Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
NHỮNG ÂM MƯU TẤN CÔNG ĐỒNG ĐÔ-LA MỸ
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    SỰ THỐNG TRỊ CỦA ĐỒNG ĐÔ LA: TẠI SAO NÓ LẠI MẠNH MẼ NHƯ VẬY?
    CUỘC CHIẾN VỀ ĐỒNG ĐÔ LA CỦA NGA VÀ TÀU CHỈ MỚI BẮT ĐẦU.
    NGUYÊN NHÂN ĐÔ LA TIẾP TỤC TĂNG GIÁ (Quang Phong)

 

 

1. DẪN NHẬP

 

Xưa nay chu kỳ thịnh rồi suy, suy rồi thịnh vẫn thường được nhắc đến như chuyện thế sự của nhân gian. Tương tự, “chiến tranh ắt sẽ xảy ra sau quãng thời gian hòa bình”, dù thanh bình thật sự hoặc giả tạo. Nhân loại đã đối mặt 2 cuộc thế chiến với bao nhiêu tang tóc, thiệt hại vô cùng lớn về nhân, tài, vật, lực và suýt hứng chịu một thế chiến khác trước âm mưu xích hóa thế giới của Cộng sản nhưng may thay “thiên đường” Cộng sản quá xa nên khối Cộng sớm sụp đổ.

 

Tuy vậy, di hại to lớn của nó vẫn còn mà tàn dư là Trung Cộng, một thế lực hùng hậu, hung hãn, hiếu chiến, tàn độc… và vài đàn em như Bắc Hàn, Iran… đã và đang gây hấn trên nhiều bình diện. Người ta đang lo ngại Trung Cộng sẽ lôi kéo cả thế giới vào con đường chiến tranh. Gần đây cho thấy thế giới đang bất ổn hơn lúc nào hết với sự bành trướng của các thế lực Hồi giáo cực đoan hiếu chiến, đang tạo nên nhiều cuộc chiến, với nhiều hình thái mới: tàn khốc, dã man, thô bạo hơn, rất khó có thể thương thuyết để tìm ra hướng giải quyết ổn thỏa.

 

Nếu những xung đột, bất đồng, tham vọng, v.v… đó không thể đàm phán, thương lượng, thỏa hiệp mà chỉ có thể giải quyết bằng vũ lực thì chắc chắn Hoa Kỳ phải đối mặt với chiến tranh bởi hiện nay Mỹ là siêu cường duy nhất của khối tự do để chống lại tất cả các thế lực khác với âm mưu nhuộm đỏ nhân loại. Nguy cơ nầy buộc các chiến lược chiến thuật gia, chuyên gia quân sự, cố vấn an ninh quốc gia, tư tưởng gia của Ngũ Giác Đài, Quốc Hội Mỹ, của Tòa Bạch Ốc, các học viện, các trường Đại học và mọi người quan tâm đến sự tồn vong của nước Mỹ phải phụ giúp chính quyền Mỹ trong nhiều việc hầu mang lại chiến thắng.

 

Tuy nhiên, việc tiên quyết ngoài nhiều vấn đề trọng đại khác, các giới chức của Mỹ phải thấy được các “nhược điểm” của chính mình để tìm ra những phương sách đối phó. Những nhược điểm mà tiểu luận nầy đề cập không phải hoàn toàn liên hệ với nhau hay điều nọ quan trọng hơn điều kia. Nếu kể chi tiết thì có rất nhiều nhưng người ta chỉ chọn ra 10 nhược điểm được cho là quan trọng nhất, đó là: 1. Mỹ phải đối phó với một liên minh tay ba hùng mạnh (A powerful triumvirate, Nga Tàu và Iran); 2. Giải quyết nguồn nhiên liệu ngoại quốc cung ứng cho Mỹ (Interdiction of US foreign oil supply); 3. Đối phó với việc địch tấn công đồng đô la Mỹ (Attack on the US dollar); 4. Mỹ bị cô lập ngoại giao (Diplomatic isolation); 5. Mỹ bị địch tấn công mạch điện từ xung điện tử (Electro-magnetic Pulse, EMP attack); 6. Mỹ bị tấn công điện toán (Cyber attack); 7. Thế bất lợi về chính trị địa lý của Mỹ (The US's geopolitical disadvantage); 8. Bị địch tấn công theo cách bất cân xứng (Asymmetric attack); 9. Bị địch thủ tấn công vào hệ thống kiểm soát và chỉ huy của Mỹ (Attack on US's command and control) và 10. Bị địch tấn công vào các hàng không mẫu hạm (Attack on US aircraft carrier battle groups). Đây là những nhược điểm then chốt, là những nan đề quan trọng mà Hoa Kỳ phải đối mặt, là những vấn nạn một mất một còn.

 

Tùy từng nhược điểm, khi bị tấn công có thể nguy hại từng phần hay ảnh hưởng dây chuyền đến toàn phần, tạo thành thảm họa cho cả nước Mỹ. Vì sự giới hạn trong một bài viết, tiểu luận nầy chỉ đề cập đến một trong các các nhược điểm nêu trên, đó là việc tấn công vào đồng Đô la Mỹ.

 


2. TẤN CÔNG ĐỒNG ĐÔ-LA MỸ.

 

Trước khi đi vào chi tiết, tưởng nên xem ý nghĩa của vài từ ngữ liên hệ đến đề tài nầy, chuyện tưởng dễ nhưng lắm khi lẫn lộn, đó là 3 chữ nhược điểm, yếu điểm và khuyết điểm. a. Nhược điểm” (nhược: yếu; điểm: chỗ), là điểm yếu, chỗ yếu kém. Thí dụ: Nhược điểm của ông X. là hay say sưa và đam mê cờ bạc. b. ”Yếu điểm” là điểm quan trọng. “Yếu” là một từ ngữ Hán Việt, là trọng-đại, thiết đáng, cốt-yếu. Thí dụ: Yếu điểm của thành công là tính kiên-nhẫn. [Còn có một chữ “yếu” là tiếng Nôm: là yếu ớt, yếu kém; trái nghĩa với chữ “mạnh”]. c. “Khuyết điểm” là điểm thiếu sót. Thí dụ: Khuyết điểm của cựu Thủ Tướng Nga Nikita Sergeyevich Khrushchev là tính thiếu kiên nhẫn, khi bị chọc tức ông ta thường hay nổi tính côn đồ.


Việc tấn công đồng Đô la Mỹ (viết gọn: đồng USD hay $USD) chúng ta bàn trong tiểu đề nầy chỉ nói về cách làm sao triệt hạ giá trị của đồng USD chứ không nói về cách phá rối đồng USD hay phá rối hệ thống điều hành ngân hàng Mỹ bằng máy tính điện toán của phe địch, sẽ được nói trong đoạn khác. Một trong các thế mạnh của Mỹ và cũng là phương thức chế ngự kinh tế toàn cầu là đồng USD và cách vận dụng nó. Hầu hết các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia phải tồn trữ $USD để mua bán, trao đổi trong các dịch vụ thương mãi của họ với các nước khác.

 

Trước khi đi vào nan đề nầy, tưởng cũng cần biết sơ qua về đồng USD và vì sao nó được xử dụng rộng rãi như hiện nay.

 

Khi chưa biết nhiều chi tiết về đồng bạc, từ cách in và phát hành, cách lưu-trữ, trao đổi, chế độ bản vị,... đến các lĩnh vực chuyên môn liên quan đến tiền bạc như kim ngạch dự trữ, thị-trường hối-đoái, chứng-khoán giao-dịch, hoạt động của ngân-hàng v.v… ta thường gặp nhiều thắc mắc. Các câu hỏi đại loại như: "Tại sao đồng USD là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất?". "Vai trò quốc tế của $USD có làm lợi một cách không công bằng cho Mỹ, gây thiệt hại cho các quốc gia khác không?". "Liệu đồng USD có khuếch đại những tác động của Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System, FED, còn gọi là Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, là ngân hàng trung ương của Mỹ, hoạt động từ năm 1915 theo "Đạo luật Dự trữ Liên bang" của Quốc hội Mỹ thông qua ngày 23-12-1913) đối với các quốc gia khác không?". Và nếu vậy thì "Tác động như thế nào? Lợi ích mà đồng USD mang lại cho nước Mỹ và các nước dùng $USD làm kim ngạch dự trữ?", v.v... Trả lời những câu hỏi đó là cả một vấn đề vì cần phải có kiến thức căn bản và chuyên môn nhất định.

 

 

Vai trò “quốc tế” của đồng USD bắt đầu gia tăng kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời gian đầu của hậu chiến tranh, theo Hiệp ước năm 1944 được Mỹ và các đồng minh đàm phán tại Bretton Woods thì đồng tiền của các quốc gia khác được định giá bởi đồng USD, trong khi đó đồng USD lại được định giá bởi vàng.

 

Hoa Kỳ đã áp dụng chế độ “kim bản vị” (bản vị vàng, the gold standard) từ năm 1879: đồng USD được quy đổi được bao nhiêu vàng tùy theo mệnh giá của đồng bạc đó. Trong thời kỳ Đại suy thoái (Great Depression) những năm 1930 đã khiến công chúng lo sợ đồng USD mất giá nên tích trữ vàng.

 

Mục tiêu của Thỏa Hiệp Bretton Woods (The Bretton Woods Accords) là thay thế bản vị vàng bằng một thứ gì đó linh hoạt hơn. Bretton Woods là tên của một nơi nghỉ mát (resort) trong núi White Mountains ở New Hampshire, ở giữa hai thành phố Twin Mountain và Crawford House, ở Đông Bắc Hoa Kỳ. Hai người đóng vai chánh trong Hội Nghị là kinh-tế-gia Anh danh tiếng quốc tế John Maynard Keynes và Thứ Trưởng Tài Chánh Mỹ Harry Dexter White.

 

Theo thỏa hiệp này thì bản-vị vàng vẫn được giữ và được đồng USD yểm trợ (backed by the US dollar) vì đồng USD được coi là “tốt như vàng” (as good as gold) và Mỹ cam kết sự có thể đổi (convertibility) đồng USD ra vàng theo giá $35 USD một ounce (1 ounce=28.3495 gram) vàng. Bản vị vàng của Bretton Woods (the Bretton Woods gold standard) “chạy đều” được một thời gian, vì ít có nước nào đổi USD của mình ra vàng, và người ta còn tin tưởng nơi khả năng trả được (solvency) của Hoa Kỳ.

 

Thỏa thuận Bretton Woods có hiệu lực là, quyết định về việc “đồng tiền nào được sử dụng trong thương mại và tài chính (hơn là trong dự trữ) do những quốc gia tham gia thị trường quyết định”. Từ đó nảy sinh ra câu hỏi “Tại sao đồng USD vẫn giữ được giá trị cao trước những thay đổi lớn như vậy?” Câu trả lời là “Do quán tính hay sự trì trệ không thay đổi, người ta vẫn quen với việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế và vẫn sẵn sàng nhận đồng USD khiến sự hữu dụng của nó ngày càng tăng. Các nhà kinh tế gọi đây là “sự chú trọng giá trị bề ngoài một cách hệ thống”.

 

Trên thực tế, đồng USD cũng đã chứng minh được giá trị của nó như là một phương tiện trao đổi quốc tế đáng tin cậy với những lợi ích mà nó mang lại cho người dùng. Những giá trị đích thực có thể tóm tắt: 1/ Sự ổn định về giá trị (Stability of value): đồng USD đã giữ lạm phát thấp và ổn định. 2/ Khả năng thanh toán (Liquidity): Thị trường tài chính Mỹ - nhất là thị trường trái phiếu chính phủ - luôn có tính thanh khoản cao nhất thế giới bởi thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ rất lớn và đồng nhất, trong khi đó thị trường dành cho trái phiếu mua bán bằng đồng Euro (một đối thủ của đồng USD) lại không đồng nhất, tùy thuộc vào từng quốc gia ban hành trái phiếu. 3/ Tính an toàn (Safety): Trên căn bản, đồng USD có một nguồn cung cấp bằng những tài sản được định giá bằng đồng USD được coi là an toàn, trong đó có trái phiếu chính phủ. Nói chung, đồng USD là một loại tiền tệ vô cùng an toàn, có xu hướng tăng giá khiến việc giữ các tài sản bằng đồng USD luôn hấp dẫn. 4/ Người cho vay cuối cùng (Lender of last resort): Cục Dự trữ Liên bang FED đóng vai trò như một nhà cung cấp $USD cuối cùng bằng việc thiết lập các trao đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương lớn khác, sau đó họ lần lượt cho các ngân hàng dưới quyền họ vay để thực hiện giao dịch bằng $USD.

 

Theo ông Ronald McKinnon, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Tiền và Vốn trong Phát triển Kinh tế” (Money and Capital in Economic Development) đã chỉ ra, đồng USD đã trở thành một loại tiền tệ quốc tế chiếm ưu thế sau Thế chiến II bởi nó giúp làm giảm áp chế tài chính và sự phân mảnh ở châu Âu và châu Á, nơi mà việc lạm phát cao, tỷ lệ lãi suất thực âm và quá nhiều quy định điều tiết chiếm ưu thế.

 

Bằng cách sử dụng đồng USD để neo giá và dùng tỷ lệ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang làm tiêu chuẩn tham khảo xác định chi phí vốn, lập hóa đơn, thanh toán, thanh toán bù trừ, thanh khoản, và dự trữ ngân hàng trung ương, tất cả trở nên ổn định và đáng tin cậy hơn. Một đồng tiền được gọi là “dự trữ quốc tế” phải đảm nhận nhiều chức năng, như: thanh toán các giao dịch, mua bán ngoại hối, tài trợ thương mại, thước đo giá trị và còn là dự trữ ngoại hối của một quốc gia.

 

Thực tế, hầu hết các nhà phân tích đều không phủ nhận đồng USD tiếp tục thống lĩnh hệ thống tài chính quốc tế bởi Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới cho dù những năm gần đây nền kinh tế Trung Cộng có những bước tiến bộ vượt bực nhưng người ta không thực sự tin tưởng vì họ nghi ngờ những “báo cáo láo” và hiện nay Tàu Cộng là một trong những quốc gia mang nợ nhiều nhất.

 

Các nhà đầu tư coi đồng USD là “vịnh tránh bão” nên họ mang USD “cất” vào nơi được coi là an toàn, đó là “trái phiếu của Mỹ”. Ta hãy xem vài thống kê sau đây sẽ rõ cái chân giá trị của đồng USD: Hiện nay trên 99% hàng xuất khẩu của Mỹ tính bằng USD, Mỹ dùng $USD để thanh toán đến 92,2% hàng nhập khẩu. Hơn 86% các khoản thanh toán trên toàn cầu đều được tính bằng $USD; 60% $USD lưu hành ở ngoài nước Mỹ. Chỉ riêng châu Á, 75% tổng kim ngạch xuất khẩu và 65% nhập khẩu được chi trả bằng $USD.

 

Trong khi đó, đồng Euro – đơn vị tiền tệ chung của châu Âu, sau hơn 10 năm chính thức lưu thông vẫn chưa thể tự mình đứng vững còn nói chi đến chuyện thay thế $USD. Ta sẽ trở lại vấn đề này ở đoạn sau.

 

Trở lại vấn đề đồng USD bị tấn công. Thật ra, không phải đợi đến chiến tranh xảy ra mà đồng USD đã bị “đánh” từ lâu rồi. Có hai thế lực chính muốn hất “ngôi vương” của đồng USD để thay thế: đó là Tây Âu dự định dùng đồng Euro và Tàu Cộng sẽ dùng đồng Nhân dân tệ sau khi ý định dùng đồng Yên của Nhật tan vỡ.

 

Chúng ta biết Pháp là nước “cay cú” Mỹ nhiều nhất nếu không nói là coi Mỹ như “thâm thù” ngoài khối Cộng và vài quốc gia thù địch với Mỹ. Gần đây thêm nước Đức. Pháp “hận” Mỹ ngay từ khi thế chiến 2 vừa tan khói súng. Nguyên ủy nội vụ bắt đầu từ 2 việc: Mỹ từ chối giúp Pháp chế tạo vũ khí nguyên tử và tin tưởng Anh là lãnh đạo Âu Châu.

 

Pháp đã nghiên cứu kế hoạch chế tạo “vũ khí trả đũa chiến lược” trong nhiều năm và điều nầy đã làm cạn ngân sách quân sự của họ. Theo tính toán của Mỹ, nếu Pháp được Mỹ cung cấp kiến thức về hỏa tiễn đạn đạo, Pháp vừa tiết kiệm được rất nhiều tiền vừa đỡ tốn thời gian. Về mặt ngoại giao, De Gaulle muốn Mỹ giúp nhưng vẫn cứng cỏi tuyên bố Pháp tự xoay xở được để giữ sỉ diện quốc gia.

 

Tháng 11/1961, đại sứ Mỹ ở Pháp, tướng James Gavin viết thư cho T.T. Kennedy đề nghị Mỹ nhượng lại một ít chất phóng xạ uranium 235 cho Pháp. T.T. Kennedy nhận thấy thái độ của De Gaulle trong vụ khủng hoảng Berlin trước đó không có lợi cho Mỹ nên đã trả lời “không”. Thế nhưng đến tháng 3 và 4-1971, T.T. Nixon ban hành hai pháp lệnh:

 

Chỉ thị đầu mang số 103 cho phép bán siêu máy tính IBM 370/165 cho Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp. Bởi Quốc hội Mỹ cấm chuyển giao “máy tính hiện đại” cho nước ngoài nên để hợp thức hóa quyết định này, Nixon ra lệnh “thay đổi định nghĩa” về cụm từ ngữ “máy tính hiện đại”, làm sao cho các máy tính giao cho Pháp không thuộc loại cấm xuất cảng và nói rõ “định nghĩa này chỉ liên quan đến Pháp mà thôi”.

 

Chỉ thị thứ hai số 100 liên quan đến an toàn hạt nhân. Nixon cho phép cung cấp cho Pháp thông tin mật về an toàn vũ khí, tiến trình phóng hỏa tiễn và kiểm soát dây chuyền phóng nhằm mục đích tránh nguy cơ bom nguyên tử nổ ngoài ý muốn ở Pháp hoặc trong Thái Bình Dương. Đến ngày 23/6/75, Bạch Cung đưa ra chỉ thị số 299: Mỹ sẽ giúp Pháp thử nghiệm nổ bom nguyên tử ở đảo Mururoa. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Anh M-16 nhận được tin tức từ một nhân vật tình báo cao cấp trong dinh Tổng thống Pháp cho biết De Gaulle có thể đang đàm phán bí mật với Nga về nước Đức, sau đó Đức với Pháp sẽ rời khỏi khối NATO. Đây là điều nguy hiểm to lớn cho Mỹ và khối NATO vì dù sao Pháp, Đức vẫn là 2 nước quan trọng cho NATO.

 

 

Chim cánh cụt do Won Park xếp từ tờ bạc giấy $1 USD

 

Ngày 01-2-1963 Bạch Cung ban hành chỉ thị mật NSC 219. Trưởng chi nhánh CIA ở Paris đã cung cấp cho Kennedy nhiều hồ sơ mật về các điểm: trạng thái tâm lý và quan điểm của De Gaulle về các chiến lược của Mỹ và Liên Xô, lý do tổ chức các cuộc họp báo của De Gaulle, hiệp ước Pháp - Đức. Nguồn cung cấp tin cho CIA chắc chắn phải là quan chức ngoại giao cao cấp của Pháp. Mỹ lo sợ trước viễn ảnh Pháp và Đức hợp tác chế tạo bom nguyên tử. CIA đã đoán đúng, De Gaulle đang chuẩn bị một sáng kiến ngoại giao, sẽ đưa Pháp quay trở lại vị trí quan trọng trên chính trường quốc tế và bắt tay với Trung Cộng {khi đó Đài Loan vẫn còn được xem là 1 trong 5 nước “đồng minh”, chưa phải là Trung Cộng, là nước có quyền phủ quyết tại HĐBA.LHQ} chứ không phải Tây Đức. Sau đó, Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Trung Cộng.

 

Thâm thù Mỹ đến độ tổng thống Pháp Charles de Gaulle quyết định rút ra khỏi Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (The North Atlantic Treaty Organization, NATO) và tuyên bố “Hoa Kỳ phải rút tất cả quân đội khỏi đất Pháp càng sớm càng tốt” (all U.S. troops must be evacuated off of French soil as soon as possible).

 

Trả lời cho de Gaulle về lệnh nầy, Ngoại trưởng Mỹ David Dean Rusk "hỏi móc": “Thưa Tổng Thống! lệnh này có bao gồm luôn cả các quân nhân Hoa Kỳ từng được chôn cất tại đây hay không?" (Does that include those who are buried here?). Charles de Gaulle câm họng, rồi "chuồn" thẳng. Hơn 60.000 quân nhân Mỹ đã chết và được chôn tại Pháp trong 2 cuộc thế chiến, họ bỏ mình vì tự do cho đất nước nầy. Ngoại trưởng Mỹ muốn hỏi các hài cốt quân nhân Mỹ đã hy sinh cho nước Pháp có "bị" hồi hương không? Đây là câu "móc họng" vào bực thượng thừa về "ngoại giao" của Ngoại trưởng Rusk, làm sao de Gaulle trả lời nỗi. 

 

Tưởng củng nên nhắc lại một sự kện liên quan đến việc "đối đáp ngoại giao" như vụ vừa nói ở đoạn vừa qua. Robert Whiting, một cựu chiến binh người Mỹ 83 tuổi, trước đó đã từng chiến đấu tại đất Pháp trong thế chiến thứ hai, đến Pháp du lịch bằng phi cơ. Tại cổng kiểm soát ở phi trường trên đất Pháp, vì già cả chậm chạp nên ông ta phải mất vài phút để lấy thẻ thông hành (passport) từ túi hành lý ra. Vì có ác cảm với người Mỹ nên nhân viên kiểm soát tại phi cảng hỏi móc ông ta: “Trước đây ông có đến Pháp bao giờ chưa?" (You have been to France before, Monsieur?). Ông Whiting trả lời trước đây ông có đến Pháp rồi. Tên Pháp nầy hỏi tiếp với giọng hách dịch: “Ông cần nên biết là ông phải chuẩn bị hộ chiếu sẵn sàng” (Then you should know enough to have your passport ready). Ông Mỹ già nọ cũng không vừa, chậm rãi trả lời: “Lần cuối cùng tôi đến đây, tôi đã không xuất trình nó” (The last time I was here, I didn't have to show it). Tên quan thuế Pháp nói “Không thể nào. Người Mỹ luôn luôn phải xuất trình hộ chiếu khi đến Pháp!” (Impossible. Americans always have to show their passports on arrival in France!). Người Mỹ già nầy ném cái nhìn khó chịu đến y rồi từ-tốn trả đòn tối hậu: “Thật vậy sao? khi tôi bước lên bờ ở bãi biển Omaha vào D-Day năm 1944 để giúp giải phóng đất nước này, tôi không thể tìm thấy bất cứ một người Pháp nào ở đó để trình hộ chiếu cho họ” (Well! when I came ashore at Omaha beach on D-Day in 1944 to help liberate this country, I couldn't find a single Frenchmen to show a passport to). Tên Pháp hách dịch nầy cũng giống như cựu tông tông de Gaulle của y năm nào, "có miệng ăn nhưng không có miệng nói!", làm sao trả lời được. Chuyện nầy đã trở thành một giai thoại đối đầu ngoại giao không thiện cảm giữa người Pháp và Mỹ cho dù 2 người thuộc hai thế hệ.

 

Trở lại chủ đề, những động thái đối đầu nói trên làm quan hệ Pháp - Mỹ xấu đi đến độ sau khi thấy bị Mỹ bỏ xa trên thương trường, chính trường cũng như hầu hết các mặt khác, Pháp càng muốn vùng lên nhưng lực bất tòng tâm, chỉ có lòng hận thù Mỹ ngày càng hun đúc thêm. Người Pháp nghĩ rằng một trong những cách trả thù khả thi là “hạ bệ” đồng USD bằng cách sẽ dùng đồng một loại tiền nào đó thay thế đồng Đô la. Thế là họ bàn bạc và tạo nên loại tiền riêng cho châu Âu lấy tên là đồng Euro. Tiếp đến là họ tiến hành việc dùng đồng Euro để thay thế đồng USD. Một khi đồng USD không còn giá trị, kinh tế Mỹ sẽ suy sụp, kéo theo những biến chuyển xấu khác, đó là cách trả thù có tính toán của người Pháp. Tuy nhiên, âm mưu của Pháp đã tan tành thành mây khói khi người chủ trương và cũng là đầu tàu trong việc thi hành ý định hạ bệ đồng USD đã bị “xộ khám” tại Mỹ.

 

Dominique Gaston André Strauss-Kahn, gọi ngắn là Dominique Strauss-Kahn, thường được gọi trên báo chí là DSK, là một nhà kinh tế, luật sư, chính trị gia, thành viên của Đảng Xã hội Pháp (PS), Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF từ ngày 28-9-2007, cũng là một ứng cử viên sáng giá dành chiếc ghế tổng thống Pháp, là người nối chí “chống Mỹ cứu nước” của cựu tông tông Pháp Charles André Joseph Marie de Gaulle (gọi tắt là de Gaulle).

 

DSK luôn tâm niệm rằng việc “hất cẳng” đồng USD là nhiệm vụ cấp thiết của ông nói riêng và của toàn dân Pháp, nói chung. Ngày 14-5-2011, DSK đã bị cảnh sát Hoa Kỳ cho đeo “còng số 8” vì một cáo buộc liên quan đến cưỡng bức tình dục đối với một nữ nhân viên da đen của khách sạn Sofitel trên đường West số 44th, Manhattan, Nữu Ước, một khách sạn sang trọng với tiền thuê phòng mỗi đêm là $3.000 USD.

 

Nội vụ việc nầy xảy ra vào buổi trưa, khi người nữ nhân viên dọn phòng bước vào phòng của ông Strauss-Kahn, khi đó DSK đang ở trong nhà tắm bước ra trong tình trạng lõa lồ và túm lấy nữ nhân viên này rồi đè cô ta lên giường và ép cô quan hệ tình dục bằng miệng. Sau đó cô hầu phòng đã chạy thoát được và ông Dominique Strauss-Kahn nhanh chóng ra sân bay để trở về Paris. Ông bị cảnh sát New York (NYPD) bắt và dẫn giải khỏi máy bay của hãng Air France chỉ vài phút trước giờ cất cánh, đưa vào “nhà đá” để cho ông biết đá biết vàng rằng: cuộc đời chính trị của ông đã cáo chung, thân bại danh liệt.

 

Người ta cho rằng việc cáo buộc tội sách nhiễu tình dục nầy chỉ là một âm mưu thâm độc để “trừng trị” kẻ đã dám có “âm mưu hạ bệ đồng USD” tuy rằng không có bất cứ bằng chứng nào được đưa ra cho luận cứ nầy. Cũng chính vì “âm mưu hạ bệ” đồng Mỹ kim nầy đã không những làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của DSK mà còn kéo theo sự xuống dốc thảm hại của đồng Euro, dẫn đến nền kinh tế của Khu vực Liên Âu đi từ hết xụi đến bại, đồng Euro mất giá và khó “giữ mình” thì nói chi đến việc thay thế đồng USD. Quả là “thủ đoạn chính trị”, có khác!

 

 

DSK (trái) bị còng tay, đi cùng luật sư  *  Nhân viên khách sạn bị DSK làm ẩu

 

Trước khi chấm dứt việc “chống Mỹ” quyết liệt nhất của nước Pháp ta cần biết thêm chuyện liên hệ.

 

Trước khi chính quyền T.T. George W. Bush tấn công vào Iraq, khi Mỹ đưa ra Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc [tiếng Anh: United Nations Security Council, viết tắt UNSC, cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế] bản dự thảo nghị quyết để tấn công vào Iraq. Chính phủ Pháp [dưới thời T.T. Jacques René Chirac, cũng là một “đệ tử ruột” của De Gaulle] lợi dụng được “quyền phủ quyết” của “Ủy viên thường trực” (UVTT) đã bỏ phiếu “phủ quyết” (chống) lại nghị quyết do Mỹ đưa ra nầy.

 

Đây là hành động “phản bội” hèn hạ của Pháp đối với Mỹ để thỏa mãn cái tính thù vặt của họ khi họ dùng cái “quyền” mà họ đang có. Chúng ta biết rằng sau thế chiến 2, Mỹ là nước có ảnh hưởng lớn nhất nếu không nói là có “quyền” với tổ chức LHQ mới được thành lập. HĐBA/LHQ có 5 Ủy viên thường trực. Cái ghế “Ủy viên thường trực” mà Pháp đang “ngồi” cùng 4 ủy viên khác (là Anh, Mỹ, Nga và Trung Hoa; năm 1971 giao lại cho Trung Cộng) có được là do Thủ Tướng Anh Winston Churchill thuyết phục Hoa Kỳ ban cho. Pháp được ân huệ với chiếc ghế nầy, chỗ ngồi đáng lẽ là của Ba Tây (Brazil), vậy mà họ lại không có liêm sỉ khi mình dùng chính cái quyền mà mình có chống lại nước đã từng “ban” cho mình cái quyền đó. Trò đời là thế!

 

Đi ngược lại thời gian trước đây liên quan đến vị thế đồng USD, khi trở thành bá chủ thế giới, địa vị của nước Mỹ gặp phải nhiều thách thức. Vào những năm 1980, không ít người tin rằng Nhật sẽ trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới khi thấy kinh tế Nhật tăng trưởng vượt bậc, hàng hóa Nhật bán khắp nơi, v.v… Thế nhưng điều nầy không xảy ra: năm 1985, Mỹ ký thỏa ước Plaza, gây ra bong bóng kinh tế ở Nhật và từ đỉnh cao, kinh tế Nhật đã rớt xuống vực sâu. Cái gọi là “phục hưng” rồi “vượt Mỹ”, thậm chí là “mua cả nước Mỹ” đã trở thành một “giấc mơ”, không hơn không kém. Lúc đó, Mỹ “nợ” Nhật giống như ngày nay Mỹ nợ Tàu cộng.

 

Sang thập niên 1990, sự trỗi dậy của khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) cũng tương tự, đã dẫn tới thái độ cứng rắn kiểu đối kháng với Mỹ của các nước khu vực Châu Âu, nhất là những nước bài Mỹ, ghét Mỹ, thù Mỹ như Pháp, Đức. Ta hãy xem những “lời vàng, thước ngọc” tán tụng đồng Euro như thế nào.

 

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (European Central Bank) là Wim Deisenburg tin tưởng rằng việc phát hành đồng Euro “sẽ xuất hiện trong sách sử của tất cả các nước chúng ta và mở ra một kỷ nguyên mới tại châu Âu” (nguyên văn: that the launch of Euro "will appear in the history books in all our countries and beyond as the start of a new era in Europe"). Còn trên tạp chí Foreign Policy năm 2004, Parag Khanna đã miêu tả văn hoa, giọng điệu :chắc ăn" như sau: “…cái Liên minh châu Âu “cá tính” ấy như “một siêu cường lôi cuốn” oai vệ bước qua nước Mỹ cường tráng nhưng quê mùa trên sàn diễn ngoại giao toàn cầu” (described the "stylish" European Union as a "metrosexual superpower" strutting past the testosterone-fueled, boorish United States on the catwalk of global diplomacy).

 

Cuối năm 2004, nhà kinh tế học Jeremy Rifkin cũng viết một bài tán tụng dài có tựa đề “Giấc mơ châu Âu: Vì sao tầm nhìn tương lai của châu Âu đang âm thầm che khuất Mỹ” (penned a encomium, “The European Dream: How Europe’s Vision of the Future Is Quietly Eclipsing the American Dream”). Phụ họa thêm, phóng viên tờ Washington Post T.R. Reid, một người Mỹ, theo cách nói của người miền Nam chúng ta, tên “ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản” thì viết: “Nước Mỹ của châu Âu: Siêu cường mới và cái kết cho vị thế số 1 của Mỹ” (The United States of Europe: The New Superpower and the End of American Supremacy).

 

Còn chuyên gia chính sách đối ngoại Mark Leonard thì đưa ra những lời giải thích hoa-mỹ cho câu hỏi “Tại sao châu Âu sẽ thống trị thế kỷ 21?” (foreign-policy expert Mark Leonard explained “Why Europe Will Run the 21st Century?”) với ngụ ý rằng “nước Mỹ sẽ sụm bà chè. Tôi cá với anh!” (I bet you!). Tất cả những điều đó cho thấy họ hy vọng đồng Euro sẽ quật ngã $USD để thế chỗ đứng số 1, và họ tin "chắc nịch" là sẽ xẩy ra.

 

Về phần mình, có những lúc dưới sự lãnh đạo của vài chính phủ yếu ớt với các viên chức cầm đầu “chịu ảnh hưởng của Âu châu”  thuộc đảng Dân Chủ, các cấp chính quyền đó cũng từng coi đồng Euro và Eurozone là đối thủ mạnh. Tuy vậy, không đầy 10 năm sau, những “viễn cảnh tươi sáng” đó của khu vực Eurozone đã trở nên ảm đạm, thê lương, đến mãi bây giờ. Giấc mộng “chia thiên hạ làm đôi” của đồng Euro cuối cùng như bong bóng vỡ tan trong đám mây nợ công của châu Âu, chỉ trừ vài nước trục lợi từ đồng Euro.

 

Trong số những kẻ tán tụng đồng Euro được kể ở trên, không biết có ai đó tự xem lại những lời tuyên bố nẫy lửa đó của mình không; những cuốn sách bán chạy nhất (best seller) ấy có xảy ra đúng như hiện nay không, khi mà “giấc mơ châu Âu” với “đồng Euro sẽ lên ngôi bá chủ” đã trở thành cơn ác mộng. Đồng Euro đang mấp mé bờ vực sụp đổ, cái liên minh khai sinh ra nó đang sa lầy trong các cuộc khủng hoảng mà không biết bao giờ mới thoát khỏi, mới giải quyết xong.

 

 

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận được công bố vào đầu tháng 12/2011, tại Pháp, 36% người được hỏi, bày tỏ nguyện vọng được sử dụng lại đồng Franc và 45% cho rằng Euro là một “trở lực”. Một điều cần biết khác là những bất đồng giữa các nước xử dụng đồng Euro. Khủng hoảng Euro làm dấy lên nghi kỵ giữa các thành viên khối Euro: Đức chỉ trích Hy Lạp và Ý, ngược lại cả Athens lẫn Roma thì nghĩ rằng họ không thể bị bỏ rơi.

 

Theo các nước thuộc Eurozone thì chính quyền Bá Linh quá “ích kỷ”. Đức luôn coi trọng mục tiêu kềm hãm lạm phát là ưu tiên nên từ đó áp đặt chính sách tiền tệ, mô hình tài chính của chính mình với các thành viên khác với dã tâm bất chính. Các ngành sản xuất và xuất cảng của Đức đã hưởng lợi nhiều kể từ khi khu vực đồng Euro ra đời.

 

Một nghiên cứu của ngân hàng Đức Metzler cho thấy nhờ sử dụng đồng Euro, ngành công nghiệp xe hơi của Đức chỉ trong một thập niên đã tiết kiệm được từ 300 đến 500 triệu Euro. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn McKinsay trong 10 năm qua, 2/3 tăng trưởng của Đức có được là nhờ đồng Euro. Ông Peter Navarro, trưởng cố vấn thương mại của T.T. Donald Trump tuyên bố rằng “Đức đang sử dụng đồng Euro định giá thấp kinh niên để thúc đẩy xuất khẩu của nước họ và lợi dụng các nước Liên Âu để trục lợi cho mình”.

 

Quan điểm này dường như phù hợp với tuyên bố của T.T. Trump, rằng “Liên minh châu Âu là phương tiện của Đức, bị Đức lợi dụng để làm giàu cho họ”. Một đồng tiền chung không thể phù hợp với các nhu cầu khác nhau của các nền kinh tế bị tác động bởi những cú sốc khác nhau. Cốt lõi của vấn đề không xuất phát từ một đơn vị tiền tệ mà khủng hoảng hiện nay là hậu quả của những tính toán sai lầm.

 

Ngay từ đầu thập niên 90, khi hệ thống đồng Euro còn phôi thai, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lầm tưởng rằng các nước sử dụng đồng Euro không cần phải phối hợp chính sách kinh tế, không cần phải đặt ra vấn đề đồng nhất các khoản ngân sách chi tiêu công cộng, đến khi khủng hoảng xảy ra thì họ mới hốt hoảng tìm ngõ thoát hiểm nhưng đã quá trễ.

 

 

Nhận định của ông Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế học và Chính sách công tại Đại học Harvard, cựu Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF được trích dẫn kế đây, được xem như lời tạm kết của tiểu đề nầy. Nhận định được đăng trong tiểu luận có tựa là “Eurozone: Cải cách hay là chết” (The Eurozone Must Reform or Die) trên Project Syndicate như sau:

 

“Hiện nay, rõ ràng là đồng Euro không còn cần thiết cho sự thành công của EU, và thay vào đó còn cho thấy là một chướng ngại lớn như nhiều nhà kinh tế học châu Âu đã dự đoán. Các quan chức của Cộng đồng châu Âu từ lâu đã ví sự hội nhập ở châu Âu như là hành động đạp xe đạp: người ta phải di chuyển liên tục về phía trước nếu không sẽ bị ngã. Nếu vậy, việc áp dụng đồng tiền chung quá sớm cũng giống như đánh lái xe đi vòng qua một con đường xi măng dày và chưa khô” (It is now fairly obvious that the euro was not necessary to the success of the EU, and instead has proved a massive impediment, as many economists on this side of the Atlantic had predicted. Eurocrats have long likened European integration to riding a bicycle: one must keep moving forward or fall down. If so, the premature adoption of the single currency is best thought of as a detour through thick, wet cement).

 

Âm mưu thứ hai trong ý đồ hạ bệ đồng USD đến từ Trung Cộng. Đồng Nhân dân tệ (NDT) (bính âm: rénmínbì, viết tắt theo quy ước quốc tế là RMB, Renmibi, vì thế đồng tiền của Tàu cộng có 2 tên gọi) là tên gọi chính thức của đồng tiền Trung Cộng (nhưng không sử dụng chính thức ở Hong Kong và Macau).

 

Ai cũng biết ý đồ muốn làm siêu cường số một của Trung Cộng về kinh tế lẫn chính trị, quân sự. Thời cơ đến với Tàu Cộng trong 8 năm dưới thời đảng Dân Chủ do Bill Clinton làm chủ Bạch Cung. Clinton là tổng thống chỉ lo o mèo để bị kiện tụng, bị đàn hặc vì tội sách nhiễu tình dục hơn là làm cho nước Mỹ cường thịnh. Điều đáng trách là Clinton đã tiếp tay làm cho Trung Cộng lớn mạnh qua nhiều quyết định về kinh tế.

 

Đến trào Obama, thời cơ lại đến với Tàu Cộng trong ý đồ muốn dùng đồng Nhân dân tệ thay thế đồng USD. Vào ngày 25-3-2009, Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Timothy Geithner, một thủ túc tín cẩn của Obama xác nhận tại cuộc hội thảo do Council on Foreign Relations tổ chức, khi nói rằng “Hoa Kỳ sẵn sàng thảo luận về đề nghị tìm ra một siêu ngoại tệ làm dự trữ toàn cầu”. Điều nầy có nghĩa ông ta đồng ý việc thay đổi ngôi vị “bá chủ” hiện nay của $USD.

 

Hành động nầy cho thấy chính quyền Obama đang cố tình đánh mất vị thế độc tôn của mình, một hành động ngu xuẩn, dại dột đến độ khó hiểu qua câu nói của người đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong ngành tài chánh Mỹ. Người ta cho rằng chính phủ Obama cũng liên đới chịu trách nhiệm, họ cùng một giuộc, toàn là “quân ăn hại”.

 

Câu nói không suy nghĩ của Geithner xảy ra trong bối cảnh trước đó hai ngày, hôm 23-3-2009, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Cộng Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) có một bài bình luận góp ý việc cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và quyền “trích xuất đặc biệt” (special drawing wights, SDR). Mới đầu khi nghe qua, ai nấy đều nghĩ y có ý tốt, nhưng dần dần con cáo nầy lộ cái đuôi khi nói rằng “đã đến lúc thế giới phải có một ngoại tệ dự trữ khác hơn là đồng USD”.

 

Thực chất, hàm ý của tên Chệt nầy là “Tàu Cộng muốn hạ bệ đồng Mỹ kim để tìm một loại tiền tệ khác để thay thế”. Không nói thẳng ra nhưng ai nấy đều biết họ Chu muốn nói đến đồng Nhân Dân tệ. Tuyên bố của họ Chu không làm thị trường thế giới giật mình, chao đảo nhưng khi Tổng trưởng Geithner đáp lời rằng “Điều đó đúng, chúng ta nên nghiên cứu về chuyện ấy” thì cả thế giới giật mình, thị trường chứng khoán New York chao đảo, đồng Mỹ kim tuột giá thảm hại so với các đồng ngoại tệ lớn khác như đồng Yen, Euro, bảng Anh.

 

Sau đó, khi được gặng hỏi về việc nầy, Geithner đã vòng vo chối phăng, nói là mình nói có nội dung bênh vực đồng USD. Đúng là quân ăn hại! Vậy mà đám truyền thông thiên tả Mỹ dấu nhẹm việc nầy, vẫn tung hô mọi hành động, chủ trương, đường lối của đảng Dân Chủ.

 

Năm 1999, IMF đã quyết định đưa đồng Euro vào giỏ thay cho đồng Mark của Đức và đồng Franc của Pháp. Năm 2013, đồng NDT đã vượt qua đồng Euro để trở thành đồng tiền quan trọng thứ hai trong tài trợ thương mại, chiếm 9% thị trường toàn cầu. Đồng USD vẫn chiếm vị thế thống trị với 81%.

 

Nếu tính một đồng tiền được sử dụng rộng rãi thì đồng NDT xếp vị trí thứ 5 sau $USD, Euro, bảng Anh và Yên Nhật. Đồng NDT khi đó chỉ chiếm 2,2% thị trường toàn cầu trong khi đô la Mỹ chiếm 44%. Đồng Nhân dân tệ sau thời gian đầu tăng giá theo sự tăng trưởng của nền kinh tế Tàu Cộng. Đến tháng 8 năm 2015, lên mức 2,8% trong tổng giao dịch toàn cầu, biến đồng tiền của Trung Quốc thành loại tiền tệ được sử dụng nhiều thứ tư trên thế giới. Tháng 11-2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chính thức thêm đồng Nhân dân tệ vào giỏ các đồng tiền dự trữ, bên cạnh đồng USD, Euro, Bảng Anh và đồng Yên Nhật.

 

 

Chiến đấu cơ do Won Park xếp từ tờ bạc giấy $1 USD

 

Tuy nhiên, kể từ năm 2015, sự tăng trưởng này gần như bị đảo ngược. Tỷ trọng của đồng NDT trong tổng thanh toán toàn cầu giảm xuống còn 1,6%, đẩy thứ hạng của đồng tiền nầy xuống thứ 7. Tỷ lệ sử dụng đồng NDT trên thị trường trái phiếu toàn cầu giảm 45% kể từ 2015. Các khoản tiền gửi bằng NDT tại các ngân hàng Hong Kong cũng giảm một nửa. Trong khi 35% thương mại với ngoại quốc của Tàu Cộng (China’s cross-border trade) được thanh toán bằng đồng NDT vào năm 2015, phần lớn số còn lại bằng đồng USD, (with most of the remainder in dollars) giờ đã giảm xuống còn khoảng 12% (that share has fallen to about 12% today).

 

Các nhà chuyên môn cho rằng đồng NDT xuống giá so với đồng USD nói lên việc tăng trưởng kinh tế Trung Cộng chậm lại, vốn được tiếp sức bởi các khoản nợ cùng tình trạng rủi ro bị vỡ nợ gia tăng. Vì thế, người Tàu và các doanh nghiệp của họ “đang tìm nhiều cách (hợp pháp và không hợp pháp) để chuyển tiền ra nước ngoài” [seeking new ways (legal and otherwise) to move money out of the country].

 

Trước hai lựa chọn giữa ổn định kinh tế ngắn hạn và sự linh hoạt của đồng tiền, Trung Cộng đang lựa chọn sự ổn định. Điều này đặt ra những câu hỏi từ các doanh nghiệp về sự cam kết dài hạn của họ với việc tự do chuyển đổi của đồng tiền, là yếu tố quan trọng để xác định đồng NDT có thể là một đồng tiền dự trữ hay không.

 

Một yếu tố khác làm suy yếu đồng NDT là việc Tàu cộng không còn tiềm năng xuất khẩu. Tỉ trọng xuất khẩu của TC tăng từ 1% vào năm 1980 lên 14% vào năm 2015, biến đất nước này trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nhưng tỷ trọng trong xuất khẩu toàn cầu của Tàu cộng đã giảm kể từ đó, xuống còn 13,3%.

 

Những người từng coi Trung Cộng là phiên bản quốc gia của Amazon.com [có nghĩa là năm nào cũng bán được nhiều hàng hóa hơn tới nhiều người hơn] đã cảm thấy thất vọng (Those who saw China as the national equivalent of Amazon.com, selling more to more people year on year, have been disappointed).

 

Ông Châu Hữu Quang (Zhou Youguang), một người nổi tiếng ở Tàu cho rằng “Về kinh tế… Tàu mở cửa là tiếp thu biện pháp “Ngoại bao” [Outsourcing: xí nghiệp gia công sản phẩm; nước ngoài bao cung cấp vốn và bao tiêu thụ sản phẩm], nói trắng ra là dùng sức lao động rẻ tiền của chúng ta để phục vụ cho nước ngoài. Chuyện này chẳng có gì vẻ vang cả” (Reform and opening up in the economy is to accept outsourcing, that white is to use our cheap labor for people to serve. This is not a glorious thing). Ngày nay dường như đã chấm dứt.

 

Một yếu tố khác làm cho đồng NDT xuống giá là sự đảo chiều của toàn cầu hóa. Các dòng chảy vốn, đầu tư trực tiếp ở nước ngoài và cho vay giảm hơn 2/3, từ 11,9 nghìn tỷ USD xuống còn 3,3 nghìn tỷ USD từ 2007 đến 2015. Các biện pháp phân biệt đối xử thương mại lại nở rộ hơn những chính sách tự do hóa thương mại. Các hàng rào thương mại cũng được dựng lên. Hàng hóa mua bán cũng giảm 10% từ năm 2011 đến 2015. Hàng hóa xuất khẩu của Tàu cũng giảm theo làm cho giá trị hàng hóa tính bằng đồng USD đã giảm hơn 9,1% kể từ năm 2015. Những thảm trạng nói trên làm cho đồng NDT khó bề đứng vững huống chi đến việc thay thế đồng USD.

 

Nếu kinh tế thế giới chưa thoát khỏi sự ràng buộc vào đồng USD, Trung Cộng tiếp tục ở vị thế “người làm thuê cho Mỹ”. Sự ràng buộc vào đồng USD khiến Tàu Cộng dùng vàng bạc thật để tạo ra sản phẩm, mang đi xuất khẩu và đổi lại những “đồng bạc xanh” được in ấn tinh xảo của Mỹ.

 

Nếu xuất phát từ khía cạnh này, việc Tàu cộng có thể vượt Mỹ về kinh tế hay không, không phải là vấn đề cốt lõi và ưu thế về GDP của Tàu là hoàn toàn vô nghĩa. Điều cốt lõi là giá trị thực của đồng USD. Nhìn lại cái giá phải trả trong quá khứ của Nhật, của đồng Euro và đồng bảng Anh trong các cuộc đấu với đồng USD, Trung Cộng cần nhận thức rằng “việc vượt Mỹ về GDP tuyệt đối không phải là cái gì đó đáng vui mừng khi đồng USD vẫn còn là đồng tiền quan trọng”.

 

Đây chỉ là bước đi đầu tiên trong cuộc vạn lý trường chinh mà họ đang tiến về phía trước nhưng luôn ngoảnh lại sau để xem chừng các đồng chí của họ “ai còn, ai đã ẳm tiền trốn sang nước khác” để vinh thân phì gia khi thấy việc đồng tiền của họ theo kịp đồng USD chỉ là chuyện mơ hồ.

 

Nhận xét của hai chuyên viên Benn Steil & Emma Smith của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council of Foreign Relations) có thể xem như lời kết về vấn đề nầy, việc Tàu cộng muốn soán ngôi của đồng USD: “Kết quả cuối cùng là, so với chỉ một vài năm trước, thế giới có ít, nếu không muốn nói là không có lý do nào để tiếp tục dự trữ đồng NDT. Giờ đây, sự toàn cầu hóa của đồng NDT không còn “chắc chắn và không gì có thể ngăn cản được”. Ngược lại, trong tương lai gần, quá trình đó dường như đã thực sự qua rồi” (nguyên văn: The net result is that, compared to just a few years ago, the world has little, if any, reason to continue accumulating RMB. The globalization of the RMB is no longer “remorseless and unstoppable.” On the contrary, it appears, for the foreseeable future, to be well and truly over).

 

3. Lời kết.

 

Là đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh trên toàn thế giới, đồng USD được xem là đồng tiền dự trữ toàn cầu khá an toàn. Điều lo ngại của Mỹ là khi đồng USD tăng giá, nó sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Vấn đề Mỹ quan tâm là thu hút đủ người mua các khoản nợ của Mỹ để tài trợ cho kế hoạch cứu nền kinh tế của họ. Tâm lý con người được kích động bởi bản chất sinh tồn, thương mến bênh vực kẻ yếu, ghét kẻ mạnh, âm thầm chán ghét tính cao ngạo qua các chính sách ngoại giao mang tính ỷ vào thế mạnh về quân sự và độc đoán của Mỹ. Họ sẽ rất vui để vứt bỏ đồng đô la và nhìn siêu cường cô đơn nầy oằn oại và sụp đổ nếu việc nầy xảy ra. Một điều chắc chắn là các nhà hoạch định chính sách và các giới chức chính quyền Mỹ đã thấy được nan đề nầy nên họ tìm biện pháp đối phó trước những nguy cơ có thể xảy ra không những do các quốc gia thù địch mà còn từ các đồng minh thân cận và những nước từng được Mỹ cưu mang.

 

Trong quá khứ, Mỹ đã giúp Nhật tái thiết sau chiến tranh để giàu mạnh, giúp Đức tồn vong và tiến bộ trong và sau chiến tranh lạnh nhưng đã bị chính các “đồng minh chí cốt” nầy "đá giò lái". Ngày nay lại thêm các nước Cộng sản Nga, Tàu rồi Iran cùng hùn gió để bẽ măng khi họ nghĩ rằng “thời gian họ bị Mỹ qua mặt và dọa nạt đã đủ rồi”.

 

Tuy nhiên chừng nào người ta còn tin vào đồng USD, chừng nào các thế lực tài phiệt (hữu danh và dấu mặt) đã và đang khống chế thế giới về nhiều phương diện còn tin tưởng và quyết định chọn đồng USD làm đồng tiền tiêu chuẩn, chừng nào nền kinh tế Mỹ vẫn còn dẫn đầu thế giới thì việc tấn công và lật đổ vương vị đồng USD có thể xem như việc “đội đá vá trời”. Xin chớ vội lo! Với những thế lực, những quốc gia lăm le chiếm đoạt ngôi vị quán quân của đồng USD chớ vội mừng! Tuy vậy, việc phòng ngừa trước bất cứ âm mưu đen tối nào cũng không thừa, vẫn là điều nên làm. “Siêu cường cô đơn” hãy cẩn thận! Nước Mỹ hãy thức giấc! Wake up, America!

 

Lê Chánh Thiêm.

Tháng 11-2015, có thêm và sửa đổi.

 

(Trích trong tiểu luận “Những nhược điểm của Mỹ nếu chiến tranh xảy ra”).

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây 
Xem trang Kiến thức, tài liệu, click tại đây 
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh