Quảng Ngãi nguyên là đất Cổ Lũy Ðộng của người Chiêm Thành.
Năm Nhâm Ngọ (1402), nhà Hồ (1400-1407) sai tướng Ðỗ Mãn đem quân đánh Chiêm Thành chiếm đất Chiêm Ðộng (tức Quảng Nam ngày nay) và đất Cổ Lũy Ðộng. Ðất Cổ Lũy Ðộng được đổi thành châu Tư và châu Nghĩa rồi cho dân vào lập nghiệp. Việc di dân mới bắt đầu thì đến năm Ðinh Hợi (1407), nhà Minh xâm lăng Việt Nam (1407-1427). Nhân dịp nầy, Chiêm Thành xua quân chiếm lại Chiêm Ðộng và Cổ Lũy Ðộng. Mãi đến năm Canh Dần, Hồng Ðức nguyên niên (1470), lấy cớ vua Chiêm là Trà Toàn quấy phá vùng biên đia phía Nam, Lê Thánh Tông (1460-1497) thân chinh cầm đại quân trừng phạt, chiếm lại vùng đất từ nam đèo Hải Vân (phía bắc Quảng Nam ngày nay) đến chân đèo Cả (phía Nam Phú Yên ngày nay) lập nên thừa tuyên Quảng Nam.
Sau khi lập nên thừa tuyên Quảng Nam, nhà vua cho di dân vào đây sinh cơ lập nghiệp. Những đợt di dân đầu tiên vào cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16 đa phần là con dân có quê quán thuộc vùng đất chiêm trũng đồng bằng Bắc Phần và chắc hẳn “hầu hết là dân nghèo, tù tội, hành khất, hạng lưu dân thoát vùng đất cũ với hy vọng của kẻ đánh bạc chẵn lẻ: hoặc mất hoặc được tất cả, chứ dễ gì người xưa mà đoạn tuyệt mồ mả ông bà để tha phương cầu thực” (1)
Năm Mậu Ngọ (1558), tương truyền theo lời khuyên “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Ðoan Quận công Nguyễn Hoàng (1524-1613) xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa để tránh bị anh rể là Trịnh Kiểm ám hại. Thoát nạn, Nguyễn Hoàng nghĩ ngay đến việc củng cố vùng đất Thuận Hóa, rồi sau đó cả vùng đất thừa tuyên Quảng Nam làm cơ nghiệp lâu bền cho dòng họ. Vậy là từ thời gian này về sau, dân vùng Thanh Nghệ lũ lượt kéo nhau vào lập nghiệp ở đất Thuận Hóa, rồi sau đó họ lục tục kéo nhau vào lập dinh cơ tại đất Quảng Nam. Lớp di dân về sau thường là bà con thân thuộc của dòng họ Nguyễn Hoàng, của đám quan lại tháp tùng cùng gia đình và đông đúc hơn cả hẳn nhiên là thân nhân của đoàn quân theo Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất mới.
Quảng Ngãi sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam vào một thời kỳ rực rỡ nhất của lich sử dân tộc cả về võ công lẫn văn trị, đó là thời kỳ Hồng Ðức (1470-1497) của triều đại Lê Thánh Tông (1460-1497). Thế nhưng, những năm tháng rực rỡ bậc nhất của lịch sử dân tộc đó đã không có mấy ảnh hưởng tốt đẹp đến vùng đất mới thuộc thừa tuyên Quảng Nam. Bởi đây là vùng biên địa với đám cư dân mới mà phần lớn là đám dân nghèo, đám tội đồ hoặc đám hành khất không biết chữ nghĩa là gì, vả lại, chữ nghĩa đối với họ không thiết thực bằng miếng cơm manh áo hằng ngày. Thực ra, trong mấy năm đầu dưới thời Hồng Ðức, vua Lê Thánh Tông cũng có nghĩ đến mở mang việc học hành cho đám lưu dân vùng đất Quảng Nam bằng cách “chọn dân đinh từ 15 tuổi trở lên, ai là người thông minh ham học thì cho làm sinh đồ để dạy cho sự học hành và sự lễ nghi” (2). Thế nhưng, đây mới chỉ là chỉ dụ, còn kết quả ra sao không thấy sử sách ghi lại.
Vậy là vùng đất mới, trong đó có vùng đất thuộc Cổ Lũy Ðộng chưa kịp hưởng chút ân huệ nào của triều đình trung ương thì chẳng bao lâu sau, đất nước đã lâm vào tình trạng khủng hoảng tranh giành quyền lực giữa các dòng họ. Ðó là thời kỳ tranh giành quyền lực giữa ho Lê và họ Mạc tạo nên thời kỳ Nam Bắc Triều (1527-1592), rồi thời kỳ Nam Bắc phân tranh giữa vua Lê và chúa Trịnh ở Ðàng Ngoài với chúa Nguyễn ở Ðàng Trong (1627 - 1776), tiếp đến là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1771) lần lượt tiêu diệt chúa Trịnh, vua Lê, đuổi họ Nguyễn chạy mãi về cực Nam rồi lập nên nhà Tây Sơn (1788-1802) nhưng rồi cuối cùng nhà Tây Son suy sụp và Nguyễn Ánh đã thống nhất đất nước tạo nên cơ nghiệp cho nhà Nguyễn (1802-1945). Ðó là chưa kể đến những cuộc chiến tranh triền miên do các chúa Nguyễn đã phát động đánh người Chiêm Thành rồi người Chân Lạp để mở mang bờ cõi về phương Nam
Ngoài nạn binh đao do việc tranh giành quyền lực giữa các dòng họ, do việc mở mang bờ cõi, dân Quảng Ngãi còn phải chịu cái nạn quấy phá triền miên của sắc dân thượng Ðá Vách.
Ðây là thời kỳ nhiễu nhương kéo dài non 300 năm, mọi nỗ lực đều dành cho chiến tranh, việc học hành gần như bị bỏ phế, nhất là ở vùng đất Nam Hà của chúa Nguyễn. “Xét chương trình thi cử của Nam Hà bấy giờ, ta thấy sơ lược quá nếu so sánh với các tiền triều (Trần và Hậu Lê). Sự kiện nầy cho phép ta nghĩ rằng các nhà cầm quyền Nam Hà có lẽ chỉ biết ngày đêm lo việc chiến tranh, nhân dân cũng bị lôi cuốn theo trong công chuyện nầy nên tuy cuộc đình chiến luôn một thế kỷ mà việc văn học khoa cử vẫn chưa tiến được nhiều.” (3). Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Ðôn cũng đã từng nhận xét: “Họ Nguyễn chỉ mở thu thí (thi hương) chuyên dùng lại tư (tức thư ký các công sở, công chức cấp dưới) không chuộng văn học nên ít thu thái được người tuấn dị... Khảo thí thì những kế lớn, mưu lớn không được hỏi han đến còn bọn hậu học tiểu sinh không thấy được nuôi dưỡng, tác thành” (4)
Ðến khi nhà Tây Sơn dựng nghiệp (1788-1802) chiến tranh lại càng sôi động, việc học hành thi cử cũng không khá gì hơn dưới thời các chúa Nguyễn. Phải đợi đến khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi vua (1802) lập nên cơ nghiệp cho nhà Nguyễn, việc học hành thi cử mới bắt đầu được thực sự chú trọng. Nhà vua đã cho mở trường học ở tỉnh và trấn, lập Văn miếu để thờ Khổng Tử và các vị tiên nho. Văn miếu Quảng Ngãi tọa lạc tại thôn Phú Nhơn (xã Sơn Long, Sơn Tịnh). Tuy việc học đã có quy củ, nhưng dưới thời Gia Long, nhà vua cũng mới chỉ cho mở các khoa thi Hương và cách 6 năm mới tổ chức một lần. Các sĩ tử Quảng Ngãi mỗi lần dự các khoa thi phải quảy lều chõng ra tận kinh đô Phú Xuân để ứng thí. Có lẽ việc thi cử có nhiều cách trở như vậy cho nên mãi đến cuối đời Gia Long (1819), Trương Ðăng Quế người Mỹ Khê mới đỗ hương tiến (tức cử nhân) và ông được xem là người khai khoa cho giới nho sĩ Quảng Ngãi. Có thể trước khi Trương Ðăng Quế đỗ cử nhân, sĩ tử Quảng Ngãi cũng đã có nhiều người đỗ tú tài; nhưng vì đỗ tú tài không được các sách “đăng khoa lục” ghi tên nên đến ngày nay chúng ta không biết ai là người Quảng Ngãi đầu tiên thi đỗ tú tài!
Mãi đến năm Tự Ðức thứ tư, Tân Hợi (1851), nhà Vua mới hạ chiếu cho mở trường thi Bình Ðịnh dành riêng cho các sĩ tử từ Quảng Ngãi và đến Bình Thuận. Ðến năm Mậu Ngọ (1918) triều đình cho mở khoa thi nho học cuối cùng. Từ năm này về sau, người ta đua nhau học chữ Pháp và sau đó là chữ quốc ngữ. Chữ Nho dần dần lui vào dĩ vãng.
Vào năm Canh Ngọ (1750) khi Ðạm Am Nguyễn Cư Trinh được bổ nhiệm làm tuần phủ Quảng Ngãi, cuộc chiến cuối cùng xảy ra vào năm 1672 giữa 2 họ Trịnh Nguyễn đã chấm dứt ngót 80 năm. Trong 80 năm tạm coi là thái bình đó, các chúa Nguyễn cũng không nghĩ đến việc mở mang học vấn mà chỉ nghĩ đến việc mở mang lãnh thổ về phương Nam. Ða phần dân Quảng Ngãi đã phải chịu cảnh gần như thất học trong nhiều năm, rất nhiều năm… Nhân tài văn học Quảng Ngãi đã không xuất hiện cho đến ngày Nguyễn Cư Trinh về làm tuần phủ Quảng Ngãi và còn kéo dài thêm sau đó nhiều chục năm nữa. Bằng chứng là Nguyễn Cư Trinh người Thừa Thiên vào làm tuần phủ Quảng Ngãi, đã lấy Quảng Ngãi làm bối cảnh để sáng tác truyện Sãi Vãi dùng làm tài liệu tuyên truyền khích lệ tinh thần ba quân chống lại sắc dân thượng Ðá Vách ở miền tây Quảng Ngãi, cũng đã đặt bước chân của mình trên nhiều nẻo đường của miền núi Ấn sông Trà, và bằng con mắt nhìn của một nhà nghệ sĩ tuyệt vời, tiên sinh đã khám phá ra 10 cảnh đẹp của đất Quảng Ngãi từ miền đồng bằng nằm gần lỵ sở của quan tuần phủ như Thiên Ấn niêm hà, Long đầu hý thủy ra đến miền núi non hướng tây bắc như Vu Sơn lộc trường cho đến vùng núi non phía nam như Thạch Bích tà dương…, xuống sát biển Ðông như cảnh An Hải sa bàn (Sa kỳ, Bình Ðức) hay Cổ Lũy cô thôn (miền đông Tư Nghĩa)...Tiên sinh đã làm thơ ngâm vịnh 10 thắng cảnh do tiên sinh khám phá, vậy mà dường như Tiên sinh đã không tìm được một người Quảng Ngãi đồng điệu nào để cùng tiên sinh xướng họa, và vì vậy ngày nay chúng ta chỉ được ngâm vịnh những bài thơ viết về Quảng Ngãi thập cảnh của tiên sinh mà chúng ta không được thấy bài họa nào, thậm chí một bài thơ vịnh nào của người đương thời về những thắng cảnh nầy.
Vậy là chúng ta phải đợi đến khi Gia Long thống nhất đất nước lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long nguyên niên (1802) chúng ta mới thấy tên tuổi của một con dân Quảng Ngãi góp tên tuổi vào làng văn học của đất nước: đó là Ân Quang hầu Trần Công Hiến.
Sau đây chúng tôi giới thiệu tóm lược tiểu sử của một số tác giả tiêu biểu:
TRẦN CÔNG HIẾN (? – 1816):
Trần Công Hiến người quận Tư Nghĩa (xưa có tên là huyện Chương Nghĩa) sinh ra trong một gia đình nghèo vào thời buổi đất nước loạn ly. Ông tư chất thông minh và rất ham học. Xuất thân quan võ, từng giúp Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn ngay từ năm 1793. Do đó khi Nguyễn Ánh lên ngôi tức vua Gia Long (1802 – 1819) đã cho ông làm trấn thủ Hải Dương (Bắc Phần) và phong tước Ân Quang Hầu. Ông rất hâm mộ văn chương, tôn trọng văn học. Ðể khuyến khích việc học hành, đồng thời bảo tồn văn học và sử học nước nhà, ông đã cho thàng lập Hải Học Ðường ở Hải Dương, sưu tập, biên soạn và cho khắc in các tác phẩm như :
* Cố Lê Tứ Trường Văn Thể khảo cứu về các thể văn khoa cử thời nhà Hậu Lê (1428-1876)
* Bạch Vân Am Thi Biên Tập sưu tập và khảo đính thơ văn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
* Danh Phú Hợp Tuyển thu thập những bài phú nổi tiếng của nhiều tác giả tên tuổi như Lê Quý Ðôn, Phạm Nguyễn Du, Ðặng Trần Côn... khắc in thành 12 quyển.
* Danh Thi hợp Tuyển thu thập thơ.
* Lịch Ðại Sách Lược (văn),
* Lịch Ðại Sử Toản Yếu (lịch sử).
Ngoài ra ông còn để lại 2 tác phẩm về địa lý và phong tục và chính ông đã diễn nôm bằng thơ lục bát, đó là 2 quyển Ðại Việt Thủy Lục Trình Ký và Hải Dương Phong Vật Ký.
TRƯƠNG ÐĂNG QUẾ (1793 – 1865):
Trương Đăng Quế tự Diên Phương, hiệu Ðoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê, người Mỹ Khê (Sơn Mỹ, quận Sơn Tịnh).
Ông là người Quảng Ngãi đầu tiên thi đậu hương tiến (tức cử nhân) vào năm 1819, làm quan trải 3 triều vua: Minh Mạng (1820–1840), Thiệu Trị (1841–1847) và Tự Ðức (1848–1883). Tuy chỉ thi đậu hương tiến nhưng ông có một sức học vô cùng uyên bác. Ông từng giữ những trọng trách về hành chánh thăng đến Phụ chánh Ðại thần, Cần Chánh điện Ðại học sĩ, trọng trách về văn hóa như Ðông cung Bạn độc (từng là thầy dạy của Thái tử Miên Tông tức vua Thiệu Trị), Tổng tài Quốc sử quán.
Với chức vụ Tổng tài Quốc sử quán, ông đã trông coi và tham gia biên soạn những tác phẩm lịch sử và văn học quan trọng như:
* bộ Ðai Nam Liệt Truyện ghi chép truyện các nhân vật nổi tiếng từ vua chúa đến thường dân .
* bộ Ðai Nam Thực Lục Tiền Biên ghi chép các sự kiện lich sử của các chúa từ thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Phú Xuân (1558) đến thời chúa Nguyễn Phúc Thuần ( 1765-1777).
* bộ Thiệu Trị Văn Quy khảo cứu các quy tắc làm văn thời vua Thiệu Thị.
Về thơ văn, ông còn lưu lại các tác phẩm: Học Văn Dư Tập (thơ), Quảng Khê Thi Văn Tập (thơ, văn), Thi Tấu Hợp Biên (thơ, văn) và Nhật Bản Kiến Văn Lục.
Sau đây chúng tôi xin trích một bài trong Học Văn Dư Tập nói lên tấm lòng thương quê hương tha thiết của ông:
Khâm Mạng Kinh Lược Nam Kỳ
Thuyền Quá Quảng Ngãi Cố Hương
Xuân phong tống chinh nghịch,
Thuấn tức việt trùng ba.
Lộ chỉ cố hương quá,
Tình huyền du tử đa.
Không hoài tang tử kính,
Trùng xướng thử miêu ca.
Khởi lập thuyền đầu vọng,
Dao thôn ẩn bích la.
Dịch xuôi:
Vâng mạng đi kinh lược Nam Kỳ
Thuyền Qua Cố hương Quảng Ngãi
Gió Xuân đưa thuyền hiệu chim “Nghịch” đi
Giây phút vượt sóng khơi
Thuyền đi qua cố hương
Gợi tìng người du tử.
Luôn kính nhớ quê hương
Hát bài ca “thử miêu”
Ra đứng đầu thuyền ngắm
Thôn xóm ẩn trong lùm bích la.
Dịch thơ:
Gió Xuân đưa chiếc thuyền công,
Chừng trong giây phút vượt dòng biển khơi.
Cố hương Quảng Ngãi đây rồi,
Chạnh lòng du tử ngậm ngùi tình thương.
Nỗi niềm tang tử tơ vương,
“Thử miêu” bài hát, trùng dương ánh tà.
Ðầu thuyền đứng ngắm quê nhà,
Xóm thôn xa ẩn bích la xanh rờn.
(Bút Sơn dịch)
NGUYỄN BÁ NGHI (1807 – 1870):
Nguyễn Bá Nghi tự là Sư Phần, người làng Lạc Phố ngày xưa (nay thuộc xã Ðức Quang, Mộ Ðức), đỗ phó bảng khoa Nhâm Thìn (1832), làm quan thăng đến chức thượng thư bộ Hộ và tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Bắc Phần). Ông nổi tiếng là người học rộng, có cao kiến và tài biện luận. Trong sách Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Ðào Duy Anh đã nhận xét về ông như sau “... Nguyễn Bá Nghi có sách chú giải lại cả Tứ Thư và bỏ hết nghĩa của Tống Nho, cùng Nguyễn Hữu Tạo có thuyết chữ “quyền” về sách Luận Ngữ phản với nghĩa của Chu tử…” (5).
Giống như Trương Ðăng Quế gần suốt quãng đời làm quan chỉ sống ở đất Thần kinh (Huế), Nguyễn Bá Nghi gần suốt quãng đời làm quan, hết nhận nhiệm sở trong Nam, triều đình lại chuyển ông ra đất Bắc. Vì thế, cũng giống như Trương Ðăng Quế, ông cũng có một tâm tình thương nhớ quê hương tha thiết. Khi làm quan trong Nam, nghe có sứ sắp về Kinh phải đi ngang qua Quảng Ngãi, ông đã làm bài thơ:
Kinh Ðộ Sứ
Nghĩa Mỹ thị gia hương
Thiều thiều dịch lộ trường
Quân qui kinh thử địa
Bằng ngữ báo bình an.
Gặp Sứ Trên Ðường Về Kinh
Nghĩa Mỹ chính là quê quán của tôi,
Xa cách biết bao nhiêu dặm đường.
Ngài có ngang qua mảnh đất đó
Cho tôi gởi theo lời chúc bình an khương thái.
Dịch thơ:
Nghĩa Mỹ là quê hương,
Xa xôi bao dặm trường,
Ông về qua tới đó,
Xin gửi lời an khương.
Trong những năm làm quan trên đất Bắc (Tổng đốc Sơn Tây 1854-1870, Bắc Kỳ Tham tán Ðại thần, lĩnh Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên 1867-1870) ông đã học được cái thú hát ả đào của các nhà nho đất Bắc. Là một vị quan năng động, nhưng cũng giống như một số tác giả cùng thời như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, xem cuộc sống hiện tại chỉ là tạm bợ không đáng lưu ý đến:
“Thôi công đâu rước lấy sự trần gian”
(Hơi Ðâu Mà Nghĩ)
và biết tận hưởng những thú vui trong cõi sống tạm bợ nầy:
“Vài chung hiền thánh bầu kim cổ,
Mấy khúc sơn hà túi gió trăng”
(Hơi Ðâu Mà Nghĩ)
Tuy nhiên, không phải chỉ lo hưởng thụ không thôi, ông còn khuyên người đời nên lập chí để tạo nên sự nghiệp ở đời với niềm tin tưởng:
Tai còn nghe, mắt còn thấy, còn trông,
Sức mình còn mang nổi kiếm cung,
Dẫu hèn kém nhưng mà không chịu hẳn...
(Có chí thì nên)
Ngoài thơ văn gom lại trong Sư Phần Thi Văn Tập, ông còn chú giải và hiệu đính một số tác phẩm cổ văn quan trọng trong Ngự Chế (?) Cổ Kim Thư Pháp.
NGHÈ KIM ( ? - ? )
Nghè Kim tên thật là Ðinh Duy Tự, người quê Thạch Nội (nay thuộc xã Bình Tuyến, Bình Sơn), chỉ đậu Tú tài nhưng rất nổi tiếng về thơ văn.
Trong một bài ký viết về đập Ðinh Gia của nhà thơ Nguyễn Thông (1827 – 1883), nguyên Bố chánh Quảng Ngãi (1869 – 1871) thì, đây là một đập nước do chính Bố chánh Nguyễn Thông đề xướng và Tú tài Ðinh Duy Tự trông nom việc thực hiện đào một con kênh chạy quanh 3 thôn Thạch Ðộng, Thạch Nội và Ngọc Trì và cho đắp một đập lớn giữ nước tưới ruộng quanh vùng. Nguyễn Thông viết: “ông Ðinh tuổi già rồi, nhưng vẫn hết lòng, hết sức, không quản mệt nhọc để làm lợi cho dân làng, thật là đáng khen, vì thế mới đặt tên cái đập ấy là đập Ðinh Gia để ghi nhớ công ơn của ông”. Khi đề xướng làm đập Ðinh Gia vào khoảng 1870 hay 1871, Nguyễn Thông mới vào khoảng 42 hay 43 tuổi. Căn cứ vào câu nói “ông Ðinh tuổi già rồi” cùng quan niệm “kính lão đắc thọ” của dân ta, tôi phỏng chừng Nghè Kim tức Ðinh Duy Tự phải ở vào lứa tuổi ngoài 50 tức sinh trước năm 1820.
Ông là một nhà thơ có giọng điệu trào phúng. Tương truyền ông còn để lại một số thơ Ðường luật, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bài “Văn Tế Ông Ngoại Vợ” mang đậm chất trào phúng trong thơ của ông:
Nhớ linh xưa:
Râu ria lếm đếm,
Cu dái lòng thòng...
Những tưởng là ông sống đặng trổ đồi mồi, cháu sinh ra cháu,
Hay đâu nỗi ông chết ngay đơ cán cuốc, ông hỡi là ông...
NGUYỄN TẤN (1822 -1871):
Nguyễn Tấn hay Nguyễn Công Tấn, tự Tử Vân (còn có tự là Hạ Vân), người làng Thạch Trụ (nay thuộc xã Ðức …?, Mộ Ðức).
Từ thuở nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh và ham học. Năm 14, 15 tuổi ông đã biết làm mọi thể thơ văn.
Năm Thiệu Trị thứ 3, Quý Mão (1843), ông thi đỗ cử nhân, sơ bổ làm Huấn đạo. Năm Quí Hợi (1863), trong khi đang nhậm chức Án sát tại Thái Nguyên, nghe tin Quảng Ngãi quê nhà bị người thượng Ðá Vách quấy phá dữ dội làm dân chúng các huyện Ðức Phổ, Mộ Ðức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Sơn Tịnh phải bỏ quê hương làng mạc chạy xuống vùng ven biển lánh cư, ông dâng sớ xin triều đình cho ông về quê để dẹp giặc.
“Chỉ trong vòng một thời gian ngắn ông đã dẹp yên hầu hết các sách thượng khiến họ phải qui phục và coi ông như thần thánh...
Trong thời gian trấn nhậm vùng thượng du nầy, Nguyễn Tấn đã chịu khó ghi lại các điều mắt thấy tai nghe về địa dư, lịch sử, cá tính phong tục, ngôn ngữ v.v... của các bộ lạc thiểu số địa phương nầy để làm nên tác phẩm “Vũ Man Tạp Lục Thư” truyền lại cho hậu thế.” (6)
Vũ Man Tạp Lục Thư là một tác phẩm đa dạng, vừa là tác phẩm lịch sử, địa dư, vừa là tác phẩm nhân chủng học, xã hội học có giá trị viết về người Thượng Ðá Vách (tức sắc dân Hrê theo danh xưng ngày nay) sinh sống trong vùng rừng núi phía tây Quảng Ngãi kéo dài từ Sơn Hà vào đến Ðức Phổ. Và trên hết, trong nhiều năm kế tiếp, những người kế tục công việc bình định người thượng vù ng núi Quảng Ngãi đều xem Vũ Man Tạp Lục Thư là kim chỉ nam để hành động.
Ðây là một tác phẩm viết bằng chữ Hán và đã được ông Nguyễn Ðức Cung, một nhà biên khảo lịch sử nhiệt tình và thận trọng dịch và chú thích tường tận với phần đầu tìm hiểu về người thượng Quảng Ngãi viết rất công phu. Tác phẩm nầy đã được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1998 dưới nhan đề Lịch Sử Vùng Cao Qua Vũ Man Tạp Lục Thư.
ÐỖ ÐĂNG ÐỆ (… - …):
Ðỗ Ðăng Ðệ tự Thứ Khanh, hiệu Tùng Ðường, người làng Châu Sa (nay thuộc xã Sơn Thành, Sơn Tịnh), đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (1841), năm sau thi Hội đỗ Phó bảng được bổ Nội các Hành tẩu. Năm 1849 được bổ Tri phủ Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh. Về sau được bổ làm Bố chánh tỉnh Ðịnh Từơng nhưng vì để Ðịnh Tường thất thủ (1861) vào tay Pháp nên ông bị cách chức, mãi đến năm 1868 mới cho khôi phục Hồng Lô Tự Khanh sung Biện lý bộ Hộ.
Trong thời gian này, ông Nguyễn Thông (1827 - 1884), một nhà thơ lừng danh của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh được bổ làm Bố chánh Quảng Ngãi (1869 - 1871). Năm Canh Ngọ (1870), Nguyễn Thông về làm Giám khảo trường thi Thừa Thiên. Tại đây, quan Biện lý bộ Hộ Ðỗ Ðăng Ðệ đã gặp được người bạn thơ tâm huyết là Nguyễn Thông. Ðến năm Tân Mùi (1871), Ông được bổ về quê hương Quảng Ngãi đảm nhận trách vụ Tiễu phủ sứ quân thứ Tĩnh Man trông coi việc đối phó với người thượng Ðá Vách ở miền tây Quảng Ngãi. Cũng trong năm nầy, vì bị cáo gian, Nguyễn Thông bị cách chức Bố chánh, nhưng nhờ sự can thiệp của dân chúng Quảng Ngãi, ông được ở lại để tiếp tục trông coi xây dựng các công trình thủy lợi tại đây. Ðây cũng lại là khoảng thời gian 2 nhà thơ thường có dịp gặp nhau và làm thơ xướng họa. Rất tiếc chúng tôi chưa sưu tầm được bài thơ nào của Tùng Ðường.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài thơ Biệt Tùng Ðường của Nguyễn Thông để thấy được tình bạn chí cốt giữa hai người:
BIỆT TÙNG ÐƯỜNG
Tiêu tiêu đản vũ mãn quan hà,
Phốc bị đồng quân thính dạ qua.
Hưu quái úy đồ khinh viễn thiệp,
Như kim bình địa tận phong ba.
Từ Biệt Tùng Ðường
Tiếng mưa rừng rả rích vang khắp cửa ải,
Ôm chăn cùng ông nằm nghe mưa suốt đêm đến sáng,
Chớ ngại đường đáng sợ mà tôi khinh suất dám đi xa,
Hiện nay khắp đất bằng đâu cũng nổi phong ba.
Ông để lai tác phẩm Tùng Ðường Di Thảo gồm cả thơ lẫn văn.
NGUYỄN TRỌNG BIỆN (… - …):
Nguyễn Trọng Biện còn có tên là Nguyễn Hiệp, quê quán Năng An (nay thuộc xã Ðức Quang, Mộ Ðức) không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông thi đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1858) và làm quan đến chức Tổng đốc.
Năm Tự Ðức thứ 32, Kỷ Mão (1879), ông đã cùng Tôn Thất Tĩnh biên soạn tập Hà Ðê Tấu Tư Tập bàn về vấn đề sông ngòi và đê điều ở Bắc Hà.
TRƯƠNG QUANG ÐẢN (1833 – 1911):
Trương Quang Đản người làng Mỹ Khê (nay thuộc xã Sơn Mỹ, Sơn Tịnh) có tên tự là Tử Minh, hiệu Cúc Khê, con thứ hai của Trương Ðăng Quế. Ông chỉ đỗ Tú tài, nhưng nhờ là con quan đại thần nên được tập ấm và xuất chính.
Trong những năm đầu quân Pháp xâm lăng Việt Nam, ông đứng trong phái chủ chiến. Khi làm Tổng đốc Bắc Ninh (Bắc phần), ông chủ trương chống nhau với Pháp nên bị triệu hồi về Triều rồi giáng xuống làm Tuần phủ Quảng Trị. Ngày 22-5 Ất Dậu (5-7-1885), kinh đô Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, ông đã cho rước vua và xa gia về hành cung và cho quân canh phòng cẩn mật. Năm Bính Tuất (1886) ông về làm Bố chánh Quảng Ngãi. Sau ông được thăng đến Ðông các Ðại Học Sĩ trông coi Quốc Tử Giám và năm Giáp Ngọ (1894) sung chức Tổng Tài Quốc Sử Quán.
Ông chỉ đỗ Tú tài và không hiểu vì sao ông đã không tiếp tục con đường khoa cử dù rằng ông có tiếng là người tài hoa, kiến thức quảng bác. Trong vai trò Tổng tài Quốc Sử Quán, ông đã trông nom việc biên soạn và ấn hành bộ sử về những hoạt động của các vua triều Nguyễn, đó là bộ Ðai Nam Thực Lục Chính Biên (Ðệ Tứ và Ðệ Ngũ Kỷ). Về thơ văn, ông để lại Cúc Khê Thi Tập.
NGUYỄN DUY CUNG (1843-1885):
Nguyển Duy Cung hiệu Văn Giang, quê Vạn Tượng (xã Tư Bình, Tư Nghĩa), đỗ cử nhân khoa Mậu Thìn (1868). Trước khi xuất chính ông dạy học, học trò nhiều người sau nầy là đồng chí nổi tiếng của ông như Lê Trung Ðình, Nguyễ Bá Loan (1857-1908) con quan đại thần Nguyễn Bá Nghi.
Năm Canh Ngọ (1870) giữ chức Hành tẩu ở Kinh đô Huế. Năm Kỷ Mão (1879) về nhận chức ở Sơn Phòng Quảng Ngãi. Năm Aát Dậu (1885), ông được bổ về làm Aùn Sát Bình Ðịnh. Sau khi Kinh thành Huế thất thủ (5-7-1885), Vua Hàm Nghi ra Quảng Trị rồi xuống chiếu Cần Vương, sĩ phu khắp nước hưởng ứng. Oâng đã tham gia phong trào Cần Vương ở Bình Ðịnh. Thất bại, ông bị bắt giam tại thành Bình Ðịnh. Tại đây ông đã chích máu ngón tay viết bản Huyết Lệ Tâm Thư ( còn gọi là Hịch Cần Vương Chống Pháp) trên vạt áo dài của mình rồi nhờ người tâm huyết gửi ra ngoài cho sĩ dân kêu gọi kháng Pháp. Oâng đã đền nợ nước tại thành Bình Ðịnh ngày 12-8-1885.
Ðây là một bức thư tâm huyết đầy khí khái và lòng ưu quốc trung trinh:
Quốc gia đa sự, ninh từ huống tụy dĩ tuyên lao; Thần tử phỉ cung, cảm dĩ tồn vong nhi cải tiết.
(Quốc gia khi nhiều việc, phải nên tận tụy chịu gian lao; Tôi con quyết một lòng, há vị mất còn thay khí tiết).
Cẩm tương tri ngã qua mâu, địch khái chi hùng tâm vị tỏa; Kỳ dĩ dữ đồng bộc trạch, Cần Vương chi tráng chí vô vong.
(Xin trong tay sắp sẵn qua mâu, lòng địch khái còn hăng chưa nhụt ; Xin cùng nhau gọn gàng giáp trụ, chí Cần vương còn mạnh không quên.)
(Xin xem trọn bài trong Nguyễn Duy Cung với Hịch Cần Vương Chống Pháp của Phương Ðình trong Ðặc San Quảng Ngãi, Xuân Ðinh Sửu, 1997)
TÚ CANG (1841-1898):
Ông tên thật là Phạm Viết Cang, người làng Chánh Lộ (nay là xã Tư Chánh, Tư Nghĩa) trong một gia đình khoa bảng, anh là Phạm Viết Di và cháu là Phạm Trinh đều đỗ Cử nhân. Ông nổi tiếng tài hoa, tuy chỉ đỗ Tú tài khoa Tân Dậu (1861) cũng đã được công nương Thu Hương, cháu ngoại vua Thiệu Trị chịu theo về Quảng Ngãi để làm thứ thất cho ông. Ông còn lưu lại ba tác phẩm ngắn:
Thơ gởi nàng công chúa:
Văn tế Bà Sáu Kẽm: Nhân vật Sáu Kẽm nguyên là một cung nữ chầu hầu trong cung. Khi vua băng, bà được may mắn tha về cho lấy chồng, khỏi vào lãnh cung cạnh lăng vua để thủ tiết. Bài văn tế giọng thiết tha nhưng không ai oán, kể rõ nguồn cơn từ khi được cho về lấy chồng đến khi chẳng may chết sớm.,
Lúc mày xanh vâng đội đức Thánh Từ, cho vào chốn thâm cung hầu hạ mấy năm, nghĩ ra thân nầy cũng cám ơn trên, trực nhớ khi chực phấn chầu hương, dầu bực tuyết buồn sương đâu có nại;
Mối chỉ đỏ xe về người Thích Lý, đã biết đất Quảng Ngãi xa xôi ngàn dặm, gẫm lại theo chồng, thiệt là phận gái, vậy chẳng quản giày sành đạp sỏi, dầu mang sao đội nguyệt cũng ra đi.
…Ðã hay rằng người xuân kinh sinh trưởng xuân kinh, cha mẹ đó, anh chị em còn đủ đó,
Nhưng rứa mà chồng Quảng Ngãi, cửa nhà Quảng Ngãi, quê quán đây nên mồ mả phải theo dây.
Khai Bút Xuân Kỷ Sửu (1889) làm theo thể Hát Nói nói lên tâm tình của một nhà nho biết giữ khí tiết và đạo luân thường:
Lúc thiếu niên đà lỡ bước thanh vân
Giờ lão cảnh phải cam bề bạch bố
Chốn nhà bạc, luân thường coi cũng đủ
Có vợ, có con, có đày, có tớ
Câu tề gia là chữ tiểu kinh luân.
Và cái lãng mạn của nhà nho Tú Cang mới dễ thương và thú vị làm sao :
Say dựa ghế ngâm thơ cho vợ ngủ,
Buồn chong đèn đánh kiệu với con chơi!
LÊ TRUNG ÐÌNH (1862-1885):
Lê Trung Đình biệt hiệu Long Cang, người làng Phú Nhơn (nay thuộc xả Sơn Long, Sơn Tịnh), con trai Cử nhân Lê Trung Lương, 15 tuổi làu thông kinh sử, tài thơ ca nổi tiếng một vùng, tuy nhiên mãi đến năm 30 tuổi mới đỗ Cử nhân khoa Nhâm Ngọ (1882) tại trường thi Bình Ðịnh. Ông rắp tâm làm nhà ái quốc nên đã không xuất chính, ngày đêm nghiên cứu binh thư, âm thầm liên kết các sĩ phu yêu nước trong tỉnh lập nghĩa hội nuôi chí Cần Vương. Sau khi nhận được chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (1872-1947), ông cùng Tú tài Nguyễn Tự Tân (1848-1885) người làng Trung Sơn, xã Bình Lãnh, Bình Sơn lãnh đạo nghĩa binh Quảng Ngãi chiếm thành Quảng Ngãi (7-1885). Cuộc khởi nghĩa thất bại, phó tướng Nguyễn Tự Tân tử tiết tại trận, chánh tướng Lê Trung Ðình bị bắt và bị tử hình sau hơn một tuần bị giam giữ (18-7-1885). Ông để lại mấy bài thơ Nôm: Vịnh Lụt Bất Quá, Giã Vợ Ði Thi, Tự Thuật, và đặc biệt là bài tứ tuyệt bằng chữ Hán đọc trước khi ông bị xử chém tại cửa Nam thành Quảng Ngãi. Ðó là bài Tuyệt Mệnh Thi, còn gọi là Lâm Hình Thời Tác:
Kim nhật kung trung điểu,
Minh triêu trở thượng ngư.
Thử thân hà túc tích
Xã tắc ái kỳ khu.
(Ngày hôm nay chim trong lồng,
Sáng mai là cá trên thớt.
Thân này có tiếc gì đâu,
Chỉ thương cho xã tắc)
HỌC SOẠN (1890-1936):
Học Soạn tên thật là Phạm Ðăng Soạn, người làng Tân Hội (nay thuộc xã Tư Duy, Tư Nghĩa) trong một gia đình quan lại. Thân phụ là Phạm Ðăng Dương từng làm Án Sát tỉnh Bình Thuận. Ông nổi tiếng thơ hay, học giỏi, giao thiệp rộng nhưng nhất quyết không đi thi. Khi Quảng Ngãi hưởng úng phong trào Duy Tân vào năm 1906 với các thủ lãnh như Lê Ðình Cẩn, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Thụy... ông đã hăng hái tham gia phong trào nầy. Sau khi xảy ra phong trào kháng sưu năm 1908 bị thất bại, một số thủ lãnh của phong trào kẻ bị tử hình như Nguyễn Bá Loan, kẻ bị đày Côn Ðảo như Nguyễn Thụy...Học Soạn bị cầm tù một thời gian.
Theo Phạm Trung Việt trong Non nước Xứ Quảng, tác phẩm của ông còn lại gồm có: Chó Ăn Thịt Chó, Con Bọ Hung, Chó Mắc Lẹo và bài ca trù phá thể Tiều Phu Thán.
Ông là nhà thơ trào phúng thường mượn vật để nói về con người. Thơ của ông thường nhắm đả kích bọn bán nước cầu vinh quên tình nghĩa đồng bào:
Ðể tiếng thị phi đời mai mỉa,
Nghĩa tình đồng loại há quên chăng?
(Chó Ăn Thịt Chó)
Trong bài “Tiều Phu Thán”, ông nói lên quan niệm sống không màng danh lợi của ông:
Sớm qua Sở, tối qua Tần,
Mắt không nhắm ngó chừng túi bạc.
Công danh ấy nghĩ thôi cũng mặc xác.
Kẻ bôn ba, người nhàn lạc, thú nào hơn?
Nói với người người chẳng biết ơn,
Ngồi với bạn, bạn hằng giữ thế,
Công danh ấy ta đâu nào có kể...
Ông ghét cay, ghét đắng bọn người chỉ biết:
Trước vinh hoa, sau lấy bạc tiêu chơi,
Uốn lưỡi mềm láo xược với người đời,
Ðã sung sướng còn hơi ngoa ngoắt nữa...
(Khỏi) đi theo luồn cúi dưới cường quyền.
Và chí của ông quả là chí của một con người yêu nước :
Quyết trở lại đốn cây văn võ,
Ðem về hầm chín đỏ rực thành than
Chờ khi nào trong nước sửa sang,
Luyện lấy sắt bền gan ra giúp chống...
* * *
Trên đây là những tác giả, hoặc đã để lại tên tuổi trong văn học sử, hoặc đã được sách báo nhắc đến nhiều lần. Sau đây chúng tôi xin nhắc đến một số tác giả nữa. Tuy họ không được nhắc nhở đến nhiều nhưng một vài tác phẩm còn lại của họ cũng xứng đáng để chúng ta trân trọng. Ðó là:
LÊ ÐÌNH CẨN (1870-1914):
Lê Đình Cẩn người làng Hòa Vinh (Nghĩa… , Nghĩ Hành). Ông đỗ Cử nhân khoa Quý Mão (1903) sơ bổ làm Huấn Ðạo Mộ Ðức, chẳng bao lâu sau ông từ quan rồi cùng với các sĩ phu yêu nước trong tỉnh như Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Ðình Quản... theo gương nhà ái quốc Phan Châu Trinh lập hội Duy Tân với châm ngôn “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Biết ông là người khởi xướng phong trào, thực dân Pháp bắt ông đày lên Sơn Hà nơi rừng thiêng nước độc cho đến chết (1914). Trong cảnh tù đày, ông làm nhiều thơ ái quốc, bài sau đây được Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng dịch ra thơ Nôm:
Cố quốc sơn hà trọng,
Tân triều thế lực khinh.
Hùng tâm vong đảnh hoạch,
Tố mộng đoạn nghê kình.
Dục hiệu Cao trường khấp,
Ninh tri Cát bất thành.
Túng nhiên lưu nhiệt huyết,
Ðồng loại hấp văn minh.
(Non sông ơn vẫn nặng,
Sóng gió cuộc vần xoay.
Vạc lửa lòng quên sợ,
Tăm kình mộng đuổi ngay,
Khóc đời Cao chưa chán,
Hỏng việc Cát nào hay.
Máu nóng dầu trôi chảy,
Văn minh hấp cả bầy.)
NGUYỄN ÐÌNH QUẢN (… - …):
Nguyễn Đình Quản người làng Phong Niên (nay thuộc xã Sơn Hương, Sơn Tịnh) đỗ Cử nhân khoa Ðinh Dậu (1897). Cùng Lê Ðình Cẩn khởi xướng phong trào Duy Tân tại Quảng Ngãi. Ðến năm 1908 cùng một số đồng chí như Nguyễn Thụy, Phạm Cao Chẩm lãnh đạo phong trào kháng thuế tại Quảng Ngãi bị bắt đày đi Côn Ðảo (1908). Ở Côn Ðảo, ông có những sinh hoạt rất gần gũi với Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng. Huỳnh Thúc Kháng đã có nhận xét về ông như sau:
“Phong Niên Nguyễn quân Ðình Quản, người gồm cả đởm thức mà có lòng huyết thành, cảm người một cách sâu sắc, đồng nhân ai cũng cảm phục. Một điều ít có là thấy điều nghĩa thì hăng hái làm tới, thấy điều lành thì ham muốn khao khát...gặp anh em có việc hoạn nạn đau khổ thì ra công chịu khó hết lòng giúp đỡ”. (7)
Hơn 10 năm tù đày, cuối cùng ông đã bỏ thân ngoài đảo vắng (trước năm 1921).
Ra ngoài Côn Ðảo một thời gian, ông nhận được thư của vợ cùng với một chiếc mền. Nhân việc nầy, ông đã làm 2 bài thơ ý tình thật thắm thiết:
Bảo băng tố chí khủng nan kiên,
Cảm vọng ta đà ủng bị miên.
Ðộc thị vị vong nhi nữ luyến,
Khả vô thủ vật đáo quân biên.
(Chỉ e ôm giá chí không bền,
Há mộng ngày đêm ngủ ấp mền.
Nhi nữ chút tình quen chửa được,
Tay khâu vật ấy gửi hầu bên)
Huỳnh Thúc Kháng dịch
Chức cẩm vô năng khả nại hà,
Phùng khâm liêu nhỉ ký thiên nha.
Na kham thiếp ý quân tâm sự,
Tương đối thu tiêu nguyệt vị tà.
(Tài thua dệt gấm biết làm sao,
Mền gởi ven trời thỏa ước ao.
Ý thiếp lòng chàng tâm sự đấy,
Ðêm thu nhìn bóng lúc trăng cao.)
(Huỳnh Thúc Kháng dịch)
NGUYỄN THỤY (1878-1916):
Nguyễn Thụy còn gọi là Nguyễn Sụy, người thôn Hổ Tiếu (Tư Nguyên, Tư Nghĩa), đỗ Cử nhân khoa Quý Mão (1903), đã cùng Lê Ðình Cẩn, Tú tài Phạm Cao Chẩm cổ xúy phong trào Duy Tân tại Quảng Ngãi. Năm 1908, viết bài ca vận động dân chúng tham gia phong trào kháng thuế, bi bắt và bi đày Côn Ðảo cùng một lần với Phạm Cao Chẩm, Nguyễn Ðình Quản, Nguyễn Tuyên (1908). Năm 1913, ông được tha. Tập Xuyên Ngô Ðức Kế có lời thơ tiễn biệt :
Ðiểu tùng tuyệt đảo xuyên lung xuất,
Xuân hữu hoa nhân độ hải hoàn.
(Chim từ cô đảo xoi lồng tách,
Xuân với người quen vượt biển về)
Về đến quê nhà ông lại tham gia phong trào yêu nước Việt Nam Quang Phục Hội bất chấp sự dòm ngó của mật thám Pháp. Năm 1916, cùng Trần Cao Vân, Thái Phiên (Quảng Nam) khởi xướng cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Ông lãnh đạo khởi nghĩa tại Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt và bị hành hình ngày 10-5-1916.
Khi bị giam ở Côn Ðảo, ông có làm bài thơ:
Phong lôi trập phục đế tinh trầm,
Hải khiếu sơn đề hổ báo câm,
Nhất phó đầu lô mãn san huyết,
Niên niên Trà tấn mộ triều âm.
(Sao chìm, sông lặng cảnh buồn teo,
Núi khóc giông rền vắng cọp beo.
Một thớt đầu lô đầy bụng huyết,
Bến Trà cơn giận sóng thường reo)
(Huỳnh Thúc Kháng dịch).
Tương truyền, trước giờ thụ hình, ông còn khẳng khái đọc mấy câu thơ mới chịu ngửa cổ cho chém:
Chết mà không sợ dễ như chơi,
Chết đặng danh thơm tiếng để đời.
Chết hiếu không nài xương thịt nát,
Chết trung nào ngại cổ đầu rơi.
TÚ TÂN HỘI (… - …):
Tên thật là Nguyễn Tuyên, người làng Tân Hội (xã Tư Duy, Tư Nghĩa), thi Hương đỗ Tú tài nên thường được gọi là Tú Tân Hội. Năm 1908, cùng với Nguyễn Thụy, Phạm Cao Chẩm lãnh đạo phong trào kháng thuế tại Quảng Ngãi nên bị Pháp bắt đày Côn Ðảo một lần với Cử Thụy, Tú Chẩm...
Khi ở Côn Ðảo, Nguyễn Tuyên có làm công việc thu thập thơ ca của anh em tù làm thành một tập, đặt tên là “Nam Quan Thi Tập”. Ông lại soạn bộ sách “Châu Bình Gia Lễ” châm chước sách gia lễ xưa về Quan, Hôn, Tang, Tế “bớt điều phiền văn, chỉ chọn điều chất thiệt mà tiện cho phần đông ai cũng làm được. (Thi Tù Tùng Thoại). Rất tiếc khi mãn hạn tù trở lại quê nhà, ông đã không mang được 2 quyển nầy về!
* * *
Quảng Ngãi thực sự gia nhập vào lãnh thổ Việt Nam, tính đến những năm đầu của thế kỷ 20 là vào khoảng hơn 400 năm. Trong 300 năm đầu, về văn chương chữ nghĩa, người Quảng Ngãi chỉ mới có những đóng góp về những thể loại văn chương truyền khẩu như thành ngữ, tục ngữ ca dao, các thể điệu hát hò, các câu truyện kể…Còn phần văn chương chữ viết, phải đợi đến những năm đầu của triều đại nhà Nguyễn, những nhân tài văn học người Quảng Ngãi mới thực sự xuất hiện. Những tác phẩm của họ gồm nhiều lãnh vực từ lịch sử, địa lý, phong tục, nhân chủng…đến thi ca đều có những giá trị đặc biệt đóng góp vào tài sản văn học chung của dân tộc.
Chúng ta biết ơn tiền nhân của chúng ta, chúng ta nên cùng nhau bảo tồn những vốn quý sẵn có đó.
Chúng tôi ước ao những bạn đã đọc bài nầy hãy:
- hoặc tự mình viết lên những điều các bạn đã khám phá được về một tác giả hay nhiều tác giả,
- hoặc các bạn cung cấp cho chúng tôi những tài liệu các bạn có hay mách cho chúng tôi biết nơi có tài liệu về những tác giả người Quảng Ngãi.
Chúng tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để chúng ta có thể bảo tồn những vốn quý văn học của tiền nhân chúng ta, của những người con yêu quý đã làm rạng danh cho quê hương núi Ấn sông Trà.
Los Angeles, tháng 10 năm 2001
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Ghi chú:
(1) Khi những lưu dân trở lại – Nguyễn Văn Xuân – tr. 16
(2) Việt Nam sử lược I – Trần Trọng Kim – tr. 262
(3) Việt sử toàn thư – Phạm Văn Sơn – tr.516
(4) Văn học Nam hà – Nguyễn Văn Sâm – tr. 91
(5) Việt Nam văn hóa sử cương – Đào Duy Anh – tr.328
(6) Lịch sử vùng cao qua Vũ man tạp lục thư – Nguyễn Đức Cung dịch – tr. 72
(7) Thi tù tùng thoại – Huỳnh Thúc Kháng – tr.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trang Biên khảo: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com