Nhớ vô cùng mái trường cũ Hàn Thuyên... Từ trong sâu thẳm của nỗi nhớ khôn nguôi, câu thơ của Châu Phan như vỗ về tâm hồn tôi mỗi lần nghĩ về mái trường xưa thân ái. Ôi! Hàn Thuyên! Ngôi trường thân yêu ngày nào đã để lại trong tôi biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm!
Còn chăng nhỉ trường Hàn Thuyên phượng đỏ? Từ trong sâu thẳm của nỗi nhớ khôn cùng, câu thơ của T.T.T. như thôi thúc tâm hồn tôi nghĩ về những bạn đồng nghiệp, những em học sinh đã một thời cùng tôi gắn bó với ngôi trường Hàn Thuyên có hàng phượng trước sân, mỗi độ Hè về lại râm ran tiếng ve gợi nhớ từ sau những chùm hoa màu đỏ thắm báo hiệu những ngày sắp chia ly!
Ôi! Nhớ làm sao Hàn Thuyên – ngôi trường tôi đã gắn bó từ khi mới thành lập (9-1964) cho đến ngày vì vận nước ngôi trường đã bị xóa tên trong danh sách những cơ sở giáo dục của huyện Bình Sơn (4-1975) và đến nay hầu như không còn để lại một dấu tích nào!
Thị trấn Châu Ổ vào thập niên 60 và nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước quả là một vùng đất kỳ lạ. Nó kỳ lạ, bởi lẽ, không ai có thể ngờ rằng, trong một khoảnh đất nằm về phía Đông Quốc lộ 1 khoảng vài trăm mét, rộng chưa đầy nửa cây số vuông ấy lại có đến 4 trường trung học cùng hoạt động, trong đó, ngoài trường bán công Huỳnh Thúc Kháng là trường trung học đệ nhất cấp, 3 trường còn lại đều có các lớp trung học đệ nhị cấp. Đó là trường công lập Bình Sơn, trường tư thục Phụng Sự và trường tư thục Hàn Thuyên.
Xin được viết riêng về trường Hàn Thuyên.
Vào khoảng tháng 4 năm 1964, thầy Nguyễn Toản, thành viên trong ban quản trị trường trung học tư thục Tự Lực (Sơn Tịnh) ra Bình Sơn cho xây cất một trường trung học tư thục nữa lấy tên là trường trung học tư thục Hàn Thuyên.
Ban đầu trường có 5 phòng, gồm 4 phòng học và 1 văn phòng. Trường mở từ lớp đệ thất (lớp 6) đến lớp đệ tứ (lớp 9).
Niên khóa đầu tiên khai giảng vào ngày Thứ Ba, 01 tháng 9 năm 1964.
Đến năm 1968, thầy Nguyễn Văn Sang (*), lúc bấy giờ đang là sĩ quan phục vụ tại chi khu Bình Sơn, nhận dạy giờ tại trường Hàn Thuyên. Trong thời gian này, tại căn cứ Chu Lai có sư đoàn Americal Division của Hoa Kỳ đóng quân. Sư đoàn này có một đơn vị xây dựng lo công việc kiến thiết những công trình của sư đoàn, trong đó có một toán đặc biệt làm công tác dân sự vụ gọi là Toán Ong Biển (Sea Bee Team). Nhờ sự vận động của thầy Nguyễn Văn Sang trong tư cách là sĩ quan liên lạc giữa chi khu Bình Sơn với bộ chỉ huy sư đoàn Hoa Kỳ, toán dân sự vụ Ong Biển (Sea Bee Team) của sư đoàn Americal Division đã xây cho trường Hàn Thuyên một phòng khá rộng rãi và kiên cố. Sau khi tiếp thu vào năm 1969, phòng này đã được chia làm 2 để một phần dùng làm văn phòng nhà trường và một phần lớn hơn dùng làm phòng học.
Trong thời gian trường được xây thêm phòng mới này, ban quản trị của trường cũng đã nộp hồ sơ về bộ Quốc gia Giáo dục để xin mở các lớp trung học đệ nhị cấp.
Vậy là niên khóa 1969-1970, trường mở thêm lớp 10 và niên khóa sau, 1970-1971, mở thêm lớp 11 và thầy Huỳnh Ngọc Hiến, người Châu Ổ được mời làm Giám học.
Sau đây là danh tính một số thầy cô đã cộng tác với trường Hàn Thuyên từ niên khóa đầu tiên (1964-1965) đến niên khóa cuối cùng (1974-1975). Thực ra, niên khóa sau cùng chỉ dạy đến ngày Thứ Sáu, 21-3-1975, và ngay vào buổi sáng đặc biệt này, các thầy cô đã phải bỏ trường mà di tản nên xem như đóng cửa trường luôn.
Liệt kê danh sách đầy đủ các thầy cô đã cộng tác với trường trong 11 niên khóa (1964-1975) quả là điều không thể thực hiện được. Hồ sơ lưu trữ tại văn phòng xem như không còn gì sau biến cố 1975. Những gì được ghi lại sau đây chỉ là do trí nhớ.
Nhớ lại mấy niên khóa đầu tiên của trường Hàn Thuyên thật là vui, thật đáng nhớ. Ba thế hệ thầy trò cùng quây quần dưới một mái trường. Thầy Phạm Phú Hưu là thầy của thầy Trần Hoàng. Thầy Trần Hoàng là thầy của thầy Nguyễn Văn Sang, thầy Đào Đức Nhuận... Ba thế hệ thầy trò đó đã cùng nằm trong ban giảng huấn của trường Hàn Thuyên.
Có những thầy cô đã cộng tác nhiều năm với trường như các thầy Nguyễn Hân, Mai Bích, Trang Thế Chương, Lưu Hoàng Vinh, Đào Đức Nhuận... thì cũng có những thầy cô, vì nhiều nguyên do khác nhau, chỉ cộng tác với trường trong vài ba niên khóa mà thôi. Thầy Phạm Phú Hưu, thầy Phạm Phú Thông vì tuổi già không thể di chuyển mãi từ Hội An vào Bình Sơn để dạy nên không còn cộng tác với trường nữa sau vài ba năm giảng dạy. Các thầy từ trong Thị xã ra chỉ nhận dạy 5, 7 giờ một tuần, đến khi đường đi lại có phần khó khăn các thầy không còn dạy nữa như các thầy Trần Khắc Chung, Phạm Khánh Hồng, Nguyễn Xuân Quang, Đào Mạnh Xuân... Có thầy cô chuyển ngành như thầy Phan Quang Nghiệp, cô Nguyễn Trúc Ngọc Nga... Có những thầy đến tuổi động viên đã nhập ngũ như các thầy Trần Nhung, Nguyễn Trung Thành...
Sau đây là sơ lược về hệ thống tổ chức của trường.
* Thành phần ban Điều hành và phục vụ chung:
Giám đốc: Thầy Nguyễn Toản
Hiệu trưởng: Thầy Trần Hoàng
Giám học: Thầy Huỳnh Ngọc Hiến
Quản lý: Thầy Trần Thiết
Thư ký: Ông Hồ Duy Trì, về sau là ông Lâm Huệ
Phu trường: Ông Phạm Cảnh.
* Thành phần ban Giảng dạy:
Đảm trách các môn Toán – Lý Hóa - Vạn Vật:
Các thầy cô: Mai Bích – Nguyễn Biên – Trần Khắc Chung – Lê Tấn Dũng – Ngô Văn Giai – Nguyễn Hân – Lâm Hữu Hổ – Lê Quang Hùng – Đặng Bá Là – Võ Đức Nguyên – Nguyễn Sỹ – Phan Thông – Lưu Hoàng Vinh – Bạch Thị Ngọc Châu – Nguyễn Thị Giáp – Nguyễn Thị Kim Sắc...
Đảm trách các môn Sinh ngữ:
Các thầy cô: Nguyễn Bé – Hồ Cần – Trang Thế Chương – Trần Hoàng – Nguyễn Trúc Ngọc Nga – Phan Quang Nghiệp – Phạm Phú Thông – Đào Mạnh Xuân...
Đảm trách các môn Việt văn - Sử Địa – Công dân:
Các thầy cô: Phạm Khánh Hồng – Phạm Phú Hưu – Huỳnh Ngàn – Đào Đức Nhuận – Trần Nhung – Nguyễn Xuân Quang – Nguyễn Thị Quý – Nguyễn Văn Sang – Võ Sơ – Nguyễn Toản ...
37 năm dài đằng đẵng đã trôi qua... Bao nhiêu là vật đổi sao dời. Những người từng cộng tác với trường Hàn Thuyên đến ngày nay đã kẻ còn, người khuất. Có người đã mất ngay trong cuộc chiến như các thầy Trần Nhung, Nguyễn Trung Thành đi sĩ quan Thủ Đức và đã hy sinh từ những năm 1970, 1971 để lại bao nhiêu nỗi tiếc thương cho đồng nghiệp và các môn sinh. Thầy Trần Thiết đã từ trần vào lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Hai 04-9-1972 ngay tại văn phòng nhà trường do quả lựu đạn của một ai đó ném vào mà mãi cho đến ngày nay người ta cũng không biết là ai. Thầy Trần Thiết đã ôm gọn quả lựu đạn vào lòng mà chết. Trong một khoảnh khắc kỳ lạ, Thầy đã quyết định không ném quả lựu đạn ra bất cứ hướng nào, bởi lẽ, đó là giờ học sinh đang ùn ùn kéo nhau vào các lớp sau 10 phút ra chơi. Ném quả lựu đạn đi hướng nào cũng sẽ gây ra những cái chết kinh hoàng! Sự hy sinh cao đẹp và dũng cảm của Thầy đã được các thầy cô và học sinh của trường Hàn Thuyên ghi nhận và biết ơn! Ngày đưa đám tang của thầy Trần Thiết, thầy Trần Hoàng và tôi đã không được đến dự để gởi vào huyệt mộ của Thầy một nắm đất tiễn đưa!
Sau biến cố đau thương 1975, có những thầy đã yên giấc ngàn thu trên mảnh đất quê hương vì tuổi già, vì bệnh tật như thầy Hiệu trưởng Trần Hoàng, thầy Phạm Phú Hưu, thầy Phạm Phú Thông, thầy Nguyễn Xuân Quang, thầy Phạm Khánh Hồng...Thầy Huỳnh Ngọc Hiến từ trần vì tai nạn giao thông! Có những thầy cô đã phải gởi nắm xương tàn trên đất khách quê người như thầy Nguyễn Toản (Úc Đại Lợi), cô Nguyễn Thị Giáp (Nam California, Hoa Kỳ).
Các thầy cô hiện định cư tại Hoa Kỳ cũng mỗi người một nơi như thầy Mai Bích, thầy Đào Đức Nhuận (Los Angeles, Nam California), cô Nguyễn Trúc Ngọc Nga (San Diego, Nam California), thầy Nguyễn Văn Sang, thầy Phan Quang Nghiệp, thầy Đào Mạnh Xuân (San Jose, Bắc California), thầy Nguyễn Biên (Sacramento, Bắc California), thầy Trang Thế Chương (Florida), thầy Lâm Hữu Hổ (Massachusettes), thầy Ngô Văn Giai (Virginia)...
Các thầy cô ở trong nước cũng lưu lạc mỗi người mỗi nơi. Có người còn tiếp tục đi dạy như thầy Lê Quang Hùng đang dạy tại trường cấp 3 Bình Sơn, Quảng Ngãi, thầy Lê Tấn Dũng đang dạy cấp 3 tại Đồng Nai. Thầy Lưu Hoàng Vinh đang sinh sống tại quê nhà, Đức Phổ. Thầy Trần Khắc Chung, vẫn còn sinh sống tại thị xã Quảng Ngãi... Các thầy Võ Sơ, Nguyễn Hân, Nguyễn Sỹ, Đặng Bá Là, Võ Đức Nguyên...cùng gia đình đang sinh sống tại Sài Gòn. Vợ chồng thầy Phan Thông – Bạch Thị Ngọc Châu và gia đình sinh sống ở Bảo Lộc...
Và còn nhiều thầy cô nữa đã từng cộng tác với trường Hàn Thuyên mà sau nhiều năm xa cách, tuổi tác mỗi ngày một chồng chất, tôi đã không còn nhớ hết tên tuổi để nhắc lại ở đây. Xin được thông cảm và lượng thứ.
Đã xa rồi, xa lắm rồi những tháng ngày miệt mài trên bục giảng Hàn Thuyên. Có những điều đã quên, có những điều rồi sẽ quên, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được ngôi trường Hàn Thuyên thân yêu, nơi đã cho tôi nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm, nhiều tình cảm thương yêu mãi cho đến bây giờ. Và tôi sẽ mãi mãi nghĩ về ngôi trường thân yêu của tôi: Hàn Thuyên, một thời để nhớ.
Los Angeles, tháng 8 năm 2012
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trang Biên khảo: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com