Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
TIỀN HIỀN XỨ QUẢNG: TRẤN QUẬN CÔNG BÙI TÁ HÁN (Hà Thuận Quảng)
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Vị tiền hiền có công trạng bậc nhất trong việc bình định đất Quảng Ngãi sau khi vùng đất này được chính thức sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam chưa đầy 80 năm, đó là Trấn Quận công Bùi Tá Hán.

 

Bùi Tá Hán gốc người châu Hoan tức đất Nghệ An ngày nay. Ông sinh năm Bính Thìn (1497) cuối đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) “trong một gia đình danh nho, thuộc một dòng họ lớn. Ông học vấn uyên thâm, uẩn súc, đọc khắp các sách vở. Điều ông ham chuộng nhất là đạo nhân nghĩa của Khổng Mạnh, con đường căn bản để lập thân, điều ông không thích là thi phú Tống Nho, lối học để trang sức. Ông lập chí gìn lòng, không cầu đỗ đạt nổi tiếng” (trích Phủ Tập Quảng Nam Ký Sự của Mai Thi, bản dịch LHL).

 

Ông lớn lên lúc nước nhà gặp buổi nhiễu nhương. Vua Tương Dực (1510-1516) hoang chơi vô độ, chỉ lo xây cất cung vàng điện ngọc, các quan trong triều không ai can gián nổi. Trong nước loạc lạc nổi lên khắp nơi, điển hình có Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng nổi lên ở Kinh Bắc, Trần Tuân nổi lên ở Sơn Tây, kiệt hiệt nhất là Trần Cao ở vùng Hải Dương.

 

Năm Bính Tý (1516), Nguyên quận công Trịnh Duy Sản giết vua Tương Dực, rồi lập con của Cẩm Giang vương lên ngôi vua tức vua Lê Chiêu Tông. Từ đây, vua chỉ còn là đồ chơi trong tay các viên đại thần đầy quyến bính và nhiều tham vọng. Dẹp chưa xong loạn Trần Cao, các quan trong triều lại đem quân đánh lẫn nhau, thậm chí Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy đem quân đánh nhau giữa kinh thành Thăng Long, vua Chiêu Tông can ngăn cũng không được. Về sau, Chiêu Tông phải cậy vào thế lực của Đô chỉ huy sứ Vũ Xuyên hầu Mạc Đăng Dung. Thế là quyền bính triều đình dần dần lọt vào tay của Mạc Đăng Dung. Sợ bị hại, Chiêu Tông phải tìm cách thoát thân khỏi vòng kềm kẹp của Mạc Đăng Dung. Đến năm Giáp Thân (1524), Mạc Đăng Dung bắt được Lê Chiêu Tông bèn giết đi. Đến năm Đinh Hợi (1527), thấy thời cơ đã đến lúc chín mùi, Mạc Đăng Dung bắt các quan trong triều thảo chiếu nhường ngôi cho mình. Thế là triều chính về tay nhà Mạc. Triều thần nhiều người phản đối, kẻ bị giết, kẻ bỏ trốn tìm thời cơ khôi phục cơ đồ lại cho nhà Lê. Trong số này có con trai của tướng công Nguyễn Hoằng Dụ là Nguễn Kim giữ chức Điện tiền Tướng quân, tước An Thành hầu bỏ trốn sang Ai Lao, được vua nước nầy là Sạ Đẩu cho tá túc ở đất Sầm Châu (nay thuộc vùng thượng du Thanh Hóa). Tại đây, Nguyễn Kim đã cho bộ hạ đi tìm con cháu nhà Lê. Cuối cùng họ đã tìm được người con út của vua Lê Chiêu Tông tên Duy Ninh đưa lên ngôi vua vào năm Quý Tỵ (1533). Đó là vua Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa. Từ đây đất nước ta có hai triều đại trị vì, Lê và Mạc, tạo thành thế Nam Bắc triều kéo dài khoảng 60 năm (1533-1592).

 

Mang sẵn hoài bão “phò Lê diệt Mạc”, ở tại quê nhà Nghệ An, nghe tin Nguyễn Kim đã lập được vua Lê Trang Tông, Bùi Tá Hán đem những thủ túc thân tín đến vùng rừng núi Thanh Hóa đầu quân dưới trướng Nguyễn Kim. Ta không rõ Bùi Tá Hán đã đi theo Nguyễn Kim từ năm nào. Ta chỉ biết vào năm Nhâm Dần (1542), Bùi Tá Hán đã từng chỉ huy một cánh quân tiến đánh Nghệ An, sau đó trở ra Thanh Hóa vào năm Quý Mão (1543) rồi chiếm hẳn Tây Đô (Thanh Hóa) vào năm Giáp Thìn (1544).

 

Biết ông là người có tài và có nhiều công trạng, năm Nguyên Hòa thứ 13, tức năm Ất Tỵ (1545), vua Lê Trang Tông phong cho Bùi Tá Hán làm Bắc quân Đô đốc đem quân Nam chinh để dẹp quân nhà Mạc đang trấn giữ thừa tuyên Quảng Nam.

 

Thừa tuyên Quảng Nam là vùng đất trải dài từ Quảng Nam ngày nay vào đến Phú Yên ngày nay. Quảng Ngãi ta nằm trong thừa tuyên Quảng Nam, nguyên là đất của người Chiêm Thành.

 

Năm Nhâm Ngọ (1402) vua nhà Hồ (1400-1407) sai tướng Đỗ Mãn đem quân đánh Chiêm Thành chiếm được vùng đất Chiêm động (nay là Quảng Nam) và Cổ Lũy động (nay là Quảng Ngãi), đặt ra lộ Thăng Hoa cho người di dân vào lập nghiệp.

 

Năm Đinh Hợi (1407), giặc Minh đem quân xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt đem về Tàu, người Chiêm Thành chiếm lại đất Chiêm động và Cổ Lũy động.

 

Năm Tân Mão (1471), nhân vua Chiêm Thành là Trà Toàn đem quân quấy phá Hóa châu tức vùng đất Thừa Thiên ngày nay, Lê Thánh Tông thân chinh thống lĩnh quân đội cùng các tướng Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Huy Cát, Nguyễn Đức Trung đem quân thủy bộ tấn công Chiêm Thành, bắt vua Chiêm là Trà Toàn đem giết đi, rồi lấy đất mới chiếm được từ phía nam đèo Hải Vân vào đến Phú Yên ngày nay lập nên thừa tuyên Quảng Nam. Đất Cổ Lũy động (tức Quảng Ngãi ngày nay) lập thành phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện Bình Sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang, giao cho Lê Ỷ Đà làm tri châu Cổ Lũy động (theo Phạm Văn Sơn trong Việt Sử Toàn Thư thì quan cai trị đầu tiên đất Cổ Lũy là Đỗ Tử Xuân). Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Mạc đã cho quan quân vào trấn giữ đất Quảng Nam.

 

Về phần Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng bản đồ kế hoạch chinh nam, đầu tháng 6 năm Ất Tỵ (1545), ông cho đoàn chiến thuyền làm lễ xuất quân tại cửa bể Hội Thống (Thanh Hóa) rồi men theo đường biển, tiến quân về nam.

 

Đoàn chiến thuyền vào đến hải đảo Lý Sơn (thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) cách đất liền vào khoảng 24 cây số, theo đúng kế hoạch đã ấn định, Bùi Tá Hán cho dừng quân và đóng đại bản doanh tạm thời trên đảo này. Tại đây, ông cùng bộ tham mưu cho quân thám thính vào đất liền để khảo sát địa thế, tình hình địch quân và tìm cách phủ dụ các quan lại nhà Mạc đang trấn giữ phủ Tư Nghĩa (tức toàn bộ đất Quảng Ngãi ngày nay).

 

Sau khi móc nối được với viên quan huyện Mộ Hoa và quân lính ở các đồn điền Văn Bân, Năng An và Long Phụng, Bùi Tá Hán cho quân đổ bộ tiến chiếm 2 huyện Mộ Hoa và Nghĩa Giang. Hai tháng sau, Bùi tướng quân chỉ huy toàn bộ lực lượng bao vây Trấn Thành (tức tỉnh lỵ Quảng Ngãi ngày nay), các quan nhà Mạc phải đầu hàng. Từ Trấn Thành, ông cho quân tiến ra bắc, chiếm phủ Thăng Hoa (tức Quảng Nam ngày nay) và một số khác tiến về nam chiếm phủ Hoài Nhơn (gồm phần lớn đất Bình Định và Phú Yên ngày nay).

 

Bình định xong vùng đất Quảng Nam từ tay nhà Mạc, Bùi Tá Hán báo tin thắng trận về Tây Đô.

 

Năm Bính Ngọ (1546) niên hiệu Nguyên Hòa thứ 14, vua Trang Tông gởi sứ thần vào Quảng Nam dinh ban khen, vỗ về quân sĩ đồng thời sắc phong cho Bùi Tá Hán làm quan Trấn thủ Quảng Nam dinh.

 

Từ đây, trút bỏ bộ áo của một nhà quân sự tài ba, ông đã khoác vào người bộ áo của một nhà cai trị nhân đức. Ông đã chứng tỏ là người có tài kinh bang tế thế, thi hành những chính sách an dân thật khôn khéo.

 

* Để mở mang vùng đất mới bình định, ông đã khuyến khích vỗ về đám di dân từ Hải Dương, Thanh Hóa và Nghệ An vào lập nghiệp, chú trọng nhiều về khẩn hoang lập ấp, đặc biệt lưu ý về các vấn đề giáo dục và y tế,  khuyến khích và nâng đỡ các nghề thực dụng cấp thiết như nề, mộc và rèn.

 

* Đối với các nhóm sắc tộc thiểu số sống rải rác ở vùng rừng núi phía tây, Bùi Tá Hán đã cho thi hành những chính sách thật khôn ngoan, nhất là đối với nhóm sắc tộc H’rê ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.

 

Trong tác phẩm “Sãi Vãi, Nguyễn Cư Trinh với Sãi Vãi”, 2 nhà biên khảo Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật đã viết về người H’rê như sau:

 

“Ở Quảng Ngãi có mọi Đá Vách, tên gọi mọi Đá Vách do người mình đặt ra vì chúng ở vùng núi đá dựng như tấm vách. Vùng ấy choán từ thung lũng sông Trà Khúc đến tả ngạn sông An Lão (Bình Định).

 

Mọi Đá Vách không lớn hơn người Việt, nhưng vạm vỡ, mạnh mẽ và lanh lẹ hơn.

 

…Tại Quảng Ngãi, mọi Đá Vách ở phía nam, mọi Trà Bồng (vùng thung lũng sông Trà Bồng) thì ở miền bắc. Chúng tùng phục Việt Nam từ năm 1470, đời Lê Thánh Tông. Quan cai trị đầu tiên là ông Bùi Tá Hán.” (1)

 

Nguyên trước thời Bùi Tá Hán, người H’rê sống theo lối du canh du cư, cuộc sống thật chật vật. Mỗi khi mất mùa, họ thường xuống vùng đồng bằng đánh cướp trâu bò, lương thực của người Kinh. Đến khi Bùi Tá Hán trấn nhậm Quảng Nam dinh, ông đã dạy cho họ cách cày cấy, khuyến khích định canh định cư, cho lập các chợ phiên định kỳ cho người Thượng và người Kinh có nơi trao đổi và buôn bán. (Tương truyền chợ phiên Tam Bảo thuộc quận Nghĩa Hành ngày nay đã có từ thời này, tuy địa điểm có thay đổi nhiều lần). Chính sau này, vào thời vua Tự Đức (1848-1883), ông Nguyễn Tấn, người Mộ Đức, giữ chức Tiễu phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định vào năm 1863 (tức có nhiệm vụ trấn giữ miền tây của Quảng Ngãi và Bình Định đối phó với người Thượng vùng nầy) đã viết trong tác phẩm “Phủ man tạp lục” của ông như sau:

 

“Đầu đời Lê Trung Hưng, ông Bùi Tá Hán làm Tổng trấn Quảng Nam dinh đã khuyến khích người Kinh lên mạn ngược giúp đỡ người Thượng trong việc làm ruộng như cày bừa, cấy gặt. Dần dà về sau, người Kinh kéo nhau lên làm ăn ở miền ngược chung đụng với người Thượng ngày càng nhiều, lập thành làng xã người Kinh như Xã Điệu (Sơn Hà), La Thọ (Trà Bồng), Sa Lung, Nước Năng (Ba Tơ).” (2)

 

* Đối với ngườ Chiêm Thành, quan Trấn thủ họ Bùi đã thi hành một chính sách ngoại giao thật mềm dẻo nhưng dứt khoát. Người Chiêm Thành thường quấy phá vùng biên giới phía nam. Để án ngữ vùng nầy, ông đã cho thiết lập các đồn binh dọc biên giới từ bờ biển lên đến vùng thượng du. Ông khuyến khích và quân đội hết sức khôn ngoan và mềm dẻo trong cung cách đối xử với người Chiêm Thanh, cố tránh mọi hiềm khích có thể gây nên xung đột.

 

Có lẽ trong thời kỳ xây dựng các đồn lũy bảo vệ biên cương phía nam, ông đã phải ra vào vùng đất nầy nay gọi là Phú Yên nhiều lần, và có một lần, ông đã được một vị hòa thượng tạc cho ông và người cận vệ - nguyên là người Mường ở Thanh Hóa -  hai pho tượng. Sau này, vào đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), một người họ Nguyễn ở Hòa Vinh (Mộ Đức) làm quan Đô ty ở Phú Yên đã thỉnh được 2 pho tượng nầy đem về Quảng Ngãi và hiện được thờ tự tại đền thờ Trấn quận công Bùi Tá Hán ở xã Tư Quang, quận Tư Nghĩa (sự tích được ghi lại trong văn bia đền thờ Bùi Tá Hán).

 

Năm Thuận Bình thứ 8 (1556) đời vua Lê Trung Tông (1548-1556), ông có làm một tờ biểu dâng lên vua xin cho binh lính ở các đồn điền được quyền lựa chọn hoăc lưu ngũ hoặc giải ngũ. Ai muốn giải ngũ thì được cấp lương thực cho về quê quán làm kế sinh nhai. Ruộng đất do bính lính khai khẩn thì giao cho làng xã làm đất công điền, công thổ. Ông lại đề nghị triều đình cho đo dạc lại các vùng đất ở Quảng Nam dinh.

 

Năm Thiên Hựu thứ 3 (1558) đời vua Lê Anh Tông (1556-1573), Đoan quận công Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Bùi Tá Hán nguyên đầu quân dưới trướng Nguyễn Kim là thân phụ của Nguyễn Hoàng. Do đó, từ ngày Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, quan Trấn thủ Quảng Nam dinh là Bùi Tá Hán đã cộng tác rất mật thiết để xây dựng vùng đất phía nam dãy Hoành Sơn mỗi ngày một hùng  mạnh.

 

Đối với nhà Hậu Lê, Bùi Tá Hán đã trải thờ 3 đời vua: Lê Trang Tông (1533-1548), Lê Trung Tông (1548-1556) và Lê Anh Tông (1556-1573).

 

Đối với nhà Nguyễn, Bùi Tá Hán được xem là vị khai quốc công thần đã có công bình định Quảng Nam dinh thành vùng đất hùng mạnh làm bàn đạp cho họ Nguyễn tiến chiếm phần đất Chiêm Thành còn lại ở phía nam.

 

Đối với nhân dân Quảng Ngãi, Bùi Tá Hán là vị tiền hiền khả kính dày công đức. Ông đã từ châu Hoan (tức Nghệ An ngày nay) vào trấn nhậm Quảng Nam dinh và đã chọn vùng đất ngày nay là xã Tư Quang (quận Tư Nghĩa) làm quê hương. Ông đã một đời cúc cung tận tụy cho sự nghiệp bình định, xây dựng và bảo vệ vùng đất ngày nay ta gọi là Quảng Ngãi (và cả Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên nữa).

 

Năm Chính Trị thứ 11 đời vua Lê Anh Tông (1556-1573), tức là năm Mậu Thìn (1568), Bùi Tá Hán từ trần, hưởng thọ 72 tuổi.

 

Lúc sinh thời, Bùi Tá Hán được phong chức Bắc quân Đô đốc Phủ chưởng phủ sự, sau khi từ trần ông được phong tước Thái bảo Trấn quận công.

 

Hiện nay lăng và đền thờ chính của Trấn quận công Bùi Tá Hán tọa lạc tại ấp Thu Phổ, xã Tư Quang, quận Thư Nghĩa. Trong đền còn lưu giữ 10 đạo sắc phong thần của vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn (1788-1802) và các vua triều Nguyễn và 2 pho tượng (tượng Trấn quận công Bùi Tá Hán và tượng người hầu cận được gọi là Huy Hạ Xích Y hầu).

 

Theo truyền thuyết của dân Quảng Ngãi, cái chết của Trấn quận công khá ly kỳ mà dân địa phương vẫn gọi là “hiển thánh”.

 

Truyện kể rằng: Vào những năm cuối đời, Bùi Tá Hán vẫn thường xuyên có mặt ở Phú Yên để lo bình định đám người Chiêm Thành vẫn thường hay quấy nhiễu vùng biên giới phía nam. Vào năm Mậu Thìn (1568) đời vua Lê Anh Tông, Bùi Tá Hán đang hành hạt tại Phú Yên thì nghe tin quan Trấn thủ Thuận Hóa là Đoan quận công Nguyễn Hoàng bị Trịnh Kiểm gọi về Bắc với âm mưu “điệu hổ ly sơn”. Bùi Tá Hán e rằng quân Trịnh sẽ ùa vào Thuận Hóa và nhân đó có thể tiến thẳng vào Quảng Nam dinh nên Bùi Tá Hán đã tức tốc quay về lại Quảng Ngãi. Thời gian này, người Thượng Đá Vách nhân cơ hội vắng bóng quan Trấn thủ Bùi Tá Hán cũng kéo quân xuống tận vùng trung châu để cướp phá. Con trai của Trấn quận công là Tứ Dương hầu Bùi Tá Thế đem quân chống trả bị vây khổn và cuối cùng đã tử trận. Bùi Tá Hán vừa về đến nơi, một mình một ngựa xông vào đám giặc người Thượng như xông vào chỗ không người. Tướng quân tả xung hữu đột, cát bay mù trời. Đến khi im bặt tiếng gươm đao, người ta không còn thấy Tướng quân và con tuấn mã đâu nữa. Trên bãi chiến trường chỉ còn lại một mảnh nhung y còn điểm huyết, dân chúng cung kính cất đi để thờ.

 

Nhân đó, nhân dân bảo là Trấn quận công Bùi Tá Hán đã “hiển thánh”.

 

Sự tích nầy còn lưu lại 2 câu thơ được khắc trong văn bia dựng trước mộ Trấn quận công ở Rừng Lăng thuộc xã Tư Quang:

 

Nhân mã bất tri hà xứ khứ

Huyết y trường dữ thử bi lưu.

(Người và ngựa không biết đã đi nơi nào

Duy chỉ còn lại mảnh nhung y dính máu còn trường tồn với tấm bia này).

 

Ngoài lăng và đền thờ chính tọa lạc tại xã Tư Quang, Trấn quận công Bùi Tá Hán còn được thờ phượng ở nhiều nơi và thường được thờ chung với Thiên Y A Na thần nữ, đó là đền Tam Thanh ở dãy núi Ngũ Hành (Quảng Nam), chùa Tam Thanh ở núi Lớn thuộc quận Mộ Đức (Quảng Ngãi), điện Trường Bà ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) và đền Nam Chơn ở Sài Gòn.

 

Nam Gia Châu, tháng 12-1998

HÀ THUẬN QUẢNG

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trang Biên khảo: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh