Trước khi đi vào đề tài, tưởng cần biết qua vài điều liên hệ đến chủ đề của tiểu luận. Khi nói đến chế độ Cộng sản, người ta nghĩ ngay đến hai “ông tổ” là Karl Marx và Friedrich Engels khai sáng “Chủ nghĩa Xã hội Khoa học” để có những tên đồ đệ khét tiếng như Vladimir Lenin của Nga, Mao Trạch Đông của Tàu, Hồ Chí Minh của Việt Nam, Pol Pot của Campuchea qua các thành tích giết người "vô địch". Ngoài các chính phủ cộng sản khác từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam đã làm điên đảo nhân loại, chỉ riêng 4 cái tên nói trên đã đưa mấy chục triệu người “hui nhị tì” khi họ cầm đầu với chính sách bạo trị tàn nhẫn vô nhân đạo của họ.
Karl Heinrich Marx, sinh ngày 5-5-1818 tại Trier (còn gọi là Trèves) thuộc tỉnh Rhénanie của Vương quốc Phổ, mất ngày 14-3-1883 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh; là nhà tư tưởng người Đức gốc Do Thái, cũng là nhà kinh tế, nhà lãnh đạo cách mạng của “Hiệp hội Người lao động Quốc tế”. Những hoạt động “cách mạng” và triết học của Karl Marx diễn ra trong thập niên 1840, lúc chủ nghĩa tư bản đang phát triển và giai cấp vô sản công nghiệp ra đời. Ông ta cực lực chống đối chế-độ tư bản. Marx được nhắc đến với thuật ngữ “đấu tranh giai cấp”, và ông đã lấy nó làm lời mở đầu cho Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (Das Manifest der Kommunistischen Partei): "Lịch sử của tất cả các xã hội từ trước đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp". Ông cùng Friedrich Engels sáng lập “Chủ nghĩa Xã hội Khoa học”. Friedrich Engels sinh ngày 28-11-1820 mất ngày 5-8-1895; là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học người Đức ở thế kỷ 19. Friedrich Engels cùng với Karl Marx sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản, là lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới.
Chân dung Karl Marx (trái) và Friedrich Engels.
Về nguồn gốc thuật ngữ “chủ nghĩa cộng sản” trong tiếng Việt, bắt nguồn từ tiếng Hoa “cộng sản chủ nghĩa”, thuật ngữ được Tàu vay mượn từ tiếng Nhật “kyōsan-shugi” (âm đọc là Rōmaji), là từ ngữ người Nhật đặt ra để dịch từ tiếng Anh “communism”. Hai chữ “cộng sản" có nghĩa là "cộng hữu tài sản" (tài sản thuộc về sở hữu chung). Tuy người Tàu vay mượn của tiếng Nhật nhưng họ không đọc bốn chữ Hán đó theo âm đọc của chúng trong tiếng Nhật mà đọc theo âm đọc của chúng trong tiếng Tàu. Trong Anh ngữ, chủ nghĩa cộng sản viết là “communism” bắt nguồn từ tiếng Pháp “communisme” (chủ nghĩa cộng sản).
Karl Heinrich Marx và Friedrich Engels đã viết nên "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" vào năm 1848. Ngoài hai nhân vật nói trên còn có các lãnh đạo các chính phủ theo chủ nghĩa Cộng sản “nổi tiếng” (trên nhiều mặt) khác như: Vladimir Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Saloth Sar (Pol Pot), Nikita Sergeyevich Khrushchev, v.v… Nếu nói đến “thành tích” giết người thì phải kể Vladimir Ilyich Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Pol Pot, trong đó Lenin là người đứng đầu sổ. Vladimir Ilyich Lenin (sinh ngày 22-4-1870 tại Gorki, Simbirsk, nay là Ulyanovsk, chết ngày 21-1-1924); là lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô, lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười thành lập nước Nga Xô Viết.
Khi nhắc đến Thủ Tướng Nga Nikita Sergeyevich Khrushchyov (tiếng Nga: Ники́та Серге́евич Хрущёв; tiếng Anh: Nikita Sergeyevich Khrushchev; tiếng Pháp: Nikita Khrouchtchev), người liên hệ đến chủ đề của tiểu luận nầy, người ta nghĩ ngay đến một lãnh đạo cộng sản Nga khét tiếng, hung hăng, nóng nảy… tuy rằng ông thực hiện chính sách “Phi Stalin hóa” Liên Xô, ủng hộ chương trình không gian của Nga, thực hiện một chính sách ngoại giao thân thiện hơn với phương Tây, có nhiều cải tổ tương đối tự do trong chính sách đối nội.
"Phi Stalin hóa" là nhóm từ ngữ nói tới một loạt cải tổ về chính trị, kinh tế, xã hội của Liên Xô, chấm dứt chủ nghĩa Stalin “sắt máu”. Những cải tổ gồm có việc bãi bỏ sùng bái cá nhân đối với Josef Stalin, người đã chết năm 1953, giới hạn quyền lực chính phủ, hỗ trợ nền kinh tế tiêu dùng, cho phép được tranh cãi trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô và trong văn hóa. Sau những do dự ban đầu, bài nói chuyện “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó” (“On the Cult of Personality and Its Consequences" (Russian: О культе личности и его последствиях) của Khrushchyov tại Đại hội đảng cộng sản Liên Xô lần thứ 20 vào ngày 25-2-1956, chính sách “Phi Stalin hóa” chính thức trở thành đường lối của Đảng.
Biện pháp đầu tiên để phi Stalin hóa đã được bộ trưởng bộ nội vụ Lavrenty Beria ra lệnh thực hiện 3 tuần sau cái chết của Stalin. Tưởng cũng cần biết thêm, vào năm 1942, phi công Leonid Khrushchev, là con trai lớn của Nikita Khrushchev đã phản bội, lái máy bay đào ngũ sang Đức nhưng sau đó bị tình báo Liên Xô bắt giữ và đưa về Moscow. Stalin quyết định không giảm nhẹ hình phạt cho Leonid dù đó là con trai của phụ tá thân cận, ra lệnh cho thư ký riêng tuyên bố: “Không ai được phép đứng ngoài vòng pháp luật nên cứ thực hiện theo quy định thời chiến là nghiêm trị tội đào ngũ”. Leonid Khrushchev bị xử bắn vì tội phản bội Tổ quốc. Người ta cho rằng việc Stalin không giảm tội cho Leonid được xem là một trong những nguyên nhân khiến Nikita Khrushchev ngầm thù oán Stalin.
Bài diễn văn của Khrushchyov đã phơi bày nhiều sự thật và gây ấn tượng mạnh đến nhiều triệu người. Theo như một số tường thuật, một số người có mặt bị nhồi máu cơ tim, một số khác sau đó đã tự tử. Bản báo cáo này đã làm thay đổi bầu không khí chính trị của Chiến tranh Lạnh bằng sự chung sống hòa bình, đã ảnh hưởng đến sự giải tỏa và hòa hoãn, được biết đến như là thời tan băng của Khrouchtchev. Tuy nhiên nó cũng gây ra một cú sốc trong tinh thần của một số công dân Xô Viết đã bị tuyên truyền về “khả năng siêu việt” (sic) của Stalin, dẫn tới vài cuộc biểu tình và bạo loạn tại quê hương Stalin là Gruzia, và đã bị quân đội Liên Xô dập tắt ngày 9-3-1956.
Năm 1961, xác của Stalin bị đưa ra khỏi lăng Lenin, được chôn bên ngoài bức tường của Điện Kremli. Năm 1956, vài tháng sau đại hội lần thứ 20, bài diễn văn bí mật này của Khrushchev được phổ biến khắp thế giới. Vào lúc đó, tướng Moshe Dayan, một nhà quân sự chính trị Israel, người sau này đã chiến thắng liên quân Ai Cập - Syria đã nói rằng “Liên Xô sẽ biến mất trong vòng 30 năm”, và ông dự đoán chỉ sai lệch 5 năm về sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991.
Nikita Khrushchev sinh ngày 17-4-1894, mất 11-9-1971, là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, người kế nhiệm Stalin (sau khi Stalin chết vào năm 1953), là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1953 đến 1964, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thủ tướng) từ năm 1958 đến 1964. Năm 1964 ông bị “bỏ phiếu bất tín nhiệm” bởi những “đồng chí” của mình, “được” cho về hưu với một căn nhà ở Mạc Tư Khoa và một dacha (nhà nghỉ mát) ở vùng quê. Từ khi rời chức vụ đến khi “đi gặp các tổ sư Marx - Engels”, ông luôn luôn bị sự giám sát chặt chẽ dưới nanh vuốt cơ quan tình báo Nga KGB, các "đồng chí" nguyên là thuộc cấp của mình. Khrushchyov mất năm 1971 vì bệnh tim, bởi nó dần dần tan nát, sau khi ông ta bị thất sủng, thọ 77 tuổi.
Trước nay, nhiều người biết câu nói “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông” (We will bury you) là lời của Nikita Sergeyevich Khrushchev - khi ông ta là Thủ Tướng Nga Sô - hăm dọa phương Tây bằng vũ khí hạt nhân. Sự hiểu lầm “chết người” nầy ngay thời đó được báo chí đăng tràn ngập, gây ra nỗi ám ảnh “bị Nga tấn công hạt nhân” trong tâm trí mọi người, ở cả 2 phe, nhất là người Mỹ. Lời hăm dọa nầy làm băng giá thêm quan hệ giữa khối Cộng và Âu Mỹ bởi lúc đó Nga có kho vũ khí hạt nhân to lớn, lại nằm trong tay của các tay Cộng đầu sỏ hung hăng, hiếu chiến, luôn muốn nhuộm đỏ thế giới, tuy rằng Khrushchev có tư tưởng cởi mở hơn nhưng các “đồng chí” của ông ta thì hiếu thắng, hung hăng, có tư tưởng chống phương Tây mãnh liệt, cứ nghĩ Nga có vũ khí hạt nhân thì không còn sợ ai.
Sự thật, vào ngày 18-11-1956, trong một cuộc tiếp tân ở Sứ quán Ba Lan tại Mạc Tư Khoa, trước rất nhiều vị đại sứ phương Tây cùng tham dự, lúc nói đến Mỹ, Thủ tướng Khrushchev có nói bằng tiếng Nga câu nói gần sát với nội dung "Мы вас похороним!", chuyển dịch (transliterated) là “My vas pokhoronim!”, dịch sang Anh ngữ là "We will bury you!" (Chúng tôi sẽ chôn vùi các anh). Nguyên văn câu nói đầy đủ là “Нравится вам или нет, но история на нашей стороне. Мы вас закопаем”, dịch sang Anh ngữ là: "Whether you like it or not, history is on our side. We will dig you in", (dầu các ông có thích hay không, lịch sử đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông). Tiếc thay, người thông dịch riêng (personal interpreter) của Khrushchev lúc đó là Viktor Sukhodrev lại chuyển ngữ sang Anh ngữ là “we will bury you” (tiếng Nga: "Мы вас похороним!") và đã làm dấy lên nỗi lo ngại lớn ngay lúc đó và nhiều năm sau nầy.
Lý thuyết cộng sản của Karl Heinrich Marx - Friedrich Engels cho rằng “Chủ nghĩa cộng sản sẽ tồn tại lâu hơn chủ nghĩa tư bản”, và hầu hết các tên Cộng sản đầu sỏ đều “thuộc nằm lòng” kinh điển của “tổ sư” - mà Khrushchev là một - nên ông ta lấy một ý trong “Tư Bản luận” ra nói trong dịp nầy: “Do đó, hơn hết, những gì mà giai cấp tư bản làm sẽ là tự đào mồ chôn mình”, tiếng Anh: “What the bourgeoisie therefore produces, above all, are its own grave-diggers”. Tuy nhiên ông ta dùng những lời lẽ không thích hợp cùng với cử chỉ thiếu nhã nhặn trong một bối cảnh mà cử tọa là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, thành ra những lời nói đó trở thành lời “hăm dọa”. Chính các vị đại sứ Tây phương nghe từ miệng của tên trùm Cộng sản nầy nói ra - tai nghe mắt thấy - thì không thể sai chạy được, do đó, khi tin nầy được báo chí loan ra làm cho mọi người tin tưởng tuyệt đối lời hăm dọa nầy nên sự lo lắng của họ có cơ sở, là nỗi lo đúng đắn. [Sau nầy, câu nói “We will bury you” được Jan Sejna (sinh ngày 12-5-1927), một tên Tướng vừa là đảng viên Đảng Cộng Sản Tiệp Khắc (Czechoslovia) lấy làm tựa đề cho một cuốn sách của ông ta về chiến lược Cộng Sản trong thời chiến tranh lạnh (Cold war)].
Sau đó, có lẽ Khrushchev thấy lời nói của mình bị hiểu lầm, để biện minh cho lời tuyên bố gây tranh cãi và lo sợ trên đây, trong lần nói chuyên tại Nam Tư (Yugoslavia) vào ngày 24-8-1963, Khrushchev nói: “Tôi từng nói “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông”, và tôi đã gặp rắc rối to. Tất nhiên là chúng tôi sẽ không dùng xẻng chôn xác các ông. Chính tầng lớp lao động của các ông [̉ở các nước tư bản] sẽ chôn vùi các ông” (I once said, “We will bury you”, and I got into trouble with it. Of course we will not bury you with a shovel. Your own working class will bury you). Dĩ nhiên phần thiệt thuộc về ông ấy cho dù ông ta có bao nhiêu cơ hội “giải độc” cũng không ăn nhằm gì.
Cũng chính câu nói nầy đã giúp người Mỹ lấy đó làm nguyên cớ để “triệt hạ” ông ta trong chuyến Mỹ du của Nikita Khrushchev gần 3 năm sau đó. Theo chương trình, ngày 15-9-1959 Khrushchev đến Mỹ thăm viếng để rồi sẽ tham dự cuộc họp tay đôi với Tổng Thống Mỹ Dwight David "Ike" Eisenhower vào 10 ngày sau. Muốn biết cái “phồn vinh giả tạo” (sic) [từ ngữ… xã nghĩa của "đỉnh cao trí tuệ của loài người"] của “đế quốc” Mỹ như thế nào nên Khrushchev muốn thăm Trung tâm điện ảnh Hollywood và Trung tâm giải trí Disneyland ở Nam California, vì thế có cuộc thăm viếng được sắp xếp trước giữa 2 phía.
Vào ngày 19-9-1959, vợ chồng Khrushchev cùng bầu đoàn đến thăm hãng phim 20th Century Fox ở Hollywood. Ở đây, ông ta được đưa tới thăm sàn quay bộ phim đang quay là “Can-Can”. Mọi chuyện ở đó diễn ra bình thường như một “tour” thăm viếng phim trường thường lệ mà mọi du khách khác được hướng dẫn khi đến thăm hãng phim nổi tiếng này. Phái đoàn của Nikita Khrushchev được mục kích hoạt động của "kinh đô điện ảnh" Hồ Ly Vọng. Cuộc thăm viếng khá vui vẻ. Khrushchev được vây quanh bởi dàn diễn viên của bộ phim, trong đó có Shirley MacLaine và Juliet Prowse. MacLaine đón tiếp Khrushchev bằng tiếng Nga bồi và cố gắng mời vị thủ tướng tham gia một điệu nhảy ngẫu hứng nhưng Khrushchev vui vẻ khước từ, ông ta đứng quan sát dàn diễn viên thực hiện một số cảnh quay. Danh ca gạo cội đương thời của Mỹ là Frank Sinatra được đưa tới làm người dẫn chương trình bất đắc dĩ của chuyến thăm nầy. Sau đó Frank Sinatra dự bữa trưa với Khrushchev.
Chuyện rắc rối cho Nikita S. Khrushchev xảy ra sau đó, khi Giám đốc hãng phim 20th Century Fox là ông Spyros Panagiotis Skouras, một người Mỹ gốc Hy Lạp (làm giám đốc 20th Century Fox từ 1942 đến 1962), một người chống Cộng cực đoan (ardent anticommunist) gặp mặt Thủ Tướng Khrushchev tại Tòa thị chính Los Angeles trong một cuộc tiếp tân do thành phố Los Angeles tổ chức. Cờ đã đến tay, Spyros Skouras đã “chọc tức” (irritated) Khrushchev bằng cách đề cập tới tuyên bố “chôn vùi chủ nghĩa tư bản” của Khrushchev vào ba năm trước. Skouras khai phát pháo gây chiến:
“Los Angeles không đặc biệt quan tâm tới việc “chôn vùi” bất cứ ai, nhưng sẵn sàng đáp trả nếu bị thách thức” (Los Angeles was not particularly interested in “burying” anyone, but would meet the challenge if posed).
Chân dung Spyros Panagiotis Skouras
Bị khiêu khích, cơn nóng tính khét tiếng (famous temper) của Khrushchev lập tức bùng lên mãnh liệt. Ông cáo buộc rằng phát biểu của ông Skouras là một phần của chiến dịch nhằm “vặn vẹo” (heckle) ông, kế hoạch (của Mỹ) là chọc tức ông, “chà xát” sức mạnh của Mỹ lên mặt ông, khiến ông “run rẩy đầu gối” (“rub” America’s strength in his face, and make him “a little shaky in the knees”). Đáp trả chất vấn của Skouras, Khrushchev - vẫn với thói côn đồ, hiếu chiến – nổi cơn thịnh nộ:
“Nếu các ông muốn tiếp tục chạy đua vũ trang, tốt thôi. Chúng tôi chấp thuận thách thức đó. Sản xuất hỏa tiễn hả – chúng đang trên dây chuyền sản xuất. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề về sự sống hay cái chết, thưa quý ông quý bà. Vấn đề về chiến tranh và hòa bình” (If you want to go on with the arms race, very well. We accept that challenge. As for the output of rockets - well, they are on the assembly line. This is a most serious question. It is one of life or death, ladies and gentlemen. One of war and peace).
Cơn thịnh nộ của ông ta lại tăng lên khi biết ông ta “không được phép tới thăm khu giải trí Disneyland” như đã dự định. Cơn bực tức sau cuộc tranh cãi với Skouras vẫn còn âm ỉ, khi nghe tin nầy, cơn giận của Khrushchev bùng nổ (exploded) đến tột độ. Ông ta nói:
“Tôi nói là tôi rất muốn tới thăm Disneyland. Nhưng rồi họ nói là họ không thể bảo đảm an toàn cho tôi. Thế thì tôi phải làm gì? Tự-tử chắc? Cái gì vậy? Ở đó có dịch tả hay sao? Hay là đám du-côn đã chiếm lấy chỗ đó và có thể tiêu diệt tôi rồi?” (And I say, I would very much like to go and see Disneyland. But then, we cannot guarantee your security, they say. Then what must I do? Commit suicide? What is it? Is there an epidemic of cholera there or something? Or have gangsters taken hold of the place that can destroy me?).
Dù có tranh cãi, hăm dọa hay với con giận dữ ấu trĩ (childish outburst) bùng phát, ông ta vẫn không được phép thăm Disneyland như lời phía Mỹ đã đưa ra. Nikita Sergeyevich Khrushchev bèn quyết định rời Los Angeles ngay vào sáng hôm sau. Tỷ số trận đấu là 1-0 nghiêng về phía người Mỹ, một đòn đau “nhớ đời” cho tên cáo già hung hăng (aggressive). Kết quả của “màn đấu” đã đi vào lịch sử, trở thành một huyền thoại trong các đối thoại chính trị của lịch sử cận đại. Sau đó, nhà lãnh đạo Xô viết tiếp tục chuyến đi của mình ở vài nơi tại California mà không gặp thêm rắc rối nào nữa và trở về Hoa Thịnh Đốn cho cuộc gặp với Tổng Thống Eisenhower diễn ra vào ngày 25 tháng 9 năm 1959.
Thái độ khiếm nhã và nóng tính tồn tại trong người ông ta suốt thời gian ông tại vị trên chính trường Nga. Sau nầy, theo dự trù, một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh tụ Nga - Mỹ sẽ được tổ chức tại Ba Lê vào ngày 16-5-1960 nhưng do một do-thám-cơ U-2 của CIA bị rơi trên đất Nga vào ngày 01-5-1960 đã làm cho Khrushchev nổi giận, với nhiều hành động côn đồ: ngay trong buổi hội-nghị sơ-bộ đầu tiên, vừa vào cuộc, Khrushchev dùng những từ ngữ cứng rắn, đao búa, cộc cằn, to tiếng dần đến độ chửi rủa… chỉ trích phía Mỹ và T.T. Dwight D. Eisenhower.
Ông ta giận dữ đến độ không cần dành thì giờ cho thông dịch viên chuyễn ngữ, không cần biết người khác có nghe ông ta nói hay không, không cần biết phản ứng của cử tọa thế nào…rồi bỏ ngang cuộc họp ra về. Ông ta đã quen thói với những thái độ hàm hồ như thế tại các cuộc họp ở Nga và khối Cộng, thường với những bài diễn văn dài lê thê từ ba, bốn giờ đồng hồ, với những ngôn từ đao to búa lớn, giọng điệu hách xì xằng. Những từ ngữ lần nầy của ông đã gây khó khăn cho người chuyển ngữ, làm cho thông dịch viên bối rối, trong một cuộc hội đàm mà người thông dịch biết trước sẽ rất cam go do những biến cố mới xảy ra trước đó nhưng vẫn bị lúng túng, không thể nào làm tròn nhiệm-vụ. Trước khi trở về Nga, ông còn chủ-tọa một cuộc họp-báo với toàn những lời chửi-rủa, to tiếng, đập bàn ầm-ỉ.
Lịch sử ghi nhận trong các yếu nhân thế giới cận đại, Nikita Khrushchev được kể là người nóng nảy nhất, vui buồn bất chợt, hay có những cử chỉ khiếm nhã và nhiều phát ngôn thô lỗ nhất, đã từng “làm khổ” nhiều thông dịch viên khi làm nhiệm vụ của họ mà sự kiện “We will bury you” như đã nói ở trên là một.
Có điều mỉa mai mà ít người để ý, người con trai của tên trùm Cộng Sản hung hăng đó lại “xin nhập quốc tịch Mỹ”, kẻ thù của ông ta. Con trai của Nikita Khrushchev là Sergei Nikitich Khrushchev (tên Nga là Серrей Никитич Хрущёв), trước khi đến Mỹ để nhận được thẻ xanh (thường trú nhân) của Mỹ vào năm 1994 là một Tiến sĩ làm việc tại “Phòng Nghiên cứu Hệ thống Hướng dẫn cho Hỏa tiễn” của Nga và còn phục vụ trong “Chương trình Không Gian” của Nga thời Cộng Sản. Sergei cùng vợ và 2 con ở tuổi vị thành niên đã giơ tay “tuyên thệ trung thành” với nước Mỹ khi họ được nhập quốc tịch Hoa Kỳ vào ngày 12-7-1999, tại một buổi tuyên thệ dành cho các tân công dân Hoa Kỳ, tổ chúc tại giảng đường của Trường Đại học Brown thuộc thành phố Providence, tiểu bang Rhode Island, miền Đông Bắc Hoa Kỳ.
Tiếc thay cho cái “thiên đường Cộng sản” mà Khrushchev theo đuổi và cổ xúy lại bị chính con ruột của ông ấy ruồng bỏ. Ông Sergei Nikitich Khrushchev đã nhận ra cái chủ nghĩa hoang tưởng đó nên không thể sống với nó, ở nơi mà “hơi hướm cộng sản” vẫn còn dù chế độ đó đã bị khai tử nơi nó được khai sinh, dù đó là nơi chôn nhau cắt rún của mình, nên gia đình ông ta phải sang Mỹ tìm cuộc đời mới trên đất của kẻ thù "thâm căn cố đế" của cha. Đúng là “Cha làm thầy, con bán sách”, câu ông bà chúng ta đã nói. Quả là điều thú vị!
Lê Chánh Thiêm
Updated: 7/11/2018 - 02:09:33 AM
* * *
Xem bài liên hệ với đề tài, click vào đây
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Kiến thức tài liệu, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com