"Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa"
(Nguyễn Du).
Có xa quê hương mới thấy nhớ, thấy thương quê hương tha thiết. Đã bao năm rồi chúng mình xa quê hương núi Ấn sông Trà? Làm sao đo được thời gian của xa cách nhớ nhung. Làm sao đo được thời gian của tháng ngày cách biệt. “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” - một ngày chẳng thấy dài bằng ba thu! Đã bao nhiêu ngàn ngày rồi chúng mình xa núi Ấn? Đã bao nhiêu ngàn ngày rồi chúng mình chưa gặp lại sông Trà? Hãy cứ biết rằng lâu lắm rồi chúng mình đã phải sống nơi đất khách quê người để đêm đêm mơ về cố quận mà thấy lòng ray rứt một nỗi nhớ, để thấy lòng xao xuyến một niềm thương - nhớ và thương quê hương đã ngàn trùng xa cách, vời vợi quan san.
Quảng Ngãi đó, quê hương đó như đã ngàn đời hằn sâu trong trí tưởng, vẫn hoài hoài đậm nét trong tim:
Quê tôi đó dựa Trường Sơn hùng vĩ
Nhìn biển Đông sóng bủa mênh mông
Từ Bình Sơn – Dốc Sỏi đến Đức Phổ - Sa Huỳnh
Thêm hải dảo Lý Sơn nặng tình huynh đệ
(Quảng Ngãi Quê Tôi – Húy Trần)
Bản đồ quê hương núi Ấn sông Trà là như thế đó: lưng tựa Trường Sơn, mặt nhìn Đông hải, địa đầu phía Bắc là Dốc Sỏi, địa đầu phía Nam là Sa Huỳnh và xa xa ngoài chập chùng biển cả là hải đảo Lý Sơn:
Quê tôi đó Lý Sơn miền xứ Quảng
Mờ mờ xa hải đảo đứng chơi vơi
Ngọn hải đăng soi lối một vùng trời
Để con tàu định hướng vượt ra khơi
(Lý Sơn quê tôi đó – Hoài Linh)
Quê hương ngàn đời bao giờ cũng đẹp! Làm sao quên được ngôi trường làng của thuở ấu thơ. Làm sao quên được ngôi chùa làng vào những đêm rằm trăng thanh gió mát. Làm sao quên được ngôi đình làng vào những ngày hội đầu Xuân. Và làm sao quên được những con đường làng rợp bóng tre xanh – những con đường của một thời yêu đương vụng dại. Yêu thương quá đỗi, hãnh diện vô cùng là hình ảnh quê hương:
Đức Phổ quê tôi
Quê hương nầy đẹp nhất
Bài học đầu lòng
Trong trang sách Giáo Khoa Thư.
(Đức Phổ quê tôi - Trần Anh Lan)
Quê hương mình bao giờ cũng đẹp – dù đất cỗi cây cằn, người vất vả gieo neo quê mình vẫn đẹp ; vậy mà trong uất hận ngút trời phải bỏ xứ ra đi. Đi, phải đi thôi – đi trong vội vã, đi trong bàng hoàng, đi mà như trốn chạy, đi trong niềm luyến tiếc khôn nguôi – dù biết rằng ra đi là để lại niềm thương nhớ cho quê hương và sông núi cũng buồn thương cho một lần tưởng đâu là vĩnh biệt:
Trời Quảng Ngãi vấn vương niềm thương nhớ
Bóng đỉnh Ấn nghiêng dòng xanh nức nở,
Bến Trà Giang sóng nước ngại ngùng trôi.
(Nhớ buổi lâm hành – Phương Đình)
Phải rồi, quê hương mình bao giờ cũng đẹp dù biết rằng quê hương đó mình đã hơn một thời chịu cực khổ gian nan:
Đèo Mỹ Trang
Trưa hè nào – vai trần bỏng nắng
Gánh củi từ rừng mòn bước chân đi.
(Đức Phổ quê tôi – Trần Anh Lan)
Thương quá đỗi mảnh đất quê hương nghèo đã nuôi lớn tâm hồn của cha, tâm hồn của mẹ, đã nuôi lớn tâm hồn của chị, tâm hồn của anh – những tâm hồn rộng lượng vô biên đã cưu mang cho những đứa con, những người em nên người hữu dụng:
Nhớ Đồng Cát có một thời thơ ấu
Sớm mai hồng, theo mẹ bán hàng rong
Mẹ chắt chiu trong túi vải từng đồng
Nuôi con học đánh vần trang quốc sử
(Xuân về thương kỷ niệm – Đỗ Vĩnh Khanh)
Mỗi cái tên quê hương như gợi lại từng nỗi nhớ, niềm thương – những Bình Sơn, Sơn Tịnh, những Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, những Mộ Đức, Đức Phổ, những Sơn Hà, Trà Bồng, những Minh Long, Ba Tơ…Gọi tên quê hương như gọi tên người yêu dấu:
Buồn lên khóe mắt long lanh
Âm thầm tôi gọi: Nghĩa Hành, em ơi!
(Nhớ Nghĩa Hành – Nguyễn Tấn Thanh)
Mỗi cái tên quê hương như đánh thức lòng người xa xứ vọng tưởng về quê hương thân yêu của những ngày tháng xa xưa – những năm tháng của một thuở thanh bình, những tháng năm của một thời chinh chiến – vẫn triền miên trong nỗi ai hoài:
Tôi từ Quảng Ngãi ra đi
Tháng năm nắng mưa mấy độ
Thương quê còn nhớ những gì
Thập cảnh tấm lòng hoài cổ.
(Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà – Đặng Thế Vinh)
Quảng Ngãi thập cảnh: Đó là danh thắng của một thời vang bóng. Danh thắng của ngày xưa nay đã tàn phai theo mưa nắng của thời gian, nhưng trong tâm khảm mỗi con dân xứ Quảng, những cái tên thân thương đã hơn một thời là biểu tượng của quê hương đó làm sao phai nhòa cho được – vẫn sừng sững trong mỗi con tim, vẫn ngạo nghễ trong mỗi tâm hồn:
Xa rồi “Thạch Bích tà dương”
Chiều lên “Cổ Lũy” màn sương giăng mờ
“La Hà thạch trận” tiêu sơ
“Liên Trì dục nguyệt” đôi bờ hoang liêu
(Quê tôi - Phạm Trung Hậu)
Nói về Quảng Ngãi làm sao quên cho được những guồng xe nước 8 bánh, 10 bánh trên dòng Trà Khúc, trên dòng Vệ giang vẫn quay đều vào mỗi mùa nắng hạn từ một thuở nào xa lắm – những guồng xe nước đã mang nhựa sống cho từng gốc lúa, đọt khoai mà giờ đây đã thành dĩ vãng:
Xe nghiêng đổ nước sông Trà
Nghe từng nỗi nhớ trong ta tìm về
Cồn xa một thuở đam mê
Tiếng giàn xe nước vỗ về quê hương.
(Chút nhớ sông Trà – Dư Mỹ)
Núi rừng quê ta mênh mông một màu xanh ngắt, hương trầm, hương quế như thoang thoảng đâu đây. Biển cả quê ta một màu xanh ngắt bao la, mỗi sáng thuyền về tôm cá đầy khoang. Núi rừng là nguồn sống của quê ta. Biển cả là nguồn sống của quê ta. Thương núi, thương rừng, thương bể, thương sông vì sông bể núi rừng là máu thịt, là nhựa sống của quê hương:
Thương em gái Trà Bồng, mái tóc thơm mùi quế
Nhớ biển Sa Huỳnh có con cua huỳnh đế nổi danh
(Nhớ về Quảng Ngãi – Bùi Quốc Cường)
Quảng Ngãi là quê hương của cây mía tự ngàn xưa. Thế nên nhắc đến Quảng Ngãi là nhắc đến các loại đường: từ loại đường trắng tinh gọi là đường bông đến loại đường kết lại từ mật gọi là đường đinh hay đường cáu, rồi thì những loại đường đặc chế như đường phổi, đường phèn…
Và mời khách thử qua vài đặc sản
Đây mạch nha, đường phổi với kẹo gương
Khách đi rồi mà lòng mãi vấn vương
Môi em ngọt tợ đường phèn Quảng Ngãi
(Nhớ về Quảng Ngãi – Bùi Quốc Cường)
Môi em Quảng Ngãi đường phèn
Ta nghe ngọt giọng thân quen thuở nào
(Chút nhớ sông Trà – Dư Mỹ)
Quảng Ngãi quê ta ngày xưa nghèo, đâu có nhiều “sơn hào hải vị” nhưng lại rất giàu những món ăn dân dã mang phong vị quê hương. Làm sao mà quên được những xâu chim mía béo ngậy treo tòn ten trong những hàng quán ven đường phía nam cầu Trà Khúc như thẹn thùng mời gọi khách đường xa. Làm sao mà quên được mùi đường non ngát lừng cả một bầu trời xứ Quảng thoảng trong gió chiều như quyến rũ khách bốn phương. Làm sao mà quên được “cá bống sông Trà”. Làm sao quên được lon “mạch nha Thi Phổ”. Làm sao mà quên được…
Theo em về Quảng Ngãi nghe anh
Bánh tráng, khoai lang em đem nhúng đường
Cá bống sông Trà em kho ngon lắm
Tiêu ớt đậm đà như tấm lòng em
(Quê ngoại chờ mong – Hoài Thu)
Nhớ đến vô cùng những buổi sáng trời gây gây lạnh, ngồi ăn tô “don” dằm trái ớt sim cay nồng vừa ăn vừa hít hà để mà tận hưởng cái sinh thú được thưởng thức món ăn bình dân của xứ Quảng:
Theo em về Quảng Ngãi nghe anh
Em sẽ dẫn anh đi ăn don Vạn Tượng một lần
Dẫu nước don trong mà rất ngọt
Như tình quê ngoại vẫn chờ mong
(Quê ngoại chờ mong – Hoài Thu)
Và cũng nhớ đến vô cùng những buổi chiều nhạt nắng rủ nhau dăm ba đứa bạn, từ Thị xã đạp xe đi Sông Vệ ăn tô mì Quảng – chuyện trò suốt dọc đường đi râm ran như pháo nổ, và trên đường về, đôi khi có kẻ thấy con tim của mình như đang đập một nhịp khác xưa:
Anh nhớ nắng buổi chiều trên sông Vệ
Nhớ bước chân em từng buổi đi về
Tô mì Quảng ấm tình con phố nhỏ
Mùa Hạ nào hoa phượng đỏ ngày xưa
(Em có biết Xuân về - Hoa Nguyên)
Ai mà quên được những dòng sông quê hương mà mình đã hơn một lần trầm mình tắm mát vào những trưa Hè nắng gắt? Ai mà quên được những ngọn núi quê hương đã hơn một lần in gót chân của những cặp tình nhân lên với cao xanh để hẹn hò cho một cuộc tình chung thủy?
Ôi, thương làm sao những dòng sông quê hương!
Ôi, nhớ làm sao những ngọn núi quê hương!
Sông và núi đã một thời ghi đậm những kỷ niệm, những ước mơ:
Ta nhớ lắm con đường quê ta đó
Sỏi đá gập ghềnh ta từng bước chân qua
Ta nhớ dòng sông ấp ủ quê nhà
Sông Vệ, sông Trà dòng sông lịch sử
(Ta nhớ - Hồ Thu)
Em muốn về quê xưa
Nhìn lại dòng Trà giang năm cũ
Bến sông xưa một chiều ráng đỏ
Gửi gắm niềm riêng theo cánh én lưng trời
Hỡi người thân bè bạn của em ơi
Em thương quá nhữn g mảnh đời bịnh dị
Em thương quá luống rau, giàn bí
Mảnh đất cằn nhưng cây cỏ vẫn sinh sôi
(Em muốn về quê xưa – Nguyên Dung)
Sông và núi đã một thời vang vọng những âm thanh quen thuộc mà ray rứt mỗi độ Hè về, mỗi tiết Thu sang:
Núi Xương Rồng vẫn còn cao?
Sông Trà Câu vẫn xanh màu thời gian?
Khi chim tú hú gọi đàn
Ve sầu rừng cũ vẫn ran giọng buồn?
(Vọng cố hương - Nguyễn Văn Quảng Ngãi)
Nghe tiếng chim tu hú là nhớ đến mùa cá chuồn. Nghe tiếng ve ran là nhớ đến mùa chia ly của tuổi học trò. Ôi! Còn đâu tiếng chim tu hú, còn đâu những giọng ve buồn để nhắc lại cho ta một thuở quê hương tuổi nhỏ? Đã xa rồi Thiên Ấn. Đã xa rồi Trà giang. Đã xa vời vợi những sông, những núi của quê hương:
Đường mây giăng tơ vương trời đỉnh Ấn
Bờ tre xanh thương nhớ nước sông Trà…
Lý Sơn hỡi có nghe lòng biển cả
Vọng ân tình chuyển động đất Châu Sa
(Gửi thương về Quảng Ngãi – Hoàng Vũ)
Ôi! Thương nhớ biết bao nhiêu quê hương của một thời tuổi nhỏ!
Ôi! Thương nhớ biết bao nhiêu những kỷ niệm của một thuở học trò!
Ô! Dễ thương biết mấy tuổi học trò của một thuở quê hương thanh bình – những ngày tháng thật xa vời như những tháng ngày trong truyện “ngày xưa…”:
Hồi đó ở Châu Ổ
Hai đứa mình còn nhỏ
Em học ở trường làng
Anh đã sang trường phủ…
(Mối tình tuổi nhỏ - Vũ Quỳnh Bang)
Một thưở nào xa xưa lắm, dễ thường đã hơn sáu mươi năm, người ta chỉ nghe nhắc đến trường làng, trường phủ.
Rồi đến một thời của những cái tên trường cấp 2 Rừng Xanh, trường cấp 2 Tư Nghĩa, trường cấp 2 Lương Nông, trường cấp 3 Lê Khiết…những ngôi trường của một thơi hoang tưởng, một thời cùng cực vẫn âm thầm ấp ủ những mối tình vụng dại của tuổi hoa niên:
Về An Ba
Ghé ngôi trường cũ
Áo lụa bay, tóc xõa gió nồng
Chiều hôm qua đó, quê hương em biển mặn
Mối giao tình Lê Khiết với Lương Nông
(Thương về Mộ Đức - Trần Anh Lan)
Và đến một thời nở rộ của những ngôi trường thân thương mang bao nhiêu kỷ niệm của những người con thân yêu quê hương núi Ấn sông Trà: những Trần Quốc Tuấn, Chấn Hưng, Bồ Đề, Kim Thông, Hùng Vương, Nữ Trung Học (Thị xã Quảng Ngãi); những Trung học Bình Sơn, Bán công Huỳnh Thúc Kháng, Phụng Sự, Hàn Thuyên… (Bình Sơn); những Lê Trung Đình, Tự Lực… (Sơn Tịnh); những Hưng Đạo, Thu Xà, Văn Hiến, Lữ Đình Sơn, Quảng Ngãi Nghĩa Thục… (Tư Nghĩa ; những Nguyễn Huệ… (Nghĩa Hành); những Nguyễn Công Trứ, Bồ Đề (Mộ Đức); những Lê Văn Duyệt, Đăng Khoa (Đức Phổ)… Kể làm sao cho xiết công lao của những ngôi trường đã đào tạo nên bao nhiêu nhân tài cho đất nước, quê hương.
Xa quê hương, nhớ lại những ngôi trường xưa – những ngôi trường của một thời kinh sử, những ngôi trường của một thuở yêu đương đầu đời – mới thấy thấm thía niềm thương vô hạn, mới thấy ray rứt nỗi nhớ vô biên và để đến bây giờ chỉ còn là kỷ niệm, chỉ còn trong hoài niệm mà thôi:
Xin cho tôi một phút phù du
Tìm trở lại quãng đời đánh mất
Vườn trăng ngọt, vai kề bên trang sách
Chiều vô tư, gió nhắn gọi hiên ngoài
Cổng trường Trần Quốc Tuấn xưa…
Tha thướt áo nào bay?
. . . . .
Nhớ Trường Nữ
Đưa em chiều tan học
Dáng thẹn thùng giương ánh mắt nai tơ
(Lối cũ ta về - Trần Anh Lan)
Những hình ảnh ngày xưa một thuở học trò sao mà dễ thương, sao mà tha thiết. Tà áo trắng ai bay thướt tha dưới hàng phượng đỏ sân trường. Mái tóc thề ai e thẹn dưới vành nón nghiêng nghiêng. Tiếng guốc ai khua từng âm thanh kỷ niệm:
Nhớ quá Thu xưa dáng nhỏ sân trường
Tay e ấp che nghiêng vành nón
Giờ tan học mình anh đứng lặng
Nhìn em về qua ngõ đường quen
Nhớ vô cùng mái trường cũ Hàn Thuyên
Mực tím học trò bức thư hò hẹn
(Niềm nhớ không quên – Châu Phan)
Và bao nhiêu câu hỏi vẫn mãi mãi hoài hoài ray rứt tâm can, những câu hỏi như một thách đố với thời gian – bao nhiêu năm qua rồi, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu vẫn còn nguyên vẹn: những người tình, những bằng hữu một thuở nào xa xưa nay luân lạc nơi đâu:
Thuở học trò tôi hay đứng bờ xa
Nghe sóng đập dưới chân cầu Châu Ổ
Còn chăng nhỉ trường Hàn Thuyên phượng đỏ
Những bạn bè thuở đó lạc nơi đâu?
(Bao giờ về thăm Quảng Ngãi – Thái Thi Thọ)
Ước mơ một ngày trở về thăm ngôi trường cũ sẽ khơi dậy một thời tuổi nhỏ ngây thơ. Hãy cho ta trở về với nguyên vẹn những những hình ảnh của năm xưa – đó là lời van xin, đó cũng là lời nguyện ước. Nhưng mà thôi, đã hai mươi bảy năm rồi, những ngôi trường xưa nay đã thay tên, đổi họ; những người học trò năm xưa đâu còn nữa tuổi ngây thơ của những người ra đi và của cả những người còn ở lại trong chua xót ngậm ngùi:
Mai anh về qua từng xóm nhỏ
Có còn em thơ năm tháng đợi chờ
Mái trường Kim Thông vách loang bụi nắng
Đâu tuổi học trò chiếc nón bài thơ
Mai anh về qua trường Hùng Vương
Vẫn hàng cây xưa soi bóng bên đường
Rêu phủ công viên tượng chờ gục ngã
Khói thuốc xanh dòng nhòa bóng đêm sương
(Mai anh về - Trần Anh Lan)
Nhớ biết bao nhiêu quê hương một thưở thanh bình! Mùa Xuân thanh bình của một thưở quê hương sao mà dễ thương, sao mà êm ái. Chỉ có tiếng cười, tiếng hát với lời ca:
Ai về Quảng Ngãi quê ta
Nghe bao tiếng hát, lời ca ngọt ngào
Tiếng người chúc Tết xôn xao
Tiếng cười khúc khích, tiếng chào ngây thơ
(Quảng Ngãi quê hương – Liên Phương)
Và thương biết bao nhiêu quê hương một thời chinh chiến – ôi, một thời chiến chinh dằng dặc những âu lo. Đã một thời vang vọng những cái tên nghe như tiếng gầm gừ của Thần Chết: Dốc Trạm, Chợ Bò, Mỏ Cày, Quán Hồng…
Ngày qua đó…
Cầu Tú Sơn lộng gió
Ngước nhìn trời em nắm chặt đôi tay
Vượt Quán Hồng còn mất nào ai hay?
(Thương về Mộ Đức - Trần Anh Lan)
Quán Hồng, Mỏ Cày, Chợ Bò, Dốc Trạm…những cái tên định mệnh đã vùi chôn bao nhiêu hồn oan khuất bởi bàn tay những chàng “du kích giải phóng”! Và cũng có những cái tên oai hùng như những bản hùng ca của một thời oanh liệt được tạo nên bởi những anh “chiến sĩ Cộng Hòa”…Những Bình Đê, Sa Huỳnh, những Đình Cương, Thạch Trụ… Và còn bao nhiêu chiến tích nữa của quân dân miền núi Ấn sông Trà – hậu duệ của những Bùi Tá Hán, Lê Văn Duyệt, Trương Công Định, Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Duy Cung… - làm sao kể xiết:
Nhớ lắm Sa Huỳnh hạt muối thơm
Thuyền xa còn quyện mãi hương nồng
Bình Đê một quãng đời kiêu hãnh
Trận chiến năm nào dậy núi sông
(Quảng Ngãi quê hương ơi - Tấn Ích Hạo Nhiên)
Đêm Thạch Trụ trăng vàng phai lối cũ
Trận chiến năm nào nhớ mãi không thôi
(Thương về Mộ Đức - Trần Anh Lan)
Nỗi đau chiến bại 1975 như vết chém oan khiên chặt phăng niềm kiêu hãnh oai hùng của bao chàng trai trẻ đã một thời ngang dọc trên bãi chiến trường khiến địch quân phải bao lần hồn xiêu phách lạc. Buông súng xuống anh ngậm ngùi chết lặng. Nhìn cha mẹ, nhìn vợ con, nhìn những người thân yêu đang trong cơn cuống quít hãi hùng, anh lạnh lùng buông súng chịu làm thân chiến bại để tránh cho đồng bào anh những cái chết tương tàn:
Khói quyện sầu giăng hồn ai chiến bại
Nỗi đau dài phủ xuống phận làm trai
Anh với tôi ôm chuỗi ngày quan tái
Thạch Trụ, Sa Huỳnh chiến tích không phai
(Nỗi buồn sau cuộc chiến - Đỗ Vĩnh Khanh)
Đã bao năm rồi lìa xa quê hương đất Tổ? Đã mấy ai dám đếm thời gian trôi qua mà không thấy lòng mình chùng xuống một niềm thương nhớ khôn nguôi.
Ôi, Quê Hương ngàn-trùng-xa-cách vẫn canh cánh bên lòng một nỗi nhớ thương – như vừa trải qua một cơn mộng ảo. Là thật chăng? Là mơ chăng?
Thôi giờ Quảng Ngãi đã xa
Chỉ còn nỗi nhớ thoảng qua giấc nồng
(Mơ xưa xứ Quảng – Vĩnh Chinh)
Hướng về Quảng Ngãi quê tôi
Bâng khuâng luyến tiếc, bồi hồi nhớ thương
Xa quê mười mấy năm trường
Luôn luôn trong dạ còn vương đáy lòng
(Hướng về quê tôi - Diệu Hương Ngô Thị Thùy)
Quê tôi là xứ Châu Sa
Dưới chân Thiên Ấn, bên là Trà giang
Từ ngày xa nước, xa làng
Lòng tôi luống những bàng hoàng như mơ
(Ngày Tết nhớ quê - Đỗ Hoài Nam)
Nỗi nhớ thương quê vẫn từng đêm về theo giấc ngủ “thoảng qua giấc nồng”, vẫn khắc cốt ghi xương “còn vương đáy lòng”, thực sự xa quê mà tưởng chừng như mình đang trong cơn mộng mị “bàng hoàng như mơ”, chỉ vì:
Quảng Ngãi ơi! Làm sao ta quên được
Quê ta nghèo mà dào dạt tình thương
(Quảng Ngãi quê ta – Hàn Nhân)
Phải rồi, quê hương đó làm sao mà quên được. Dù bao năm luân lạc nơi quê người, cứ mỗi độ Xuân về lại thấy lòng mình như chùng xuống với nỗi nhớ quê da diết khôn nguôi:
Tôi yêu người sống ly hương
Xuân về xa xứ càng thương quê nhà
Nửa vòng trái đất bao la
Không quên núi Ấn, sông Trà tôi yêu
(Tôi yêu – Liên Phương)
Thế nên, dù biết rằng một lần ra đi là biền biệt muôn trùng vẫn cứ hẹn với lòng mình xin cho một ngày trở lại:
Ôi! Sông Vệ! Chào chia tay sông Vệ
Xa quê này ta nhớ mãi dòng sông
Không trốn chạy như cuội gài trăng bể
Ngày trở về ta mãi mãi chờ trông
(Chào chia tay sông Vệ - Tầm Dương)
Vậy là xa quê hương hôm trước, ngày hôm sau đã nhớ. Mới ra đi ngày hôm qua, hôm nay đã thấy buồn. Hình ảnh quê hương vẫn canh cánh bên lòng chẳng lúc nào nguôi:
Từ nơi núi Ấn sông Trà
Đàn chim vỡ tổ lìa nhà bay đi
Quê người khản tiếng lâm ly
Khóc quê hương của những gì thuở xa
(Chan hòa niềm vui – Minh Triết Trần Thiện Đạt)
Tội nghiệp làm sao tâm hồn những khách ly hương! Hình ảnh thân thương của quê hương yêu dấu như mãi mãi thấp thoáng trong hồn. Nhìn dòng sông xứ người ngỡ dòng sông cố quận. Thấy đỉnh núi xứ người, tưởng đỉnh núi quê hương:
Đỉnh núi mờ xa ngờ Thiên Ần
Dòng trôi lơ lửng tưởng Trà giang
(Xuân xa xứ - Thiên Thư)
Xa quê bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm thương nhớ. Thương nhớ trong xót xa một quê hương như mãi mãi bị đọa đày trong nỗi khổ triền miên:
Quảng Ngãi Xuân này chắc u buồn
Đói nghèo cơ cực nối nhau luôn
Nước ơi, sao Nước vô tình quá
Có nghe quanh hồn lệ đá tuôn?
(Quảng Ngãi…Xuân này – Kim Huỳnh)
Vậy là cái ngày gạt lệ ra đi trong nỗi hận dâng tràn cũng đã là ngày lòng hẹn lòng sẽ có ngày trở lại – trở về quê trong niềm mơ ước khôn nguôi. Bởi vì, trên mảnh đất tuy cằn cỗi đầy đau thương đó kẻ ra đi vẫn để lại một tấc lòng – với sông núi, tổ tiên, với láng giềng, thân thích:
Bao giờ nhỉ tôi về thăm Quảng Ngãi
Mười năm trường mộ Mẹ chẳng ai trông
Cỏ có cao hơn nỗi nhớ trong lòng
Đất có lạnh hơn mùa Đông Bắc Mỹ
Núi Thiên Ấn trường tồn bao thế kỷ
Hay về đâu lai láng nước sông Trà?
(Bao giờ về thăm Quảng Ngãi – Thái Thi Thọ)
Phải trở về chứ! Hãy xin được trở về nhìn lại quê hương. Hãy xin được trở về nhìnl ại dòng sông xưa. Hãy xin được trở về thăm con phố cũ. Hãy xin được trở về ngắm lại những hình ảnh quê hương đầy trìu mến thân thương – ngôi chùa cổ, đình làng xưa, con đường quê bé bỏng…Và lòng từng hẹn lòng rằng phải trở về:
Mùa Xuân nào trở về thăm phố Quảng
Nhìn Long Đầu soi bóng nước Trà giang
Ngắm Thiên Bút mây giăng choàng đỉnh núi
Mảnh đất hương tình dào dạt chứa chan
(Xuân về thương kỷ niệm - Đỗ Vĩnh Khanh)
Bao giờ em trở lại
Quảng Ngãi nớ hở em
Mùa Xuân hay mùa Hạ
Giữ mỏi chân ưu phiền
Ta lênh đênh xứ lạ
Mơ màng chiều Trường Sơn
Tựa lưng cầu Trà Khúc
Tắm nắng vàng quê hương
(Vẫn nhớ - Trạch Gầm)
Phải trở về chứ Quê-Hương-Yêu-Dấu! “Phải-Trở-Về”, ôi, niềm ray rứt khôn nguôi:
Ta sẽ trở về Quảng Ngãi ơi
Niềm đau lay động đến sao trời
Ta nghe cơn khát hồn khô đắng
Núi đứng chờ người lệ đá rơi!
(Quảng Ngãi quê hương ơi - Tấn Ích Hạo Nhiên)
Phải trở về chứ Quảng-Ngãi-Quê-Hương-Yêu-Dấu! Phải Về! Phải về! Niềm thôi thúc triền miên. Từng Năm, từng Tháng, từng Ngày, từng Giờ, từng Phút, từng Giây! Phải về, phải về, chưa là Bây Giờ thì trong Tương Lai, xin hãy trở về một lần để được nhìn lại Quê Hương Yêu Dấu.
Giờ đây, những ai chưa được một lần trở về thăm quê cũ, hãy xin mượn lời thơ của Ngô Phủ trong bài thơ “Tình người viễn xứ” để kính cẩn gửi về Quê Hương “một tấm lòng”:
Ai về Quảng Ngãi cho tôi gửi
Câu chúa Vinh An Phúc Thọ Trường
Tấc dạ chí thành người xa xứ
Nơi đây gói ghém một tình thương.
P. TRẦN ĐÀO.
* * *
mmm