Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
ĐÔI MẮT THỦY NGUYÊN (Part 2)
LƯU LÃNG KHÁCH

 

Xem phần 1, click vào đây

Phần III: HÀNH KHÚC MIỀN TRUNG

 

Chương 1: Danh thắng Trung Kỳ

 

Trời đã sang thu! Nhưng núi rừng Tràng Kênh, vẫn một màu xanh bát ngát, mới đó mà tôi đã ở nhà cụ Trần, hơn một tháng trôi qua, với những buồn vui lẫn lộn. Một hôm! Sau bữa cơm tối, cụ Trần có nhã ý, đi ngoạn cảnh Phong Nha Kẽ Bàng một chuyến. Tôi lễ phép nhận lời dẫn cụ, đi thăm thú danh thắng miền Trung. Hôm sau tôi khăn gói lên đường, đưa cụ tiếp bước cuộc hành trình hai, vãn cảnh Phong Nha Kẽ Bàng, theo tôi, về hang động đẹp hơn vùng Lan Hạ. Thế mà sao đến với Phong Nha lần này, tôi chẳng chút ham hố, ít giới thiệu giải thích, cho cụ Trần cùng Thủy Đường, như chuyến Cát Bà Lan Hạ. Đêm về khách sạn ở Đồng Hới, trước khi đi ngủ, Thủy Đường nói nhỏ với tôi: “Hôm nay trông anh lạ lắm! Nội rất nhạy cảm, chớ để Nội buồn”. Tôi cộc lốc: “Anh hiểu!”. Rồi vào nằm trằn trọc mãi, đến quá nửa khuya…

 

Sáng hôm sau, tôi đón xe đưa cụ vào thăm phố cổ Hội An, lòng bỗng thấy nhớ nhà kinh khủng. Nắm tay cụ đi trên đường phố cổ, tôi bảo rằng hôm qua mình bị nhức đầu, mong cụ thông cảm, rồi vui vẻ kể chuyện này chuyện nọ, gắn liền cùng những bước chân qua, với những gì mình được biết về khu phố cổ này. Tối đến, ngồi nhâm nhi cùng cụ, hát hò ngâm thơ vui vẻ như ngày nào. Cụ Trần cũng làm thơ, nhưng toàn thơ chữ Hán, ngâm giọng sa mạc nghe cũng thấm thía vô cùng, nhưng hiểu chẳng bao nhiêu nên cảm nhận không nhiều.

 

Sáng ra, tôi đưa cụ ngược ra Huế, thăm lăng tẩm chùa chiềng, của đất cố đô. Bước lên thuyền rồng, thả trôi trên dòng Hương Giang thơ mộng, thưởng thức những câu hò, điệu hát da diết bi ai, não nùng mà say đắm lâng lâng, thấm tận đáy tâm hồn.

 

Cũng chỉ ở lại với Huế một đêm thôi, sáng ra tiếp tục cuộc hành trình, dừng chân bên núi Hồng, thăm quê hương cụ Tố Như.

 

Bên bờ Nam sông Long Vĩ, tôi hỏi thăm đường về Tiên Điền, quê hương của Đại thi hào Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh (1765 – 1820).

 

Đến nơi, dân làng chỉ dẫn chúng tôi, đến khu lưu niệm cụ Nguyễn Du, nằm trong khu di tích, dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Nhà thờ của cụ, được xây dựng năm 1825, trên mảnh vườn xưa cụ ở lúc sinh thời, thuộc xóm Tiền Giáp. Phía trên bàn thờ, có bức hoành phi, đề “Hồng Sơn Thế Phả”, do Trung Hiếu Đại Phu đời Thanh, tặng năm 1790, tức năm thứ 55 triều Càn Long, cùng bài vị bằng đá, có khắc dòng chữ: “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”. Nghe nói mộ chính ở Đồng Cùng, xưa kia chỉ là ngôi mộ đất, cụ Đặng Thai Mai đã đến dựng bia, đề: “Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh phần mộ”.

 

Cụ Trần đi tới đi lui ngắm nghía: “Theo ta được biết, cụ mất vào mùa thu 1820 ở Huế. Đến mùa hè 1824, con cụ là Nguyễn Ngũ, vào Huế dời hài cốt của cha, về an táng trên đất nơi vườn cũ của ông. Mãi đến năm 1928, mộ của ông mới được cải táng về đây. Đó chắc cũng là nguyện vọng, được về nơi xứ sở của ông. Sinh tiền ông có mấy bài thơ, nói về quê hương gia đình, nơi ông luôn hướng về. Dù sinh ra ở Thăng Long, nhưng tình cảm, luôn dành cho quê hương Lam Giang Hồng Lĩnh đói nghèo

 

Mười con kêu đói non Hồng

Một thân ngọa bệnh phía đông Đế thành”

 

Hay là:

 

“Quê hạn nắng mùa trắng tay.

Mười con đói khát mặt mày xanh rau”

 

Thực ra ông có 3 vợ 18 con, trong đó 16 người là con của bà ba, gồm 10 trai 6 gái.

 

Trên đường đi sang đình Chợ Trổ, cụ Trần vừa hút thuốc, vừa ngoãnh nhìn tôi tâm sự: “Tướng con lãng mạn đa tình, nhưng thủy chung một vợ. Dù cháu ta nó tâm sự, kể hết điều dại dột của nó rồi. Nhưng ta không thể, làm một việc trái đạo lý, đối với người quân tử, là bắt con, phải có bổn phận với Thủy Đường. Dù nó hết mực yêu thương con, và sẽ là một thê thiếp tốt, dẫu con lớn hơn nó, đến vài chục tuổi”. Lần đầu tiên tôi nghe, cụ gọi tên Thủy Đường, và mấy hôm rày, cụ gọi tôi bằng con, nghe thật là ấm dạ.

 

Bước đến đình Chợ Trổ, nhìn kiến trúc tinh xảo, trên các kèo gỗ, cụ Trần lại nói: “Đây nguyên là cái đình Chợ Trổ, xã Đức Nhân huyện Đức Thọ, được xây dựng từ cuối thế kỷ 18. Năm 1965, nhân kỉ niệm 200 năm, ngày sinh của cụ Nguyễn Du, được chuyển về đây, làm nơi trưng bày hình ảnh hiện vật, gắn liền với cuộc đời, và sự nghiệp của cụ, cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền”. Sau đó cụ chăm chú ngắm nghía đủ thứ, gần cả tiếng đồng hồ.Thủy Đường thì khác, hình như nàng chẳng để tâm, đi dạo quanh quẩn, rồi ra ngồi ngắm cảnh trước đình, làn da không còn trắng bạch như xưa nữa, mà rạng rỡ trắng hồng, trong tà áo tím thơ trinh.

 

Đến nhà Tư Văn, do cụ Nguyễn Nghiễm, tức cha Nguyễn Du, dựng tại khu vườn của ông tổ họ Nguyễn, để lại năm 1785. Đến thời vua Tự Đức, được trùng tu vào các năm, thứ 3 (1850) và Tự Đức thứ 13 (1860). Cụ Trần lại nói: “Nghe nói xưa kia, đây là nơi bình thơ văn, của các nhà khoa bảng ở xứ này”. Ấn tượng nhất với tôi là khánh đá, được treo trước nhà Tư Văn rất to, cũng rêu phong cổ kính, như đình chợ Trổ vậy.

 

Tiếp đến chúng tôi đi thăm Đàn Tế, và bia đá Nguyễn Quỳnh (tức ông nội cụ Nguyễn Du) do Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, cùng em trai là Nguyễn Trọng, đồng phụng dựng để báo hiếu mẹ cha. Xong, theo hướng dẫn, chúng tôi cùng đến thôn Minh Quang, thăm đền thờ và mộ, cụ Tham Tụng Nguyễn Nghiễm cho biết, rồi ra tìm đường, lên chinh phục đỉnh Hồng Lĩnh (một trong cửu đỉnh của Anh Đỉnh). Hiện Hồng Lĩnh đang được đề cử, là một trong tốp năm ngọn núi cao, hấp dẫn khách ở nước ta.

 

Khá lâu sau, chúng tôi mới lò mò lên tới đỉnh, cao gần 700m (676m), nhìn xuống đồng lúa xanh mơn mởn, cùng dòng Lam Giang thơ mộng, dưới bóng chiều nghiêng, trông mát mắt vô cùng. Nghe nói dãy Hồng Lĩnh này, có 99 đỉnh lớn nhỏ, tôi cùng Thủy Đường thi nhau đếm.Đếm hoài đếm mãi, cãi cọ đúng sai suốt, cũng chẳng tìm ra đáp số. Hồi trưa chỉ ăn có tô phở, mà đi bộ nhiều, tôi đói quá, may mà cụ Trần bảo thôi, khỏi thăm những hang động nơi đây, rồi cùng xuống núi ra về, không thì chắc trẩm lơ.

 

Chương 2: Cầu Bến Thủy Đêm Mưa

 

Không hiểu vì sao! Chẳng thích qua đêm ở thị xã Hồng Lĩnh, tôi đón xe đưa ông cháu cụ Trần, ra phường Bến Thủy, phía Bắc sông Lam, dùng bữa cơm chiều. Tìm được nhà nghỉ, tôi vào phòng xuống tắm ngay, bởi mùa thu, mà hôm nay nắng nóng kinh người, thật khó chịu. Thủy Đường cũng tắm rửa sạch sẽ, bước ra trong chiếc áo ngủ màu hồng nhạt mỏng tơn, trông vô cùng hấp dẫn.

 

Khi nàng bước đến, tôi cười hỏi: “Không thích dạo phố đêm hay sao, mà mặc áo ngủ vậy Trần tiểu thư?”. Thủy Đường mở to đôi mắt: “Là thành phố Vinh hả anh! Em thích dạo cho biết lắm”. Tôi bảo: “Không! Chỉ đi dạo trên quốc lộ, rồi ra cầu Bến Thủy ngắm cảnh về đêm thôi, chứ anh ghét khu trung tâm Vinh lắm.Người như anh mà mấy năm trước, bị móc túi ở đó mới kinh chứ.Thật đáng gờm”. Đoạn tôi bước đến hỏi cụ Trần: “Dạ thưa! Tối nay cụ có đi dạo, cùng chúng con cho vui không ạ? Con định sáng mai về lại Hải Phòng, chứ chẳng ghé đâu nữa cả”. Cụ trìu mến nói: “Thôi! Các con đi dạo vui vẻ đi! Ta ở đây nhâm nhi bình rượu Huế, viết đôi câu cũng ý vị lắm rồi. Lưu này! Đừng có đi chơi xa lắm nhé! Ta nghe nói thành Vinh rất là phức tạp”. Tôi dạ một tiếng rồi xin phép cụ, đưa Thủy Đường ra quốc lộ. Phường Bến Thủy về đêm, cũng khá đầy đủ những nơi, để người dân vui chơi thư giãn, sau một ngày làm việc mệt mỏi. Ghé vào quán nước bên đường, mua nước xong, hai đứa cùng thư thả, đến bên cầu ngắm cảnh.

 

Dưới vầng trăng sáng tỏ, hòa cùng những bóng đèn điện, sáng lung linh đây đó, Thủy Đường trong chiếc váy trắng kín đáo, mái tóc dài buông thả, trông nàng mảnh mai thanh lịch, và duyên dáng làm sao. Tôi đứng lặng yên, nhìn trời nước mênh mang ảo mờ xa xa, trên dòng Long Vĩ lặng lờ trong sương khói, mà cảm nhận, có nỗi buồn, đang âm thầm len lỏi chốn thâm tâm. Nhìn sang bên kia! Dãy Hồng Lĩnh già nua, ngồi u uẩn thâm trầm, trong rêu mờ cổ kính, hoang liêu đầy bí ẩn.Nhìn những đụn mây lắm hình thù quái lạ, tôi thấy hình như có bóng ông Đùng thất thểu, bỏ núi ra đi vì chưa xếp đủ trăm hòn, mà đã nghe tiếng gà gọi sáng, của bà Đùng tinh nghịch, đùa chết người trong buổi ấy xa xưa. Còn tôi! Nào có điều kiện chi, mà chắc cũng phải ra đi, như mây trời vô định, như tông tích của ông Đùng, giờ ai biết dạt nơi đâu.

 

Thấy tôi trầm tư, Thủy Đường lay lay hỏi: “Này anh! Đang nghĩ gì vậy? Hôm ở Hội An, gần quá sao anh không đưa, Nội và em về thăm gia đình, để em được biết, đất trời quê hương, của kẻ phong trần lãng tử nó ra sao”. Nghĩ một lúc tôi nói: “Em thử đặt mình vào trường hợp của anh, để thấy có đưa được hay không thì em rõ. Dù vợ anh rất hiền từ, thương chồng con hết mực, nhưng không vì thế, mà anh muốn làm gì cũng được đâu. Đời anh chỉ được một cái, đựng đầy đảy phiêu linh, là hình bóng nước non nhà, theo những vết chân đi. Người ta bảo anh không màng danh lợi, thực ra hoàn toàn không phải thế, anh chỉ không vì cái hư danh ảo vọng, mà đánh mất chính mình.Người ta bảo anh mạnh mẽ gan lì bản lĩnh, thực ra đôi khi anh cũng yếu đuối vô cùng. Người ta bảo anh giản đơn, phớt đời quyết đoán, thực ra cũng lắm lúc đa mang, phức tạp rối rắm, dùng dằng dây dưa mãi chưa xong.

 

Anh là vậy đó! Và giờ anh rất đỗi hoang mang, phân vân giữa đôi đường đi ở, đối với một phương trời như duyên nợ, mà không phải quê anh”. Thủy Đường ôm lấy eo tôi, ngước nhìn lên ngơ ngác: “Anh nói gì em không hiểu. Có điều, tình cảm em dành cho, anh không chấp nhận, mà em đeo bám mãi, anh có khinh bỉ em không?”. Nhìn vào mắt Thủy Đường, tôi chậm rãi: “Bởi quá trân trọng, nên anh không dám nhận, mong em hãy giữ, để mai kia vun trồng hạnh phúc bên chồng”. Ngả đầu vào ngực tôi, nhìn dòng Lam Giang giờ đang chảy mạnh, nàng nói nghe như một lời độc thoại, như nói cùng sông Lam núi Hồng, chẳng phải nói với riêng tôi: “Tình yêu của em, trào dâng ào ạt như sóng trùng dương, gấp gáp như dòng Lam Giang cuồn cuộn chảy, mà phải ẩn mình, thâm trầm như ngọn núi Hồng kia. Từ nhỏ đã mơ đến một ngày nào đó, gặp được hoàng tử của lòng em.Em sẽ trao thân gửi phận, cho tình quân vô điều kiện, em sẽ không xấu hổ trao nhau, ngây ngất nụ hôn đầu.Ấy thế mà, khi hoàng tử của lòng em xuất hiện, nằm bên nhau biết bao lần, mà chẳng dám đòi hôn.Đôi lúc thấy chàng xa quá xa xôi, mà gần rất ư gần. Em lo sợ một mai, chẳng biết còn chi, cho chồng con em nữa, khi hoàng tử vô tình, mãi ngự trị trái tim em. Đã bao lần, muốn xin được hiến dâng mà không dám nói, đành chỉ là trong mộng với ai kia! Một phút dại dột đơn phương, em nước mắt đầm đìa, mà mơ tưởng đến một ngày, được người mình yêu say đắm, thì cái ngàn vàng kia, cũng chẳng uổng oan chi. Hồi nhỏ yếu đuối và nhút nhác, nên được Nội thương, mãi dìu dắt chở che, ngày hai buổi đến trường. Bao năm rồi, vẫn quấn quít bên Nội hơn là bố mẹ. Nội mong mai kia có được tấm chồng, biết bảo bọc yêu thương, như Nội hằng yêu thương che chở cưng chiều. Dũng cảm biết bao, khi dám tâm sự những điều thầm kín, của đời người con gái cùng với Nội.Sung sướng biết bao, khi một nhà nho như Nội, vẫn biết cảm thông chia sẻ với cháu mình, chuyện tế nhị khó tin.

 

Rồi mai đây! Hoàng tử của lòng em phiêu lãng, trên những nẻo đường hun hút, biết lấy danh phận gì để xuôi ngược kiếm tìm, chắc đành phải chôn chặt mối tình son. Là người con gái, một khi muốn làm một việc gì, là làm đến kỳ cùng, không bỏ cuộc dù mảnh mai yếu đuối. Một khi yêu, là yêu đến khát khao cháy bỏng, hừng hực lửa thanh xuân, lao vào bể ái, như con thiêu thân không màng hậu quả, say đắm ngất ngây, nặng hiến dâng chẳng đòi hỏi điều gì, trước người mình yêu quý. Chuyện chồng con đành phó mặc cho định số an bài, lắm lúc thương thân khóc mình sưng cả mắt, nhưng chẳng trách ai kia hờ hững vô tình. Thủy Đường như thế đấy ai ơi!”.

 

Búng tàn thuốc lá xuống chân cầu, cho nước mang đi, mở vòng tay ôm lấy người con gái, từ bấy lâu nay đã thuộc về mình: “Thiệt thòi cho em lắm!”. Nàng rơm rớm nước mắt: “Chỉ sợ anh cho rằng, em quá vô duyên khi vào phòng khách sạn, phòng đôi nào cũng có hai giường, mà em luôn chọn vào nằm giữa, để cái giường còn lại trống lạnh bơ vơ, như rồi đây em phải sống, những tháng ngày bơ vơ trống lạnh. Anh biết không! Nội rầy em dữ lắm về chuyện ấy, nhưng em xin Nội và bảo rằng, anh nào ở mãi với em đâu.Gần nhau được đêm nào, hay đêm ấy vậy, dù không hề có chuyện ái ân”.Giữa khuya bên cầu mát lạnh, tôi xoay người Thủy Đường lại, nâng cằm lên, làm hai dòng nước mắt rơi xuống ngực tôi, thấm vào ấm áp, mà xa xót vô cùng. Nhiều cặp gái trai đi xe máy, chầm chậm ngang qua tò mò soi mói, bởi hai chúng tôi tuổi đời chênh lệch quá, làm tôi chột dạ bảo về thôi. Thủy Đường chững chạc nói: “Em không ngại, can gì anh phải ngại”. Tôi bảo “Về thôi em! Kẻo Nội trông chờ, vì đêm đã vào khuya”.

 

Chợt trời đất như đồng tình ủng hộ, mây đen vây bủa khắp trời, che kín cả vầng trăng.Tôi vội vã kéo Thủy Đường tháo chạy. Không may tí nào, nàng vấp ngã, một chiếc giày cao gót bị đứt quai. Không kịp nữa rồi! Sấm chớp đầy trời, mưa tuôn xối xả, nàng chạy muốn hụt hơi, đứng lại thở hổn hển, mặt mày tái nhợt hứng đầy mưa. Tôi khom người xuống đặt lên lưng, cõng nàng chạy, như bay về khách sạn. Cụ Trần vẫn chưa ngủ, bảo rằng sao không liệu về cho sớm, để khỏi bị ướt mưa. Đêm hôm ấy! Để cho nàng toại nguyện, hai đứa đã trao nhau, nụ hôn dài như bất tận đến thiên thu. Khoảng gà gáy, cụ Trần phát hiện, Thủy Đường lên cơn nóng lạnh. May mà trên đường vạn lý độc hành, tôi luôn mang theo thuốc để phòng thân.

 

Thật là một đêm nhớ đời, bên núi Hồng sông Vĩ. Khi thuốc chưa phát huy hiệu lực, nàng như mê man trong miên trường, và mãi gọi tên tôi, làm cụ Trần ái ngại: “Thuốc có tác dụng không, mà lâu hạ sốt vậy con!”. Tôi trấn an: “Cụ đừng sốt ruột, em nó ngủ một giấc, sáng ra là sẽ khỏi thôi”. Cụ sờ trán cháu gái: “Tội con bé! Từ nhỏ đã rất ốm yếu. Lớn thế này rồi, bác sĩ vẫn bảo sức đề kháng của nó kém lắm, may mà lâu nay du sơn ngoạn thủy, nó chưa ốm một lần nào. Thế mà bắt ở với bố mẹ nó trên Hà Nội, gần nhiều bệnh viện lớn, phòng khi khám bệnh và điều trị cho tiện, nó đâu có chịu.Mấy năm đại học, có thời gian nghỉ là chạy về với nội, quấn quýt với Tràng Kênh Minh Đức chẳng chịu rời. Đi học thì ở chung ký túc xá với bè bạn, chứ không thích về ở với bố mẹ, đầy đủ tiện nghi nhưng ràng buộc đủ điều. Bố nó nghiêm lắm”. Chợt Thủy Đường mở mắt ngó quanh: “Anh! Hãy ôm em! Em lạnh lắm!”. Tôi ngước nhìn cụ Trần, cụ gật đầu thuận ý, liền nằm ôm Thủy Đường, quấn chặt nàng trong vòng tay ấm áp, tràn trề sinh lực, và nghe ở đâu đó ngoài kia, ngân lên bản nhạc “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn…

 

Buổi chia tay năm ấy, nàng tặng tôi chiếc điện thoại di động, nhưng bắt tôi phải hứa rằng, chưa về đến nhà, thì chưa được mở ra…

 

Phần IV: TRỞ LẠI THỦY NGUYÊN

 

Chương 1: Đôi mắt Thủy Nguyên

 

Khoảng tiết lập đông 2002, đang giúp việc cho một doanh nghiệp tư nhân ở Tân Bình. Vừa mới ăn sáng xong, nghe Thủy Đường gọi điện, báo tin cụ Trần đang lâm trọng bệnh. Tôi liền chạy đến nhà, báo cho vợ chồng chủ doanh nghiệp hay, để kịp thời ra Bắc, và xin được ở nhà cho đến tết luôn.

 

Vợ chồng chủ tử tế tính lương, chẳng những cho tôi thêm một tháng, mà còn tặng tôi cả vé máy bay, để kịp đến thăm Người.

 

Bước vào bệnh viện Bạch Mai, không cần đi thang máy, tôi chạy bộ lên mấy tầng vì sốt ruột lo âu. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi, là cụ Trần nằm xẹp lép, trên giường bệnh trải ra giường trắng toát, hai mắt nhắm nghiền, da dẻ xanh xao, đang được Thủy Đường cùng bạn trai, ngồi chăm sóc ở phòng hồi sức cấp cứu. Nhìn thấy tôi phía cửa, mắt nàng sáng lên, chạy ra đón mừng khôn xiết, xách vali để bên chân tủ, ngồi kể huyên thuyên bệnh tình của Nội, một cách quá thân mật, khiến thằng bạn trai đứng lớ ngớ, chào xin phép ra về, và biệt dạng luôn từ buổi ấy.

 

Vài tiếng đồng hồ sau, cụ Trần mở mắt. Đôi mắt có thần, tia nhìn như xuyên thủng người đối diện, giờ khóc nhìn tôi rớm lệ: “Con đã về thăm Nội đấy ư!”.

 

Sau bao năm quen biết rồi thân thiết, lần đầu tiên tôi nghe cụ Trần xưng Nội với tôi.Tôi xúc động đứng lên, bảo Thủy Đường lấy khăn, đưa cho mình lau khắp người cho cụ, giọt lệ rơi ngậm ngùi, đau xót cho đôi mắt Thủy Nguyên.Hơn một tuần trôi qua, cụ dần khỏe lại. Một chiều đưa cụ ra hành lang hóng gió, cầm tay tôi cụ bảo: “Nội cứ ngỡ mình không qua khỏi, nhìn thấy con trở về, Nội vui mừng như được uống linh dược tiên đơn. Sao tệ thế con! Bao năm rồi chẳng trở lại, thăm Thủy Đường lấy một lần.Nó buồn lắm, có mấy đám con nhà tử tế đeo đuổi, bất đắc dĩ nó đành quen để mà quen. Hôm nay thứ bảy, lát nữa bố nó vào ở lại, hai đứa hãy ra ngoài tâm sự nhé con! Tội con bé!”.

 

Hà Nội đêm trở lạnh, trời lất phất mưa bay, hai đứa cùng che một cái ô, đi mãi đến bên cầu Thê Húc.Đứng ngắm cảnh quan phố phường Hà Nội, dưới làn mưa ngày càng nặng hạt, như những kẻ điên.Đang ở Sài Gòn nắng nóng, đến đất thủ đô giữa mưa phường gió phố, tôi rùng mình nghe thấm lạnh buổi đầu đông…người con gái kề vai tôi ấm áp, mà xa đến muôn trùng. Tâm sự hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, Thủy Đường ngước nhìn tôi, với nụ cười ảm đạm: “Sao đến giờ này anh vẫn chẳng ôm em. Không lẽ sau bao năm xa cách giờ gặp lại, anh chẳng động lòng trước người con gái, đã vì anh mà chối bỏ biết bao người.Không lẽ lòng nguội lạnh thế sao anh”. Tôi im lặng nhìn sâu vào trong mắt người con gái, và thấy rõ những điều tôi đã thấy từ lâu. Giờ đôi mắt ấy như hờn dỗi van lơn, nhu mì đến tội nghiệp, tình như sóng trào dâng, mà phải cố nén kìm. Thủy Đường lại tiếp: “Không lẽ ôm em thôi, mà khó thế sao anh”. Không thể để người con gái ấy, chịu thiệt thòi thêm nữa, tôi mở vòng tay ra, ôm chặt lấy nàng. Thủy Đường ngất ngây, môi tìm môi trong vòng tay mạnh mẽ. Mưa vẫn rơi đều, mặc cho cái ô rớt xuống, nằm lăn lóc trong mưa. Tôi nhắm mắt…

 

Hơn một tháng nằm bệnh viện bởi dịch tràn phổi, và viêm phổi nặng do thuốc lá, cụ Trần đã bình phục, tỉnh tươi và mãi đòi về. Mấy hôm sau, anh Cả đến làm thủ tục, và thuê xe bệnh viện, đưa cụ về đến tận nhà, có bác sĩ đi theo. Tôi bế cụ bước lên cầu thang, vào phòng mở cửa sổ ra cho thoáng khí, đặt cụ ngồi trên giường nệm vương màu bụi, mấy tháng nay chẳng có ai giặt giũ lau dọn phòng. Gọi Thủy Đường lên, tôi bế cụ ra phòng khách, cho bác sĩ khám lần cuối trước lúc trở về, và dặn dò ăn uống thuốc men, xong vào phòng cùng vệ sinh sạch sẽ.

 

Sau đó mấy hôm, người đã khỏe mà đôi chân còn yếu lắm, nhưng cụ Trần thích đi dạo, nên sáng sáng chiều chiều, tôi đẩy cụ ân cần, trên khắp nẻo Tràng Kênh.

 

Quá bất ngờ! Một chiều cuối đông, bên Bạch Đằng giang huyền thoại, tôi được nghe chuyện tình lãng mạn, đầy nước mắt của một người già, sắp vĩnh biệt trần gian.

 

Chương 2: Chuyện Tình Của Nội

 

“Ngày ấy nội vừa quá tuổi 30, cụ bà đã sanh hạ bác cả, và sắp sửa có cô em kế. Thời Pháp thuộc rồi chín năm, cửa tiệm ở Tràng Kênh này, làm ăn thật khốn khó, chữ thánh hiền chẳng mấy người mua nữa, nên ta đành thôi dạy học, vâng lời thân sinh, sang quản lý cửa tiệm của Người, vừa mới mở ở Quảng Yên. Khoảng vài tháng sau, có một khách đến đặt hàng, là một người con gái, mà ngay từ cái nhìn đầu tiên, cả hai người đã thuộc về nhau. Bởi bà ở gần đó, nên mấy tháng trôi qua, biết bao lần gặp gỡ, tâm sự đủ điều mà chẳng dám nói ra, tình cảm thật giữa hai người, dù trước đó nội có nói rằng, mình đã lập gia đình, sắp có đứa thứ hai, nhưng tình cảm của bà dành cho, ngày một thêm đậm đà thân thiết.

 

Một chiều nọ bà ấy đến thăm chơi, có ngờ đâu trời đổ mưa xối xả.Những người làm đã về hết, nội mời bà vào trong, ngồi tâm sự. Người con gái trinh nguyên, tuổi mới vừa qua đôi tám, nhỏ hơn nội quá một con giáp, sống dưới chế độ thực dân phong kiến, dám táo bạo ngỏ lời yêu trước, là một điều hy hữu vô cùng. Đã vậy còn là, với một người đã yên bề gia thất, chẳng mấy biết về nhau. Về phía nội! Với tư cách và quan niệm của một nhà nho, nội hoàn toàn không dám, thoát ra ngoài khuôn khổ, chắc cũng tại phần nào, phụ thân là người, kịch liệt phản đối chuyện đa thê. Nên nội tỏ ra thái độ, không dám đối diện, với tình cảm của chính mình.Bà cảm nhận được, và bảo rằng không sao, miễn chiều chiều được cùng nhau, hò non hẹn biển, cũng toại nguyện rồi, chẳng mơ ước gì hơn.Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nhưng với nội, mặc tình cảm dành cho nhau ngày một thêm sâu nặng, vẫn cố giữ khoảng cách bên nhau, khi chỉ có hai người.Có lần bà đã thẳng thắn, bảo rằng nội hèn nhác, không dám sống, với tình cảm thật của mình.

 

Thế rồi! Sau một chuyến, nội về thăm nhà trở lại. Một đêm trăng sáng, cùng đi dạo bên bờ sông, dưới hàng cây rợp bóng, đôi mắt bà thật buồn, như ẩn chứa một tai họa sắp xảy ra, rười rượi dưới ánh trăng. Về đến cửa tiệm bà bảo, đêm nay bà muốn ở lại, mặc mai kia thế nào, bà cũng vẫn cam tâm. Con biết không! Đã gần đến lúc, không cưỡng lại được nữa rồi, nội vẫn gắng gượng khoác lên người, cái cung cách thanh cao. Và trong một lúc hồ đồ, nội đã đẩy bà ta ra khỏi cửa, mặc cho bà kêu gào, khóc lóc xấu hổ van xin. Mãi đến khi bà than thở nói rằng, bố bà đang mắc tội, và bà sắp bị gả, cho tay thẩm phán già góa vợ, chỉ nay mai. Trước mâu thuẫn nội tâm dữ dội, mấy lần định mở cửa.Cuối cùng tình cảm dành cho nhau, và ý nghĩ sẽ mất bà đã thắng.Nội mở cửa ôm bà vào lòng, và khuôn thước vỡ tan.

 

Thuở ấy, thiên hạ mặc Âu phục, bảnh bao oách tướng, riêng nội vẫn áo dài khăn đóng, như ngày nào dạy chữ thánh hiền, mà lại khiến bà đem lòng ái mộ, đến liều yêu dám tình nguyện trao thân. Thế rồi dăm bảy đêm mặn nồng ân ái nữa, bà xách nón theo chồng, tưởng ly biệt từ đây. Nào ngờ sau hơn một năm, bỗng một đêm mưa gió bà trở lại, mắt sưng húp mặt mày thâm tím, đến độ khó nhận ra. Sau một lúc hỏi han nhau, bà ngồi khóc kể. Ngay từ đêm tân hôn, phát hiện ra, bà không còn trinh trắng nữa, lão thẩm phán già đã điên cuồng, ngày đêm hành hạ, dày vò bà cho mãi đến hôm qua. Hắn uống rượu say ngà, về chửi la tục tỉu, rồi đánh đuổi bà đi. Về nhà cha mẹ đẻ, mẹ thì thương xót cho con, hỏi han chăm sóc, cha thì một mực, bắt bà quay trở lại cho trọn đạo.

 

Nhất quyết không trở lại với chồng, mà đi thì về đâu bây giờ?Bà đánh liều tìm đến nội tựa nương.Cả hơn tháng trời, nội phải giấu bà như giấu người hoạt động, đợi đêm về mới tâm sự cùng nhau, mơ tính chuyện sum vầy. Ngày về thăm nhà, nội bạo gan dẫn bà theo, và thưa rõ sự tình, mong phụ thân mở lượng hải hà, rủ lòng thương mà cho bà tá túc, không danh phận gì cũng được. Nào ngờ đâu ông đùng đùng nổi giận, quát bảo nhà này không chứa, phường mèo mả gà đồng, và thẳng tay đuổi cổ bà ra khỏi cửa. Còn gì đau đớn tủi nhục hơn! Mắt ròng ròng tuôn lệ, bà ngậm ngùi lủi thủi bước đi. Nội cố chạy theo, đã bị ông cho người bắt lại, đè xuống đánh mấy mươi hèo, vì cái tội không giữ gìn lễ giáo gia phong.

 

Mấy hôm sau quay về cửa tiệm, nội tức tốc đi tìm bà, nhưng than ôi! Không kịp nữa rồi. Bởi ghen tức cuồng điên, đã biến lão thẩm phán thành một con ác thú, mãi hung hăng đến nhà bà, gây hại xài xể bố, nhục mạ chửi rủa, hăm dọa bố mẹ bà, chẳng thiếu điều chi. Nên sau khi không được chấp nhận, vào cửa nhà nội,  bà trở về nhà cha mẹ đẻ, bị chửi mắng tơi bời, trời đất bao la, mà không còn chỗ để dung thân. Sau mấy đêm liền, khổ đau cùng cực, bà khóc hết nước mắt, rồi nhảy sông tự tử.Nội như một kẻ điên, gào khóc gọi tên bà, đến bỏ ngủ quên ăn. Giá như hồi ấy, nội mạnh mẽ hơn, suy nghĩ định liệu sáng suốt hơn, thì bà không phải chết. Khi đám tang bà, đã qua ngày mở cửa mả, nội cũng bớt điên dại, đúng vào thời điểm ấy, thì tin chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, vang dội khắp non sông, chấn động địa cầu”…

 

Thấy cụ Trần lặng im, tay gõ gõ mãi cái ống điếu, như trẻ nhỏ cầm đồ chơi, chắc là thèm thuốc lắm. Tôi e dè hỏi: “Người con gái trong chuyện kể, có phải tên là Tĩnh Lãng, và cũng bởi cuộc tình lãng mạn thương tâm này, mà cụ đã kêu lên “nghiệp chướng” hai lần, khi nhìn thấy Thủy Đường…Cụ Trần kinh ngạc trố mắt nhìn tôi. Ánh mắt dường không chứa đựng, ánh sáng lung linh sắc biếc, của non nước Tràng Kênh nữa, mà thay vào đó là đôi vòm u ám, như mặt sông chiều vỡ vụn, chở nặng yên ba, với cái tên đã đi vào huyền thoại, đang chầm chậm trôi giữa tối đông buồn.

 

Chương 3: Xin Một Lần Yêu

 

Trước ngày tôi về quê đón tết, chiều thứ bảy Thủy Đường nghỉ việc về thăm, tôi mới hỏi, giờ em đang làm việc gì trên ấy.Nàng mới nói, em đang làm ở một nơi, mà lãng tử phong trần  Nguyễn Lưu, có đi cùng trời cuối đất, cũng không ngoài vùng phủ sóng của em đâu. Cả ngày chủ nhật , ba chúng tôi ở nhà chơi vui vẻ. Thủy Đường ngẫu hứng dạy tôi hát Đúm, nhưng chủ yếu là, xem nàng biểu diễn mà thôi. Cụ Trần tỏ vẻ khoan khoái lắm, bỗng nàng nói:“ Em dạy anh hát Đúm rồi, bây giờ anh hát cải lương cho em nghe đi! Em và Nội rất thích”. Dù không hay gì cho lắm, trong những tháng ngày ngược Bắc xuôi Nam, tôi cũng biết thập thành sáu câu vọng cổ, đàn nghe cũng mùi mẩn lắm, nhưng chuyến này ra thăm cụ Trần bệnh, nên chẳng mang đàn theo. Mỉm cười tôi nói:“ Thôi được! Anh sẽ ca cho Nội và em nghe, một trích đoạn trong tuồng cải lương: Xin Một Lần  Yêu Nhau. Anh sẽ đóng vai Âu Thiên Vũ, một trại chủ Hắc Ưng khí phách ngang tàng. Còn em sẽ là Hồ Như Thủy, con quan tổng đốc Tứ Xuyên hiểm ác. Em phụ diễn cho anh, diễn câm thôi, đứng cho có ấy mà”.

 

Lần đầu tiên nghe tôi ca cải lương, hai ông cháu kẻ đứng người ngồi, trố mắt nhìn xem tuồng cảm động lắm. Đến đoạn tôi lên câu vọng cổ: Như Thủy ơi! Chắc có lẽ thượng đế sanh ta ra, và đặt cuộc đời ta nhằm một ngôi sao xấu. Bởi thế cho nên đời ta cứ mãi lao đao khốn khổ, chỉ xin một lần yêu nhau mà không nói được…bao…giờ. Thủy Đường bỗng ôm lấy tôi khuỵu xuống, và gào lên nức nở:“ Xin anh đừng ca nữa… em chết mất”. Làm tôi cúi xuống đỡ nàng, mà nước mắt rụng như mưa.

 

Đêm ấy! Thủy Đường xin ngủ với tôi, được cụ Trần cho phép. Nhưng thay vì vào phòng nàng, tôi buộc Thủy Đường, cùng ra ngủ với mình ngoài phòng khách. Nói chẳng ai tin, dẫu đã quá tứ tuần, vẫn phơi phới thanh xuân, một lãng tử đa tình lãng mạn như tôi, mà chỉ ngủ chay với một người con gái, thanh tân duyên dáng yêu kiều, từ trước đến nay, chỉ dành trọn cho riêng mình.

 

Sáng hôm sau cụ Trần gọi đến, trao cho tôi một bao lì xì, bảo rằng đây là tấm lòng của cụ. Hãy thay cụ mua quà tết về, cho cha mẹ vợ con. Không muốn nhận, thấy cụ buồn so, tôi đành phải nhận, nhưng rõ ngại vì nhiều quá. Bước tới hôn lên trán người con gái, từ lâu đã thuộc về mình, thân kính chào cụ Trần xong, tôi quảy hành trang, bước ra đường đón xe, chứ chẳng cho Thủy Đường, đưa tiễn như trước nữa. Dù nghe rõ tiếng nấc, đầy đau khổ của buổi chia ly, tôi vẫn mạnh bước ra đi, không một lần ngoảnh lại, và mặc cho cái lạnh của mùa đông đất Bắc, tôi chỉ khoác lên người, một chiếc áo phong phanh…

 

Chương 4: Vĩnh Biệt Đôi Mắt Thủy Nguyên

 

Năm năm sau, đầu tháng chạp 2007, tôi đã định cư nơi Sài Gòn hoa lệ, không còn phiêu bạt nữa. Đang giữa chiều trời đổ mưa xối xả, tôi nghe giọng Thủy Đường đứt quãng ở đầu dây: Nội sắp đi rồi…anh ơi!.

 

Vào báo cho vợ con biết chuyện, tôi vội vã đón tắc xi, tức tốc đến sân bay. Nhưng không kịp nữa rồi! Tôi vừa đến cũng là lúc, cụ Trần vừa nhắm mắt xuôi tay, chẳng biết có còn kịp, nhìn tôi lần cuối hay không nữa. Tôi chỉ còn biết nghẹn ngào, gọi nhỏ hai tiếng “Nội ơi!”, mà nước mắt rơi đầy

 

Tang lễ xong, chiều chiều ra viếng mộ, thắp hương cho cụ, lòng nghe luống ngậm ngùi. Nhìn sông núi Tràng Kênh Minh Đức, nhìn những con đường, tôi với cụ đã từng đi, đâu đâu tôi cũng thấy, ánh mắt ngời ngời thăm thẳm, thắm đượm tình người, đang dõi bước tôi đi.

 

Thế là hết! Thế là từ đây, trần gian không còn, bóng dáng phong thái nho gia, đầy tiên phong đạo cốt, của cụ Trần đáng kính nữa. Và tôi cũng không còn lý do gì, để trở lại Thủy Nguyên, dù trước đây cuối đông nào, tôi cũng gắng ra thăm, trước khi về quê ăn tết. Còn chăng là những hoài niệm, buồn vui đong đầy ký ức, là đôi mắt có thần, lung linh rạng ngời soi sáng bước chân tôi.

 

Sau đó Thủy Đường mang ra, đưa cho tôi hộp nghiên bút, và nói rằng Nội dặn dò, phải mang tặng cho anh. Ôi! Chẳng biết dưới ba thước đất kia, Người có thấu, kẻ lãng tử này đã từ lâu, đành chữ trả cho thầy. Nhưng âu phải nhận thôi, biết làm sao được,ngậm ngùi bên tôi, Thủy Đường nói: “Có lần nhìn thằng cu nhà em, mỗi ngày một giống anh đến lạ, Nội buồn buồn nói, phải chi nó là con của thằng Lưu, thì hay biết mấy…”.

 

Chiều cuối cùng đứng trên mộ Nội, Thủy Đường rơm rớm nước mắt:“ Mai này rồi anh có nhớ em không? Chẳng biết miền đất Thủy Nguyên, với anh có còn chăng lưu luyến!”.

 

Nhìn Bạch Đằng giang đang trầm mình trong sóng khói , tôi nói mà như thể nói với chính mình: “ Quên sao được, những chiều vàng chiều xanh đêm tím, bên Bạch Đằng Giang hiển hách, trên núi rừng bát ngát mênh mông trùng điệp, trong hang động hoang sơ, trong chùa đền cổ kính, trong đình miếu nghiêm thiêng, của miền đất địa linh nhân kiệt Thủy Nguyên, vẫn còn lưu khắp dấu chân anh, cùng ai sóng bước. Quên sao được những ngày du sơn ngoạn thủy, nơi nước biếc non xanh, đẹp như tranh miền Lan Hạ Cát Bà.Cùng đón trăng hạ huyền lên trên biển, cùng đợi bình minh hừng, trên núi bãi nguyên sơ. Cùng ngâm mình trong làn nước trong veo, nơi bãi chiều Vạn Bội, như lạc cõi bồng lai thơ mộng, cùng ngủ chung một túp lều, qua đêm nơi hoang đảo, giữa trời nước mênh mông, ai mơ ước nụ hôn đầu. Quên sao được, những đêm cùng giường trong khách sạn, ai đã làm điều dại dột, ấp e hoài chưa dám nói trọn lời yêu. Những phố cổ Hội An, những Phong Nha tiên cảnh, những cố đô chiều lăng tẫm, tối trên thuyền rồng, cùng nghe điệu hát câu hò, tha thiết bi ai. Quên sao được nhà lưu niệm Nguyễn Du, ai đượm buồn thiếu nữ, ngóng đợi mãi mà tình lang, chẳng dám đến bao giờ. Quên sao được, những lời nói trong hang Vua: anh sẽ là vua, còn vọng mãi trong lòng, anh sẽ là vua…sẽ là vua. Quên sao được chiều đỉnh cao Hồng Lĩnh, cùng đếm chín mươi chín ngọn đồi, tranh cãi hoài, chẳng biết ai đúng ai sai. Quên sao được, đêm Bến Thủy cùng đứng bên cầu, nhìn núi Hồng sông Vĩ, dưới vầng trăng thơ mộng, mãi tâm sự bị mắc mưa, ai chạy đứt giày, ai cõng ai về, ai nhiễm lạnh sốt mê man, mà mãi gọi tình lang. Quên sao được, đêm Hà Thành mưa gió căm căm, cùng che mưa một cái ô, như hai kẻ điên, đứng mãi ngoài mưa, trên cầu Thê Húc. Quên sao được, mấy mươi đêm ngủ bên nhau, chỉ trọn nụ hôn đầu.Quên sao được, khi nghe trích đoạn cải lương Xin một lần yêu nhau, ai đã đau lòng ngã quỵ, nước mắt đầm đìa, thương xót một tình yêu. Quên sao được, nơi bến xe Tam Bạc, ai nuốt lệ vẫy tay ai, và nói những lời gì.Ai dạy, ai hát cho ai nghe, những lời hát Đúm tỏ tình xưa cổ,tình long lanh đáy mắt, dậy sóng bao lần, chưa xây nổi mộng cùng nhau. Quên sao được …quên sao được…

 

Trên đường trở lại Sài Gòn, bởi trước lúc chia tay, tôi đến bàn thờ, thắp hương cho cụ Trần một lần cuối, nhìn di ảnh của Người, mà đọng mãi trong tim, cái thần lực từ đôi mắt, ám ảnh đến bây giờ, trước mặt vẫn còn như. Ôi! Đôi mắt biết bay lên, cùng ước mơ chắp cánh, trông trời đất bao la, đẹp đẽ nước non mình. Thôi nhớ lắm thương nhiều, cũng đành xin vĩnh biệt, Đôi Mắt Thủy Nguyên ơi!

 

Một sáng hạ 20/04, ngồi lướt Face, tôi thấy lời anh bạn nhỏ, mới kết bạn mấy hôm: “Dạ cháu xin hỏi bác Lưu, có phải là nhà thơ Nguyễn Lưu không ạ?”. Tôi trả lời : “Ừ! Có gì không con!”. Nó nói tiếp: “Mong bác vui lòng cho cháu xin địa chỉ, và số điện thoại bác đang dùng ạ! Cám ơn bác nhiều”. Không thành vấn đề, ngại gì, tôi trả lời ngay.

 

Mấy hôm sau khoảng gần trưa, tôi ăn mặc chỉnh tề, ra lau bụi chiếc xe máy, định đi dự sinh nhật, đứa cháu nội một người bạn. Có cảm giác nhồn nhột, như ai đang nhìn mình chăm chú. Tôi đứng dậy vuốt lại mái tóc, đà bạc trắng như sương, nhìn sang bên kia đường và ngạc nhiên đến sửng sốt. Nhướng cặp mắt với thị lực, chỉ còn con bảy con ba, cố nhìn và thấy rõ, bóng dáng ai kia chưa lấm bụi thời gian, chưa nhạt nhòa trong ký ức. Mắt nhìn tôi ứa lệ, môi run run mím lại,tay dắt con thơ, thân mỏng mảnh hao gầy…

 

Thằng cu giống ai…giờ đã lớn…

 

Phần cuối: ĐÔI MẮT THỦY NGUYÊN

 

Quên khuấy mình giờ đây, đà mắt mờ gối mỏi chân chồn, tôi hấp tấp băng qua lộ, mặc dòng xe cộ ngược xuôi hối hả. Bất chấp bao kẻ lạ quen, khách qua đường dòm ngó, tôi phì phò chạy đến, xính xáng luýnh quýnh, dang tay ôm ghì lấy Thủy Đường, đính vồ vập những cái hôn nóng bỏng, lên đôi mắt lệ lưng tròng, lên vành môi khô úa, vì mỏi mòn héo hắc chuyện yêu đương. Chẳng biết thời gian, vẫn trôi qua hay đang dừng lại, cho tôi sưởi ấm người thiếu phụ, đã yêu tôi đành trống lạnh suốt xuân thì, bất hạnh chuyện hôn nhân. Từ trong hơi thở dập dồn, tôi nghe nàng gấp gáp: “Hãy buông em ra…ngượng chết được”. Đến lúc đó tôi mới cúi xuống, thơm lên vầng trán đứa trẻ. Chợt nghe Thủy Đường bảo: “Chào ba Lưu đi con!”. Thằng bé ngoan ngoãn vòng tay lại: “Con chào ba Lưu ạ!”. Tôi cười ha hả: “Tổ cha mày! Sao lại giống ba quá vậy không biết nữa. Chắc khi mang bầu, em mãi nghĩ đến anh chứ gì”. Thủy Đường giờ đã tươi tỉnh, nàng vén nụ cười đầu ngày rạng rỡ, như một thiếu nữ đang yêu: “Còn phải hỏi nữa, cũng vì chuyện này, mà bố nó không chịu nổi, phải chia tay với kẻ đồng sàng dị mộng. Mà này! Anh định đi đâu thì phải?”. Chết mất! Ồ vẫn chưa trễ, vừa dẫn hai mẹ con qua lộ, tôi vừa nói với Thủy Đường: “Nếu em không nhắc thì anh quên khuấy, chuyện đi dự sinh nhựt thằng cháu nội, của ông bạn già bên quận ba. Em này! Nếu chị đồng ý, em có dám, cùng đi dự sinh nhựt với anh không!”. Thằng bé tỏ vẻ thích thú, còn Thủy Đường, trong mắt dường có hai giọt nắng lung linh: “Mười mấy năm về trước, khi mới mười chín tuổi, em còn không sợ nữa là…”

 

Quá bất ngờ, nên khi nghe giới thiệu mẹ con Thủy Đường, vợ tôi chẳng kịp phản ứng gì, chỉ biết mời vào nhà, và bảo hãy tranh thủ tắm rửa, nghỉ ngơi cho mát. Sẵn đà thừa dịp, tôi dọ ý luôn: Em này! Hôm nay em không đi dự sinh nhựt cùng anh, hay là tiện thể, cho mẹ con Thủy Đường đi với anh luôn, rồi chiều về hãy tính, chuyện ăn ở của mẹ con cô ấy, chắc phải nhờ em giúp . Vợ tôi với vẻ mặt, không buồn cũng chẳng vui: Được rồi…em sẽ tính. Mà này! Trong bàn tiệc, lỡ người ta hỏi về mẹ con cô ấy…”Tôi vội ngắt lời: “Em khỏi phải lo! Anh tự biết phải trả lời thế nào, cho dù thằng cu nó quá giống anh”.

 

Vừa hoẹo vào đường Bàn Cờ, chỉ còn non nửa cây số là đến nơi, trời bỗng mưa như trút nước.Trễ quá rồi, tôi vẫn phóng trong mưa, mặc cho ba người ướt như chuột lột, quần áo bám hết vào da, khó chịu vô cùng. Gửi xe xong, bước vào nhà hàng, thì trời cũng tạnh mưa luôn. Khỉ thật! Đúng là mưa Sài Gòn, làm thằng cu đất Bắc nhìn ngơ ngác: “Thế là qua mưa rồi sao ba? Ngộ nhỉ! Hihi! Con mà biết mưa như thế này, thì đã bảo ba trú mưa rồi. Mẹ dễ bị ốm lắm, khi trước bố lai mẹ đi bị ướt mưa, về ngã bệnh luôn. Thật đấy!”. Tôi xoa đầu nó: “Đã có ba ở đây rồi, mẹ không bệnh được đâu, con đừng lo nhé! Mà sao bố con bỏ đi, không ở cùng với mẹ con nữa vậy?”. Nó vẫy tay bảo tôi cúi xuống: “Bố con say riệu về, hét lớn rằng mẹ không yêu bố, mà chỉ yêu ba Lưu . Bố ký vào lá đơn ly dị, đã viết từ hồi nào, ném xuống bàn, rồi bỏ đi luôn thấy khiếp. Bố còn bảo, mày không phải là con của bố, đồ con hoang, hãy vào Nam mà tìm đến cha mày”. Nghe đến đó, tôi thấy sao mà quá đỗi thương tâm, cho mẹ con thằng nhỏ. Phải chi ngày xưa tôi mạnh mẽ như nàng. Dám phá vỡ khuôn phép, lễ giáo gia phong, theo quan niệm của ba tôi, cưới nàng làm vợ thứ, thì đâu ra cớ sự thế này.Trên đường về, trước khi vào nhà, tôi dang tay ôm thằng bé vào lòng: “Nếu bố con không nhận, thì ba Lưu xin làm bố con vậy.” Nó vỗ tay cười lớn, miệng hoan hô hoan hô…Thủy Đường vội bịt mồm nó lại: “Im nào! Dì nghe được sẽ mắng cho đấy”.

 

Bước vào nhà, chợt thấy không khí hơi ngột ngạt, sau một phút im lặng, vợ tôi bảo rằng, nhà thì còn chỗ cho năm bảy người tá túc, nhưng với mẹ con cô ấy thì không thể, nên đã hỏi thuê, một căn phòng nho nhỏ gần đây, mong Thủy Đường thông cảm cho. Thủy Đường từ tốn cất lời: “Em xin cám ơn chị! Chuyến này vào Nam, ngoài chuyện đến thăm gia đình anh chị cho biết, em còn dự định, muốn lập nghiệp ở đây luôn ạ! Nếu…”. Vợ tôi vội cắt ngang: “Lập nghiệp à! Thì ra…việc này tui không thể giúp được, cô hãy tự lo liệu lấy”. Tôi nhẹ nhàng: “Kìa em! Thủy Đường chân ướt chân ráo đến đây, làm sao mà tự lo lấy được. Thôi bỏ đi! Chuyện ấy để rồi anh sẽ tinh. Giờ anh đi nghỉ đây! Uống đôi ly vào buồn ngủ quá. À quên, em thuê phòng cho Thủy Đường ở đâu vậy? Anh đưa mẹ con cô ấy về phòng nghỉ ngơi, rồi về ngủ cũng được”. Vợ tôi đứng dậy: “Chìa khóa đây! Ở dãy nhà trọ con Tú. Anh liệu làm sao, thấy phải thì làm. Thuận ý vợ, tôi đưa đến rồi về ngay tích tắc. Đêm ấy, vợ tôi xách gối sang ngủ với con gái, làm tôi trằn trọc mãi, bèn dậy uống café…

 

Dù không nhận được sự ủng hộ của bà xã, sau đó tôi vẫn tìm thuê được cho nàng, một mặt bằng thoáng đãng, để mở shop quần áo, và ăn ở phía sau. Mấy ngày liên tiếp, tôi điện thoại và đi nhờ vã trực tiếp, những anh em trong nghề, để tìm được đầu vào ưng ý. Còn đầu ra, tùy thuộc vào năng lực, và thời vận của Thủy Đường. Hôm khai trương, vợ tôi cũng đến dự, và không hiểu sao, đêm ấy về tôi nằm, trằn trọc mãi không yên. Dường hiểu được tâm trạng của chồng, vợ tôi lên tiếng: “Thủy Đường vào Nam, hơn một tháng rồi thì phải. Họ hàng thân thích chẳng có ai, thân gái dặm trường, nghĩ cũng tội cho cô ấy. Giờ ở đây anh chỉ ngủ thôi, mà ngủ không được, chi bằng hãy sang với mẹ con cô ấy, đêm đầu tiên về chỗ mới. Sáng ra liệu mà về, kẻo người ta dị nghị, em chẳng trách đâu. Cùng đàn bà con gái với nhau, em hiểu cô ấy, thiệt thòi khổ sở thế nào, sau ngần ấy năm yêu anh. Hãy dậy mà đi đi! Kẻo em đổi ý”. Tôi bật dậy hôn lên má vợ: “Anh có lỗi với em”. Cô ấy hất nhẹ, và bảo hãy đi mau.

 

Lần đầu tiên sau gần mười một năm, kể từ đêm đông cụ Trần cho phép, hai đứa ngủ bên nhau ngoài phòng khách, giờ đây tôi mới được ôm Thủy Đường, nằm ấm áp trong vòng tay, dẫu không còn mạnh mẽ, săn chắc như ngày nào. Qua xiêm y, tôi vẫn cảm giác được, nàng đang nóng rực lên, như cái thời con gái ngây thơ vụng dại, và khi tôi nói, anh còn gì cho em, nàng rơm rớm nước mắt, nhoẻn miệng cười mếu máo: “Còn nhiều lắm! Vẫn còn đó một chàng Lưu của em, phông độ đẹp trai bây giờ đẹp lão, với vòng tay ấm áp, đôi mắt Hàn nheo nheo, chan chứa tình người. Vẫn còn đó, mãi dành cho em, cả một khối tình nguyên khôi, chẳng lấm bụi thời gian, không phai mờ theo năm tháng. Bao lâu rồi, vẫn mới toanh nguyên vẹn, vẫn phơi phới xuân miên, trong thân xác dẫu hao gầy. Vẫn còn đó, đức vua của lòng em, với tâm hồn trong suốt như pha lê, không tì vết, trẻ mãi không già, trong sông núi Thủy Nguyên, trong tận đáy tâm hồn người con gái, đã trót một lần yêu, là yêu đến trọn đời. Vẫn còn đó, một tấm thân dù lão hóa, vẫn rất ư là chàng Lưu lãng tử, mà có khi, như thế mới là của em, dù không trọn vẹn,vì trời sanh em ra, không được may mắn như người.Tại sao anh không mở lòng, đón nhận em sớm hơn, khi em ngày đêm mong mỏi, đầy ước mơ mộng mị, ở cái thời mới lớn, mỗi giây phút được sống bên anh, đều ngất ngây hạnh phúc tuyệt vời, dù lắm lúc đơn phương. Em không trách anh, nhưng tiếc cho đời con gái, không được dâng trọn, cả thể xác lẫn tâm hồn, cho người mình yêu thương, mà vẫn phải, chuốc lấy khổ đau bất hạnh. Anh giữ cho em thanh tân, trọn vẹn để lấy chồng, và mong em hạnh phúc ư! Anh có thể giữ cho em phần xác, còn phần hồn, có giữ nổi không anh. Ngày em xách nón theo chồng, cũng là ngày em chợt hiểu ra, rằng mình không thể sống thiếu anh, cho dù kiếp này anh chẳng thuộc về em. Và chuyện trao thân gửi phận cho người ta, để được cái gọi là yên bề gia thất, là một điều quá ư rồ dại, hậu quả là sau bao năm, chẳng hạnh phúc lấy một ngày. Dù có với nhau một mặt con, vẫn không trói nổi đời nhau vào bổn phận, trong địa hạt hôn nhân hạnh phúc gia đình, khi em không thuộc về anh ấy. Thôi! Hãy để cho quá khứ đau thương, đi vào lãng quên anh nhé! Bao nhiêu năm bị hành hạ dày vò, đã cướp mất của em, nhiều thứ lắm rồi, giờ em cảm thấy mình, đang được bù đắp phải không anh!”. Tôi ừ một tiếng, và nhắm mắt xót xa, cho số phận của một người con gái, duyên dáng mảnh mai yếu đuối, đã vì tôi, mà nửa đời khốn khổ lao đao…

 

Mấy ngày sau, tôi tìm xin vào trường gần, cho thằng bé chuẩn bị vào niên học mới, khi thời gian nghỉ hè, đã sắp cạn rồi. Thì ra tên cu cậu, không phải là Thủy Nguyên, như trên face, mà là Trần Lưu. Tại sao lại lấy họ mẹ, và tên giống như tôi.Thôi đó là chuyện của bố mẹ nó, chỉ một cái tên mà đã vậy, thảo nào chẳng lục đục quanh năm.

 

Đời cứ thế trôi đi, sau vài năm thuận buồm xuôi gió, trông Thủy Đường có da có thịt, và trẻ ra nhiều, vẻ tràn đầy sức sống, bên con bên tôi, dù mỗi tháng một đôi lần. Bởi tôi luôn biết tôn trọng vợ, không được đằng chân lân đằng đầu, chẳng làm gì thái quá, nên vợ tôi vui vẻ, thỉnh thoảng làm bữa cơm thân mật cuối tuần, mời mẹ con Thủy Đường sang dùng bữa, hoặc cùng nhau đi nhà hàng, quán lẩu đầy thân thiện, trong ấm ngoài êm, hạnh phúc vui vầy.

 

Chiều hôm ấy, tôi sang thăm như thường lệ, chẳng thấy Trần Lưu chạy ra đón chào hớn hở, mà là anh Cả, với vẻ mặt trang nghiêm, khắc khổ lạnh lùng. Thì ra anh vào Nam mấy hôm rồi, có vấn đề muốn nói chuyện với tôi . Để được riêng tư thoải mái, tôi mời anh ấy sang khu vực cầu Ánh Sao, vừa giải khát hóng mát vừa nói chuyện. Sau đôi câu hỏi han, anh Cả vào thẳng vấn đề rằng, trước khi nhắm mắt xuôi tay, cụ Trần đã tâm sự riêng với anh Cả, rồi giao cho anh chúc thư, cùng lá thư riêng phong kín, bảo gửi cho tôi, bởi cụ biết thế nào tôi cũng về, đưa tang cho cụ. Nhưng anh Cả đã không thực hiện, khi lén xé đọc nội dung bên trong, biết rõ số tài khoản, và số tiền trong sổ, cụ Trần trí lại cho tôi làm vốn luyến, vì coi tôi, như một thành viên trong gia đình, và biết tôi thiếu thốn, là trên sáu trăm triệu. Với tôi vào buổi ấy, là cả một gia tài, bây giờ cũng không nhỏ lắm, nhưng tôi dứt khoát không nhận, dù sau bao năm, anh Cả sống trong cắn rức lương tâm, giờ mới thực hiện được, di nguyện của người quá cố. Cuối cùng tôi cám ơn anh, và mong anh hãy sang tên cho Thủy Đường. Để cô ấy giữ cho Trần Lưu, có chút vốn trong tay, khi bước vào đời.

 

Khi đã cạn ly bia cuối cùng, anh ngập ngừng phân tỏ: “ Còn chuyện này tôi chưa nói với chú. Tôi vẫn biết, mấy năm qua chú và Thủy Đường, đang hạnh phúc bên nhau. Hay đúng hơn là, chú đang bù đắp những gì có thể, cho con gái tôi sau bao năm ,vẫn một lòng yêu chú, dù đã phải có chồng con, cho mẹ nó an lòng. Khổ nỗi giờ đây, bà nhà tôi ốm đau liên tục, muốn có Thủy Đường bên cạnh, là niềm an ủi sớm hôm. Còn một điều nữa, là lời trăn trối, của bố tôi trước lúc ra đi, là người muốn, anh em tôi bằng mọi giá, phải cố giữ, mảnh đất cuối cùng của tổ tiên, bên dòng sông huyền thoại Bạch Đằng giang. Thú thật với chú, những năm trước, đang thời ăn nên làm ra trên Hà Nội, tôi chẳng quan tâm gì, đến lời trăn trối của bố, chẳng giữ chi nhà cửa vườn tược, ở cái xó xỉnh Tràng Kênh, nên không ngăn cản khi thằng Út bán, đi lên Hải Phòng lập nghiệp. Phải chi hồi đó, tôi trích ra số tiền tương ứng, cho nó làm ăn, thì đã giữ được ngôi nhà. Để bây giờ, vừa rồi tôi đành cắn răng mua lại vườn nhà cũ, với giá gấp năm lần, khi thằng Út bán cho họ cơ đấy. Một nghìn mét vuông đất, với ngôi nhà năm hai mươi, một tấm suốt, ở thị trấn nhỏ heo hút, mà tương đương với giá trị một căn nhà phố, tọa lạc ở trung tâm Hà Nội, bốn hai mươi, ba tấm đúc, chú có hải không. Thế mà tôi cũng bóp bụng mới mua xong. Khi nãy tôi nói chưa hết, trước khi nhắm mắt, bố tôi đã tiên đoán được rằng, Thủy Đường sẽ bất hạnh, trục trặc chuyện hôn nhân, khi nó trở về, hãy để nó tá túc cùng chú nó, ở Minh Đức Tràng Kênh, để tiện cho chú vào ra thăm nó, ở cái nơi hai đứa đầy kỷ niệm”…

 

ĐOẠN KẾT

 

Thủy Nguyên Nghìn Thu Thương Nhớ

 

Mồng hai tháng chạp, năm hai nghìn không trăm mười bốn, tôi cùng mẹ con Thủy Đường, về Tràng Kênh dự kỵ cơm của Nội. Trước bàn thờ khói hương nghi ngút, nhìn di ảnh của Người, tôi nói thầm trong bụng, mặc cho đôi giọt lệ lăn dài trên má: “ Nội ơi! Con đã về thăm Nội đây. Nếu Nội linh thiêng thì đã thấy, mấy năm qua con và Thủy Đường, sống bên nhau thật là hạnh phúc phải không Nội.Tại sao Nội tiên đoán được, Thủy Đường sẽ trắc trở hôn nhân, mà không tiên đoán được, rằng một ngày nào đó, Thủy Đường sẽ tìm đến với con, như hiện tại hở Nội. Nội thương con mà bây giờ, vô tình Nội làm khó con mất rồi. Nếu con giữ Thủy Đường lại với con ở trong Nam, thì cô ấy không tròn đạo hiếu, mà để cho Thủy Đường, trở lại mái nhà xưa, nơi Tràng Kênh Minh Đức này, thì con không còn cơ hội, để bù đắp cho cô ấy. Sao vậy Nội! Con rất cám ơn Nội, đã ưu ái dành cho con cả một gia tài, trong cái thời con khốn khó. Nhưng không thể vì chuyện ấy, mà con bỏ tiền ra đánh đổi với vợ con, để về sống cùng Thủy Đường, trên mảnh đất của tổ tiên, ở Tràng Kênh Minh Đức, đẹp như mơ này, ví như thời còn phiêu bạt, dù đà gác kiếm, bỏ yên cương. Chuyện tình của Nội đã lỡ, nỡ lòng nào bắt tụi con phải chia xa, khi đang hạnh phúc tràn trề sao Nội. Thủy Đường đang trẻ lại, và ngây ngất say sưa, trong niềm vui mái ấm dù tạm bợ, làm sao con có thể nhẫn tâm, theo di nguyện của Người , dẹp tiệm quần áo trong Nam, cho nàng về đây ở. Anh Cả đang thúc ép con làm điều đó, bảo là theo di nguyện của Người, có phải thế không Nội. Nếu Thủy Đường có mệnh hệ gì, con chết mất Nội ơi!Dù được ở bên nhau, suốt phần đời còn lại, con cũng không thể cho nàng trọn vẹn, dẫu đời con gần xế bóng chiều tà.

 

Trước khi hai đứa trở lại Sài Gòn, anh Cả hỏi tôi: “Chú suy nghĩ kỷ chưa! Hãy gấp rút thay tôi, tiến hành sang lại shop quần áo đi, buộc nó phải về đây thôi. Nói cho chú biết nhé! Cái nhà này tôi mua lại, và cho nó đứng tên là người thừa kế. Khi mẹ con nó về đây ở, để ngày ngày chăm lo cho mẹ nó, tôi có đủ tiền cho nó sống vô tư, chẳng phải làm gì đến suốt đời. Nhìn thấy chị Cả, mới sau tám năm không gặp, mà đã xuống sức trầm trọng thế này, tôi có phần ái ngại nhưng phải nói: “ Liệu việc bỏ tiền ra của anh, có mua được hạnh phúc, cho con gái mình hay không, mới là điều đáng nói. Tuy ở bên tôi, Thủy Đường không đòi danh phận , nhưng tôi luôn cảm thấy mình, phải có một phần trách nhiệm, với cuộc đời cô ấy. Anh Cả vỗ vai tôi một cái: “ Chú nói đúng! Và tôi cũng chỉ, muốn tốt cho con mình thôi chú ạ. Làm để cho con chứ cho ai, tôi nghĩ rồi nó sẽ rất hài lòng. Khi thực hiện bị nó phản đối, chú hãy nói rằng, chú chỉ là người thừa hành, cái quyết định của tôi.

 

Trời không thương cho một đóa hồng nhan. Vừa vào thu 2015, sau khi nhận được tin chị Cả bị tai biến, Thủy Đường gọi điện, không kịp đợi tôi đến, đã vội vã bay ra Hà Nội chăm sóc mẹ. Hơn một tháng sau nàng gọi điện, nói trong nước mắt rằng, tôi hãy trông coi, hoặc sang lại cho ai tùy ý, nàng không vào Nam nữa. Và hãy coi đó là món quà, nàng dành tặng cho tôi, vì mẹ nàng bị bán thân bất tọa, ngoài nàng ra không còn ai, chăm sóc an ủi được lòng bà.

 

Tôi đứng chết trân, giữa trời trưa Sài Gòn nắng đổ, mà nghe thân thể này, như muốn tan chảy, biến hình trong cõi tạm phù vân. Chẳng cần anh Cả gây áp lực với tôi, phải chăng đây là do bàn tay định mệnh, là số phận của nàng, có tránh cũng không qua. Tảo tác hơn mươi hôm, may mắn tìm được người sang tiệm. Ngày 04-09-2015, suốt từ sáng đến chiều, Sài Gòn mưa tầm tã, vừa nhận đủ tiền sang shop, cũng là lúc tôi nhận được tin, chị Cả qua đời. Tôi tức tốc bay ra, lo một công hai việc, xong tang lễ không về liền, còn ở lại đôi hôm.

 

Bên bờ Bạch Đằng giang huyền thoại, nơi Minh Đức Tràng Kênh, của Thủy Nguyên nghìn thu thương nhớ, Thủy Đường đau khổ đến cực cùng, khi vừa mất mẹ vừa phải sống xa tôi. Chỉ mấy tháng trôi qua, nàng đã hao gầy héo hắt trở lại, như ngày đầu tiên tôi gặp ở Sài Gòn. Sáng sớm mai, bên bình trà đậm đặc, anh Cả ngồi trầm ngâm chậm rãi: “Có lẽ đây là do ý trời chú à!. Về phần tôi, tôi chẳng biết mình đã đúng hay sai, khi thấy con gái thế này…xót quá.Khổ thân tôi, phải chi bà ấy khỏe mạnh, thì tôi đâu tính toán hẹp hòi ích kỷ. Giờ chú thế nào! Hãy tha thứ cho tôi”.

 

Đặt tách trà đã uống cạn xuống bàn, tôi thả một tràng cười quằn quại, tan nát như gương vỡ: “ Tôi giờ nhẹ hều, như một chiếc ly không”. Xong đứng dậy định thu dọn hành lý, bỗng thấy đất trời tối sầm, quay cuồng nghiêng ngửa,tôi hốt hoảng gọi vang: “ Thủy Đường ơi! Anh chẳng thấy gì cả…”rồi ngã ra bất tỉnh…

Khi làm thủ tục mổ mắt, mới hay mình bị tiểu đường, hèn chi trọng lượng cơ thể giảm dần, sau hơn một năm những mười ba ký lô, bồi dưỡng gì cũng vô ích mà thôi. Chiều chiều đứng ở phương Nam, ngùi trông về phương Bắc, nơi miền đất Thủy Nguyên, ngàn năm thương nhớ đẹp như tranh, nơi con sông Rừng huyền thoại, ngày đêm trăn trở, chẳng biết người con gái thương tôi, đang sống thế nào. Có nuối tiếc niềm hạnh phúc mong manh, nơi Sài Thành hoa lệ, có đành lòng lạnh lẽo chốn cô phòng, khi mới nửa chừng xuân. Ôi! Thủy Nguyên ngàn thu thương nhớ, mà trăm năm chẳng dành được cho người.

 

Tôi giờ như cái bóng, lặng lẽ sớm chiều bên vợ đẹp con ngoan. Chẳng buồn lên Face, chẳng màng thế sự, chẳng rượu trà thuốc lá, chỉ ăn kiêng. Sớm chiều đi bộ thẩn thờ hai dạo, mong kéo dài tuổi thọ, để làm gì không biết nữa ai ơi! Khi những việc muốn làm không làm được, những việc không vui, mà làm đến trọn đời, chết mới hết mà thôi.Cứ ngỡ rằng, người vui nhất sẽ là chị Cả, được Thủy Đường ngày ngày, chăm chút yêu thương. Nào hay, chị vội nói lời chia tay vĩnh viễn, khi mùa thu đang trút lá khô vàng. Ôi!Tất cả đã lỡ làng, tất cả đã dở dang, tất cả sắp trở thành vô nghĩa, khi người đàn bà quá mất mác đau thương, đã đánh mất niềm tin yêu cuộc sống, mặc thân phận nổi chìm, trong cuộc bể dâu, chịu đựng sống âm thầm.

 

Tháng chạp đến, tôi lại về Tràng Kênh, trước là dự kỵ cơm, sau là thăm lại người tình, lỗi hẹn nghĩa trăm năm. Nhưng lửa lòng nàng đã nguội, chỉ nhớ về nhau là những kỷ niệm buồn, là chồng chất những tháng ngày mòn mỏi, lỡ một thời phơi phới độ thanh xuân. Nàng thấy hạnh phúc trên cõi đời, là cái gì hư hoang phù phiếm, mà nàng không thể nào nắm bắt được, đôi khi ngỡ trong tầm, thì đã tuột khỏi tay. Nếu còn yêu nhau, hãy dành tình cảm cho vợ con trọn vẹn, bởi thượng đế đã không ban, cho tôi thuộc về nàng.

 

Một chiều bất ngờ, trước khi vào lại trong Nam, nàng bảo tôi cùng đến Hang Vua, một trong những nơi, chứa đầy kỷ niệm. Đứng bên tượng Hùng Vương, với đôi mi rớm lệ, nàng mếu máo: “Có vua Hùng làm chứng! Con xin trả lại người con yêu, cho vợ con anh ấy. Con đã sai lầm, khi cố tình chiếm đoạt, những thứ không thuộc về mình, và con đã trả giá. Con xin trả lại, dẫu anh ấy không còn nguyên vẹn, dù suốt cuộc đời, con chỉ yêu duy nhất một người, là anh ấy mà thôi. Đoạn bước đến bên tôi, mím vành môi nuốt lệ: “Mình về thôi anh! Em đã khổ sở bao đêm, mới quyết định chia tay anh, kể từ khi biết bố mình, có con rơi trên Hà Nội. Từ đó thấu được tâm trạng, thái độ của vợ con anh, sẽ ra sao. Hãy tha thứ cho em, đã phụ lòng anh. Đừng buồn em anh nhé! Chính em ngày trước giữa Hang Vua này, đã thề rằng sẽ quyết chiếm cho được anh, kẻ ngự trị trái tim mình, giờ em xin trả lại”. Chợt nhớ lời thằng bé Trần Lưu, hôm qua mách nhỏ rằng, ba Lưu không được bỏ mẹ Thủy Đường, mẹ khóc nhiều đêm nó dỗ dành không được. Thì ra nó đã biết cớ sự rồi.

 

Ngày xưa cũng chính nơi đây, khi nàng mới mười chín tuổi, đòi tôi hôn thôi mà tôi luôn tránh né, nhẹ nhàng cự tuyệt. Còn giờ đây! Cũng chính nơi Hang Vua, bên tượng Hùng Vương cổ kính, tôi dữ dằng như con gấu đói, ôm ghì lấy nàng, hôn đắm đuối chẳng buông lơi, khi nàng đã nói lời chia tay đầy nước mắt.

 

Thật tội nghiệp! Nàng quá mỏng mảnh yếu đuối, chẳng thoát nổi vòng tay vẫn còn sức, riết chặt như gọng kìm, đành hổn hển van lơn: “Ứ! Lưu của em ơi! Đừng hôn em nữa mà. Đừng!...mình về đi anh! Về thôi… anh ơi! Đừng anh!…Em… chết mất!…”

 

Sài Gòn 26-02-2016

Lưu Lãng Khách

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Văn: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh