Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NHỮNG NGƯỜI BẠN TRẦN QUỐC TUẤN KHÓA TÚ TÀI 1968.
LÊ VĂN CÔNG

 

 

Lễ Khai Giảng Trường Trung Học Trần Quốc Tuấn

Niên khóa 1956-1957. Ảnh: Phan Quang Phê

 

Nhóm cựu học sinh Trần Quốc Tuấn (TQT) khóa 1961-1968 dự định sẽ tổ chức một sự kiện kỷ niệm 50 năm ra trường, vào ngày 23/07/2018 tại Quảng Ngãi và sẽ phát hành Kỷ Yếu nhân dịp này.

 

Dương Minh Chính được Ban Liên Lạc và tổ chức sự kiện, ủy thác làm Chủ biên Kỷ Yếu kỷ niệm 50 năm Trần Quốc Tuấn khóa 1961-1968. Anh đề nghị tôi viết một bài cho kỷ yếu. Tôi hỏi lại:

 

“Thế nhiều bài có được không?”

 

Anh phấn khởi:

 

“Dĩ nhiên là được”

 

Vậy thì, tôi sẽ viết một bài, có nhiều nội dung khác nhau. Tuy nhiều nội dung, nhưng cũng chỉ là một đề tài, đề tài mà tôi nghĩ là sẽ thích hợp cho tôn chỉ của cuốn kỷ yếu đó: “Những người bạn TQT của tôi, thuộc khóa TÚ TÀI 1968”.

 

Tất nhiên, đây chỉ là những cảm thức bắt nguồn từ suy nghĩ chủ quan của người viết. Đã là chủ quan, thì có thể đúng hoặc không. Tuy nhiên, người viết có thể khẳng định một điều: tất cả đã được viết ra một cách chân thành.

 

Là học sinh TQT khóa 1960-1967, đậu Tú tài tòan phần năm 1967, nhưng nếu như hiện nay, ngồi điểm lại bè bạn cùng khóa quanh mình, tôi thấy thật là ít ỏi. Ngược lại, quanh tôi lại có khá nhiều bè bạn của khóa 1961 - 1968.

 

Ở nhiều chừng mực nhất định, những người bạn cựu học sinh TQT khóa TÚ TÀI 68, đã đóng các vai trò khác nhau trong cuộc sống của tôi.

 

Đó là các bạn: Lê Quang Huyền, Ngô Xuân Vũ, Nguyễn Văn Chừng, Dương Minh Chính, Nguyễn Quốc Chiến, Nguyễn  Văn Thanh, Hoàng Thọ Vĩnh, Lê Quốc Ân, Đặng Nhứt, Đỗ Thanh Sửu, Đặng Xu, Trần Văn Đương.

 

Tôi sẽ cố gắng ghi lại một số kỷ niệm, cùng cái nhìn của mình, về những người bạn đầy thú vị này, để đóng góp vào Kỷ Yếu, kỷ niệm “50 năm Tú Tài Mậu Thân.”    (Lê Văn Công).

 

 

Chân dung tác giả (Lê Văn Công)

 

*  *  *

 

LÊ QUANG HUYỀN, CAY ĐẮNG VÀ NGỌT NGÀO CỦA TUỔI THANH XUÂN.

 

 

Từ trái sang: Tống Phát, Lê Quang Huyền, Lê Văn Công, Nguyễn Cư Trinh,

Đỗ Thanh Sửu, Dương Minh Chính và Nguyễn Văn Chừng.

 

Đời sinh viên của tôi và Lê Quang Huyền gắn bó với căn phòng 305 ở đại học xá Minh Mạng. Đây là căn phòng ở lầu 3, cao ốc mới hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1970, có đầy đủ tiện nghi và sang trọng hơn các căn phòng của 8 dãy nhà trệt cũ, lợp fibrocement, dưới đất.

 

Phòng 305 có view nhìn ra phía đường Trần Hoàng Quân, dưới bóng mát của một cây xà cừ cao ngất, bên kia tường là ty Y tế sinh viên, cổng ra của ty Y tế nằm ở mặt tiền đường Trần Hoàng Quân, tức Nguyễn Chí Thanh bây giờ.

 

Thoạt đầu, phòng có 4 sinh viên chính thức được ban quản lý công nhận: Lê Quang Huyền, Lê Minh Thư, Đinh Sơn (sinh viên bưu điện, người Phan Thiết) và tôi. Sau này có thêm nhiều sinh viên Đức Quang vào “tá túc”: Lê Quang Đức, Nguyễn Văn Bích, Đỗ Đăng Sơn, Nguyễn Minh Công, Bùi Quang Phú, Nguyễn Thắng, Đặng Mão…

 

Phòng 307 sát bên cạnh cũng toàn là dân Quảng Ngãi, có anh Phạm Văn Nho, Nguyễn Duy Hải cùng học Dược, Phạm Ngọc Hoa, Phạm Văn Hải cùng học Y khoa.

 

Tôi và Lê Quang Huyền có nhiều sở thích khác nhau, nhưng chúng tôi cùng gặp nhau ở điểm: rất mơ mộng về một người yêu lý tưởng. Hồi đó, quen với cô gái nào, tôi cũng tâm sự với Huyền, còn Huyền thì hay nói với tôi về một mối tình đã đi vào kỷ niệm. Một lần tôi giới thiệu cho Huyền cô em họ khá xinh xắn, đang là sinh viên Dược khoa, cứ tưởng họ đã đến được với nhau, nhưng rồi chuyện chẳng đi đến đâu.

 

Nhắc đến phòng 305, không thể không nhắc đến những canh xì phé nẩy lửa, giữa đám sinh viên chúng tôi với nhau.

 

Tại sao là sinh viên, mà chúng tôi lại thích chơi trò đánh bài?

 

Môi trường đại học xá là một môi trường tự do tuyệt đối, dễ đưa đẩy chúng tôi vào những thử nghiệm, nhiều khi khá là nguy hiểm, bắt nguồn từ sự tò mò của tuổi trẻ. Chúng tôi hay đùa nhau:

 

”Học mà không chơi, bỏ rơi tuổi trẻ. Chơi mà không học, coi rẻ tương lai”.

 

Vả chăng, trong các trò chơi, thì đánh bài là trò chơi kích thích mạnh mẽ tính phiêu lưu, mạo hiểm của tuổi trẻ.

 

Văn hào Nga Dostoievsky, trong tác phẩm “Con bạc”, đã diễn đạt một cách chuẩn xác hành trình đưa đẩy một người đang có cuộc sống bình thường, vào vòng đam mê đỏ đen: người đó tất phải có một kinh nghiệm “ngọt ngào“, trước khi trở thành “cay đắng” trong quá trình tham gia cờ bạc.

 

Đối với một số người, không thể nào trở thành con bạc, chỉ vì một lý do đơn giản: họ không có bất cứ một kinh nghiệm ngọt ngào nào của sự thắng bạc.

 

Còn nhà văn Nam Cao của Việt Nam chúng ta, thì đã tổng kết một cách vô cùng thực tiễn:

 

”Mê cờ bạc thì có một trong hai trường hợp xảy ra: Thua hoặc Thắng. Nếu thua thì sẽ bán vợ đợ con để thua tiếp. Còn nếu thắng, thì sẽ tiếp tục chơi, cho đến khi…thua”

 

Vậy, thua là điều chắc chắn nhất (?)

 

Nghiệm lại những gì xảy ra với chúng tôi, thì quả thật cả Dostoievski lẫn Văn Cao đã phần nào có lý.

 

Cuối năm ấy, tôi và Huyền đều không về quê ăn Tết. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mình một cái Tết đạm bạc xa quê ở đại học xá, vì trong túi chúng tôi còn rất ít tiền.

 

Sáng mùng Một Tết, sau khi điểm tâm với món cơm tự nấu, ăn cùng thịt hộp quân tiếp vụ, thì đối thủ cờ bạc ở tầng dưới là Nguyễn Đức Năng, sinh viên đại học Sư phạm, lên phòng 305, để rủ rê chúng tôi gầy sòng xì phé. (Năng sau này làm Giám đốc sở Giáo dục Đồng Tháp.)

 

Thoạt tiên, chúng tôi e dè từ chối, vì trong túi mỗi đứa còn lại chẳng bao nhiêu tiền, sau thấy Năng có vẻ tha thiết quá, nên chúng tôi đánh liều gật đầu:

 

“Chơi thì chơi”.

 

Vả lại chúng tôi cũng có chút mê tín: người ta bảo mấy tay đi rủ rê cờ bạc, thì chắc chắn là sẽ bị thua. Nó thua thì mình sẽ thắng.

 

Khi thấy chúng tôi ôkê, thì ngay lập tức, Năng chạy gọi người cho đủ tay. Thế là canh xì phé đầu năm đã khai trương với đủ 5 tay, và bỏ tẩy 500 đồng.

 

Kết quả của canh xì phé, là liên doanh của tôi và Huyền thắng lớn, gom sòng vào trưa Mùng Một Tết hôm đó. Vốn liếng hai đứa chỉ còn vài ngàn bạc để dành ăn tết, thì sau khi mãn sòng, giờ đã lên đến trên hai chục ngàn.

 

Song quan trọng hơn là, chiến thắng ngày Mùng Một Tết, đã như một tiền đề cho nhiều chiến thắng giòn dã khác. Hồi ấy, mỗi lần đi thưc tập ở trường Dược, về đến phòng 305, mở cửa phòng, đã thấy một sòng xì phé, với các “khuôn mặt thân quen”, như Luật sư Thiện Bắc Kỳ, Elvis Phương, Huỳnh Ngọc Sĩ, Nguyễn Đức Năng, Kim Râu, Trần Thành, Nguyễn Công Thức… đang say sưa sát phạt, thì tôi rất hân hoan ngồi chờ, cho đến khi, một trong 5 tên đứt chếnh ra đi, là lập tức vào thế chỗ. Điều kỳ lạ là suốt tháng Giêng năm ấy, trong các trận xì phé đó, thì hầu hết tôi đều thắng, rất ít khi thua.

 

Chúng tôi có điều kiện để mỗi sáng ăn phở Tàu bay, với món nước tiết đặc sắc, hút toàn thuốc lá Con Mèo Carven ”A” 10 điếu, chính hiệu Ăng Lê, và thỉnh thoảng ra La Pagode đường Tự Do, “làm” một ly Henessy soda lấy hên, trước khi đánh trận.

 

Tôi nhớ thuở ấy, mỗi ly Henessy soda, La Pagode chém thẳng cánh 1.000 đồng, trong khi phiếu cơm Đại học xá chỉ có 15 đồng, còn cơm phần của sinh viên chúng tôi tại một quán khá ngon ở đường Hòa Hảo, cũng chỉ có 35 đồng. Mặc kệ, vì chúng tôi nghiệm thấy rằng, uống Henessy vào sẽ rất hên, và chúng tôi sẽ kiếm được hàng chục ngàn. Mà quả thật như vậy, khiến chúng tôi tự tin rằng mình có thể tự tạo ra vận may.

 

Nhưng rõ ràng, đúng như nhà văn Nam Cao đã tổng kết, vận may không thể ở mãi với chúng tôi. Hết tháng Giêng, cũng là lúc vận may xa rời, và chúng tôi bắt đầu hái quả đắng. Lúc bấy giờ, mọi bùa phép như Henessy soda cũng không còn thấy hiệu nghiệm nữa.

 

Tuy nhiên, quả đắng do thua bài, mất tiền, thì chưa nói làm gì. Cái kết quả cay đắng nhất thì phải đợi đến mùa thi.

 

Tôi hỏng kỳ thi cuối năm, nhưng tôi đang là sinh viên Quân y, lĩnh lương đi học, nên việc đậu rớt không phải là vấn đề gì nghiêm trọng. Trong hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên, có lẽ cho rằng chương trình học của ngành Y và Dược quá nặng, nên trường Quân y cho phép sinh viên Quân y được thi hỏng hai lần, trong suốt những năm còn lại ở đại học.

 

Còn Huyền thì khó khăn hơn tôi, vì không đậu đủ chứng chỉ chuyên khoa ở đại học Khoa học, để được tiếp tục hoãn dịch, và đang đối diện với lệnh gọi nhập ngũ của trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức.Quả là một vấn nạn vô cùng to lớn.

 

Chúng tôi đang hết sức lo lắng cho tình trạng bế tắc đối với Huyền, thì cánh cửa tươi sáng bất ngờ lại được mở ra.

 

Tôi nhớ lại, tình huống của Huyền giống hệt một canh xì phé đã từng xảy ra hồi tháng Giêng, lúc thời vận còn đang mỉm cười với chúng tôi: Huyền đã chơi một ván bài quyết định.

 

Chiều hôm đó, tôi trở về đại học xá sau buổi thực tập sinh hóa ở trường Dươc. Trong phòng 305 đang có một sòng xì phé, với các “khuôn mặt thân quen“ đang tham gia sát phạt: Lê Quang Huyền, Huỳnh Ngọc Sĩ, Luật sư Thiện, Elvis Phương và Nguyễn Đức Năng.

 

Tôi đề nghị cùng Huyền liên doanh. Huyền đồng ý, và đếm tiền ở tụ bài mình, được cả thảy 31 ngàn. Vậy là tôi chuyển cho Huyền 15 ngàn 500 đồng để cất vào túi. Tính ra Huyền đã lấy được vốn và kiếm thêm hơn mười ngàn. Từ thời điểm đó, chúng tôi là một công ty liên doanh 50-50. Huyền vẫn ngồi chơi bài, tôi ngồi kế bên yểm trợ.

 

Chơi thêm một lúc, khi thắng, khi thua, thì đến một ván bài đặc biệt. Ván bài đang vào hồi gay cấn ở nước thứ 4. Đã có 3 người bỏ cuộc. Chỉ còn lại Huyền và Sĩ đang đối đầu. Tổng số tiền đánh trong chiếu bạc đã lên đến khoảng trên 15 ngàn.

 

Trên mặt bài của Huyền có một đôi Cẩu (9-9) và một con Già (K). Tẩy của Huyền là 1 con Cẩu (9). Vậy là Huyền đang có 3 Cẩu chìm (9-9-9) và 1 con Già (K).

 

Trên mặt bài của Sĩ là một con Xì (A) và một đôi Bạt (8-8) trên mặt. Tẩy của Sĩ là Xì; Vậy Sĩ có 1 đôi Xì chìm (A-A) và 1 đôi Bạt (8-8) trên mặt.

 

Đôi bạt mới kéo, buộc Sĩ đi tiền trước. Sĩ đánh nhắp 3.000 đồng để thăm dò, vì Sĩ vẫn sợ Huyền có 3 Cẩu.

 

Huyền theo tiền, và hỏi ý kiến tôi. Tôi nhận định rằng Sĩ chỉ có thể tối đa là 3 con Bạt, nên quyết định bảo Huyền tapi: tức là đánh hết số tiền còn lại. Chúng tôi lộ rõ 3 Cẩu và rất mong cho Sĩ bỏ cuộc, để ăn non, hơn 20 ngàn trong chiếu bạc. Sĩ yêu cầu Huyền kiểm tiền đã tapi: 22 ngàn 500đồng

 

Tình huống khách quan: trên bàn có một con Già (K) và 1 con Bạt (8) đã chết. Chưa thấy con Xì (A) nào.

 

Sĩ cân nhắc, tin tưởng sẽ bắt được một con Xì (A) hoặc Bạt (8), đều rất sáng nước, vì bài trong đĩa chỉ còn có 8 quân bài. Quyết định theo bài, Sĩ đếm 22 ngàn 500 đồng bỏ vào chiếu bạc.

 

Tổng số tiền của canh bạc đã lên đến trên 65 ngàn đồng, hơn 3 tháng lương sinh viên quân y của tôi.

 

Bây giờ mới là lúc hồi hộp nhất. Nếu Sĩ bắt được bất cứ con gì mà  không phải là Xì (A) hoặc Bạt (8) thì ván bài sẽ kết thúc sớm, với phần thắng nghiêng về chúng tôi, bất kể Huyền sẽ bắt thêm được con bài gì.

 

Sĩ bắt bài trước, nặn bài và quật ra chiếu: con Xì Bích. Sĩ đã có Xẩu Xì.

 

Chúng tôi đều chấn động tinh thần, khi thấy tình thế đảo ngược hoàn toàn.

 

Đang ở thế thượng phong với 3 Cẩu, bây giờ chúng tôi lại rơi vào tình thế cực kỳ nguy hiểm, gần như nắm chắc phần thua. Nếu Huyền kéo lên được con Già, thì với Xẩu Cẩu, đương nhiên vẫn thua Xẩu Xì

 

Vậy là chúng tôi chỉ còn hy vọng vào một con Cẩu duy nhất để có tứ quý, nhưng rất có thể nó đang nằm dưới đáy của các tụ bài đã bỏ. Nếu đúng vậy, thì chúng tôi chỉ còn con đường đi tìm ảo ảnh.

 

Sĩ ngồi rung đùi, gần như nắm chắc phần thắng đến 90 phần trăm.

 

Chán nản, Huyền rút bài, không thèm nặn, quật đại ra chiếu: rõ ràng là cây Cẩu-Cơ (9) cuối cùng của bộ bài. Chúng tôi đã có Tứ-Quý-Cẩu và trở thành bên thắng cuộc.

 

Canh bạc cuộc đời của Huyền có nhiều nét tương đồng với canh xì phé lịch sử.

 

Không rõ chuẩn bị từ bao giờ, nhưng trường đại học Y khoa Saigon bỗng đột ngột thông báo hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh Dự bị y khoa (APM) hàng năm, dành cho các ứng viên có bằng Tú tài II. Thay vào đó, trường sẽ tuyển sinh thẳng vào năm thứ nhất, từ nguồn ứng viên có chứng chỉ dự bị khoa học (MGP, MPC, SPCN).

 

Thông tin này đến với Huyền, đúng lúc đang ở trong thế bí, với viễn ảnh quân trường trước mặt, và có giá trị của một chiếc phao, trôi đúng tầm kẻ đang chết đuối.

 

Huyền bỗng nhiên lại có một cơ hội lớn không ngờ tới: nếu đậu kỳ thi tuyển này, thì Huyền sẽ đủ tuổi để tiếp tục được hoãn dịch, vì đối với các trường có thi tuyển như: Y, Dược, Kỹ Thuật Phú Thọ, Quốc gia Hành chánh… tuổi đôn quân được nâng lên một năm.

 

Huyền lập tức nộp đơn dự tuyển và đã trúng tuyển vào năm thứ nhất y khoa.

 

Từ một sinh viên đang đối diện với quân trường, Huyền bỗng nhiên trở thành sinh viên của một ngành học danh giá, đào tạo bác sĩ tương lai, và hoàn toàn hội đủ điều kiện hoãn dịch. Quả thật không ai có thể biết trước được tương lai và số phận của mình.

 

Cuộc đời, hóa ra cũng chỉ là một canh bạc đầy may rủi.

 

Tốt nghiệp Y khoa, Huyền về làm việc ở Vĩnh Long, một tỉnh giàu có của đồng bằng sông Cửu Long. Giữa thập niên 80, tôi xuống thăm, thấy Huyền đã là trưởng phòng Cấp cứu bệnh viện đa khoa tỉnh, rất có uy tín, nhất là đối vời lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Huyền còn được nhà nước cấp cho một căn nhà khá khang trang, mặt tiền một con đường trong thị xã.

 

Tối hôm ấy, Huyền đưa tôi đến nhà hàng, chiêu đãi tôi một bữa ăn có món rùa vàng, là một đặc sản quý hiếm.

 

Mấy  năm sau, Huyền xin chuyển về làm việc ở sở Y tế  TP Hồ Chí Minh, nơi có người bạn thân là Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, đang làm phó giám đốc sở. Sau đó Huyền về làm việc ở khoa nội bệnh viện Nguyễn Tri Phương.                                                                

 

Hiện nay Huyền là một bác sĩ về hưu, đang sống hạnh phúc trong một gia đình y khoa thành đạt: Con trai lớn của Huyền là Thạc sĩ bác sĩ sản khoa, con dâu là Thạc sĩ dược sĩ, giảng viên đại học, con gái và chàng rễ đều là bác sĩ răng hàm mặt. Con trai nhỏ của Huyền là chuyên viên kỹ thuật răng hàm mặt, với một khả năng đặc sắc: đã sở hữu đệ ngũ đẳng huyền đai Haikido.

 

*  *  *

 

NGÔ XUÂN VŨ, TÌNH BẠN TƯƠNG KÍNH VÀ THỦY CHUNG

 

 

Gia đình anh Ngô Xuân Vũ, từ phải qua: anh Vũ, chị Thu, Con trai lớn,

con dâu lớn. Con dâu anh Vũ là con gái anh Nguyễn Mậu Bình,

đã quá cố, cũng là cựu HS TQT khóa Tú tài 68.

 

Vũ quê xã Đức Quang, ở cách tôi 3 xóm, độ chừng cây số. Cha mẹ chúng tôi có mối quen biết và hai gia đình rất tôn trọng lẫn nhau. Anh hơn tôi một tuổi, nhưng đậu vào TQT sau tôi một năm. Năm 1964, gia đình anh gặp biến cố lớn, khiến cho việc học của anh bị gián đoạn. Song với sự kiên trì và nghị lực sẵn có, anh đã nỗ lực vươn lên, đậu tú tài 1 năm 1967, quay lại TQT, đậu Tú tài toàn phần năm 1968, sau đó, trúng tuyển vào Học Viện Quốc gia Hành chánh, tốt nghiệp, và trở thành trưởng ty Thuế vụ Quảng Nam sau đó ít lâu.

 

Khi tôi đến Đà Nẵng, với tư cách là một dược sĩ, được điều động về công tác ở thành phố thủ phủ miền Trung này, tôi gặp lại anh Ngô Xuân Vũ.

 

Song chúng tôi đã gặp lại nhau vào một thời kỳ dầu sôi lửa bỏng. Kế tiếp việc thất thủ Buôn Ma Thuột, là việc thất thủ Trị Thiên và sau đó là Quảng Ngãi, Quảng Tín, Quảng Nam và Đà Nẵng. Chúng tôi đã cùng nhau di  tản để cùng trải qua những kỷ niệm kinh hoàng không thể nào quên.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, khi ra khỏi trại cải tạo, anh Vũ về quê tham gia kinh doanh gỗ cùng với gia đình. Năm 1982, chúng tôi, gồm cả anh Trần Thi, cùng cộng tác trong một dự án sản xuất đường kết tinh dạng tiểu công nghiệp. Chúng tôi đã hoạt động khá tốt, tạo dựng được 3 cơ sở sản xuất kinh doanh ở miền Trung và Tây Nguyên: Đồng Xuân (Phú Khánh), An Khê (Gia Lai) và Dray HLing (Buôn Ma Thuột).

 

Có lẽ đó là một thời kỳ đáng nhớ trong cuộc đời chúng tôi, khi chúng tôi đang ở lứa tuổi trên dưới 35, nhiệt huyết còn nhiều, nhưng lại gần như đang ở trong tình trạng bị loại khỏi môi trường chính thống về chính trị và kinh tế của xã hội và đất nước.

 

Ngược lại, từ trong một chỗ đứng vô cùng hạn chế, chúng tôi đã cố gắng tìm ra được cái khoảng trống thị trường (the gap of market) để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Sự thành công của dự án phụ thuộc một phần vào vấn đề kỹ thuật do tôi phụ trách, nhưng có thể nói, trong dự án kinh doanh này, anh Vũ đã đóng vai trò của một công trình sư. Vì với sự từng trải và kinh nghiệm trong quá trình kinh doanh gỗ, anh thấu hiểu phương thức vượt qua các rào cản hình thành từ quyền lực, cũng như các nguồn mạch thu hút nhu yếu phẩm của một nền kinh tế bao cấp, nên đã vạch ra những chiến lược kinh doanh thích hợp và hữu hiệu, để dẫn đến thành công.

 

Nhờ vậy mà, trong khi toàn xã hội đang rơi vào một cơn khủng hoảng toàn diện, nhất là về mặt kinh tế, đời sống của đa số mọi thành phần trong xã hội rất khó khăn, thì con đường của chúng tôi khá là thênh thang, và đã thu hoạch được những thành tựu nhất định.

 

Năm 1988, Vũ chuyển về Sài Gòn, còn tôi trở lại ngành Dược và kinh doanh ở Quảng Ngãi. Năm 1996, Vũ đi định cư ở Mỹ theo diện H.O, trong khi tôi đang làm việc cho công ty dược phẩm đa quốc gia CIBA GEIGY, tiền thân của NOVARTIS, ở Hà Nội.

 

Năm 1997, mùa hè  ở Hà Nội, tôi nhận được một bức thư đầy tâm trạng của anh Vũ gửi cho tôi từ Mỹ. Tôi nhớ đã ngồi lại và viết cho anh một bức thư dài đến 16 trang. Không biết tôi đã làm được những gì với cái ước vọng, là chuyển tải đến anh một niềm tin kiên định, rằng anh đã đi đúng đường, còn khó khăn trên đường đời, thì dù ở VN hay Mỹ, chúng ta đều phải đối diện với chúng.

 

Đến nay, thời gian đã chứng minh những lời của tôi không chỉ là niềm an ủi suông. Gia đình anh đã là một gia đình Mỹ trung lưu, con cái thành đạt và hạnh phúc. Anh chị có 4 cháu: cháu gái lớn là chuyên viên kiểm toán cao cấp. Cháu gái thứ 2 là Tiến sĩ Dược. Cháu trai lớn đã có CPA, cháu Út đang học y khoa.

 

*  *  *

 

NGUYỄN VĂN CHỪNG: NGƯỜI BẠN THÔNG MINH, TẬN TỤY, CÓ TRƯỚC, CÓ SAU.

 

 

Tôi quen anh Chừng vào một ngày ở đại học xá Minh Mạng, khi anh vừa chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Năm sau, khi chúng tôi cùng thi đậu vào Trường Quân Y, thì chúng tôi có cơ hội thân thiết, khi được xếp ở chung phòng trong trường Quân Y.

 

Do học trình của đại học y khoa là bảy năm, còn dược khoa chỉ có năm năm, nên khi tôi tốt nghiệp dược sĩ và đi nhận công tác ở đơn vị, thì Nguyễn Văn Chừng vẫn còn là sinh viên y khoa, và vẫn còn lưu lại trường Quân y.

 

Sau ngày 30-04-1975, lịch sử được lật sang trang mới. Trường quân y QLVNCH bị giải tán.

 

Vì chưa tốt nghiệp bác sĩ, anh phải trở lại tiếp tục học ở trường đại học y khoa, nay đổi thành trường đại học Y Dược TPHCM.

 

Do có quá trình học tập xuất sắc, anh tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại giảng dạy ở trường đại học Y Dược, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức bệnh viện Bình Dân.

 

Đây là thời điểm đất nước đang trải qua những khó khăn chồng chất. Chính sách tập trung quan liêu, bao cấp kết hợp với các cuộc cải tạo công thương và nông nghiệp đã đưa nền kinh tế đến chỗ kiệt quệ. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã làm cho máu của người Việt tiếp tục chảy, sau khi đã chảy suốt ba mươi năm trong các cuộc chiến tranh trước đây.

 

Đời sống lầm than, lại càng khốn khổ hơn khi bị bệnh, vì thuốc men cực kỳ thiếu thốn. Những năm tháng đó, mỗi khi có người thân bị bệnh, tôi đều cần đến sự giúp đỡ của anh. Có hai lần, sự giúp đỡ của anh vô cùng hiệu quả, đã trở thành ấn tượng, khiến tôi nhớ mãi.

 

* Lần thứ nhất là trường hợp của cháu Đặng Thị Bích Vân, con gái anh Đặng Văn Cống ở Đức Nhuận, gọi tôi bằng cậu họ. Cháu 15 tuổi, bị một căn bệnh ngặt nghèo. Đó là căn bệnh nước tiểu cứ tự động chảy ra, không theo ý muốn của mình. Thử tưởng tượng một bé gái mà quần lúc nào cũng bị ướt do nước tiểu thường xuyên chảy ra không thể kiểm soát, thì làm thế nào ngồi trong lớp học?

 

Bản thân anh Cống cũng là thày thuốc, đã đưa cháu đi chữa chạy khắp nơi: bệnh viện Quảng Ngãi, rồi các bác sĩ danh tiếng ở Quảng Ngãi, bệnh viện Đà Nẵng, rồi các bác sĩ danh tiếng ở Đà Nẵng đều tuyên bố bó tay, không thể điều trị được. Hy vọng cuối cùng là bệnh viện Bình Dân Sài Gòn. Tôi nhờ anh giúp làm thủ tục cho cháu Vân nhập viện.

 

Tuy nhiên, suốt tuần lễ đầu, tất cả hồ sơ bệnh án của cháu Vân tại bệnh viện Bình dân đều chưa khẳng định được nguyên nhân của bệnh. Các xét nghiệm nước tiểu, máu, đều cho kết quả bình thường. Phim X quang chụp thận và bàng quang đều không thấy điều gì đặc biệt. Thử nghiệm phản xạ cơ vòng lổ tiểu bàng quang thấy có phản xạ co thắt rất tốt. Vậy nước tiểu chảy ra từ đâu? Suốt cả tuần, đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Tất nhiên ở thời điểm đó, máy chụp cắt lớp CT hay cộng hưởng từ M-Ray như ngày nay, chưa hề được nghe nói đến ở VN.

 

Cuối tuần, tôi gặp anh. Dĩ nhiên tôi biết đây không phải là chuyên khoa của anh. Anh đưa tôi đến gặp bác sĩ Cát, trưởng khoa tiết niệu.

 

Nghe anh giới thiệu tôi là bạn thân của anh từ thời ở trường quân y, thì bác sĩ Cát lôi tập hồ sơ bệnh án của cháu Vân ra, xem xét kỹ một lần nữa. Rồi anh Cát nói:

 

- Đây đúng là một ca khó. Cho đến giờ này, tôi vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân. Thôi được, tôi hứa với hai anh, sang đầu tuần, tôi sẽ dành hẳn một ngày để nghiên cứu ca bệnh quái ác này.

 

Thứ ba tuần sau đó, tôi lại vào bệnh viện Bình Dân tìm anh. Anh cho biết bác sĩ Cát đã tìm ra bệnh, sau khi cho chụp lại hệ tiết niệu với chất cản quang. Nguyên nhân được xác định là một cấu trúc bẩm sinh trong hệ bài tiết của cháu Vân. Cháu Vân có một ống dẫn tiểu thứ hai với một lỗ tiểu khác ở gần lỗ tiểu bình thường. Lỗ tiểu này không có cơ vòng, nên nước tiểu trong bàng quang cứ chảy thoải mái vào ống tiểu thứ hai, ống này gặp lại ống tiểu thứ nhất ở đọan giữa rồi chảy ra ngoài. Tìm được căn nguyên rồi thì sẽ có hướng điều trị. Hướng xử lý là mổ và cắt bỏ ống tiểu thứ hai.

 

Một tuần sau, bé Vân xuất viện và sau đó bình phục, trở thành một thiếu nữ có thể sinh hoạt bình thường như các thiếu nữ khác.


 

* Lần thứ hai, tôi đến Bình Dân tìm anh để nhờ vả, là căn bệnh của Võ Thành Dũng. Dũng cũng là học sinh khóa tú tài 68, sau tôi một năm. Dũng thân thiết với Trần Đức Mạnh, Nguyễn Oai và Đặng Nhứt. Tôi quen Dũng trong quá trình hành nghề làm đường kết tinh ở Quảng Ngãi.

 

Mùa thu năm ấy, 1983, tôi ở sông Cầu về, ra thăm Dũng thì thấy Dũng đang nằm bệnh, người phình to như cái trống, tất cả quần áo cũ đều không mặc được. Chị Ngọc, vợ Dũng nói trong nước mắt:

 

“Theo chẩn đoán của bệnh viện Quảng Ngãi, bệnh viện Đà Nẵng, và của bác sĩ Tâm, thì anh Dũng bị bệnh phù thận nhiễm mỡ. Theo bác sĩ Tâm, bệnh này không chữa được, và nên đem bệnh nhân về, thích ăn gì cứ cho ăn, còn tiền chữa bệnh thì nên để dành nuôi con. Anh suy nghĩ xem, thử có còn cách gì khác chăng?”

 

Hồi đó bác sĩ Trần Như Tâm là bác sĩ được coi là giỏi nhất ở Quảng Ngãi. Những bệnh nhân nào mà bác sĩ Tâm đưa ra tiên lượng xấu, thì hầu như sau đó đều chết, dù có đi chữa ở bất cứ đâu, kể cà Hà Nội hoặc Sài Gòn.

 

Gia đình Dũng, kể cả cha mẹ và bên vợ đều có vẻ ngã lòng, trước căn bệnh của anh, nên đã lo tìm đất để an táng, tính chuyện hậu sự.

 

Bệnh phù thận nhiễm mỡ thì tôi có tìm hiểu và hiểu biết qua loa. Có nhiều nguyên nhân phức tạp làm cho các nephron của thận bị viêm tấy, khiến cho hệ thống lọc tắt nghẽn, nước và các chất cặn bã trong máu, mà cơ bản là urê, không được thanh lọc, bị lưu giữ trong cơ thể, đến một mức độ nhất định sẽ thành hội chứng uremia và bệnh nhân sẽ chết vì ngộ độc nitơ huyết.

 

Tôi nhìn Dũng trên giường bệnh. Đâu rồi một con người năng động, hoạt bát thường ngày, với cân nặng trên dưới 55kg. Nay anh trở thành một người da dẻ vàng ửng, phình to do ứ nước, với cân nặng ước chừng trên 80 kg. Có điều anh vẫn có vẻ tỉnh táo. Anh nói chuyện với tôi:

 

“Tôi chết thì cũng không có gì phải tiếc, vì cuộc đời này tôi cũng đã hưởng thụ đầy đủ rồi. Nhưng tôi chỉ đau lòng vì các con tôi còn quá nhỏ dại”.

 

Nói đến đây Dũng ứa nước mắt. Vợ chồng Dũng có 5 đứa con, đứa lớn nhất tên Tuấn, khoảng mười tuổi, đứa bé nhất tên Yến mới có vài tuổi.

 

Nhìn thần sắc của Dũng, tôi nghĩ mình nên làm một cái gì đó cho anh. Ít ra là để cho anh không ra đi quá gấp, vì sự mất cân bằng điện giải. Cơ thể học đã cho biết, với hàng triệu tuyến mồ hôi, và lỗ chân lông trên bề mặt da, ta có thể sử dụng chúng như một quả thận thứ 3, để loại bỏ một số nước, muối, cặn bã… ra khỏi cơ thể. Tôi yêu cầu chị Ngọc cho Dũng xông hơi để chảy mồ hôi và sau đó là massage các cơ. Sau mỗi lần xông hơi, massage như vậy, Dũng có vẻ khoẻ hơn, nên tôi yêu cầu tiến hành nhiều lần trong ngày.

 

Hôm sau chị Ngọc cho biết đêm qua, lần đầu tiên suốt một tháng trời, Dũng đã ngủ yên và không rên la như trước. Tôi cảm thấy nhen lên một chút hy vọng, và bàn với chị Ngọc giải pháp đưa Dũng đi Sài Gòn chữa trị. Dũng đã quá suy yếu nên không đủ sức đi xe đò, mà xe lửa thì ga Quảng Ngãi không có giường nằm. Hồi đó, không có chuyện bao xe như sau này, khi đời sống khá hơn. Trước tình cảnh ấy, Ngô Văn Tụ đã xung phong ra Đà Nẵng để mua cho kỳ được ít nhất là một vé giường nằm xe lửa cho Dũng đi Sài Gòn.

 

Tụ đã mua được một vé giường nằm cho Dũng, và mấy vé ghế ngồi. (Ngô Văn Tụ hiện nay là giám đốc Vinasoy, thường được người Quảng Ngãi gọi là “siêu giám đốc” vì là vị giám đốc duy nhất ở Quảng Ngãi không phải là đảng viên).

 

Có lẽ cho rằng, dù có đi Sàigòn, việc Dũng thoát chết là rất mong manh, nên chị Ngọc mang theo tất cả mấy đứa con, để nhỡ có chuyện gì, chúng còn kịp thời vĩnh biệt cha của chúng. Tôi tháp tùng gia đình Dũng, nhìn cảnh một đám trẻ con nheo nhóc, bên cạnh một người cha thập tử nhất sinh ở tuổi 36, không khỏi cảm thấy mủi lòng.

 

Hộ tống Dũng vào đến Sài gòn, tôi phải tính chuyện nhờ vả người bạn bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện Bình Dân, là anh Nguyễn Văn Chừng. Vậy là anh phải đứng ra lo mọi thủ tục, để Dũng nhập viện Bình dân. Sau đó anh lại phải tìm cách gửi gấm Dũng cho bác sĩ Bùi, bạn anh, ở chuyên khoa tiết niệu. Với sự gửi gấm và thường xuyên tới lui thăm hỏi của anh, bác sĩ Bùi đã tận tình chữa trị cho Dũng, theo một phác đồ điều trị khá là phức tạp, trong suốt nhiều tháng, và cuối cùng, Võ Thành Dũng đã thoát chết. (Bác sĩ Bùi sau đó được cử làm phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương.)

 

Hết lòng với bạn bè như vậy, nhưng bác sĩ Chừng lại cực kỳ khiêm tốn. Tôi mời anh đi ăn beef steak ở quán Nam Sơn, đường Nguyễn Đình Chiểu, mà anh cũng có vẻ miễn cưỡng và e dè, vì sợ tốn kém cho bạn mình. Nhiều năm sau này, anh vẫn còn nhắc mãi về bữa beef steak đáng nhớ của thời buổi khó khăn ấy.

 

Kỷ niệm giữa tôi và Nguyễn Văn Chừng khá nhiều, một phần đã được viết ra trên kỷ yếu Thân Hữu TQT thập niên 60, năm 2015: Bá đạo và & Vương đạo. (Xem bài nầy, theo đường dẫn: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=6908)

 

 

Từ trái qua, ngồi: Chị Tuyết, BCM, Mỹ Anh, Isabel. Đứng: Lê Sơn (gà), DMChính,

BAC, NC Trinh, TV Đương, NV Chừng, Tống Phát, Phan Thông, Đông Sơn, LV Công

 

Dưới mắt nhìn của tôi, anh vừa là người thành đạt, vừa là người rất có nghĩa khí, theo kiểu cổ điển.

 

Thành đạt là anh đã được học hành đến nơi đến chốn, đã đạt học vị tiến sĩ, du học Pháp, đạt các học hàm phó giáo sư rồi giáo sư tiến sĩ y khoa, tức là “thầy của các bác sĩ”.

 

Anh từng là chủ nhiệm bộ môn của trường Đại học Y Dược TPHCM, được bầu chọn làm chủ tịch hội Gây mê hồi sức TPHCM, phó chủ tịch hội GMHS Việt Nam.

 

Về mặt gia đình, anh có 4 cháu gái, thì một cháu học ở Việt Nam, là bác sĩ răng hàm mặt, có chồng là một Tiến sĩ y khoa. Ba cháu còn lại đều đã được du học ở Pháp.

 

Đó là một sự thành đạt hiếm thấy từ một con người xuất thân từ đồng ruộng, xứ Cà Đó hẻo lánh nghèo nàn của đất Quảng Ngãi.

 

Theo tôi, không biết có phải vì sự thành đạt khiến anh có cảm giác rằng ai cũng phải biết đến NVC. Gặp người lạ anh thường tự xưng danh: ”Tôi là NVC”. Vì vậy mà có một lần anh trở thành Giám đốc bệnh viện Cà Đó.

 

Cà Đó là nơi chôn nhau cắt rốn của anh.

 

Hối ấy, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Còn Cà Đó lại là một thôn nghèo nhất tỉnh. Cư dân Cà Đó sống bằng nghề trồng thuốc lá trên…cát. Vậy thì cây thuốc lá sẽ lấy chất dinh dưỡng từ đâu? Chỉ có thể lấy chất dinh dưỡng từ phân. Nhưng tìm đâu ra phân để bón cho cây thuốc lá, khi người dân quá nghèo, đến nỗi không có cả vốn liếng để nuôi bò, nuôi heo?

 

Thuở ấy, phần lớn nông thôn không hề có cầu tiêu, mà người ta phóng uế bừa bãi ngoài đồng, thậm chí cả ven đường cái. Người dân Cà Đó đã khai thác nguồn phân thiên nhiên ấy, bằng nghề lượm phân: mỗi người gánh một đôi ky, tay cầm một đôi đũa giống như đũa bếp và đi lượm từng cục phân lăn lóc ngoài đồng hay bên vệ đường, cho vào ky. Khi nào cả hai ky đựng phân đều đầy phân, thì mới gánh về Cà Đó, để bón cho cây thuốc lá. Không ai tính nổi cự ly cuộc hành trình bằng chân của người Cà Đó, vì họ đi khắp tỉnh, thậm chí ra cả Quảng Nam hoặc vào Bình Định, và đi quanh năm, có lẽ chỉ trừ những ngày mưa bão, với gánh phân kĩu kịt trên vai. Lũ học trò tụi tôi mỗi lần gặp một người Cà Đó với đôi ky trên vai là ù té chạy, vì không chịu nổi cái mùi bất hủ. Có một câu trêu chọc dân gian:

 

“Có chồng Cà Đó, chịu khó ghánh đôi ky, tay cầm đôi đũa, gánh đi khòm khòm”

 

Hay nói lái:

 

”Cống chò Cò đá, chọ khíu ghí đôi canh, tâm cày đua đỗi, ghí đanh khòm khòm”.

 

Cà Đó là một địa danh đặc biệt, một biểu tượng của cái nghèo khổ truyền kiếp, từ đời này qua đời khác.

 

Nhưng từ cái vùng đất cực kỳ nghèo khổ ấy, đã xuất hiện một nhà khoa học nổi tiếng là anh, một giáo sư tiến sĩ có tác phẩm khoa học đã in ấn lên đến hàng trăm đầu sách, đã trực tiếp và gián tiếp đào tạo hàng trăm thạc sĩ và Tiến sĩ y khoa.

 

Học toán, ai cũng biết dao động hình sin có chu kỳ và biên độ. Theo tôi, ra đời, cuộc sống cũng có chu kỳ và biên độ như thế. Chính biên độ cuộc sống sẽ thể hiện giá trị mỗi cuộc đời có cuộc sống ấy. Độ lớn của biên độ tuỳ thuộc vào điểm thấp nhất và điểm cao nhất của cuộc đời.

 

Xét theo ý nghĩa ấy, thì biên độ cuộc đời của anh là rất lớn, đồng nghĩa với một giá trị đáng khâm phục.

 

Có điều, tuy Cà Đó là một địa danh nổi tiếng, song bản đồ các bệnh viện ở VN chưa hề có bệnh viện Cà Đó. Ở Quảng Ngãi, bạn nghe có bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, bệnh viện Đức Phổ, bệnh viện Pham Văn Đồng… nhưng chắc chắn là không có bệnh viện Cà Đó.

 

Đơn giản vì Cà Đó chỉ là một thôn, mà nhà nước VN chưa có quy hoạch thành lập bệnh viện cấp thôn.

 

Vậy mà, có một lần duy nhất tôi nghe xướng tên bệnh viện Cà Đó trên micro, trong một khung cảnh trang nghiêm, là tại đám tang bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng ở Sài Gòn.

 

Hôm ấy, anh rủ tôi đến viếng bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng tại nhà tang lễ thành phố Hồ Chí Minh số 25 Lê quý Đôn quận I. Anh Hưng học cùng lớp với anh, và cùng ở chung với tôi một thời ở trường Quân y. Đang là Phân viện trưởng phân viện Sốt rét miền Nam, bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng đột ngột từ trần, vì bị xuất huyết tiêu hoá. Cái chết của anh Hưng làm cho cả anh lẫn tôi đều rất bức xúc. Anh than thở:

 

“Đúng là sai một ly, đi một dặm”.

 

Anh cứ bị ray rứt, không hiểu là nếu mình không đi Đalạt với anh Chính anh Thanh, thì có khi anh đã tìm được cách cứu anh Hưng. Còn tôi thì vừa thương vừa tiếc cho anh Hưng là đã không nhập viện Chợ Rẫy, mà lại vào Nguyễn Trãi. Vì Chợ Rẫy mới là nơi duy nhất ở Sàigòn, có Somatin, biệt dược cấp cứu xuất huyết tiêu hoá vô cùng hiệu quả do Phisiopharma, Italia sản xuất, công ty của tôi nhập khẩu và cung ứng cho bệnh viện Chợ Rẫy, đã từng cứu mạng hàng trăm bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá.

 

Là cán bộ thuộc trung ương quản lý, tang lễ của anh Hưng được tổ chức trọng thể tại nhà tang lễ TPHCM, 25 Lê Quý Đôn quận 1.

 

Bàn tiếp tân có hai nhân viên, có lẽ cũng ở ngành y. Cô tiếp tân lễ phép hỏi:

 

“Xin quý khách vui lòng cho biết quý danh”.

 

Anh ưỡn ngực, một thói quen của anh, dõng dạc:

 

“Tôi là NVC!”.

 

“Dạ, bác sĩ ở bệnh viện nào ạ?”.

 

Có lẽ bực mình vì một nhân viên ngành y, mà không biết gì về một giáo sư nổi tiếng như NVC, anh có vẻ cáu:

 

“Tôi ở Cà Đó”.

 

Thế là sau đó năm phút, tiếng loa phóng thanh oang oang:

 

“Phái đoàn viếng tang của bệnh viện Cà Đó, do bác sĩ giám đốc NVC dẫn đầu, đang tiến vào linh đàn để thắp hương”.

 

Tôi vừa thắp hương cho anh Hưng, vừa nghĩ thầm, chắc anh Hưng sẽ thông cảm với cái tính đùa dai của bạn mình.

 

Không rõ trong các quan khách dự lễ có bao nhiêu người thắc mắc gì về cái tên bệnh viện mới nghe lần đầu, nhưng khi dự lễ tang xong, ra về, chúng tôi gặp tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Sách. Bác sĩ Sách là giám đốc bệnh viện đa khoa An Giang, cũng từng ở chung với chúng tôi trong khu nội trú quân y. Gần đây anh Sách có giúp đỡ công ty của tôi trong việc đấu thầu, do đó, tôi rủ hai anh cùng đi uống rượu. Trong quán, lúc cụng ly, anh Sách hỏi anh:

 

“Lúc nãy, nghe giới thiệu ông làm giám đốc bệnh viện Cà Đó nào vậy? Mới mở bệnh viện tư à? Vậy mà giấu anh em kỹ thế”.

 

Anh láu lỉnh nháy mắt với tôi, cười bí mật, rồi trả lời anh Sách tỉnh bơ:

 

“Cà Đó sẽ là một bệnh viện tầm cỡ quốc tế. Có điều mọi khâu chuẩn bị vẫn chưa hoàn tất. Không biết ban lễ tang họ lấy thông tin từ đâu”.

 

Trong cuộc sống, anh rất tôn sùng đạo lý, cư xử có trước có sau. Mỗi khi có dịp về Quảng Ngãi, anh đều tranh thủ ghé thăm Cha Mẹ của tôi, thăm Bác Hân, Cha của bác sĩ Lê Quang Huyền, thăm và thắp hương gia đình bác Trực, Cha Mẹ anh Ngô Xuân Vũ.

 

Anh luôn giữ mình nghiêm túc và nổi tiếng về sự chính trực. Tôi nghĩ điều này bắt nguồn từ cái thiên lương bẩm sinh nơi anh, cái thiên lương soi rọi anh trong suốt cuộc đời, khiến cho anh không thể nào chấp nhận cái ác, cái xấu, và luôn thẳng thắn đấu tranh với nó một cách trực diện. Điều đó khiến cho anh phải hứng chịu nhiều va đập.

 

*  *  *

 

DƯƠNG MINH CHÍNH, DOANH NHÂN THÀNH ĐẠT VÀ TÂM HỒN NGHỆ SĨ.

 

 

Thời sinh viên ở đại học xá Minh Mạng, tôi có nghe đến tên Dương Minh Chính nhiều lần. Đó là một trong những học sinh hiếm hoi đậu tú tài hạng ưu trong kỳ thi tú tài Mậu Thân, sau đó trúng tuyển vào cả 2 trường Y khoa và Phú Thọ.

 

Nhưng tôi chỉ thực sự quen biết Dương Minh Chính vào năm 2002, khi tôi trở lại làm việc ở Sàigon, sau nhiều năm lưu lạc ở Hà Nội. Đó là một buổi chiều, tôi và Chính cùng đến chơi phòng mạch bác sĩ Lê Quang Huyền ở đường Phan VănTrị, quận 5. Mối giao tình giữa chúng tôi bắt đầu từ đó.

 

Chính là người có tài về mặt kinh doanh, với 4 nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và hơn 4 ngàn công nhân, Chính đã đạt được cái tiêu chuẩn đạo đức mà Nguyễn Cư Trinh xác lập: tạo công ăn việc làm cho nhiều người là đã hoàn thành một tiêu chuẩn lớn của đạo đức.

 

 Mặt khác, tâm hồn của Dương Minh Chính lại rất nghệ sĩ. Những buổi ca hát do Chính đứng ra tổ chức với ca sĩ chính là Lệ Hồng, cho tôi khám phá ra tâm hồn lãng mạn, đầy trắc ẩn của một con người đa diện. Tôi rất thích tính cách của Chính, với phong thái điềm đạm, pha một chút hài hước, châm biếm nhẹ nhàng, ứng phó thông minh. Anh cũng từng tự nhận, mình là một khách đa tình. Tôi nghĩ rằng điều ấy tự nhiên, và đã đọc cho Chính nghe hai câu thơ của Trần Viên Viên:

 

Chớ bởi giai nhân, lầm kế lớn.

Xưa nay hào kiệt vốn đa tình.”

 

Một tính cách nghệ sĩ nữa ở Chính là anh rất hâm mộ thơ văn. Anh đọc rất nhiều, và tôi đã nhiều lần bất ngờ về kiến thức văn học của Chính.

 

Khi tôi đề xướng làm kỷ yếu THÂN HỮU, anh cũng bắt đầu viết. Có lẽ bài “Tình không nhạt phai” là tác phẩm đầu tay của anh. Văn anh có phong cách già dặn, khiến người đọc cảm nhận được sự từng trải đã ghi khắc trong tâm hồn, để cho anh có được cái nhìn điềm tĩnh và thấu suốt.

 

Cũng từ mối giao tình với Chính, tôi tham gia vào các cuộc họp mặt của nhóm cựu học sinh TQT khóa 1961-1968, mà Ban Liên Lạc do Chính chủ trì, đó là bộ tứ: CHÍNH KỊCH ĐÓA RUNG gồm các bạn: Dương Minh Chính, Nguyễn Văn Kịch, Nguyễn Quang Đóa, Nguyễn Rung. Trong đó, anh Nguyễn Văn Kịch nay đã ra người thiên cổ.

 

Bộ Tứ đã có công sáng lập, quy tụ, tổ chức các cuộc gặp gỡ của nhóm cựu học sinh Trần Quốc Tuấn, mà thành phần nòng cốt là các bạn khóa 61-68, suốt từ năm 2002 đến 2009.

 

Trong các cuộc gặp gỡ này, nhóm đã mời được một số vị cựu giáo sư TQT như các thầy Nguyễn Văn Hàm, Cao Đức Thư, Dương Mạnh Thường, Chung Văn Miên, Cô Nguyễn Thị Hoa… cùng một số vị khác tham dự. Nội dung các cuộc gặp gỡ là những buổi giao lưu văn nghệ, tuy đơn giản, nhưng, ai nấy đều cảm động vì được sống lại những ngày xưa thân ái, nhờ không khí đầm ấm, tay bắt mặt mừng của những người bạn chung trường chung lớp, mà những ma chiết cuộc đời đã phân tán chúng tôi đi khắp bốn phương.

 

Cũng trong thời gian này, theo sự gợi ý của anh Lê Sơn và Nguyễn Văn Chừng, chúng tôi cùng tham gia vào một nhóm “nghiên cứu lịch sử”, bao gồm một nhóm “hào kiệt tự phong” mà Nguyễn Văn Chừng tự nhận là nhóm “ngũ-hổ”: Nguyễn Văn Chừng, Dương Minh Chính, Lê Văn Công, Lê Sơn và Nguyễn Văn Thanh.

 

Khi nghe nói đến “ngũ-hổ”, Dương Minh Chính đã tự trào một cách nhẹ nhàng, theo kiểu kiếm hiệp Kim Dung:

 

-”Có xưng ngũ-hổ thì cũng chỉ nên tự xưng trong nhóm với nhau. Kẻo lộ ra ngoài, thì giới giang hồ hảo hán, người ta sẽ cười cho đến trẹo quai hàm “

 

 

Nhóm nghiên cứu trước đền thở cụ BÙI TÁ HÁN - Núi Ông –

Quảng Ngãi, 7/2008. Từ trái qua: Nguyễn Văn Thanh, Lê Văn Công,

Lê Sơn, Ngô Văn Tụ, Dương Minh Chính, Nguyễn Văn Chừng

 

Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là những danh nhân lịch sử có nguồn gốc Quảng Ngãi: Trương Đăng Quế, Võ Văn Ninh, Bùi Tá Hán… Đó là những danh nhân lịch sử mà quá trình nhìn nhận của các nhà văn hóa đời sau, vẫn còn tồn tại những quan điểm phiến diện, mơ hồ, gây nhiều tranh cãi.

 

Đây là một giai đoạn mà sinh hoạt nhóm của chúng tôi khá vui vẻ. Dương Minh Chính là nhà tài trợ chính cho các chuyến đi Quảng Ngãi, Cát Tiên…và phần lớn chi phí in ấn, PR…

 

Tác phẩm” Trương Đăng Quế, cuộc đời và sự nghiệp” ra mắt cuối năm 2008, là một tác phẩm được đầu tư khá công phu.

 

Tôi được phân công viết phần Tổng Luận về Trương Đăng Quế. Tuy nhiên lúc bấy giờ, tư liệu chúng tôi sưu tập được còn khá hạn chế. Chính vì vậy, sau khi sách đã xuất bản, những năm sau này, tôi cố công sưu tầm thêm một số tài liệu, và tôi đã khám phá rất nhiều điều kỳ lạ về nhân vật lịch sử này. Dưới mắt nhìn của tôi, Trương Đăng Quế là một nhân vật Quảng Ngãi tiêu biểu trong lịch sử, đã có những cống hiến xuất sắc về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa. (1)

 

 

Sách được nhà sử học Dương Trung Quốc chấp bút giới thiệu ở Lời Nói Đầu, nhà xuất bản Văn Học ấn hành, báo Thanh Niên tổ chức họp báo giới thiệu và Đài truyền hình trung ương VTV 1 giới thiệu trong chương trình: ”Mỗi ngày một cuốn sách”.

 

*   *   *

 

NGUYỄN QUỐC CHIẾN, NGƯỜI BẠN CÓ SỨC SỐNG MÃNH LIỆT

 

 

Thời trung học, tôi học cùng lớp với anh Nguyễn Tấn Phúc, anh ruột bạn Nguyễn Quốc Chiến. Một ngày hè năm đệ ngũ (1963), nhóm bạn lớp đệ ngũ 1 chúng tôi có xuống Tư Hòa (Nay là xã Nghĩa Hiệp) thăm anh Nguyễn Tấn Phúc. Lúc bấy giờ chúng tôi rất choáng với gia phong nhà anh Phúc: Thân phụ anh Phúc là đại diện xã Tư Hòa, và nhà anh có lẽ là căn nhà lầu hiếm hoi ở nông thôn. Tôi vẫn chưa quen Chiến, cho đến mãi sau này, gặp nhau trong các cuộc họp mặt TQT.

 

Chiến thông minh, tháo vác và cực kỳ lanh lợi. Chỉ mỗi việc anh trở thành “địa chủ”, sở hữu hợp pháp hơn 200 hecta đất, trong một chế độ từng xem địa chủ là kẻ thù không đội trời chung, đã làm cho bạn bè chúng tôi khẩu phục, tâm phục về sự lanh lợi tháo vác của anh…

 

Chỉ sau này, khi đã thân thiết với nhau, Chiến mới kể cho tôi nghe những chuyện liên quan đến đời sống riêng tư của anh. Anh vốn là một trưởng ty của chế độ cũ, song với tầm nhìn sắc sảo và những bước đi khéo léo, anh tránh được cái vòng kim cô “lý lịch”, để đạt đến rất nhiều thành công sau này.

 

Anh đã tiếp tục học Luật, trở thành Luật sư, sau đó đã hoàn thành luận án, và đạt học vị Tiến sĩ Luật. Mới đây anh đã được Hội đồng chức danh nhà nước phong học hàm “phó Giáo sư”

 

Một đêm ở Đơn Dương, Lâm Đồng, sau khi nhậu một chầu tá lả ở nhà anh Nguyễn Văn Thanh, chúng tôi cùng quay về khách sạn. Do Chiến và tôi ở cùng phòng, nên trong cơn say, Chiến đã bộc lộ nhiều điều bí mật cá nhân, khiến tôi vô cùng kính nể, và từ đó tôi luôn gọi Chiến là Đại kiện tướng.

 

Trong cuộc họp mặt của nhóm Cựu học sinh TQT, khóa 1961-1968 mở rộng, vào năm 2009, một số bạn đã đưa ra ý kiến, cần cải tổ một số tiêu chuẩn, để có thể tạo ra tầm vóc mới cho nhóm cựu học sinh TQT đã có truyền thống họp mặt hàng năm. Nhóm không chỉ là các cựu học sinh TQT 1961-1968, mà còn bao gồm các anh chị ở những niên khóa khác.

 

Trong tinh thần đó, nhóm đổi tên thành Nhóm THÂN HỮU (Cựu học sinh TQT thập niên 60, bao gồm tất cả các anh chị đã vào trường hoặc ra trường từ năm 1960 đến 1970).

 

Các bạn đề cử Nguyễn Quốc Chiến – Dương Minh Chính và Lê Văn Công đảm trách Ban Liên Lạc, với sứ mạng được giao là phải làm sao cho các cuộc gặp gỡ ngày càng có chất lượng hơn.

 

Tôi thuyết phục các bạn:

 

Muốn gây được ấn tượng, nhất thiết phải xuất bản cho kỳ được KỶ YẾU, như một diễn đàn về những hoạt động tinh thần của nhóm. Các bạn hãy nghĩ mà xem, mỗi năm chúng ta họp mặt một lần, trong vòng đôi ba tiếng đồng hồ. Chia xẻ được gì trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy? Nhưng nếu có Kỷ Yếu, chưa cần biết là viết như thế nào đi chăng nữa, nhưng bất cứ lúc nào,chúng ta cũng sẽ gặp lại được nhau, mỗi lần giở những trang kỷ yếu.

 

Ý kiến trên đây đã được chấp nhận, Kỷ yếu Thân Hữu, do ban liên lạc ủy quyền cho tôi làm chủ biên, đã mời gọi một số anh chị của những niên khóa khác nhau, tham gia các cuộc họp mặt, đồng thời đóng góp tích cực cho Kỷ yếu, tạo ra một sự phong phú đáng ngạc nhiên, và đã được đón nhận nồng nhiệt.

 

Đồng thời, với tiêu chuẩn mở rộng, nhóm đã mời gọi và nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ bạn bè nhiều khóa TQT khác nhau, dưới các hình thức: đóng góp bài vở, tài trơ, tham dự sinh hoạt… Tính theo thời gian ra trường thì sau đây là các khóa tiêu biểu:

 

- 1964: Huỳnh Ngọc Phiên, Trần Sum

- 1965: Nguyễn Ngọc Lãm, Trần Công Ly Tao

- 1966: Trần Thi, Hoàng Huy, Nguyễn Văn Khuê.

- 1967: Nguyễn Cư Trinh (Pháp), Đạm Phong, Nguyễn Thị Thu Hương (Mỹ), Lê Sơn, Trần Đình Lãnh, Tạ Vĩnh Ảnh, Đinh Tấn Phúc, Nguyễn Thái Ất, Trương Thân, Đặng Thế Thiêng, Phạm Văn Tài, Nguyễn Đình Cương…

- 1968: Tất cả các bạn nhóm 61-68.

- 1970: Tạ Văn Doanh, Hàng Chức Nguyên… (1970).

 

KỶ YẾU THÂN HỮU đã xuất bản được 5 số vào đầu các năm 2010, 2012, 2013, 2015, 2017.

 

*  *  *

 

NGUYỄN VĂN THANH, NGƯỜI GÂY ẤN TƯỢNG.

 

 

Học ở Trần Quốc Tuấn đến hết trung học đệ nhất cấp, anh Nguyễn Văn Thanh theo gia đình di cư lên Lâm Đồng và theo học đại học Đa lat sau khi đậu tú tài II.

 

Do đó, chỉ sau khi từ Hà Nội chuyển về Sàigòn, thông qua Nguyễn Văn Chừng tôi mới quen biết anh Nguyễn Văn Thanh: một anh chàng cao lớn, đẹp trai, với mái tóc bạc trắng như cước, mà Nguyễn Văn Chừng hay đùa là anh ta đã nhuộm trắng.

 

Anh Thanh là Tổng giám đốc công ty cao su Bến Thành, một công ty quốc doanh đã cổ phần hóa. Ở cương vị này, anh có thể giúp được cho con cháu một số bạn bè Quảng Ngãi tìm được công ăn việc làm, và có người đã thành công, đạt đến những vị trí nhất định trong công ty.

 

Nhưng gây được ấn tượng nhất là việc anh từng dám ấu đả với công an hình sự, trong một quán nhậu. Anh bị bắt, nhưng được sếp lớn CA giải thoát kịp thời.

 

Nghe kể lại chuyện này, Đỗ Thanh Sửu phục anh sát đất.

 

Một lần nữa ở Lâm Đồng, xe chở nhóm chúng tôi bị bắn tốc độ. Anh Thanh bảo tài xế khoan ký biên bản. Rồi anh gọi điện thoại cho người quen. Một lát sau, xe được phép tiếp tục hành trình, không bị xử lý. Đỗ Thanh Sửu lại thêm một phen khẩu phục tâm phục hoàn toàn.

 

Những chuyện anh Thanh kể lại về những kỷ niệm trong đời đều rất thú vị. Chẳng hạn như chuyện ông thầy Trần Thỏa, thời tiểu học, hay chuyện người bạn ngồi cạnh anh ở lớp đệ thất, đánh lừa anh khi chia động từ to have.

 

Phải nói Nguyễn Văn Thanh đã ra đời dưới một ngôi sao tốt. Đơn cử như chuyện đi thi mướn hồi năm 1968.

 

Hồi đó sinh viên tụi tôi đa số là con nhà nghèo, nên coi chuyện thi mướn để kiếm tiền trang trải chi phí học tập, mặc dù không hợp pháp, nhưng cũng chẳng làm hại cho ai, nên có thể chấp nhận được..

 

Tuy vậy, lúc ấy ở Sàigon, tụi tôi đi thi mướn, thông qua ông Lê Khoa Học, nếu đỗ và không gặp trắc trở gì, thì chỉ nhận được 30 ngàn đồng.

 

Trong khi đó, theo lời kể lại của anh Thanh, ở Đà Lạt, anh đã nhận lời đi thi mướn cho một trường hợp, người này rất cần cái bằng tú tài để lên chức lên lương, nên đồng ý trả anh đến 300 ngàn đồng.

 

Với thành công về tiền bạc ngay từ thời là sinh viên, anh có cuộc sống sung túc, và có tiền-đề để xây dựng sự nghiệp sau này. Nói như vậy không phải là quên đi một thực tế khách quan mà chúng ta phải công nhận ở Nguyễn Văn Thanh, là anh có sự nhạy cảm đặc biệt trong lãnh vực kinh tế tài chánh. Điều đó cắt nghĩa sự thành công rực rỡ của anh trong lãnh vực này.

 

Hè 2008, Nguyễn Văn Thanh tài trợ một chuyến du lịch Cần Giờ cho nhóm tác giả nghiên cứu Trương Đăng Quế, bao gồm năm cặp vợ chồng: Anh Thanh - chị Thư, Anh Chừng – chị Mận, Anh Chính – chị Tuyết, anh Lê Sơn – Chị Thủy, Tôi và Bích Thu.

 

Chúng tôi nghỉ lại ở resort Phương Nam Đảo Ngọc. Resort này sở hữu một bãi biển nên thơ, họ xây một cây cầu ra phía biển, để đến một nhà hàng có khung cảnh rất thơ mộng, nằm trên mặt biển.

 

Đêm ấy, môt đêm trăng 17, thơ thẩn một mình trên cây cầu đảo Ngọc, tôi sáng tác Đêm Cần Giờ.

 

Với niềm tiếc nuối về tuổi thanh xuân đã qua đi:

 

Có phải xa rồi tuổi đôi mươi?

Sao không phai nhạt dấu chân Người?

Xưa hẹn cùng ai trăng thiếu nữ,

Bây giờ trăng cũ cũng đầy vơi.

 

Sau đó ít lâu, trong một buổi họp mặt, có một người đẹp tôi mới gặp lần đầu, khi ai đó giới thiệu tên tôi, người con gái đã hỏi lại:

 

- LVC nào, có phải là LVC trăng thiếu nữ?

 

Nếu bạn là một người sáng tác, bạn cũng sẽ như tôi, rất vui vì có người biết đến mình, chỉ thông qua tác phẩm. Về điểm này, tôi rất cảm ơn anh Nguyễn Văn Thanh đã cho tôi cơ.hội, tìm được thi tứ trong một đêm trăng mùa hạ, trên bãi biển Cần Giờ

 

 

Resort Phương Nam Đảo Ngọc (T.7/2008). (Hàng bên trái, từ ngoài vào trong:

Chị Thư, Chị Mận, Bích Thu, Chị Tuyết, Chị Thủy, cậu Tài xế.)

(Hàng bên phải: NV Thanh, LV Công, DM Chính, NV Chừng, Lê Sơn)

 

*  *  *

 

HOÀNG THỌ VĨNH, VÀ LỜI RĂN THỨ 8 CỦA ĐỨC PHẬT

 

 

Lên đại học rồi, tôi vẫn chưa quen biết với Hoàng Thọ Vĩnh. Nhưng không hiểu sao, trong tiềm thức tôi, lại có cái tên này. Đầu năm 1969, tôi có viết một truyên ngắn, được chọn đăng trong Kỷ yếu Mùa Xuân, đại học Dược khoa SG. Truyện ngắn mang tên “Mùa Xuân trong trí nhớ”, kể chuyện một sinh viên về quê nghỉ Tết. Đêm đến, du kích bắt dẫn lên rừng. Sau đó gặp trưởng ban tuyên huấn huyện, lại là một người bạn cũ thời trung học, nên được tuyên truyền cho “giác ngộ”, rồi thả về.

 

Tên người cán bộ đó là Hoàng Thọ Vĩnh.

 

Có lẽ do ở chung với Lê Quang Huyền, mà Huyền thì hay nhắc đến Vĩnh nên tôi nhập tâm cái tên này chăng?

 

Nhưng tại sao truyện lại có tên là: ”Mùa xuân trong trí nhớ”?

 

Đây chính là trí nhớ của nhân vật trưởng ban tuyên huấn, mà tôi đã liên tưởng đến người bạn cùng lớp đệ tam của tôi, tên Lê Văn Nghĩa, cũng là một cựu học snh Trần Quốc Tuấn đã thoát ly, vào năm đệ tam. Cuộc hội ngộ tình cờ người bạn cùng lớp vào những ngày cuối năm, khiến y nhớ da diết khung trời thơ mộng đã gắn bó tuổi thanh xuân của mình, mà điển hình là những buổi chiều xuân, trên đường Phan Bội Châu (nay là Hùng Vương), đứng nhìn đàn bướm trắng túa ra từ cổng trường Nữ Trung học.” Xưa nay hào kiệt vốn đa tình. (Lê Văn Nghĩa đã vĩnh viễn không còn cơ hội trở về thăm lại trường Trần Quốc Tuấn.)

 

Lúc làm đường kết tinh ở Quảng Ngãi, tôi lại nghe nhắc đến Hoàng Thọ Vĩnh, là một kỹ sư của nhà máy đường, bị vu cáo và bắt giam. Vĩnh kể cho tôi nghe lúc đi tù ở Quy Nhơn, họ bắt Vĩnh đi lao động ở ngoài đường phố, hết sức cực khổ và ê chề.

 

Ra tù, với điều kiện của một cựu tù nhân, trong một xã hội khắc nghiệt đầy định kiến, nhưng Vĩnh đã phấn đấu vươn lên một cách ngoạn mục.

 

Rồi khi Vĩnh làm lãnh đạo nhà máy đường Biên Hòa, thì có lẽ do gợi ý của Lê Quang Huyền, trong một chuyến công tác Hà Nội, Vĩnh đã tìm gặp tôi, lúc bấy giờ đang phụ trách công ty Novartis khu vực miền Bắc.

 

Sau đó, chúng tôi cũng đã nhiều lần gặp nhau và trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có cái nhìn về một nền kinh tế thị trường đang trỗi dậy. Và Vĩnh đã chứng tỏ là một người nhìn xa trông rộng trong những năm sau này, khi thẳng tiến trên con đường thành đạt, trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BIBICA.

 

Một lần Vĩnh hỏi tôi:

 

- Tôi thấy anh viết rất hay, mà tại sao anh không có tên trong một đoàn thể văn nghệ nào, hội nhà văn chẳng hạn?

 

Vĩnh đã làm tôi nhớ lại câu chuyện Tiến sĩ Lê Sơn, muốn thuyết phục tôi từ bỏ kinh doanh để tập trung vào văn học.

 

Sau khi đọc một số tác phẩm của tôi, anh Sơn đã mời tôi một bửa cơm trưa ở quán cơm sau lưng dinh Độc Lập. Anh nói:

 

- Hôm nay mình mời Công và anh Chừng ăn cơm, nhưng anh Chừng chỉ đóng vai người làm chứng.

 

Tôi hơi ngạc nhiên vì vẻ trịnh trọng của anh. Anh tiếp tục:

 

- Sau khi đọc hết các bài viết của Công, tôi muốn khuyên Công một điều: Công kinh doanh kiếm tiền như vậy là đã đủ rồi. Thực ra tiền chẳng là gì cả. Mình cần tiền để sống, chứ không phải sống để kiếm tiền. Công hãy dẹp bỏ việc kinh doanh đi, để đầu tư vào việc viết lách. Tôi tin bạn sẽ thành công lớn. Giờ là lúc Công nên dồn sức cho văn học, nếu không thì thật là đáng tiếc, uổng phí một tài năng không được phát huy. Sở dĩ tôi mời cả anh Chừng là để anh ấy làm chứng, rằng tôi đã nói những lời tâm huyết này với Công.

 

Sự quan tâm và động viên của anh Lê Sơn làm tôi cảm động. Nhưng tôi đã có chủ ý của riêng mình.Tôi nói với anh Sơn:

 

- Xin cảm ơn anh. Nhưng có lẽ anh chưa hiểu hết tôi đấy thôi. Tôi biết rõ mình muốn gì.

 

Để thành công thì phải tập trung vào một điểm. Nhưng tôi lại không muốn tập trung, mà lại thích trải nghiệm nhiều thứ, nếm trải mỗi thứ “một chút”. Một chút văn chương (thơ, văn, báo chí), một chút võ học (Haikido), một chút khoa học (dược khoa), một chút kinh doanh (CIBA – GEIGY và Novartis Manager) một chút văn nghệ (ca hát)… Cho nên rốt cuộc tôi sẽ không là gì cả, nhưng tôi có được nhiều thứ.

 

Cuối cùng, đó là ưu điểm hay nhược điểm thì lại tùy thuộc ở cách nhìn nhận và chọn lựa của mỗi người.

 

Trong cuộc sống đời thường, Vĩnh được chúng tôi quý trọng vì anh là một người con rất hiếu thảo. Anh ít có khả năng tham gia đàn đúm với chúng tôi, nhưng chúng tôi không ai nỡ trách anh, khi biết rằng, anh luôn muốn về  ăn cơm đúng bữa với gia đình.

 

Ngoài sự quý trọng, tôi còn rất kính phục Hoàng Thọ Vĩnh vì đã thực hiện được lời răn thứ 8 trong số ”Mười bốn 14 điều răn của Đức Phật” (2)

 

“Khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi bị vấp ngã”.

 

*  *  *

 

LÊ QUỐC ÂN, NGƯỜI BẠN ĐA TÀI, THÀNH ĐẠT và NGHỆ SĨ.

 

 

Vợ chồng anh chị Lê Quốc Ân, con trai, con dâu và cháu nội.

 

Tôi vốn không quen Lê Quốc Ân, mặc dù có nghe danh tiếng Lê Quốc Ân qua những câu chuyện với bạn bè. Nghe nói Lê Quốc Ân từng đậu thủ khoa kỳ thi tuyển sinh khoa Hóa của trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ, và cũng đã hoàn tất luận án Tiến sĩ ở Thụy Sĩ..

 

Mãi đến khoảng năm 2006, tôi mới gặp Lê Quốc Ân lần đầu, trong một bữa café do Dương Minh Chính tổ chức để bàn việc làm Thủy điện ở Dark Nông.

 

Lúc bấy giờ Lê Quốc Ân đã nổi tiếng trong vai trò Chủ tịch Tổng giám đốc  của Tổng công ty Dệt may Việt Nam, một tổ chức nghề nghiệp có công lớn với nền kinh tế quốc dân, khi nâng được kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may VN từ vài tỷ USD, lên hàng chục tỷ.

 

Là người thành đạt, nhưng điểm đáng chú ý ở Lê Quốc Ân là cư xử với bạn bè rất có tình. Với ai cần giúp đỡ trong phạm vi khả năng, anh đều sẵn lòng. Anh cũng tham gia tích cực vào công việc thiện nguyện, là trưởng ban Cố vấn cho Câu lạc bộ “Về Với Quê Mình Quảng Ngãi”, với những đóng góp xuất sắc.

 

Anh cũng đầu tư nhiều công sức, tài lực vào các công trình văn hóa ở quê nhà.

 

Tôi đã có dịp đến thăm khu văn hóa tưởng niệm Thi sĩ Bích Khê ở Phú Thọ, trong khu vườn do tổ phụ Lê Quốc Ân để lại. Đó là một khu tưởng niệm được thiết kế độc đáo, với ý tưởng kết hợp sự hòa quyện giữa nhạc và thơ, giữa âm thanh và sắc màu. Mà những thi phẩm của nhà thơ Bích Khê, dưới mắt nhìn của các nhà phê bình, chính là những “màu sắc được sử dụng êm dịu chói chang hay huyền ảo, và âm thanh tạo nên chất nhạc du dương.”

 

Lê Quốc Ân có quyền tự hào một cách chính đáng về người chú ruột của mình: thi sĩ Bích Khê {Lê Quang Lương} là người có một vị trí nổi bật trên thi đàn Việt Nam, người mà trong tác phẩm “Thi nhân Việt Nam”, một tác phẩm kinh điển về phê bình thi ca cận đại, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết:

 

“Tôi đã gặp trong “Tinh huyết” những câu thơ hay vào bực nhất Việt Nam:

 

”Ô hay buồn vương cây ngô đồng, Vàng thu vàng thu ôi mênh mộng”

 

Hoặc:

 

“Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm, Nàng là hương hay nhan sắc lên hương.”

 

Chúng ta cũng nên nghe lời phẩm bình về thơ Bích Khê, đến từ một nhà thơ lỗi lạc cùng thời, là Hàn Mặc Tử:

 

”Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu…”

 

Còn giới phê bình văn học đương đại, nhận định về thơ Bích Khê ra sao?

 

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, thì:

 

Với “Tinh huyết”, "Thơ mới" đã chuyển từ lãng mạn sang tượng trưng và siêu thực. Ở “Tinh huyết” phần lớn là bí hiểm, nhưng vẫn có thể nhìn thấy trong đó một hồn thơ đắm đuối, cuồng nhiệt. Nhà thơ có nhiều tìm tòi đổi mới thơ ca, theo hướng chủ nghĩa hiện đại, đi sâu vào cõi vô thức. Có một số bài, một số câu ý tứ mới mẻ, nhạc điệu du dương...”

 

Nhận định về thơ Bích Khê, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nguyên trưởng ban Khoa học, viện Văn học Việt Nam đã viết:

 

Thơ Bích Khê mang rõ phong cách Trường thơ Loạn. Và tính chất tượng trưng là đặc điểm quán xuyến toàn bộ thơ Bích Khê. Làm tăng tính chất tượng trưng ấy là màu sắc được sử dụng êm dịu, chói chang hay huyền ảo; và âm thanh tạo nên chất nhạc du dương cho khá nhiều bài. Tính tượng trưng đôi khi làm biến dạng hẳn cảm giác thực của người đọc và gây nên những ảo giác, khi tiếp xúc với đối tượng diễn tả của Bích Khê; cái chết rùng rợn thành hương sắc, khoái cảm xác thịt trở thành ghê rợn, và ngay cả màu sắc, âm thanh cũng không còn là màu sắc, âm thanh nữa mà trở nên hư hư, thực thực...Tuy nhiên, bút pháp tượng trưng đặc sắc và luôn tìm tòi cái mới ấy, vẫn không che giấu được hai nguồn cảm hứng thường trộn vào nhau và hằn rõ trong thơ Bích khê, đó là nhục cảm và cuồng loạn...”

 

Tóm lại, đến giờ này, chỗ đứng của nhà thơ Bích Khê trong nền thi ca cận đại đã được xác lập một cách vững chắc, bởi người đồng thời với nhà thơ, lẫn hậu thế.

 

Có lẽ được thụ hưởng từ dòng máu nghệ thuật của dòng họ Bích Khê mà Lê Quốc Ân cũng có tâm hồn nghệ sĩ. Anh rất đam mê âm nhạc và hát rất hay. Hai CD anh đã phát hành, một Tưởng niệm Phạm Duy, và một là Dã tràng ca, Trịnh Công Sơn, đều đã được đầu tư một cách hết sức công phu, được bạn bè và công chúng chào đón nồng nhiệt.

 

Lê Quốc Ân và tôi có một điểm giống nhau, ấy là việc chúng tôi cùng có con trai làm việc ở Microsoft của ông chủ Bill Gate.

 

Phú, con trai LQA đã làm việc ở đó hơn 8 năm, còn Phong, con trai tôi, chỉ mới hơn 2 năm.

 

Tôi đã nói với Phong, con tôi: ”Ba nghĩ có lẽ có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc cho Microsoft. Song ba tin rằng, người Quảng Ngãi thì không có nhiều đâu. Vậy nếu có cơ hội gặp gỡ anh Phú, con bác Ân, thì con nên tìm cách kết giao.”

 

*  *  *

 

ĐẶNG NHỨT, NGƯỜI BẠN THỨC THỜI, CÓ KIẾN THỨC SÂU RỘNG.

 

 

Tôi biết đến Đặng Nhứt khá lâu, vào khoảng 1885. Lúc bấy giờ Nhứt phụ trách thanh niên xung phong, với chức vụ hình như là Liên đội trưởng, thỉnh  thoảng về Quảng Ngãi thì gặp nhóm bạn cũ là Nguyễn Oai, Trần Đức Mạnh và Võ Thành Dũng.

 

Hồi đó anh Ngô Xuân Vũ, Trần Thi và tôi, nghe Võ Thành Dũng nói chuyện về Đặng Nhứt thì rất hâm mộ, khi biết rằng, Nhứt nguyên là một chức sắc trong chế độ cũ, nhưng đã phấn đấu rất tốt, trở thành lãnh đạo Thanh niên xung phong trong chế độ mới. Quả là một người rất thức thời, và quan trọng là biết cách thay đổi cục diện.

 

Nhưng rồi bẵng đi nhiều năm, chúng tôi mới gặp lại nhau ở Sài Gòn, thì Đặng Nhứt đã trở thành một nhân vật cốt cán trong tập đoàn TânTạo.

 

Nhứt là người rất thông minh, có trí nhớ tốt, kiến thức rộng. Trong nhóm Café Hoa Hồng,  Đỗ Thanh Sửu và rất nhiều người cực kỳ khâm phục Đặng Nhứt, gọi Đặng Nhứt là tự điển sống. Sửu còn phong cho Đặng Nhứt biệt danh là Google sống, vì cứ hễ khi nào có vấn đề thì anh đều nhờ Đặng Nhứt giải đáp hộ.

 

*  *  *

 

ĐỖ THANH SỬU, NHÂN SINH QUÝ THÍCH CHÍ.

 

Chúng tôi quen nhau hơn 10 năm, khởi đầu qua những cuộc họp mặt do Dương Minh Chính tổ chức. Sửu có biệt tài về công nghệ thông tin, áp dụng hiệu quả vào việc tính toán đầu tư tài chính và bất động sản.

 

Có một lần, anh Nguyễn Cư Trinh, đưa chúng tôi lên Thủ Đức thăm một người bạn gái đồng khóa Quốc gia hành chánh, mà anh Trinh mô tả là rất đặc biệt.

 

Quả là đặc biệt thật. Chị Ngọc Thố rất xinh đẹp, làm ăn lớn, nhưng đặc biệt nhất là mối quan hệ thân thiết của chị với các quan chức đầu ngành, nhất là ngành công an.

 

Chị Ngọc Thố, sau lần gặp gỡ đó, đã tỏ ra rất có ấn tượng với anh Sửu, người mà chị bảo là  nhân vật “dị tướng tất hữu kỳ tài “ này

 

Kỹ sư công chánh Đỗ Thanh Sửu nguyên là một cán bộ ngành giao thông về hưu, và rất giỏi trong việc chơi chứng khoán. Dương Minh Chính từng cho tôi biết, trong giai đoạn thịnh thời của chứng khoán VN, việc mỗi ngày, Đỗ Thanh Sửu kiếm được 500 triệu VND là chuyện rất bình thường.

 

Sửu có một nhân sinh quan hết sức thoáng. Đại loại như Nguyễn Công Trứ, từng có một câu để đời: “Nhân sinh quý thích chí”. Nghĩa là sống ở trên đời, cứ theo đuổi cái mà mình ưa thích.

 

Cho nên anh rất thoải mái trong cuộc sống, từ chuyện công việc đến sinh hoạt bạn bè, kể cả chuyện tình cảm. Tất nhiên anh đã từng phải trả giá cho những cuộc phiêu lưu của mình, song anh đã xác định từ đầu, là mình yêu thích một cuộc sống như vậy, và sẵn sàng vượt qua.

 

*  *  *

 

ĐẶNG XU, CUỘC ĐỜI VẪN ĐẸP SAO.

 

Tôi mới quen Đặng Xu trong thời kỳ làm trong ban Liên Lạc nhóm Thân Hữu. Đặng Xu dạy ở trường Cao Đẳng Sư phạm Quảng Ngãi, sau này là Đại Học Phạm Văn Đồng. Sau khi về hưu, cả gia đình anh vào sinh sống ở Sài Gòn. Như vậy, tính ra, có lẽ Đăng Xu là người có thời gian sinh sống ở Quảng Ngãi lâu nhất trong các anh em.

 

Đặng Xu là người chỉn chu, sống nghiêm túc, đặc biệt rất chịu khó khi lo việc chung. Trong các cuộc hội họp của nhóm THÂN HỮU, anh luôn xung phong đảm nhận những vai trò khó khăn, phức tạp.

 

Mùa đông 2016, thân phụ tôi bệnh nặng, nằm viện thời gian rất dài. Tôi ở Quảng Ngã hơn một tháng trời để chăm sóc cụ. Những ngày đó, Đặng Xu về Quảng Ngãi, thường ghé thăm. Chúng tôi đã cùng hẹn nhau đến những quán ăn xưa, ở các con phố nhỏ thành phố Quảng Ngãi, tìm lại dư âm những ngày tháng cũ của thập niên 80. Ở đó, chúng tôi được thưởng thưc những món ăn bình dân, rẻ tiền, nhưng gợi lại bao kỷ niệm phong phú về một quãng đời đã qua, khó tìm lại được.

 

Đặng Xu có một bà vợ xinh đẹp, hai đứa con trai ngoan ngoãn và ra đời thành công. Cho nên, đối với anh đây là giai đoạn mà anh đang tận hưởng tuổi già bằng những thú vui tao nhã: câu cá, hội họp bạn bè, du lịch…

 

*  *  *

 

THI SĨ TRẦN THOẠI NGUYÊN, VỚI NHỮNG THAO THỨC SIÊU HÌNH.

 

 

Nhà văn Cung Tích Biền và Thi sĩ Trần Thoại Nguyên

 

Mùa khai giảng sau hè 1965, tôi và Trần Văn Đương cùng ở ngụ nhà bà Tòng trên trung tâm Thí nghiệm Mía. Cùng ở đó, có Lê Võ Quốc (Lê Văn Ruộng), Tạ Văn Doanh, Trần Xuân Tứ và Đặng Tùng. Nhưng cuộc đoàn tụ không được lâu, vì xảy ra cãi vã giữa tôi với Đặng Tùng. Sau đó, nhóm Tùng - Đương - Tứ dời nhà trọ đi nơi khác. Cuối cùng có Phạm Hữu Chí, Nguyễn The, Nguyễn Vịn, Huỳnh Nhì điền vào chỗ trống và chúng tôi ngụ nhà bà Tòng đến cuối năm học 65-66.

 

Năm học 1966-1967, tôi và Nguyễn Thượng Hải (đệ nhất B2-TQT) cùng Huỳnh Họp (đệ nhị A 2-TQT) ở ngụ nhà bà Thận, cũng gần trung tâm Thí nghiệm Mía. (Huỳnh Họp sau này có thời làm chủ tịch Thị Xã Quảng Ngãi với tên là đồng chí chủ tịch Hoàng Anh Tuấn)

 

Hồi đó, Tú tài toàn phần mỗi năm thi 2 kỳ, kỳ 1 cuối tháng 6, kỳ 2 đầu tháng 9, còn  Tú tài bán phần, thì tháng 8 mới tổ chức một kỳ duy nhất trong năm.

 

Giữa tháng 7, có kết quả Tú tài toàn phần lần thi thứ nhất. Toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 100 xã, nhưng chỉ có 42 thí sinh trúng tuyển. Xã Đức Quang của tôi có 2 người đậu: anh Trần Văn Trợ và tôi. Anh Trần Văn Trợ là đàn anh, đã từng là thày giáo dạy hè cho tôi, hồi tôi học đệ ngũ, và đã thi tú tài nhiều lần.

 

Tôi xuống nhà Huỳnh Họp để khoe và xem bạn mình học hành ra sao?

 

Tôi gặp lại Trần Văn Đương, đang cùng luyện thi Tú tài bán phần ở nhà Huỳnh Họp.

 

Đương và Họp nhìn nhau, Huỳnh Họp nói:

 

-”Nó chỉ học trước mình có một lớp, vậy mà bây giờ, nó hơn mình đến hai cái bằng”.

 

Ý của Họp muốn nói là tôi đã có được bằng tú tài 1 và tú tài 2, còn  Họp thì vẫn đang ôn luyện để chờ dự thi tú tài 1 vào tháng 8 tới.

 

Câu nói vừa nhuốm một chút ghen tỵ, nhưng lại có phần nể phục của Họp, khiến tôi cảm thấy lòng cứ lâng lâng.

 

Còn Đương thì nhận xét:

 

- Bây giờ ở Đức Quang mình, không có ai bì được với bạn.

 

Đó là những ký ức thoáng qua của tôi về Trần Văn Đương.

 

Lên đại học, tôi và Đương ít có dịp gặp nhau, vì Đương học ở Đà Lạt. Song có nghe anh em nói chuyện về Đương, như một tín đồ của Phạm Công Thiện và Krishnamurti.

 

Đương còn làm thơ với bút hiệu là Trần Thoại Nguyên.

 

Ở góc độ khách quan, tôi nhìn nhận, thơ Trần Thoại Nguyên khá là phong phú, trên nhiều lãnh vực. Từ những xúc động trong mối tình đầu, với tình cảm chân thực, đến những cảm tác siêu hình, mà số người hiểu và cảm được, không nhiều.

 

Về già, Trần Thoại Nguyên có xu hướng làm thơ để diễn đạt những tình cảm của mình trong cuộc sống đời thường, như tình bạn, tình quê hương, hoặc bày tỏ chính kiến trước những điều trái tai gai mắt ngoài xã hội. Tôi nghĩ bước chuyển biến này là một điều tốt. Nó làm cho thơ và con người Trần Thoại Nguyên trở nên dễ hiểu và dễ gần hơn.

 

Ta thấy một Trần Thoại Nguyên rất chân thành trong tình yêu đầu đời, và đã có được những cảm xúc dâng trào:

 

Cấm Ông Nghè Vệ giang

Độ ấy xuân xừa sang

Tuổi mới lớn thơm phức

Đôi ta tựa thiên thần.

Chữ khắc vào đá tảng

Tên hai đứa chưa mờ.

Dấu răng chung trái ổi

Thơm hoài những đêm mơ!

 

Để rồi kết thúc mối tình đầu, bằng những tình cảm âu sầu, da diết:

 

Dòng Vệ giang chảy mãi

Nước xuôi một dòng sầu.

Còn mình anh ở lại

Đêm buồn ôm sông sâu!

(Hoa tình đầu)

 

Dạo là sinh viên Đà Lạt, như trên đã nói, Trần Thoại Nguyên rất ái mộ Phạm Công Thiện.

 

Phạm Công Thiện là ai? Đó là là một một giáo sư tài năng, nguyên là một thần đồng ngôn ngữ học, một nhà thơ, một triết gia mà “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” có thể coi là tuyên ngôn của một trường phái triết học mới, có khuynh hướng xây dựng mẫu người siêu nhân của Nietztshe, phủ định hầu hết các trường phái triết học hiện hữu, để đi tìm một thế giới siêu hình (metaphysique) của riêng mình.

 

Trần Thoại Nguyên đã mon men đi vào lĩnh vực siêu hình đó:

 

Chim về ngủ ôm trăng,

Ngô đồng rơi chánh điện.
Tôi ngồi giữa Phật đàng
Làm thơ như thánh hiện.

Máu ràn rụa tây hiên
Ồ. Máu băng ngực điên!
Tôi tĩnh mịch trang thơ
Hồn bay theo nhang khói

Chim chết giữa điện thờ
Tôi rớt xuống điện thờ.

(Đêm trăng leo lên mái chùa)

 

Bài “Đêm trăng leo lên mái chùa”, đã được đăng trên tạp chí Tư Tưởng của đại học Vạn Hạnh. Tạp chí này do Phạm Công Thiện làm chủ biên. Như vậy, về một mặt nào đó, TTN đã tìm được sự chia sẻ từ ông thày triết học của mình.

 

Nhưng lĩnh vực siêu hình luôn là cõi lạ với bất cứ ai, và thường dẫn con người vào chốn mơ hồ, như Nguyễn Gia Thiều từng viết:

 

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

 

 Dòng chảy của triết học suốt hơn 2500 năm qua vẫn luôn luôn đi tìm và luôn luôn bối rối trước các câu hỏi siêu hình.

 

Từ khoảng 2500 năm trước, trên hành tinh chúng ta đã hình thành 3 trào lưu tư tưởng ở 3 nền văn minh khác nhau trên thế giới:

 

- Ở Hy Lạp, châu Âu, có Socrates (năm 470 trước Công Nguyên), và các học trò Platon, Aristotle.

 

- Ở Nepal thuộc Ấn độ, có Thích Ca Mâu Ni (năm 543 trước Công Nguyên), và các học trò Kassapa, Ananda

 

- Ở Trung quốc có Khổng Tử (551 trước Công Nguyên) cùng học trò là MạnhTử. Ngoài ra còn có Lão Tử (đồng thời với Khổng Tử) cùng học trò là Trang Tử.

 

Lich sử triết học gọi thời kỳ 500 năm trước Công Nguyên, với trăm hoa đua nở về triết học đó, là Thời Trục (Époque Axial).

 

Trục triết học Hy Lạp - Ấn Độ - Trung Hoa, suốt hơn 2500 năm qua đã chi phối hầu hết mọi dòng chảy  triết học trên hành tinh này.

 

Cứu cánh của triết học luôn là việc lý giải bản thể con người, nói một cách khác, là tìm ra uyên nguyên của bản thể.

 

Nhưng câu trả lời, sau hơn 2500 năm, hầu như vẫn còn rất xa xôi.

 

Vì sao lại như vậy?

 

Trường phái châu Âu, Socrates tin ở sự tồn tại của linh hồn, Platon và Aristotle là triết gia duy- tâm thần bí, coi linh hồn là bản thể cuộc sống.

 

Kế đó, các trường phái triết học trung cổ đều phát triển chủ nghĩa Duy tâm của Platon và Aristotle thành những hệ thống siêu hình nặng về thần quyền, mà tiêu biểu là Thomas Aquinas (1225-1274) với hệ thống thần quyền Thiên Chúa Giáo.

 

Hệ tư tưởng này đã được Emmanuel Kant (1724-1804) làm sáng tỏ phần nào khi đưa các nhận thức khoa học ra làm đối trọng.

 

Tuy nhiên, hệ tư tưởng này chỉ thực sự có dấu hiệu lung lay, trước biện chứng pháp của Goerg Wilheim Friedrich Hegel (1770-1831), cha đẻ của chủ nghĩa Duy tâm tuyệt đối, mà thực chất lại chứa đựng cái hạt nhân duy lý, phủ định các học thuyết thần quyền. Chính biện chứng pháp Hegel đã là tiền đề và cơ sở để Karl Marx (1818-1883) xây dựng chủ nghĩa Duy vật biện chứng.

 

“Triết học của Hegel là hệ thống phong phú nhất trong lịch sử triết học trước Marx. Hegel đã tổng kết hầu như toàn bộ tư tưởng cũ ở Tây phương, trình bày mọi chủ nghĩa với ý nghĩa lịch sử của nó, bộc lộ những mâu thuẫn nội bộ xuất hiện trong tư tưởng ở mỗi giai đoạn, những mâu thuẫn ấy bắt phải thủ tiêu hình thái cũ và tiến lên một trình độ cao hơn. Tuy nhiên, Hegel lại diễn tả quá trình đó một cách trừu tượng trong phạm vi tinh thần, và do đấy xây dựng chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối. Quá trình diễn biến tư tưởng trong tinh thần được coi như là một vận động hoàn toàn độc lập và tự túc, tách rời cơ sở thực tế khách quan, thậm chí lại phủ định thực tế khách quan. Theo quan niệm ấy, những sự vật trong tự nhiên và xã hội mất tính chất thực tại vật chất của nó, và chỉ còn là những hiện tượng bề ngoài phản ánh công cuộc phát triển thần bí của cái mà Hegel gọi là “Ý niệm tuyệt đối”.

 

Trong cuốn Chống Dühring, Engels viết: “Hegel là duy tâm, nghĩa là theo ông thì những ý kiến trong đầu óc của ông không phải là phản ánh một phần nào những thực thể và hiện tượng khách quan, mà trái lại, chính những thực thể và biến chuyển của chúng, theo ý ông, chỉ là hình ảnh thể hiện ý niệm, cái ý niệm này đã có ở đâu đâu ấy, trước khi có trần gian”. Nghĩa là quá trình lịch sử có thật, đi từ tự nhiên lên xã hội, xây dựng tư tưởng trên cơ sở hoạt động thực tế, bị Hegel đảo lộn thành một quá trình tư tưởng phát sinh thực tại, tinh thần sáng tạo vật chất: nguyên nhân biến thành kết quả, kết quả trở thành nguyên nhân, thực chất biến thành ngoại diện, ngoại diện trở thành thực chất.

 

Nhưng trong lúc trình bày cuộc tiến hóa một cách trái ngược như thế, Hegel lại phát triển một cách có hệ thống và đến một mức chưa từng có trong lịch sử, phương pháp phân tích mâu thuẫn và hình thái biến chuyển, tức là phương pháp biện chứng. Chính phương pháp này Karl Marx đã xây dựng lại trên cơ sở duy vật, và đặt thành phương pháp tư tưởng của chủ nghĩa duy vật mới. Như Marx nói: “Tuy biện chứng pháp trong tay Hegel đã bị thần bí hóa, nhưng chính Hegel là người đầu tiên đã trình bày một cách tổng quát và có ý thức những hình thái biện chứng phổ cập của sự biến chuyển. Với Hegel biện chứng pháp đi đường đầu. Chúng ta phải lộn nó lại, để bóc trần cái hạt nhân duy lý ẩn trong cái vỏ thần bí”.

(Trần Đức Thảo: “Hạt nhân duy lý” trong triết học Hegel).

 

Cuối thế kỷ 19, Friederich Nietztche (1844-1900), một triết gia người Phổ, đã gây chấn động giới triết học Duy tâm, với tuyên ngôn nổi tiếng: Chúa đã chết (Gott ist tot), và cái chết này đã dẫn đến chủ nghĩa Hư Vô.

 

Thế kỷ 20 ghi nhận những cuộc tấn công khác vào hệ thần học này, mà nổi bật là triết gia Bertrand Russell (1872-1970), giải Nobel văn chương 1950, với tác phẩm: Cơn ác mộng của các nhà thần học.

 

 Ở khu vưc Ấn độ, Phật giáo đã phát triển một cách thần kỳ xuyên qua thời gian.Đến nay, đã phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu.

 

Tuy nhiên về bản chất, Phật giáo có thể xem là một tôn giáo phủ nhận hoàn toàn sự hiện diện của thế giới thần linh, trong đó có một đấng sáng thế, mà chỉ tin vào sự hành trì của bản thân để tự giải thoát.

 

Đức Phật Thích ca, (SIDDHÃRTHA GAUTAMA) (543-463 trước Công Nguyên), bằng công phu Thiền quán, đã khám phá ra “Đạo lý Duyên sinh”, làm cơ sở cho triết học Phật giáo:

 

”Vạn pháp từ nhân duyên mà sinh, và cũng từ nhân duyên mà diệt, cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này vắng mặt vì cái kia vắng mặt, cái này sinh ra vì cái kia sinh ra, cái này ẩn diệt vì cái kia ẩn diệt. Đó chính là ĐẠO LÝ DUYÊN SINH”

 

“Nguyên nhân của sự khổ đau chính là vô minh. Đời vô thường, không có tự ngã (atma), nhưng ta cứ tưởng là thường và có tự ngã, đó là vô minh. Từ đó phát sinh tham vọng, giận hờn, sợ hãi ganh ghét và bao khổ đau khác. Con đường giải thoát là con đường quán chiếu thực tại để thực chứng tự tính vô thường, vô ngã và duyên sinh của vạn hữu. Đó chính là con đường diệt trừ vô minh. Vô minh diệt thì phiền não diệt. Đó là giải thoát”

 

Tuy nhiên, chính câu hỏi của Kassapa trước Đức Phật, đã thể hiện nỗi băn khoăn, thao thức siêu hình của người phật tử:

 

- Ngũ uẩn giai không. Vậy nếu không có ngã (atma), thì cần gì phải tu hành để đạt giải thoát? Giải thoát cho ai và ai được giải thoát? (Phương Quảng đại trang nghiêm kinh - Phật bổn hạnh tập kinh.)

 

Ở Trung Hoa, Khổng Tử san định kinh Dịch, đến phần hình nhi thượng, thay vì làm rõ được quan điểm siêu hình, thì ngài đã dừng lại ở chỗ lửng lơ, gây ra sự bối rối cho các đệ tử với những thao thức siêu hình cố hữu:

 

”Vụ dân chi nghĩa, kính nhi viễn chi“ (Vì dân làm việc nghĩa, chuyện quỷ thần nên kính trọng, nhưng mà tránh xa.)

 

Khổng Tử ít khi nói đến lợi, mệnh trời và nhân, không bao giờ bàn luận những chuyện quái dị, bạo lực, phản loạn, quỷ thần. Tử Lộ hỏi về việc tế lễ quỷ thần. Khổng Tử nói "Chưa biết phụng thờ con người, làm sao có thể phụng thờ quỷ thần?". Tử Lộ lại hỏi "Con mạnh dạn hỏi thầy về đạo lý của sự chết". Khổng Tử nói "Chưa biết đạo lý của sự sống, làm sao biết đạo lý của sự chết". (3)

 

Còn TrangTử, thì để lại cho đời sau một công án không có lời giải đáp: “Ta nằm mơ hóa thành bướm, hay chính là bướm đã nằm mơ để biến thành ta?”

 

Những băn khoăn, thao thức đi tìm một lời giải đáp về siêu hình là điều rất tự nhiên nơi con người, vốn là một sinh vật có ý thức.

 

Trần Thoại Nguyên cũng chỉ là một trong hàng triệu triêu con người, trong đó có bạn, có tôi, đi tìm một lời giải đáp cho các thắc mắc siêu hình, nhưng đã không tìm ra được.

 

Có lúc, tưởng chừng như TTN đã có được điểm tựa, là Phật pháp:

 

Nằm ngủ ôm vầng trăng
Đồi cỏ hoa nến thắp
Tôi như chiếc sao băng
Rơi ngoài hiên vạn pháp.

(Đêm trăng, ngủ trên đồi Cù Đà Lạt)


Thế nhưng, rồi có lẽ vì “vạn pháp đang bốc cháy” (4), nên Phật pháp cũng chẳng giúp được gì nhiều cho gã lãng tử, hoặc là tự thấy bản thể không tương thích với Phật pháp, TTN lại quay về với thế giới hư huyễn của Trang Chu:

 

Mây bay về vô biên
Gọi tên tôi Trần Thoại Nguyên
Thảng thốt hồn bướm dậy
Thơ bay lên bay lên…

Ôi một thoáng đời thôi
Nghìn sau im lặng mãi!
Trên đỉnh hồn thơ tôi
Một đóa hoa gửi lại

(Thi Sĩ)


Trong cuộc sống đời thường, ai cũng có một ước mơ tốt đẹp, cho cuộc đời và cho tương lai. Cuộc đời thường tại với những nhu cầu cụ thể như cơm áo, tiện nghi, tình cảm gia đình, quan hệ xã hội. Tương lai gần gũi là hy vọng phát triển sự nghiệp. Tương lai xa xôi là niềm tin về mội cõi vô biên.

 

Trần Thoại Nguyên không ra ngoài thông lệ đó. Nhưng những ma chiết cuộc đời, với những quật đập đôi khi tàn nhẫn, đã vùi dập bao ước mơ, khiến cho tâm hồn người thơ rướm máu, và chai sạn. Dù sao, chưa thấy TTN phản ứng gay gắt với cuộc đời, hay đổ cho thời vận, như kiểu của nhà thơ Nguyễn Vỹ:

 

Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ,

Chơi nước cờ cao, gặp vận bĩ

(Nguyễn Vỹ - Gửi Trương Tửu)

 

Song, nhìn ở một góc độ khác, phải chăng đó chính là định mệnh, là cái giá phải trả, dành cho những ai muốn trở thành nghệ sĩ.

 

Mong muốn trở thành nghệ sĩ là một ước vọng cao đẹp, nhưng trở nên một nghệ sĩ chân chính không bao giờ là một điều dễ dàng. Ngoài việc nó đòi hỏi một thiên lương, cùng một thiên năng sáng tạo, người nghệ sĩ cần được trui rèn trong những thử thách khắc nghiệt, như André Maurois đã viết:

 

”Một nghệ sĩ không nên kết hôn. Nghệ thuật của họ sống về hy vọng, về đổi mới, về đau thương. Hôn nhân bền chặt sẽ giết họ.”

 

Chúng ta hãy nghe, Trần Thoại Nguyên diễn đạt nỗi niềm thân phận, trong một chiều mưa lụt, bên sông nước Trà Giang:

 

Sóng nước miên man nguồn ơi biển

Nâng chén khà khà thân củi trôi

Cầm tay Trà khúc lòng quyến luyến

Nửa thế kỷ buồn thân phận tôi

(Chiều Mưa Uống Rượu Sông Trà)

 

Hoặc bức xúc về một quê hương vẫn lầm than, sau hơn 40 năm hòa bình:

 

Làng trên xóm dưới cau tre quạnh

Bốn mươi năm ngóng đợi u hoài

Tôi gõ cửa đình: không thần thánh,

Mẹ tôi già: đâu còn tương lai!

 

Tôi điêu linh khóc mẹ lầm than!

Mẹ tôi, ơi hỡi trời Việt Nam

Mùa Đông Quảng Ngãi đồng khô nước

Lúa thì con gái, lệ chứa chan.

(Mùa Đông Quảng Ngãi)

 

Trong nỗi u hoài, khắc khoải, Trần Thoại Nguyên đã tìm được niềm vui trong tình bạn, và tình quê hương:

 

Tình quê tình bạn tình thi sĩ

Bốn phương trời lồng lộng trang thơ,

Cầm tay Trà khúc, nửa thế kỷ,

Tóc xanh, tóc trắng, một thoảng mơ.

 

Và niềm hy vọng về một tình quê hương, tình bè bạn, sẽ làm cho cuộc sống có một ý nghĩa nào đó, sau những “mờ mờ nhân ảnh”:

 

Đường về quê, trưa nắng chang chang,

Soi nước sông xanh bóng bạn vàng

Chén rượu tình đời, say ngất ngưởng,

Hương lừng khoảnh khắc, một trăm năm.

(Đường Về Quê)

 

Chúc cho Trần Thoại Nguyên tìm được nguồn vui đích thực trong tình quê hương, tình bè bạn, sau những “mờ mờ nhân ảnh” mà người thơ đã trải qua, để tìm được những ngày tháng an nhiên, trong cuộc hành trình trước mặt.

 

Xem trang Trần Thoại Nguyên, click vào đây (Webmaster ghi thêm)

 

LÊ VĂN CÔNG

(Noel 2017)

 

GHI CHÚ

 

(1) (Xem thêm: Trương Đăng Quế, những điều kỳ lạ”- Tác giả Lê Văn Công, link: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=4434 )

 

(2) MƯỜI BỐN ĐIỀU RĂN CỦA ĐỨC PHẬT.

 

Nguồn gốc Theo Đại đức Thích Nhật Từ, 14 điều này vốn được lưu truyền tại chùa Thiếu Lâm, Trung Quốc. Không có bài kinh nào trong các bộ Kinh tạng Pa-li, A-hàm kinh và kinh Đại Thừa chứa đủ 14 điều này. Tác giả có thể là các nhà sư chùa Thiếu Lâm và họ đã biên tập, trích dẫn ý tưởng từ các bản kinh, và tập hợp lại theo trật tự mình đặt ra. Việc truy tìm lại nguyên gốc các câu riêng lẻ từ kinh Phật là điều rất khó. Các bản dịch tiếng Việt đã có một số điểm lệch so với nguyên tác.

 

Trong nhiều bản in "14 điều răn của Phật" được phổ biến tại Việt Nam có chữ ký của hòa thượng Kim Cương Tử ở dưới như là người phát hiện và sưu tầm.

 

Nội dung:

 

1- Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình

2- Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá

3- Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại

4- Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị

5- Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình

6- Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu

7- Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti

8- Khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã

9- Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng

10- Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe, trí tuệ

11- Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm

12- Lễ vật lớn nhất của đời người là sự khoan dung

13- Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết

14- An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

 

(3) Tứ thư - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003 - trang 323.

 

(4) Phật bổn hạnh tập kinh (DC190)

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây 
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click tại đây 
Xem trang QN: Đất nước, con người, click tại đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh