Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
NĂM TUẤT, KỂ GIAI THOẠI VỀ CHÓ
TRƯƠNG QUANG
Các bài liên quan:
    ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN CHÓ (Huỳnh Hùng)
    VĂN TẾ CẨU THẦN (Cử Tạ)

 

Những nước Đông phương như Việt-Nam, Trung-Hoa, Đài-Loan, Nhật-Bản, Nam & Bắc Triều-Tiên… vẫn tiếp tục dùng Âm lịch (căn cứ vào Mặt trăng quay 1 vòng quanh điạ cầu là 1 tháng) đồng thời dùng Dương lịch (căn cứ vào quả đất quay 1 vòng quanh mặt trời là 1 năm). Gọi tên năm 2018 là theo dương lịch, tức là năm Mậu Tuất theo âm lịch.

 

Chữ Mậu là can thứ 5 (trong thập thiên (10) can là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Ghép với chữ Tuất là chi thứ 11 (trong 12 địa chi là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Cứ tuần tự ghép một thiên can với một địa chi đặt tên cho năm, như năm qua là Đinh-Dậu, năm nay là Mậu-Tuất, năm tới sẽ là Kỷ-Hợi. Như vậy, ghép tên đủ hết 60 năm là trọn một chu kỳ (có tên Lục thập Hoa Giáp), tiếp tục một chu kỳ mới tuần tự theo đúng tên năm của các chu kỳ trước.

 

 

Chó “có dạy”

 

Tên ngày theo âm lịch cũng theo cách tính của năm âm lịch. Đơn cử như ngày Tết Nguyên Đán (mồng Một tháng Giêng năm Mậu Tuất) là ngày Kỷ-Mão, Mồng hai tết là Canh Thìn {dương lịch là ngày 16, 17 February năm 2018}. Theo âm lịch, một ngày và đêm có 12 giờ, cũng được gọi tên theo 12 địa chi bắt đầu là giờ Tý lúc nửa đêm tính đến giờ Hợi là giáp nửa đêm hôm sau. Nếu đối chiếu với giờ quốc tế thì 1 giờ âm lịch bằng 2 giờ dương lịch (như giờ Tuất là 7 giờ PM đến 9 giờ PM). Tên ngày và giờ chỉ còn đắc dụng trong lý số, tử vi, huyền học và bói toán. Người xưa còn phân chia: "Đêm năm canh, Ngày sáu khắc" ta không nên nhớ làm gì!, có chăng nên phân biệt giờ và canh qua mấy câu: "Nửa đêm giờ Tý canh ba. Ông bà thức dậy lấy gà chọi nhau..." (tôi đã quên, xin người đọc nhớ tiếp).

 

Năm dương lịch chỉ danh theo phép thập tiến, năm có 365 ngày, tháng có 30 ngày đến tháng 31 ngày (trừ tháng hai có 28 ngày, năm nào chia chẵn cho 4 thì tháng hai có 29 ngày) là bất di bất dịch, nên ai cũng tính được. Việc ghi chép và xác định thời gian theo dương lịch rất chính xác và thuận tiện, đã trở thành Lịch Quốc-tế.

 

 

Quân khuyển trong quân đội Mỹ tại chiến trường

 

Năm âm lịch được chỉ danh theo 12 con thú, 1 năm có 360 ngày, 1 tháng có 29 hay 30 ngày; nên cần phải điều chỉnh theo dương lịch, cứ 3, 4 năm có 1 tháng nhuận (gọi là năm nhuận có 13 tháng). Soạn ra âm lịch phải là người hiểu biết Thiên-văn, khởi đầu do 2 họ Hi & Hòa thời Bàn Cổ, đến Khâm-thiên-giám của Triều-đình. Tôi dốt về tính năm nhuận, huống chi là đôi uyên ương than trách phải chia tay:

 

"Ai lên hỏi họ Hi Hòa

Nhuận năm sao chẳng nhuận và(i) trống canh?

 

Âm lịch tính theo tuần trăng mỗi tháng, đúng giữa tháng là ngày Rằm trăng tròn. Nhờ ánh sáng trăng mát dịu nên thiên hạ vùng nhiệt đới có thể làm việc, đi lại, hội hè thâu đêm. Do hấp lực của mặt trăng tạo nên nước thủy triều lên xuống mạnh nhất vào trung tuần nên dân chúng ven biển có lịch trình cày cấy hay giong buồm ra khơi. Mỗi năm âm lịch được một sinh vật làm biểu tượng tạo ra lý thú trong dân gian. Đơn cử những GIAI THOẠI về năm Tuất - năm con chó - nhằm mua vui lúc Xuân về Tết đến.

 

Giai thoại 1: TRÊN CŨNG CHÓ, DƯỚI CŨNG CHÓ:

 

Dưới triều vua Khải-Định, khi thực dân Pháp can dự quá nhiều vào Triều đình nhà Nguyễn vượt quá ranh giới của quyền Bảo-hộ theo hòa ước Patenôtre năm 1884, là dịp tốt cho mấy triều thần bưng bợ Pháp dành thế thượng phong chốn quan trường. Tất nhiên những trung thần ở thế yếu, nhà vua bèn cho nghỉ hưu sớm. Trước khi giã từ kinh thành, một vị quan bị bãi chức bèn tổ chức một bữa tiệc mời cả quan lớn quan nhỏ, ngồi mâm trên mâm dưới theo thứ bậc. Bữa tiệc thịnh soạn do đầu bếp chuyên nghiệp nấu cầy tơ. Trong lúc hào hứng rượu vào lời ra, một quan lớn ở mâm trên ngỏ lời khen ngợi gia chủ:

 

- Thực phẩm rất ngon, chẳng biết quan bác cho dùng thịt gì mà khoái khẩu thế nầy?

 

Vị quan chủ gia liền vung tay chỉ vào mâm trên mâm dưới và trả lời:

 

- Bẩm cụ, trên cũng chó dưới cũng chó cả đấy!

 

Thực khách thừa hiểu chủ gia chỉ mình là CHÓ, nhưng đành nuốt giận, cúi đầu.

 

 

Giai thoại 2: GIAI CẨU, THẦN TẨU

 

Chuyện xảy ra lúc Cao Bá Quát giữ chức Hành-tẩu bộ Lễ dưới triều vua Tự-Đức. Một hôm, sau buồi thiết triều, có 2 vị quan không rõ hiềm khích nhau việc gì, đã xỉ vả nhau rồi đánh nhau. Vua Tự-Đức gọi Cao Bá Quát đến hỏi xem việc gì mà đã xảy đến như thế? Cao Bá Quát xin giấy bút và khai rằng:

 

"Bất tri ý hà! Lưỡng tương đấu khẩu.

Bỉ viết cẩu, thử diệc viết cẩu.

Bỉ thử giai cẩu. Dĩ chí đấu ẩu.

Thần kiến thế nguy. Thần tẩu".

 

Dịch nghĩa: Không biết ý sao! anh nầy bảo đồ chó, anh kia cũng chửi đồ chó. Hai người đều là chó, nên xảy đến đánh cắn nhau. Bề tôi nầy thấy thế nguy, nên bề tôi bỏ chạy.

 

Dịch thơ:

 

Chẳng hiểu vì sao! Hai bên cãi cọ.

Bên nầy rằng chó. Bên kia cũng rằng chó.

Bên nầy bên kia đều chó. Rồi đến đấu võ.

Thần thấy thế nguy. Thần bỏ.

 

 Giai thoại 3: MIỆNG NGƯỜI GIẾT CHÓ: {Trích Quốc văn giáo khoa thư, lớp Sơ đẳng}.

 

Một người cưỡi ngựa đến làng kia, có con chó đang ngủ giữa đường bỗng giật mình thức dậy đuổi theo con ngựa sủa cắn mãi, làm cho con ngựa sợ chạy lồng lên. Người cưỡi ngựa tức giận vô cùng, muốn giết ngay con chó mới bảo rằng: "Tao mà có súng thì tao cho mày một phát lả hết cắn; nhưng mà tao đã có cách làm cho mày chết".

 

Nói xong, người kia chạy đến giữa làng, kêu to lên rằng "CHÓ DẠI! CHÓ DẠI". Những người chung quanh nghe tiếng kêu chó dại liền vác gậy vác xẻng ra đuổi đánh chết con chó. Gớm thay cho lời nói của người ta có khi lợi hại hơn đồ binh khí.

 

 

Chó "văn minh"

 

Giai thoại 4: CHÓ TỰ BIỆN HỘ (Trong "Lục súc tranh công").

 

Một nhà thơ dấu tên ở thế kỷ 18 để lại cho đời tác phẩm LỤC SÚC TRANH CÔNG viết về 6 con gia súc kể công lao của mình giúp chủ và chỉ trích những gia súc khác. Chó (tự xưng là muông) bị trâu chê bai, nên chó tự biện hộ, đồng thời phản biện với trâu như sau:

 

...Muông nghe nói, giận đau phế phổ,

Liền chạy ra sủa mắng vang tai:

Trời đã sinh "các hữu kỳ tài":

Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ.

Bởi vì đó lớn vai lớn vế

Thì chuyên lo nông bổn cày bừa.

Vốn như đây ốm yếu chân tay,

Cũng hết sức gia trung xem xét.

Trách sao khéo thổi lông tìm vết.

Giận thày-lay vạch lá tìm sâu!

Ai ai đều thủ phận như nhau,

Khăng khăng cũng một lòng phò chủ.

Kẻ đầu kia, người thì việc nọ.

Đứa coi ngoài, có đứa coi trong.

Đêm năm canh con mắt như chong,

Đứa đạo tặc nép oai khủng động.

Ngày sáu khắc lỗ tai hằng trống,

Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh

Anh trâu sao chẳng biết thương tình,

Nỡ lại ra lời sanh nạnh.

Ăn thì ăn cơm thừa canh cặn,

Còn lắm khi môn sượng khoai sùng.

Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều

Có cũng rằng, không cũng chớ.

Trâu rằng trâu ăn rơm với cỏ,

Mà còn có một thằng chăn

Tốn áo quần cùng tốn cơm ăn

Nỗi lại tới gạo tiền đằng khác.

Tính chất lót một năm hai đạc

Về thằng chăn đã hết một trâu.

Cũng mạnh cày mạnh kéo nên giàu,

Hãy cho nhẹm mình trâu là quí.

Vốn như đây gia tài ủy ký

Mà chủ không tốn kém đồng nào.

Nếu không muông coi trước giữ sau,

Thì của ấy về tay kẻ trộm.

Trâu biết nói, trâu không biết xét.

Suy mình muông công nghiệp đã dày.

Khi sống thì gìn giữ cõi đời,

Khi thác xuống giữ cầu âm giới;

Người có phước, muông đưa qua khỏi,

Ai vô nhơn qua chẳng đặng đâu!.

Chủ có lòng suy trước xét sau,

Khi lâm tử gạo tiền tống táng.

Chủ đã có công dày ngãi rộng.

Muông dễ không tiếp rước đãi đưa...

 

Trích đoạn trên về con chó được nhân cách hóa để trần tình việc bảo vệ cơ nghiệp cho chủ, cũng sánh ngang với con trâu to xác sản xuất ra lúa khoai cho chủ. "Các hữu kỳ tài" được xem là một giai thoại về Lục súc tranh công.

 

 Giai thoại 5: Từ CON CHÓ CỦA PAVLOV ĐẾN CON CHÓ LAIKA.           

 

Ông Ivan Petrovich Pavlov (26.9.1849 – 27.02.1936) là nhà Sinh-vật-học nước Nga khai triển THUYẾT PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN (Conditioned Reflex). Năm 1903, ông Pavlov làm thí nghiệm rung chuông mỗi khi gọi con chó đến ăn thức ăn đặt trong cái dĩa. Đến một hôm ông rung chuông, chó chạy đến dúi mõm vào dĩa thức ăn trống trơn, nước miếng vẫn chảy ròng ròng xuống dĩa không có thức ăn. Ông Pavlov cho rằng mọi sinh vật, kể cả con người trong hoàn cảnh nhất định đều có những phản xạ có điều kiện, không có gì là tâm linh.

 

 

Ông Ivan Petrovich Pavlov

 

Nên kể đến con chó Laika có quốc tịch Nga là “phi hành gia” đầu tiên từ Địa cầu đi vào Vũ trụ, khởi hành lúc 5:08 AM ngày 07 tháng 11 năm 1957. Chó Laika được tập luyện khả năng phản xạ và thích ứng trong không gian như một con người thực thụ.

 

 

Chó Laika

 

 Giai thoại 6: VỖ VAI ĐẠI NHÂN (thành chữ KHUYỂN là CHÓ):  

 

Hán tự viết chữ ĐẠI (lớn) theo lối tượng hình như một người đứng dang rộng 2 chân, dang ngang hai tay. Chữ Đại có thêm 1 chấm trên vai trở thành chữ KHUYỂN (chó).

 

Trong buổi lao động sưu dịch, ông Cai Tổng đứng dạng chân, 2 tay dang ngang ra lệnh cho lao công hai bên rất ư hách dịch, làm gai mắt một viên Lý trưởng. Ông Lý bèn đến vổ vai ông Tổng với lời "chào Đại nhân". Mấy ông Hương lý rất tinh ý, họ đứng gần đó, kề vai nhau tủm-tỉm cười. Rồi ông Cai Tổng cũng hiểu ra rằng ông đứng dang tay dang chân như chữ Đại, ông Lý đặt tay lên vai như một dấu chấm hóa ông ra chữ Khuyển là chó. Biết là bị mắc lỡm, ông Cai Tổng sa sầm nét mặt, từ đó không còn dáng hách dịch nữa.

 

Cũng theo phép chiết tự chữ Hán thì chữ Khuyển có 2 chữ Khẩu (là miệng, được viết tượng hình như cái miệng) ở 2 bên vai thành chữ Khốc (là Khóc lớn tiếng). Vì vậy người Tàu có mê tín dị đoan nên không nuôi 2 con chó trong một nhà vì sợ phải KHỐC.

 

Giai thoại 7: ĐẠI ĐIỂM QUẦN THẦN: 

 

Thủ-tướng Nguyễn Văn Tâm tổ chức tiệc mừng Sinh nhật của ông dưới thời Quốc trưởng Bảo-Đại trong thập niên 1950 (thời kỳ gọi là État du Vietnam, suốt cả Bắc Trung Nam đều nằm trong khối Liên-hiệp Pháp). Quà cáp, đối liễn chúc tụng rất nhiều, đáng kể nhất là có bức hoành-phi rất đẹp thêu 4 chữ ĐẠI ĐIỂM QUẦN THẦN được ông đắc ý, cho trưng bày vào chỗ trang trọng nhất trong tư dinh Thủ tướng. Chẳng bao lâu, có vị túc nho biết đến và nhận ra ý "chơi xỏ" của 4 chữ Đại điểm quần thần, bèn thật lòng tỏ lời với Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm rằng: Đại điểm là chấm to, quần thần là bầy tôi. Nói lái “chấm to” là “chó Tâm”, “bầy tôi” là “bồi Tây”.

 

Hiểu ra ý nghĩa “đại điểm quần thần” là “chó Tâm bồi Tây”, dù muộn còn hơn không!

 

Giai thoại 8: DA CHÓ VÁ ÁO HỒ CỪU:

 

Áo hồ cừu là áo ngự hàn sang quí may bằng da nách của con cáo. Loái chồn cáo to lớn như cọp beo có tính quỉ quyệt, mùa lạnh nó ở trong hang sâu, mùa nắng ấm mới lên mặt đất kiếm ăn. Phải tốn nhiều da nách cáo mới đủ may một áo hồ-cừu, kẻ giàu sang mới sắm được.

 

Sử sách ghi chuyện thời Chiến quốc: Tề Oai Vương làm vua nước Tề lớn mạnh, nhưng bỏ bê chính sự, chỉ say đắm rượu chè, thích đờn ca, săn bắn và đàn bà. Tề Oai Vương tuyển dụng những người đờn hay múa giỏi phong quan chức. Có một người trí thức xuất thân từ đám thường dân tên Sô Kỵ tư xưng là đệ nhất danh cầm trong thiên hạ, đến xin gặp vua Oai.

 

Khi được triều kiến, Sô Kỵ ôm đàn ngồi yên, không chịu khảy đàn, Oai Vương hỏi lý do? Sô Kỵ đem lý lẽ hòa hợp Âm-dương Ngũ-hành ra giải thích rồi kết luận:

 

“Kẻ hạ thần học nghề đờn, dám tự xưng là tinh thông, nhưng hạ thần ôm đờn không khảy, thì có khác gì Chúa-công có nước mà không lo trị nước. Kẻ hạ thần ôm đờn không khảy thì Chúa công không thích ý; còn Chúa-công có nước mà không lo cai trị nước, sợ không lấy gì làm vui lòng dân”.

 

Tề Oai Vương hiểu ý Sô Kỵ muốn can ngăn mình chớ say đắm ca vũ, săn bắn, cung nữ... nên biết ông ấy là hiền tài chính trực bèn phong Sô Kỵ làm Tướng-quốc. 

 

Lúc ấy có một danh sĩ nước Lỗ, sang ở rể bên Tề, tên Thuần Vu Khôn, biết Sô Kỵ vốn từ đám bình dân nhảy lên bậc Tướng-quốc, đâm ra không phục. Thuần Vu Khôn xin vào gặp Sô Kỵ với thái đô kiêu-căng ngạo-mạn. Thuần vu Khôn mở lời bài xích:

 

“Trục bánh xe làm bằng gỗ cức, cho dầu mỡ vào sẽ làm cho bánh xe chạy mau. Tuy nhiên không thể làm trục xe vuông mà bỏ vào lỗ tròn”.

 

Sô Kỵ đáp:

 

“Tôi ở ngôi Tướng-quốc, không dám làm điều gì trái với nhân tình”.

 

Thuần Vu Khôn nói:

 

“Đờn cầm đờn sắt phải hòa hợp với nhau”.

 

Sô Kỵ đáp:

 

“Tôi không dám làm điều gì trái với điều hợp âm dương, ngũ hành”.

 

Thuần Vu Khôn nói:

 

“Cái áo bằng da nách loài cáo, cho dù có rách, cũng không thể đem da chó mà vá vào”.

 

Sô Kỵ đáp:

 

“Tôi không dám để cho kẻ bất tiếu chen lẫn với bậc chính nhân quân tử trong Triều-đình”.

 

Thuần Vu Khôn nói 3 câu, Sô Kỵ đáp 3 câu. Thuần Vu Khôn mất hết vẻ kiêu căng, cúi đầu lạy Sô Kỵ mà lui ra.

 

* Lời bàn: 

 

Phàm việc trọng đại như Quốc sự phải có nhiều người tham gia góp sức mới đạt đến thành công. Tuy nhiên cái khó khăn là phảỉ loại trừ những kẻ hoạt đầu, bất lương, con buôn chính trị, bọn đục nước thả câu (đếu gọi chung là bọn BẤT TIẾU) chen lẫn vào, ví như áo hồ cừu vá miếng da chó thì mất giá trị, mất chính danh. Làm việc chính đại mà có bọn bất tiếu chen vào thì người trung chính ngày càng thưa thớt.

 

Cho nên bậc chí nhân như Khổng Phu-tử khi giữ quyền Tư-khấu ở nước Lỗ, phải ra tay giết chết Văn-nhơn Thiếu Chính Mão. Danh-sư Chu Văn An (hiệu Văn Trinh) dâng "Thất trảm sớ" xin chém 7 nịnh thần trong Triều-đình nhà Trần, không được chấp thuận, Chu văn An cáo lão về vườn. Đó là thái độ không chấp nhận "Da chó vá áo hồ cừu" vậy.

 

Giai thoại 9: BÀI DIỄN VĂN HAY NHẤT THẾ KỶ.

 

Đầu năm 2000, William Safire, một cây viết của tờ The New York Times ở Mỹ đã cất công đi tìm các bài diễn văn hay nhất từ trước đến nay. Ông ta tìm những sáng tác của những thiên tài thế giới, từ lời giảng trong các kinh sách, tới lời các vĩ nhân, đến sáng tác của các thi văn sĩ, từ diễn văn của các chính trị gia nổi tiếng, v.v… Cuối cùng, Williams Safire đã đạt được ý nguyện: chuyện liên quan đến một con chó, bài viết của một luật sư gởi quý vị hội thẩm trong phiên xử mà ông là người bào chữa cho người bị hại. Người chủ con chó nhờ luật sư George Graham West đại diện trước pháp luật kiện anh hàng xóm vì người nầy đã giết chết con chó yêu qúy của anh ta. Luật sư George G. West đã thắng kiện, với một bài biện luận được xem là bài diễn văn hay nhất thế kỷ, được dịch sang Việt ngữ như sau:

 

Thưa quý ngài hội thẩm,

 

Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù và quay ra chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi ra có thể là một lũ vô ơn. Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gấm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi hành động dại một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ.

 

Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta. Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú qúy cũng như trong lúc bần hàn, khi khoẻ mạnh lẫn ốm đau. Nó ngủ trên nền đất lạnh dù gió đông cắt da cắt thịt, hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù không còn thức ăn gì cho nó. Nó canh gác giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta tán gia bại sản, thân tàn danh liệt, thì vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời.

 

Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư, thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho được làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù. Và khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước linh hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, khi tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, thì khi ấy vẫn còn bên nấm mộ ta con chó cao thượng của ta, nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, chân thành và chân thực ngay khi ta đã chết rồi.

 

Georges Graham Vest (1830-1904)

 

Nguyên bản tiếng Anh:

 

A Tribute To The Dog

 

Gentlemen of the jury,

 

The best friend a man has in the world may turn against him and become his enemy. His son or daughter that he has reared with loving care may prove ungrateful. Those who are nearest and dearest to us, those whom we trust with our happiness and our good name may become traitors to their faith. The money that a man has, he may lose. It flies away from him, perhaps when he needs it most. A man's reputation may be sacrificed in a moment of ill-considered action. The people who are prone to fall on their knees to do us honor when success is with us, may be the first to throw the stone of malice when failure settles its cloud upon our heads.

 

The one absolutely unselfish friend that man can have in this selfish world, the one that never deserts him, the one that never proves ungrateful or treacherous is his dog. A man's dog stands by him in prosperity and in poverty, in health and in sickness. He will sleep on the cold ground, where the wintry winds blow and the snow drives fiercely, if only be may be near his master's side. He will kiss the hand that has no food to offer; he will lick the wounds and sores that come in encounter with the roughness of the world. He guards the sleep of his pauper master as if he were a prince. When all other friends desert, he remains. When riches take wings, and reputation falls to pieces, he is as constant in his love as the sun in its journey through the heavens.

 

If fortune drives the master forth an outcast in the world, friendless and homeless, the faithful dog asks no higher privilege than that of accompanying him, to guard him against danger, to fight against his enemies. And when the last scene of all comes, and death takes his master in its embrace and his body is laid away in the cold ground, no matter if all other friends pursue their way, there by the graveside will the noble dog be found, his head between his paws, his eyes sad, but open in alert watchfulness, faithful and true even in death.

 

George Graham Vest.

 

Giai thoại 10: CHUYỆN GẦN XA XƯA NAY.

 

Văn chương Âu Mỹ không có nhiều giai thoại vì lối diễn đạt tư tưởng minh bạch về Chó trong thơ, riêng THƠ NGỤ NGÔN mỗi bài có nội hàm như một Giai thoại.

 

A. PHÁP:

 

* La Fontaine viết đồng loạt nhiều bài thơ NGỤ NGÔN nhằm giáo hóa con người. Trong tập Fables I, ông viết: "Je me sers d'animaux pour instruire les hommes" (tôi dùng thú vật để giáo dục con người). Đủ loại thú vật được Nhân cách hóa trong thơ ngụ ngôn của La Fontane, trong đó có 2 bài nói đức tính trung thành của Chó, không đểu giả xảo quyệt như chồn, cáo...: 1) L'âne et le petit chien (con lừa và con chó nhỏ, dạy sự tương trợ). 2) Les deux chiens et l'âne mort (hai con chó và con lừa chết), dụng ý nói lòng ham hiểu biết của con người thì vô cùng, mà vũ trụ bao la, cần học hỏi mãi mãi.

 

Nhiều tác giả Pháp viết về chó, mượn chó để chê bai hành vi bội bạc, nham hiểm của người

 

* Molière trong cuốn 'Les femmes savantes' viết: "Qui veut noyer son chien l'accuse de rage" (người nào muồn dìm nước chết con chó của mình thì buộc tội nó là chó dại).

 

* Ecclesiaste nhận biết chó sống tích cực và năng động đáng cho người chán đời suy gẫm; ông viết: "Pour toux ce qui vivent il y a de l'esperance; et même un chien vivant vaut mieux qu'un lion mort" (Cho mọi người sống phải tin tưởng vào hy vọng; cũng thế, một con chó sống có giá trị hơn một con sư tử chết).

 

* Voltaire viết: "Les hommes en général, ressemblent aux chiens qui hurlent quand ils entendent de loin d'autres chiens hurlent (nhìn chung, nhiều người giống với những con chó tru gào lên khi chúng nó nghe tiếng tru gào của những con chó khác từ xa).

 

* Étienne Charlet (1772 - 1845) đã vẽ bức tranh người ngồi vuốt ve một con chó, ông ghi vào tranh phụ đề: "Ce qu'il y a de meilleur dans l'homme, c'est le chien" (có cái gì tốt nhất trong con người, đó là con chó).

 

* Blaise Pascal nói về chó: "Ce chien est à moi, disaient ces pauvres enfants, c'est là ma place au soleil. Voilà le commencement et l'image de l'usurpation de toute la terre (những đứa trẻ khồn khổ ấy nói con chó nầy thuộc về tôi, đây là vị trí của tôi dưới bóng mặt trời. Xem đây là sự bắt đầu và hình ảnh của sự chiếm đoạt tất cả địa cầu).

 

B) Trong Văn chương ANH, Chó được đề cập nhiều hơn:

 

* Bà Elizabeth Marshall Thomas bỏ công nghiên cứu 30 năm để viết ra những bí ẩn của thế giới Chó trong cuốn THE HIDDEN LIFE OF DOG. Cuốn sách nhỏ 148 trang được ghi vào danh sách The best-seller, trong 9 tuần lễ đã bán tới 260,000 bản. Tác phẩm đã phân tích tâm lý, tình cảm và ngôn ngữ của loài chó trên cơ sở khoa học.

 

Có người hỏi bà Elizabeth M. Thomas:

 

- Chó có linh hồn không?  

 

Bà trả lời:

 

“Nếu chúng ta có linh hồn thì chó cũng có linh hồn, nếu chúng ta lên Thiên-đàng thì chó cũng thế”.               

 

Lại hỏi:

 

“Làm sao bà biết?”

 

Bà trả lời:

 

“Tại vì nếu chó không được ở đấy, thì đó không phải là Thiên-đàng!”.

 

Câu trả lời sâu sắc nầy tương hợp với ý tưởng của Anna H. Branch là kẻ "thường hành bình đẳng nguyện", trong bài thơ “To a Dog” cũng có câu: "If there is no God for thee. Then there is no God for me". (Nếu không có Thượng-đế cho bạn-chó.  Thì là cũng không có Thượng-đế cho tôi).

 

* J. S. Cutler trong bài thơ “Roger and me” đã viết lời tâm tình với chó:

 

"You're only a dog, old fellow; a dog, and you've had your day;

 But never a friend of all my friends has been truer than you always" .

(Mày chỉ là con chó, bầu bạn xưa cũ; một con chó, mày đã trải qua thời gian;

Nhưng không bao giờ có một ai trong tất cả bạn hữu của ta đã chân thật hơn mày).

 

* Stephen C. Foster cũng ca ngợi lòng trung thành của con chó Tray già nua của ông:

  

"Old dog Tray's ever faithful,

 Grief cannot drive him away;

He's gentle, his a kind; I'll never never find

A better friend than old Tray.

(Tray, chú chó già mãi mãi trung thành.

Nỗi khổ đau không thể lôi chú lìa xa.

Chú là khôn ngoan, chú dễ mến; tôi sẽ không bao giờ và mãi mãi,

tìm được một người bạn tốt hơn con chó già Tray).

 

* Blade trong cuốn “Auguries of Innocence” còn tiên liệu:

 

"A dog starved at his master's gate,

Predicts the ruin of the State"...

(Một con chó chết đói trước cửa gia chủ,

Báo trước sự suy sụp của Quốc-gia)...

 

Từ lời dự báo của Blade, chúng ta nhìn về quê nhà Việt-Nam: ai ai cũng nom thấy lũ chó đói chạy rông ngoài đường phố, chó nhà bị chủ xẻ thịt cho "quan chức đỏ" đánh chén say ngất ngưỡng; phong hóa đã suy đồi cùng cực thì năm Mậu-Tuất (2018) đất nước Việt Nam đi về đâu?

 

Trong kho tàng văn chương biền-ngẫu nước ta có câu:

 

Hãy cứ những kẻ gian mà cắn, hoặc ra tay cho lũ chúng năm nay;

Còn với các người ngay phải phù, chớ đừng chuyện nhe nanh như thưở trước.

Bọn tham tàn khát máu, cẩu nhớ đừng tha;

Nơi chuyên chế độc tài, cẩu đừng nên ở... (“Văn Tế Cẩu Thần”, Cử Tạ, 1958).

 

Đọc và suy ngẫm 4 câu văn tế trên, nếu mà “Thần Cẩu” làm được như tác giả mong muốn thì đó là điều may cho giang sơn tổ quốc Việt Nam mà tiền nhân chúng ta đã dày công gầy dựng. Mong lắm thay!

 

Connecticut, đầu năm 2018 (áp Tết Mậu Tuất).

TRƯƠNG QUANG.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây

Xem bài trên trang Phiếm luận: click tại đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh