa cũng diễn tiến thường xuyên, nhưng như chỉ chỉnh sửa luật mà không chỉnh sửa được việc áp dụng luật cho đạt hiệu quả công lý. Rồi, chuyện không phải do lâu ngày thành “lờn”, mà ngay từ khi ban hành, luật đã bị tùy tiện áp dụng rất phổ biến. Bằng chứng là từ thập niên 90 thế kỷ XX, thời kỳ luật được ban hành và chỉnh sửa nhiều nhất, đã có những nhận xét rất trung thực nhưng không kém phần chua xót của một số vị có chức có quyền, hoạt động lâu năm ngay trong ngành nầy.

 

Xin được ghi nhận như sau:    

 

- Cố Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương 1938 - 2008, người khi qua đời được báo chí bình chọn “Người đạo đức nhất nước”. Sinh tiền, có lần ông phát biểu ngay trong Quốc hội: “LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM XỬ SAO CŨNG ĐƯỢC”. Nghĩa là tùy ý của mỗi Thẩm phán. Đó cũng là lý do dẫn đến không biết bao nhiêu vụ án phải xử đi xử lại nhiều lần để xã hội có câu: “Sáng đúng, chiều sai, mai lại sửa”. Đã vậy, nhiều vụ cũng không đi đến cuối cùng, dở dang bỏ mặc cho hai bên đương sự. Điều đáng nói chỗ nầy là, tuy vậy, để đạt đến như thế, cả hai bên đều tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức và cả tiền bạc. Có những vụ đến nay đã hơn 20, 30 năm vẫn chưa xong (bà Phạm Thị Minh - Quảng Ngãi, bà Trần Thị Chiu – Hà Nội… Và còn nhiều nữa trên cả nước).

 

- Một đại biểu Quốc hội bốn khóa khác - bà Ngô Bá Thành 1931-2004 (các khóa 6, 7, 8 & 10), một nữ luật gia gần như người Quốc tế, vì bà đã bảo vệ thành công và xuất sắc hai luận án Tiến sĩ Luật, một tại Đại học Paris – Pháp và một tại Đại học Barcelona – Tây Ban Nha. Được Đại học Paris mời giảng dạy và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mời làm trong ban Luật Quốc tế của tổ chức. Nhưng bà đều từ chối những vinh dự nầy để về phục vụ dân tộc. Cuối cùng, bà có một nhận định không lấy gì làm hay ho. Đó là: “Ở VIỆT NAM TA ĐÃ CÓ CẢ MỘT RỪNG LUẬT, NHƯNG KHI XÉT XỬ LẠI DÙNG LUẬT RỪNG”  .

 

- Từ những việc xét xử tùy tiện đó, không biết bao nhiêu vụ khiếu nại kéo dài lên đến trung ương, gọi là đi xin Giám Đốc thẩm, sau đó có vụ được kháng nghị, có vụ không. Và, cũng không biết bao nhiêu vụ oan sai gây thiệt hại to lớn cho một số người; có người đến khánh tận, hoặc từ trắng chuyển thành đen. Bức xúc trước tình cảnh nầy, Luật gia nhà báo Nguyễn Đăng Bình, báo PHÁP LUẬT VIỆT NAM - cơ quan của Bộ Tư pháp - thực hiện một số phóng sự điều tra, được Quốc hội lúc bấy giờ quan tâm thảo luận trong hội trường. Năm 2007, nhà xuất bản Công an Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tập hợp thành sách, phát hành dưới nhan đề “GIẢI MÃ GIÁM ĐỐC THẨM” trong lời giới thiệu, kết luận: “NGƯỜI DÂN ĐI XIN GIÁM ĐỐC THẨM NHƯ MÒ KIM ĐÁY BIỂN”

 

- Gần đây nhất, trong vụ đất đai Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Khách mời “Bàn tròn thứ năm BBC Việt Ngữ”, Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển - nêu quan điểm đại ý: “Các bên đều yêu cầu thi hành đúng luật. Nhưng liệu luật đã là công lý chưa”.

 

Để đầy đủ hơn, sau đây xin nêu những trường hợp hãn hữu đã xảy ra nhiều nơi trong nước, từng có nhiều người biết, và báo đài đăng tải:

 

Bộ Luật Dân sự, Tố tụng dân sự, và Luật Đất đai cùng với các văn kiện dưới luật hướng dẫn đang có hiệu lưc, qui định rất rõ:

 

Khi một hoặc nhiều người dân có tranh chấp với nhau một việc gì đó, trước tiên phải đến cơ quan chính quyền địa phương để được giải quyết qua hình thức hòa giải do cán bộ tư pháp tìm hiểu sự việc báo cáo để Hội đồng gồm nhiều ban ngành cùng nhau dựa vào luật pháp phân tích trái phải để đôi bên đi đến thỏa thuận hòa hiếu với nhau. Ngay chỗ nầy, đôi khi đã phát sinh tùy tiện rồi, vì nhiều vụ việc luật qui định chỉ chuyển lên cấp cao hơn để giải quyết (Luật Đất Đai) nếu cấp cơ sở giải quyết không đi đến thỏa thuận. Cán bộ tư pháp tham mưu của địa phương lại hướng chuyển lên Tòa án yêu cầu thụ lý xét xử theo luật sơ thẩm tố tụng. Việc làm nầy chưa hẵn hoàn toàn nhầm lẫn qui định, mà không có chủ ý khác. Vì cán bộ tư pháp cơ sở cũng thường xuyên được Sở tập huấn kiến thức nghiệp vụ. (Hiện đang có đề xuất, tương lai cán bộ cơ sở phải có cấp bằng Đại học).

 

Đến Tòa. Chánh án là những người biết hơn ai hết điều nầy, lý ra trả hồ sơ và hướng dẫn cách xử lý cho địa phương, lại tiếp tục tiến hành, Thẩm phán được phân công cũng có quyền từ chối hoặc trả hồ sơ. Đó là một trong số điều của luật Đất đai qui định xử lý tranh chấp. Trường hợp nầy, Thẩm phán cứ mặc nhiên thụ lý; chỗ nầy lấy gì đẩm bảo xuyên suốt việc làm là vô tư, trong sáng, nếu không muốn nói có thể có thông đồng.

 

Một số những trường hợp khác. Tòa án thụ lý gần như tùy thích chứ không còn là tùy tiện. Chẳng hạn luật qui định người ký tên khởi kiện phải là nguyên đơn, nhưng nhiều khi chỉ là người đại diện vẫn được thụ lý và mở phiên xét xử một cách bình thường. Cũng có lúc không chấp nhận.

 

Xét xử:

 

Luật qui định rõ. Trước khi đưa vụ việc ra xét xử công khai. Thẩm phán phải nghiên cứu hồ sơ do các bên tranh chấp cung cấp, tiếp theo tiến hành tổ chức hòa giải đôi bên tại tòa ít nhất ba lần. Nếu hòa giải không đi đến kết quả, thẩm phán phải tiến hành điều tra và buộc các bên bổ túc hồ sơ chứng từ nếu xét thấy cần thiết để phục vụ việc nghiên cứu cho được đầy đủ và khách quan. Cuối cùng, đối chiếu với quy định của luật để làm thành hướng xét xử. Nhưng, gần như đa phần những phiên tòa đều không được thẩm phán điều tra thấu đáo. Tuy vậy, kết luận của thẩm phán chủ tọa phiên tòa thể hiện ở phần XÉT THẤY trong bản án luôn rập khuôn câu: “Sau khi điều tra, nghiên cứu hồ sơ và xét hỏi tại tòa…”. Bấy nhiêu đủ để nhận thấy một việc làm chẳng những tắc trách mà còn sai qui định luật pháp. Đó là chưa nói đến vận dụng sai xa luật định để tùy tiện. Đến đây, một lần nữa, lấy gì quả quyết không có hậu ý.

 

Một khi án sơ thẩm tuyên thiếu trung thực, gây oan sai rồi. Bên thiệt hại buộc phải kháng cáo lên tòa trên để mong tìm công lý qua Phúc thẩm.

 

Phiên phúc thẩm, cũng được luật qui định rất rõ tại điều 263 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2016. Chỉ xem xét lại những điểm trong án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị hoặc có những tình tiết mới do điều tra phát hiện hay các bên cung cấp thêm mà thôi. Đó là những phiên tòa trung thực. Ngược lại, thường thẩm phán lại trở lại ngay từ đầu “như một phiên sơ thẩm thứ hai” (chữ Luật gia Nguyễn Đăng Bình). Để rồi, nếu không y án sơ thẩm thì áp dụng luật càng khó hiểu và càng sai xa hơn nữa so với án sơ thẩm. 

 

Đến đây, xem như việc xét xử tranh chấp một vụ Dân sự đã xong, thụ lý đúng luật hay không đúng luật, xét xử trung thực hay không trung thực của các phiên tòa đã rõ.  Và, không thể không nghĩ đến có khuất tất và liên tục cố tình từ dưới lên, khi mà cụm từ “bôi trơn” hiện nay hầu như thông dụng ở nhiều lãnh vực.

 

Luật qui định “Án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thi hành ngay sau khi tuyên”. Cũng là một lá chắn an toàn cho những vụ xét xử tùy tiện. Việc đã rồi! Chủ tọa các phiên tòa phủi tay trách nhiệm, hả hê thỏa mãn với việc làm.

 

Còn một thực tế khác không kém mâu thuẩn, đó là. Một khi thẩm phán được phân công thụ lý xét xử một vụ tranh chấp, ngoài việc chịu trách nhiệm với luật pháp và trước pháp luật, còn phải chịu trách nhiệm với Chánh án tòa án. Có việc nầy mới có qui định “báo cáo án”. Nghĩa là sau khi hoàn tất hồ sơ, và trước khi mở phiên tòa xét xử, thẩm phán phải báo cáo án cho chánh án hay còn gọi lãnh đạo tòa. Ở đây, tất nhiên có thể đặt những nghi vấn. Tại sao phải báo cáo? Báo cáo nếu không được lãnh đạo thống nhất, việc tiếp theo sẽ là gì? Và như thế quyền quyết định của thẩm phán có bị hạn chế hay không?

 

Ngoài ra, không rõ có qui định nào khác không, nhưng có rất nhiều phiên tòa dân sự, thẩm phán chủ tọa xem như kiêm nhiệm Kiểm sát viên giữ luôn phần công tố, thậm chí có khi tranh luận hẵn với luật sư, có khi không. Nhưng cuối cùng cho dù luận cứ của luật sư đối với vụ việc có thuyết phục đến mấy, án vẫn tuyên theo chủ quan của chủ tọa (cũng là của chánh án?!). Vì vậy, gần như không mấy phiên tòa xét xử mà phần thắng thuộc về luận cứ đúng đắn của Luật sư.

 

Một mâu thuẩn rất dễ nhận biết nữa trong luật, và đã có nhiều ý kiến phản biện, kể cả một số kiểm sát viên có nghiệp vụ công tác tại Vụ 5 Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao cũng đồng tình. Và, mặc dù có rất nhiều lần sửa luật, nhưng điều đó vẫn tồn tại. Đó là :

 

Luật Tố Tụng Dân sự Việt Nam, phần phiên Phúc thẩm qui định “Án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thi hành ngay”. Đến phần kháng nghị, trước, qui định “thời hạn kháng nghị là ba năm”, gần đây gia thêm thành “năm năm” nếu xét thấy tình tiết có những dấu hiệu thực sự oan sai. Trong khi đó, cả nước có đến gần một trăm tòa án xét xử phúc thẩm, nhưng chức năng kháng nghị bản án hay quyết định chỉ có hai người: Chánh án Tòa  án ND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Đến bao giờ đơn khiếu nại được xem xét để có kháng nghị? Án thi hành xong, kháng nghị người bị oan sai còn được gì? Có trở thành mất ổn đinh tiếp trong xã hội hay không? 

 

Nhận định để đi đến giới thiệu sách của nhà xuất bản Công an Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh như kể trên là có căn cứ. Tuy vậy, cũng có những trường hợp may mắn được Tòa hay Viện kháng nghị, mở phiên Giám Đốc Thẩm quyết định hủy án. Nhưng cái giá phải trả cho may mắn hiếm hoi nầy không phải rẻ.

 

Đã không ít lần gặp trên thành phố Thủ đô sang trọng Hà Nội những nông dân từ nhiều nơi trong cả nước, trong đó có từ Cà Mau, Bạc Liêu, vùng đất tận cùng của tổ quốc, vượt hơn hai ngàn cây số ra trung ương lê đôi chân đất đến cơ quan nầy, cơ quan khác gởi đơn khiếu nại, vì quá oan ức. Ngày ăn cơm bụi, tối ngủ ghế đá công viên; tháng nắng còn có giấc ngủ, ngày mưa có hôm co ro trong tấm nylon suốt đêm chờ sáng. Rồi đến một ngày, số tiền ít ỏi mang theo chi dụng cũng cạn kiệt, từ một nông dân sống bằng ruộng vườn, đến nay phải lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm lượm từng cái túi nylon, mảnh sắt vụn, chiếc vỏ chai bán lấy tiền ăn qua ngày, sống thoi thóp đợi chờ. Đã vậy, hằng ngày còn phải cố nhín lại một phần tiền để cuối tuần sao chụp hồ sơ cho đủ để đầu tuần sau nộp khiếu nại tiếp. Có khi không kịp tiền mười ngày hoặc hai tuần cũng phải thực hiện cho được một lầm. Trong mỗi lần gởi đơn như thế, cán bộ ưu ái cho một mảnh giấy ghi đơn sơ “đã nhận đơn”, thế là xong.

 

Bữa cơm lần lượt chỉ còn là vài ngàn đồng cơm trắng, sau đó, xin hàng quán chút mắm trong, qua bữa là xong. Đến khi dịp may đến, có tin bản án hay quyết định đươc kháng nghị, chưa biết rồi sẽ ra sao nhưng lòng mừng như người thân chết đi sống lại.

 

Một sự thật vô cùng chua xót. 

 

Hầu hết kháng nghị Giám đốc thẩm tòa trên đều phân tích cái sai của tòa dưới, đồng thời nêu những điều phù hợp trong luật như một chỉ dẫn, kèm theo quyết định hoặc hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, hoặc chỉ hủy án phúc thẩm trả hồ sơ về xét xử lại.

 

Phân tích chỉ ra chỗ sai trong bản án để quyết định hủy, hoặc sửa; cũng là xác định được việc làm sai của thẩm phán và sự thiệt hại của người dân. Nhưng thẩm phán gây oan sai không bị một lời khiển trách nào nói chi đến kỷ luật, còn tòa án thì được vô tư mở phiên xét xử lại. Người dân bị oan sai, bị thiệt hại ngửa cổ chịu đựng và đợi chờ; xem như bấy nhiêu cũng là một ân huệ có được công lý.

 

Cũng trong sách “Giải Mã Giám Đốc Thẩm”, tại thời điểm đó, trong cả nước đã có đến mười ngàn bản án của các tòa dưới bị hủy hoặc sửa nhưng chỉ bốn thẩm phán không được bổ nhiệm lại mà thôi; mà không được bổ nhiệm năm nầy thì năm sau lại được. Họ mất gì, người bị oan sai được gì!

 

Về đến tòa xét xử tranh chấp ban đầu, sau một thời gian dài hồ sơ vụ án được cất kỹ trong ngăn tủ,  Chánh tòa Dân sự phân công một thẩm phán khác thụ lý. Nguyên tắc, để có nghiêm minh, không dùng lại người cũ, và có chăng cũng là để người cũ xem như không còn liên đời gì!

 

Tiếp tục chờ trong hy vọng chen lẫn âu lo. Kết quả, thẩm phán mới, Hội đồng xét xử mới chẳng những không quan tâm lý luận trong kháng nghị của tòa trên, cũng không xử theo cái sai cũ, mà tìm một lý luận nào đó khó hiểu hơn, xa luật hơn, đôi khi còn đòi hỏi phải cung cấp những chứng từ vô lý hơn (không chấp nhận kết quả giám định chữ viết, chữ ký của phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh trước đó, mà buộc phải là của cấp Bộ. Người bị oan phải cố, đến khi kết quả hai giám định không khác nhau. Tòa im lặng). Còn có khi thẩm phán mới không ngần ngại vu khống hoặc sửa chứng từ để tuyên bản án tưởng như trung thực nhưng lại tùy tiện hơn nữa.

 

Lại kháng cáo, lại chịu án phí để có một bản án phúc thẩm hoặc y án sơ thẩm hoặc như một bản án “sơ thẩm lần hai”!

 

Đôi bàn chân vàng vọt màu phèn Cửu Long lại tiếp tục trần trụi lê trên đường phố Hà Nội, chuyển nghề nhặt rác để sống, để đi tìm công lý. Có trường hợp không muốn ở lại quê hương (mà có muốn cũng không được) vì nhà cửa đã bị cưỡng chế đập phá để giao đất cho người thắng kiện theo tinh thần “án phúc thầm có hiệu lực pháp luật thi hành ngay…” từ lần trước.

 

Có người vì quá oan và ức. Tuy biết đi kêu cứu đôi khi chỉ là công dã tràng nhưng vẫn tiếp tục để tìm may mắn trước khi tìm thấy công lý. Rồi nếu cái may mắn hiếm hoi một lần nữa có được; lại như lặp lại một chu kỳ: Phân tích, Hướng dẫn, Hủy và trả hồ sơ. Lần nầy, Tòa dưới không ngần ngại tiếp tục “ngâm”, hoặc chuyển tòa phúc thẩm trước xử Sơ thẩm và tòa khu vực thụ lý Phúc thẩm.

 

Vòng vo như thế, làm sao ngăn được xã hội nghi ngờ có bao che dung dưỡng hay nôm na là có “đường dây chạy án”. Ngày xưa có câu “thắng kiện nhưng thua buồn” vì đến khi thắng kiện cái giá phải trả bằng công và của không phải nhỏ. Ngày nay đã không được thắng nhưng lại phải tốn nhiều hơn.

 

Cái nhập nhằng nầy là cơ hội vàng cho những tâm địa tham lam vòi vĩnh, mà tránh né gọi là hành động tiêu cực.

 

Chiều ngày 12/5/2015, tại hội trường phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, đại biểu QH Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng viện KSND tối cao nói với cử tri như có ý phân trần: “có ngày viện nhận đến cả trăm đơn khiếu nại”. Nhưng rồi hết giờ tiếp xúc, cử tri không còn thời gian để hỏi câu mà sau đó râm ran với nhau: “… nhưng tất cả 100 đơn ấy  có hoàn toàn do lỗi của gười dân hay không?”

 

Đó là những sự thật của ngành Tư pháp. Còn về bên Hành pháp, cũng có đầy đủ Nghị quyết, Nghị định, Thông tư và cả Qui trình. Nhưng cũng không ít những vụ kêu cứu đến nay gần BỐN MƯƠI năm chưa giải quyết xong. Điển hình vụ mà có lần Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) làm phóng sự phát trên sóng kê rõ trọng lượng giấy viết đơn có khi lên đến ngót BA MƯƠI ký lô (Vụ chị em bà Nguyễn Thị Quýt và Nguyễn Tợ - Quảng Ngãi). Đến nay cả hai chị em đã chết. Không hiểu rồi sẽ thế nào?!

 

Sự thật xã hội & công lý là như thế, nhưng cũng còn một sự thật khác nữa. Đó là lý nào Đảng, Quốc Hội và Chính phủ không biết đến, vì chưa hề nghe một vị nào lên tiếng thẳng thắn với nhân dân. Nếu có, cũng chỉ đến như những lời của Ngài Viện trưởng kể trên mà thôi! Và, phát biểu như thế, cứ tri cũng không rõ ý ông định đề cập đến việc gì. Có hay không ông than vãn Viện phải làm việc quá nhiều, và ngầm trách người dân cứ đeo bám khiếu nại mãi.

 

Không biết trên thế giới có bao nhiêu nước hệ thống tư pháp như thế nầy!

 

Rồi, cả trăm lá đơn khiếu nại như thế, tất có thể cũng phải có những bản án, những quyết định tùy tiện, gây oan sai. Nhưng tất cả cũng đều mở đầù bằng mệnh đề “Nhân danh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam…”. Chỗ nầy cũng đáng quan tâm chứ!

 

Công lý không chỉ đem lại ổn định cho xã hội, hạnh phúc cho toàn dân, mà còn là uy tín và danh dự của đất nước. Nhất là trong giai đoạn hội nhập nầy. 

 

Xuân Thới

5/2017

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh