Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
DUYÊN KỲ NGỘ
TỬ KÊ LANG

 

Đã gần 600 năm rồi kể từ ngày người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên vùng đất quê hương núi Ấn sông Trà (1403), và cũng đã gần 600 năm rồi, Quảng Ngãi thân yêu của chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, vinh nhục…Từ những tháng ngày xa xôi đó, đã có biết bao nhiêu người con yêu của đất Việt từ mọi miền đất nước đã đem máu xương của mình dâng hiến cho sự trường tồn của vùng đất Quảng Ngãi nghèo nàn, đầy đau thương nhưng cũng lắm vinh quang này!

 

Làm sao kể hết được những anh hùng, liệt nữ đã hơn một lần vì Quảng Ngãi mà ghi tên tuổi của mình vào dòng lịch sử vinh quang của Dân tộc.

 

Ở đây, chúng tôi chỉ xin giới thiệu những nhân vật có tên tuổi trong lịch sử văn học Việt Nam, tuy không phải là người Quảng Ngãi nhưng đã có “duyên kỳ ngộ” với Quảng Ngãi và họ đã để lại cho quê hương núi Ấn sông Trà những dấu ấn, những kỷ niệm khó quên.

 

Hoặc họ đã đến Quảng Ngãi với tư cách của một vị quan cai trị như Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), Đào Tấn (1845-1907).

 

Hoặc họ đã đến Quảng Ngãi, thật chua xót, với tư cách của một kẻ bị lưu đày như Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Tuy Lý Vương (1820-1897)

 

Hoặc họ đã đến Quảng Ngãi như một du khách tình cờ chợt đến rồi chợt đi như Cao Bá Quát (1808-11854).

 

1. NGUYỄN CƯ TRINH: (1716-1767)

 

Tổ tiên vốn họ Trịnh ở huyện Thiên Lộc, Hà Tĩnh. Đến đời Trịnh Cam, ông đã đem con cháu vào lập nghiệp ở Đàng Trong, định cư tại xã An Hòa, Hương Trà, Thừa Thiên (Bố Chánh dinh). Đến đời thân phụ là Nguyễn Đăng Đệ được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đổi sang họ Nguyễn.

 

Nguyễn Cư Trinh tự là Nghi, hiệu Đạm Am. Đỗ hương cống năm Canh Thân (1740), được bổ tri phủ Triệu Phong, rồi trải thăng tuần vũ Quảng Ngãi, ký lục Bố Chánh dinh, lại bộ kiêm tào vận sứ được phong tước Nghi Biểu hầu.

 

Chẳng những là một nhà quân sự, một nhà cai trị đa tài, có công dẹp giặc Đá Vách ở Quảng Ngãi, khai thác miền đất biên viễn phía nam của Tổ quốc, ông còn là nhà thơ nổi tiếng đương thời,  từng tham gia thi xã Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên. Ông để lại tác phẩm Sãi Vãi và tập thơ chữ Hán Đạm Am thi tập.

 

Quảng Ngãi là đất đã gợi hứng cho tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh.

 

Mùa Xuân năm Canh Ngọ (1750), Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (11738-1765) bổ dụng Nguyễn Cư Trinh làm tuần vũ Quảng Ngãi. Nguyên trong thời gian nầy, đất nước ta trải qua nhiều biến cố quan trọng. Thiên tai liên tục gây nạn đói trầm kha. Phật giáo tuy phát triển mạnh nhưng lại theo chiều hướng dân gian dung tục pha lẫn tôn giáo với sấm truyền. Trong lúc đó, người thiểu số miền tây Quảng Ngãi, người đương thời gọi là mọi Đá Vách, thường xuyên xuống đồng bằng quấy phá cướp của giết người, gây nhiều trở ngại cho con đường Nam tiến của dân tộc. Trong tình hình đó,  Nguyễn Cư Trinh đã viết tác phẩm Sãi Vãi, một mặt đả phá khuynh hướng tôn giáo dung tục nhằm đề cao tư tưởng “tu, tề, trị, bình” của Tống Nho, và mặt quan trọng và tích cực hơn, đó là động viên tinh thần quân sĩ trong trận chiến chống lại người thiểu số Đá Vách.

 

Đối với Nguyễn Cư Trinh, để mở mang bờ cõi, không còn con đường nào khác ngoài con đường Nam tiến, vì: phương Bắc quân Trịnh án ngữ, phương Tây là dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp, phương Đông là biển cả mênh mông ; vậy là,  chỉ còn hướng Nam, dù có trở ngại cũng chỉ là trở ngại có thể vượt qua: giặc Đá Vách:

 

Tây phương không đường tới

Bắc phương khó nẻo qua

Đường Nam phương thấy đó chẳng xa

Thì những sợ nhiều quân Đá Vách

 

Để khích lệ tinh thần quân sĩ, Nguyễn Cư Trinh đã phác họa hình ảnh của một quân thù vô cùng tham lam, tàn bạo cần phải diệt trừ để cứu muôn dân:

 

Tưởng thôi lạc phách

Nghĩ đến kinh hồn

Nó giết người như dế, như trùn

Nó hại người như rết, như rắn

Đến đâu là tảo tận

Bắt đặng ắt giết tươi

Đã vào làng cướp của, hại người

Lại xuống nội đuổi trâu, bắt ngựa…

 

Lời kêu gọi diệt thù mở đường Nam tiến của Nguyễn Cư Trinh đã đưa đến thành công. Giặc Đá Vách bị dẹp tan và sắc dân này phải chịu thần phục chúa Nguyễn.

 

Cũng trong thời gian làm tuần vũ Quảng Ngãi, bước chân của quan tuần vũ Nguyễn Cư Trinh đã đặt đến nhiều danh lam thắng cảnh trong tỉnh và có thể ông đã lấy hứng từ Hà Tiên thập cảnh của Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên để đặt tên cho 10 cảnh đẹp của Quảng Ngãi và ông cũng đã đề thơ vịnh.

 

2. NGUYỄN CÔNG TRỨ: (1778-1858)

 

Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, lúc về già dân chúng thường tôn xưng ông là Uy Viễn tướng công. Ông học giỏi nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi mới đỗ giải nguyên.

 

Nguyễn Công Trứ là một nhân vật xuất chúng, văn võ song toàn.

 

Là con nhà tướng, ông đã từng cầm quân đánh dẹp các cuộc nổi loạn của Phan Bá Vành (1827), Nồng Văn Vân (1833), đánh thắng các trận ở Quảng Yên (1833) Trấn Tây(1841), An Giang (1843).

 

Là một nhà cai trị đa tài, ông đã từng chú trọng đến việc khẩn hoang lập ấp. Với chức doanh điền sứ, ông đã hướng dẫn dân chúng lập ra hai huyện mới là Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Người đương thời rất biết ơn và đã lập sinh từ để thờ khi ông còn sống.

 

Ông là người đa tài và cương trực. Có lúc được thăng thượng thư, tổng đốc, có khi làm đại tướng cầm binh nhưng cũng có lắm khi bị giáng chức vì bị ganh ghét.

 

Ông là một nhà thơ xuất sắc, đặc biệt trong nghệ thuật hát nói. Ông là tác giả của nhiều bài hát nói nổi tiếng như Chí nam nhi, Nợ công danh,... Thơ của ông có ảnh hưởng nhiều đến người đương thời và các thế hệ kế tiếp. Về già, ông nghiêng nhiều về khuynh hướng hưởng lạc.

 

28 năm làm quan (1820-1858), 5 lần bị giáng chức, và lần nặng nhất là vào năm 1843. Cầm quân thắng trận An Giang, vì bị ganh ghét, ông bị vu là ăn tiền của nhóm người Thổ Phi Quý Trại nên bị cách tuột làm lính canh tại dinh bố chánh Quảng Ngãi.

 

Tương truyền, viên bố chánh nầy là học trò cũ của ông. Ái ngại cho thầy học bị hàm oan, viên bố chánh có ý định muốn cứu vớt thầy ra khỏi địa vị của một tên lính canh, Nguyễn Công Trứ đã thẳng thắn nói:

 

- Khi làm đại tướng ta không lấy làm vinh, vậy khi làm lính ta cũng không lấy làm nhụcCái điều quan trọng là dù ở địa vị nào mình cũng phải làm tròn nhiệm vụ của mình và đó mới là chân giá trị của con người.

 

Quả là quan niệm sống của một chính nhân quân tử.

 

Có một điều thú vị là, vài năm sau ông lại được phục chức và được bổ làm quyền án sát tại Quảng Ngãi, nơi mà trước đó ông đã bị đày làm một tên lính tầm thường!

 

3. CAO BÁ QUÁT: (1808-1854)

 

Tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường và Mẫn Hiên, quán làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, xứ Kinh Bắc. Thuở nhỏ nổi tiếng thần đồng. Tuy nhiên, vì tính tình phóng khoáng, giọng văn khinh bạc không hợp ý quan trường nên dù thi hương đỗ á nguyên nhưng thi hội 2 khoa đều bị đánh hỏng. Nhờ quan tỉnh Bắc Ninh đề cử, ông được vời vào kinh giữ chức hành tẩu bộ Lễ. Nức tiếng tài hoa, văn hay chữ tốt, ông được Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương trọng tài mời tham gia Mặc Vân Thi Xã. Chính vua Tự Đức đã khen:

 

Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán

 

Siêu tức Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, bạn thân của Cao bá Quát. Người đương thời cũng ca tụng “thần Siêu, thánh Quát”.

 

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1841), ông được bổ làm sơ khảo trường thi hương. Vì tiếc một số bài thi hay nhưng có chữ phạm húy, ông đã dùng muội đèn để chữa quyển thi. Việc bại lộ, ông bị bắt giam. Về sau ông được đi “hiệu lực” theo đoàn thuyền đi Batavia (Nam Dương), khi về được làm việc ở viện hàn lâm. Chẳng được bao lâu, ông lại bị đưa về Bắc làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Tại đây, ông đã cùng Lê Duy Cự phất cờ khởi nghĩa chống lại triều đình (1854). Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị án “tru di tam tộc”.

 

Ông để lại hàng ngàn bài thơ phần nhiều bằng chữ Hán, nhiều bài hát nói bằng chữ Nôm và bài phú “Tài tử đa cùng” bằng chữ Nôm rất được truyền tụng. Tất cả được tập hợp trong Cao Chu Thần thi tập, Mẫn Hiên thi thoại và Cúc Đường thi thảo.

 

Trong thời gian “hiệu lực” ở Đà Nẵng, ông đã vào Quảng Ngãi để thăm một người bạn thơ là ông Bảo Xuyên nhân dịp ông này vào An Giang vì việc quân . Nhân một đêm trăng, chủ nhân Bảo Xuyên đã mời thi bá Cao Bá Quát chơi thuyền trên sông Trà Khúc để “đối nguyệt ẩm tửu ngâm thi”, và Cao Bá Quát đã sáng tác bài thơ Trà Giang thu nguyệt ca để tặng bạn. Và như thế là Quảng Ngải chúng ta đã được cái vinh dự lưu lại một bài thơ trác tuyệt của nhà thơ bất hủ họ Cao:

 

TRÀ GIANG THU NGUYỆT CA

(Tặng Bảo Xuyên ông chi An Giang quân thứ)

 

Trà giang nguyệt

Kim dạ vị thùy thanh?

Quan san vạn lý hạo nhất sắc

Hà xứ bất hệ ly nhân tình

Cử bôi thử yêu nguyệt

Nguyệt nhập bôi trung hành

Hàm bôi dục yết cánh phi khứ

Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành

Đình bôi thả phục trí

Hựu kiến cô quang sinh

Vấn quân hà sự luyến luyến bất nhẫn xả

Ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi bộ binh

Giang đầu thử tịch phùng thu tiết

Tiểu mãn tu khuynh vị quân thuyết

Đà môn cựu lữ Tồn Chân ông

Cần hải minh tiên hiểu tương biệt

Tạc dạ kim phong hạ thiên khuyết

Bạch lộ thanh sương sảo xâm cốt

Nhân sinh hội ngộ an khả thường

Hữu tửu thù ẩm Trà giang nguyệt

Trà giang nguyệt!

Như kính há ngân lưu

Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ

Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu

Cao Bá Quát

 

Dịch thơ:

 

KHÚC CA THU, MÙA TRĂNG SÔNG TRÀ

(Tặng ông Bảo Xuyên đi lính ở An Giang)

 

Trăng sông Trà

Đêm nay vì ai mà trong

Núi non muôn dặm trùng không trắng ngời

Đâu nơi ràng buộc tình người

Biệt ly nâng chén thử mời trăng soi

Trăng nhập mình vào chén

Ta uống cạn một hơi

Trăng tan đi mất rồi

Chỉ bóng người cùng chạm

Dừng tay đặt xuống chén này

Thấy trăng vằng vặc sáng đầy ly bôi

Hỏi sao trăng lại bồi hồi

Cớ gì quyến luyến chẳng rời bóng ta

Ta người lính bộ đường xa

Trúc Lâm cùng phái cũng là thân quen

Sông chìm trong tiết thu đêm

Rượu đầy ta phải cạn thêm ánh rằm

Chén này cụng với xa xăm

Bạn ta Đà Nẵng, thưa rằng: Tồn Chân

Sớm mai ra, quất ngựa

Rượu tận cửa bể Cần

Đêm qua trời đổi gió

Sương móc ngấm buốt thân

Gặp người đâu dễ xưa nay

Sông Trà ta uống vơi đầy trăng suông

Trăng sông Trà tựa mặt gương

Phẳng im chìm xuống còn buông trắng ngời

Cho một người trượng phu

Chống kiếm cứ ra đi

Và xa kia lối rẽ

Gây chi sầu xuân thì!

 

(P.H dịch)

 

4. TUY LÝ VƯƠNG: (1820-1897)

 

Tuy Lý vương Miên Trinh, tự Khôn Chương và Quý Trọng, hiệu Tĩnh Phố và Vỹ Dạ, em cùng cha (tức vua Minh Mạng) khác mẹ với Tùng Thiện vương Miên Thẩm (1819-1870) đều nổi tiếng là bậc thi bá. Vua Tự Đức đã khen:

 

Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán

Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.

 

Ông là người thâm trầm, học vấn uyên thâm, sành vận luật. Ông đã cùng với Tùng Thiện Vương thành lập Mặc Vân Thi Xã (còn có tên là Tùng Vân) quy tụ nhiều danh sĩ đương thời.

 

Năm 1883, con trai của ông là Hồng Sâm dính líu vào âm mưu chống lại phái chủ chiến của Tôn Thất Thuyết nên bị đàn áp. Do vụ án của Hồng Sâm, ông bị bắt và bị đày vào Quảng Ngãi.

 

Tháng 7-1885, đứng trước thái độ kiêu ngạo, hống hách của tên quan Pháp de Courcy và của binh lính Pháp đóng tại đồn Mang Cá (Huế), Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công đồn binh Pháp. Thất bại, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi cùng tam cung xuất bôn. Đến Quảng Trị, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương.

 

Khắp một giải Trung kỳ, các bậc sĩ phu yêu nước đã lãnh đạo sĩ dân nổi lên ứng nghĩa.

 

Tại Quảng Ngãi, cử nhân Lê Trung Đình (người Sơn Tịnh) và tú tài Nguyễn Tự Tân (người Bình Sơn) đã chiêu tập quân sĩ nổi lên ứng nghĩa chiếm tỉnh thành.

 

Để gây thanh thế cho cuộc khởi nghĩa, lãnh tụ Lê Trung Đình đã có ý địnhmời hoàng thân Tuy Lý vương Miên Trinh tham gia phong trào, làm Phụ vương nhiếp chính. Rất tiếc, sự liên lạc giữa phe khởi nghĩa và hoàng thân Tuy Lý Vương chưa thành thì cả hai lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa là Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân đều bị bắt, cuộc khởi nghĩa thất bại.

 

Năm 1889, Tuy Lý Vương được vua Đồng Khánh tha cho về Huế. Ông đã để lại bộ Vỹ Dạ Hợp Tập bằng chữ Hán và quyển Nữ Phạm diễn nghĩa từ nhằm đề cao đạo đức của người phụ nữ theo quan niệm Tống Nho.

 

5. ĐÀO TẤN: (1845-1907)

 

Đào Tấn tự là Chí Thúc, biệt hiệu Mai Tăng, Mộng Mai, Tô Giang, quán làng Vĩnh Thạnh, tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chịu ảnh hường của thầy là  tú tài Nguyễn Diêu (người Bình Định), một nhà soạn tuồng nổi tiếng đương thời, Đào Tấn viết tuồng rất sớm. Đỗ cử nhân năm 22 tuổi, 4 năm sau mới ra làm quan với chức hiệu thư trong nội các, thường dành nhiều thời giờ soạn tuồng cho đoàn hát của nhà vua. Ông là một vị quan thanh liuem6 và cương trực, từng giữ những chức vụ cao như phủ doãn Thừa Thiên, tổng doic961 An Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh), thượng thư bộ Công, bộ Binh, bộ Hỉnh, tổng đốc Nam Ngãi.

 

Đào Tấn là một nhà thơ nổi tiếng đương thời. Thơ văn của ông để lại gồm có: Mộng Mai từ lục, Mộng Mai ngâm thảo,  Mộng Mai thi tồn và Mộng Mai văn sao.

 

Tuy nhiên, sự nghiệp quan trọng nhất của ông là ở địa hạt Tuồng. Ông đã sáng tác và san nhuận nhiều vở tuồng rất nổi tiếng như Vạn báo trình tường, Diễn võ đình, Trầm Hương các, Đào Phi Phụng…

 

Tương truyền, khi làm tổng đốc Nam Ngãi, ngoài những giờ làm việc ở công đường, Đào Tấn dành nhiều thì giờ làm thơ, soạn tuồng và tập dượt cho đoàn tuồng riêng của ông. Ông được xem là một nhà đạo diễn có tài, đã có công đào luyện nhiều nghệ sĩ tuồng xuất sắc. Chính các sở thích cá nhân đó đã khiến cho một số người không thích Đào Tấn, vậy nên đã có giai thoại kể rằng:

 

Một hôm vừa sáng tinh mơ, một tên lính hầu hớt hơ hớt hãi vào bẩm quan án sát:

 

- Bẩm quan lớn, đêm qua không biết bọn vô lại nào dám phạm thượng dán 4 chữ ngoài cổng công đường…

 

Đào Tấn điềm nhiên hỏi:

 

- Chữ gì vậy? Mi có đọc được không?

 

- Dạ bẩm, trụ cổng bên phải dán 2 chữ “Hát Hay” và trụ cổng bên trái dán 2 chữ “Học Dốt”.

 

Quan án sát ung dung bảo:

 

- Thôi cho mi lui, để đó cho ta.

 

Nói xong, quan án thong thả bước ra ngoài công đường. Nhìn 4 chữ “Hát hay, Học dốt”, quan án tủm tỉm cười. Trở vào công đường, ngài sai lính hầu mang cho ngài giấy hồng điều, cây bút và nghiên mực. Ngài nối thêm mỗi vế 5 chữ nữa rồi sai lính hầu mang ra dán tiếp vào 2 bên trụ cổng thành hai câu đối khá thú vị:

 

Hát hay chính kép Quy Nhơn thiệt ;

Học giở làm quan Quảng Nghĩa chơi!

 

Quả là cách ứng phó tài tình của con nhà Nho hay chữ.!

 

6. HUỲNH THÚC KHÁNG: (1875-1947)

 

Thuở nhỏ có tên là Huỳnh Hanh, tự Đới Sanh, hiệu Mính Viên, khi làm báo Tiếng Dân, ông lấy nhiều bút hiệu như Sử Bình Tử, Hải Âu, Ngu Sơn…quê làng Thạnh Bình, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nức tiếng thông minh, đậu cử nhân năm 16 tuổi (1891), năm 1904 đậu tiến sĩ nhưng không tra làm quan. Là một nhà ái quốc chân chính, ông đã cùng với các nhà cách mạng Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… cổ xúy cho phong trào Duy tân ở Trung Kỳ. Năm 1908 ở Trung Kỳ xảy ra vụ kháng thuế, ông bị bắt và bị kết án chung thân, đày đi Côn đảo (1908-1925) cùng với các đồng chí như Ngô Đức Kế, Tiểu La Nguyễn Thành…Sau khi được tha, tiếp tục con đường tranh đấu hợp pháp, ông ứng cử vào viện Dân biểu Trung Kỳ và được bầu làm viện trưởng (1925-1928). Thấy con đường tranh đấu bằng nghị trường không đem đến kết quả, ông từ chức và đứng ra chủ trương báo Tiếng Dân, dùng con đường báo chí để tranh đấu cho quyền lợi của Dân tộc (1928-1943).

 

Là một nhà thơ, một nhà cách mạng, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị lịch sử:

 

- Thi tù Tùng thoại: sưu tập thi ca và giai thoại của các nhà cách mạng kháng Pháp bị tù ở Côn đảo.

- Thi văn và Thời đại

- Phan Tây Hồ lịch sử

- Trung Kỳ cự sưu ký…

 

Năm 1946, ông tham gia chính phủ liện hiệp quốc-cộng với chức vụ bộ trưởng Nội vụ. Đầu năm 1947, chính phủ cộng sản phái ông vào liên khu 5 (Nam Ngãi Bình Phú) làm Đại biểu Chính phủ.

 

Ông già Tiếng Dân, một chí sĩ cách mạng lão thành, đã sống như một bóng mờ trong những tháng cuối đời mình tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi và đã từ trần vào ngày 21-4-1947.

 

Mộ của Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc trên núi Thiên Ấn, một đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi, nằm về phía tây-nam cửa tam quan tổ đình Thiên Ấn chứng 100 mét và đã được trùng tu vào năm 1971.

                                                                                    *

Những điều được ghi lại trên đây, một phần được căn cứ vào lịch sử, một phần khác căn cứ vào những giai thoại được truyền tụng trong dân gian sau đó được ghi lại vào sách, báo. Người viết không có đủ tài liệu để tham khảo nên một phần đã được viết theo trí nhớ. Vì vậy, chắc chắn là có nhiều thiếu sót, mong quý độc giả niệm tình tha thứ và rất mong được sự chỉ giáo.

 

California, tháng 11-1995

TỬ KÊ LANG

 

*  *  *

 

Xem các bài của cùng tác giả, click vào đây
Xem trang QN: Đất nước, con người, 
click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh