Hồi đó, khi có dịp sang Paris, cùng với Vũ Văn Huy Hoàng đi thang máy lên tầng cao nhất của tháp Eiffel, vào một buổi chiều muộn, tôi đã có nhiều cảm xúc pha trộn. Đầu tiên là cảm giác choáng ngợp khi nhìn xuống thành phố Paris đang lên đèn, như những những chuỗi vòng sáng lưu ly, vòng này chồng lên vòng kia, trải ra đến vô tận. Cảm xúc kế tiếp là hãnh diện, vì rõ ràng không phải ai cũng có dịp đặt chân đến đây. Và sau cùng tôi thầm nghĩ, đây có lẽ chính là đỉnh cao biểu tượng của nền văn minh phương Tây.
Nước Pháp rõ ràng là đã có một nền văn hóa đặc sắc, ít có nước nào của châu Âu sánh kịp. Với tư tưởng của Voltaire, Jean Jaque Rousseau và Montesqueu đã dẫn đến cuộc cách mạng Pháp. Với các văn hào Victor Hugo, Alxandre Dumas, André Maurois, Jean Paul Sartre, Albert Camus… để lại bao nhiêu tác phẩm văn chương trác tuyệt. Với các nhà khoa học Marie Curie, Louis Pateur, Balais Pascal, Réné Descartes… và những công trình khoa học đồ sộ; cùng các nhà danh họa: Pierre A. Renoir, Henry Matisse, Paul Sezanne… lưu lại cho đời sau. Cho nên không hề cường điệu khi xem Pháp là đại diện tiêu biểu của văn minh phương Tây.
Paris, một buổi chiều muộn.
Còn nước nào và cái gì sẽ là biểu tượng của văn minh phương Đông? Tôi chọn Trung Quốc và Vạn Lý Trường Thành.
Vì sao tôi chọn Trung Quốc? Với lịch sử hơn 5000 năm, trải qua nhiều triều đại: Tam hoàng ngũ đế: Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Hạ, Thương Ân, Chu, Tần, Hán; Tam Quốc: Ngụy Thục Ngô, Tấn, Tùy, Đường, Tống, Minh, Thanh, Dân quốc, Cộng sản… Trung Quốc cho thấy một chiều dài văn hiến đáng được tôn trọng. Nền văn minh Trung Hoa để lại bao ảnh hưởng văn hóa cho châu Á với tư tưởng Khổng Tử, Lão Tử và bao nhiêu văn hào với nhiều tác phẩm xuất sắc: Tư Mã Thiên với Sử Ký, La Quán Trung với Tam Quốc Chí, Ngô Thừa Ân với Tây Du ký… cùng các thi hào: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha… Không chọn Trung Quốc làm tiêu biểu cho văn minh đông phương thì biết chọn ai?
Trong nền văn minh 5000 năm ấy, có một công trình nỗi bật, được xây dụng bởi bàn tay của hàng triệu con người, với bao mồ hôi, nước mắt và xương máu, đã trường tồn hơn 2500 năm tuổi, bất chấp mọi tàn phá của thời gian: đó chính là Vạn lý Trường thành.
Tôi mong ước có một ngày đặt chân lên công trình thiên niên kỷ ấy, như một biểu tượng của nền văn minh phương Đông.
Rồi ngày ấy cũng đã đến vào 2 năm sau. Một buổi sáng mùa Xuân, trên Vạn lý Trường Thành, một trường thành dài hơn 20 ngàn cây số, đoạn gần Bắc Kinh nhất, tôi cũng đã có dịp đứng đối diện tấm bảng màu trắng, với dòng chữ Hán màu đỏ, thủ bút của Mao Trạch Đông:
”Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”
(Chưa đến Trường Thành thì không phải là hảo hán).
Dòng du khách viếng Vạn Lý Trường Thành.
Tôi có vẻ thỏa mãn, cho rằng mình đã đến được các biểu tượng của cả 2 nền văn minh Đông và Tây, tức là biểu trưng cho cả văn minh nhân loại.
Thế nhưng, khi tôi khoe chuyện này với anh Vũ, anh ấy lắc đầu:
- Nếu anh chưa đi Mỹ một chuyến, thì chưa thể gọi là đã chiêm ngưỡng đầy đủ những biểu tượng của nền văn minh nhân loại.
Đúng vậy, tôi đã quên rằng còn có một nền văn minh khác, ở bên kia bán cầu, mặc dù còn non trẻ, song đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng chảy của lịch sử và văn minh nhân loại: đó chính là nước Mỹ. Rồi cơ hợi đi Mỹ cũng đã đến với tôi.
Đầu năm nay, 2015, tôi và Bích Thu nhận được thư của trường đại học BYU (Brigham Young University), mời sang Mỹ dự lễ ra trường của con trai chúng tôi là Phong Lê.
Phong học ở đại học BYU, thành phố Porvo, bang Utah từ đầu năm 2011.
Tháng 4 này cháu sẽ được 22 tuổi rưỡi (cháu sinh tháng 10/1992) và sẽ được nhận cùng lúc 2 tấm bằng.
Một là bằng tốt nghiệp đại học ngành IT Engineer. Thứ 2 là bằng Master of Information System. Sở dĩ cháu học nhanh như vậy, vì từ đầu năm thứ 3 đại học, cháu đã trở thành trợ giảng cho giáo sư điện toán Anthony Vance, và được nhà trường đặc cách cho học chương trình Master, song song với chương trình đại học. Tháng 11-2014 vừa qua, khi đang còn là sinh viên, cháu cũng đã ký được hợp đồng lao động với công ty Microsoft, và sẽ bắt đầu làm việc vào tháng 7-2015.
Dĩ nhiên đây là chuyến đi mà chúng tôi rất chờ đợi. Nhưng tôi cảm thấy một điều: anh Vũ cũng chờ đợi chuyến đi này chẳng kém gì tôi.
Ngay sau khi tham dự phỏng vấn ở lãnh sự quán Hoa Kỳ, về đến nhà, tôi đã nhận được điện thoại của anh, hỏi tôi về kết quả phỏng vấn. Khi biết kết quả tốt, anh rất vui mừng, hỏi tôi dự kiến về lịch trình chuyến đi.
Tôi cho anh biết:
- Chúng tôi sẽ ở thành phố Provo, bang Utah độ 5 ngày, để dự lễ tốt nghiệp của cháu Phong, thăm gia đình ông bà Jensen là cha mẹ đỡ đầu của cháu và thăm thú thắng cảnh bang Utah.
- Sau đó, chúng tôi sẽ bay sang miền Đông, bang New Jersey, thăm Bảo Nhung độ 3 ngày. Kế tiếp, chúng tôi sẽ tham dự một tour du lịch theo đoàn, để thăm viếng một số địa điểm ở miền Đông nước Mỹ trong vòng 6 ngày.
- Cuối cùng, chúng tôi mới quay trở lại miền Tây, và sẽ ở Cali độ 10 ngày nữa, trước khi về nước.
Chương trình ở miền Tây thì ngoài việc giao lưu với các bạn đồng hương, đồng nghiệp ở quận Cam, sẽ có một chuyến viếng thăm Las Vegas, một chuyến du lịch San Francisco theo đoàn, và một chuyến viếng thăm Hollywood.
Anh Vũ chân thành mời chúng tôi đến ở nhà anh trong suốt thời gian ở miền Tây. Tôi thấy khó lòng từ chối sự ân cần của anh, và cũng thấy đó là cách tốt nhất, để chúng tôi có nhiều thời gian ôn lại kỷ niệm và trao đổi quan điểm về những vấn đề của quê hương, bè bạn.
Đặt chân lên đất Mỹ vào khoảng 9h tối, giờ địa phương, sau khi làm thủ tục nhập cảnh tại phi trường Los Angeles, chúng tôi bắt taxi đến khách sạn mà cháu Phong đã book, chỉ cách sân bay độ mười lăm phút chạy xe. Anh Vũ muốn gặp tôi ngay tối hôm đó, nhưng tôi ngại cho anh, đường xa, lớn tuổi, nên khuyên anh đến sáng hôm sau hãy đi Los, vì 10:30 giờ sáng hôm sau, tôi mới bay đi Salt Lake.
Sáng hôm sau, khoảng 6 giờ, chúng tôi đón một tin vui, trước khi gặp lại anh Vũ: Phong gọi điện báo tin vừa mới vượt qua vòng quyết định của việc xin VISA H1B.
Cần nói thêm về VISA H1B. Đây là loại VISA mà sở Di trú Mỹ cấp cho những người nước ngoài được các doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng và làm thủ tục bảo lãnh. Vấn đề ở đây là số VISA được cấp có hạn ngạch (quota) thấp hơn rất nhiều so với đơn xin cấp VISA. Chẳng hạn, năm nay, hạn ngạch là 85.000 suất, song số đơn đệ nạp lên đến 235.000.
Sở di trú căn cứ vào tiêu chuẩn nào để chọn lựa? Quá khó, vì sẽ phát sinh kiện tụng phức tạp. Vì vậy, phương pháp đơn giản nhất đã được chọn lựa: xổ số ngẫu nhiên để chọn 85 ngàn đơn, trong số 235 ngàn. Như vậy sẽ có gần 2/3 số nguời bị loại, sau đợt xổ số đầy may rủi này.
Nếu là một sinh viên quốc tế mà không có được VISA H1B, thì người đó phải rời Mỹ trong vòng 1 năm sau khi ra trường. Việc Phong vượt qua vòng xổ số, đã giải quyết nỗi khắc khoải rất lớn của chúng tôi: mặc dù cháu đã được Microsoft tuyển dụng và ký hợp đồng, nhưng nếu không có được VISA H1B, thì nguy cơ phải rời Mỹ là rất lớn. Với VISA H1B, cháu có thể yên tâm ở lại Mỹ làm việc với thời gian 6 năm, trong khi tìm cơ hội xin cấp thẻ xanh.
Bảy giờ sáng, anh Vũ đã có mặt ở khách sạn trong niềm vui rộn rã của sự đoàn tụ, cộng với tin vui đến từ cháu Phong. Chúng tôi chỉ có hơn một tiếng để hàn huyên thì đã 9h sáng, giờ chúng tôi phải có mặt ở sân bay để làm thủ tục check-in. Anh Vũ lái xe chở chúng tôi ra sân bay Los. Chúng tôi chia tay và hẹn gặp lại khoảng 2 tuần sau.
TIỂU BANG UTAH
ĐẠI HỌC BYU (Brigham Young University)
BYU là trường đại học tư thục lớn thứ 2 nước Mỹ, nằm ở thành phố PROVO, bang UTAH, trung Tây nước Mỹ.
U.S. News & World Report, bảng xếp hạng uy tín nhất Mỹ, xếp BYU hạng 62 trong tất cả các trường đại học ở Mỹ. Các phân viện đáng lưu ý là: Khoa học chính trị (top 10), Luật (#46), Y tá (top 50), Sư phạm (#83), Kỹ sư (top 100)...
Được chú ý hơn cả là học viện quản trị kinh doanh Marriott của BYU (Mariott School of Management). Học viện được US News xếp hạng 29 trong số các học viện kinh doanh của Mỹ. Một số ngành nổi trội là: hệ thống thông tin (Information System, top 10), kinh doanh quốc tế (International Business, top 20), tài chính (Finance) cũng được đánh giá cao. Đặc biệt, học viện Marriott có một trong những chương trình kế toán - kiểm toán (Accounting) tốt nhất Mỹ và thế giới. Accounting của BYU luôn nằm trong những vị trí đứng đầu trong các bảng xếp hạng khác nhau về Accounting. Rất nhiều sách giáo khoa về kế toán - kiểm toán ở Mỹ được viết bởi tác giả là các giáo sư đến từ Accounting program của BYU. Chương trình hàng năm tuyển sinh rất ít và khắt khe, chỉ sinh viên có thành tính học tập sáng giá nhất BYU mới được chấp nhận vào chương trình. (Nguồn: Wikipedia).
Phong đón chúng tôi ở sân bay Salt Lake, và chúng tôi trải qua một quãng đường độ hai giờ chạy xe để về Prvo.
Đại học BYU (Brigham Young University)
Ngày tốt nghiệp, từ trái qua: Mrs. Jensen, Ms Thu, Phong, Mr. Công, Mr. Jensen
Gia đình Kimberly Jensen
Thành phố Salt Lake là một thành phố đẹp, đã từng
tổ chức thế vận hội mùa Đông 2002
NEW JERSEY
Ở phi trường Philadelphia, Bảo Nhung đang chờ đón chúng tôi với những vòng tay ấm áp, sau 35 năm trời xa cách.
Biết bao ân tình và kỷ niệm đã sống lại giữa chúng tôi trong 3 ngày ngắn ngủi đó.
Nghe chúng tôi sang chơi, Bảo Nhung quyết định đóng cửa phòng mạch 3 ngày để tiếp chúng tôi. Bảo Nhung bố trí căn phòng ngủ đẹp nhất, cho vợ chồng tôi. Đây là căn phòng vừa lớn nhất nhà, vừa trang hoàng lộng lẫy. Tôi biết đây chính là căn phòng của vợ chồng Bảo, nhưng còn biết nói gì, trước tấm lòng hiếu khách của những người bạn cũ?
Sau một chuyến bay dài hơn bốn tiếng, cả ba chúng tôi đều mệt và buồn ngủ, mặc dù chỉ mới có 4 giờ chiều. Bảo Nhung biết ý, nên sau khi cho chúng tôi ăn nhẹ với món mì hoành thánh, đã giục chúng tôi đi ngủ. Chúng tôi ngủ hơn 5 tiếng đồng hồ. Khi thức giấc, đồng hồ chỉ 9 giờ đêm. Bảo Nhung lại giục chúng tôi bận đồ để đi ăn tối.
Nhà Bảo tuy gọi là thuộc bang New Jersey, song chỉ cách thành phố Philadelphia, thủ phủ bang Pennsylvania có một cây cầu bắc ngang dòng sông Delawere. Bảo lái xe đưa chúng tôi vượt cầu Delawere qua Phila, vào một khu phố Tàu, để ăn món cháo tôm hùm trứ danh của thành phố.
Vì Bảo là một bác sĩ danh tiếng ở New Jersey, và đang điều hành một phòng mạch rất đông khách, nên suốt 3 ngày, những khi đưa chúng tôi đi ăn, đi chơi hoặc thăm các nơi đáng thăm ở Philadelphia và New Jersey, tôi thấy Bảo cứ bị những cú điện thoại của thân chủ quấy rầy liên tục. Còn Nhung thì có vẻ vô tư và thong dong hơn, cô ấy say sưa kể lại cho tôi, những bước điêu linh và hạnh phúc trong suốt 35 năm xa cách giữa chúng tôi.
Từ trái qua: Nhung, Thu, Công, Bảo
Sau khi ở chơi nhà Bảo Nhung 3 ngày, chúng tôi lại lên đường tham gia một tour du lịch miền Đông nước Mỹ, để thăm viếng các địa danh nổi tiếng ở Miền Đông. Bảo Nhung tiễn chúng tôi đến một khách sạn ở thành phố New York, để chúng tôi tham gia đoàn du lịch.
NEW YOK:
Tối hôm đầu tiên, chúng tôi được đưa đi thăm viếng Quãng trường Thời Đại (Time square), Rockefeller square, để chứng kiến sự phồn hoa rực rỡ dưới ánh đèn lung linh sắc màu, và dòng người bất tận với đủ mọi màu da trên hai quãng trường danh tiếng của New York, Hoa Kỳ.
Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi thăm Wall street với tượng chú bò vàng, biểu trưng thị trường chứng khoán Mỹ. Sau đó xuống tàu đi ra đảo Ellis, cảng New York, để thăm tượng Nữ thần Tự do.
Phong Lê ở Wall Street - N.Y
Viếng thăm tượng Nữ Thần Tự do trên đảo Ellis, cảng New York
Buổi trưa thăm Công viên New York, buổi chiều thăm viện bảo tàng New York. Trong viện bảo tàng, tôi vô cùng thích thú được chiêm ngưỡng bức tranh ”Mẹ và Con” của danh họa Renoir.
Mẹ và Con, tranh của Renoir (Viện bảo tàng New York)
Đêm hôm đó, từ khách sạn, tôi gọi điện chúc mừng sinh nhật Lan Hương.
Hàng không mẫu hạm INTREPID
Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa đi thăm Hàng không Mẫu hạm Entrepid, neo đậu trên sông Hudson. Đây là chiếc hàng không mẫu hạm đã có nhiều chiến tích trong thế chiền và chiến tranh Việt Nam. Năm 1982, chính phủ và quân đội Hoa Kỳ quyết định cải tiến HKMH Intrepid thành viện bảo tang tổng hợp Hài quân, không quân và không gian vũ trụ.
USS Intrepid CV-11 đang hải hành trên biển Philippines
vào tháng 11-1944. (Webmaster thêm hình nầy)
Chúng ta hãy nghe giới thiệu về Hàng không mẫu hạm Intrepid, và trung tâm bảo tàng Hoa Kỳ, theo một tài liệu tôi đã đọc qua:
Ở New York (Mỹ) có một nơi du khách không thể bỏ qua, đó là Bảo tàng phức hợp hải quân, không quân và vũ trụ Intrepid trên sông Hudson.
Bảo tàng Intrepid ở New York. ẢNH: T.Đ.T
Intrepid được giới thiệu là trung tâm tương tác và giáo dục nhằm ca ngợi sự nghiệp anh hùng, các giai đoạn lịch sử của quân đội và nền khoa học Mỹ nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Khu phức hợp này được thành lập từ năm 1982 với việc trưng bày hàng không mẫu hạm USS Intrepid từng tham chiến trong Thế chiến 2 và chiến tranh Việt Nam (1966 - 1969), được công nhận như một di tích lịch sử quốc gia của Mỹ.
Intrepid cũng từng là chiến hạm tham gia các chương trình nghiên cứu của NASA. Ngoài ra, tại đây còn trưng bày 28 chiến đấu cơ thuộc nhiều thời kỳ, bao gồm cả loại máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới Lockheed A-12 Blackbird, máy bay thương mại Concord của Anh và tàu ngầm chiến lược chạy điện Growler. Mỗi năm, khu phức hợp này đón tiếp khoảng 1 triệu du khách quốc tế đến tham quan.
Trong đó, đã có hàng chục ngàn học sinh và giáo viên tham gia các lớp dã ngoại và thảo luận trong 20 năm qua liên quan đến lịch sử, khoa học, phát triển khả năng lãnh đạo, khoa học công nghệ và văn hóa cho học sinh...
Đi hết 4 tầng của chiến hạm, trong đó có các hangar chứa các loại máy bay chiến đấu từ Thế chiến 2 đến nay, nghe chính các cựu binh hải quân thuyết minh, giới thiệu về truyền thống, lịch sử của Intrepid, các nghiên cứu về biển, không gian, rồi xem các phim ảnh tư liệu, ta mới hình dung hết được sức mạnh của khoa học công nghệ nước này. Riêng tàu ngầm chiến lược chạy điện Growler công khai từ năm 1989, được coi là lần đầu tiên các bí mật về tàu ngầm của Mỹ phô bày trước công chúng.
Trong nhiều dịp khác nhau, như các kỳ nghỉ lễ, các sự kiện quan trọng, Intrepid còn là nơi tổ chức các hội thảo khoa học, chiếu phim, diễn thuyết và cả cho thuê mặt bằng tổ chức... lễ cưới, lễ hội mang tính phi lợi nhuận cho công chúng.
Không rõ những sự kiện như vậy giá vé sẽ là bao nhiêu, nhưng chỉ vào tham quan trong vài tiếng đồng hồ thôi, du khách Việt như chúng tôi phải mua vé trọn gói hết 42 USD/ người. Chỉ có sinh viên và cựu chiến binh Mỹ mới được giảm giá.
Đi thăm Intrepid, một người bạn Mỹ nói với chúng tôi: “Ở đây, cái gì có tiền là người ta mở cửa cho xem tuốt! Kể cả tòa nhà Quốc hội và Nhà Trắng. Nước Mỹ của tao rất rõ ràng!”.
Tôi nhớ đến hàng không mẫu hạm Liêu Ninh Trung Quốc, đựợc mua từ Ukraine năm 2000 để tân trang thành tàu chiến, mới hình dung được tiềm năng ghê gớm của Hoa Kỳ.
Hai mẹ con trên hàng không mẫu hạm Interprid
Buổi chiều chúng tôi đi thăm Empire State Building, tòa nhà 102 tầng, xây dựng từ năm 1932, từng được xem là biểu tượng của Hoa Kỳ suốt nhiều thập kỷ
PENNSYLVANIA - THÀNH PHỐ PHILADELPHIA
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành trình về hướng Philadelphia, Pensylvania, cái nôi của nền độc lập Hoa Kỳ. Nơi Tuyên ngôn độc lập được soạn thảo và công bố.
Đoàn du lịch dừng chân ở thành phố Philadelphia, nơi cách đây mấy ngày, chúng tôi đã cùng Bảo Nhung dạo chơi khắp từng con phố. Philadelphia là một thành phố lịch sử của Hoa Kỳ. Nơi đây có một quả chuông đã bị nứt, với truyền thuyết, rằng chính nó đã được going lên, trong ngày ra đời của bảng tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ (8/7/1776). Chuông đã đúc với một huyền thoại, gắn liền với câu thơ: "Công bố tự do trên khắp xứ sở với toàn thể dân chúng sinh sống trên đó".
Chuông Tự Do
WASHINGTON, DISTRICT OF COLUMBIA
Đoàn du lịch tiếp tục hành trình đến đến Washinton D.C: thăm viếng Bạch Cung, Tòa nhà Quốc Hội, Viện Bảo Tàng Tổng thống, viện bảo tàng Không gian. Đi tàu trên sông Potomac để đến khu vực có Đài tưởng niệm Lincoln, với bức tường tưởng niệm chiến tranh VN, làm bằng đá hoa cương, khắc tên đầy đầy đủ 58.245 người Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh VN.
Đồi Capitol, đang sửa chữa tòa nhà Quốc Hội.
Trong viện Presidential museum, W.D, chúng ta có thể chụp hình chung với bất kỳ vị tổng thống Hoa Kỳ nào, kể từ Washington đến Obama, dĩ nhiên chỉ là các tượng tổng thống làm bằng sáp.
Sáng hôm sau, từ WashingtonD.C, đoàn du lịch tiếp tục băng qua khu vực ngũ đại hồ, đi về hướng bắc, để đến thác nước nổi tiếng Niagra fall. Thật là xúc động và hồi hộp khi chúng tôi đi thuyền bên dước thác nước nhìn lên, thấy như một cây nước khổng lồ cao hàng trăm mét đang đổ xuống đầu mình.
Niagara Fall - Phong và mẹ Thu
BOSTON MASSACHUSETTS
Chúng tôi nghỉ đêm trong khu vực gần thác Niagara, trước khi đi thăm Boston, Massachusetts với các trường đại học hàng đầu thế giới: Havard University và MIT (Massachusetts Institute of Technology). Đúng là hết sức ấn tượng với, với cơ sở vật chất độc đáo, và bề dày truyền thống của đại học Harvard, nơi xuất thân của các nhân vật danh tiếng: các tổng thống Mỹ: Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt, John F. Kennedy, George W. Bush, Barak Obama; các doanh nhân: Bill Gates, Mark Zuckerberg…
Sân trường ĐH Havard – Boston
Tượng đài John Harvard
Hôm sau, trong khi đoàn du lịch chuẩn bị quay về New York, thì chúng tôi quyết định tách đoàn. Phong đã chuẩn bị cho chúng tôi ở lại thêm một ngày ở Boston để đi thăm bãi biển danh tiếng Coast Guard của bang Massachusetts, nơi không có tên trong danh sách các địa điểm tham quan của đoàn du lịch. Chúng tôi còn có một buổi chiều rảnh rỗi, có thể đi thăm người quen. Ở Boston, tôi có 3 người quen: anh Đỗ Ngọc Thạch, chị Lâm Thị Nghĩa và thầy Lê Quang Chưởng. Anh Thạch đang về VN, chị Nghĩa thì không liên lạc được. Do vậy tôi quyết định đến thăm thầy Lê Quang Chưởng. Nhờ Phong sử dụng hệ thống GPS để lái xe, nên chúng tôi tìm được nhà thầy chỉ sau nửa giờ chạy xe. Thầy Chưởng trông rất khỏe mạnh ở tuổi 80. Thầy rất vui mừng tiếp chúng tôi trong căn nhà chỉ còn mình thầy ở nhà, trong khi vợ thày đang ở Úc.
Sau đó Phong lái xe xuyên qua một khu rừng để đến bãi biển Coast Guard, một bãi biển được xếp hạng là một trong 10 bãi biển đẹp nhất Hoa Kỳ, chúng tôi ở đó đến trưa hôm sau, mới quay về Boston để ra sân bay, quay lại Cali.
CALIFORNIA - GARDEN GROVE.
Sau 6 giờ bay, chúng tôi đáp xuống phi trường Los Angeles, nơi anh Vũ chờ sẵn để đưa chúng tôi về nhà ở Garden Groves.
Chị Lâm Xuân Thu chào mừng chúng tôi bằng một chầu cháo gà tuyệt vời, sau hơn nửa tháng chúng tôi làm quen với đồ ăn Mỹ. Nhà chỉ còn hai vợ chồng. Cháu Ngô Vũ Minh đã di cư sang nhà chị Thủy, để nhường căn phòng xinh đẹp của mình cho khách.
Vợ chồng anh chị Ngô Xuân Vũ, con trai lớn và con dâu.
(Con dâu anh Vũ là con gái anh Nguyễn Mậu Bình, đã quá cố,
cũng là bạn TQT đồng khóa Tú Tài 61-68)
Hôm sau, anh Vũ tổ chức một bữa tiệc tẩy trần cho chúng tôi. Thành phần tham dự, ngoài toàn bộ gia đình anh Vũ, còn có anh Kiều, ba của bác sĩ Long, là sui anh Vũ, cùng các bạn bè chí cốt của anh chị Vũ Thu: Vợ chồng anh Lê Phước Ba, vợ chồng anh Huy, anh Bạch Thu, anh Thạch, anh Lê Địch Hữu, người bạn cùng làng Đức Nhuận. Đặc biệt, chị Nga Phước ở tận San Diego cũng không ngần ngại vượt đường xa đến dự, cùng một cô em bạn dì trẻ trung và xinh đẹp.
Ở phòng khách nhà anh Vũ, anh Bạch Thu đến đầu tiên. Sau khi anh Vũ giới thiệu, chúng tôi chào hỏi nhau. Anh Bạch Thu nói với tôi:
- Anh Vũ báo với tụi này là sẽ có một “nhân sĩ” từ quê nhà sang. Cho nên chúng tôi rất nôn nóng được gặp anh.
Tôi cười khiêm tốn:
- Anh Vũ chỉ nói quá lên cho vui thôi đấy anh.
Hóa ra anh Bạch Thu là nhân vật chính trong bài viết “Những năm tháng không thể nào quên” của tác giả Ngô Xuân Vũ, đã đăng trên Website NÚI ẤN SÔNG TRÀ, mà tôi từng ngưỡng mộ. Anh nguyên là phó tỉnh trưởng Kontum, đi cải tạo trở về với mối tình kiên định của người yêu, để rồi cả hai đã vượt qua biết bao gian truân chìm nổi trước khi đến được nước Mỹ.
Hiện nay anh là Kỹ sư điện tử, chủ tịch hội cựu sinh viên QGHC. Anh chị có hai cháu gái. Cháu lớn là Tiến sĩ Dược đại học New York. Cháu bé mới vào đại học.
Party tối hôm đó đã diễn ra trong không khí đằm thắm, tươi vui và ấm áp. Thật vô cùng cảm động, khi được ngồi lại với những người bạn từng cùng chung chiến hào hơn 40 mươi năm về trước, những người đã từng nếm mùi tân khổ sau chiến bại của miền Nam, đến nay đã có thể ngẩng cao đầu nhìn đời, trong niềm tự hào của một cuộc tái sinh.
NEVADA
Hôm sau, Phong thuê xe đưa vợ chồng tôi đi chơi Las Vegas. Đến Las Vegas, chúng tôi ở trọ trong một khách sạn 5 sao. Người ta đã phô bày trước chúng tôi tất cả cái chất vàng son của một kinh đô cờ bạc. Las Vegas không chỉ là một trung tâm cờ bạc, nó còn là một trung tâm của các sự kiện văn hóa.
Tối hôm đó, sau khi cùng Bích Thu và Phong tham dự một buổi hòa nhạc, tôi thử chơi bài Bacarat ở Casino, nhưng chỉ thắng được vỏn vẹn $40 USD, thì tôi đã dừng lại.
Ở tiểu bang Nevada, ngoài kinh đô cờ bạc Las Vegas, còn có một địa danh nổi tiếng là đập thủy điện Hoover Dam. Đập thủy điện này mang tên tổng thống Herbert Hoover, được xây dựng từ năm 1931, hoàn thành năm 1936. Đập nằm trên sông Colorado, ở biên giới các bang Nevada và Arizona.
Để xây dựng đập nước này, người ta phải đào 8,2 triệu tấn nham thạch, với số lượng thép tương đương dùng để xây dựng Empire State Building. Nền đập dày 201 m, cao 221 m, suýt soát với độ cao của tòa nhà 70 tầng. Chỗ dựa sát vào phía Bắc đập nước đã thành hồ Mead, một trong những kho nước nhân tạo lớn nhất thế giới, với hình răng cưa không có quy tắc, dài 177 km, tuyến bờ hồ dài 1.323 km (Nguồn: Wikipedia).
Sau khi thăm thú các nơi ở Las Vegas, hôm sau, chúng tôi dành một buổi chiều đi thăm đập Hoover Dam.
Đập Hoover - biên giới bang Arizona và Nevada.
Trở lại California - Garden Grove
Rời Nevada, quay trở lại Cali, chúng tôi ăn cơm tối với cháu Lê Xuân Triết, con anh Ba Hòa. Triết mới qua Mỹ hơn một năm, nhưng gia đình đã tương đối ổn định.
Trở lại nhà anh Vũ, sáng hôm sau chúng tôi có cuộc gặp với anh Lê Địch Hữu, Trương Nam và anh Thạch ở quán coffee. Hữu cho biết, Lê Quang Bích ở San Jose, nghe có tôi qua, đã lên đường và sẽ đến đây vào tối nay.
Trưa nay, tôi và anh Vũ có cuộc hẹn với các bạn cựu sĩ quan quân dược. Tối nay thì ăn cơm nhà anh Lê Vinh Hòa, bố vợ của Triết, còn trưa mai thì có cuộc hẹn với các dược sĩ cùng khóa ở nhà dược sĩ Hồ Văn Thông ở Santa Ana..
Buổi gặp gỡ khá vui tươi và cảm động với các cựu sĩ quan quân dược được tổ chức ở nhà hàng Loyalty, khu Phước Lộc Thọ, vào buổi trưa. Chủ trì là dược sĩ Nguyễn Quang Toản, người đã giành được học bổng du học Mỹ và qua Mỹ cuối năm 1974. Dược sĩ sĩ Bùi Văn Khâm ở sư đoàn TQLC, dược sĩ Lê Văn Khoa từ sư đoàn 3 Quảng Trị đã chạy về Saigon và đã kịp thời di tản vào ngày 29/4/75.
Từ trái qua: Anh Vũ, Ds Nguyễn Quang Toản, LVC,
DS Bùi Văn Khâm, Ds Lê Văn Khoa
Chiều hôm ấy chúng tôi ăn cơm tối ở nhà anh Lê Vinh Hòa, bố vợ của cháu Triết. Sáng hôm sau chúng tôi cùng đi điểm tâm café với anh Thạch, anh Hữu, Trương Nam và Lê Quang Bích. Tôi rất vui mừng gặp lại Lê Quang Bích, người bạn từng chia xẻ những ngọt bùi cay đắng của thời kỳ đại học xá Minh Mạng. Sau buổi coffee, chúng tôi chia tay và hẹn gặp lại tối nay ở nhà anh Lê Địch Hữu.
Buổi trưa, anh Vũ và tôi cùng tham dự buổi họp mặt tại nhà dược sĩ Hồ Văn Thông ở Santa Ana. Cuộc họp quy tụ khá đông các dược sĩ đồng khóa của tôi bên dân sự: Hồ Văn Thông, Trương Qúy Phước (Peter Trương) Nguyễn VănTạo, Tạ Hoàng Lộc, các chị Ds Tuyết, Chi, Tú… Các bạn đồng môn của tôi ở trường Dược, nghe tôi qua Mỹ, đã tổ chức buổi họp mặt này để chào mừng. Riêng với Hồ VănThông, chúng tôi có một kỷ niệm đặc biệt ở Hạ Long vào năm 1998, khi tôi còn làm việc cho Novartis ở Hà Nội, còn Hồ Văn Thông thì từ Mỹ về thăm…người yêu, đang là đồng nghiệp của tôi.
Từ trái: Ds Tạ Hoàng Lộc, Trương Chí Phước,
Lê Văn Công, DS Tuyết, Con trai Thông,
Ds Thông, Ds Chi, Ds Tú, Ds Tạo, anh Ngô Xuân Vũ.
Sau buổi trưa, chúng tôi về nhà anh Vũ, nghỉ ngơi tí chút, rồi tranh thủ ghé thăm anh Lâm Hoàng Kim, trước khi đi dự buổi họp mặt ở nhà anh Lê Địch Hữu.
Từ trái qua: Lê Địch Hữu, Lê Quang Bích, Nguyễn Hạ,
vợ chồng Trương Nam, LV Công, Ngô Xuân Vũ
Anh Lê Địch Hữu, người bạn cùng làng, cùng lớp với tôi ở tiểu học, cựu sĩ quan ở tiểu khu Quảng Ngãi, từng nổi tiếng khí khái khi năm 1975, anh cương quyết khước từ sự chiếu cố của người bố ruột tập kết miền Bắc trở về, hiên ngang khoác ba lô đi tù hơn 5 năm. Anh đi Mỹ theo diện H.O. Anh được bầu làm chủ tịch hội cựu chiến binh. Nơi anh thể hiện một tâm hồn cương nghị, thủy chung trong tình nghĩa gia đình cũng như bè bạn.
Anh đã thiết kế một bữa tiệc đoàn tụ tại nhà riêng và mời chúng tôi. Tại đây, chúng tôi cũng đã gặp lại các bạn cũ và mới: Vợ chồng anh Trương Nam, anh Lê Quang Bích và Nguyễn Hạ.
SAN FRANCISCO
Thứ hai đầu tuần, anh Vũ chở 3 chúng tôi đến nơi tập kết của đoàn du lịch San Francisco, mà cháu Phong đã đăng ký. Chương trình du lịch 3 ngày gồm một địa danh nổi tiếng ở San Jose là Vườn quốc gia Yosemite, thành phố San Francisco, và thung lũng Silicon.
Vườn quốc gia Yosemite, nằm ở phía Tây Sierra Nevada của California, với thác Yosemite, cao 739 mét. Một buổi chiều tuyệt vời trong vườn quốc gia, với tiếng suối ầm ào, những con đường nhạt nắng và nhất là cảm giác bình yên, hạnh phúc trong một đất nước giàu đẹp.
Trong đêm ngủ lại ở khách sạn Mariotte ở San Jose, tôi hy vọng gặp được thày Nguyễn Văn Thinh trong dịp này, vì đã gọi điện trao đổi trước với thày. Thật tiếc, do đoàn du lịch về đến khách sạn gần 10 giờ đêm, nên thầy Thinh không đến được. Chỉ có Lê Quang Bích đến thăm. Chúng tôi cùng ngồi lại với nhau ở quán café đến hơn nửa đêm, để ôn lại bao kỷ niệm ở quê nhà.
Sáng hôm sau, chúng tôi chính thức viếng thăm San Francisco với địa danh nổi tiếng Golden Gate. Sau đó là cuộc du lịch bằng tàu trên vịnh San Francisco. Ấn tượng khó quên lưu lại trong tôi là đàn hải cẩu nằm phơi nắng trên một sà lan neo lại trên vịnh San Francisco. Giá mà ông Phạm Thiên Long, thày thuốc Đông y ở VN, tác giả môn thuốc Hải cẩu hoàn nổi tiếng, nhìn thấy cảnh này, chắc ông sẽ thèm nhỏ giải
Sau một đêm yên bình ở khách sạn Mariotte ở vùng ngoại ô San Francisco, đoàn tiếp tục cuộc hành trình, viếng thăm trường Đại học Stanford ở khu hung lũng Silicon, San Jose, nơi gắn liền với tên tuổi nữ ngoại trưởng da đen của Hoa Kỳ, Condoleezza Rice. Sau trường Stanford, chúng tôi đến viếng một số cơ sở công nghệ, trước khi quay về quận Cam.
Anh Vũ đến đón 3 chúng tôi ở địa điểm trả khách của đoàn du lịch. Trên đường về nhà, tôi thảo luận với anh Vũ về lịch trình hai ngày còn lại ở Mỹ.
Theo chương trình, sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục có cuộc viếng thăm Hollywood. Chương trình dự kiến suốt ngày, nhưng anh Vũ chuyển lời anh chị Bạch Thu mời gia đình tôi ăn cơm tối vào ngày mai. Như vậy sẽ phải rút ngắn cuộc thăm viếng Hollywood, và quay về quận Cam khoảng sáu giờ chiều để đến nhà anh chị Bạch Thu.
Cuộc thăm viếng Holywood, mặc dù bị rút ngắn, song chúng tôi cũng đã thăm thú được những nơi cần thăm, cùng trải nghiệm những cảm giác lạnh gáy trong những trò chơi tạo cảm giác mạnh.
Rời Holywood, trước khi đến nhà anh Bạch Thu, tôi bảo Phong lái xe đưa chúng tôi đến thăm gia đình Phạm Văn Đông và Thành Thị Ngà, hai người bạn cùng lớp thời trung học.
Chúng tôi đến nhà anh Bạch Thu đúng sáu giờ chiều. Tại đây chúng tôi gặp lại vợ chồng anh Vũ, vợ chồng anh Lê Phước Ba, Vợ chồng anh Huy.
Vợ chồng anh Bạch Thu đã chiêu đãi chúng tôi một bữa tối rất ngon miệng, với món ăn quê hương đặc sắc: món lẫu mắm.
Từ trái qua: Chị Trâm (Vợ anh Bạch Thu), Vợ chồng anh Lê Phước Ba,
anh Vũ, Anh Bạch Thu, LVC, Vợ chồng anh Huy, Chị Lâm Xuân Thu, Bích Thu
Hai hôm trước, trao đổi với anh Vũ, tôi muốn trước khi rời Mỹ, chúng tôi sẽ mời gia đình anh Vũ, cùng bạn bè anh một bữa cơm tại nhà hàng Loyalty, khu Phước Lộc Thọ. Và tôi nhờ anh Vũ thay mặt tôi mời hộ. Tối nay, tôi trân trọng nhắc lại lời mời.
Sáng nay là buổi sáng sau cùng của cuộc hành trình trên đất Mỹ. Anh Thạch có nhã ý mời chúng tôi một bữa điểm tâm với món Phở ở khu Phước Lộc Thọ. Chúng tôi cùng thưởng thức món Phở Cali khá đặc sắc. Sau đó chúng tôi đi chợ để shopping vài món trước khi rời Mỹ. Tôi hẹn anh Vũ sẽ gặp lại vào buổi trưa ở Loyalty restaurant.
Vì lý do bận việc, anh Thạch không thể dự bữa cơm trưa thân mật do tôi mời, nên trưa hôm đó chúng tôi cùng gặp gỡ với vợ chồng anh Vũ, vợ chồng anh Lê Phước Ba, vợ chồng anh Huy, anh Bạch Thu và anh Lê Địch Hữu ở Loyalty Restaurant. Khi chia tay mọi người, anh Bạch Thu có một cuộc trao đổi ngắn với Phong về chuyện nghề nghiệp.
Và vậy là chúng tôi chỉ còn một buổi chiều trên đất Mỹ. Phải tranh thủ shopping tiếp tục thôi. Tôi cần mua thêm môt số quà cho các nhân viên của công ty, và các bạn bè thân thiết.
Tối hôm ấy, sau bữa bò nướng đặc sắc kiểu Mỹ do vợ chồng anh Vũ chiêu đãi, chúng tôi từ giã anh Vũ, chị Thu. Phong lái xe đưa vợ chồng tôi ra sân bay Los Angeles, rồi đi tìm khách sạn ở gần sân bay để ngủ, sáng hôm sau mới trả xe, để bay đi Salt Lake, Utah, Mỹ.
Sau 25 ngày viếng thăm hầu hết các địa danh cần thăm viếng, cái đọng lại trong chúng tôi là bên cạnh những cảnh sắc huy hoàng của một đất nước tráng lệ, còn là tình cảm, cách ứng xử giữa người và người. Cảm ơn nước Mỹ. Cảm ơn những người bạn tuyệt vời của tôi, nhất là anh Vũ và gia đình. Cuộc đời cả hai chúng tôi đã trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm, và ở thời điểm này, nhìn lại, chúng tôi có thể tự hào về một tình bạn chân thành, thủy chung và đầy sự tương kính.
Lê Văn Công
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click tại đây
Xem trang QN: Đất nước, con người, click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com