Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
SAO HÔM
VŨ THẤT

       

 

Có một hành tinh mang bốn tên rất đẹp: Sao Mai, sao Hôm, sao Kim và Vệ Nữ.

 

Chúng tôi đậu xe trước sân nhà của ba mẹ Sơn thì trời chưa sụp tối. Ngôi biệt thự bề thế ba từng, nóc bằng, tọa lạc bên đoạn đường Vàm Cống - Long Xuyên còn nổi bật những viên gạch màu ngà. Dọc hàng rào hai bên hông, nhiều loại cây chỉ mới cao ngang ngực cho thấy ngôi nhà mới xây xong chẳng bao lâu. Ngay mặt tiền, những chậu hoa đủ loại đang nở rộ chen lẫn các chậu kiểng cắt tỉa uốn nắn công phu. Khi chúng tôi vừa bước đến cửa chính, cánh cửa tự động mở rộng cùng lúc tiếng reo hò happy birthday, happy birthday vang dậy… Rồi những tiếng vỗ tay đồng loạt. Tôi (một phụ nữ - BBT) choáng mắt với vô số ánh đèn, những giây chăng long lanh ngũ sắc. Chiếc bánh sinh nhật hai tầng màu trắng với những đường viền màu xanh tôi ưa thích đặt trên một bàn tròn nhỏ đặt ở đầu một bàn dài chạy đến cuối nhà. Tôi thực sự bị bất ngờ đến ngỡ ngàng…

 

Suốt hai năm từ ngày về xứ, tôi cứ bận chạy đôn chạy đáo để chọn một nơi làm vừa ý, một chốn ở hài lòng; lại thêm cứ thỉnh thoảng cùng gia đình đi chơi vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang … Vì vậy, dù sống ở Sài Gòn, dù khá rành quê quán miền Đông lẫn miền Trung mà miền Tây lại còn hoàn toàn xa lạ. Một lần, nhân dịp Sơn khoe anh là dân miền Tây, tôi nói chừng nào anh có dịp về quê nhà cho tôi quá giang thăm dân cho biết sự tình. Anh đã vui vẻ hứa và sáng sớm hôm nay chúng tôi lên đường… Tôi giao anh cầm lái chiếc corolla mới mua để được thảnh thơi ngắm các thành phố lần lượt tham quan. Điều tôi thích thú nhất là đến nơi nào cũng được anh dẫn giải rành rẽ về lịch sử và các danh nhân. Chỉ có điều đáng buồn: ngày sinh của danh nhân trăm năm trước anh còn nhớ, nhưng ngày sinh của tôi vào hôm nay thì không. Ngay cả khi vào giải khát ở một vườn sinh thái Cái Răng với nhiều chậu hoa tươi đẹp, cũng không đủ nhắc anh nhớ cho tôi một đóa hoa, một lời cầu chúc. Vì vậy suốt đoạn đường từ đó về Long Xuyên, tôi cứ ấm ức, bực mình… Hóa ra anh đã chuẩn bị đâu vào đấy để dành cho tôi một ngạc nhiên.

 

 

Bến phà Vàm Cống

 

Sau những lời chúc mừng sinh nhật nồng nhiệt, ba mẹ Sơn mời mọi người nhập tiệc. Bữa tiệc được tổ chức quy mô hơn tôi có thể tưởng. Căn nhà rộng thoáng mà như không đủ cho nhiều người. Theo lời Sơn, ba Sơn trước kia chỉ là du kích xã, nhưng từ sau ngày “đổi mới” đã sớm trở thành nhà thầu lớn cho các hợp đồng. Có lần anh nói về những móc ngoặc, chia chát trong việc làm ăn của ba mẹ anh. Tôi như thấy một phần phúc lợi của dân nghèo nằm trong từng viên gạch của ngôi biệt thự sang trọng này. Sơn gắp thức ăn cho tôi. Có nhiều loại thức ăn khá cầu kỳ, lạ miệng và ê hề. Tôi chỉ nếm mỗi thứ một ít đã đủ no. Tôi nghĩ đến những trẻ em ăn mày ăn nhặt dọc các hàng quán ven biển, ven sông.

 

Bữa cơm chấm dứt trong sự ồn ào nhạt nhẽo. Tôi tưởng là đến lúc nghỉ ngơi nhưng lại là khởi đầu cho màn ca hát. Dàn đờn dàn ca tân cổ có đến trên mười người và họ biểu diễn tận tình. Cổ nhạc chen lẫn các bài nhạc vàng được nhiều ưa thích. Sơn lên hát tặng tôi bản Biết Đến Thuở Nào của Tùng Giang. Tôi hiểu là anh muốn gửi một thông điệp, “Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng…” Hát xong anh mời tôi cùng góp vui. Tôi lắc đầu mà Sơn cứ nì nằn. Miễn cưỡng đứng lên, tôi nhận chiếc micro. Hát bản gì đây? Tôi bám lấy bài hát chợt hiện ra:

 

‒ Tôi xin hát bài Ngôi Sao Hà Nội của nhạc sĩ Vĩnh Cát.

 

Ban nhạc dạo đầu và tôi cất tiếng:

 

“Những vì sao lấp lánh. Giữa bầu trời Hà Nội. Những vì sao không nói. Nhưng biết chờ biết đợi. Là sao Anh, là sao Em. Là sao Anh, là sao Em. Anh không làm sao Hôm. Em chẳng làm sao Mai. Phải tìm nhau mãi mãi. Em không làm sao Mai. Anh chẳng làm sao Hôm. Chỉ làm ngôi sao không tên. Để gần nhau suốt đời. Để được gần nhau suốt đời. Được gần nhau suốt đời.”

 

Tôi đứng yên chờ ban nhạc hòa tấu trước khi hát lại từ đầu. Lần này tâm hồn tôi bay bổng đâu đâu. Tôi và ông đang cách nhau nửa vòng trái đất. Nơi ông ở, sao Mai đang mọc. Nơi tôi sống, sao Hôm đang lên. Ngàn trùng xa cách thì sao gần nhau suốt đời? Tôi nhìn Sơn. Anh đang ngây ngất ngắm tôi. Đây là lần đầu anh nghe tôi hát. Hẳn anh tưởng là tôi đang hát cho anh. Lại đến lúc tôi cất tiếng, lần này nồng nàn hơn, tha thiết hơn. Giọng tôi có phần nghẹn ngào trước khi chấm dứt câu sau cùng. “Để được gần nhau suốt đời. Được gần nhau suốt đời”. Khói thuốc quá dầy làm hồn tôi chơi vơi… Mọi người nồng nhiệt yêu cầu tôi hát thêm bản nữa. Tôi tần ngần. Rồi như một ước mong thầm kín chờ dịp tuôn tràn tôi cất lời bài Giết Người Trong Mộng. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt hơn lần đầu. Và tôi rơi nước mắt…

 

Sáng hôm sau, phải khó khăn lắm chúng tôi mới từ biệt được ba mẹ Sơn và gia đình. Sự chân thành quyến luyến của họ cho tôi thấy rằng họ đã chọn tôi cho Sơn… Tôi thấy tội cho anh. Hai năm anh hết lòng chiều chuộng để chỉ nhận được ở tôi sự thờ ơ, thậm chí cả dối lừa. Việc tôi muốn thăm miền Tây hoàn toàn không mang ý nghĩa như anh hy vọng. Tôi chỉ muốn có một ý niệm về dân tình để đáp ứng cho phương án mà tôi sẽ khởi sự thực hiện sau chuyến đi này. Một phương án mà ông đã ân cần gửi gấm khi tôi còn học ở Mỹ… Chúng tôi lên đường, ghé qua Châu Đốc, miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An Cổ Tự. Rồi vượt phà Châu Giang, qua thị trấn Tân Châu, chạy dọc con đường làng quê Long Sơn về Tổ đình Hòa Hảo. Tại đây, chúng tôi dùng phà vượt qua sông Tiền về lại Sài Gòn. Kiểm điểm lại thì dù miền Tây được tiếng là vùng đất trù phú, cái nghèo vẫn đậm nét có thua gì Bình Dương quê tôi.

 

Về đến nhà tôi thì đã quá nửa đêm, tôi nói anh có thể ngủ lại nếu không muốn lái thêm một tiếng nữa để về nhà anh. Anh nhìn tôi không ừ không hử và tôi đi thẳng vào buồng tắm. Tôi đứng dưới vòi nước thật lâu và cảm thấy cơn mệt mỏi tan dần. Khi tôi trở ra, Sơn đang nằm dài trên chiếc sofa. Tôi bước lại gần hơn. Anh đang ngủ say sưa. Hai ngày lái xe và một đêm thức gần sáng không để dấu vết gì trên khuôn mặt rắn rỏi đẹp trai. Du học Mỹ trước tôi mười năm, có bằng tiến sĩ, có chức giám đốc trong chính quyền, linh hoạt, trẻ trung, nhiều cô đeo đuổi nhưng trừ tôi. Có lẽ vì vậy mà anh ngõ ý muốn cưới tôi. Lần đó tôi chỉ cười cười hứa hẹn, rằng chừng nào Việt Nam bằng Mỹ, thì tôi nhận lời. Sơn thừa hiểu đó là ngụ ý chối từ. Nhưng anh vẫn hỏi:

 

– Làm sao để bằng Mỹ?

 

Tôi thản nhiên:

 

– Trước hết là mọi người phải được tự do dân chủ như Mỹ.

 

Anh gậc đầu, cười mỉm:

 

– Tự do dân chủ là tốt, quá tốt! Nhưng làm cách nào để mọi người được tự do dân chủ như Mỹ?

 

Câu hỏi của anh làm đà cho những cuộc bàn luận về tình hình tồi tệ đất nước và về khả năng giải thể chế độ độc đảng. Anh bảo trong anh đang là thùng chất nổ, chỉ chờ một tia lửa! Anh tỏ ra nhiệt tình nhưng tôi chưa hoàn toàn tin anh, chưa thể chia sẻ với anh những gì tôi đang dự tính. Anh đang là một đảng viên có hạng. Biết đâu anh sẽ gài tôi để tóm gọn tất cả. Trừ phi, trừ phi tôi là vợ anh, tôi sẽ ăn nói mạnh dạn hơn, đòi hỏi nhiều hơn và tin rằng anh không nỡ xuống tay. Tôi thả người lên chiếc ghế nệm màu xanh êm ái. Động tác của tôi như được điều khiển từ tiềm thức hằn sâu một dáng điệu lần đầu gặp ông.

 

Hơn bốn năm trước, mấy tháng trước khi tốt nghiệp đại học Maryland, nhà trường thông báo tặng tôi cấp bổng 15 ngàn đô cho chương trình thạc sĩ. Khi tôi vui mừng báo tin cho ba tôi, ông tỏ ra hết sức hãnh diện. Chừng tôi nói cần thêm một trăm năm mươi ngàn đô cho hai năm học kế tiếp thì ông buông tiếng thở dài. Ba tôi bảo gần đây làm ăn lỗ lã, khả năng chỉ có thể cung ứng tối đa trăm ngàn. Tôi đành tính toán tới lui. Chỉ còn cách không ở nội trú. Nhưng không ở nội trú thì ở đâu? Mà đi làm để đóng nội trú thì không đủ thì giờ học. Tôi trút nỗi lo rầu với người bạn học rất thân. Huyền cười bảo là chuyện nhỏ. Căn buồng ngủ của Huyền thừa rộng cho hai người. Nhưng phải gặp ba Huyền xin phép cho phải lễ.

 

Tối thứ bảy rỗi rảnh tôi theo Huyền về nhà. Ngôi nhà của ba Huyền có bốn buồng ngủ đều lớn rộng. Gian buồng của ông thì quá sang trọng, thênh thang. Khi chúng tôi đang trò chuyện ở phòng khách thì ông mở cửa bước vào. Ông quơ quơ tay chào, trước cả khi chúng tôi kịp đứng lên. Trong chiếc sơ mi trắng với chiếc cà vạt màu xanh nước biển, ông thư thả bước tới chiếc sofa cùng màu cà vạt. Người và chiếc cặp da cùng rơi nhẹ nhàng lên mặt nệm. Hình ảnh đơn giản thế mà tôi cứ nhớ hoài. Ông ra dấu cho chúng tôi ngồi. Nụ cười tươi tắn ông dành cho Huyền vẫn giữ nguyên khi ông hướng về phía tôi. Gần bốn năm ở Mỹ tôi cố học cách nhìn thẳng vào mắt người đối thoại vậy mà khi bắt gặp ánh mắt của ông, tôi vội cúi mặt. Có thể vì thói lề Lạc Hồng vẫn còn cắm sâu cội rễ trong tôi. Nhìn ba của bạn mình theo cách của Mỹ, tôi vẫn thấy là một hành động vô lễ. Tôi cố giữ vẻ tự nhiên bằng cách liếc sang Huyền. Huyền mỉm cười khuyến khích tôi. Tôi nghe giọng ấm áp của ông ngay khi tôi định mở lời. Giọng ấm áp mà nghiêm túc:

 

‒ Bác đã biết cháu muốn tiếp tục ở lại Mỹ học. Bác rất vui được giúp cháu nhưng với ba điều kiện: Thứ nhất là cháu phải dành hết thì giờ vào việc học. Thứ hai là cháu tuyệt đối không được đưa bạn trai vào buồng ngủ. Thứ ba là mỗi tối thứ bảy, cháu phải tham dự bữa cơm hợp mặt gia đình. Nếu cháu đồng ý tuân theo ba điều kiện đó, cháu sẽ được dành một phòng riêng cạnh phòng của Huyền. Và như con của bác, cháu tự nhiên ở đây như ở nhà cháu.

 

Ông nhìn đồng hồ, có vẻ nôn nóng muốn đứng lên. Học là đam mê duy nhất của tôi. Nếu không học thì đọc. Thậm chí không có đủ thì giờ để đọc. Bạn trai thì tôi có nhiều nhưng cho tới nay chưa người bạn nào chiếm đủ tình cảm để tôi theo về phòng họ thì nói chi đưa họ về phòng tôi. Hai điều kiện đầu coi như là… không điều kiện. Còn điều kiện thứ ba xem ra lại là một đặc ân, lẽ nào tôi từ chối.

 

Tôi nhìn thẳng vào mắt ông:

 

‒ Cháu hứa tuân hành nghiêm túc ba điều kiện của bác.

 

Ông cười vui vẻ đứng lên:

 

‒ Trước tiên, cháu hãy chứng tỏ là người biết giữ lời hứa bằng cách tuân hành ngay một điều. Hôm nay là thứ bảy. Cháu không từ chối bữa cơm gia đình chứ?

 

Tôi cười gật đầu. Huyền mở điện thoại di động, thông báo người bạn trai lên đường gặp nhau ở nhà hàng. Trong bữa ăn Huyền hỏi tôi sẽ học tiếp thế nào. Tôi bảo là học tiếp lấy bằng thạc sĩ điện toán. Huyền cho biết cả Huyền và Thạch cùng chuyển sang ngành quản trị kinh doanh lấy bằng MBA. Thạc sĩ điện toán thì kiếm nhiều tiền nhưng bằng MBA, tuy bắt đầu với đồng lương ít mà dễ thăng tiến lên chức chủ tịch với tiền lương bạc triệu kèm vô số quyền lợi và phúc lợi. Tôi còn đang đắn đo thì ông lên tiếng:

 

‒ Dù với cái từ huê dạng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất vẫn là kinh tế tư bản. Tương lai Việt Nam sẽ có thêm nhiều công ty, nhiều hảng xưởng và ngày một đa dạng quy mô. Bác thấy cháu nên chọn MBA, tương lai ngon lành.

 

Tôi ngần ngừ:

 

‒ Nhưng cháu mê điện toán.

 

Ông cười:

 

‒ Thì học lấy luôn hai bằng…

 

Nhớ ra ba mẹ báo đã cạn tiền, tôi lắc đầu:

 

‒ Cháu rất muốn nhưng đành chọn một. Cháu chọn MBA để được học chung với Huyền và Thạch.

 

 

Tiếng ngáy của Sơn bị tiếng điện thoại ngắt ngang. Anh trở mình. Tôi vội chụp ống nghe. Tiếng mẹ tôi từ Thủ Dầu Một reo mừng. Cả hai ngày nay bà đã nhiều lần gọi tôi bằng đủ các số mà bà biết nhưng đã không với được tôi. Tôi cố ý bỏ điện thoại di động ở nhà để cuộc đi chơi không bị quấy rầy. Tôi kể mẹ nghe chuyến đi và bà hết sức tán thành việc tôi ghé thăm ba mẹ Sơn và tỏ ra hân hoan khi tôi được tiếp đãi ân cần. Ba mẹ tôi đã gặp Sơn nhiều lần trong hai năm qua. Nói cho đúng, mỗi khi cả hai có dịp xuống Sài Gòn, Sơn là người tình nguyện đưa đón. Và xem ra ba mẹ tôi cũng đã ngầm xem Sơn là… thằng rể tương lai. Mẹ tôi hỏi về nhà cửa, về nghề nghiệp, về quá khứ của ba mẹ Sơn. Bà bảo tôi “ừ” đi để bà tính tới. Tôi mỉm cười nhìn Sơn đúng lúc anh mở mắt. Thấy tôi đang cười, anh ngượng ngập hỏi:

 

‒ Bộ anh ngủ xấu lắm hả. Thật là quê.

 

Tôi nói vội, giả lả:

 

– Mẹ gửi lời thăm anh đấy.

 

Anh ngồi bật dậy:

 

‒ Xin lỗi đã ngủ quên. Thôi anh về …

 

Tôi cười, bịt kín phần vi âm:

 

‒ Giận hay sao mà về. Anh nên đi tắm rồi… ngủ tiếp.

 

Anh nhìn tôi tủm tỉm gật đầu. Tôi vừa nói chuyện với mẹ vừa bước đi lấy khăn và bộ đồ ngủ của ba tôi trao cho anh.

 

Mẹ chúc tôi ngủ ngon. Tôi gác điện thoại rồi bước đến khung cửa sổ nhìn ra ngoài. Ánh sáng mù mờ của ngọn đèn đường đưa tôi vào những ý nghĩ vu vơ. Giả sử sau khi tắm, anh ngỏ ý muốn vào ngủ cùng giường với tôi thì liệu tôi phản ứng thế nào? Tất nhiên là tôi từ chối. Nhưng nếu anh van xin? Nếu anh liều mạng? Không, Sơn là người tự trọng, sẽ không làm như vậy. Tôi đã một lần cực lực phản đối khi bị anh ôm bất ngờ. Tôi an tâm và thầm cho là đã đến lúc không nên xử tệ với anh. Lúc tôi nói đêm nay anh có thể ngủ lại là tôi nghĩ anh ngủ trên chiếc sofa. Giờ nghe giọng vui mừng của mẹ, lại nghĩ anh đã chịu khó nhọc đưa tôi đi chơi suốt hai ngày, tôi nghĩ đã đến lúc anh xứng đáng được vào căn buồng tôi vẫn dành riêng cho bạn bè thân thích. Căn buồng này, căn buồng dành cho ba mẹ, căn buồng ngủ của tôi và cả phòng ăn phòng khách, dù kích cỡ nhỏ hơn nhiều, vẫn được tôi trang trí y như nội thất của ngôi nhà ông. Tường quét vôi trắng. Các màn cửa, vải trải giường, các áo gối ghế sofa đều cùng một màu xanh biêng biếc… Nhìn tổng thể, rõ ràng màu xanh và màu trắng vượt trội và nổi bậc. Có lần tôi tò mò hỏi thì ông ngậm ngùi cho biết là để nhớ màu biển và màu mây của một thời binh nghiệp. Tôi chả dính dáng gì binh nghiệp của ông. Cái tôi mang ơn ông là mảnh bằng thạc sĩ và căn nhà này. Cả hai đều chất chứa những kỷ niệm tôi không quên bao giờ.

 

Ở nhà ông được vài tháng, trong bữa cơm gia đình tối thứ bảy, ông bất ngờ hỏi tôi:

 

‒ Cháu Diễm đang làm thêm việc gì ngoài giờ học?

 

‒ Dạ, một số dịch vụ của nhà trường…

 

‒ Họ trả bao nhiêu đô la một giờ?

 

‒ Dạ, 10 đô.

 

‒ Cháu làm bao nhiêu giờ một tuần?

 

‒ Dạ bốn tiếng.

 

‒ Cháu có thể làm thêm được mấy tiếng mà không trở ngại việc học?

 

‒ Dạ không thể thêm hơn. Cháu chỉ cần đủ tiền cho các thứ tối cần. Vả lại, làm thêm sợ vi phạm điều kiện thứ nhất của bác.

 

Ông mỉm cười, giọng nửa đùa nửa thật:

 

‒ Nếu phải làm gấp đôi số giờ mà vẫn có bốn tiếng học bài, lại được trả tiền gấp đôi thì cháu có vui lòng giúp bác không?

 

Tôi xăng xái:

 

‒ Bác thừa biết là cháu lúc nào cũng sẵn sàng giúp bác, miễn phí!

 

Ông nghiêm mặt:

 

‒ Bác nói thật. Cái cô đang làm cho bác vừa xin nghỉ việc. Nếu cháu thích, cháu có thể thế chỗ. Chỉ làm vài việc vặt. Đôi khi trả lời điện thoại…

 

Tôi không dấu vẻ vui mừng:

 

‒ Nếu thật vậy, bác chỉ cần trả cháu bằng với tiền nhà trường. Thế là cháu cũng được gấp đôi rồi.

 

‒ Không, việc của bác đáng giá gấp đôi việc ở trường. Nếu cháu OK, cháu có thể bắt đầu từ… ngày nào cũng được miễn đủ tám tiếng một tuần.

 

Quả là công việc dễ dàng và nhàn hạ hơn ở trường. Tôi chỉ cần chụp vài kiểu hình ngôi nhà chủ nhân nhờ bán, điền thêm các đặc tính ghi sẵn trong văn kiện rồi đưa lên quảng cáo trên mạng. Nếu khách mua đến đông, tôi giúp ông hướng dẫn một nhóm giới thiệu ngôi nhà… Ông chỉ có hai loại khách hàng: người mua và người bán. Cả hai đều trả công ông bằng ba phần trăm số tiền căn nhà đã ngã giá.

 

Ông bảo tôi:

 

‒ Cháu thử tính, ba phần trăm của căn nhà một triệu.

 

Tôi không kềm được tiếng kêu:

 

‒ Quào! Ba chục ngàn đồng. Quả là ngon xơi! Một năm bác bán được bốn căn, mười năm là thành triệu phú.

 

Ông lắc đầu:

 

‒ Nếu dễ thế thì ai cũng theo nghề địa ốc…

 

Từ lần đó, lúc nào rảnh rang, ông tuôn ra những buồn vui, những bí kiếp nhà nghề. Tôi tỏ ra thích thú lắng nghe chỉ vì ông kể chuyện có duyên mà chẳng ngờ về sau sự hiểu biết vô tình lại trở nên hữu dụng. Khi về nước, trong khi chờ đợi tìm việc vừa ý, tôi chập chững nhảy vào ngành này. Nhờ ra nghề đúng thời điểm, chỉ chưa đầy hai năm, tôi đã đủ sức làm chủ một căn nhà. Và sắm xe mới toang. Chính Sơn cũng hết sức ngạc nhiên. Anh làm việc trước tôi mười năm, có quà có cáp đều đều nhưng nhà anh không bảnh như nhà tôi. Tuy nhiên, cũng vừa đúng lúc tôi quá mỏi mệt với hai việc làm. Tôi quyết định chấm dứt nghề địa ốc. Tương lai của tôi vốn là nằm ở việc tận dụng mảnh bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Cái bằng đó đang giữ cho tôi cái chỗ ngồi trong một ngân hàng nhà nước. Chỗ ngồi đó dĩ nhiên là sang trọng hơn là suốt ngày dầm mưa nắng, hít bụi đường. Và mảnh bằng còn cho phép tôi ngồi tại chỗ, dùng hết năng lực để leo cao, để từ vị trí đó đưa ra những kế sách cho vay nhằm nâng cao đời sống dân nghèo. Và cũng để còn dư thời giờ cho “sinh hoạt” với bạn bè về đề án tái lập tự do dân chủ…

 

Chính ông đã gợi ý cho tôi về tầm quan trọng của đề án này. Những gì ông nói đêm thứ bảy đó với tôi lúc nào cũng là gánh nặng. Đêm đó ông đặt tiệc ăn mừng thành quả bán được ngôi nhà có giá cao nhất: 3 triệu. Khung cảnh xa hoa và sang trọng của nhà hàng tọa lạc ngay trung tâm thủ đô làm tôi chóa mắt. Mọi người dường như đã chọn cách ăn mặc ưng ý nhất. Hèn chi cuối tuần trước Huyền cứ nằng nặc đưa tôi đi thử một chiếc áo dạ hội đắt tiền. Suốt năm qua, bữa cơm thứ bảy nào cũng mang cho tôi niềm vui thích, giúp quên nỗi vất vả của sách đèn và nỗi nhớ mẹ nhớ cha… Nhưng đêm nay, một lời nói vô tình của ông làm tôi xốn xang. Ông nói mỗi lần được dịp ăn ngon là lại nhớ những ngày đói khát trong tù. Lại buồn vì vợ con không có mặt để chung vui. Lời ông gợi tôi nhớ lại lời dặn của mẹ trong một cuộc điện đàm. Mẹ đã hỏi tôi cái ông chủ nhà con ở học có thuộc chế độ cũ không. Tôi nói không rõ. Mẹ bảo tôi nên dò hỏi, nếu đúng thì phải tìm trọ nơi khác. Tôi hỏi tại sao. Bà chỉ nói nên nghe lời mẹ. Rồi bận quá tôi quên đi. Đêm nay chính ông nói ra.

 

Dù không dính dáng gì với cuộc chiến tàn khốc, tôi vẫn thuộc về phe đã từng cưỡng bách ông đi tù cải tạo, đã khiến vợ con ông mất mạng trong cuộc trốn chạy khỏi quê hương của chính mình. Hẳn mẹ tôi sợ rằng tôi bị lợi dụng, bị trả thù. Thực tế chính tôi mới là người lợi dụng lòng tốt của ông, thậm chí lạm dụng nữa là khác. Với số tiền dành dụm được lâu nay, tôi có thể tự túc cho niên học cuối cùng. Tôi quyết định nói lời cảm ơn từ biệt. Nhấc một chiếc muỗng bằng bạc, tôi gõ thật nhẹ vào ly. Tiếng keng keng khe khẻ trong trẻo đều dặn. Ông ngưng ăn nhìn tôi. Huyền và Thạch đang cười đùa không quan tâm.

 

Tôi nói nhanh:

 

‒ Cháu có điều muốn trình bày…

 

Tôi thu hết can đảm, tiếp lời:

 

‒ Thưa bác, mãi gần đây cháu mới được biết bác vốn là người thuộc chế độ cũ của miền Nam. Cháu rất khổ tâm phải nói rõ một sự thực. Cháu là con của một cán bộ cộng sản. Cháu thấy đã đến lúc xin phép bác ra đi…

 

Ông đưa bàn tay lên ra dấu tôi ngưng nói. Rồi ông nở nụ cười:

 

‒ Du học sinh Việt Nam nào mà không là con cháu cán bộ cộng sản!

 

Tôi đăm đăm nhìn ông:

 

‒ Bác biết mà vẫn vui vẻ giúp cháu?

 

‒ Tại sao không? Bác không chỉ giúp cháu mà còn giúp một số cháu khác…

 

‒ Cháu có đọc báo bên này và thấy rằng những người thuộc chế độ cũ vẫn còn nhiều hận thù với những người cộng sản và quyết chống cộng đến cùng…

 

‒ Bác chống cộng nhưng không chống đất nước. Đất nước lúc nào cũng cần những người trẻ tài ba như cháu.

 

‒ Nhưng tại sao phải chống cộng? Chẳng phải người cộng sản có công giành độc lập và thống nhất đất nước sao?

 

‒ Bịp cả đấy cháu ạ! Chính họ chia hai đất nước. Chính họ nhuộm đỏ miền Bắc, rồi dùng súng đạn nhuộm đỏ luôn miền Nam…

 

‒ Nhưng cháu được dạy, chủ nghĩa cộng sản là niềm mơ ước của nhân loại.

 

‒ Sự thật thì nhân loại đang nguyền rủa nó, trong đó có cả những người từng theo cộng sản.

 

‒ Những báo chống cộng đều nói như vậy!

 

‒ Họ nói sự thật. Đọc báo, hẳn cháu có biết tin là Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vừa mới khánh thành Tượng đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản?

 

‒ Cháu nghe nói …

 

‒ Cháu có bao giờ tự hỏi vì sao người ta lập đài tưởng niệm này?

 

Tôi lặng thinh chờ ông tiếp:

 

– Một là để tưởng niệm 100 triệu người bị chết vì tay những người cộng sản. Hai là để nhắc nhở thế hệ tương lai cái lịch sử bạo tàn của chủ nghĩa này. Cháu thuộc về thế hệ tương lai của Việt Nam đấy…

 

Tôi vẫn lặng thinh nhưng nhìn thẳng vào mắt ông. Ông chiếu những ánh mắt ranh mãnh nhưng giọng nói thì lạnh lùng:

 

‒ Những gì cháu từng được cộng sản dạy dỗ chỉ là những lớp sơn hào nhoáng. Cháu hãy tự mình tìm hiểu thấu đáo lịch sử bạo tàn của nó. Cách hay nhất là cháu hãy đến tượng đài, hãy đứng tại đó mà hình dung con số nạn nhân. Một trăm triệu người, nhiều gấp đôi dân số Việt Nam vào năm cộng sản chiếm miền Nam. Một trăm triệu, trong đó có 5 triệu đồng bào của mình…

 

Tôi nghe rờn rợn. Một trăm triệu người, trong đó có năm triệu người Việt. Kinh khủng quá! Tượng đài tưởng niệm là có thật, tôi không tin cũng không được.

 

Ông thong thả tiếp lời:

 

‒ Rồi khi về nước, cháu hãy nhìn cái điều mai mỉa là chính những kẻ từng kêu gào tuổi trẻ hy sinh mạng sống cho cái lý tưởng vô sản nay lại là những kẻ hùng hổ dùng mọi mánh khóe để làm giàu cho riêng họ. Bác tin là cháu sẽ nhận ra sự thật và sẽ làm một cái gì để tiếp tay sớm tống táng cái chủ nghĩa tàn bạo đó.

 

Tôi còn đang bàng hoàng về con số bị giết hại thì tiếng ông lại vang lên:

 

‒ Trừ phi cháu muốn thành người cộng sản, muốn tự mình cống hiến thêm nạn nhân cho tượng đài, cháu đừng nên ra đi…

 

Ông định nói thêm nhưng thấy anh phục vụ đặt đĩa thức ăn lên bàn, ông mỉm cười:

 

‒ Cháu cứ thư thả suy nghĩ. Còn bây giờ thì chúng ta ăn, đói lắm rồi!

 

Tôi nuốt món nào cũng không biết ngon. Lời mẹ căn dặn vẫn vang vang. Tôi nghĩ đến tình bạn chân thành của Huyền cả Thạch dành cho tôi. Còn ông, có đúng là ông thật lòng tử tế với con gái kẻ thù? Không chỉ với riêng tôi mà như ông tỏ lộ, còn với nhiều người khác. Quả là ông đang giúp tôi học hành thành đạt để về góp phần xây dựng quê hương. Nhưng làm sao mà quê hương trở thành giàu mạnh khi những người lãnh đạo tham lam ngu dốt còn ngáng đường?

 

Lúc tráng miệng, khi tôi còn thừ người suy tư thì một lời thật ngắn của ông giúp tôi dứt khoát chọn lựa:

 

‒ Năm năm qua cháu đã trực diện đất nước Hoa Kỳ. Chỉ hai trăm năm lập quốc mà đất nước người ta vừa giàu vừa sang trong khi nước mình bốn nghìn năm văn hiến mà còn thua các nước lân bang vốn chẳng bằng mình! Nước Nhật lãnh 2 trái bom nguyên tử mà chỉ cần 20 năm đã thành cường quốc kinh tế. Còn Việt Nam, trên 30 năm qua, chỉ đảng viên cộng sản ngày một giàu còn người dân ngày một nghèo. Họ đi ngược với lý tưởng của họ. Chẳng những thế, còn nhượng đất nhượng biển… Bác giúp cháu vô điều kiện. Cháu không phải làm bất cứ điều gì cho bác để trả ơn. Nếu thấy những gì bác nói là sự thật, thì tự cháu nghĩ xem mình phải làm gì cho quê hương.

 

Bất chấp Huyền và Thạch đang quan sát, tôi đưa tay nắm chặt bàn tay ông đang tựa lên cạnh bàn. Tôi nói nhỏ:

 

‒ Cháu ở lại …

 

Sơn đã tắm xong, đứng tựa tủ lạnh lặng lẽ ngắm tôi. Trông anh bị bó chặt trong bộ đồ ngủ khá chật giống như chiếc gối ôm. Tôi đứng lên, vươn vai:

 

‒ Anh vào ngủ trong buồng kia. Em phải đi ngủ đây, mai còn đi làm.

 

Anh trêu chọc:

 

‒ Cho anh một nụ hôn rất nhẹ để anh ngủ thật ngon.

 

Tôi lắc đầu, nói good night bằng giọng lịch sự nhất. Tôi thư thả bước về buồng riêng mà tai lắng nghe dè chừng tiếng chân anh theo sau. Thật ra tôi đã có những phút giây ham muốn, khát khao nhưng vẫn còn đủ năng lực để gỡ vòng tay ôm cứng của anh.

 

Lên giường, tôi nằm đếm đến con số hàng ngàn mà vẫn không ngủ được. Người tôi cứ nôn nao, bồn chồn. Có thể vì đây là lần đầu tôi cho một người bạn trai ngủ lại nhà. Trong một liên tưởng nào đó tôi có cảm tưởng như đang vi phạm điều kiện thứ hai khi còn ở nhà ông. Ngẫm nghĩ, tôi tự cười cho chính mình. Tôi quá lẩm cẩm. Đây là nhà của tôi. Tôi có toàn quyền đưa Sơn vào buồng nếu tôi muốn. Nhưng sao tôi vẫn e dè? Có phải vì tôi vẫn còn dành quá nhiều tình cảm cho ông? Tôi phân vân, giả sử đêm đó tôi quyết định rời nhà ông, tìm nơi ở khác, liệu hôm nay tôi đã trở thành vợ của Sơn? Hoặc giả, nếu đêm đó sự việc diễn ra khác đi liệu giờ này và mãi mãi tôi ở lại Hoa Kỳ?

 

Sau bữa tiệc, vì ông đã thấm rượu nên giao tay lái cho Huyền. Ông và tôi ngồi băng ghế sau. Nhạc thoang thoảng trôi êm, buồn buồn. Tôi liếc nhìn ông tựa đầu lên thành ghế như đang ngủ. Dáng ông nhập nhạng qua ánh đèn đường trông thật cô đơn. Một câu hỏi cứ âm ỉ trong đầu tôi lâu nay bỗng hiện ra thôi thúc. Tôi hỏi nhỏ:

 

– Bác còn thức?

 

Chỉ có tiếng nói phát lên:

 

– Còn!

 

Tôi ngập ngừng nhìn ông:

 

‒ Nói cho cháu biết bác gái qua đời thế nào?

 

Mắt ông vẫn nhắm, như không nghe câu hỏi. Tôi biết ông đã nghe nên kiên nhẫn chờ. Rốt cuộc, ông lên tiếng:

 

‒ Lúc ghe bị sóng đánh vỡ, bà ấy ôm đứa con trai, bác ôm được Huyền. Rồi bác không còn thấy gì nữa sau một đợt sóng lớn…

 

Ông lặng thinh. Tôi cũng yên lặng cố mường tượng xem ông đã đau đớn đến thế nào trong suốt hàng chục năm qua. Rồi một thân một bóng nuôi con. Và ông trở nên giàu có, con thành tài. Tôi phá tan sự yên lặng nặng nề:

 

‒ Theo cháu nhận thấy thì cho đến nay bác vẫn chưa… bước đi bước nữa?

 

‒ Chưa! Chưa phải nợ duyên. Bác tin vào số mệnh.

 

Tôi còn muốn hỏi thêm là ông thích tìm người bạn đời theo tiêu chuẩn nào nhưng tôi kịp ghìm lại. Ông đã nói tin vào số mệnh thì có hỏi cũng chỉ làm câu trả lời thêm thừa thãi. Thôi thì tôi cũng phó thác đời tôi cho số mệnh rủi dun. Tôi nhắm mắt lại mường tượng đến nợ duyên của mình. Có như lời bản nhạc đang vẳng đưa:

 

“Những vì sao lấp lánh. Giữa bầu trời Hà Nội. Những vì sao không nói. Nhưng biết chờ biết đợi. Là sao Anh, là sao Em. Là sao Anh, là sao Em. Anh không làm sao Hôm. Em chẳng làm sao Mai. Phải tìm nhau mãi mãi…”

 

Giọng hát Lê Dung thực ngọt ngào, nức nở. Tự dưng tôi ví ông là sao Hôm, còn tôi là sao Mai, những vì sao không nói nhưng biết đợi biết chờ. Tôi ước mong một ngày nào đó chúng tôi tuy hai mà một. Tôi là sao Vệ Nữ, ông là sao Kim… Và tôi thấy mình trôi theo tiếng hát…

 

Từ hôm đó, tôi cứ mãi nghĩ về số mệnh. Có thực có nợ duyên không? Liệu có nợ duyên nào ràng buộc ông và… tôi với nhau? Vài tháng trước khi chính thức tốt nghiệp cử nhân, tôi đã có dịp dọ thử… nợ duyên của mình:

 

– Thưa bác, cháu vừa được một hãng lớn mời làm việc sau khi tốt nghiệp. Cháu có thể ở lại làm việc bao nhiêu năm, tùy cháu. Hãng đó cũng giúp cháu học lên cao học, tiến sĩ. Và cháu muốn hỏi ý bác…

 

Ngồi thong thả ở chiếc bàn đẹp của hãng địa ốc, ông trả lời thật nhanh, thản nhiên:

 

– Chúc mừng cháu. Nhưng việc này, cháu nên hỏi ba mẹ cháu…

 

Và buồn thay, ba mẹ tôi nhất định muốn tôi trở về ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân. Hôm đó tôi đã tin vào số mệnh. Trong khi chờ đợi, thời gian tôi được gần bên ông không còn nhiều, vì vậy tôi cố gắng không bỏ sót các bữa ăn họp mặt cuối tuần. Tôi yêu những bữa ăn thấm đậm tình thân thương gia đình. Sau mỗi bữa ăn là lại mong mỏi gặp nhau lần tới. Những bữa ăn buồn trong hạnh phúc.

 

Rồi lần họp mặt cuối cùng không chờ cũng đến. Bữa tiệc gọi là mừng chúng tôi tốt nghiệp cũng là tiệc tiễn đưa tôi về nước. Ông chọn một địa điểm đặc biệt: trên một chiếc du thuyền sang trọng di chuyển nhàn nhã trên con sông chảy ngang thủ đô Hoa Kỳ. Thuyền trưởng, thuyền phó và thủy thủ đoàn trong bộ dạ lễ trắng tinh trang trọng tiếp đón du khách lên tàu. Những người phục vụ bưng các mâm rượu và món khai vị mời mọc từng du khách. Chúng tôi nhấc mỗi người một ly champagne, một miếng phó mát, leo lên sân thượng, vừa nhâm nhi vừa say sưa quan sát thủ đô về đêm rực rỡ, muôn màu. Dòng sông thì thênh thang lặng lờ. Chiếc du thuyền hờ hững nhẹ trôi. Chiếc tháp tưởng niệm Washington như mũi tên vút lên, một điểm sáng trắng trên đỉnh chớp đều. Những chiếc máy bay mang đèn xanh đỏ cất cao. Những chiếc nghiêng nghiêng đáp xuống. Bầu trời trời ửng vàng rải rác các ngôi sao đang cố giữ độ sáng của mình. Phải nói là thật đẹp, thơ mộng.

 

Huyền và Thạch đang hăng say tán gẫu với một số người. Ông thì đang cười đùa với một mệnh phụ xinh đẹp. Một ông Mỹ già đứng cạnh gạ chuyện với tôi:

 

‒ Where are you from?

 

Tôi đáp cho phải phép:

 

‒ Việt Nam!

 

Ông Mỹ già reo vui:

 

‒ Nhà tôi và tôi vừa từ Vietnam về. Chúng tôi muốn nhìn lại Khe Sanh, nơi mà cả tháng trời tôi đã từng không tin là mình sống sót. Cô sang đây du lịch?

 

– Thưa không, tôi là du học sinh.

 

Ông gục gặc, cười mỉm:

 

‒ Du học sinh! Vậy ba cô hẳn là một đảng viên giàu có. Hồi xưa ông ấy … chống Mỹ cứu nước đấy!

 

Giọng ông cợt đùa nhưng tôi nghe xốn xang. Tôi đăm đăm nhìn ông, cố tìm câu đáp trả nhưng ông đã vui vẻ tiếp lời:

 

– Chúc cô thành công tốt đẹp trong việc tiếp nhận văn hóa Hoa Kỳ.

 

Tôi đáp như một thói quen:

 

– Cám ơn ông!

 

 

Ông Mỹ già quay người bước đi trước khi tôi kịp cho ông biết lời chúc của ông không còn thích hợp. Tôi đã thành đạt và sắp từ giã Hoa Kỳ. Dù lời ông nhã nhặn nhưng dư vị vẫn khơi gợi nỗi buồn phiền. Nếu tôi biết trước sẽ phải nghe lời nói này, tôi đã xin du học xứ khác. Tôi dợm bước về sân lái nhưng khi chiếc loa phóng thanh đã kịp mời chúng tôi xuống phòng dạ tiệc. Món súp lạ miệng nhưng thơm ngon. Rồi những món kế tiếp được kẻ hầu người dâng. Mọi người cười nói râm rang. Với tôi, tiệc mừng cũng là tiệc buồn.

Sau bữa tiệc, trăm phần mãi mãi chia tay. Thỉnh thoảng tôi liếc sang ba Huyền. Ông vẫn mãi mê vừa ăn vừa góp chuyện với bà bên cạnh. Những tiếng cười ròn tan từng chập vang lên. Nhưng tôi lại ngập tràn cảm giác ngậm ngùi. Rồi đến tiết mục dạ vũ. Những điệu nhạc dồn đập, tươi vui. Chúng tôi luân phiên mời nhau. Ban nhạc còn chơi, chúng tôi còn nhún nhảy. Có những điệu nhạc lạ, ông đích thân hướng dẫn tôi và rất nhanh tôi theo nhịp bước cùng ông. Đêm đó về đến nhà, tôi không ngủ để download hình vào máy và xem lại từ đầu. Và từng giọt nước mắt rơi suốt đêm… Tại sao vậy? Tại sao cứ mỗi ngày qua, mỗi ngày một ít, mỗi ngày một rõ, tôi nhìn thấy ở ông một người đàn ông già dặn, lịch lãm, vui tính, tử tế và …sống một mình. Tại sao tôi phải ra đi khi ông phải sống một mình? Có lẽ vì vậy mà hai năm xa ông tôi cứ mãi nghĩ về ông. Có lẽ vì vậy mà bao nhiêu cố gắng của Sơn để được tôi yêu thương chỉ hoài công. Tôi đã ở tuổi hăm bảy rồi, còn đợi chờ gì nữa. Và còn trông mong gì với một tăm dạng mỗi lúc một mịt mờ. Hy vọng gì khi số mệnh đã định đoạt. Đã đến lúc tôi phải tập yêu Sơn…

 

Tôi nhìn đồng hồ trên bàn. Đã gần hai giờ sáng. Ánh điện từ chiếc đồng hồ đủ lộ hình dáng chiếc máy điện toán kế bên. Tôi chợt nhớ là hai ngày nay chưa đọc e‒mail. Dù đã bắt đầu buồn ngủ, tôi vẫn nhất quyết mở máy duyệt qua thật nhanh. Từ ngày về nước, e‒mail đã trở thành đam mê thứ nhất của tôi sau sách báo nước ngoài. Tôi không tin những lời hào nhoáng một chiều trên báo trong nước. Hai hàng trên cùng là junk mail. Hàng thứ ba mang tên một người gửi xa lạ “lam.nguyen”. Còn đang ngẫm nghĩ cái tên thì mắt lướt sang phần đề mục: “Happy Birthday!!!”. Lam nguyen nào mà nhớ ngày sinh nhật của tôi? Ô, chính ông, Nguyễn Thanh Lâm. Huyền và tôi vẫn thường liên lạc với nhau. Nhưng ông thì tuyệt vô âm tín. Tôi đọc lại tên ông một cách hốt hoảng. Trong nỗi bàng hoàng, tôi hối hả nhấp chuột cho hiện nội dung: “Cháu Diễm. Bác đang ở Sài Gòn. Huyền và Thạch có quà cho cháu. Có thể nào gặp cháu để chúc mừng sinh nhật? Bác Lâm.” Tim tôi như ngừng lại rồi đập sai nhịp nhưng vẫn đủ để chuyển niềm vui thành những giọt nước mắt trào lăn. Hạnh phúc đến thật bất ngờ. Tôi tưởng đã vĩnh viễn không gặp lại ông. Giây phút chia tay tại phi trường Dulles vẫn ám ảnh tôi không thôi…

 

Tôi ôm Huyền, tôi ôm Thạch rồi tôi ôm ông. Khi buông ông ra, tôi nhìn sâu vào mắt ông. Ông tránh đôi mắt tôi. Tôi nén xúc động hỏi nhỏ:

 

‒ Chừng nào bác về thăm cháu?”

 

Không một nét xao xuyến, ông cười cười;

 

‒ Chừng nào Việt Nam không còn… cộng sản!

 

Hôm nay người cộng sản vẫn còn đây nhưng ông đã về. Ông về vì tôi hay vì việc của riêng ông như ông có lần hé lộ lờ mờ? Dù bất cứ lý do gì, chỉ chốc nữa thôi tôi sẽ gặp được… người trong mộng. Và đó là tất cả những gì tôi mong có được trọn đời. Tôi đọc lại email một lần nữa, nhiều lần nữa. Email của ông gửi đúng vào lúc tôi khởi hành về miền Tây. Chao ơi, tôi đã để lỡ một ngày sinh nhật tuyệt vời. Và để ông chờ hồi âm mòn mõi. Không một chút chần chừ, ngón tay tôi rung rung nhấp chữ reply rồi gõ vội vàng bàn phím. “Bác ở đâu? Cháu sẽ đến ngay với bác”. Tôi nhìn đồng hồ. Đã quá hai giờ sáng. Tôi ngần ngừ. Không! Không thể đến với ông giờ này ở khách sạn. Lại càng không nên nếu ông đang ở nhà người thân. Tôi mời ông về nhà là phải nhất. Tôi xóa dòng điện thư và đánh máy lại: “Hãy đến ngay với cháu. Bất kỳ lúc nào”. Tôi đánh nhanh địa chỉ, và nhấp chữ Send. Gửi xong tôi chợt nhớ ra rằng Sơn đang ngủ ở buồng bên cạnh. Tôi thở hắt để cố xua đuổi nỗi lo âu. Tôi sẽ nói thế nào để Sơn rời nhà khi vừa mời anh ở lại? Loay hoay tìm lý do một lúc, tôi chợt nhận ra mình quá vớ vẩn! Hai năm được anh săn đón để hôm nay thẳng thừng xua đuổi anh giữa đêm khuya chỉ vì một người đàn ông… chưa là gì của tôi cả? Nhưng nếu ông đến giờ này thì tôi giải thích sao với Sơn? Tôi ngồi thật yên, mắt nhắm nghiền. Rồi tôi bỗng bật cười khan. Tôi thấy mình vớ vẩn thật! Người lịch duyệt như ông thì có đời nào lại thực hiện việc viếng thăm vào thời điểm chờ sáng? Ngày mai, tôi sẽ chờ ông suốt ngày, nếu cần, có cả Sơn nữa, thì đã sao! Chả lẽ tôi không có được một người gọi là bạn!

 

Thở ra nhè nhẹ, tôi đứng lên, bước đến cửa sổ. Đường phố vắng tanh. Bầu trời đen thăm thẳm lấp lánh các vì sao. Sao Hôm là sao nào nhỉ? Nó sắp lặn chưa? Người xưa cho rằng mỗi ngôi sao đều mang số mệnh con người. Rõ ràng sao Hôm, sao Mai đều mang số mệnh chia ly: “Phải tìm nhau mãi mãi”. Tôi chợt nhớ có lần ví ông là sao Hôm, tôi là sao Mai. Lại có lần cho ông là sao Kim, tôi là Vệ Nữ. Đúng là mộng mơ vơ vẩn đến buồn cười! Có là sao nào thì cũng chỉ là một: một mình ông, hoặc một mình tôi! Tôi mơ màng chìm đắm vào những ngày tháng bên ông… Những ngày tháng bên ông, bên Huyền, bên Thạch tôi rất hạnh phúc. Tất cả những gì Huyền được hưởng từ ông, tôi được hưởng như nhau. Những ân cần, săn sóc, vui đùa. Tôi đã quá lãng mạn, mê muội đó thôi. Chưa bao giờ ông có những biểu lộ gì đi quá những thân ái gia đình. Khi xa ông, tôi cũng chẳng nhận được lá thư nào thăm hỏi chừng như mỗi ngày ông vẫn nhìn thấy tôi qua Huyền. Và Huyền đối với tôi như ruột thịt, thường gọi điện thoại, gửi e‒mail đều đặn. Và đều kết thúc bằng câu “Ba gửi lời thăm Diễm”.

 

Cuộc tình nào rồi cũng đi đến kết cuộc. Cuộc tình của Huyền và Thạch đã dẫn đến đám cưới và một đứa con. Cuộc tình của tôi kết cuộc như thế nào để không trở thành một dĩ vãng khó quên? Tôi tự cho phép mình mộng mơ lần cuối. Ngước nhìn bầu trời ngập ánh sao, tôi thì thầm: “Ước gì thế gian không có sao Hôm để chẳng bao giờ có sao Mai!”.

 

Vũ Thất.

 

*  *  *

 

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem các bài trên trang Văn: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh