Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
KHI ĐÀN CHIM TRỞ VỀ
VƯƠNG HOÀI UYÊN

 

Những ngày cuối Đông lạnh lẽo cũng qua nhanh. Sa đã bắt đầu rủ bỏ chiếc khăn voan lúc nào cũng buộc quanh cổ. Chị hay bị viêm họng nên hầu như suốt mùa Đông và cả mùa Xuân của miền ôn đới nầy ít khi nào chị rời bỏ chiếc khăn quàng. Nắng bắt đầu vàng óng như mật ong vào những ngày đầu Xuân. Cây cối trong vườn như xanh hơn, bầu trời như cao hơn và trong vắt không gợn mây. Một ngày nắng đẹp đầu Xuân ra vườn, Sa tình cờ bắt gặp một tổ chim với bốn cái trứng màu xanh biếc trên một chạc cây sồi. Bốn cái trứng có màu xanh đẹp quá, chắc chim bố mẹ cũng có màu xanh nầy. Sa lặng lẽ theo dõi và thấy một đôi chim màu xanh lá non, vùng lông cổ pha màu xanh lá mạ, mỏ đỏ, bay về. Đôi chim đẹp quá, bộ lông của nó như một sự pha màu tuyệt mỹ của một họa sỹ. Buổi cơm chiều, Sa thông báo cho chồng và vợ chồng con gái cùng các cháu đừng ra chỗ cây sồi, sợ làm kinh động chim sẽ tha trứng đi nơi khác.

 

Trong khu vườn rộng của nhà con gái, Sa thích cây sồi nầy nhất. Có lẽ sự ưu ái đối với cây sồi bắt nguồn từ một đoạn trích từ tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình“ của Leon Tolstoy (đoạn “Cây sồi bên đường“) mà khi còn đứng lớp chị đã dạy cho học sinh lớp 11 trong giờ giảng văn. Vẻ trầm tư, xơ xác vào mùa Đông, và những đổi thay kỳ diệu của cây sồi khi mùa Xuân đến đã nói thay cho Aldrey rất nhiều những trăn trở, suy tư trong lòng người đàn ông nầy. Khu vườn cũng gợi cho chị nhớ khu vườn thời thơ ấu mà mình đã sống cùng gia đình. Dĩ nhiên ở đây không có những loại cây miền nhiệt đới, nhưng dáng vẻ của cây cối trong vườn cũng gợi nhớ nhiều điều ngỡ đã quên lâu.

 

 

Chân dung tác giả

 

Nhớ nhất là những buổi sáng mùa đầu Hè khi bắt đầu được nghĩ những ngày đầu tiên sau một năm học hành. Thay vì vào giờ đó đã tất bật đến trường, Sa ra vườn mải mê ngắm những đàn chim sẻ bay sà xuống thảm cỏ xanh. Buổi sáng, khu vườn yên tĩnh với ánh nắng mùa Hè ấm áp thu hút chim chóc. Những chú chim bé nhỏ có lẽ vì đói quá nên dùng mỏ rỉa cỏ để ăn. Sa rất mê chim, ý nghĩ có một con chim nhốt vào lồng để chơi làm Sa nôn nao. Sa vào nhà lấy một cái rổ tre nhỏ, chống cái rổ bằng một chiếc đũa, bên trong rải một nhúm gạo, cột một đầu đũa bằng môt sợi dây rồi nằm dài núp sau một gốc cây to. Chim sẻ rất khôn, nhiều con mon men vào mổ gạo nhưng khi Sa giật dây thì chim đã đủ thời gian để tung cánh bay lên. Bao nhiêu buổi sáng như thế vẫn không thể bắt được con chim nào. Có một anh chàng hàng xóm – anh Phú – ngồi bên kia hàng rào học bài thi, đã ôm bụng cười khi thấy Sa nằm sấp mai phục như trinh sát, mỗi lần giật dây cả bầy chim bay lên như trêu ngươi. Mặc kệ, hồi đó Sa chỉ mới học lớp sáu, với Sa ai cười chỉ để …hở mười cái răng!

 

Mặc dù bận học thi đại học, nhưng anh Phú cũng hứa sẽ kiếm cho Sa một con chim sau khi thi xong. Năm đó anh Phú vào Sài Gòn và thi đỗ vào trường Y. Khi về anh giữ lời hứa, đã kiếm cho Sa một con chim sẻ, nhưng vì chỉ có một con nên ít lâu sau chim buồn, bỏ ăn và chết. Dẫu rằng chỉ là một con chim bé tí trong lòng tay nhưng Sa và đám bạn cũng khiêng đi chôn, thắp hương và khóc. Anh Phú vào Sài Gòn học đại học, Sa lên lớp bảy và cũng hết bẫy chim từ đó.

 

Những năm sau nầy, mỗi năm mỗi bận rộn học hành nên Sa không còn những mùa Hè rong chơi nữa. Khi Sa tốt nghiệp Tú tài thì anh Phú cũng vừa ra tốt nghiệp Đại học. Bác Năm hàng xóm – mẹ anh Phú – đi đâu cũng khoe con mình vừa tốt nghiệp bác sỹ Y khoa. Những bà mẹ có con gái trong làng ai cũng muốn kết thân với bác Năm, nhưng bác hay nói xa nói gần rằng con bác lấy vợ phải lấy con nhà danh giá. Chỉ tội nghiệp chị Sương của Sa, mấy người bạn anh Phú hay cặp đôi chị Sương với anh Phú. Từ khi anh Phú thi đỗ vào trường Y, bác Năm hay làm bộ lạnh nhạt với chị Sa, và hay nhìn chị Sa với cặp mắt đầy ác ý. Sa biết trong lòng chị Sương yêu anh Phú từ khi còn học phổ thông, chị học sau anh Phú hai lớp, cùng trường. Những khi có bài toán khó chị hay qua nhà nhờ anh Phú giải dùm. Khi anh Phú tốt nghiệp trường Y, chị Sương cũng vừa tốt nghiệp cử nhân và ra trường đi dạy ở một thành phố miền cao nguyên. Họ thật sự xa nhau từ đó. Sa thì vừa chập chững bước vào trường đại học với tất cả tâm tư của một cô gái tỉnh nhỏ lần đầu sống ở thành phố lớn như Sài Gòn hoa lệ.

 

Thời đó các cô gái Sài Gòn đi học đại học diện như đi dạ hội. Sa thấy mình đúng điệu gái quê: Vẫn áo dài trắng lụa trơn, giày thấp gót như hồi còn học phổ thông. Những năm trung học, y phục của Sa gần như không gì ngoài màu trắng. Sa gần gũi với màu trắng một khoảng thời gian khá lâu dài. Vào Sài gòn thấy nữ sinh viên đi học mặc trang phục đủ màu sắc khiến Sa thấy lạ. Không những lạ vì người, Sa còn lạ vì khí hậu Sài Gòn. Nắng thì như đổ lửa, mưa thì ào ạt như nhịp sống của thành phố nầy. Sa thấy nhớ mùa mưa ngoài Trung, co ro đi học trong từng cơn mưa nhỏ rét buốt dịu dàng. Có khi cơn mưa nhỏ kéo dài cả tuần lễ, ve vuốt từng lá non, mơn man từng nụ nhỏ. Cánh cửa sổ phòng Sa ít khi đóng lại trong những ngày mưa – trừ khi là những trận mưa lớn. Cả nhà đều cho Sa kỳ quặc. Không ai biết được Sa đã ngồi đón từng cơn gió lạnh thổi qua phòng, nhìn cơn mưa nhỏ đi qua khu vườn cây xanh.

 

Sa còn biết được những biến chuyển hết sức êm đềm của lá khi từ màu xanh già cỗi sang màu xanh non sau những cơn mưa đầu mùa rét. Những chiếc lá già cỗi sẽ rụng hết. Từ muôn ngàn đọt cây của nhánh sẽ nhú ra những chùm lá non, bé bỏng trong màu xanh ngọc thạch. Lá bung ra âm thầm trong đêm khuya một cơn mưa âm thầm bay qua khu vườn nhỏ. Hết sức lặng lẽ, hết sức tĩnh mịch mà Sa nghe như có muôn ngàn tiếng reo vui. Lá đã thoát thai, đã ngoi lên khỏi sức đè nén bịt bùng của vỏ cây, đã hít thở khí trời và trải mình cho gió lay, mưa đọng – ân sũng của đất trời.

 

Sa nhìn vào cành cây, tự hỏi nó còn mang trong mình bao nhiêu lá. Chỉ biết một sớm mai nào đó thức dậy, từ cánh cửa sổ mở rộng, Sa thấy vườn cây xanh ngắt một màu xanh ngọc thạch. Một màu xanh mênh mông dàn trải khắp cả khu vườn. Chắc là đêm qua mưa suốt đêm vì lá vẫn giữ lại những giọt nước lấp lánh. Một cuốn sách bỏ trên chiếc bàn bên cửa sổ đã bị gió lật ra. Một bức tranh Sa dán trên tường đã bị gió lột, nằm úp mặt xuống đất. Mẹ nói Sa bướng và lì, bảo ngủ phải đóng cửa sổ lại mà không chịu nghe, có ngày trúng gió thì nguy. Gió mà cũng giết người được sao? Gió vốn hiền lành, một đôi lần hung hãn cũng chỉ ào ạt qua vườn, thổi xơ xác những khóm hồng bên cửa sổ, vùi dập những cọng cỏ may và ngắt đi những chiếc lá vàng. Gió đã vào phòng Sa bốn mùa. Đi về quanh năm. Gió lục lọi từng kệ sách. Đẩy đưa từng chiếc áo dài của Sa trong phòng, ru Sa từng giấc ngủ trưa nồng nắng hạ.

 

Bây giờ đi học xa, Sa thấy nhớ căn phòng nhỏ, nhớ khu vườn ở quê nhà với những mùa lá non xanh màu ngọc thạch. Vì không có bà con ở Sài Gòn, Sa và vài người bạn ở một khu ký túc xá sinh viên tư nhân dành cho con gái. Sa ở cùng phòng với Thùy và Nguyện. Ba đứa con gái chen chúc nhau trong một căn phòng nhỏ, chật chội nhưng vui. Dĩ nhiên là Sa không còn có những giây phút riêng tư để ngồi tư lự làm bạn với những cơn gió thổi qua vườn như ngày xưa nữa. Chị Sương ở Ban Mê Thuột thỉnh thoảng gửi cho Sa những bức thư buồn buồn vì nhớ nhà và vì nhớ ai nữa thì Sa biết rồi - mặc dù chị không nói. Nghe đâu anh Phú sắp cưới vợ, vợ anh đúng mẫu như bác Năm mẹ anh vẫn nói: con gái nhà giàu ở Sài Gòn. Mãnh lực đồng tiền đúng là ghê gớm thật! Sa cũng vì nó mà phải bôn ba kiếm tiền để ba má nhẹ bớt gánh nặng chi tiền cho Sa học hành.

 

Buổi chiều hôm ấy khi về đến nhà thì người Sa đã ướt dầm. Thùy pha cho Sa một ly sữa nóng và bắt Sa uống một viên thuốc cảm. Cảm giác được săn sóc – dù là sự săn sóc nhỏ nhoi của người bạn gái làm cũng đủ làm Sa ấm lòng. Sa lên giường, trùm lên người chiếc chăn mỏng. Cơn mưa buổi chiều đã đủ sức đánh tan cái không khí nóng bỏng ngột ngạt của một ngày mùa hạ. Tiếng đàn Piano từ căn nhà bên cạnh từng giọt, từng giọt thánh thót rơi vào lòng cư xá yên lặng. Tiếng đàn piano làm Sa nhớ tiếng đàn của người đàn bà vừa gặp buổi chiều. Khi Sa và Nguyện đến cổng ngôi biệt thự của bà ta thì trời đã mưa to. May mà ngôi nhà có cổng lợp ngói, hai đứa núp vào đấy tránh được cơn mưa. Cái vẻ thâm u, quí phái của ngôi nhà làm cả hai đứa đều ngại ngùng. Sa đọc báo thấy ở đây cần gia sư nên đã đi cùng với Nguyện đến đây. Ngôi biệt thự nằm giữa một khu vườn nho nhỏ trồng vài cây ăn trái và vài loại hoa. Ở giữa Sài Gòn mà có mảnh vườn như thế nầy thì đúng là thiên đường. Ngần ngại một lát rồi Nguyện đưa tay bấm chuông. Con nhỏ nầy bao giờ cũng nhanh nhẩu hơn Sa. Trong bất cứ tình cảnh nào nó cũng biết làm gì để hợp tình, hợp cảnh. Còn Sa, Sa thường thấy lúng túng khi phải giải quyết một việc gì. Đứng trước một việc khó khăn, Sa thường chỉ muốn cuộn mình lại như…con cuốn chiếu.

 

Tiếng chuông vừa rung lên thì đã thấy một u già tất tả che dù chạy ra. Nguyện lên tiếng trước:

 

- Bác cho cháu hỏi, có bà chủ ở nhà không ạ?

 

U già gật đầu rồi yên lặng mở cổng. Sa và Nguyện theo u già đi trên con đường rải sỏi dẫn vào phòng khách. Đến một căn phòng có cửa kính, bên trong là những tấm màn đăng ten màu xanh thật nhã, bà già mở rộng cửa và lên tiếng:

 

- Thưa bà có khách ạ.

 

Nói dứt câu, u già tất tả ra sau nhà như đang làm dở một việc gì. Sa và Nguyện nhìn vào khung cửa sổ mở rộng. Một người đàn bà trẻ trạc tuổi bốn mươi đang ngồi trước đàn dương cầm, hai bàn tay với những ngón búp măng thon dài dạo lên những âm thanh thánh thót. Bà mặc một bộ đồ ngủ bằng lụa màu nguyệt bạch, tóc búi cao để lộ chiếc gáy trắng muốt, khuôn mặt trông nghiêng thoáng một chiếc mũi thẳng. Dạo xong bản nhạc, người đàn bà chống cằm nhìn vào khoảng cửa sổ mở ra một khu vườn đầy mưa trắng xóa và những bản nhạc bỏ lăn lóc trên phím dương cầm. Trong một bối cảnh như vậy dáng người đàn bà có vẻ lãng mạn. Nguyện chép miệng nói nhỏ: “Đẹp quá nhỉ“. Dường như người đàn bà đang theo đuổi một ý nghĩ gì nên không biết là có khách. Đến khi Sa gõ cửa, bà ta quay lại:

 

- Các cô hỏi ai?

 

Cánh cửa phòng khách mở rộng, bà ta mời Sa và Nguyện vào. Sa rụt rè lên tiếng:

 

- Dạ, thưa cô, cháu đọc báo thấy cô đăng báo tìm gia sư nên cháu đến đây.

 

Bây giờ thì người đàn bà như nhớ ra. Bà mời Sa và Nguyện vào rồi bắt đầu câu chuyện:

 

- Tôi cần một gia sư cho con gái học lớp năm. Dạy từ bây giờ cho đến Hè để cháu chuẩn bị thi vào lớp sáu trường chuyên. Mỗi tuần dạy ba buổi vào các chiều hai, tư, sáu. Công việc của cô là kèm các môn Văn và Toán. Còn Anh văn thì đã có cô giáo khác. Sa thấy lịch dạy như vậy cũng phù hợp với thời khóa biểu học của mình, lương bỗng cũng tương đối, nên cô chấp nhận, và tuần sau thì bắt đầu công việc.

 

Buổi học đầu tiên Sa thấy học trò của mình là một cô bé có nét mặt buồn buồn, đôi mắt thoáng nét u uẩn. Cô bé có cái tên cũng đặc biệt: Đông My. Sa nghĩ con nhà giàu có như vậy tại sao lại buồn? Chắc là có nguyên nhân gì mà Sa chưa biết. Đông My ít nói, thường im lặng học dưới sự giảng dạy của Sa. Cô bé tiếp thu nhanh và khá thông minh. Đặc biệt có năng khiếu về môn Văn. Một hôm đầu giờ học, Sa thấy Đông My hai mắt đỏ hoe, hình như cô bé vừa mới khóc xong. Sa hỏi:

 

- Có chuyện gì buồn sao mà Đông My khóc?

 

Im lặng một lát rồi Đông My nói:

 

- Em nhớ mẹ.

 

Sa bàng hoàng:

 

- Vậy ra bà chủ nhà nầy không phải là mẹ em?

 

Đông My lắc đầu nói nhỏ như sợ có người nghe thấy:

 

- Là mẹ kế của em. Ba mẹ em ly dị nhau mấy năm rồi. Mẹ em muốn nuôi em nhưng không được. Mẹ em sống một mình.

 

- Nhưng chị thấy hình như mẹ kế của em cũng tốt với em lắm mà.

 

- Chị không hiểu đâu. Thôi mình học đi chị.

 

Từ đó, Sa thấy cô bé có gì đó thật đáng thương. Sa sống trong hoàn cảnh gia đình tuy không giàu, nhưng đầy đủ tình thương của cha mẹ và anh chị, nên cô thường xúc động trước những ai có gia đình không êm ấm. Chiều thứ bảy, sau tiết học, Đông My nói nhỏ với Sa:

 

- Chị có thể xin dì em chở em ra công viên chơi một tí được không? Công viên gần nhà em mà chị.

 

Sa hơi bối rối, không biết làm vậy có phật lòng bà chủ không. Nhưng thấy đôi mắt Đông My nhìn cô van lơn tha thiết quá nên Sa không nỡ:

 

- Để chị thử xem sao.Chị không chắc lắm.

 

Saukhi nghe Sa nói, bà chủ im lặng một lát làm Sa chột dạ, nhưng rồi bà nói với vẻ miễn cưỡng:

 

- Cũng được. Nhưng chỉ ra công viên thôi. Không được đi xa nhé. Và nhớ về đúng giờ.

 

Sa thở phào nhẹ nhõm. Nét mặt Đông My tươi hẳn lên khi cô bé ngồi sau xe Sa. Sa có cảm giác như mình đang chở một tù nhân vừa được phóng thích. Khi đi ngang qua công viên, cô bé nhìn lại phía sau rồi nói nhỏ với Sa:

 

- Chị Sa đừng vào công viên. Rẽ phải và đi thẳng.

 

Sa hoảng hốt:

 

- Nhưng đi đâu?

 

- Đến nhà mẹ em. Em nhớ mẹ quá. Tuần rồi em không gặp mẹ. Em van chị, chị giúp em lần nầy.

 

Sa biết nếu mình khó khước từ một lời van xin như vậy dù biết mình đã làm sai lời bà chủ.

 

Khi gặp mẹ Đông My, Sa đặc biệt có cảm tình với người đàn bà có đôi mắt buồn buồn nầy. So với mẹ kế Đông My thì bà có vẻ hiền và dịu dàng hơn. Nhìn hai mẹ con quấn quít nhau không rời Sa nghĩ mình đã làm một việc có ý nghĩa dẫu rằng cô có thể bị khiển trách và mất việc nếu bà chủ biết. Cũng may là lần ấy trót lọt, bà chủ có vẻ không nghi ngờ gì. Nhưng Sa cũng nói với Đông My lần sau cô sẽ không làm như thế nữa.

 

Từ hoàn cảnh Đông My, Sa nghĩ đến hoàn cảnh của Hoài – người yêu của Sa. Hoài cũng sống cảnh mẹ ghẻ, con chồng. Nhưng bất hạnh hơn Đông My là mẹ anh đã qua đời từ khi anh còn rất nhỏ. Mặc dù gia đình không đến nổi khó khăn nhưng từ khi lên đại học Hoài đã tự lập vì ngại bà mẹ kế. Anh kể cho Sa nghe những cách đối xử phân biệt của bà trong quan hệ giữa con ghẻ và con ruột – kể cả những thủ đoạn ti tiện nhất - trong khi đối thủ của bà chỉ là một đứa trẻ. Những lần như thế anh chỉ biết lén ra mộ mẹ ngồi khóc. Nước mắt của anh chắc cũng từng tắm ướt những ngọn cỏ xanh trên mộ mẹ. Với đầu óc giàu tưởng tượng của trẻ thơ, anh mơ ước mẹ sẽ hiện về với anh như mẹ của Nghi Xuân và Tấn Lực trong truyện cổ Thoại Khanh – Châu Tuấn. Nhưng có môt chuyện có thật mà cho đến bây giờ Hoài cũng không hiểu vì sao.

 

Có một lần bà mẹ kế của Hoài thò tay vào thùng lấy gạo để nấu cơm, có một con rắn lục đuôi đỏ nằm khoanh tròn trong ấy mổ một cái vào tay bà rồi bò lên miệng thùng chạy thoát ra vườn. May mà người nhà đưa đi cấp cứu kịp nên bà thoát chết. Làng xóm truyền nhau tin nầy và bàn tán xôn xao, đa số đàn bà trong xóm đều bình luận giống nhau: “Ở ác với con chồng cho lắm vào. Trời có mắt đấy. Mẹ thằng Hoài thiêng thật.”

 

Sau vụ nầy có người còn cam đoan chính mắt mình thấy bà mẹ kế cùa Hoài lén ra mộ mẹ Hoài đóng ba cây đinh dài xuống mộ để yểm không cho linh hồn của mẹ Hoài về nữa. Hoài còn nhớ cảm giác đau xót của mình khi nghe tin ấy. Cậu chạy ra mộ mẹ mình, tay bới cỏ tìm kiếm như điên những cây đinh để nhổ lên. Nhưng biết đâu mà tìm! Sa nghe mà chảy nước mắt, nghĩ rằng dẫu người mẹ không thể hiện về như trong truyện cổ, nhưng linh hồn bà - ở trong cõi hư vô nào đó - chắc cũng thổn thức không yên.

 

Từ những thông cảm như vậy, Sa đã yêu Hoài ban đầu với lòng trắc ẩn đối với một chàng trai có thời niên thiếu không bình yên, và biết tự lập khi còn lứa tuổi ngồi trên ghế nhà trường. Những dịp lễ, tết Hoài thường kiếm cớ ở lại làm thời vụ kiếm để kiếm tiền, nhưng thực ra anh không muốn về nhà để nhìn mặt bà mẹ kế cay độc. Những ấn tượng tuổi thơ khó phai mờ trong lòng anh. Hoài thường tâm sự với Sa rằng, không gì bất hạnh hơn những đứa con phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé. Anh nguyện sau nầy trong đời sống lứa đôi, anh sẽ bằng mọi cách không để cảnh nầy xảy ra cho gia đình mình – dĩ nhiên ngoại trừ cái chết.

 

Những điều tâm sự của Hoài khiến Sa hiểu và thông cảm với bé Đông My hơn. Có  hôm sau giờ dạy, cô bé nhờ Sa đem quà cho mẹ, Sa ngồi nghe bà Đông tâm sự nỗi niềm nhớ con, bà chỉ có mỗi đứa con là Đông My, từ khi lấy chồng bà nghe lời chồng nghỉ làm để ở nhà chăm con. Đến khi Đông My tám tuổi, vì muốn có con trai nối dõi mà ba Đông My ly hôn với bà, lại còn dành quyền nuôi con, lấy lý do bà không có việc làm nên không có điều kiện nuôi con. Người đàn bà bất hạnh trở về ngôi nhà nhỏ do ba mẹ để lại, sống một mình âm thầm chiếc bóng.

                                                           

*  *  *

 

Những cảnh, những con người mà Sa đã gặp, trở thành một mảng ký ức mịt mùng để khi tuổi đã về chiều nó lại trở về ám ảnh Sa. Chị Sương giờ cũng đã nghỉ hưu lâu rồi và cũng đã có cháu nội, ngoại đầy đủ. Sau khi anh Phú lập gia đình, chị sống vật vờ như chiếc bóng một thời gian khá lâu rồi mới lấy chồng. Cũng may là cuộc sống của chị cũng êm ấm. Anh Phú thỉnh thoảng cũng gọi điện thoại cho Sa. Mấy lần Sa về Việt Nam, anh đều mời Sa đến nhà chơi mỗi khi gia đình có chuyện vui. Gặp ai anh cũng giới thiệu Sa là em vợ hụt. Mỗi lần nghe anh gọi như thế Sa lại chạnh lòng nghĩ đến chị Sương, và nghĩ cái “hụt“ đó không phải tại ông trời, mà do anh – hoặc bà mẹ ham giàu của anh - quyết định. Dù sao, Sa vẫn còn nhớ con chim sẻ anh tặng ngày xưa trong thời thơ ấu mê chim của mình như tấm lòng của một người anh lớn.

 

Sa nhìn vợ anh Phú và nghĩ ở đời cái gì cũng có giá của nó. Vợ anh Phú dĩ nhiên là không đẹp bằng chị Sương của Sa, một người đàn bà như thế lấy môt người chồng bác sỹ đẹp trai như anh Phú dĩ nhiên là có sự bù trừ bằng một gia thế giàu tiền bạc và thế lực. Đó là không biết chị có chiếm được một góc nhỏ nào đó trong trái tim của chồng mình hay không. Những cuộc tình có tính toán cân đo - theo Sa - chỉ có ở những con người có trái tim như một cỗ máy. Điều đó không hề có đối với những cuộc tình như Sa và Hoài. Họ đã yêu nhau từ những năm đại học và cùng đi với nhau đến cuối cuộc đời. Sau khi thôi dạy bé Đông My, Sa vẫn giữ liên lạc với cô bé. Đông My lớn lên học hành giỏi giang như lời khuyên của Sa. Vì chỉ có cách đó em mới có ngày trở về với mẹ. Và đúng như thế, sau khi tốt nghiệp đại học, Đông My đã đủ trưởng thành để từ giã cái gia đình có bà mẹ kế, trở về sống với người mẹ đơn chiếc của mình.

 

Ở đất nước lạnh lẽo nầy, mùa Đông, những người lớn tuổi như Sa thường sống tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài. Đôi khi có việc phải ra ngoài, từ trong nhà chạy ra ga ra chỉ cách có mấy bước chân nhưng không khí lạnh buốt da thịt làm chị chao đảo. Vì thế những hôm trời nắng ấm đầu mùa Xuân như hôm nay chị hay lang thang trong khu vườn nhiều cây cối, nhìn những cái trứng chim màu xanh biếc và mơ một ngày những con chim non sẽ mở mắt chào đời như một ký ức mê chim từ thời thơ ấu. Và những đàn chim khác nữa, mùa Đông dài lạnh lẽo đã làm chúng bay đi tránh rét, nhưng khi khu vườn đã rải đầy nắng ấm mùa Xuân, những đàn chim thiên di rồi cũng sẽ quay về.

 

VƯƠNG HOÀI UYÊN

(Denver – USA. 2017).

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Văn, click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh