Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
BÙI DIỆP: “VỀ NGANG QUÁN KHÔNG” TRÁI TIM NGOÀI MÔNG MÊNH
LÊ NGỌC TRÁC

 

Những ngày cuối năm, ở Cực Nam Trung Bộ, trong cái lạnh hanh hao của gió Bắc, làm cho người ta thường nghĩ về một thời xa xăm… thì, tôi nhận được cuốn sách “Về ngang quán không” của Bùi Diệp do chính tác giả gởi tặng. Vui lắm! Niềm vui bất ngờ như gặp lại người bạn thân ngày xa xưa… “Về ngang quán không” là tập văn của Bùi Diệp, do nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ vừa xuất bản. Đây là ấn phẩm đầu tay của Bùi Diệp.

 

 

Hình bìa tập tản văn

 

Thực ra tên tuổi của Bùi Diệp không còn xa lạ với những người yêu văn chương. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tùy bút tản văn… của Bùi Diệp thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí văn học trong và ngoài nước. Những trang văn của Bùi Diệp có sức hút kỳ lạ. Chúng tôi còn nhớ trên Kiến thức ngày nay thời bấy giờ, tôi lúc nào cũng ưu tiên lật tìm chuyên mục có tùy bút của anh để đọc trước tiên. Trong chúng tôi, nhiều người yêu thích tùy bút, tản văn của Bùi Diệp như đã từng “mê” tùy bút của Mai Thảo, Nguyễn Tuân, Võ Phiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường…

 

Hôm nay, lần đầu tiên được đọc một mạch tác phẩm của Bùi Diệp, khi lật từng trang “Về ngang quán không” còn thơm màu mực mới, tôi bất chợt nhớ lại những câu thơ Bùi Diệp đã từng viết cách đây 2 năm:

 

“Quán không là quán vắng

Người ngồi với bóng mình

Những cuộc tình đi mãi

Trái tim ngoài mênh mông…”

 

“Về ngang quán không” gần 300 trang in khổ 13x20, gồm 50 tạp văn, tùy bút, được chia làm 3 phần: “Gần lắm cố hương, về ngang quán không và về thương chim sẻ”. Mở đầu sách, nhà văn Trần Nhã Thụy có bài giới thiệu và nhận định: “Bùi Diệp – Người vẽ chân dung gió”.

 

Đọc tác phẩm của Bùi Diệp, chúng ta nhận ra một điều là quê hương Phan Rang, Ninh Thuận là cội nguồn cảm xúc, sáng tạo của anh. Nắng, gió, đất trời, hơi thở, sự sống của quê nhà bàng bạc trong từng trang viết của Bùi Diệp, đầy chất thơ, nhẹ nhàng, trong sáng, thấm đẫm tình cảm, Đưa chúng ta hoài niệm về cội nguồn, về với những thân thương nhất trong cuộc sống. Và, hướng đến những điều tốt đẹp. Phải chăng chính vì thế mà nhà văn Trần Nhã Thụy đã ưu ái xếp Bùi Diệp vào nhà văn của hoài niệm!? Trong bài viết nhỏ bé này, chúng tôi xin được trích giới thiệu cùng các bạn một phần nhỏ “Về ngang quán không”:

 

“Hóa ra, một cõi đi về luôn hiện hữu ngay trong tâm tưởng của ta. Trong miền nhớ của tôi có một làng quê hoang sơ và nghèo nạn nhưng vô cùng đẹp đẽ. Làng cũng xanh xanh lũy tre, lao xao gió lá. Những mái tranh cũng lấm tấm bạc phơ đi qua bốn mùa mưa nắng. Những sớm tinh mơ rộn ràng tiếng gà gáy, tiếng trâu bò gõ móng đường đê. Những hoàng hôn gần như là hiu hắt trong ráng chiều chờn vờn khói bếp. Tuổi thơ tôi như con vụ xoay tít niềm vui trên sân đình mọc tràn cỏ gà, cỏ xước. Một làng quê như bao làng quê Việt. Đẹp và buồn như điệu lý ru con.

 

Hồn Việt là cốt cách Việt, là văn hóa Việt lúc rờ rỡ như cái bát xới cơm, cái cày bén đất nhưng cũng lắm lúc khói sương đến ảo hóa cuộc đời. Làng Việt là nơi ta bắt đầu, ta ra đi, cũng là nơi ta quay về và kết thúc. Mà hành trình ấy đâu phải là một vòng luẩn quẩn! Tôi xin cam đoan rằng, trong hành trang đi giữa cõi người nếu bạn thường trực mang theo một tâm hồn Việt thì dẫu lộ trình tử sinh dài tít tắp kia đã nhiều lần làm bạn khóc cười, nó buộc bạn phải chấp nhận tận cùng khổ đau hay tràn trề hạnh phúc thì lúc quay về bạn cũng sẽ hoan hỉ mà rằng : Ta đã hài lòng đi qua cuộc đời bằng Hồn Việt giản dị mà thanh cao…”

(Trích Hồn Việt giữa Tết quê, trang 63-64)

 

“…Có lẽ đứng trước bạt ngàn cát trắng, trụ vững hai bàn chân trên mặt cát, trước mênh mông và hoang dại nắng gió, người ta thường suy ngẫm nhiều điều. Ở mỗi giai đoạn cuộc đời, sự gắn bó thân thiện với cát cùng nỗi day dứt về đời cát của mỗi người cũng khác nhau.

 

Tuổi ấu thơ đôi chân trần vẫn chạy trên những con đường cát cháy. Những con đường nhỏ vừa đủ lối đi mon men theo những bờ rào xương rồng bốn mùa đỏ hoa gai hay xanh mỡ màng hàng cây thuốc giấu, những thứ cây mà trời phú cho đặc tính ưa nắng và chịu khát để làm xanh vùng hoang mạc cuối miền Trung. Tôi nhớ, lũ trẻ con ngày ấy đằm hồn trong cát. Ăn trên cát, ngủ trên cát, chơi trên cát. Cát vào tận trong nhà hay đúng hơn là nhà dựng trên cát. Hai mái lá dừa nước, rui mè, phên liếp chèo néo bằng tre. Bốn vách phong phanh bện tạm lá buông. Những ngôi nhà mà đêm đêm nằm nghe gió u u thổi qua đầu hồi và kẽ vách làm nên thứ âm thanh đặc thù của làng cát. Sáng ra, từ trên bộ ván ngựa hay chõng tre bỏ hai chân xuống nền cát nghe mát lạnh và dễ chịu. Từ ngõ vào nhà, để dễ đi người ta chịu khó nhặt vỏ sò đóng sâu vào cát tạo nên một lối nho nhỏ xinh xinh. Những trưa hè qua làng, tiếng gà cất lên nghe xa vắng và quạnh quẽ đến nao lòng. Mẹ mắc chiếc võng gai bện bằng sợi những cây thơm tàu mọc hoang trên cát, giữa hai cột tre trước hiên nhà để ầu ơ giấc bé. Đường dài ngựa chạy cát bay/ Nghĩa nhân thăm thẳm một ngày một xa. Cơn gió Nam lửa quất cả cát vào lời ru, lạo xạo bờ môi khô của mẹ…”. (Trích Hồn cát, trang 12 – 13)

 

Qua những trang văn mượt mà, đầy chất thơ của Bùi Diệp làm cho chúng ta yêu hơn mảnh đất đầy nắng gió của miền cực Nam Trung Bộ. Nắng, gió, cát,… là nét đặc trưng của quê hương của anh. Chúng ta cảm nhận được một điều gần gũi trong cuộc sống. Những cơn gió hằn lên đời cha, những cơn gió liêu xiêu bóng đời…Gió suy tư… đưa con người đến những ước mơ. Gió không phải là hiện tượng thời tiết, gió còn là tình cảm gắn bó với cuộc đời và chính nắng, gió làm đẹp con người, quê hương chúng ta…

 

Đi qua thời, chúng tôi thầm nghĩ những trang văn của Bùi Diệp không hề xưa cũ, sẽ tươi, hấp dẫn người đọc. Trong tác phẩm của mình, Bùi Diệp không hề lên gân, nói chuyện luận đề về đạo đức, chỉ bằng chính tình cảm xuất phát từ trái tim anh chân thành tản mạn về chuyện đời, chuyện tình…những vui buồn trong cuộc sống. Tự chúng ta là những độc giả sẽ tự cảm, tự rút ra những điều có ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

 

Bùi Diệp còn sáng tác thơ ca. Khi đọc những trang văn của anh, chúng tôi chợt nhớ đến bài “Nghĩ về thơ” của anh:

 

1.

 

“Bạn bảo thơ là một mớ vần vèo ngồi xếp qua xếp lại như trò chơi ô ăn quan

Nhưng nếu không phải những ngón tay trẻ con lấm lem thì làm sao hóa mấy miểng sành, nắm hột me khô thành linh hồn thắng thua sướng khổ

 

Thế giới ấy tuyệt nhiên không có phần cho mưu đồ toan tính

Thơ rỗng tâm nên khờ dại mênh mông

Thơ thõng tay nên túi lá phập phồng

Đầy ứ mùi nhựa non và mùi hoai mục

Thơ đến và đi như chưa hề có thực

Và chưa bao giờ ảo tưởng vinh quang

Những bằng cấp cao sang nghe rỗn rãng thiên đàng

Thơ tránh như bầy ong tránh mưa trong mùa làm tổ

Chút mật ngọt thơm của kỳ hoa dị thảo

Chỉ mình ong biết giá trị tự do

Chỉ mình ong biết thương cây rừng không hề đắn đo

Cứ xanh hết một đời xanh độ lượng

Cứ thơm hết một đời hương tâm tưởng

Cứ vô ngôn giữa ồn ã tiệc tùng

 

2.

 

Bạn bảo thơ bây giờ như chú chim nhỏ đẹp và sang với giá trị ngất trời

Chỉ có những tay chơi mới sẵn sàng vỗ ngực

Sở hữu một cánh trời mới độc

Đẳng cấp hay tầm thường chỉ là cái nhún vai

Thơ cười cười như ông hoàng không ngai

Không quen cấm cung thiếu đường bay lang bạt

Nhớ những cánh đồng vào mùa dưa chín

Mùa bắp trổ cờ mùa lúa mới về sân

Nhớ những dòng sông và những bàn chân

Gót nứt nẻ vì suốt đời ngâm bùn non nước bạc”.

 

Đọc xong bài thơ này, chúng ta thầm nghĩ phải chăng đây là tuyên, định hướng của Bùi Diệp khi đi vào con đường sáng tác thơ văn. Và, đã lý giải phần nào: Tại sao anh thường viết về quê nhà, nguồn cội của cuộc sống, những kỷ niệm than thương chưa, không bao giờ quên được trong đời và những chuyển động đang xảy ra trong cuộc sống chung quanh.

 

Đọc “Về ngang quán không” là chúng ta về với bóng mình, về với cội nguồn thân thương và nghe trái minh mình mênh mông đẩy ắp kỷ niệm…, yêu quá cuộc đời này! Xin cảm ơn Bùi Diệp và chân thành mong anh có nhiều tác phẩm mới hay cho cuộc đời đáng yêu của chúng ta.

 

LÊ NGỌC TRÁC

Phố Biển La Gi, ngày 12/12/2017.

 

*  * *

Xem bài cùng tác giả, click vào đây

Xem trang Tạp văn, tùy bút, click tại đây 
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh