Đề tài liên hệ:
- XUÂN MIỀN NAM (Văn Phụng)
- XUÂN VÀ NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA TRONG NHẠC VIỆT (Lê Hoàng Thanh)
Cuối năm 1975. Tôi còn lưu lạc mãi tận đảo Phú Quốc. Một mình lên núi kiếm củi đốt than qua ngày. Tết sắp đến, đời sống tuy cùng cực nhưng tuổi còn rất trẻ nên cũng thấy háo hức. Trong những người bạn của tôi bấy giờ có một anh bộ đội tên Hải, khoảng 20 tuổi, ở Bắc vào. Hải hiền lành, nghệ sĩ tính, và rất ghét chính trị. Bộ đội lúc bấy giờ còn được gọi là Đạp – Đồng – Đài. Gọi như thế là vì anh nào cũng cố gắng trang bị cho mình một xe đạp, cái đồng hồ đeo tay và cái đài (radio). Hải nghèo lắm, đạp không mà đồng đài cũng không.
Chiều 30 Tết, Hải đến nhà chơi, cho tôi phong kẹo lạc và gói thuốc lá làm quà Tết. Tôi sống trong căn nhà tự dựng lấy bằng cây và lá rừng, quạnh quẽ, nên có bạn đến chơi là mừng lắm. Ngồi nghe tôi chơi đàn một lúc, Hải nói: “Nghe anh chơi đàn sướng thật. Gớm, sáng nay nghe mấy ông chính trị viên nói suốt hai tiếng đồng hồ, ngồi cứ ê cả đít. Quanh đi quẩn lại, đất nước ta giàu đẹp, nhân dân ta anh hùng… Anh có thuộc nhạc vàng không? Hát đi, cho tôi nghe tí!”
Tôi hơi sợ: “Hát nhạc đồi trụy, chúng nó nghe được có mà chết!”
Hải trấn an: “Thì mình hát khe khẽ trong nhà thôi, đứa nào nghe được chứ!”
Tôi hát dở nên chẳng mấy khi hát cho ai nghe. Nhìn ra con đường trước nhà thấy vắng người, tôi moi rương lấy cái cát-sét chạy pin với mấy cuộn băng cũ ra (chúng là tài sản lớn nhất của tôi), chọn cuộn băng Chúc Xuân. Chiếc cát-sét già lão chạy xồng xộc một lúc, rồi tiếng nhạc dạo, tiếng hát cất lên:
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai vàng nở đầy trên non
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa…
… ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sang
đỏ hây hây những đôi má đào…
Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
mái tranh nghèo không người sửa sang
khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường…”
Nghe đến đó, Hải đờ mặt ra. Bài hát chấm dứt, hắn nói:
“Anh cho tôi nghe lại lần nữa đi.”
Thật lòng, trong hoàn cảnh này, tôi cũng muốn nghe lại lần nữa. Tôi hỏi:
“Anh còn mẹ không?”
Hắn trả lời như khóc:
“Còn anh ạ. Hôm đưa tôi vào Nam, bà cụ khóc quá! Nhà chỉ còn mình tôi.”
Nghe lần nữa, bài hát hết, hắn nói: “Đéo mẹ, bọn Ngụy các anh viết nhạc sao mà hay thế!”
Miệng văng tục, nhưng ánh mắt hắn xa vắng, buồn vời vợi… Quay mặt vào vách, hắn giấu tôi lau nước mắt. Hắn đang nhớ mẹ. Tôi cũng đang nghĩ đến mẹ tôi. Ba năm rồi tôi không gặp mẹ, thời chiến tranh thư từ thưa thớt, gay go. Tết này trong đêm Giao thừa thế nào bà cũng nói trong tiếng thở dài: “Bây giờ không biết thằng Tấn nó ở đâu, sống chết thế nào…” Chắc bà không thể nào ngờ được rằng thằng Tấn con bà nó đang ngồi trong một cái nhà làm bằng cây rừng trên một hòn đảo mãi tận biển khơi. Tôi cũng đứng lên giả vờ xuống bếp lấy nước uống để lau nước mắt.
Tôi và Hải, một thằng là lính Cộng hòa, một thằng là Việt Cộng, hai đứa ở hai chiến tuyến, bắn giết nhau, căm thù nhau; cuộc đời xô đẩy, lắc lư nhốn nháo, chiều cuối năm ngồi bên nhau thân thiết như hai con thú nhỏ lạc mẹ trong đêm cháy rừng. Chúng nó đang khóc! Bốn mươi năm qua, chuyện cũ nhớ lại, lòng còn ngậm ngùi…
Trước 1975, trong những ngày Tết bao giờ bài hát Ly Rượu Mừng cũng được phát trên radio, TV. Nhưng gần nửa thế kỷ rồi không còn nghe thấy bài này trên các phương tiện ấy nữa. Đơn giản là vì bài hát ấy là của địch, tác giả của nó, nhạc sĩ Phạm đình Chương là kẻ thù… Đời sao mà rắc rối! Một bài hát chúc Tết bé tí mà cũng ta với địch! Có người khen bài này là hay, có người chê là dở. Còn tôi, tôi lại thấy nó rất “tội nghiệp”.
Vì sao mà tội nghiệp ư?
Thì hãy nghe lại ca từ nhé:
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi,
mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi,
người thương gia lợi tức,
người công nhân ấm no,
thoát ly đời gian lao nghèo khó…
Bạn hỡi! Vang lên!
Lời ước thiêng liêng,
chúc non sông hoà bình hoà bình,
ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày ấy quê hương yên vui,
đợi anh về trong chén tình đầy vơi…”
Thế đấy, không phải tôi thấy tội nghiệp cho bài ca, nhưng mà tội nghiệp cho cả dân tộc. Chúng ta đã từng không chúc nhau sang năm sẽ thành cường quốc, thành rồng, thành phượng; sang năm sẽ xây biệt thự, sắm xe hơi, mua hột xoàn…; mà chỉ chúc rằng sang năm bán buôn có đồng lời, sang năm sẽ được ăn no, sang năm máu sẽ ngưng chảy, sang năm chồng con sẽ từ mặt trận thoát chết trở về… Sang năm…! Ôi, sang năm với những lời cầu chúc nhau quá đơn sơ và tội nghiệp!
Để thay thế cho bài Ly rượu mừng và một vài bài nhạc xuân khác đã bị loại, thì phải có những bài mới để thay vào, để cho người ta hát vào dịp Tết. Trong những bài mới này có bài Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng. Bài này có người khen hay, cũng có người chê dở, còn tôi lại thấy nó kỳ cục.
Sao lại kỳ cục?
Thế này nhé:
“Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh…”
Giai điệu của câu này đi lên với quãng rộng, xán lạn, rất Tây, nhưng câu tiếp theo: “Ôi đẹp biết (ứ) bao! biết mấy tự (ứ) hào! Sài Gòn ơi ta vẫy tay chào!” thì lại rất Tàu, nhất là những dấu láy (lié) và âm giai (gamme) ngũ cung khiến nó hao hao như cải lương Hồ Quảng. Còn ca từ thì không biết họ “tự hào” vì cái gì? “Sài Gòn ơi ta vẫy tay chào”, là sao? Khó biết được ý tưởng của tác giả. Thật lòng, tôi chẳng có ác cảm gì đối với bài hát này và tác giả của nó, tôi chỉ thấy nó kỳ cục, khó hiểu vậy thôi, với lại kiến thức âm nhạc của tôi chỉ vừa đầy cái lá mít nên không dám lạm bàn. Bạn đọc có thể tìm nghe bài hát này để kiểm chứng những gì tôi nói.
Nhạc Xuân của đất trời thì bắt đầu vào những ngày đầu năm, còn Nhạc Xuân của lòng người thì bắt đầu từ đâu? Hẳn là từ đêm tân hôn, khi mẹ vẫn còn là cô dâu và cha vẫn còn là chú rể, như trong một câu hát:
“Xuân trong tôi, đã khơi trong một đêm vui.
Một đêm, một đêm chiếu chăn phòng the đón cha mẹ về…” [*]
Và những kẻ đang yêu nên hát bài gì khi Tết đến xuân về? Tôi nghĩ, họ nên hát như thế này:
“Xuân muôn năm, có ta xuân còn hỡi xuân
Thì xin, thì xin hãy cho tình nhân sống thêm vài lần…”
Ừ nhỉ! Nếu có kiếp luân hồi, thì xin trời cho chúng mình sống thêm vài kiếp nữa, để yêu nhau.
Nguyễn Quang Tấn
March 12, 2016
[*] Xuân ca, ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy.
Nguồn: Báo Trẻ Online
* * *
Nghe thêm trên trang Nhạc: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net