Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
VẤN ĐỀ "BIÊN CHẾ" VÀ "HỢP ĐỒNG"
XUÂN THỚI

 

Mấy ngày qua, từ trong Quốc hội ra đến nhân dân, nóng lên với chủ trương sắp đến Nhà nước sẽ hủy bỏ “biên chế” để thay thế bằng “hợp đồng” phục vụ đối với công chức, cán bộ. Khởi đầu là ngành giáo dục và y tế. 

 

Nếu nghĩ không lầm thì nguyên nhân dẫn đến thay đổi nầy là Nhà nước đã nhìn nhận phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề chi ngân sách. Bà phát biểu cách nay chưa lâu, biên chế là gánh năng cho ngân sách Quốc gia đối với cán bộ, công chức cho đến sau khi họ không còn phục vụ nữa, hay nói rõ hơn cho đến khi họ chết. Các nước tiên tiến đã nghĩ ra chế độ hợp đồng để thay thế (nhưng cũng rất khoa học và chi li). Người công chức, cán bộ hợp đồng khi công tác đã có các khoảng bảo hiểm xem như có quỹ dự trữ cho mình khi không còn đi làm được nữa, nghĩa là thay cho lương hưu ở thể thức biên chế. Nhận định của bà đúng, nhưng không phải hoàn toàn thích hợp đối với mọi ngành nghề trong xã hội, nhất là ngành giáo dục và y tế, hai ngành phục vụ là chủ yếu, mà không phai kinh doanh. Mặt khác, bà chỉ là chuyên gia kinh tế tài chính, không phải chuyên gia tổ chức hay định chế xã hội. 

 

Một thực tế dễ nhận thấy nhất là, với giáo viên có cái hợp đồng ba tháng nghỉ hè vẫn được hưởng lương hay không? Nếu không, tất họ sẽ không có bảo hiểm, nghĩa là mỗi năm họ sẽ bị ba tháng không có tiền tích lũy. Nhưng đó chỉ là cái thiệt thòi cho cá nhân giáo viên mà thôi, cái tai hại cho xã hội còn to lớn nhiều hơn nữa. Đầu tiên, trong trường hợp nầy, người giáo viên phải tìm một việc gì đó, vừa làm vừa dạy để có thu nhập bù vào khoảng thiếu hụt ba tháng tích lũy như kể trên; khi đó, tất nhiên sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Nguy hiểm nhất là giảm hứng thú trong sáng tạo (có thực mới vực được đạo). Rồi, đời sống trở nên thiếu quân bình, sẽ sinh ra vô vàn những việc không lường trước được, mà thời bao cấp đã chứng kiến.

 

Cùng với sự không hoàn toàn đồng thuận từ nhiều Đại biểu Quốc hội đến cử tri như hiện tại, làm sao tâm lý không phát sinh định kiến hoài nghi bị xem nhẹ thiên chức, lúc đó có thể không tránh khỏi day dứt sẽ thể hiện ra thái độ, mà thái độ của giáo viên đứng lớp, không khác một giáo án vô hình nhưng luôn ảnh hưởng vào tâm lý học sinh. Đó là việc thường tình (học trò mang dấu ấn thầy cô).

 

Cái hệ thống giáo dục mà ngày nay có đôi người cho rằng cổ lỗ sĩ, lạc hậu, nhưng đã từng đào tạo cho dân tộc những nhân tài, làm nên kỹ cương phép nước, giữ được giang sơn bờ cõi. Hệ thống đó vẫn xác định nhà giáo là những “nhà mô phạm”, và đặt để địa vị người thầy chỉ sau nhà lãnh đạo đất nước và trước cả bậc sinh thành ( như quan niệm của người Tàu: Quân, Sư, Phụ). Xem đó như một triết lý vì có “tôn sư trọng đạo” mới có văn hóa, kỉ cương và nhân cách. 

 

Ngành giáo dục đi xuống, xã hội tụt hậu.

 

Cái yêu cầu cần thiết nhất trong mọi thời đại để phát triển, là một nền giáo dục đúng đắn, vận dụng được hết năng lực của người dạy cũng như kích thích tối đa người học. Mà, muốn được như thế không gì bằng, trước tiên, phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dạy, tức ông thầy, là giáo viên. Giáo viên không bận tâm đời sống, không phải lo toan bất cứ việc gì; toàn tâm toàn ý sáng tạo trong dạy dỗ. Học sinh dù có chán nản cũng trở lại ham học, phụ huynh gặp khó khăn cũng có hứng thú tiếp sức cho con em.

 

Nhân tài dân tộc sẽ từ đó sinh ra.

 

Nếu quả Nhà nước thấy nhận định của chuyên gia là đúng, ít nhất cũng phải nghiên cứu thật thấu đáo ở mọi phạm trù, và nói như ngôn từ hôm nay cũng cần phải có lộ trình nữa. Nếu chưa có chuẩn bị mà làm gấp gáp sẽ không tránh khỏi nguyên lý cổ xưa “dục tốc bất đạt”. Cái bất đạt trong trường hợp nầy tai hại khôn lường.

 

Việc vội vã hôm nay, phải chăng, cùng lúc với nhận định của chuyên gia là mới đây, Bộ Tài chính xác định thời điểm nợ công chạm trần không còn xa, khiến quý ngài giật mình, lo toáng lên. Thật ra, người dân thừa biết nợ công đã vượt trần lâu rồi chứ không phải không còn xa. Vì, nợ xấu đến như thế, nợ khó đòi đến như thế, thua lỗ đến như thế và thất thoát đến như thế, tất cả là “tiền ở đâu?”. Dù cho là tiền nào cũng của Nhà nước, nên nợ nào cũng là nợ của Nhà nước. Thiết nghĩ nếu Nhà nước công khai nợ nước ngoài, thì chắc nợ còn kinh khủng hơn nữa, vì chi tiêu phung phí như thế, xây dựng nhiều công trình chưa cần thiết như thế thì tiền lấy từ đâu ra, vay thì ai vay, nợ ai gánh?

 

Cũng xin được phản ảnh ra đây một nghi vấn đang hình thành ngoài xã hội, đó là, việc ngành giáo dục tình nguyện thực hiện thay biên chế trước tiên, có hay không ngài Bộ trưởng đương chức muốn nhân chủ trương nầy, làm một việc để tạo dấu ấn cho mình như các vị tiền nhiệm với những lần cải cách, sửa đổi, thay đổi trong suốt hơn bốn mươi năm qua.

 

Một việc nữa, Ngài Bộ trưởng là một trí thức, đang giữ trọng trách cả dân tộc đặt niềm tin sẽ đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai thành những nhân tố làm cho đất nước cường thịnh. Với thay đổi nầy, ông có quả quyết ở mọi mặt, sẽ đem lại kết quả mỹ mãn không, và có tiên liệu những “bất cập” nếu có, cũng như cách hóa giải, trong đó có việc “tiêu cực”, cửa quyền, mà dư luận xã hội nhận định nó luôn rình rập chờ tình huống chớp lây cơ hội; đó là lợi dụng kẻ hở của luật pháp và thiếu chặt chẻ trong chủ trương để tư lợi.  

 

Chuyện tinh giảm biên chế và thay thế bằng hợp đồng để tiết kiệm và bảo tồn ngân sách là đúng (tùy gia phong kiệm) nhưng với giáo dục cần phải xem lại, vì đây là một bộ phận vô cùng hệ trọng đối với tương lai của một dân tộc. Một bộ phận có đặc thù.

 

Một dân tộc không có tri thức sẽ không có văn minh, tiến bộ.

 

Còn nhớ, cách đây hơn hai mươi năm, khoảng những năm 1995 – 97 của thế kỷ XX, một tạp chí nước ngoài làm so sánh việc đầu tư giữa giáo dục và quốc phòng qua tỷ lệ chi phí từ tổng sản lượng quốc gia của bốn nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới để góp phần đánh giá sự thành công của họ. Theo đó, cao nhất là Nhật Bản: 57% cho giáo dục, 1,1% cho quốc phòng, sau đó tăng lên 1,7% (nói thêm, thời kỳ Nhật chưa sửa Hiến pháp võ trang trở lại như hiện nay); tiếp đến là Anh quốc: 42% cho giáo dục, 7% cho quốc phòng; rồi tới Pháp: 40% cho giáo dục, 11% cho quốc phòng; và Hoa Kỳ: 45% cho giáo dục, 17% cho quốc phòng. Trong khi đó, Việt Nam dù đã hết chiến tranh nhưng đầu tư cho quốc phòng lên đến 70%, giáo dục với một con số đã thấp, còn xem như không ổn định.

 

Một điều đáng suy nghĩ nữa là, luôn luôn kết luận bộ máy hành chính rất cồng kềnh, cần phải tinh giảm.  Thậm chí gần đây có vị chua chát kết luận cán bộ đến cơ quan làm việc chỉ một nửa nhân lực, nửa còn lại ngồi “bói chữ” là chủ yếu. Thành phần nầy đáng cho nghỉ luôn mà không cần phải nói đến giảm biên chế, hợp đồng. Chương trình VTV1 từng phát thông tin có xã chỉ 9.000 dân có đến 500 cán bộ!

 

Cũng vậy, đất nước nay không còn chiến tranh, luôn tự hào được du khách Quốc tế đánh giá một trong rất ít những điểm đến an toàn nhất hành tinh, nhưng lại giữ một quân đội vào hàng đông nhất. Đã thế, bên cạnh quân đội, còn có Công an sắc phục, không sắc phục. Cảnh sát sắc phục, không sắc phục, và Cảnh sát cơ động cũng không phải ít. Đó là chưa kể đến các đội Dân quân, Dân phòng cho từng địa phương cũng hùng hậu không kém; thành phần nầy đâu phải làm không công cho Nhà nước, tất cả đều có lương, mức lương hướng tối thiểu như công nhật mỗi ngày phải được 100.000 đồng để bảo đảm đời sống. Tiền lương chi từ đâu, không từ ngân sách là gì?!

 

Tóm lại, như vậy, thành phần nào là đáng xem xét tinh giảm, thay đổi hơn thành phần nào để an toàn ngân sách, ổn định đà phát triển? Cần phải xét kỹ.

 

Xuân Thới

6/2017.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh