Trao đổi về bài:
Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học VN: “Không vội… ném đá đề xuất tiếq Việt”
Chuyện đề xuất hay gì gì đó về chữ nghĩa của PGS-TS Bùi Hiển lùm xùm suốt mấy ngày qua trên mạng xã hội; và rồi chính ông cũng đã lên tiếng giải thích với phóng viên truyền hình. Tưởng đến thế là xong, chờ phân giải của thời gian. Hôm nay, vào mạng lại thấy xuất hiện nhận định của hai vị có phẩm hàm cao trong ngành. Một là của ông Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học, cũng là một PGS-TS, và một của ông Lê Quốc Hạnh, một giới chức hàng cao cấp chuyên môn (Nguyên Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Hà Nội). Chắc sự việc sẽ lại tiếp tục xôn xao một lần nữa.
Ở đây, chỉ đề cập đến nhận định của hai vị có tiếng nói thường được gọi là có trọng lượng, nêu trên.
Trước tiên, thưa với ông hàn lâm Phạm Văn Tình. Toàn văn các ý kiến của ông ở đây, không khác gì trong một bài trước, bài “Tiếng Việt chúng ta “Nhau” hay “Rau””. Nghĩa là ở vấn đề nào ông cũng hàng hai, nước đôi để đến nỗi, lúc đó, ông Đoàn Xuân Kiên London phải dùng lời lẽ có thể gọi khiếm nhã, mà không muốn nhắc lại ở đây.
Ở bài tường thuật nầy, ngay phần phát biểu đầu tiên “Khoan vội… ném đá đề xuất Tiếq Việt”. Tỏ rõ ông là một người có chức trách trong ngành ngôn ngữ học nước nhà, nhưng có vẻ không quan tâm đúng mức chức năng mình đảm trách, và còn tỏ ra xem thường người đọc thái quá, khi cho rằng: “Hình như mọi người đang quan trọng hóa vấn đề, thấy phương án PGS.TS. Bùi Hiển đưa ra là quá lạ, quá khó, nên ra sức chỉ trích”. Thưa ông Tình, có những vấn đề đặt ra ở đây: a) Nói vậy, đối với ông vấn đề chữ nghĩa của một dân tộc không quan trọng lắm sao? b) Phương án của PGS-TS Bùi Hiển theo ông liệu có khó hơn sách Mein Kampf của Aldolf Hitler hay sách Le Prince của Machiavelli hoặc toàn bộ thuyết Tiến hóa của Charle Robert Darwin và Alfred Wallace và nhiều triết thuyết khác hay không? Trong khi các sách và thuyết nầy, chẳng những ngoài thế giới mà ngay trong nước cũng không ít bài, sách tác giả là người Việt bàn tới, và bàn cặn kẻ nữa là khác. c) Với ông, phải chăng, đã là nhà giáo, nhà khoa học là không có sai nên: “dư luận nên tôn trọng tác giả – vốn là một nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết”. Ở chỗ nầy, phương Đông có câu “Trí gỉa bách luận tất hữu nhất thất” phương ngôn Pháp cũng có câu “Fais ce que je dis non ce que je fais”; một câu ẩn dụ từ một nhà giáo. Lý nào ông không từng nghe.
Chuyện các ý kiến đưa ra xã hội mấy ngày qua, không phải vì thấy lạ, thấy khó. Mà tất cả, theo tôi, là thấy một viễn ảnh nếu thực hiện, sẽ dẫn đến rắc rối và có thể làm đảo lộn cả một hệ thống đã xây dựng đến mấy trăm năm qua, cũng như kho tàng văn học, lịch sử một dân tộc sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Cho nên, cái quan điểm “Chúng ta không nên vì thấy lạ mà vội vã phản bác” của ông cũng mang tính khiêng cưỡng không nhỏ. Và không khỏi có người sẽ trách rằng ông đánh gí thấp kiến thức và ưu tư của xã hội. Lên tiếng kịp thời thể hiên việc quan tâm sâu sắc và nhạy bén, nên ông mới là người vội vã trong kết luận.
Một ý khác, không hiểu có nên nghĩ ông quá chủ quan đối với vấn đề, khi cho biết: “…chính ông đã đọc bài nghiên cứu về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS. Bùi Hiền từ tháng 9/2017 tại hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển” (do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức)”. Và cũng tự mâu thuẩn với chính ông không ít, khi ngay sau dó ông đề cao: “Một hội thảo khoa học, càng nhiều ý kiến khác nhau càng phong phú…”.
Lại nữa, dường như ông phải cố ra sức bảo vệ cái “phát minh” của ông Hiển, vì ông đã trót: “… Hơn thế, PSG.TS. Phạm Văn Tình còn là người biên tập chính cho cuốn kỷ yếu và đã đồng ý cho in bài tham luận của PGS.TS. Bùi Hiền vì tôn trọng ý kiến cá nhân. PGS.TS. Bùi Hiền đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết cho ý tưởng của ông”. Rồi chỉ riêng từ Kỷ yếu ông dùng, liệu có lọn nghĩa cho một công trình muốn phổ biến của TS Hiển ở phạm trù nầy hay chưa?
Tin rằng sẽ có đông người không chap nhận với ông khi: “Ta hãy khoan tới tính đúng sai của vấn đề mà nên trân trọng thái độ lao động nghiêm túc đó…”. Như vậy, nếu một thái độ lao động nghiêm túc mà dẫn đến một sai trái, chưa nói đến tai hại, liệu Tiến Sĩ Tình có chấp nhận không đây!
Đến đây, không thể không nghĩ PGS.TS. Phạm Văn Tình vì một lý do nào đó đã lẩn quẩn với đề tài nầy, khi một lần nữa cho rằng: “…không phải cứ cái gì lạ, khó thì ta lại chỉ trích, ném đá”. Khi mà, trước đó chưa xa, ông khẳng định: “…Người Anh, người Pháp còn đi trước ta về việc xóa bỏ các bất hợp lí về chữ viết nhưng cũng chịu bó tay cơ mà!”.
Cũng còn nhiều chỗ cần trao đổi với ông Tình ở nhiều vấn đề khác, được biêt. Nhưng với nhận định cuối cùng của ông về “đề xuất” của PGS-TS Bùi Hiển, ông cũng có được kết luận: “Mọi người cứ yên tâm, chưa có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Giới Ngôn ngữ học coi đây là chuyện cũ, quá bình thường. Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó…”. Do vậy, nghĩ cũng đã tạm đủ.
Trên là nói đi, còn nói lại thì, đồng tình với ông Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học VIệt Nam qua nhận định: “Hiện nay tiếng Việt có nhiều vấn đề đáng quan tâm, như hiện tượng sử dụng tiếng nước ngoài bừa bãi, ngôn ngữ thời đại công nghệ số, tiếng lóng các loại…” Nhưng không phải quan tâm như ông Bùi Hiển, mà phải làm thế nào cho Quốc ngữ được trong sáng hơn, xúc tích hơn từ ngữ pháp đến ngữ nghĩa. Ngữ pháp phải rạch ròi, theo một khuôn phép nhất định chứ không thể tùy tiện; như một bài trước đã đề cập đến cái lộn xộn giữa tỉnh từ và danh từ. Ngữ nghĩa cũng vậy, phải minh định rõ ràng những từ đồng âm dị nghĩa. Chẳng hạn “dây thừng” là d, “giây phút” là g đã qui củ; còn “dòng họ” là d, đôi khi sông cũng viết d (dòng sông) hoặc ngược lại, thì xem ra chưa ổn chút nào. Việc khác, để làm phong phú cho Quốc ngữ, đối với những từ mượn hay nhập từ nước khác mà đã thành phổ thông rồi, thì phải nói từ của mình nhưng gốc của họ mới hợp lẽ. Người Việt nhập Quốc tịch Mỹ, Anh, Pháp thì gọi người Mỹ gốc Việt, Anh gốc Việt, Pháp gốc Việt. Tại sao một số rất nhiều từ Hán đã thành phổ thông Việt, cứ mãi gọi từ Hán Việt mà không gọi từ Việt gốc Hán.
Bây giờ xin được trao đổi về quan điểm của ông Lê Quốc Hạnh (nguyên Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Hà Nội). Theo ông: “…Thầy Bùi Hiền không phải là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học, nhưng rất am hiểu về lĩnh vực này”. Chyện có thế không ai phủ nhận với một người gần như suốt cuộc đời gắn bó với chữ nghĩa, dạy dỗ. Nhưng “rất am hiểu” là một việc, còn đề xuất một phương pháp thay đổi, thay thế một số mẫu tự đã thành mặc định trong một ngôn ngữ lại là một chuyện khác, Mà cái trước tiên là ý tưởng thay đổi của mình có gây ảnh hưởng làm xáo trộn một thực thể đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc hay không. Và nói như ngôn ngữ thời thượng liệu có khả thi hay không?
Ghi nhận quan điểm của ông Hạnh: “…bản thân ông khi giảng bài cho sinh viên về Phonology hay Introduction to Linguistics cũng đã đề cập tới thực trạng quá trình phát triển của mỗi ngôn ngữ và hội nhập của các ngôn ngữ dẫn tới sự lệch nhau giữa số lượng chữ cái (letters) và số lượng âm vị (phonemes) trong các ngôn ngữ. Đó là một hiện tượng rất bình thường” . Nhận định nầy rất xác đáng; cái xác đáng tương tự đã từng biện minh cho quan điểm “trong cuộc sống đôi khi phải chấp nhận những cái vô lý”. Nhưng đến “Ví dụ /k/ được biểu đạt bằng “ch” (school), “c” (call), “q” (queue)” thì e rằng chưa ổn, vì không khéo lại lẫn lộn giữa các âm vực của các ngôn ngữ khác nhau.
Điểm cuối cùng, ông Hạnh giải thích cho học trò: “… hiện tượng một âm được thể hiện bằng nhiều chữ cái hay một chữ cái có thể biểu đạt cho nhiều âm là không khác gì trường hợp trong gia đình có đứa con được nuông chiều thì có đến mấy cái áo, mấy đứa không được cưng chiều thì lại mặc chung một cái áo”. Nhận định này có vẻ không được xác thực cho lắm, vì ở đây có thể chỉ xem là trùng lặp mà thôi, mà không thể xem là “ưu ái” hay điều kiện gì cả.
Tóm lại, đã từ lâu, xã hội luôn mong chờ một hệ thống chữ nghĩa hoàn chỉnh cho dân tộc để từ đó kết tinh ra những tác phẩm văn học có đủ tư cách hội nhập như trong một bài viết trước (GÓP Ý) đã đề cập: “Công bố thành tựu vượt bậc việc đào tạo được nhiều “trí thức khoa bảng” chế độ, nhưng quan tâm đến việc hoàn chỉnh cho ngôn ngữ dân tộc phát triển thành sinh ngữ còn quá thờ ơ của các nhà ngôn ngữ học hôm nay”./.
Xuân Thới
6/2017.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com