Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
LUÂN HOÁN: MỘT ĐỜI RẤT THƠ
LÊ NGỌC TRÁC
VỀ MIỀN TRUNG, Phạm Duy, Duy Khánh

 

...Từ năm 1970 tôi đã đọc bài thơ "Nén hương cho bàn chân trái" của Luân Hoán. Và, đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với thơ của nhà thơ Luân Hoán. Đến bây giờ đã qua hơn gần 50 năm, nhưng tôi vẫn không quên được những dòng thơ lục bát, vừa bồng bềnh, vừa miên man một nỗi đau tận con tim của một người bị mất đi vĩnh viễn một phần thân thể của mình:

 

 “Nằm im mà thấy bềnh bồng

Nghe như mây đảo vòng vòng trong tim

Tỉnh ra sửng sốt giật mình

Một đoạn chân đã tuyệt tình bỏ đi

…Núi Vàng, cõi đặt mộ bia

Cho bàn chân trái nằm kia, mơ hồ

Cái chân một thuở đánh rơi

Hình như đang nhớ đến tôi, khóc thầm…”

 

Chúng tôi đọc bài thơ giữa bối cảnh quê hương tang tóc vì chiến tranh. Thời bấy giờ, tiếng súng nổ, tiếng bom rơi không còn ở những nơi núi cao rừng sâu, mà đã nổ ra ngay trong lòng phố thị. Cảnh hàng ngàn người rời xa quê hương tản cư chạy nạn lánh bom đạn và chết chóc tang thương diễn ra hàng ngày! Điều thực sự làm cho chúng ta xúc động là có một nhà thơ vì chiến tranh phải mất đi một phần thân thể ở Quảng Ngãi quê hương tôi. Luân Hoán viết "Nén hương cho bàn chân trái" trong nỗi đau sau khi bị tai nạn ở Đức Phổ. Qua bài thơ, chúng ta thảng thốt trước nỗi đau chiến tranh gây ra. Tuyệt nhiên không thấy tiếng oán hờn, căm giận hay trách móc ai cả! Người đọc nhận ra một tâm hồn nhân hậu của tác giả.

 

 

Chân dung Luân Hoán

 

Lê Ngọc Châu sinh năm 1941 tại Quảng Nam. Khi đi vào con đường văn chương, ông đã ghép tên của cha và mẹ mình làm bút danh: "Luân Hoán". Các văn thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ... có người lấy tên làng quê nơi sinh ra làm bút danh; có người chiết tự tên thật của mình, chọn tên người yêu; cũng có người chọn những điển tích trong kinh sử mang những ý nghĩa cao đẹp để làm bút danh. Cách chọn bút danh của Luân Hoán cũng là một trường hợp hiếm, độc đáo, mang nhiều ý nghĩa cao đẹp. "Luân Hoán" cũng là tác phẩm lớn và là của quý của ông Lê Hoán và bà Nguyễn Thị Luân ở quê hương Quảng Nam.

 

Từ năm 1960, Luân Hoán đã là một trong những cây bút chuyên sáng tác thơ. Thơ của ông thường xuyên xuất hiện và thu hút được đông đảo người yêu thơ trên các báo, tạp chí văn học xuất bản ở Sài Gòn. Thơ Luân Hoán mới trong thể hiện, ngôn từ, nhịp điệu và ý tứ; gần gũi với cuộc sống. Luân Hoán có nhiều bài thơ viết về Quảng Ngãi quê hương chúng tôi - miền quê mà ông đã từng sống và gắn bó tình cảm:

 

"Ðêm qua tôi mới về Quảng Ngãi

Hái trái mù u ở Nghĩa Hành

Gió từ Mộ Ðức vây tôi lại

Rờ rẫm thăm từng gốc tóc xanh.

 

Tôi gặp bàn tay ai rất mềm

Xâu từng chùm nắng xách hai bên

Thân thương vói níu tôi dừng lại

Xối rửa đôi lòng mắt trót quên.

 

Tôi gặp đôi môi ai rất nồng

Như tuồng vét hết nước trong sông

Thiết tha mớm hết hương Trà Khúc

Cho trái tim già lại trổ bông.

 

Tôi gặp mồ hôi ai rất hồng

Trải thơm từng múi thịt da non

Tấm lòng Ðức Hải hay Sông Vệ

Quán Lát theo về đến Cửa Ðông?

 

Tôi gặp tôi qua núi với rừng

Trà Bồng, Thạch Bích cõng trên lưng

Đêm qua tôi mới về Quảng Ngãi

Một đoạn chân lìa xưa đến thăm".

 

Với bút danh Hà Khánh Quân, Lê Bảo Hoàng, cùng với sáng tác thơ, Luân Hoán còn viết tùy bút, hồi ký, phê bình văn học và biên soạn sách. Luân Hoán biên soạn tác phẩm: "Tác giả Việt Nam" đã được tái bản nhiều lần (2005, 2016 và 2017). "Tác giả Việt Nam" giới thiệu gần 1.000 chân dung và tiểu sử văn học của các tác giả văn, thơ, nhạc, họa, danh ca của Việt Nam từ năm 1905 đến 2015. Đây là một tác phẩm đồ sộ, kỳ công đã được phát hành toàn thế giới, rất có ích cho những ai nghiên cứu văn học sử Việt Nam trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 (Dĩ nhiên công trình lớn này, Luân Hoán có sự cộng tác, hỗ trợ nhiệt tình của các bạn ông là nhà thơ Lê Hân, họa sĩ Khánh Trường và Tạ Quốc Quang...).

 

Điểm nổi bật đáng trân quý của Luân Hoán và những người bạn của ông là: Khi biên soạn công trình Tác giả Việt Nam là đã vượt qua những "định kiến thường tình". Luân Hoán chỉ chú trọng nêu những tác giả không phân biệt "phe ta hay phe địch", không phân biệt xuất thân hay xu hướng chính trị của cá nhân từng tác giả, miễn là tác giả có tác phẩm và công trình có giá trị và có đóng góp vào nền văn học nghệ thuật của đất nước thì Luân Hoán đều đưa vào công trình của ông. Ngược lại, có nơi người ta dùng tiền thấm đẩm mồ hôi nước mắt của nhân dân mà khi làm tuyển tập thơ văn thì chỉ đưa những tác giả là "phe ta", "cùng cánh hẩu". Có nhiều người dù tác phẩm hay nhưng không có chân trong Hội cũng không được nhắc đến dù một chữ. Thậm chí, khi tổ chức đêm thơ, người ta bỏ tiền ra in chân dung tác giả và tác phẩm như tờ phướn của phường chèo thả bay lên trời hay như những tờ sớ của thầy cúng làm phép cúng đình. Nhưng nếu là người ngoài Hội hay lý lịch không đỏ thì cũng không được chọn. Chỉ thường được nghe câu trả lời: “Nhạy cảm lắm! Tay ấy "lề trái"!. Với kiểu làm như thế mà có người thường gào lên: "Tại sao mấy chục năm rồi chúng ta không có tác phẩm lớn!?". Nêu lên sự việc này để chúng ta thấy việc làm của Luân Hoán một lòng vì văn học nghệ thuật của đất nước và cảm phục những người viết và sống vì văn chương một cách vô tư.

 

Biến cố lịch sử 30/4/1975 của đất nước, người yêu thơ không còn được đọc những tác phẩm mới của Luân Hoán cũng như của nhiều nhà thơ tài hoa của miền Nam. Khoảng trống và đứt khúc này kéo dài gần 25 năm. Mãi đến sau năm 1990 người đọc trong nước mới có điều kiện đọc thơ của Luân Hoán cũng như những tác phẩm mới của các nhà thơ tài hoa mà mình đã từng yêu mến. Luân Hoán vẫn hấp dẫn người yêu thơ với những bài thơ viết về tình yêu:

 

"Tóc xưa thôi bỏ đuôi gà

Môi xưa thôi bỏ mặn mà tay che

Mắt cười con biếc ngọn tre

Lòng ai thôi đã vàng hoe nắng chiều

Trong tay đầy nỗi tiêu điều

Choàng vai nghe lạc niềm yêu thương người

Lời sầu dài biết bao nguôi

Ai vun quên để ngậm ngùi lòng nhau

Xin trời một thoáng mưa ngâu

Vườn xanh lá chuối che đầu trao hôn

Chút hơi phù phiếm trong hồn

Dâng làm kỷ niệm héo hon một đời

Người về sầu lẫn trong tôi

Em về sầu lẫn trong lời thơ bay."

 

(Bài thơ: "Sầu biếc")

 

Luân Hoán là một trong những người gắn bó hết mình với thơ ca. Người đọc bắt gặp những câu thơ Luân Hoán viết cho bạn ông - nhà thơ Hà Nguyên Thạch:

 

"... Ta nghe nói người bây giờ rách lắm

Rách áo cơm, rách nát cả tâm hồn

Nhưng chắc chắn hồn thơ người chưa rách

Xin giữ giùm hơi thở đó muôn năm

..."

(Trích: "Tâm sự với Hà Nguyên Thạch")

 

Tâm tình với bạn. Đây cũng là lời Luân Hoán tự nhủ với chính mình: "Giữ hồn thơ như hơi thở đến muôn năm". Phải chăng đây chính là phương châm, mục đích của cuộc đời nhà thơ? Quả đúng như vậy. Đến hôm nay Luân Hoán đã qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy". Gần 50 năm sống và viết, Luân Hoán đã có một gia tài đồ sộ. Kể từ tập thơ đầu tay "Về trời" xuất bản năm 1964, đến cuối năm 2016, với tập thơ "Khói tỏa nguồn hương", Luân Hoán đã xuất bản được 17 tập thơ. Thơ của ông còn xuất hiện trong 22 tuyển tập đã xuất bản trong và ngoài nước. Chân dung văn học của Luân Hoán còn hiện diện trong 20 đầu sách giới thiệu tác giả, tác phẩm đã được xuất bản trong và ngoài nước. Một con số mà ai yêu văn chương đều phải bái phục sức lao động và sự sáng tạo của Luân Hoán. Theo chúng tôi, với con số trên chưa phải là cuối cùng. Hiện nay Luân Hoán vẫn thường xuyên sáng tác thơ văn và vẫn hấp dẫn người yêu thơ:

 

"...

Đêm nay lại thức nữa, hình như

Có ai đổ rượu vào ngôn ngữ

Ta nói ra toàn thơ rất thơ

...".

 

(Trích: "Đưa nhau về đến đâu" của Luân Hoán)

 

Qua thơ của Luân Hoán và nhiều nhà thơ nổi danh, chúng ta nhận ra: Những bài thơ sống mãi với thời gian được viết ra từ cảm xúc chân thật, tác giả đã tài tình dùng ngôn ngữ diễn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, thì tác phẩm sẽ neo lại trong tâm hồn người đọc. Chính vì vậy, người yêu thơ nhận ra cuộc đời của Luân Hoán "thơ và rất thơ".

 

Lê Ngọc Trác

Phố biển La Gi đầu tháng 7/2017.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh