Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
NHỮNG HỌC THUYẾT, CÁC CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ GẦN ĐÂY CỦA HOA KỲ
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    HIỆU QUẢ CHIẾN LƯỢC A2/AD CỦA TRUNG CỘNG TẠI BIỂN ĐÔNG THẾ NÀO?

 

I. MỞ ĐẦU.

 

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay thế giới đang phải đối mặt với những biến chuyển trọng đại trên nhiều lãnh vực, đáng kể nhất là về quân sự. Gần nhất, với sự trỗi dậy của Trung Cộng (TC), cùng với việc một số quốc gia đang muốn thủ đắc vũ khí hạt nhân cũng như các thế lực Hồi giáo quá khích nổi lên… đã và đang gây ra những cuộc chiến, tăng cường chạy đua vũ trang, tạo nên bầu không khí bất ổn khắp nơi. Trước những sự kiện đó, Hoa Kỳ, trên cương vị một siêu cường cô đơn đỡ đầu cho khối tự do phải trù tính những phương thức đối phó, trước là bảo vệ hòa bình thế giới sau là tự vệ. Một trong các phương thức để tự vệ hay tấn công là Mỹ phải hoạch định những “chiến thuật”, “chiến lược”, những “học thuyết” v.v… về quân sự để áp dụng riêng cho từng chiến dịch, khu vực, địch thủ,… đồng thời với việc trang bị cho quân đội những loại vũ khí thích hợp với từng chiến lược. Chỉ có quân sự hùng mạnh mới bảo vệ được mọi thứ.

 

Trong quân sử Mỹ, nhiều học thuyết, chiến lược đã ra đời, nhờ đó quân đội Mỹ đã gặt hái được khá nhiều thành quả, đã đưa nước Mỹ đến vị thế siêu cường. Trong tiểu luận nầy chúng ta thử xem sơ qua các nhà hoạch định chính sách, các nhà chuyên môn về quân sự Mỹ đã đề ra những kế sách gì. Những chiến lược, học thuyết… được kể sau đây không hẳn theo thứ tự thời gian, đầy đủ, chi tiết, hay cái nào quan trọng hơn mà chỉ kể tóm lược một số, theo giới hạn của một tiểu luận và khả năng của người sưu tầm, tổng hợp tài liệu.

 

II. CÁC HỌC THUYẾT, CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ CỦA MỸ.

 

Hoa Kỳ là một trong các cường quốc về quân sự, vì thế, trong vài chục năm trở lại đây, Bộ Quốc Phòng (BQP) phối hợp cùng các chuyên gia & các học giả quân sự, các nhà hoạch định kế hoạch quốc phòng v.v… của Mỹ đã đề ra nhiều học thuyết, chiến lược quân sự sau đây:

 

1. Học thuyết “Quyền lực trên biển”:

 

Vào cuối thế kỷ 19, người ta đã biết đến học-thuyết “Quyền lực trên biển” (Sea Power Doctrine) của Mỹ, đã giúp Hải quân Mỹ kiểm soát được biển cả hầu như vòng quanh địa cầu. Học thuyết này do Đô-Đốc Alfred Thayer Mahan (1), người mà Sir. John Desmond Patrick Keegan (2) gọi là "Chiến lược gia quan trọng nhất của người Mỹ trong thế kỷ XIX" (the most important American strategist of the nineteenth century) đưa ra. Vào thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20, Anh quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Na Uy,… là những nước có đội tàu hùng hậu nhưng sức mạnh thật sự của Hải quân chưa đủ sức khống chế mọi địch thủ (nếu đối đầu) trên mọi đại dương nếu so với sức mạnh của hải quân Mỹ sau khi họ áp dụng học thuyết nầy. Được mệnh danh là “Chiến lược gia Clausewitz trên biển cả” (3), Đô Đốc (ĐĐ) Alfred Mahan là người đã dày công với Hải quân Mỹ, đưa ra nhiều chiến lược cho Hải quân Hoa Kỳ; đã có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển Hải quân Anh Quốc, Đức Quốc và Nhật. Cuốn “The Influence of Sea Power Upon History, 1660–1783” xuất bản vào năm 1890 đến nay, vẫn được xếp vào “10 cuốn sách hàng đầu” (Top ten) có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Giới quân sự Mỹ đồng ý với quan điểm của vị Đô Đốc nầy khi ý thức rằng “Ai kiểm soát được đại dương sẽ chiếm thế thượng phong về mặt quân sự, từ đó hỗ trợ cho kinh tế, chính trị, thương mãi v.v…”.

 

Một trong các chiến thuật chính của Đô-Đốc Alfred T. Mahan là “Tập trung vào trận đánh của hạm đội chủ lực”: dốc toàn lực của hạm đội chủ lực đánh vào một hạm đội của quân địch. Khi hạm đội của địch bị thua trước sức tấn công vũ bão của ta, xem như ta đã “đánh tan hoàn toàn ý chí chiến đấu của quân địch”. Đô-Đốc Chester William Nimitz đã áp dụng chiến thuật nầy trong trận Midway vào ngày 7-6-1942, quân Nhật thua trận nầy, tinh thần chiến đấu của quân Nhật tan rã, xóa bỏ huyền thoại quân-đội Nhật là “đoàn quân bách chiến”, gióng lên tiếng chuông “báo tử” trên chiến-trường vùng TBD-AĐD của quân Nhật, dẫn đến các thất bại sau đó để rồi phải ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện. Đ.Đ. Alfred Mahan cho rằng “Các quốc gia sống bằng xuất cảng hàng hóa cần phải giành và giữ lấy quyền kiểm soát biển cả, nhất là kiểm soát các tuyến giao thông biển huyết mạch, liên quan tới lợi ích và ngoại thương của nước mình. Sức mạnh biển là yếu tố chính làm cho đất nước giàu mạnh. Muốn như thế, phải có lực lượng hải quân hùng mạnh, vũ khí đầy đủ cùng một mạng lưới nhiều “căn cứ” trên các đại dương để hỗ trợ, bảo vệ cho những đội thương thuyền”. Học thuyết nầy đã giúp Hải quân Mỹ diệu võ dương oai trên khắp các đại dương mãi đến ngày nay, góp phần tạo nên một nước Mỹ hùng mạnh về mọi mặt. Để đáp ứng cho nhu cầu của học thuyết nầy, Hải quân Mỹ đã dốc tâm nghiên cứu và chế tạo không biết bao phương tiện để phục vụ cho hải quân, đưa Hải quân Mỹ đến bất cứ nơi nào họ cần đến, thu được nhiều thành quả mỹ mãn và hỗ trợ, phối hợp… với mọi quân binh chủng trong quân lực Mỹ và đồng minh. Hải quân Mỹ đã xây dựng một lực lượng hải quân hùng hậu với nhiều loại tàu chiến, số lượng mỗi loại tàu tương ứng với nhu cầu, theo từng chiến lược, từng khu vực.

 

Hiện nay, ngoài vô số kiểu tàu chiến nhỏ, Mỹ có đến 11 chiếc hàng không mẫu hạm (HKMH) đang hoạt động mà mỗi chiếc có thể xem tương đương hay lớn hơn lực lượng hải quân của một quốc gia. Xin sơ lược vài so sánh. Ngay cả các quốc gia giàu mạnh là Pháp, Anh, Nga, Ấn Độ mà cũng chỉ có đủ tiền để trang trải cho chiếc HKMH độc nhất hoạt động. Các nước Đức, Gia Nã Đại, Ba Tây, Úc Đại Lợi, Nhật, Hòa Lan, Tây Ban Nha tuy giàu mạnh, lãnh thổ bao bọc bởi đại dương, họ cũng muốn trang bị một chiếc HKMH nhưng chắc không đủ tiền cung ứng để nó hoạt động và bảo trì, đủ cho thấy tầm quan trọng của chiếc HKMH như thế nào. Riêng “chú Chệch đỏ”, với chiếc “Thi Lang…thang” nguyên là “đồ phế thải” và 1 chiếc đang đóng, chưa ai biết nó sẽ hoạt động ra sao, không đáng kể.

 

Tóm lại, với học thuyết Quyền lực trên biển, Hải quân Mỹ đã và đang làm bá chủ đại dương, được trang bị vô vàn phương tiện để phát huy sức mạnh của quân lực Mỹ, hiện diện khắp các đại dương để hỗ trợ cho chính trị, thương mãi,… không những cho chính nước Mỹ mà cho các quốc gia đồng minh, góp phần gìn giữ hòa bình cho nhân loại.

 

 

Logo của Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian Mạng

 

2. Học thuyết “quyền-lực không-gian”:

 

Vào thập niên 1960 của thế kỷ trước, các nhà chuyên môn cùng với chính phủ Mỹ khai sinh học thuyết “quyền-lực không-gian” (Space Power Doctrine), nhằm củng cố quyền lực, chiếm ưu thế trên bầu trời. Sau khi Nga phóng vệ tinh Spounik vào năm 1957, thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh lạnh, người Mỹ nhận thức rằng muốn bảo vệ lãnh thổ Mỹ và các nước đồng minh chống lại hiểm họa Cộng sản, quân đội Mỹ phải kiểm soát được không gian. Từ đó, các chương trình không gian được mở ra, sau đó gặt hái được nhiều thành quả to lớn với những dấu ấn khó quên: bước chân đầu tiên của loài người trên Mặt trăng, với những phi thuyền bay quanh bầu trời để phục vụ cho nhiều nhu cầu cần thiết. Rồi trong các cuộc chiến gần đây, Mỹ đã gặp nhiều nan đề đã làm đảo lộn chiến thuật chiến lược, tạo nhiều bất đồng với đồng minh, vì thế, buộc họ nghĩ đến sách lược khác lấy không gian làm căn cứ.

 

Học thuyết “Quyền lực không gian” có 3 nhiệm vụ chính: Bảo vệ các vệ tinh Mỹ trong không gian; bảo vệ các hoạt động của Mỹ trong không gian; và triệt tiêu mọi đe dọa nhằm vào không gian của đối phương. Với học thuyết nầy, các chuyên gia quân sự đã nghiên cứu để rồi chế tạo không biết bao kiểu vệ tinh, phi thuyền, máy bay (có và không có người lái), hỏa tiễn cùng những khí tài quân sự khác mà học thuyết nầy đòi hỏi, đã đưa Không quân Hoa Kỳ đi tới với những bước chân khổng lồ. Điều đáng nói là học thuyết nầy đã giúp cho quân đội Mỹ thành công trong khi đối phương - khối Cộng do Nga dẫn đầu - vì “chạy đua” với Mỹ đã…“sụm bà chè” giữa đường. Trong hai thập niên 1960, 1970 chương trình tiến vào không gian dường như chỉ là cuộc đua song mã, cuộc đua bằng những phi thuyền không gian. Sau đó, Tàu Cộng tham gia vào với các chương trình Thần Châu nhưng không ai biết thật sự họ thu được kết quả gì không bởi những dụng cụ họ dùng chỉ là những đồ “ăn cắp kiểu” của các nước khác.

 

Trên quan điểm “Quốc gia nào chiếm ưu thế về không gian sẽ chiếm thượng phong trong nhiều lãnh vực”. Qua kinh nghiệm và thực tiễn, Mỹ ngày càng hoàn thiện học thuyết nầy với các chiến lược mới. Các chỉ dấu gần đây của Mỹ được củng-cố từ những biến-cố mới xảy ra trong 2 cuộc chiến gần đây và nhất là sự trỗi dậy của Tàu Cộng với chiến lược “Chống truy cập/ Từ chối khu vực” (Anti Access/ Area Denial, viết tắt là A2/AD, một chiến lược của TC nhằm đối phó với quân đội Mỹ và đồng minh tại châu Á, cho thấy những ý kiến trên hoàn toàn có cơ sở: Hoa-Kỳ muốn làm bá chủ không gian. Ngoài việc tiếp tục các hoạt động tiến vào không gian để khám phá vũ trụ, Mỹ còn có ý định lập các trạm chuyển tiếp trong không gian với mục đích phục vụ cho quân sự. Trong vài cuộc chiến gần đây Mỹ đã gặp nhiều trở ngại, nhiều nan đề xảy ra khi Mỹ cần xử dụng các căn-cứ của nước khác để trú quân, chuyển quân, tiếp vận, tản thương, đổ quân chuyển tiếp... đã làm đảo lộn chiến thuật, chiến lược cũng như tạo bất đồng với các đồng minh. Để giải quyết yếu điểm (4) nầy, Mỹ phải đặt lại vấn đề lập các “căn cứ trên không”, xây dựng các vệ tinh do thám trên bầu trời, biến các vệ tinh nầy thành các căn cứ, xử dụng như một pháo đài.

 

Sau khi Nga phóng vệ tinh Spounik vào năm 1957, Mỹ lập hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn Nike-Zeus và Nike-X để phòng ngừa bị Nga tấn công. Năm 1964, “Hệ thống phòng thủ chống hệ thống đạn đạo Sentinel” rồi “hệ thống SafeGuard” ra đời. Đến thời Tổng thống R. Reagan, thay thế bằng chương trình “Hệ thống Phòng Thủ Chiến lược” (IDS), đặt nặng việc dùng không gian để phá vỡ các cuộc tấn công. Khi phát giác mục tiêu, hỏa tiễn phòng thủ sẽ bắn chặn, phá nổ trên không các hỏa tiễn trên đường bay đến đất Mỹ hay căn-cứ Mỹ. Với chương trình nầy, vũ khí đánh chặn của Mỹ sẽ được phóng ra từ khoảng 3.000 vệ tinh bay trong quỹ đạo thấp của trái đất, gọi là hệ thống Bambi. Đến 1993, Ngũ Giác Đài (NGĐ) quan niệm “phải kiểm soát không gian”, và đó là mối quan tâm hàng đầu của họ từ đó đến nay. “Ủy ban Tư Vấn Khoa học” của Quân lực Mỹ xác định mục tiêu hàng đầu vẫn là “công-nghệ mới và khoảng không” để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong thế kỷ 21. Ủy ban nầy cho hay kế hoạch của Mỹ: “Kiểm soát không gian trở thành chính yếu trong 10 năm sắp tới, sau đó phải có những vệ tinh để cung cấp những thông tin cho các tổ chức của Mỹ về quân sự cùng với kinh-tế”. Sau đó, IDS được đổi bởi “Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Quốc gia” (Natioal Missile Defense, NMD) với việc thành lập “Phi đoàn Kiểm soát Không gian 765”, có nhiệm vụ chế tạo vũ khí chống vệ tinh KE-ASAT, các hệ thống vũ-khí tấn công trong không gian, vệ tinh gián điệp FIA. Tuy nhiên với hệ thống NMD, nếu muốn phóng hỏa tiễn lên bắn chặn hỏa tiễn đối phương, hỏa tiễn Mỹ phải đặt trên đất Mỹ hay các căn-cứ của Mỹ, sẽ bất lợi và chậm trễ, không kịp để phá nổ hỏa tiễn địch. Nếu có vũ khí đặt tại các “căn cứ trên không” sẽ cho khai hỏa tức khắc, vừa kịp thời, và khi phá nổ có thể gây thiệt hại ngay trên đất địch phóng ra. Vì thế, Mỹ đã chế tạo nhiều vệ tinh, phi thuyền phóng vào không gian với rất nhiều nhiệm vụ.

 

Sơ lược qua vài vấn đề vừa bàn đến, học thuyết “quyền-lực không-gian” quả là một trong các học thuyết vô cùng hữu hiệu và cấp thiết, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ như hiện nay để đối phó với những kẻ thù hung hãn, tàn bạo, hiếu chiến trong khi chúng đang thủ đắc nhiều loại vũ khí tối tân, nguy hiểm, giết người hàng loạt, trong đó phải kể đến Nga, Tàu, Iran, Bắc Hàn, luôn muốn xích hóa thế giới, đó là chưa kể các tổ chức Hồi giáo quá khích đã và đang gây ra nhiều tội ác dã man

 

3. Chiến lược “Không–Bộ chiến”:

 

Chiến lược nầy thành lập vào cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980 nhằm áp dụng ở chiến trường Âu châu. Vào thời gian nầy, những tiến bộ về quân sự của Nga đã thúc đẩy các nhà hoạch định chiến tranh của Mỹ đề ra học thuyết chiến thuật Không–Bộ-Chiến (Air-Land Battle Concept) nhằm duy trì sự cân bằng quân sự ở châu Âu. Mục đích của học thuyết này là tập trung vào việc ứng dụng khả năng và tối-đa-hóa hiệu-quả chung của Không quân và Bộ binh để ngăn chặn sự xâm lăng của Nga Sô, ngăn ngừa việc bị khối Cộng trấn áp ở châu Âu. Khi chiến lược nầy được áp dụng, quân đội Mỹ và NATO được trang bị những quân trang quân dụng, vũ khí,… thích hợp, tối tân, dồi dào, đã đập tan ý đồ của khối Cộng, khi đó chúng muốn lấy châu Âu làm khởi điểm.

 

Quốc hội Mỹ đã biểu đồng tình những nỗ lực của BQP bằng cách tài trợ nhiều chương trình chế tạo khí tài tối tân cho quân đội như: chiến xa Abrams M1, Bradley M2, hệ thống phóng hỏa tiễn Multiple-Launch (MLRS), trực thăng tấn công Apache AH-64A, chiến đấu cơ Eagle F-15, Falcon F-16,... Chiến lược Không–Bộ-Chiến với các ý niệm chung được chỉ rõ trong “Cẩm nang chiến trường 100-5” (Field Manual 100-5), đã tác động đến những sự kiện quan trọng ở châu Âu trong Chiến tranh Lạnh, ảnh hưởng đến các kế hoạch khác, từ đó dẫn đến thành công trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Tuy chiến lược Không-Bộ chiến ra đời trong thiên niên kỷ trước và cho dù khối Cộng tan rã nhưng nó vẫn còn vài phần được áp dụng trong thời gian gần đây. Việc sử dụng sức mạnh của Không quân để yểm trợ cho bộ binh vẫn còn là sách lược quy ước, vẫn giữ sự hiện diện của bộ binh trong mắt xích chiến lược để duy trì sức mạnh tổng lực cũng như răn đe địch thủ.

 

4. Học thuyết “Không-Hải chiến”:

 

Đây là một học thuyết mới, đặc biệt, để áp dụng cho chiến lược “Chuyển trục sang châu Á” (Asia pivot) của chính phủ Mỹ. Học thuyết “Không-Hải chiến” (Air-Sea Battle Concept, ASB) được các nhà hoạch định chính sách cùng NGĐ đề ra, mục đích tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Không quân & Hải quân Mỹ, vận hành bộ máy chiến tranh tổng lực để đối phó với Tàu cộng. Mục tiêu của học thuyết nầy áp dụng tại khu vực châu Á, nhằm chống lại sự trỗi dậy của TC, để đập tan chiến lược “Chống truy cập/ Từ chối khu vực” (A2/AD, viết tắt của Anti Access/ Area Denial), thống nhất chiến đấu của lực lượng Không quân & Hải quân Mỹ khi đối mặt với lực lượng PLA của Tàu cộng, từng bước tiêu diệt Không & Hải quân cùng với phương tiện chiến tranh của chúng. Thời gian đầu, Không–Hải Chiến tập trung vào xác định các sáng kiến để phát triển những khả năng và hội nhập cần thiết, giúp các chỉ huy Chiến đấu tiến hành tích hợp, những hoạt động phi lãnh thổ trong những môi trường A2/AD. Theo Schwartz và Greenert, Hải–Không Chiến nhắm vào sử dụng NIA-D3: “kết nối mạng, tổng hợp tấn công tổng lực” để “phá vỡ, phá hủy, và đánh bại” (NIA-D3, viết tắt của networked, integrated, attack-in-depth to disrupt, destroy and defeat) những khả năng A2/AD của quân Tàu. Cụ thể hơn, các lực lượng phối hợp (tổng hợp không quân, bộ binh và hải quân) được trang bị những khí tài thông tin mạnh mẽ, nối mạng internet nhằm tấn công tổng lực tại nhiều nút của các hệ thống của quân Tàu bằng tất cả mọi nỗ lực của ba tuyến.

 

 

 

 

 

Hệ thống phòng thủ biển 2D/ AD củaTrung Cộng. Ảnh Breaking Defence

 

Trong chiến lược nầy, Hải quân sẽ sử dụng UCLASS, viết tắt của Unmanned Carrier-Launched Airborne Surveillance and Strike (máy bay không người lái đễ giám sát trên không và máy bay chiến đấu) để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa đến 1.500 hải lý. Với khoảng cách như vậy, các HKMH có thể hoạt động cách xa hơn, sẽ làm giảm hoặc vô hiệu hóa các loại “Hỏa tiễn Đạn đạo chống Chiến hạm” (ASBM, anti-ship ballistic missile) của TC. Mỹ sẽ huy động lực lượng hacker để tấn công mạng chỉ huy của Tàu cộng, cùng lúc sẽ làm tê liệt mạng lưới radar và thông tin của họ, sau đó chiến đấu cơ F-22 sẽ tiêu diệt các giàn hỏa tiễn hành trình, hỏa tiễn đạn đạo chống HKMH Mỹ của Tàu, mở đường cho các HKMH tiến gần đến các mục tiêu của TC. Tiếp theo đó, F-22 và hỏa tiễn hành trình sẽ tấn công các trạm radar trên mặt đất của Tàu. Cuối cùng, dưới sự yểm trợ của máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler, các chiến đấu cơ cất cánh từ HKMH sẽ tiến hành không kích vào lãnh thổ đối phương.

 

Giáo sư Aeron Fiedberg, chuyên gia Nghiên cứu về “Air–Sea Battle” thuộc Đại Học Princeton cho biết: “Mũi nhọn của hình thức tác chiến này, không phải là lục quân hay không quân mà chính là các hacker, tức các “chiến binh Cyber”. Khi chiến tranh mở màn, Mỹ sẽ dùng chiến thuật làm mù đối phương rồi tấn công vào hệ thống mạng và hệ thống vệ tinh dùng để chỉ huy, kiểm soát các loại hỏa tiễn và các phương tiện tác chiến khác của địch. Ngoài ra, họ còn đồng loạt tấn công từ trên không và trên biển vào “mục tiêu mềm” của Tàu Cộng như hệ thống radar”. Giai đoạn tiếp theo sẽ tấn công các tàu chiến, tiêu diệt các giàn hỏa tiễn đạn đạo di động và mọi trang bị trên biển, trên mặt đất của địch. Sau đó, các loại máy bay của không quân, hải quân và TQLC sẽ đảm trách nhiều nhiệm vụ, gồm cả việc ném bom trên lãnh thổ Trung Cộng”.

 

Học thuyết Không-Hải chiến sử dụng Không quân Mỹ bảo vệ các căn cứ Hải quân Mỹ như đảo Guam, Okinawa, Philippines…, sử dụng máy bay của Không quân rải thủy lôi, hợp đồng tác chiến để chống lại những đe dọa từ chiến lược A2/AD của Bắc Kinh dùng hỏa tiễn đạn đạo “không đối không”, “đất đối không” nhằm vào các chiến hạm, các chiến đấu cơ trên các phi trường và trên các HKMH. BQP và NGĐ đang đẩy mạnh việc bố trí các lực lượng theo hướng phù hợp với chiến lược tại Châu Á – TBD qua việc tăng cường không quân với nhiều phi đội chiến đấu cơ F-22 Raptor, chiến đấu cơ F-35, tàu ngầm hạt nhân, hỏa tiễn đạn đạo. Trong học thuyết Không-Hải chiến, Mỹ sẽ xây dựng và củng cố chặt chẽ tình hữu nghị và bảo vệ lẫn nhau với các đồng minh trong khu vực để hổ trợ cho chiến lược ASB trên toàn Châu Á - TBD. Theo các nhà hoạch định chính sách người Mỹ thì Úc được xem là vị trí địa chính trị quan trọng nhất trong trục đồng minh Mỹ ở TBD. Cùng với việc bố trí TQLC ở Darwin - một căn cứ quân sự trên đất Úc Đại Lợi - cũng như sự linh hoạt trong việc điều động quân lực ở châu Á, Mỹ còn thành lập các căn cứ cho máy bay không người lái, các trạm theo dõi vệ tinh. Trường hợp xảy ra chiến tranh với TC thì sự hỗ trợ của Australia lại càng cần thiết cho Washington, vì Australia nằm trên hải trình tiếp tế từ Mỹ, sẽ dễ dàng cho việc nhận tiếp liệu. Hơn nữa, Úc ở một khoảng cách khá an toàn trước sự đe dọa của hỏa tiễn TC.

 

Tóm lại, rõ ràng là Hoa Kỳ đã chuẩn bị rất tốt cho học thuyết “Không-Hải chiến”, đặc biệt để đối phó với giặc Tàu. Để đáp ứng nhu cầu cho học thuyết nầy, chính quyền Mỹ đã và đang nghiên cứu, chế tạo, sản xuất ra những khí tài quân sự mới, nhất là những loại phi cơ chiến đấu có tầm bay rất xa, vượt ngoài tầm bắn của các hỏa tiễn đạn đạo của Tàu, những chiến đấu cơ không người lái thông minh, có thể tiếp nhiên liệu trên không để đủ sức thi hành những phi vụ thật xa. Học thuyết nầy còn hỗ trợ cho chiến lược “Hạm đối phân tán” (Fleet-In-Dispersal) để chống lại chiến lược “Hạm đội Hiện hữu” (Fleet-In-Exist) của Tàu công, sẽ đề cập đến trong đoạn sau.

 

 

Logo của Bộ Tư Lệnh Chiến Lược Mỹ

 

5. Chiến lược “Lục-Hải chiến”:

 

Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Tây TBD là Đô đốc Harry Harris cho rằng “Lục Quân Hoa Kỳ nên đóng một vai trò tích cực hơn trong việc tiêu diệt chiến hạm của đối phương”. The Diplomat, số ra tháng 12/2016 đã có bài viết về chiến lược “Lục Quân Hải Chiến” (Land-Sea Battle Operational Concept), nhắc đến việc Đô đốc Harris muốn Lục quân Mỹ thành lập các “Đơn vị Chuyên trách có nhiệm vụ diệt chiến hạm” để răn đe chiến hạm đối thủ của Mỹ tại khu vực TBD, bao gồm cả Biển Đông lẫn Hoa Đông, trong một tham luận ông đọc tại Washington D.C. vào ngày 15/11/2016. Trong thế chiến 2, quân Đức đặt 2 khẩu đại pháo trên đảo Navarone để khống chế các chiến hạm đồng minh, tạo ra nhiều khó khăn cho liên quân đồng minh cùng tàu bè lưu thông trên vùng biển nầy. Theo Đô Đốc Harris, vai trò của bộ binh cần phải được phát huy, trong đó có việc “tiêu diệt các chiến hạm địch bằng cách sử dụng các hệ thống hỏa tiễn chống chiến hạm đặt ở trên bờ”. Cũng theo ông, đúng với truyền thống, Lục quân sẽ dùng thế mạnh của họ: “nhân lực, hỏa lực và năng lực” trong khi đối đầu với địch quân. Lực lượng TQLC cũng có thể đóng vai trò tương tự khi cần. Nếu có một chiến lược phòng thủ tại các hòn đảo, nơi có thể án ngữ lối ra vào các hải trình trên các đại dương, các đơn vị phòng thủ nầy sẽ gây thiệt hại cho tàu bè phe địch bằng các loại hỏa tiễn, trọng pháo, súng laser, phi cơ,… ngoài việc theo dõi các hoạt động của đối phương. Đô Đốc Harris giải thích: “Tôi nghĩ đến một nơi ở vùng TBD mà ta có thể bố trí các hệ thống vũ khí ở nhiều chỗ, các hệ thống này sẽ đặt các đối thủ tiềm tàng ở Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Nhật Bản vào vòng nguy hiểm…Tôi cho rằng đây là một ý niệm quan trọng mà chúng ta buộc phải nghĩ đến khi vạch ra cách duy trì ưu thế so với các đối thủ của chúng ta trong khu vực”. Ông còn cho biết ý kiến về các hành động của TC: “Tôi rất quan ngại trước các động thái quyết đoán của TC, đặc biệt là ở vùng Biển Đông và biển Hoa Đông”.

 

Các lực lượng phong tỏa đường biển được tăng cường mạnh mẽ của chiến lược “Lục-Hải Chiến” khi được thi hành đúng mức, có khả năng cô lập hóa các eo biển chiến lược, như eo biển Malacca. Lục quân sẽ dùng các loại súng phòng không, trọng pháo Paladin M109A7, trọng pháo phản lực M142, các hỏa tiễn chiến thuật của Lục quân… sẽ kiểm soát, khóa chặt các eo biển chiến lược. Quần đảo Ryukyu ở phía Nam và những nhóm đảo của Nhật sẽ trở thành căn cứ lợi hại. Chuổi đảo nầy được chuyên gia quân sự Kyle Mizokami xem là cứ điểm quan trọng của Nhật trong chiến lược phong tỏa cửa ngỏ ra vào của các chiến hạm TC. Từ Okinawa, chuỗi đảo Ryukyu trải dài theo hướng Tây Nam từ Kyushu đến gần Đài Loan, Mizokami cho rằng “hoàn toàn có thể chặn đứng mọi nỗ lực của các chiến hạm TC muốn đi qua hành lang hiểm trở nầy”. Ngoài ra, Mỹ và liên minh truyền thống có thể cài đặt thủy lôi tại các eo biển ở khu vực, góp phần hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ ngoài khơi và phong tỏa, ngăn chận tàu bè của Tàu Cộng. Nhà nghiên cứu Mỹ Sean Mirsky có viết trên Tạp chí Nghiên cứu chiến lược (Journal Of Strategic Studies) một bài phân tích về việc “Hải quân Mỹ sẽ phong tỏa Hải quân TC nếu xảy ra chiến tranh giũa 2 nước”. Ông cho rằng phong tỏa là giải pháp chiến lược nòng cốt nhất, là phương pháp chiến đấu tối ưu chống lại Tàu Cộng, vô hiệu hóa mọi nỗ lực của họ.

 

Nếu phong tỏa được mọi chuyển vận của Trung Cộng, có thể phá hủy hoàn toàn tiềm năng kinh tế của Tàu. Cũng cần biết thêm vài điều về các thương thuyền vận tải qua các “yết hầu hàng hải” trên thế giới: hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển của thế giới đi qua các eo biển Malacca, eo biển Sunda và eo biển Lombok (5), và đa số tàu vận tải này tiếp tục hành trình vào Biển Đông. Lượng tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca để vào Biển Đông nhiều hơn 3 lần số tàu loại này qua kênh đào Suez, hơn 5 lần số lượt loại tàu này qua kênh đào Panama. Có một điều mà ít người biết là hiện nay, “Chỉ cần 1 máy bay thám thính MQ-4C Triton (không người lái) (6) cùng với 1 máy bay chống tàu ngầm và tuần tra P-8A Poseidon (có 2 hoa tiêu) (7), Hải quân Mỹ có thể quan sát, kiểm soát được một khu vực rộng đến gần 7 triệu cây số vuông chỉ trong một phi vụ; có thể biết từ Căn cứ Hải quân Du Lâm, “chú ba” đã lùa đàn vịt ra biển Đông lúc nào, bao nhiêu con, có bao nhiêu vịt chìm bao nhiêu vịt nổi".

 

Với học thuyết nầy, Mỹ thừa sức khóa chặt các hải trình huyết mạch - điển hình là Eo biển Malacca - để bóp nghẹt nền kinh tế TC vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập cảng dầu hỏa và giao thương hàng hải. Mirsky cho rằng, việc phong tỏa là phương án khả thi đối với Mỹ trong một cuộc xung đột vũ trang “quy mô lớn” giữa Mỹ và Tàu. Ông còn nhận định rằng phương án phong tỏa Đại Lục chắc chắn sẽ được thực hiện khi xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và TC. Nền kinh tế Trung Cộng phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động kinh tế, thương mại với nước ngoài, 90% được thực hiện thông qua vận tải hàng hóa bằng đường biển. TC cũng nhập cảng khoảng 60% lượng dầu đáp ứng nhu cầu kinh tế, thương mại trong nước, vận tải containers tập trung đến 80% ở 10 hải cảng lớn nhất nước này, vì thế, nếu phong tỏa được các hải trình vận chuyển, nền kinh tế của TC sẽ bị suy sụp, đó là nỗi lo lớn nhất của Bắc Kinh.

 

6. Chiến lược “hạm đội phân tán”.

 

Để chống lại chiến lược “Hạm đội hiện hữu” (Fleet-In-Being) của TC, Mỹ áp dụng chiến lược “hạm đội phân tán” (Fleet-In-Dispersal). “Hạm đội hiện hữu” là một chiến lược được sử dụng bởi một lực lượng hải quân yếu thế hơn nhằm răn đe không cho đối phương tấn công vào lực lượng mình, hoặc làm suy yếu lực lượng địch qua những đợt tấn công nhỏ lẻ và liên tục vào lực lượng địch hoặc vào các đường giao thông trên biển. Chiến thuật nầy bắt nguồn từ nỗ lực của Đô Đốc Torrington (Anh quốc) nhằm tránh một cuộc quyết chiến với hạm đội của Pháp mạnh hơn nhiều vào năm 1690, trận chiến mà ông chỉ huy liên quân Anh - Hòa Lan, nhưng ông không thể tránh khỏi thất bại, tại Beachy Head. Mục đích ban đầu của “hạm đội hiện hữu” là duy trì một sự hiện diện hải quân có thể quan sát được để hư trương thanh thế, khiến đối phương lo sợ, từ đó mất đi nhuệ khí tấn công. Chiến thuật này không để tấn công do yếu thế hơn nhưng cũng không rút khỏi vị trí của mình, giữ vững vị trí đó để ngăn chặn những cuộc tấn công vào chính nó hay vào lãnh thổ chủ quyền. Chiến lược “hạm đội hiện hữu” để chỉ những hành động của hạm đội yếu thế nhằm làm suy yếu đối thủ mạnh, không cần các trận đánh quyết định, chỉ cần những tấn công hạn chế, hoặc làm gián đoạn nguồn tiếp tế bằng sự có mặt của nó. Theo giáo sư Geoffrey Till (8), chiến thuật này đặt ra 4 mục tiêu: 1. Đạt được một mức độ kiểm soát nhất định trên biển bằng cách tránh những trận đánh quyết định; 2. Đạt được lợi ích chiến lược bằng những hành động có ích (đánh vào thương mại, bờ biển đối phương) mà không cần đánh bại lực lượng chủ lực của địch; 3. Liên tục quấy rối, tránh né, ngăn không cho đối phương hưởng lợi thế; và 4. Bảo đảm cho hạm đội yếu thế của mình sống sót đến cùng.

 

Trước những tiến bộ về hỏa tiễn của TC, vài điểm trong chiến lược hải quân của Mỹ ở Đông Á lại gần giống với chiến lược “hạm đội hiện hữu”. Tuy đang ở vị thế dẫn đầu nhưng lực lượng hải quân và TQLC Mỹ cũng đang tránh đụng độ trực tiếp với quân đội TC mà chỉ có những hành động răn đe các động thái gây hấn của TQ. Mỹ đang cố tình giữ khoảng cách để tránh xung đột và cũng để phòng bị tốt hơn trước những loại hỏa tiễn của địch, đồng thời duy trì đủ lực lượng tấn công để tạo áp lực và răn đe. Đó là cách áp dụng uyển chuyển của chiến lược “hạm đội phân tán”. Mỹ đang áp dụng chiến lược này qua những thông báo gần đây về việc xoay trục về châu Á cùng những thay đổi lực lượng của họ ở khu vực châu Á–TBD. Mỹ đang duy trì hiệp ước phòng thủ với 5 nước châu Á-TBD, duy trì sự cam kết giữ gìn ổn định và tự do hàng hải qua các vùng biển chung. Sự duy trì này cần thiết trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông gần đây cùng với các xung đột ngoại giao xảy ở vùng biển Hoa Đông khi quan điểm cứng rắn về ngoại giao của Bắc Kinh khi họ đã tăng cường ở tiềm lực hải quân. Tại Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La vào tháng 6-2011, một trong những chủ đề chính là “Mong muốn một tín hiệu rõ ràng của Mỹ trong việc duy trì cam kết của mình”. Mỹ đã chuyển quân, phân tán quân khi thi hành chiến lược nầy đã gây ra vài tác động. Việc đưa tàu chiến đến gần bờ châu Á cho thấy ý định hỗ trợ đồng minh, duy trì tự do hàng hải trong khu vực. 90% sản phẩm TC vận chuyển bằng đường biển đều phải đi qua eo biển hẹp Singapore, việc Mỹ đưa chiến hạm đến gần eo biển nầy ẩn chứa mối đe dọa cho TC. Nếu chiến sự nổ ra, lực lượng Mỹ sẽ kiểm soát toàn bộ lưu thông qua eo biển này, siết chặt TC bằng một cuộc phong tỏa eo biển Malacca. Mỹ đưa TQLC đến Darwin, Australia, như gởi một thông điệp cho TC rất rõ ràng: Mỹ giữ cam kết với đồng minh, điều động lực lượng đến những nơi cần thiết khi hữu sự. Việc quân Mỹ hiện diện ở Singapore và Australia là hoàn toàn phù hợp với huấn thị “Khái niệm tiếp cận tác chiến liên hợp” (Joint Operational Access Concept) mà BQP Mỹ ban hành ngày 17-1-2012, là sự phản ứng của Mỹ để đối phó với chiến lược ”Chống tiếp cận/ Phong tỏa khu vực” A2/AD của TC, hoàn toàn phù hợp với học thuyết “Không-Hải chiến” được đề cập đến trong bản “Kiểm điểm Chính sách Quốc phòng” của BQP Mỹ.

 

Trong “Khái niệm Tiếp cận Tác chiến liên hợp” nằm trong huấn thị của học thuyết “Không-Hải chiến”, áp dụng cho chiến lược “hạm đội phân tán” ở châu Á, trên trang 26 có ghi rõ “Ý tưởng tác chiến dựa trên nhiều chiến dịch tự duy trì cùng lúc, mang lại nhiều lựa chọn cho lực lượng liên hợp và buộc đối thủ phải phòng thủ theo nhiều trục khác nhau”. Nói cách khác, việc bố trí quân từ nhiều nơi sẽ gây khó khăn cho việc thu thập tình báo và khả năng đáp trả hiệu quả của đối phương trước sự dịch chuyển quân. Văn kiện còn nói thêm, một lực lượng “Bao gồm những thành tố liên kết tự duy trì, được hỗ trợ bởi hỏa lực liên kết, sẽ di chuyển một cách độc lập đến nhiều điểm chiến dịch, từ nhiều hải cảng xuất quân khác nhau, có thể thay đổi lộ trình trên đường nếu cần, tập trung nhanh chóng vào những mục tiêu chủ chốt, và lại phân tán nếu tình huống đòi hỏi”. Mặc dù văn kiện “Khái niệm tiếp cận tác chiến liên hợp” được soạn thảo cho quân Mỹ trên toàn cầu, thực chất đối phó với chiến lược ”Chống tiếp cận/ Phong tỏa khu vực” A2/AD của Tàu Cộng. Ngoài ra, tùy nhu cầu chiến trường, việc thêm bớt, phân tán, tập hợp, điều động quân đóng tại Nhật, Nam Hàn, Okinawa, đảo Guam, Úc Đại Lợi, là điều quá dễ dàng với Không quân Mỹ luôn sẵn sàng cho mọi tình huống chuyển vận. Tóm lại, tùy theo tình hình chung, tùy nơi xảy ra xung đột, tùy tính chất của cuộc chiến, quân đội Mỹ sẽ uyển chuyển áp dụng chiến lược “Hạm đội phân tán” hay các biến thế, cốt sao mang lại thắng lợi mà ít tổn hại về nhân, tài, vật lực.

 

7. Chiến lược “Không gian mạng”.

 

“Tác chiến trên mạng” là một trào lưu mới, bắt đầu từ các cuộc chiến tranh công nghệ do quân đội Mỹ tiến hành gần đây: Các cuộc tấn công kết hợp giữa vũ khí vật chất (tấn công tiếp xúc, Kinetic attacks) và vũ khí phi vật chất (tấn công không tiếp xúc, Non-kinetic attacks) để gây ra thiệt hại to lớn cho đối phương, không chỉ riêng về mặt quân sự. Quân đội Mỹ là quân đội đầu tiên thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng (The United States Cyber Command, viết tắt là USCYBERCOM). Ngày 23-6-2009, BQP Mỹ đã chỉ đạo cho Bộ Tư Lệnh Chiến Lược Mỹ (The United States Strategic Command, viết tắt là USSTRATCOM) thành lập “Bộ Tư lệnh Tác chiến Mạng” trực thuộc BQP, với nhiệm vụ: thống nhất các hoạt động không gian mạng, tăng cường khả năng không gian mạng, tích hợp và củng cố chuyên môn mạng của BQP. Sau đó, USCYBERCOM được thành lập tại trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) ở Maryland, ban đầu sử dụng mạng lưới NSA, được đặt dưới sự chỉ huy của Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia. USCYBERCOM tiếp thu các trách nhiệm của hai tổ chức: 1. Lực lượng Phối hợp Tác chiến Mạng Toàn cầu, Joint Task Force-Global Network Operations (JTF-GNO); 2. Bộ tư lệnh Tác chiến mạng Hợp thành, Joint Func-tional Component Command-Network Warfare (JFCC-NW).

 

Như vậy, nhiệm vụ của USCYBERCOM là “Điều phối các hoạt động tác chiến hàng ngày và bảo vệ hệ thống mạng của NGĐ, gồm 15.000 hệ thống máy tính riêng biệt và hơn 7 triệu máy tính đơn lẻ và thiết bị công nghệ thông tin khác”. USCYBERCOM được thành lập với 3 lý do chính: 1. Sự kết hợp giữa JTF-GNO và JFCC-NW giúp loại bỏ các khiếm khuyết và lỗ hổng trong hệ thống vận hành và bảo vệ mạng của BQP (Depatment Of Defense, DoD); 2. Những thành tựu mới sẽ tạo ra sự gia tăng năng lực hỗ trợ các hoạt động tác chiến mạng trên phạm vi toàn cầu; 3. Những khiếm khuyết, lỗ hổng trong việc bảo đảm an ninh của BQP sẽ được nhận dạng và cảnh báo để USCYBERCOM dập tắt tức thì. Ngoài USCYBERCOM, mỗi tổ chức (như CIA, FBI, NSA, DIA…), mỗi quân chủng (Không, Lục, Hải quân, TQLC) cũng có các đơn vị Tác chiến mạng tương ứng. Theo một tài liệu xuất bản năm 2013 của Trường Cao đẳng Hải quân Mỹ, có tên “Organizing for CyberSpace Operation: Selected Issues”, tại các trang 347, 348 có ghi một số mục đích mà lực lượng Tác chiến Mạng nhắm tới, đó là: “…Năng lực tác chiến mạng được yêu cầu không có tác dụng hoặc ý định gây ra những tổn hại (chết hay bị thương) về nhân mạng. Ngoài sự hủy hoại hệ thống máy tính của đối phương, các loại khác của năng lực (tác chiến mạng) phải xem xét, là: Làm gián đoạn (disrupt), Từ chối dịch vụ (deny), Làm giảm khả năng (degrade), Phủ nhận (negate), hoặc Làm hư hỏng (Impair) hệ thống máy tính, cơ sở dự liệu, các hoạt động và năng lực (mạng)… của đối phương”.

 

Lúc đầu USCYBERCOM có nhiệm vụ phòng thủ, sau đó được xem như là một lực lượng tấn công. Khi USCYBERCOM tách khỏi NSA, đơn vị nầy giữ vai trò chiến lược trong công tác đồng bộ hóa các đơn vị tác chiến mạng, đào tạo, chỉ đạo và phối hợp các chiến dịch quân sự trong không gian mạng, xâm nhập mạng lưới thông tin liên lạc của kẻ thù, xâm nhập cơ sở hạ tầng của trung tâm huấn luyện, sau đó tìm cách nào đó để đối phương không thể sử dụng Internet được nữa. Tác chiến mạng không chỉ đơn thuần là việc sử dụng thiết bị điện tử để gây nhiễu, làm lạc hướng radar phòng không, làm nhiễu sóng hệ thống điều khiển máy bay ném bom, mà còn có các nhiệm vụ: 1. Thu thập thông tin tình báo; 2. Làm rối loạn hệ thống thông tin liên lạc, mạng điều khiển của một quốc gia, hoặc liên quốc gia trong một khu vực; 3. Tấn công qua không gian điều khiển để phá hủy hoàn toàn các hệ thống: a. thông tin, liên lạc, (dân chính, quốc phòng, ngân hàng…), b. mạng lưới điều khiển các nhà máy điện nguyên tử; c. mạng điều khiển việc xả lũ ở các con đập quan trọng để gây ngập lụt trên diện rộng cho đối phương. Tấn công (tác chiến) trên mạng được coi là một loại hình “Tấn công (tác chiến) Không tiếp xúc”.

 

 

Logo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương

 

Tháng 4-2015, Bộ Quốc Phòng Mỹ công bố tài liệu về “Chiến lược Tác chiến Mạng”. NGĐ đánh giá nguy cơ chiến tranh mạng còn cao hơn nguy cơ khủng bố, xác định các mối đe dọa bao gồm quân sự lẫn kinh tế từ các quốc gia thù địch như: Nga, Tàu, Iran, Bắc Hàn… và các tác nhân phi chính phủ như IS, bọn tội phạm trên mạng. Chiến lược không gian mạng xác định 5 mục tiêu: 1. xây dựng và duy trì lực lượng và năng lực sẵn sàng tác chiến trong không gian mạng; 2. bảo vệ hệ thống thông tin và dữ liệu của BQP, giảm thiểu mọi nguy cơ đe dọa; 3. sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ Mỹ và các lợi ích sống còn của Mỹ đối với mọi hình thức tấn công mạng; 4. chuẩn bị các giải pháp không gian mạng hiệu quả để ngăn chặn leo thang xung đột và làm chủ xung đột; 5. xây dựng và duy trì các quan hệ đồng minh và đối tác quốc tế vững chắc để đáp trả các mối đe dọa chung. Ngày 4-5-2018 (May 4-2018), USCYBERCOM tách khỏi NSA, trở thành “Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian Mạng” (The United States Cyber Command, viết tắt là USCYBERCOM) độc lập, nhận chỉ thị trực tiếp từ Bộ trưởng BQP, xếp ngang hàng với Bộ Tư Lệnh Chiến Lược (The United States Strategic Command, USSTRATCOM, thành lập: June 01-1992) và 8 Bộ Tư lệnh chiến đấu hợp nhất khác: Bộ Tư lệnh Phương Bắc (The United States Northern Command, USNORTHCOM, October 01-2002), Bộ Tư lệnh Phương Nam (The United States Southern Command (USSOUTHCOM, June 06-1963), Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (The United States Indo-Pacific Command, USINDOPACOM, January 01-1947 (9), May 30-2018) (9), Bộ Tư lệnh Trung tâm (The United States Central Command, USCENTCOM, January 01-1983), Bộ Tư lệnh Châu Âu (The United States European Command, EUCOM, August 01-1952), Bộ Tư lệnh Châu Phi (The United States Africa Command, USAFRICOM, U.S.AFRICOM, AFRICOM, October 01-2007), Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt (The United States Special Operations Command, USSOCOM USSOCOM, April 16-1987), Bộ Tư lệnh Vận tải (The United States Transportation Command, USTRANSCOM, July 01-1987).

 

USCYBERCOM chỉ huy 3 lực lượng: bảo vệ quốc gia; tác chiến; bảo vệ không gian mạng. Lực lượng bảo vệ quốc gia làm nhiệm vụ bảo vệ hệ thống mạng phục vụ mạng lưới điện, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng. Lực lượng tác chiến hỗ trợ USCYBERCOM lập kế hoạch và tiến hành tấn công mạng. Lực lượng bảo vệ mạng phụ trách bảo vệ hệ thống mạng BQP. USCYBERCOM sẽ điều phối hoạt động của các đơn vị tác chiến mạng thuộc các quân binh chủng Hải, Lục, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến và 133 đội tác chiến. NATO sẽ thành lập trung tâm tác chiến mạng, nhiều nước cũng đã quyết định đưa kế hoạch phòng vệ mạng vào chiến lược phòng thủ quốc gia. Theo đà tiến bộ về tin học như hiện nay, chắc chắn cuộc chiến trên mạng sẽ vô cùng gay go, ác liệt với muôn ngàn tình tiết, nhiều khía cạnh đáng biết, những tài liệu về vấn đề nầy sẽ là những đề tài hấp dẫn cho người đọc.

 

III. LỜI KẾT

 

Trên đây là một số học thuyết, chiến lược về quân sự tiêu biểu, phần nào được phổ biến nhưng chắc còn nhiều điều vẫn còn được giữ kín. Chiến tranh là điều tồi tệ, ít người muốn nó xảy ra, nhưng cũng khó tránh khỏi nếu các cuộc thương thuyết, điều đình, các thỏa ước, những hoạt động ngoại giao, vận động hành lang v.v… không đi đến kết quả, không đáp ứng đòi hỏi của các bên. Các học thuyết, các chiến lược, chiến thuật… về quân sự là những văn bản – cùng với vũ khí – sẽ làm cho các cuộc chiến thêm phần ác liệt, tạo cho thương vong vô cùng lớn, thiệt hại không thể kể xiết. Nhân loại không muốn chiến tranh nên không tha thiết gì với các học thuyết, chiến lược quân sự nhưng chúng ta thường nghe nhóm từ ngữ “lực lượng quân sự bảo vệ hòa bình”, quả là chuyện trớ trêu!

 

Lê Chánh Thiêm.

2-2018.

 

Tài liệu tham khảo:

 

- Ask.com; Google.com; Aerospace; Defense-Update; Killer Apps

- China-defense-mashup; Trang Wired;

- Jane's Intelligence Review (Jane's Intelligence Review)

- Federation of American Scientists (Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ FAS)

- Cục Kế hoạch Nghiên cứu Vũ khí Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA)

- Cục Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cao Cấp (DARPA)

- Cục trinh sát vũ trụ-quân sự quốc gia (National Reconnaissance Office)

- Stratfor: tổ chức phân tích thông tin tình báo.

- Wikipedia, the free encyclopedia. Tài liệu tổng hợp.

 

Chú thích:

 

(1) Đô-Đốc Alfred Thayer Mahan: sinh 27.9.1840, chết 01.12.1914, là sĩ quan Hải quân cũng là sử gia Mỹ.

 

(2) Sir. John Desmond Patrick Keegan: 15.5.1934 – 2.8.2012, là nhà sử học quân sự, giảng viên đại học, nhà văn, nhà báo Anh.

 

(3) Carl Philipp Gottfried von Clausewitz: 01.6.1780 – 16.11.1831, là một chiến binh của Vương quốc Phổ, một nhà lịch sử học và lý luận học quân sự, có tầm ảnh hưởng về quân sự rất lớn.

 

(4) Yếu điểm là điểm quan trọng. “Yếu” là một từ ngữ Hán Việt, là trọng-đại, thiết đáng, cốt-yếu. Thí dụ: Yếu điểm của thành công là tính kiên-nhẫn. Còn có một chữ “yếu” là tiếng Nôm: là yếu ớt, yếu kém; trái nghĩa với chữ “mạnh”. Nên biết thêm về 2 từ ngữ khác dễ nhầm lẫn: "nhược điểm" và "khuyết điểm". Nhược điểm” (nhược: yếu; điểm: chỗ), là điểm yếu, chỗ yếu kém. Thí dụ: Nhược điểm của ông X. là hay say sưa và đam mê cờ bạc. “Khuyết điểm” là điểm thiếu sót. Thí dụ: Khuyết điểm của cựu Thủ Tướng Nga Nikita Sergeyevich Khrushchev là tính kiên nhẫn. Khi bị chọc tức, ông ta thường hay nổi tính côn đồ.

 

(5) a. Eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương. b. Eo biển Sunda (tiếng Indonesia: Selat Sunda) nằm giữa các đảo Java và Sumatra của Indonesia, nối biển Java với Ấn Độ Dương. Tên gọi xuất phát từ chữ Pasundan trong tiếng Indonesia có nghĩa là Tây Java. c. Eo biển Lombok (tiếng Indonesia: Selat Lombok) nối Biển Java với Ấn Độ Dương, nằm giữa các đảo Bali và Lombok ở Indonesia. Quần đảo Gili nằm ở phía bên Lombok. Điểm hẹp nhất ở phía Nam rộng 18 km, điểm rộng ở phía bắc 40 km, chiều dài 60 km; nó sâu 250m, sâu hơn so với eo biển Malacca nên những tàu nước sâu thường sử dụng eo biển Lombok, thay cho Malacca.

 

(6) Máy bay Northrop Grumman MQ-4C Triton được chế tạo phục vụ cho “Chương trình Giám sát Hàng hải Khu vực rộng” (Broad Area Maritime Surveillance, BAMS). Đặc điểm chung: Nhân viên: máy bay không người lái, 4 nhân viên cần thiết cho mỗi trạm mặt đất; Chiều dài: 47,6 ft (14,5m); Sải cánh: 130,9ft (39,9 m); Chiều cao: 15,4 ft (4,7m); Tổng trọng lượng: 32.250 lb (14.628kg); Động cơ: 1 động cơ phản lực Rolls-Royce AE 3007, 6,495–8,917 lbf (28,89-39,66 kN) lực đẩy; Hiệu suất: Tốc độ tối đa: 357 dặm/giờ (575 km/h; 310 kn); Tầm hoạt động: 9.436 dặm (8.200nmi; 15,186km); Thời gian hoạt động: 30 giờ; Cao độ: 60.000ft (18.000m).

 

(7) Máy bay Boeing P-8 Poseidon, tên cũ: Multimission Maritime Aircraft, loại máy bay chống tàu ngầm và tuần tra của Hải quân Mỹ. P-8 do công ty Boeing Defense, Space & Security chế tạo. Đặc điểm tổng quát: Phi hành đoàn: Hoa tiêu: 2; Sĩ quan vận hành: 7; Dài: 129 ft 5 in (39,47m); Sải cánh: 123.5ft (37,64m); Cao: 42 ft 1 in (12,83m); Trọng lượng rỗng: 138.300lbs (62.730kg); Trọng lượng tối đa: 189.200lbs (85.820kg); Động cơ: 2 động cơ CFM56-7B kiểu turbofan 27.000 lbf (120 kN) mỗi chiếc. Hiệu suất bay: Vận tốc cực đại: 490 knot (907 km/h); Vận tốc hành trình: 440 kn (815 km/h); Tầm xa: 1.200 nmi (2.222 km); Cao độ: 41.000ft (12.496m). Vũ khí: 11 hỏa tiễn SLAM-ER (5 ở trong và 6 gắn ở ngoài), mìn và ngư lôi. Hệ thống điện tử: Radar quét bề mặt đa nhiệm Raytheon APY-10; Radar quét bề mặt, cảm biến tiên tiến và Tín hiệu thông minh [Signals intelligence, SIGINT: là sự thu thập thông tin bằng cách chặn tín hiệu, cho dù “liên lạc giữa con người” (communications intelligence, thông tin liên lạc, viết tắt là COMINT) hoặc từ tín hiệu điện tử không được sử dụng trực tiếp trong giao tiếp (electronic intelligence, trí thông minh điện tử, viết tắt là ELINT). Tín hiệu thông minh là một tập con của quản lý bộ sưu tập tình báo].

 

(8) Geoffrey Till, sinh ngày 14.01.1945, một nhà sử học hải quân, giáo sư Khoa Nghiên cứu Quốc phòng của King's College, London, Anh quốc.

 

(9) Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (The United States Indo-Pacific Command, USINDOPACOM) là hậu thân của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương (United States Pacific Command, thành lập vào January 01-1947), được Bộ Quốc Phòng Mỹ đổi tên vào ngày 30-5-2018, để gia tăng khu vực trách nhiệm, thêm vùng Ấn Độ Dương và một phần châu Á vào vùng trách nhiệm cũ, cho các hoạt động quân sự, trong một khu vực rộng hơn 100 triệu dặm vuông (260 triệu cây số vuông), hay khoảng 52 phần trăm bề mặt Trái đất, trải dài từ các vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ đến tận bờ biển phía Tây của Ấn Độ, và từ Bắc Cực đến Nam Cực. Các đơn vị thống thuộc của đơn vị nầy gồm có: Lục Quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (U.S. Army Pacific), Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (U.S. Pacific Fleet), Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (U.S. Pacific Air Forces), Lực lượng Hàng hải Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (U.S. Marine Forces Pacific), Lực lượng Hoa Kỳ ở Nhật Bản (U.S. Forces Japan), Lực lượng Hoa Kỳ ở Hàn Quốc (U.S. Forces Korea), Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt ở Hàn Quốc (Special Operations Command Korea) và Bộ Tư Lệnh Vận hành Đặc biệt Thái Bình Dương (Special Operations Command Pacific). Ngoài ra, Bộ Tư Lệnh nầy điều hành ba đơn vị khác, đó là: Trung tâm Điều hành Tình báo khớp lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (U.S. Pacific Command Joint Intelligence Operations Center, JIOC); Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Thiên tai và Nhân đạo (The Center for Excellence in Disaster Management and Humanitarian Assistance (CFE-DMHA) cùng Lực Lượng Liên Kết Thường Trực phía Tây (Standing Joint Task Force, Joint Interagency Task Force West, JIATF-W).

 

Tổng hành dinh của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương đặt tại Trung tâm Chỉ huy Nimitz - MacArthur Pacific, ở Camp H.M. Smith, là một căn cứ TQLC Mỹ, tại thị trấn Aiea trên đảo Oahu, Hawaii, gần cộng đồng Halawa Heights. Trại nầy ban đầu là Bệnh viện Hải quân Aiea, được đặt tên của Tướng Holland McTyeire Smith, tổng tư lệnh đầu tiên của Thủy quân Lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương. Chữ H.M. viết tắt của "Howling Mad" (tiếng hú điên cuồng), là biệt danh, đề cập đến tính khí của vị tướng TQLC nầy.

 

*  *  *

 

Xem bài liên hệ với đề tài, click vào đây

Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Kiến thức tài liệu, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh