Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
ĐỨC-PHỔ, HUYỆN QUAN TRỌNG CỦA TỈNH QUẢNG-NGÃI
TRƯƠNG QUANG

 

 

Bản đồ các tỉnh trên toàn quốc VN chỉ rõ tỉnh

Quảng-Ngãi nằm giữa chiều dài Bắc - Nam của Tổ quốc.

Huyện Đức-Phổ nằm cực Nam của tỉnh Quảng-Ngãi.

 

Tỉnh Quảng-Ngãi có 10 huyện gồm 6 huyện miền đồng bằng là Bình-Sơn, Sơn-Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ-Đức, Đức-Phổ và 4 huyện miền núi là Trà-Bồng, Sơn-Hà, Minh-Long, Ba-Tơ. Chỉ riêng huyện Đức-Phổ có địa lý thiên nhiên đặc biệt, đương nhiên huyện Đức-Phổ có tầm quan trọng nhất do 3 đặc điểm sau:

 

1) Giao thông đường bộ có Quốc lộ 1 và đường thiết lộ cho tàu lửa cùng chạy bên nhau xuyên suốt chiều dài 50 km của huyện Đức-Phổ. Đây là 2 con đường xương sống, luân chuyển huyết mạch nuôi sống toàn cõi VN. Quốc lộ 24 chạy hướng Đông Tây từ bờ biển Đông, cắt ngang QL1 tại Thach-Trụ, rồi chạy thẳng lên Ba-Tơ đến Kontum ở Cao nguyên Trung-Việt.

 

2) Giao thương đường thủy có 2 cửa biển Mỹ-Á và Sa-Huỳnh với bờ biển bằng phẳng dài hơn 40 km nhìn ra Biển Đông, thuận tiện cho ngư nghiệp.

 

3) Phía Nam huyện Đức-Phổ có khu vực Sa-Huỳnh nổi tiếng về chiến lược và khảo cổ. Nơi đây dãy Trường Sơn đâm ra sát mép biển như nút chận giữa Trung-Việt, nên từng xảy ra nhiều trận thư hùng giành và giữ Sa-Huỳnh từ thời vua Lê Thánh Tông Nam tiến chinh phục Chiêm Thành, cho đến Tết năm 1973, Việt cọng cắt ngang VN tại Sa-Huỳnh, VNCH phản công dũng mãnh mới khai thông.

 

Thế giới biết đến nền VĂN HÓA SA-HÙYNH trước đây 2,500 năm, được nhà khảo cổ Pháp phát hiện năm 1909 bằng cứ vào di vật đất nung. Mới nhất là nền VĂN HÓA CHAMPA còn lưu dấu nơi bia đá chạm khắc chữ Sanskrit (chữ Chàm cổ) tìm thấy tại thôn Thạch-Đức, Sa-Huỳnh.

 

Tôi được sinh ra và lớn lên tại huyện Đức-Phổ, suốt đời gắn bó và tìm hiểu về quê nhà của mình. Nay thành người tỵ nạn CS định cư tại Hoa-Kỳ, tôi luôn khắc khoải nhớ về cố hương; để bớt quên lãng theo thời gian, không gì hơn là tôi viết về địa lý thiên nhiên bất di bất di bất dịch của huyện Đức Phổ, nhất là về tổ chức hành chánh thay đổi tên làng, tên xã trải qua một kiếp nhân sinh bách tuế. Người Việt quốc nội và hải ngoại có thể biết rõ tại sao có sự sai khác về tên thôn, làng sinh quán của mình trong các giấy tờ tùy thân, lý lịch, văn bằng... Tôi gác qua một bên các cơ chế chính trị, vì không một chế độ cai trị nào trường tồn trên một lãnh thổ; cho dù có độc quyền, bán nước, phi nhân như Việt-cọng hôm nay cũng gần đến ngày cáo chung.

 

A) Lai lịch huyện Đức-Phổ:

 

Thuở xưa, địa bàn Đức-Phổ nằm trong huyện Khê-Cẩm đời nhà Hồ, đến đời nhà Lê đổi là huyện Mộ-Hoa, đến đời nhà Nguyễn là phủ Mộ-Đức. Năm 1890, (nên hiệu Thành-Thái thứ 2) dưới thời Pháp-thuộc, những xã "thượng bạn" phủ Mộ-Đức cắt ra thành lập châu Đức-Phổ thuộc Nha Sơn-phòng Nghĩa-Định. Năm 1899 (niên hiệu Thành-Thái thứ 11) phần lớn các tổng Cảm-Đức, Triêm-Đức, Tri-Đức tách ra khỏi Mộ-Đức lập thành huyện Đức-Phổ.

  

Nắm 1906 huyện Đức-Phổ gồm 3 tổng là Phổ-Cảm, Phổ-Tri và Phổ-Vân với 78 làng. Đến đầu năm 1940 lần lượt xóa bỏ cấp tổng, rồi từ đó đến nay các làng (sau gọi là thôn hay ấp) vẫn giữ đúng tên làng cũ. Tháng 3/1945 Nhật lật đổ Pháp trên toàn cõi VN, 6 tháng sau Nhật đầu hàng Mỹ, thế chiến II kết thúc; vua Bảo-Đại mời học giả Trần Trọng Kim làm Thủ-Tướng, chưa kịp lập xong Chính-phủ, chưa có quân đội. Lợi dụng khoảng trống quyền lực, Việt-Minh CS cướp chính quyền giữa tháng 8/1945. Việt-Minh liền đảo lộn cơ chế hành chánh như đặt tên tỉnh Quảng-Ngãi là tỉnh Lê Trung Đình, huyện Đức-Phổ là huyện Nguyễn Nghiêm, huyên Sơn-Tịnh là huyện Trương Quang Trọng v.v...Ngay đó Viêt-Minh tâp họp mấy làng xã gần nhau lấy tên một xã mới, đơn cử như 7 làng chung quanh sinh quán của tôi họp chung thành làng Hiệp-Minh...Khi tiêu đề trên giấy tờ ghi dòng chữ "Việt-Nam dân-chủ cọng-hòa/ Độc-lập Tự-do Hạnh-phúc" thì Việt-Minh phục hồi lại tên là tỉnh Quảng-Ngãi, là huyện Đức-Phổ. Tên xã lấy chữ cuối tên huyện làm chữ đầu tên xã như huyện Đức-Phổ có xã Phổ-An, Phổ-Minh...huyện Sơn-Tịnh có xã Tịnh-Khê, Tịnh-Bình...

 

Sau khi Tổ quốc bị chia cắt từ tháng 7/1954, Chính phủ Quốc gia của nước Việt-Nam Cọng-Hòa vẫn duy trì tên 13 xã của huyện Đức-Phổ, cho đến năm 1958 mới đổi chữ sau của tên xã và lập thêm 2 xã mới là Phổ-Hiệp (tách ra từ xã Phổ-Trung & Phổ Trang) và xã Phổ-Châu (tách ra từ xã Phổ-Thạnh), tổng cọng là 15 xã. Sau năm 1975 (CS Bắc Việt thôn tính nước VNCH) huyện Đức-Phổ trở về địa giới hành chánh của 13 xã trước 1954 (nghĩa là Phổ-Hiệp nhập lại vaò xã Phổ-Khánh; Phổ-Châu nhập lại vào xã Phổ-Thạnh). Nhưng đến năm 1999, xã Phổ-Châu được tái lập. Năm 1987, nơi thị tứ ở huyện-lỵ Đức-Phổ được lập thành Thị-trấn Đức-Phổ.

 

Qua nhiều biến cố, cho đến nay huyện Đức-Phổ có 15 đơn vị hành chánh gồm 14 xã và 1 thị trấn.

 

B) Địa lý Thiên nhiên huyện Đức-Phổ:

 

1) Sông ngòi:

 

Lớn nhất là sông Trà-Câu (là 1 trong 3 con sông lớn của Quảng-Ngãi có xuất xứ từ họ Trà của Chiêm-Thành là Trà-Khúc, Trà-Bồng và Trà-Câu). Sông Trà-Câu bắt nguồn từ huyện Ba-Tơ, thượng lưu gọi là sông Vực-Liêm, lòng sông dốc, lưu vực hẹp, đổ ra cửa Mỹ-Á.

 

- Sông Lò-Bó: bắt nguồn từ cao độ 300m của dãy Trường-Sơn, dài 28km, lưu vực cỡ 30 km2.

 

- Sông Thoa: là chi lưu của Sông-Vệ, chảy qua huyện Mộ-Đức và miền đông huyện Đức-Phổ, hơp dòng với sông Trà-Câu tại xã Phổ-Quang rồi đổ ra cửa biển Mỹ-Á.

 

- Sông Trường là phân lưu của đầm Lâm-Bình, dài 4km, hợp với hạ lưu sông Lò-Bó và sông Rớ tại xã Phổ-Vinh, cùng đổ ra cửa biển Mỹ-Á.

 

2) Núi rừng:

 

Nằm giữa đồng bằng có núi Dâu, núi Cửa (cửa biển Mỹ-Á), núi Mô-Côi, rừng núi Sầu-Đông, núi rừng Chà-Phun, núi Giàng Hạ, núi Làng, núi Diêm. Chi nhánh từ dãy núi Trường-Sơn có núi Giàng Thượng, núi Chóp-Vung, núi Ngang, núi Khỉ, núi Dầu-Rái (1 phần của núi Lớn).

 

3) Đầm, hồ:

 

Dọc bờ biên có 2 đầm, hồ lớn là đầm Lâm-Bình và đầm An-Khê (xưa gọi là đầm Cẩm-Khê hay Phú-Khê), nổi tiếng với ngạn ngữ "cá Phú-Khê". Đầm nước ngọt An-Khê sâu và rộng, cho nên vào khoảng năm 1943- 1944 quân đội Nhật có dự định múc bờ cát biển cho đầm thông với Biển Đông và đào doi đất phía Nam mở lối ra rạch Tân-Diêm và hải cảng Sa-Huỳnh. Cải tiến thành biển hồ cho chiến hạm tạm trú tránh bão và phi cơ địch, dựa vào hỏa lực cao xạ đặt trên các núi chung quanh. Khi bảng cảnh báo đồ sộ "Đông-dương thường hữu nghịch phong" dựng lên, là lúc nước Nhật bất ngờ bị bom nguyên tử đánh bại, mọi kế hoạch đều chìm.

 

C) Địa lý hành chánh huyện Đức-Phổ (có liên hệ kinh tế & nhân văn):

 

Huyện Đức-Phổ phía bắc giáp huyện Mộ-Đức, dài và hẹp dần theo chiều dài Bắc Nam. Tận cùng phía Nam giáp huyện Hoài-Nhơn tỉnh Bình-Định, phía Tây giáp huyện Nghĩa-Hành và Ba-Tơ, phía Đông giáp Biển-Đông với bờ biển cát trắng dài 40 km. Diện tích toàn huyện là 372 km2. Dân số năm 2005 là 153,684 người (theo Wikipedia). Mật độ 413 người/ 1km2.

 

Hiện nay (năm 2017) huyện Đức-Phổ có tổ chức hành chánh của 14 xã gồm 91 thôn và 1 thị trấn có 6 tổ dân phố. Theo thứ tự hướng Bắc kể vào và Hướng Đông kể lên là các Xã:

 

1) Xã Phổ-Thuận: (tức xã Phổ-Long từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 7 thôn là: Kim-Giao, Mỹ-Thuận, Thanh-Bình, Thượng-Sơn, An-Định, Vùng 4, Vùng 5. Xã nầy có con đường chiến lược do quân đội Hoa-Kỳ khi tham chiến tạo dựng, chạy từ núi Chóp-Vung xuống tới Biển-Đông, băng ngang QL1. Liên-Chiểu là vựa lúa của huyện Đức-Phổ, có chợ Liên-Chiểu và thắng cảnh Liên-Trì dục nguyệt (là 1 trong 12 thắng cảnh của Quảng-Ngãi). Nơi đây là sinh quán của 2 Giáo-sư trung học: thầy Nguyễn Thiện Giao (dạy lý hóa rất hay khi tôi học lớp Đệ tam trường Nguyễn Nghiêm) và thầy Nguyễn Thiện Tụng (Hiệu trưởng trường Lê Khiết, khi tôi học lớp 8 trường nầy). Xã Phổ-Thuận có đường huyện lộ phát xuất từ Trà-Câu trên QL1 chạy về Tây, vượt đèo Eo-gió của núi Xương-Rồng lên các xã cận sơn.

 

2) Xã Phổ-Phong: (tức xã Phổ-Nghĩa từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 7 thôn là: Hiệp-An, Gia-An, Vạn-Lý, Hùng-Nghĩa, Tân-Phong, Trung-Liêm và Vĩnh-Xuân. Xã nầy có ga Thạch-Trụ trên thiết lộ, có Quốc lộ 24 chạy hướng Đông-Tây dọc mạn Bắc của xã lên Ba-Tơ đến Kontum. Thôn Tân-Phong là sinh quán của nhà báo, nhà văn đa tài Nguyễn Vỹ (cũng là bút hiệu Tân Phong và Diệu Huyền trong nguyệt san Phổ-Thông do ông làm Chủ bút kiêm Chủ nhiệm). Thôn Tân-Phong còn có dinh cơ của ông Án Hiền; ông xuất thân bần hàn phải vào Nam ở mướn, vốn có chí khí, tự đào luyện để tiến thân đến chức Án-Sát, là 1 trong vài quan đứng đầu tỉnh. Ông Án Hiền còn cho khẩn hoang thành khu dinh điền Ba-Tơ Nghĩa-Hành như được thấy hiện thời. Từ xưa dân xã Phổ-Phong có nghề làm chổi đót. Hiện nay tại đây đã lập nên nhà máy đường có công xuất 1000 tấn/ ngày, và nhà máy gạch ngói sản xuất 14 triệu viên/ năm.

 

3) Xã Phổ-Văn: (tức xã Phổ-Hưng từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 5 thôn là: Văn-Trường, Đông-Quan, Thủy-Triều, Tập-An Bắc và Tập-An Nam. Nơi thôn Tập-An Nam có khu thị tứ Trà-Câu và chợ Trà-Câu nằm bên QL 1. Trường trung học tư thục Đăng-Khoa trong khu vực nhà thờ cũng nằm gần kề. Thôn Thủy-Triều nằm dọc tả ngạn sông Trà-Câu, mùa nắng đắp Đập-Diệu ngăn dòng chảy để dẩn nước vào ruộng. Thôn Thủy-Triều là nơi sơ tán trường trung học Nguyễn Nghiêm để tránh máy bay Pháp dội bom. Xã Phổ-Văn chuyên về thủ công nghiệp đan đác nan tre, sản xuất đồ gia dụng như thúng mũng, bàn ghế tre... và vật dụng bắt cá như lờ, đó, nôm, lưới... Xã Phổ-văn có đường huyện lộ phát xuất từ Trà-Câu trên QL1, chạy về Đông qua xã Phổ-Quang đến của biển Mỹ-Á. Con huyện lộ từ đầu cầu Trà-Câu đến thôn Hải-Môn không còn thuân tiện.

 

 4) Xã Phổ-Hòa: (tức xã Phổ-Đại từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 4 thôn là An-Thường, Hòa-Thạnh, Nho-Lâm và Hiển Văn. Trước năm 1987, thị trấn Đức Phổ còn thuộc xã Phổ-Hoà là trung tâm của huyện Đức-Phổ, nên từ QL 1 phát xuất những huyện lộ về Đông đến cửa Mỹ-Á, đến xã Phổ-Vinh, những huyện lộ về Tây đến đập Liệt-Sơn, đến đập An-Thọ, đến ga xe lửa Đức-Phổ. Gần là đập An-Thọ, được Pháp xây dựng đầu tiên, khá hiện đại. Xa tận chân dãy núi Trường-Sơn có đập Liệt-Sơn xây dựng suốt 2 thập kỷ 1940 + 1950 với hệ thống mương-thủy-lợi trải khắp 2 huyện Đức-Phổ, Mộ-Đức. Chợ huyện, tục gọi là chợ Bàu-Cối rất nhộn nhịp, khó quên trong câu hò:

Thuốc ngon Chợ-Huyện, Giấy quyến Sa-Huỳnh.

Nẫu xa mặc nẫu, Đôi đứa mình đừng xa...

(Phương ngữ Nẫu = những người nào đó. Theo Ngữ pháp chữ Nẫu chỉ ngôi thứ 3 số nhiều).

 

5) Xã Phổ-An: (tức xã Phổ-Lơi từ 1958 đến 1975 thời VNCH) là xã ven biển có 4 thôn là: Hội-An 1, Hội-An 2, An-Thạch và An-Thổ. Xã Phổ-An có đường Quốc lộ 24 nối dài chạy từ QL1 ở Thạch-Trụ xuống Biển-Đông. Xã Phổ-An, Bắc giáp xã Đức-Phong của huyện Mộ-đức. Toàn xã Phổ An chuyên nghề kéo sợi quay tay và Dệt vải bằng khung cửi Canh-nông bán tự động, sản xuất ra vải Xi-ta, vải Ka-ki và Vải 8 đủ cung cấp cho dân chúng toàn tỉnh Quảng-Ngãi. Xã Phổ-An thích hợp khoai lang trồng trên rẫy cát, từ đó lưu truyền câu hát "tán gái" của 2 chàng lãng tử:

 - Củ lang mỏng vỏ đỏ da, 

Em muốn về An-thổ theo qua mà về.

- Em khổng về với ảnh thật là em quê!

 Gần sông tắm mát, Chợ kề một bên.

 Sông đây là Sông Thoa điều hòa dòng nước giữa Sông-Vệ với sông Trà-Câu. Chợ đây là Chợ-Mới, nơi thu mua chỉ sợi đã quay cuốn thành Chẹ sợi từ nhiều xã lân cận.

 

 6) Xã Phổ-Quang: (tức xã Phổ-Xuân từ 1958 đến 1975 thời VNCH) là xã ven biển gồm 5 thôn: Phàn-Thất, Bàn-An, Du-Quang, Mỹ-Yên và Hải-Tân. Thôn Phàn-Thất và Hải-Tân chuyên về đánh cá ngoài biển và buôn bán bằng ghe bầu nhờ có cửa biển Mỹ-Á, vịnh và bến tàu sâu rộng ở cuối phía Nam của xã. Gần đây nhiều tàu đánh cá viễn dương vẫn nằm ụ tại bến vì lỡ đánh cá cách xa quần đảo Hoàng-Sa vẫn bị chiến thuyền Trung-Cọng đâm chìm, mất cả ngư cụ lẫn sinh mạng. Trong khi đó, nhiều cư dân thôn Du-Quang chuyên về doanh thương trên bộ; thôn nầy là nguyên quán thầy Hồ Cơ, Hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Nghiêm lâu năm nhất. Ba mặt của xã Phổ-Quang có biển cả và sông rộng vây quanh, đi đâu cũng phải qua ghe đò; chỉ mùa khô cạn có cầu "bến đò Mốc" từ Bàn-An qua sông Thoa, 2 cầu tre gỗ dài rộng  của Du-Quang và Hải-Tân qua sông Trà-Câu mùa nước kiệt. Chàng trai bên kia sông nói với cô ả Mỹ-Yên lời lỗi hẹn: "Hôm qua, qua nói qua qua, mà qua hổng qua, hôm nay qua hổng nói qua qua, mà qua qua".

Câu nói xà-quầng toàn tiếng QUA khó hiểu, nhưng cô ả mỉm cười gật đầu. Trừ chữ "hôm qua" và "bữa nay" để chỉ thời gian, còn những chữ “qua nghĩa là tôi, tiếng tự xưng trìu mến của người lớn hơn” (là những chữ "qua" thứ 3,6,8,10,13,16,19 đều là đại danh tự ngôi thứ nhất số ít). Còn lại là chữ “qua nghĩa là  đi qua, động tự” (là những chữ qua thứ 5, 10,17, 20).

 

7) Xã Phổ-Minh: (tức xã Phổ-Tân từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 7 thôn là: Hải-Môn, Sa-Bình, Tân-Tự, Tân-Bình, Tân-Mỹ, Lâm-An và Trường-Sanh. 6 thôn trong xã chuyên về nông nghiệp, chỉ riêng thôn Hải-Môn (nơi tôi chào đời) còn buôn bán đường thủy bằng ghe bầu, có xóm Tuần chuyên đánh cá biển. Thôn nầy nhìn thẳng ra biển qua cửa Mỹ-Á, được rừng núi Sầu-Đông làm bình phong ngăn gió chướng. Năm 1941, tôi là cậu nhóc con được thấy chiếc thủy-phi-cơ đáp xuống bến Vạn trong vịnh Mỹ-Á, rồi mấy ông Tây bà Đầm đi ô-tô theo tỉnh lộ cũng kéo đến bơi tắm đú đởn. Thôn Hải-Môn có chợ Cây-Chay là trung tâm trao đổi hải sản với lâm sản, nơi phát sinh câu ca dao: 

Ai lên nhắn với nậu nguồn

Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

Thôn Tân-Tự có gia cư của thầy Huỳnh Quang Tiễn, Hiệu trưởng trường tiểu học công lập Đức Phổ thời Pháp thuộc. Thây Tiễn vận quốc phục VN khi đứng lớp nói tiếng Pháp, vài lần thầy phạt đòn tôi bằng roi (dù thầy là bạn của cha tôi), tôi vẫn kính mến thầy trọn đời.

 

 8) Xã Phổ-Ninh: (tức xã Phổ-Bình từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 7 thôn là: An-Trường, An-Ninh, Vĩnh-Bình, Thanh-Lâm và Lộ-Bàn. Tại thôn Vĩnh-Bình có 2 khu vực xã hội dân sinh: 1) Khu vực Trường trung học bán công Lê Văn Duyệt và trường tiểu học Phổ-Ninh trải dài bên QL1, gần đó có nhà thương Lộ-Bôi là bệnh viên duy nhất của huyện trước 1954. 2) Khu vực ga Đức-Phổ có đồn lính Tây trước 1954, Sân vận động huyện Đức-Phổ, Trường trung học Nguyễn Nghiêm trước ngày bị Pháp thả bom, Cơ sở nhà thầu Giacone làm đập Liệt Sơn và École primaire officielle de Đức-Phổ, nay là trường tiểu học huyện Đức-Phổ. Thôn Thanh-Lâm và Lộ-Bàn trồng mía, có những lò đạp mía sản xuất ra các loại đường mía. Hai thôn nầy có những "thợ rừng" chuyên sản xuất ra gỗ làm sườn nhà,  cũng như có huyền thoại" ngậm ngãi tìm trầm" nơi sơn lâm chướng khí.

 

9) Xã Phổ-Nhơn: (tức xã Phổ-Phước từ 1958 đến 1975 thời VNCVH) gồm 7 thôn là An-Tây, An-Điềm, An-Lợi, An-Sơn, Phước-Hạ, Thới-Thượng, Nhơn-Tân và Nhơn-Phước. Xã Phổ-Nhơn có đập Sở-Hầu được xây dựng suốt một thập kỷ, phải huy động nhân công từ 5 xã mới đắp nên. Thôn An-Tây nổi tiếng trù phú và nhiều người thành danh. Tôi còn nhớ thầy Thông-phán Nguyễn Thới Vinh sinh trưởng từ thôn An-Tây; sau năm 1947 thầy Vinh có dạy Pháp-văn ở các trường Trung học tư thục, tính thầy ngay thẳng đôi khi gàn dỡ nên khó tiếp cận với đồng nghiệp.

 

10) Xã Phổ-Vinh: (tức xã Phổ-Thành từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 9 thôn là: Phi-Hiển, Khánh-Bắc, Nam-Phước, Lộc-An, Đông-Thuận, Trung-Lý, Thành-Hiệu, Thạch-Lập và Đông-Ôn. Trung-Lý là trung tâm của xã, nơi đây có chợ Thanh-Hiếu, ngôi cổ tự Thanh-Hiếu và trường tiểu học Phổ-Vinh. Thôn Thành-Hiệu có nghề đồ gốm, chuyên sản xuất gạch ngói lấy đất thịt từ đầm Lâm-Bình gần bên. Thôn Khánh-Bắc và Đông-Thuận nằm ven Biển-Đông nên dân chúng chuyên nghề đánh cá nước mặn.

Xã Phổ-Vinh còn lưu dấu những di tích lịch sử như Chùa Mục-Đồng ở thôn Lộc-An, khởi nguồn từ trẻ chăn bò lập nên để thờ oan hồn Chiêm-Thành do 20 vạn quân của vua Lê Thánh Tôn sát hại trong cuộc Nam-tiến năm 1422. Vùng Ba-Mương, Giếng-Bộng là dấu tích chiến hào của Nghĩa sĩ Cần-vương chống lại quân Nguyễn Thân và Pháp vào đầu thế kỷ 20. Tương truyền rằng núi Chà-Phun là hang ổ của cọp xuống miền biển theo ngã núi Hiển-Tây rồi đi đến núi Cửa ở đầu xã nầy.

 

11) Xã Phổ-Cường: (tức xã Phổ-Trang từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 7 thôn là: Lâm-Bình, Mỹ-Trang, Nga-Mân, Thủy-Thạch, Xuân-Thành, Thanh-Sơn và Bàn-Thạch. Phía Bắc xã Phổ-Cường trên QL1 là đèo Mỹ Trang dốc thoai thoải, phía Đông bên QL1 là núi Dâu có đường xoắn ốc để kéo trọng pháo 155 ly lên đỉnh, nhằm bắn yểm trợ toàn vùng rộng lớn trong chiến tranh trước 1975. Từ ga Thủy-Thạch đường thiết lộ và QL1 chạy song song gần nhau đến cuối tỉnh Quảng-Ngãi. Thời gian ấy, từ chốn nầy phát sinh một câu đối hoàn chỉnh:

Về Thủy-Thạch nốc ly nước đá >< Đến Sa-Huỳnh bụm nắm cát vàng

{Chữ Hán-Việt: Thủy là nước, Thạch là đá = Thủy-thạch <--> Sa là cát, Huỳnh là vàng = Sa-huỳnh

{Chữ Nôm dân giã: Nốc là uống ừng-ực nhiều nước. Bụm là hốt nhiều vào 2 lòng bàn tay.

Đầm Lâm-Bình khá rộng, nhưng cạn, mặt Bắc giáp thôn Thành Hiệu xã Phổ-vinh, mặt Tây giáp thôn Lâm Bình & Mỹ Trang, mặt Đông giáp thôn Thủy-Thạch, Qui-Thiện, Phước-Điền (Phổ Khánh). Toàn xã Phổ Cường chuyên về nông nghiệp; quanh đầm cấy lúa lúc nước cạn, cây lúa cao lớn dần theo mực nước, lúa chín dùng thuyền đi gặt.

 

12) Xã Phổ-Khánh: (tức xã Phổ-Trung từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 7 thôn là: Qui-Thiện, Phước-Điền, Diên-Trường, Trung-Sơn, Vĩnh-An, Trung-Hải và Phú-Long. Đầm An-Khê trải rộng mặt Đông xã Phổ Khánh. Dân chúng quanh đầm và dọc bờ biển chuyên về ngư nghiêp đánh cá nước ngọt trong đầm hồ và cá nước mặn ngoài Biển-Đông, do đó chợ Diến-Thí của xã nầy nổi tiếng bán nhiều loại cá với giá rẻ. Lò đồ gốm Chỉ-Trung sản xuất nồi đất, chum, vò, bình vôi và gạch ngói được khắp nơi ưa chuộng. Trường tiểu học tư thục Chỉ-Trung (trước 1954) và trường tiểu học Phổ-Khánh hiện nay đều nằm bên QL1.

 

Dãy núi Trường-Sơn phía Tây bỗng quanh ra Biển-Đông tại thôn Diên-Trường tạo ra những dốc đá quanh co ngoạn mục dựng đứng bên bờ Nam đầm An-Khê. Đường thiết và QL1 uốn lượn theo dốc đèo, vượt trên và luồn dưới bằng cầu vươt. Địa thế hiểm yếu như cái rọ, là nơi tướng Nguyễn đức Trung ém quân chờ tướng Lê hy Cát đuổi quân Chiêm thành của vua Trà-Toàn từ Châu-ổ vào để tóm gọn vào năm 1441. Còn phải kể đến Núi Làng và núi Mồ-côi xanh um cổ-thụ, đứng lẻ loi ở  hai bên Tây và Đông đầm An-khê tô điểm thêm cho cảnh trí.

 

13) Xã Phổ-Thạnh: (tức xã Phổ-Thạch từ 1958 đến 1975 thời VNCH) gồm 9 thôn là: Tân-Diêm, Long-Thạnh 1, Long-Thạnh 2, Thạch-Bi 1, Thạch-Bi 2, Thạch-Đức 1, Thạch-Đức 2, La-Vân và Đồng-Văn. Nhìn đồng ruộng muối trắng bát ngát mùa Hè hay loang loáng nước mặn mùa Đông, ai cũng nhận biết là thôn Tân-Diêm, một vựa muối cùa VN. Phần đông dân chúng ở các thôn Long-Thạnh, Thạch-Bi theo ngư nghiệp, đánh bắt hải sản xuất khẩu, đặc biệt có cua huỳnh đế, tôm càn, hải-sâm… chỉ có ở biển Sa-Huỳnh. Nguồn lợi tức ở các thôn Thạch-Đức, La-Vân, Đồng-Văn từ nghề dệt vải, lúa thóc và trái dừa.

Sa-Huỳnh là hải-cảng, nơi có bãi biển nghỉ mát nổi tiếng từ thế kỷ trước, hiên nay có khu "Sa-Huỳnh Resort". Toàn cảnh nơi đây thơ mộng mà hùng vĩ, vì là nơi núi cao hôn biển cả, nơi đồng qui của Thiết lộ và QL1 tại ga Sa-Huỳnh rồi sóng đôi chạy tới cuối tỉnh Quảng-Ngãi. Sa-Huỳnh từng gánh chịu nhiều đau thương trong lịch sử cận đại: - Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp đổ bộ và càn quét từ 1946 đến 1954, máu và nước mắt đẫm ướt đường tản cư lên La-Vân. - Cuộc tái chiếm anh dũng của Sư-Đoàn 2 BB VNCH bẻ gãy 3 Sư-đoàn Việt-Cọng đã lợi dụng ngày Tết đầu năm 1973 chiếm Sa-Huỳnh nhằm cắt ngang nước VNCH. Bao nhiêu người ngã xuống trên xác pháo và vỏ đạn? 

 

14) Xã Phổ-Châu: (tên xã mới được tách ra từ xã Phổ-Thạch, thời VNCH) gồm 4 thôn là: Tấn-Lộc, Châu-Me, Vĩnh-Tuy và Hưng-Long. Đây là xã cuối phía Nam của huyện Đúc-Phổ, tức xã cực Nam của tỉnh Quảng-Ngãi. Vượt qua đỉnh đèo Bình-Đê trên QL1, hay chui qua hầm xe lửa Bình-Đê của thiết lộ là vào địa giới ga Chương-Hòa của huyện Hoài-Nhơn, tỉnh Bình-Định.

Xã Phổ-Châu thường được gọi tên là Đồng-Phú, nhưng không phải là giàu có gì! Dân chúng các thôn Tấn-Lộc, Chu-Me, Vĩnh-Tuy nằm ven bờ Biển-Đông nên theo nghề biển và trồng khoai, sắn mì và củ sắn giây. Thôn Hưng-Long chuyên săn thú rừng, tôi từng bắn gà rừng ngay bìa thôn, Nước "dừa Đồng-phú" ngon ngọt nổi tiếng, được thu hoạch từ mỗi vườn nhà. Thôn Chu-Me có trường tiểu học Phổ-Châu và nhiều gia cư kiểu Pháp bên hương lộ; nơi đây là nguyên quán của thầy Nguyễn Trì, dạy Anh ngữ trường trung học Nguyễn Nghiêm Tôi quí mến thầy Trì, một phần vì nhà vợ thầy ở cùng xóm với tôi, em thầy là nhà văn Nguyễn Nhã là bạn học của tôi, phần lớn vì tính thầy Trì hòa-nhã, không bao giờ nặng lời với “lũ thứ ba” (đứng sau “quỉ” và “ma”).

Về sinh hoạt hàng ngày, dân chúng Đồng-Phú đi chợ mua bán, đi hội hè vui chơi thường qua đèo Bình-Đê hay ngã Vĩnh-Tuy để đến Chương-Hòa Tam-Quan. Con gái Đồng-Phú có nét đẹp mặn mòi, săn chắc như Bình-Định, phải chăng đã thấm nhập từ câu ca dao cô thường hát ru em:

Ai về Bình-Định mà coi

Con gái Bình-Định cầm roi đi quyền.

 

15) Thị trấn Đức-Phổ: mới được thành lập năm 1987, bao gồm thôn Vĩnh-Lạc, một phần thôn Vĩnh-Bình (của xã Phổ-Ninh), thôn Trường-Sanh (của xã Phổ-Minh), thôn An-Thọ và thôn An-Lạc (của xã Phổ-Hòa). Sau sự tập họp từ các thôn, hiện nay thị trấn Đức-Phổ có 6 Tổ dân phố.

Địa bàn của thị trấn Đức-Phổ mở rộng về phía Đông; lấy núi Giàng làm cao điểm đặt ra-đa và các trụ antenne vô tuyến, vi-ba; chân núi Giàng là các cơ sở quân đội của Mỹ để lại. Phi đạo Gò-Hội dài rộng của Lữ-đoàn America vốn là khu vực cùa đường tỉnh lộ đi cửa Mỹ-á, đến kho xăng dầu Thanh-tân ở đầu thôn Hải-môn. Nhà cầm quyền vừa mới lập nên một quảng trường lớn rộng và một đài Tử-sĩ gần cơ quan huyện, chiếm một phần khu vực mé Tây của sân bay .

Hai bên QL1 tại thị trấn Đức-phổ nhà cửa san sát, có cửa hàng ăn uống, tiệm buôn và vài khách sạn nhỏ chen lẫn. Cơ quan hành chánh Huyện khá bề thế vẫn tọa lạc trên khuôn viên Huyện-đường của chính phủ Nam-triều thời Pháp bảo hộ. Tất cả đã thay đổi. Chỉ còn lại một cây nhãn- lồng trước Huyện-đường, nay đã thành cây cổ thụ sum sê xanh mướt. Tôi e-dè đứng dưới bóng mát cây nhãn-lồng như bảy-mươi năm trước, bất giác khẻ đọc câu thơ mở đầu truyện Kiều:

 

Trải qua một cuộc biển dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. (Nguyễn Du)

 

Connecticut, lễ Giáng sinh năm 2017

TRƯƠNG QUANG.

 

Phụ bản:

 

 

Sa-Huỳnh resort, nhà nghỉ mát và hưu dưỡng tân lập

 

 

Cửa biển Mỹ-Á bên núi Cửa. Xà-lan đương đào sâu và mở rộng cửa Mỹ-Á.

 

*  *  *

 

Xem các bài của cùng tác giả, click vào đây
Xem trang QN: Đất nước, con người, 
click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh