Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 03, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
ĐỊNH-LUẬT MURPHY
LÊ CHÁNH THIÊM
Best of my love- Ban Eagles.


Định-luật Murphy (Murphy’s Law), còn được nhiều người gọi là “định-luật đầu độc” hay “định-luật bánh bơ”, do một người Mỹ tên là Edward Aloysius Murphy, Jr. nêu ra. Sau một thời gian công bố, được nhiều người công nhận rồi lấy tên ông để đặt cho định-luật nầy. Dựa trên “nền tảng của sự ngẫu-nhiên”, định-luật Murphy đưa ra chỉ với một câu ngắn gọn:

 

-”Nếu có hai hay nhiều cách để làm một việc gì và một trong các tình-huống có thể đi đến thảm họa thì sự việc thường xảy ra theo chiều-hướng đó” (If there are two or more ways to do something, and one of those ways can result in a catastrophe, then someone will do it).

 

1. Đại cương.

 

Edward Aloysius Murphy Jr. là một kỹ-sư cơ-khí phục-vụ trong Không lực Hoa-Kỳ (United States Air Forces, U.S.A.F.). Ngoài ngành chính là cơ khí, ông còn là nhà vật lý cao-cấp và toán học mà ngành nào ông cũng có những công trình nghiên cứu thành công đáng kể. Thêm vào đó, ông còn là một triết-gia, thường nghiên-cứu các đề tài thuộc lĩnh vực triết-học, thần-hoc. Sau một thời-gian dài đúc-kết kinh-nghiệm từ cá-nhân, thân nhân đến những người quen biết cùng bạn hữu, ông ta mới công-bố định-luật này.

 

 

Chân dung Edward Aloysius Murphy Jr.

 

Ông Edward A. Murphy Jr. sinh ngày 11-01-1918 tại kênh đào Panama, là con nhỏ nhất trong gia đình có 5 anh chị em. Murphy tốt nghiệp Trung học tại New Jersey, theo học trường Võ bị West Point, tốt nghiệp năm 1940 và đảm nhậm công việc của một sĩ quan cơ khí. Trong Thế chiến thứ 2, Murphy từng tham chiến tại hải ngoại: Ấn Độ, Trung Hoa và Miến Điện trong Lục quân Hoa Kỳ. Sau khi chiến tranh chấm dứt, năm 1947, Murphy tham dự Viện Công nghệ Không quân Hoa Kỳ (U.S. Air Force Institute of Technology), trở thành Chuyên gia Nghiên cứu và Phát triển của Trung tâm Phát triển Không lực Wright-Patterson (Development Center of Wright-Patterson). Murphy phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ từ năm 1940 đến 1952, cấp bậc sau cùng là Thiếu Tá trước khi rời quân ngũ. 

 

Sau khi cởi trả bộ quân phục, Murphy không nghỉ ngơi mà tham gia ngay vào dự án nghiên cứu sức đẩy của hỏa tiễn tại Căn cứ Không quân Holloman, tọa lạc tại 6 dặm (10km) về phía Tây Nam của khu kinh doanh trung tâm của Alamogordo, thuộc quận hạt Otero, tiểu bang New Mexico. Căn cứ này được đặt tên để vinh danh Đại tá George V. Holloman, người tiên phong trong nghiên cứu hỏa tiễn dẫn đường, guided missile. Một thời gian sau, ông đến California tham gia các dự án về quân sự khác. Edward Aloysius Murphy tham gia vào các nghiên cứu để hoàn thiện các thế hệ phi cơ lừng danh của thế kỷ 20.

 

Murphy tham gia vào công trình chế tạo loại chiến đấu phóng pháo cơ cơ F-4 Phantom, loại phi cơ lừng danh vào thập kỷ 1960-1970, đánh chặn siêu âm tầm xa, hoạt động trong mọi thời tiết, chế tạo bởi McDonnell Aircraft. Sau đó, ông tham gia trong chế tạo XB-70 Valkyrie [tên đầy đủ là “Không quân Bắc Mỹ XB-70 Valkyrie” (The North American Aviation XB-70 Valkyrie), là phiên bản nguyên mẫu của máy bay ném bom chiến lược có trang bị vũ khí hạt nhân B-70 và máy bay chiến đấu thâm nhập sâu của Bộ Tư lệnh Chiến lược Không quân Hoa Kỳ sau nầy.

 

Ông ta cũng tham gia trong công tác chế tạo phi cơ SR-71 Blackbird, loại máy bay trinh sát chiến lược tiên tiến tầm xa vang danh một thời, còn được gọi một cách không chính thức là Blackbird và được các phi đội gọi tên lóng (slang) là Habu (snake). Ông còn là chuyên gia trong việc chế tạo phóng pháo cơ Rockwell B-1 Lancer, loại máy bay ném bom hạng nặng cánh quét cánh siêu động (supersonic variable-sweep wing) của Không quân Hoa Kỳ (USAF). Murphy còn tham gia vào chương trình chế tạo X-15 (tên đầy đủ là “The North American X-15”), là loại máy bay dùng sức đẩy hỏa tiên siêu âm (hypersonic rocket-powered) do Không lực Hoa Kỳ và Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia (National Aeronautics and Space Administration) thuộc kế hoạch thử nghiệm thế hệ phi cơ X nghiên cứu chế tạo. X-15 thiết lập kỷ lục (record) về tốc độ (speed) và cao độ (altitude) vào những năm 1960, được sử dụng trong thiết kế máy bay và tàu vũ trụ (spacecraft). Kỷ lục chính thức của X-15 về tốc độ nhanh nhất được thiết lập vào tháng 10-1967 khi William J. Pete Knight bay với vận tốc Mach 6.72 (4.520 miles 1 giờ (7,274 km/ giờ) tại cao độ 102.100 feet (31.120m); kỷ lục nầy vẫn chưa bị phá (has remained unchallenged) tính đến hiện nay (tháng 7-2017).

 

Thập niên 1960, ông tham gia vào chương trình Appolo, loại tàu vũ trụ đưa phi hành gia vào không gian mà dấu ấn sâu đậm nhất là chiếc Appollo 11 đã đưa hai người Mỹ đến Mặt trăng và đã để lại dấu chân con người ở đó. Apollo 11 hạ cánh cùng hai nhà phi hành Neil Armstrong và Buzz Aldrin xuống Mặt trăng vào ngày 20-7-1969, lúc 20:18 UTC và Armstrong trở thành người đầu tiên đặt bước chân lên bề mặt của Mặt Trăng 6 giờ sau khi hạ cánh, lúc 02:56 UTC vào ngày 21-7. Công trình sau cùng, kết thúc sự nghiệp của mình bằng công việc về an toàn phi công (pilot safety) và các hệ thống vận hành (computerized operation systems) trên máy bay trực thăng Apache, thế hệ trực thăng đa dụng mà Không Quân Mỹ còn dùng đến ngày nay trên khắp chiến trường cho cả Hải quân, Lục quân, Không quân và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.

 

Ông mất vào ngày 17-7-1990, ở tuổi 72.

 

2. Định luật Murphy ra đời.

 

Năm 1947, Murphy phục vụ tại Học Viện Kỹ Thuật Không Quân Mỹ (U.S. Air Force Institute of Technology). Tại Trung tâm Wright Air Development Center thuộc Căn cứ Không quân Wright-Patternson. Vào năm 1949, Murphy được giao nhiệm-vụ nghiên-cứu trong một dự-án quân-sự có tên là MX 981. Đại-úy Edward Murphy, Jr. hiểu rất rõ nhiệm-vụ của mình mà thượng cấp chỉ-thị: “Kết-thúc một chuỗi thử-nghiệm và báo-cáo cho thượng cấp về một thiết bị sẽ thiết kế trên những máy bay phản-lực thuộc Quân-lực Mỹ”. Một trong những mục đích tối quan trọng của dự-án nói trên là chương-trình nghiên-cứu “hậu-quả việc giảm tốc đột-ngột của động cơ dành cho các loại máy bay phản-lực”. Để thực-hiện điều này, Murphy đã phải làm việc với 16 phi-công và gắn trên lưng mỗi phi-công tới 15 máy dò khi thí nghiệm. Theo lý-thuyết và sau khi chế tạo hoàn tất, các máy này đã được thử, thí-nghiệm (test) rất kỹ về việc chế tạo, tất cả đều hoạt-động tốt để đưa vào sử dụng cho cuộc thí nghiệm. Các phi công bị buộc trong xe trượt tuyết gắn động cơ phản lực, khi xe dừng đột ngột, phản ứng của họ sẽ được ghi lại nhờ một hệ thống điện cực gắn vào bộ ghế ngồi do chính Edward A. Murphy thiết kế. 

 

Bình thường, trong nhiều lần ông Murphy làm thí nghiệm với các phi-công thì các thử nghiệm đều hoàn hảo, máy móc hoạt-động êm xuôi. Thế nhưng vào những ngày có đông đủ các vị “tai to mặt lớn” (thượng cấp hay quan chức cao cấp trong chính quyền) đến dự để họ xem-xét, quan-sát và được nghe báo-cáo kết-quả, 15 máy này bỗng “đình-công” và Đại Úy Murphy không thu được một tín-hiệu nào nên không ghi được các số liệu sau một thử nghiệm mà tưởng chừng không có sai sót vì đã được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi sự có mặt thượng cấp. Dĩ nhiên sau vài lần như vậy, ông bị thượng-cấp khiển-trách, bị gán tội “giỡn mặt với cấp trên” và lệnh ban xuống cho biết: “chuẩn-bị ra tòa án quân-sự”, một hình thức kỷ luật rất nặng, rất quan-trọng trong quân-đội.


Trước khi thi hành lệnh kỷ luật, Đại-úy Edward Murphy, Jr. yêu-cầu thượng cấp cho ông được kiểm-soát và làm thí nghiệm lại lần chót. Ông thấy tất cả các máy dò đều hoạt-động bình thường, các sợi dây nối với cơ-thể phi-công cũng hoàn-hảo. Cuối cùng ông ta tìm ra nguyên-cớ: thay vì lắp 15 máy theo chiều quy-định thì các kỹ-thuật viên lắp theo chiều ngược lại. Ông thở phào trong sung-sướng, thoát khỏi cay đắng và dĩ-nhiên được thượng cấp tha tội. Đây là tiền đề cho định luật Murphy sau nầy.

 

 

Thí nghim mà Đi Úy Murphy đm trách trong d án MX 981

 

Từ trước đó rất lâu, ngay từ khi trong cuộc sống dân sự đến khi vào quân ngũ, Edward A. Murphy, Jr. đã bị nhiều “vố đau nhớ đời”, đến độ nghĩ ngay ra một điều mà chưa dám công-bố những nghi ngờ, uẩn khúc trong tâm mình. Ông nhớ lại kỷ-niệm của ngày nhận bằng tốt-nghiệp Đại-học. Hôm đó, vừa mặc chiếc áo mới trắng tinh ra phố, ông bị một chiếc xe nhà binh chạy bắn bùn dính đầy lên áo. Khi còn đi học, những lúc đến tiệm sách, ông thấy các loại sách mà ông cần dùng chất cả đống mà ông không có tiền trong túi, đến khi ông có tiền đến mua thì các cuốn sách đó không còn nữa. Lần dọn nhà sau cùng, ba đời chủ đã sống bình-yên trong căn nhà đó trước ông, đến khi ông dọn về thì cái cầu thang sập, rồi sau đó, ngọn đèn chùm tự nhiên rơi thẳng xuống đầu đứa con trai ông ta làm nó bị thương nặng. Những lúc cần đến chỗ hẹn đúng giờ, thay vì đi con đường chính, ông muốn ít tốn thời gian hơn nên chọn con đường ngắn hơn thì lại bị kẹt xe nên bị trễ. Ngoài ra, còn nhiều việc “không may” khác xảy đến cho ông và gia đình mà ông nghi ngờ bởi một lý do không lường trước được.

 

Ngoài việc ông ta từng gặp nhiều rắc-rối trong cuộc sống, ông còn được nghe bạn bè, thân nhân kể lại các “nhiêu-khê” mà họ đã từng gặp. Từ đó, sau biết bao nhiêu lần thí-nghiệm và kiểm-chứng, ông cho công-bố định-luật mang tên mình như trong phần đầu bài. Sau khi công-bố định-luật, ông nói:

 

-”Tôi không có ý-định bôi đen cuộc đời mà chỉ muốn các vị đề-phòng thường-xuyên. Một khi đã đề-phòng thì tránh được nhiều điều không vui, thế thôi!”.

 

Khi định luật nầy được phổ biến, nhiều người cho rằng ông Murphy “suy bụng ta ra bụng người” và cho rằng “sống mà lúc nào cũng nôn-nóng, cứ lo âu, luôn phân vân... thì khổ quá! Nếu có lo âu, suy tính như vậy thì cuộc sống không còn thi vị nữa”. Giới khoa học xem đó là kết quả của “ký ức chọn lọc”, do những sự việc đáng buồn luôn ăn sâu trong tâm trí của Murphy nên cho làm tinh thần ông ta như vậy.

 

 

Thí nghim trong d án MX 981

 

Vài tháng sau khi công-bố, định-luật Murphy được nhiều người chấp-nhận, một số đông còn cổ-vũ ông ta. Một trong các tổ-chức đã xem đinh-luật này là kim chỉ nam, đó là Không-lực Hoa-kỳ. Chín năm sau đó, nhà xuất-bản Oxford của Anh quốc soạn bộ Từ-điển Oxford có đưa định-luật này vào trong đó, cột nầy gọi là Murphy’s Law.

 

Murphy coi pháp luật là kết tinh (crystallizing) một nguyên tắc chính của thiết kế phòng thủ (key principle of defensive design), trong đó người ta phải luôn luôn giả sử kịch bản trường hợp xấu nhất (assume worst-case scenarios). Theo Murphy – qua lời con trai của ông - đã coi nhiều phiên bản của pháp luật là "vô lý, tầm thường và sai" (ridiculous, trivial and erroneous). Những nỗ lực của ông để có luật pháp nghiêm túc hơn (more seriously) đã không thành công.

 

3. Tiền đề của định luật Murphy.

 

Sau đây là những hành động thường xảy ra, là tiền đề cho định-luật Murphy.

 

Một bà mẹ phết bơ (butter) hay mứt (jam) lên mặt bánh mì mềm cho con mình, nếu vô ý đánh rơi miếng bánh đã được phết bơ, lúc nào mặt phết bơ cũng sẽ úp xuống đất. Có lời lý giải nào về việc này không ngoài sự lý giải “có lẽ mặt có bơ nặng hơn”? (vì thế còn có tên là “định-luật bánh bơ”). Lại nữa, những khi ra đường có mang dù (ô, tiếng Bắc, umbrella) theo thì trời không mưa, khi ta quên dù thì trời mưa thì lý giải sao đây?. Để trả lời điều nầy, người ta dùng “lý thuyết sác xuất” cùng với vị trí địa lý của nới đó để giải thích việc quên mang dù như sau:

 

-”Khi mang theo dù khi có dự báo mưa làm cho mưa ít xảy ra. Nếu dự báo thời tiết chính xác 80%, thì việc mang dù theo sẽ đúng 4 trong số 5 trường hợp”.

 

Tuy nhiên, lập luận này lại không thích hợp với vùng hiếm mưa. Ở những vùng đó, 80% các dự báo mưa lại có kết quả ngược lại. Vì thế để quyết định có mang dù theo hay không, người ta cần tính đến sác xuất có mưa trong khoảng thời gian đi trên đường (chẳng hạn 1 hay 2 giờ), có giá trị rất nhỏ nếu so với tiết diện của quả đất. Ví dụ sác xuất mưa được cho là 0,1 có nghĩa sác xuất không dính mưa lớn gấp 10 lần có thể có mưa. Trường hợp nầy, “lý thuyết sác xuất” cho thấy rằng ngay “khi tỷ lệ mưa chính xác tới 80% thì có thể mắc sai lầm cũng nhiều gấp hai lần không mắc, khiến việc mang theo dù trở nên vô ích, dự báo cao cũng chưa đủ để thắng các đột biến xảy ra. Hoặc giả, "khi ta quên dù thì trời mưa vì việc mưa nắng tùy thuộc vào thời-tiết”. Đó là những lập luận có vẻ “lý thuyết” cho sự kiện mang, không mang dù và trời mưa.

 

 

Thí nghim Murphy được thượng cp giao phó

 

Ngoài ra, trong cuộc sống còn có biết bao nhiêu chuyện khác nữa. Chẳng hạn khi ta làm một việc gì, chủ ý ta không muốn gây tiếng động sợ làm phiền người khác đang cần sự yên lặng thì lại hay vô ý gây nên tiếng động lớn. Khi người nhà bị bệnh cần đưa đi bác-sĩ ngay thì xe bị hư hay hết xăng hoặc vừa chuẩn bị đi thì có cha mẹ anh em ruột thịt gọi đến nhờ việc cần, khẩn cấp, quan trọng hơn v.v... Khi đang cần đến một nơi nào đó đúng giờ lại bị kẹt xe trên đường đến, xe ta đang dừng hay chạy rất chậm trên một làn đường này thì thấy làn đường bên cạnh các xe khác chạy vù vù, ta vừa đổi sang làn đó thì làn đó bị kẹt lại còn làn đường ta đi trước thì xe lại tiến lên vùn vụt. Tương tự, khi xếp hàng, ta đứng hàng này, thấy hàng kia đi tới vù-vù, khi bỏ hàng đang đứng sang hàng đó thì hàng mình bỏ đi lại tiến tới còn hàng mình vừa bước sang đứng lại. Trong 2 trường hợp đó xảy ra bởi nhiều lý do không tính trước được. Một cặp vợ chồng sợ cãi cọ về chuyện tiền nong nên tránh không bàn đến nó, sợ đó là chuyện lớn, thế nhưng những chuyện vặt vãnh lại là những nguyên nhân đi đến đôi co, thành chuyện lớn, chẳng hạn một lời nói, một cử chỉ nhỏ nhặt, chuyện thưởng phạt hay rầy la con cái, bênh con khi chúng làm sai, v.v…Đó là những sự việc ngoài ý muốn mà ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.

 

Đối với các nhà khoa-học, tâm-lý học...thì họ phản-đối, không chấp-nhận định-luật này, họ xem đó là sự ngẫu-nhiên cùng với lý-luận, giải-thích:

 

-”Sở-dĩ khi xếp hàng, ta thấy hàng kia tiến tới nhanh hơn hàng mình vì ta bị ảnh-hưởng tâm-lý, vì ta đang sốt ruột, đang nôn nóng; việc gây tiếng động là do ta bất cẩn, việc xe hư là do xe cũ v.v...”

 

Và cho là:

 

-”Định-luật Murphy chẳng có gì là khoa-học cả, không có cơ-sở vững-chắc”.

 

Để chứng minh lập luận của mình, họ nghiên-cứu tất cả mọi khía-cạnh về các lãnh vực khoa-học: từ khí-động-học, trọng-lượng của cái bánh đến khối lượng lớp bơ; từ bánh mì mềm đến bánh mì cứng, sự cọ xát của bánh mì với không-khí, vận-tốc rơi, sự xoay 180 độ,... Thế nhưng kết-quả bao giờ cũng là việc xấu có cơ-may cao hơn. Và rồi, tuy họ không tìm được câu trả lời cho các hiện tượng đã xảy ra này, chẳng những họ vẫn không tin, không chấp-nhận định-luật Murphy mà còn đả phá, chống đối quyết liệt.

 

Để kiểm-chứng định-luật này, một nhà toán học của Đại học Aston tại Birmingham, Anh quốc là ông Robert A.J. Matthews – cũng là Biên tập viên của tờ Sunday Telegraph - đã dùng kiến thức của nhiều ngành khoa học để khám phá, thực thi nhiều lần các thí nghiệm: cố-ý đánh rơi bánh mì có phết bơ, cố tình vất quyển sách xuống sàn: kết quả là 90% là mặt có bơ và trang sách úp xuống sàn, ít khi bìa sách hay mặt không có phết bơ nằm dưới, cho thấy rằng định luật Murphy là có cơ sở. Bài viết nổi tiếng của ông mang tên “Bánh mì nướng: Định luật Murphy và những hằng số cơ bản” (Tumbling toast, Murphy’s Law and the Fundamental Constants), trong đó, ông giải thích và chứng minh cặn kẽ tại sao lúc nào cũng vậy, lát bánh mì trét bơ cũng rơi với mặt trét bơ nằm úp. (Xem 2 phóng ảnh dưới đây).

 

 

Chứng minh về khoảng cách, độ cao, sự quay khi bánh rơi

 

 

Các công thức toán học chứng minh cho sự rơi có trong bài.

 

Những nghiên cứu của Matthews dẫn tới sự ngạc nhiên thực sự:

 

-“Có một mối liên hệ sâu xa giữa “hành động” của lát bánh mì và các hằng số căn bản của vũ trụ. Mặt phết bơ của lát bánh mì sẽ không úp xuống dưới nếu chiếc bàn đủ cao để lát bánh quay trọn một vòng. Nhưng điều khám phá nầy lại nảy sinh ra một chi tiết khác: chiều cao của cái bàn phải phù hợp với chiều cao của con người”.

 

Từ đây nảy sinh ra câu hỏi: ”Tại sao chúng ta lại có chiều cao đang có?

 

Giáo sư Vật lý Thiên văn William H. Press của trường Đại học Harvard giải thích:

 

-”Con người là loài động vật có xương sống đứng bằng hai chân nên rất dễ ngã. Nếu quá cao, chúng ta sẽ bị chấn thương sọ não mỗi khi ngã và loài người sẽ bị diệt vong vì một nguyên nhân tầm thường! Để tránh thảm họa đó, con người không được cao quá một giới hạn nào đó, và giới hạn chiều cao con người được quy định bằng độ lớn tương đối giữa các liên kết hóa học và vật lý của hộp sọ đối với lực hấp dẫn của trái đất”.

 

Từ tuyên bố đó của William H. Press, giáo sư Matthews đưa ra nhận định:

 

-”Chiều cao cực đại của con người chưa đến 3 mét, thấp hơn nhiều giá trị cần thiết để mặt phết bơ của lát bánh mì không úp xuống đất. Nói một cách khoa học, mặt phết bơ úp xuống đất vì vũ trụ “mong muốn” như vậy!

 

Kết luận trên được đăng trên Tạp chí Vật Lý châu Âu và thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều người. Người ta còn đặt câu hỏi với ông Matthews, yêu cầu giải thích các điểm khác:

 

-”Tại sao thời tiết thường xấu vào ngày nghỉ?”

 

-”Xe hơi thường bị hư trên đường tới một cuộc họp quan trọng?”, v.v...

 

Ông Matthews cho rằng đó là kết quả của “ký ức chọn lọc”. Điều nầy củng-cố niềm tim của Matthews về hiệu-lực của định luật Murphy.

 

Điều khôi hài là vào năm 1996, ông Matthews lại được bầu chọn nhận giải Ig-Nobel về vật lý.

 

Tưởng cũng cần biết thêm về giải Ig-Nobel. Giải Nobel thì ai cũng biết, dành cho những phát minh, phát kiến, những thành tựu giúp ích cho đời, v.v… khỏi cần nhắc lại. Riêng giải Ig-Nobel do ông Marc Abrahams, là nhà toán học, ký giả khoa học, chủ bút và sáng lập viên của tạp chí khoa học “Annals of Improbable Research” lập ra. Chỉ riêng cái tên giải Ig-Noble cũng là một lối “chơi chữ”. Khi đọc nhanh chữ này, người ta nghe cái âm giống như chữ “Ignoble”, có nghĩa là “đê tiện, hèn mạt, ghê tởm, không quý phái”. Giải nầy được bắt đầu phát từ năm 1991, tưởng thưởng cho những người có những công trình nghiên cứu, điều mà ban tổ chức gọi là “những thành tựu không thể mà cũng không nên có”. Mỗi năm có 10 giải thưởng, các ngành được giải mỗi năm khác nhau, chỉ chọn những nghiên cứu đặc biệt qua một hội đồng duyệt xét. Điều đặc biệt là trong những năm đầu của giải, đa số người nhận giải là dân Hồng mao (Anh quốc), đến độ ông Robert May, cố vấn khoa học của chính phủ Anh phải gởi thư cho ban Tổ Chức giải Ig-Nobel yêu-cầu “đừng tôn vinh đồng bào của ông nữa” vì họ xem chuyện trao giải là “chuyện làm trò cười cho thiên hạ”, sẽ làm mất uy tín người được nhận giải mà họ là dân Anh. Tuy nhiên, đối với người được nhận giải, họ vui vẻ và hãnh diện dù đó… chỉ là giải Ig-Nobel!

 

Được biết, Annals of Improbable Research, một Tạp chí ra mắt hàng tháng, có mục đích "chứng minh tài năng con người không có giới hạn, họ sẵn sàng nói đến mọi trường hợp cực đoan trên mọi lãnh vực", trụ sở đặt tại Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ. Lần trao giải đầu tiên, ông Marc Abrahams sợ rằng sẽ không có nhiều người đến dự, ông dự đoán khoảng 90 người là nhiều lắm rồi. Thế mà có đến 300 người dự, trong đó có 4 người được có tên nhận giải nhưng có 3 người cải trang. Ngày nay, chương trình phát giải lớn mạnh, được nhiều người hưởng ứng cũng như ủng hộ. Mỗi kỳ phát giải, 1,200 vé vào cửa hàng năm được bán sạch, được các hệ thống truyền hình nổi tiếng của Mỹ trực tiếp phát hình bởi vì họ hiểu rằng giải Ig-Nobel “nhằm tôn vinh những nỗ lực đích thực nhằm làm cho kiến thức con người thêm phong phú, dù cho các nỗ lực đó phi lý cho mấy đi nữa”. Người nhận giải đủ mọi sắc dân; từ Âu, Á, Mỹ, Phi đến Úc châu, miễn sao có những công trình nghiên cứu “khác người” là được đưa ra ủy ban duyệt xét trao giải và quyết định là từ ủy ban nầy.

 

Chuyện ông Matthews giật được giả Ig-Nobel năm 1996 về Vật lý với đề tài ”Bánh mì rơi: quy luật của nỗi bực mình tối đa và những hằng số cơ bản”, nghe qua cũng “kêu” nhưng chỉ để “giải thích tại sao khi nào lát bánh mì trét bơ bị rơi thì mặt có trét bơ bao giờ cũng nằm sấp”, nằm trong định luật Murphy, đã được nói trong đoạn trên, chủ đề của bài nầy.

 

Những nhân vật nổi tiếng, ngoài Robert A. J. Matthews còn có ông Richard Glover, một người Úc, cũng đã hưởng ứng Định luật Murphy. Ông Richard đã thử nhiều lần trong một thời gian dài. Ông còn nêu ra “10 quy luật kỳ lạ”, để “nếu chúng ta có gặp phải thì đừng “quạu” bởi vì chúng là “quy luật”, mà đã là quy luật thì chúng ta phải … chịu”. Nhiều người khác cũng hưởng ứng nhưng không nêu danh tánh.

 

Riêng Đại Úy Murphy, ông ta đã bỏ không biết bao nhiêu công lao để thực hành nhiều thí-nghiệm, hàng trăm đến hàng ngàn lần, từ đơn-giản đến phức-tạp, trong rất nhiều lĩnh-vực để xem mình đúng hay sai trước và sau khi công-bố định-luật. Một trong các thí-nghiệm là việc: Ông vốn gét số 3 và thích số 7, ông đã bỏ hàng trăm thẻ kim-loại khắc số 7 và số 3 với lượng bằng nhau vào một ống, xóc đều và rút thăm. Kết-quả là ông rút phải số 3 nhiều hơn số 7, nhiều lần như vậy chứ không phải một.

 

Nhiều người khác, sau khi nghe định luật nầy được công bố cũng đã có những thí-nghiệm để tìm kết-quả, hầu biết biết thực tế nó ra sao. Một trong các thí nghiệm khả tín được diễn ra ở Bruxelles, Bỉ quốc của nhà Vật-lý học nổi danh Eugène Lapotier về “một người nghiện mua vé số”. Trong 12 năm trời mua vé số, người nầy không bao giờ trúng, con số mà người này không mua thì người khác mua nó lại trúng, con số ông mua nhiều lần nhưng không trúng, ông bỏ thì người khác mua nó lại trúng. Nhiều tuần ông không mua thì người bán vé cho biết là có người trung lớn. Việc này cũng giống như một cậu học trò, hôm cậu ta thuộc bài thì thầy không kêu trả bài, hôm không thuộc bài thì thầy giáo kêu cậu ta trả bài vậy.

 

Ở một số nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu cũng có những quan niệm tương tự như định luật Murphy, từ đó, để trong dân gian có các thành ngữ: phúc bất trùng lai (dịp may không lặp lại), họa vô đơn chí (cái họa không đến một lần) v.v… nhưng qua cách diễn giải hơi khác hơn một chút.

 

4. Những nguyên-tắc căn-bản khác của Định luật Murphy.

 

Định luật Murphy ngày nay đã được chuyển-dụng qua các tiểu định-luật khác, như: Định-luật Murphy trong kỹ-thuật, trong tình-dục, trong tình yêu, trong nghiên-cứu và ngay cả trong nghiệp-vụ. Sau đây là những nguyên-tắc của định-luật Murphy:

 

1. Thấy thì dễ mà không phải vậy (Nothing is as easy as it looks).

 

2. Làm bất cứ việc gì cũng phải mất nhiều thời-gian hơn ta nghĩ (Everything takes longer than you think).

 

3. Việc gì có thể sai, thì nó sẽ sai (Anything that can go wrong will go wrong).

 

4. Nếu một số việc có khả-năng sai thì việc nào gây thiệt-hại nhiều nhất sẽ là điều sai (If there is a possibility of several things going wrong, the one that will cause the most damage will be the one to go wrong).

 

5. Nếu đơn-giản là một việc nào đó không thể sai thì nó vẫn sẽ sai (If anything simply cannot go wrong, it will anyway).

 

6. Nếu bạn nhận-thức rằng diễn-tiến một sự việc có bốn hướng có thể sai và mãi loay-hoay quanh đó thì sẽ đột-xuất phát-sinh ra một hướng thứ năm (If you perceive that there are four possible ways in which a procedure can go wrong, and circumvent these, then a fifth way, unprepared for, will promptly develop).

 

7. Buông thả những sự việc thì kết-quả sẽ từ xấu cho đến tồi-tệ (Left to themselves, things tend to go from bad to worse).

 

8. Nếu bạn thấy mọi việc dường như đều tốt đẹp thì rõ-ràng bạn đã coi thường một điều gì đó (If everything seems to be going well, you have obviously overlooked something).

 

9. Thiên-nhiên lúc nào cũng đứng về phía “cái xấu” tiềm ẩn (Nature always sides with the hidden flaw).

 

10. Thiên-nhiên “chó má” (Mother nature is a bitch). {Một cách nói yếm thế, bất-mãn, bi quan, tác giả chú}.

 

11. Không có việc gì tránh khỏi lỗi lầm vì kẻ gạt-gẫm rất tinh khôn (It is impossible to make anything foolproof because fools are so ingenious).

 

12. Khi muốn khởi công làm một việc thì phải hoàn-tất một việc khác trước đã (Whenever you set out to do something, something else must be done first).

 

13. Mỗi giải-pháp đều phát-sinh ra những vấn-đề mới (Every solution breeds new problems).

 

Nếu không tin, ta thử thí nghiệm xem sao, hoặc nhớ lại những kỷ niệm mà cá-nhân mỗi người hay người quen biết đã gặp để mỗi người trong chúng ta có một nhận xét.

 

Trong cuộc sống hàng ngày, ta gặp phải các “chuyện quái gỡ” rất kỳ lạ sau đây:

 

Khi ta vừa ngồi vào bàn chuẩn bị ăn uống hay bàn chuyện gia đình,... thì có chuông điện thoại reo, làm mọi người phải chờ đợi. Khi ta vừa bước vào phòng tắm, trút bỏ áo quần định tắm cho thoải mái thì có ai đó bấm chuông gọi cửa hay điện thoại reo... trong lúc không có ai khác ở nhà. Lúc ta đang tiếp khách thì người nầy gọi đến, người kia tìm gặp trên điện thoại với chuyện cần thiết, làm khách khứa phải chờ đợi ta. Khi ta đang nghe radio, xem tivi, đọc sách báo... hễ ta định đi uống miếng nước thì radio lại phát một tin quan trọng hay một tình tiết đáng xem, khi trở vào là hết. Khi đang đi tàu hỏa, lắng nghe tin trên chiếc radio, đến đoạn tin quan trọng thì tàu chui vào hầm hay có một biến cố gì đó bất thường hay hành khách chung quanh làm ồn kinh khủng làm ta không nghe gì được. Khi các chuyện ấy chấm dứt thì bản tin vừa hết.

 

Và thêm nữa: Những số điện thoại cần gặp, khẩn cấp, quan trọng...đã cố ý lưu lại một chỗ, khi cần thì nó lại biến đâu mất, hoặc khi khẩn cấp thật sự, gọi đến chỗ ta cần gặp thì...im re. Chúng ta muốn thay bộ ghế đệm, bộ sofa mới nhưng hễ càng cũ thì thấy nó lại càng êm, càng mềm, ngồi nằm đều cảm thấy rất dễ chịu, còn ta thay bộ mới là cứng ngắc, do vậy cứ “tiếc hùi hụi” bộ cũ! Chuyện học của con cái lúc còn bé, ban ngày, nhắc chúng học bài thì cứ ngủ gà ngủ gật; vậy mà đêm đến, vào giờ ngủ bảo chúng đi ngủ, chúng nó không chịu ngủ. Có la hét chúng nó thì chúng vờ nhắm mắt, cứ không chịu ngủ.

 

Còn nữa, nếu có một đôi giày mình thích mang nó, ưng ý, thì nó cứ hay mất hoặc biến đi đâu một chiếc khi cần đi gấp mà không có thì giờ tìm nó còn đôi giày không vừa ý thì nằm sờ sờ ra đó. Hôm nào đi dự một buổi lễ hội quan trọng nào đó, diện đồ đẹp xong, vào kéo hộc giày, tìm đôi giày đẹp nhất thì nó mất đâu một chiếc, mấy đôi giày cũ lù lù ra đó. Khi ta ném một vật ra ngoài, trong tâm ta không muốn nó vướng vào vật gì để đi lạc hướng, thế nhưng nó lại trái ý của ta, vướng vào thanh cửa sổ chẳng hạn rồi bay trở vào nhà mà tiết diện của thanh cửa sổ rất nhỏ so với khoảng không của cái cửa sổ. Một cầu thủ sút trái bóng, luôn muốn đi vào “gôn” của đối thủ, tuy tiết diện trụ gôn chỉ bằng phần ngàn của khoảng cách hai "trụ gôn", vậy mà trái bóng thường trúng vào trụ gôn hay thanh ngang mà không đi vào khung thành của đối phương; đó là chưa nói đến chuyện trái bóng bay ra ngoài khung thành rộng mà những người mê đá banh gọi hành động đó là “bắn vịt trời”.

 

5. Lời kết.

 

Có thể Edward Aloysius Murphy Jr. không hài lòng vì những ý tưởng chống đối hay không tuyệt đối tin tưởng, hoặc có xu hướng “tầm thường hóa” các nguyên lý rất có giá trị của ông trong các kỹ thuật đòi hỏi sự an toàn tối cao mà định luật ông đã đưa ra. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học “đồng tình” với Murphy, cho rằng các phiên bản “bình dân” của quy luật này “không hề thiếu sức sống và tiện ích”. Bài học quan trọng nhất từ Định luật Murphy là “các hiện tượng tầm thường chưa chắc đã có cách giải thích tầm thường”, nói theo hơi hướm của triết học, một “tiểu định luật” phát sinh từ định luật Murphy.

 

Dẫu tin hay không tin, chúng ta vẫn nên cám ơn định-luật Murphy vì nhờ vào định luật nầy, ta có thể đề-phòng các trạng huống xấu có thể xảy ra khi giải-quyết một viêc. Không phải ngẫu-nhiên mà các kỹ-sư hàng-không của Không quân Hoa-Kỳ vào thập-niên 1950 đã thuộc nằm lòng câu nói của Murphy: ”Nếu bạn có hai cách giải-quyết, một tốt một xấu, thì... coi chừng: có thể bạn sẽ đi theo...cách xấu”.  

 

Ngoài ra, “nhân vật số một của năm 2009” được tờ Time bầu chọn, ông Ben Shalom Bernake, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (the United States Federal Reserve), là một trong những người quyền lực nhất hành tinh về tài chánh, có lẽ cũng tin vào định luật Murphy. “Những quyết định của Ben Bernanke ảnh hưởng tới ví tiền của mỗi chúng ta” và xa hơn nữa, “có thể ảnh hưởng tới công việc và tương lai của bất cứ cá nhân nào trên thế giới”, tờ Time viết như vậy khi cho rằng khả năng điều hành, sáng tạo của vị Giáo sư trường Princeton này đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Mỹ và thế giới vượt qua cơn khủng hoảng tài chánh hiện tại. Người ta thấy trên bàn làm việc của ông có một quyển lịch với câu: "Bất cứ cái gì có thể sai thì sẽ sai" cho mỗi ngày trong năm.

 

Chắc những người tin tưởng vào định luật Murphy có “cái lý” để họ đặt niềm tin, biết đâu chừng nó… đúng! Còn quý vị thì sao?

 

Lê Chánh Thiêm

San Jose, 2000 (có sửa đổi).

 

Tài liệu tham khảo:

 

- Ask.com

- Oxford Dictionary.

- Tài liệu tổng hợp.

- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

 

*  *  *

 

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây

Xem trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây

Về trang chính http://www.nuiansongtra.com  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh