Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
CHUYỆN ÔNG CỰU HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TRUNG HỌC TRẦN QUỐC TUẤN QUẢNG NGÃI.
XUÂN THỚI

 

Trong một lần vào mạng xã hội FaceBook mới đây, tình cờ đọc được bài viết kể lại câu chuyện tìm ân nhân của ông cựu Hiệu trưởng trường Trung học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi Trần Đình Trọng (Hiệu trưởng thứ 3, từ sau năm 1975. Đã nghỉ hưu). 

 

 

Chân dung ông Trần Đình Trọng

 

Sau bao nhiêu năm tha thiết, cuối cùng ông Trọng đã gặp được người lính Việt Nam Cộng Hòa từng thực hiện lời khuyên “thân người thất thể thân ta” đối với ông, một du kích quân bị thương nặng trong trận đánh nhau hôm đó. Ông Trọng đang cận kề với cái chết, cô đơn trong chiếc võng mỏng manh giữa đồi núi hoang vu không người thân, không đồng đội. Nhưng cuối cùng ông cũng được cứu sống, được học hành, làm việc; và luôn đau đáu nhớ nghĩa cử nhân hậu của một người không quen biết, chưa từng gặp gỡ, và lại là người lính bên kia chiến tuyến. 

 

Chuyện đã nghe truyền miệng từ lâu, nhưng mãi đến nay mới rõ ngọn nguồn. Với những câu chữ nầy, xin chúc mừng ông Trọng đã đạt được nguyện ước báo đáp ân tình bấy lâu; cao hơn nữa, lại cùng người kia và gia đình từ đây kết nghĩa thân tình. Cũng thật tình quý trọng lòng hỷ xả Phật tính trong ông, khi mà lúc bấy giờ, bên cạnh người cảm thông ông, cũng còn những người như hình vô cảm - chỉ vô cảm thôi, không nguyền rủa hay nói lời căm thù nào. Mà cho đến nay chưa nghe ông mở lời trách móc. Nói vậy, vì sau khi cuộc chiến kết thúc, cũng không ít người tỏ ra hằn học căm thù. Và đôi khi, còn có người trước đó được người khác cưu mang, hy sinh thân mình che dấu cho, nhưng rồi một ngày lại như con chim đầy lông đủ cánh một bay không ngoảnh lại. Với ông, dù gì cũng là người của bên thắng cuộc. Cao quý thay!

 

Với người lính kia, tin rằng, sau hành động để lại bình đông nước và hai gói cơm khô cho ông Trọng, lòng sẽ nhẹ nhỏm hẳn lên, vì lương tâm thỏa mãn đã làm được một việc tuy thường tình nhưng vô cùng cao quý. Dẫu biết rằng chưa dễ với bấy nhiêu có thể sẽ cứu sống được một con người, mà chỉ là chút hy vọng nhỏ nhoi ông Trọng sẽ cầm được hơi chờ giây phút định mệnh. Riêng anh ta, ngày hôm đó có thể sẽ gặp ít nhiều khó khăn bởi khẩu phần đã chia sớt. Nhưng đổi lại, tránh được dằn vặt nếu không trải lòng.

 

Trong chiến tranh, việc cứu giúp nhau vào giờ phút cuối cùng của đời chiến binh khác chiến tuyến thời nào cũng xảy ra, cuộc can qua nào cũng có. Nó âm thầm và lặng lẽ, không được tung hô, ghi nhận như chiến công, nhưng giá trị của nó lại luôn là vĩnh cữu. Với chiến công, một ngày kia lịch sử sẽ phân định đúng sai, tốt xấu. Cho dẫu hoàn toàn là chính nghĩa, vẫn bị nhẹ nhàng chê trách “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Nhưng với lòng bao dung và cao thượng bao giờ cũng được xem như một điểm son sáng ngời.

 

Từ cái lẽ thông thường đó, chưa là cổ tích, nửa sau thế kỷ XIX, văn đàn nước Pháp, ghi nhận và tôn vinh đến tận ngày nay tấm lòng của một thi sĩ kiêm nhà viết kịch tài hoa Jean François Victor Aicard qua bài thơ bất hủ Les deux Blessés của ông, làm xót lòng không biết bao nhiêu thế hệ. Ông nhắc chuyện trong một trận đánh nhau, hai người thương binh một Nga, một Pháp khác chiến tuyến, không cùng ngôn ngữ; lúc giao tranh, ôm súng bắn nhau đến thương tích, đêm xuống, trong giá rét, tình cờ run rủi họ lại nằm thiếp bên nhau.

 

 

Jean François Victor Aicard (1848-1921)

 

Về khuya, một người tỉnh lại, nghiêng nhìn người kia, đã chết, nhưng trên thân thể mình lại được đắp chiếc chiến bào của anh ta.

 

Vậy là, dù mới hồi chiều là đối thủ của nhau, nhưng giờ nầy tự biết mình không thể sống được qua đêm, nên đã cố hết sức lực để bạn mình chống chọi với cái lạnh, có cơ hội trở về.

 

Cuộc chiến vừa qua, trên quê hương Nghĩa Hành của ông Trọng, không phổ biến hay tôn vinh rầm rộ, nhưng được biết cũng có một tấm lòng bao dung như thế của người lính Miền Nam.

 

Trong một lần về phép thăm quê, nhìn thấy thi hài hai bộ đội miền Bắc chết trong đêm, đơn vị không kịp mang đi, nằm lăn lóc bên đường làng. Người lính bỏ tiền mua hai cổ quan tài với suy nghĩ để khỏi tủi thân và an ủi vong hồn những phận đời xấu số.

 

Cũng từ những tấm lòng rộng mở và không phân biệt suy nghĩ, màu da, sắc tộc như thế, gần đây mới còn lại thiên nhật ký Đặng Thùy Trâm, có thể xem như viết thay cho thế hệ bằng máu và nước mắt người con gái đưa vai gánh cả gian truân một thời. Và những trang viết mang giá trị văn chương chuyển tải tình cảm “Mãi mãi tuổi hai mươi”, của người trẻ Nguyễn Văn Thạc, vượt ra xa mục đích ghi lại chuyện mỗi ngày mình phải kinh qua.

 

Một chuyện nữa, chính người viết những dòng nầy đã kể lại trên mặt báo, một ghi nhận có thật đến nẫu lòng về ngôi mộ của Nguyễn Công Hân quê Thái Bình - “Ngôi mộ đá núi” - người bộ đội miền Bắc chết được lính miền Nam chôn ở lưng chừng “Núi Lớn” Bình Nam (nay là Bình Tân, Bình Sơn, Quảng Ngãi) và treo bảng tha thiết mong ai bắt gặp hãy tìm cách báo tin cho gia đình người bất hạnh.

 

Đã từng có những phát biểu “Chiến tranh luôn là điều tồi tệ nhất” và “Trong cuộc chiến dù ai thắng, nhân dân cũng là người thua thiệt”. Vì vậy, thiết nghĩ, nếu có trách móc hay căm thù chỉ nên trách móc và căm thù kẻ gây ra chiến tranh, người cố tình mang quân đi làm đổ vỡ quê hương yên bình của người khác, mà không nên hận thù hay oán trách ngươi trực tiếp đối đầu, vì họ chỉ là những người thừa hành, bị bắt buộc phải thừa hành mà thôi-/-

 

Xuân Thới

Tháng 7/2017

 

*  *  *


Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn Tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh