Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
CON ƠI, HAI CHỮ “NƯỚC NHÀ”!
PHƯƠNG-ĐÌNH

”Con ơi, hai chữ nước nhà” chính là câu cuối của thi-phẩm song thất lục bát trường-thiên mà trên dưới 40 năm liền cho đến đầu năm 1975 - trong giới sĩ-phu, thanh niên yêu nước ở Việt-nam phần đông đều thuộc.

Đó chính là bài thơ HAI CHỮ NƯỚC NHÀ, thác lời ông Nguyễn Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi khi Nguyễn Trãi theo cha đến tận ải Nam-quan. Ông Nguyễn Phi Khanh là rễ Trần Nguyên Đán đậu Bảng-nhãn; đời nhà Hồ ông thi đậu Tiến-sĩ. Khi Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải về Kim-lăng, Nguyễn Trãi theo cha khóc lóc, lên đến tận cửa Nam-quan, không chịu trở lại. Ông Nguyễn Phi Khanh bảo rằng: "Con phải trở về lo trả thù cho cha, rửa hận cho nước, chứ theo khóc lóc mãi mà làm gì?".

Tác-giả bài thơ là Á Nam Trần Tuấn Khải; sinh năm 1894 taị làng Quang-xán, huyện Mỹ-lộc, tỉnh Nam-định, Bắc Việt. Trước năm 1945, những bài hát "Anh Khoá" (Tiễn chân anh Khóa, Mong anh Khóa, Gửi thư cho anh Khóa) đã gần như phổ-cập từ Bắc chí Nam. Ngoài những bài văn, thơ đăng báo ở Hà-nội, Á-Nam đã có 3 tập thơ đã xuất-bản:

- Duyên nợ phù-sinh (2 cuốn, soạn năm 1921,1922)
- Bút quan-hoài (2 cuốn, soạn năm 1926, bị cấm lưu-hành thời thuộc Pháp. Sau ông vào miền Nam và cho tái-bản năm 1957).
- Với sơn-hà (xuất-bản năm 1936).

Khi chàng thanh-niên Trần Tuấn Khải chập-chững vào đời thì phong-trào Đông-kinh Nghĩa-thục do các ông Lương văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Dương Bá Trạc, Võ Hoành, Hoàng Tăng Bí... sáng lập. Phong-trào Đông-du với khẩu-hiệu "hóa dân cường-quốc" do nhiều nhà cách-mạng như Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu... tìm cách đưa thanh-niên Việt-Nam sang Tàu và Nhật du-học cũng như công cuộc vận-động duy-tân, kháng sưu kháng thuế ở Trung kỳ đều bị thực-dân Pháp tìm cách đàn-áp, chia-rẽ.

Tháng 9-1908, thực-dân Pháp vận-động Nhật ký hoà-ước với Pháp trục-xuất 200 du học-sinh Việt-nam ra khỏi nước Nhật. Từ đó phong-trào Đông-kinh Nghĩa-thục, phong-trào Đông-du cùng các cuộc vận-động kháng Pháp dần dần tan-rã. Tuy nhiên, các phong-trào và các cuộc vận-động này lại thành-công rực-rỡ ở chỗ đã truyền-bá được tư-tưởng mới, gieo rắc mầm dân-tộc cách-mạng, thúc-đẩy phong-trào thanh-niên xuất-dương du-học..., chuẩn-bị sự hình-thành một đường-lối tư-tưởng mới chủ-đạo cho những hành-động mới trong tương-lai.Đó cũng là kết-tinh của tất cả chí-hướng và hành-động của tầng lớp sĩ-phu Việt-nam trong buổi bình-minh cuả thế-kỷ 20 .

Thêm vào đó, sự-kiện các ông Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng vào Nam (1905) để hô-hào cải-cách duy-tân và vụ Đào Mộng Giác tại trường thi khảo-hạch Bình-định với bài thơ "Chí thành thông thánh" và bài "Danh sơn lương ngọc", rồi đến vụ ông Trần Quý Cáp bị tên Phan Ngọc Quát, tuần-phủ Khánh-Hoà phản-bội bắt giam và đưa ông ra bãi tha-ma làng Phú-ân, phủ Diên-khánh xử chém ngang lưng năm 1908. Cái chết oai-hùng của chiến-sĩ Trần Quý Cáp đã gây chấn-động, căm-phẩn đến cùng độ trong các đồng-chí như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều đồng-chí cách-mạng khác đã gây được ảnh-hưởng sâu rộng toàn quốc trong một thời-gian khá dài.

Mười tám năm sau, ngày 24-3-1936, cụ Phan Chu Trinh tạ-thế ở Sài-gòn; cụ Cử Lương Văn Can, nguyên hiệu-trưởng trường Đông-kinh Nghĩa-thục vừa từ-trần ở Hà-nội (cũng năm 1926, Trần Tuấn Khải cho xuất-bản thi tập Bút quan hoài 1, 2 song bị thực-dân Pháp cấm lưu-hành) đã gây làn sóng xúc-động mãnh-liệt trong tầng lớp chí-sĩ yêu nước và thanh-niên, sinh-viên học-sinh trong toàn quốc. Đặc-biệt taị Hà-nội, Huế, Sài-gòn đã có những cuộc bãi-khóa rầm-rộ, tuần-hành và cử-hành lễ truy-điệu thật trọng-thể.

Riêng tại Hà-nội, sinh-viên trường Cao-đẳng và học-sinh trường Bưởi (École du Protectorat) đã nhất-tề bãi-khóa, đưa đám tang cụ Lương Văn Can và đọc bài văn tế cụ Phan Chu Trinh do cụ Phan Bội Châu soạn. Lúc đó, Phạm Tất Đắc, tác-giả bài "Chiêu hồn nước" còn là một thư-sinh chưa đầy 18 tuổi đã bị bắt và bị đưa ra xét xử trước phiên-tòa tiểu-hình Hà-nội dành xử riêng các vị thành niên. Thái-độ hiên-ngang với lập-luận ứng-đối rạch-ròi của cậu thư-sinh Phạm Tất Đắc trước phiên tòa cùng với bài thơ song-thất lục-bát trường-thiên đã gây tầm ảnh-hưởng khá sâu rộng trong toàn quốc vào lúc này và mãi mãi về sau cùng với những bài văn thơ ái-quốc khác, trong số có bài HAI CHỮ NƯỚC NHÀ của Á-Nam Trần Tuấn Khải; xin sao lục để cống-hiến quý thân-hữu độc-giả dưới đây :

Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,
Cõi trời Nam gió thảm đìu-hiu.
Bốn bề hổ thét chim kêu
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình.

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước,
Chút thân tàn lần bước dặm khơi;
Trông con tầm tã châu rơi,
Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên:

Giống Hồng Lạc, hoàng thiên đã định,
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay,
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng hiệp nữ xưa nay kém gì!

Than vận nước gặp khi biến đổi,
Để quân Minh thừa hội xâm lăng,
Bốn phương khói lửa bừng bừng,
Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ,
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con,
Làm cho xiêu tán hao mòn,
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Thảm vong quốc kể sao xiết kể!
Trông cơ đồ nhường xé tâm can,
Ngậm ngùi đất khóc trời than,
Thương tâm nòi giống lầm than nổi nầy!

Khói Nùng lĩnh như xây khối uất,
Sóng Long-giang nhường vật cơn sầu;
Con ơi! càng nói càng đau
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Cha xót phận tuổi già sức yếu,
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay.
Thân lươn bao quản vũng lầy,
Giang san gánh vác sau này cậy con.

Con nên nhớ tổ tông khi trước,
Đã từng phen vì nước gian lao,
Bắc Nam bờ cõi phân mao,
Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây.

Kìa Trưng Nữ ra tay buồm lái,
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong,
Giết giặc nước, trả thù chồng,
Nghìn Thu tiếng nữ anh hùng còn ghi.

Kìa Hưng-Đạo gặp khi quốc biến,
Vì giống nòi, quyết chiến bao phen!
Sông Bạch-đằng phá quân Nguyên,
Gươm reo chính khí, nước rền dử uy.

Coi lịch sử gương kia còn tỏ,
Mở dư đồ đất nọ chưa tan,
Giang san này vẫn giang san,
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?

Con nay cũng một người trong nước,
Phải nhắc cân Gia,Quốc đôi đường.
Làm trai hồ thỉ bốn phương,
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng.

Thời thế có anh hùng là thế,
Chữ vinh hoa sá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non.

Con đương độ đầu son tuổi trẻ,
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi,
Đừng tham phú quý mà nguôi tấc lòng.

Kiếp luồn cúi đỉnh chung cũng nhục;
Thân tự do chiên chúc mà vinh.
Con ơi! nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời.

Chớ lần lửa theo loài nô lệ,
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai,
Đem thân đày đọa tôi đòi,
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?

Sống như thế sống đê sống mạt,
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong,
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!

Huống con cũng học hành khôn biết,
Làm giống người phải xét nông sâu;
Tuồng chi gục mặt cúi đầu,
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!

Nỗi tâm sự đinh ninh nhường ấy,
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời;
Con ơi! con phải là người,
Thì con theo lấy những lời cha khuyên.

Cha nay đã muôn nghìn bi thảm,
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu,
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!

Lời cha dặn khắc xương để dạ,
Mấy gian lao con chớ sai nguyền,
Tuốt gươm thề với khuông thiên,
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu.

Gan tráng sĩ vững sau như trước,
Chí nam nhi lấy nước làm nhà,
Tấm thân xẻ với sơn hà
Tượng đồng bia đá họa là cam công.

Nữa mai mốt giết xong thù nghịch,
Mũi long tuyền lau sạch máu tanh,
Làm cho đất động trời kinh,
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày.

Nghĩa vụ đó, con hay chăng tá?
Tính toan sao vẹn cả đôi đường,
Dù cho đất khách gửi xương,
Trông về cố quốc khỏi thương hồ già.

Con ơi! HAI CHỮ NƯỚC NHÀ.


Hai chữ NƯỚC NHÀ hay QUỐC-GIA từ khởi-thủy vốn-dĩ là ý-niệm cao-cả, thiêng-liêng, chủ-đạo về mặt tinh-thần, tình-cảm được biểu-hiện qua hành-động suốt theo dòng sinh-mệnh của dân-tộc Việt-nam trong trường-kỳ lịch-sử dựng nước và giử nước.

Từ khái-niệm NƯỚC NHÀ ấy, trong quá trình hình-thành và tiến-triển của nó đã dẫn đến TÌNH YÊU NƯỚC, YÊU NHÀ, YÊU QUÊ-HƯƠNG DÂN-TỘC. Song thật khó mà tìm hiểu để đi đến một định-nghĩa, một lý-thuyết, một học thuyết (hay một tư-tưởng, chủ-nghĩa) nào khả-dĩ minh-thị một cách tổng-quan thế nào là LÒNG YÊU NƯỚC, YÊU NHÀ, YÊU QUÊ-HƯƠNG, DÂN-TỘC chân-chính dù đó là một tổng-hợp nghiên-cứu, chứng-minh, lập-luận, nhận-định về phương-diện lịch-sử, sử học, địa-lý, chủng-tộc, văn-hóa, văn-minh v.v... trên bước đường tiến-hoá và trường tồn của dân-tộc Việt-nam ta.

Tuy nhiên, nếu dựa trên cơ-sở ý-thức hệ QUỐC-GIA DÂN-TỘC thì đất nước, giang-sơn, dân-tộc vốn là thực-thể, biểu-trưng thiết-thực nhất cho nguồn sinh-lực của toàn dân để mưu-cầu sự sinh-tồn và tiến-triển theo dòng lịch-sử. Có những triều đaị (như triều Lý, Trần) nhờ sự thống-nhất tư-tưởng của toàn dân, quân dân nhất-trí vào một ý-thức hệ vừa phong-phú vừa thực-tiển, cỡi-mở, cảm thông với nguyện-vọng của mọi tầng lớp nhân-dân - toàn dân là MỘT, đất nước là MỘT - nên đã tạo được những chiến-thắng oanh-liệt trước kẻ thù; viết nên những trang sử oai-hùng cho dân-tộc Việt-nam.

Ý-thức hệ chính- thống ấy vốn tự nghìn xưa đã trở thành nguồn sinh-lực phong-phú luân-lưu theo dòng sinh-mệnh Việt-nam. Lời căn dặn của Nguyễn Phi Khanh cách đây gần 600 năm qua thi-phẩm HAI CHỮ NƯỚC NHÀ trên đây đã nói lên phần nào lý-tưởng và nghĩa-vụ cao-cả của tầng-lớp thanh-niên Việt-nam trước cảnh ”nước mất nhà tan” đó vậy.

PHƯƠNG-ĐÌNH.
(Manchester, NH.)




Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh