Cuộc chiến tranh kinh tế Trung – Mỹ, vừa được bắt đầu trên mặt trận thương mại, đã diễn ra trên mặt trận công nghiệp mà có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Cuộc chiến tranh này ít có khả năng lan sang mặt trận tài chính, nhưng trên tình hình tồi tệ hơn, thì nó có thể gây ra một tác động tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 12/2017, Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ đã xác định Trung Quốc, cũng như Nga, là “đối thủ chiến lược” của Mỹ. Tuyên bố này được xem như là sự khởi đầu cho hành động tấn công của Mỹ. 6 tháng sau, việc đăng tải lên trang web của Nhà Trắng tài liệu tố cáo những thủ đoạn mà Trung Quốc làm để ăn cắp công nghệ đã đánh dấu thắng lợi của các nhân vật “diều hâu”, trong đó có Peter Navarro, nguyên Giáo sư Đại học California và là tác giả cuốn sách “Chết dưới tay Trung Quốc” và bộ phim cùng tên của ông.
Mặt trận thương mại
Trao đổi hang hóa Trung – Mỹ đạt 620 tỷ USD vào năm 2017. Nhưng thâm hụt của Mỹ (384 tỷ USD), còn xa mới bù đắp được bằng thặng dư thương mại dịch vụ (38 tỷ USD, và lẽ ra sẽ cao hơn nếu như các phương thức tối ưu hóa thuế của các doanh nghiệp không khiến Mỹ mất đi một phần các doanh thu từ sở hữu trí tuệ).
Các trao đổi thương mại không chỉ giới hạn ở các luồng giao dịch xuyên biên giới, mà bao gồm cả hoạt động của các công ty chi nhánh. Doanh số bán hang của các công ty chi nhánh của Mỹ tại Trung Quốc đạt 272 tỷ USD, cao gần gấp đôi tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Ngược lại, các công ty chi nhánh của Trung Quốc tại Mỹ chỉ đạt doanh số thấp (10 tỷ USD). Theo Ngân hang Đức Deutsche Bank, tổng thâm hụt thương mại Trung – Mỹ đã giảm từ 111 tỷ USD vào năm 2008 xuống 30 tỷ USD vào năm 2016, còn theo các số liệu của cơ quan hải quan, thâm hụt thương mại Trung – Mỹ đã tăng từ 271 tỷ USD vào năm 2008 lên 384 tỷ USD vào năm 2017.
Mục tiêu tái cân bằng thương mại Trung – Mỹ đang được chú trọng, nhưng thực tế những gì đang diễn ra, cũng như những hứa hẹn của Trung Quốc không làm an long Tổng thống Donald Trump và các cố vấn của ông. Do vậy, Nhà Trắng đã theo đuổi những mục tiêu khác.
Mục tiêu thứ nhất: Chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Donald Trump đã chứng tỏ rằng ông giữ lời hứa khi tranh cử. Kết nối với truyền thống, từ Reagen đến George W. Bush và Obama, ông đã tăng thuể hải quan đối với mặt hang thép nhập khẩu. Sự khác biệt là ở chỗ Trung Quốc là nhà cung cấp không quan trọng của Mỹ, và Trump đã đề cập đến vấn đề an ninh quốc gia để tránh một sự biểu quyết của Quốc hội. Đợt tăng thuế này, giống như những đợt tăng thuế trước đó, đã vấp phải sự chỉ trích của ngành công nghiệp ô tô, và tỷ phú Donald Trump đã phản ứng bằng cách, cũng nhân danh an ninh quốc gia, áp dụng các biện pháp chống nhập khẩu ô tô Đức mà ông từng lên án sự có mặt của những chiếc ô tô nào vào những năm 1980.
Mục tiêu thứ hai: Các cố vấn của ông – mong muốn kiềm chế sự trỗi dậy của ngành công nghiệp Trung Quốc – đã ra những đòn “tấn công phẫu thuật” thông qua việc tăng thuế đối với các mặt hàng được nhắm đến trong kế hoạch “Made in China 2025”. Danh sách thứ nhất gồm 818 mặt hàng, trị giá 34 tỷ USD nhập khẩu, phải chịu thêm một khoản phụ phí 25% kể từ ngày 6/7; danh sách thứ hai (được lập sau cuộc điều tra trong khuôn khổ của Điều 301 Luật thương mại Mỹ) gồm 284 mặt hang với mức tăng thuế vẫn chưa được quyết định. Trong các danh sách này, không có các mặt hàng tiêu dùng.
Nếu Mỹ đi xa hơn, như mong muốn của Donald Trump, thì chắc chắn sẽ xảy ra những nguy cơ. Do sự chồng chéo của của các nền kinh tế, việc tăng thuế hải quan đối với những hàng hóa “made in China” sẽ khiến cho những hàng hóa “made in USA” trở nên đắt đỏ hơn, gây ra những hệ quả tới sức mua của các hộ gia đình Mỹ và khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.
Mặt trận công nghiệp
Trên mặt trận công nghiệp, mục tiêu của các nhân vật “diều hâu” của Nhà Trắng đi xa hơn nhiều so với một biện pháp trừng phạt. Đó là hạn chế những bước tiến của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn các hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ sang Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc sang Mỹ. Lựa chọn này đã dẫn đến một sự thay đổi căn bản của tiến trình toàn cầu hóa.
Cần nhớ rằng Trung Quốc là một trong những nước tiếp nhận nhiều FDI nhất và điều này đã mang lại đóng góp đáng kể về mặt công nghệ cho ngành công nghiệp Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc luôn là nơi được mơ ước và Bắc Kinh cho phép nước ngoài tiếp cận, đánh đổi lấy quyền sở hữu các công nghệ. Các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc từ lâu đã mang lại nhiều lợi nhuận đủ để các doanh nghiệp chấp nhận nhượng lại công nghệ của họ. Tuy nhiên, trường hợp này đã trở nên ít đi từ vài năm nay, và các doanh nghiệp nước ngoài do dự hơn khi quyết định làm ăn với Trung Quốc. Một trong những mục tiêu mà Mỹ nhắm tới khi giảm thuế đối với các doanh nghiệp là để họ chấm dứt đầu tư tại Trung Quốc, và theo kết quả của cuộc điều tra của Phòng Thương mại Mỹ vào tháng 12/2016, 6 trong số 10 doanh nghiệp Mỹ đã dự định rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Về phía các doanh nghiệp Trung Quốc, họ đầu tư ra nước ngoài nhằm mục tiêu tiếp cận nguồn tài nguyên và công nghệ. Từ năm 2014 đến năm 2016, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ nhiều hơn so với các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc. Sau cơn sốt đầu tư vào năm 2016, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm vào năm 2017 do những hạn mức mà Chính phủ Trung Quốc áp đặt trước mối lo ngại thất thoát vốn. Theo tập đoàn Rhodium, lượng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã trượt dốc vào nửa đầu năm 2018, giảm 92% giá trị đầu tư và số hợp đồng đầu tư đã giảm một nửa. Sự đi xuống của quan hệ song phương và sự mạnh tay của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) lý giải sự sụt giảm đầu tư nói trên. Trong số các quyết định mang tính bước ngoặt, phải kể tới các trường hợp Washington phủ quyết việc tập đoàn liên doanh Malaysia – Trung Quốc mua lại tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới Qualcomm vào tháng 3/2018, cũng như đối với dự án đầu tư vào thị trường Mỹ của tập đoàn viễn thông China Mobile vào tháng 7/2018.
Vào năm 2017, Tập đoàn General Motors đã bán cho thị trường Trung Quốc 4 triệu xe ô tô, nhiều hơn so với thị trường Mỹ (3 triệu xe). Đối với nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, sự phát triển của thị trường Trung Quốc là một thách thức lớn hơn so với thị trường Mỹ. 700 công ty chi nhánh của Mỹ tại Trung Quốc có nguy cơ trở thành những “con tin” của một cuộc chiến tranh kinh tế nếu Bắc Kinh gây cản trở nhiều hơn cho họ. Nhiều dấu hiệu cho thấy rằng các công ty này gặp nhiều khó khan hơn. Cuộc chiến tranh kinh tế Trung – Mỹ được mở ra trên mặt trận công nghiệp sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ nhiều hơn so với sự gia tăng thuế quan, và mặt trận này sẽ là một con dao hai lưỡi. Nó sẽ gây ra một sự suy giảm mạnh mẽ hơn các luồng FDI, đồng thời tác động đến nền kinh tế đang suy giảm của Trung Quốc.
Mặt trận tài chính
Trong một cuộc xung đột với Mỹ, Trung Quốc có hai vũ khí trong tay: sự ngang giá của đồng NDT so với đồng USD, và Trung Quốc nắm giữ một lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ. Kể từ năm 2005, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nâng giá đồng nội tệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ. Bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu, việc nâng giá đồng NDT tiếp tục được thực hiện cho đến năm 2013, và sau vài tháng sụt giảm, đồng NDT đã tăng giá trở lại. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, đồng NDT giảm giá trị với một tốc độ chưa từng có. Liệu Trung Quốc có phá giá đồng NDT để đối phó với việc Mỹ gia tăng thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc? Sử dụng vũ khí tiền tệ sẽ là một lựa chọn nguy hiểm, bởi nó làm gia tăng nguy cơ lạm phát ở Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, với hơn 1000 tỷ USD vào tháng 5/2018. Liệu Trung Quốc có sử dụng vũ khí này để chống lại Washington? Việc Trung Quốc tích trữ trái phiếu kho bạc Mỹ không mang lại cho họ sự ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ. Quả thực, Bắc Kinh chỉ nắm giữ 5% trên tổng số 21 nghìn tỷ USD nợ công vủa Mỹ. Nếu không có gì thay đổi, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ có tính thanh khoản lớn nhất trên thế giới. Việc Trung Quốc bán khoản nợ cũa Mỹ sẽ khiến trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm giá trị, tuy nhiên, động thái này không thực sự gây khó khăn cho nền kinh tế Mỹ.
Những hậu quả của “chiến lược hai bên cùng thua”
Giáo sư kinh tế Mỹ Peter Navarro không ngần ngại huênh hoang tuyên bố: “Không nước nào dám trả đũa các biện pháp của Mỹ”. Tuy nhiên, bất chấp lời khẳng định này, Bắc Kinh đã đáp lại bằng việc tăng thuế quan đối với các hàng hóa nhập khẩu từ các khu vực cử tri của Donald Trump. Liệu phản ứng này của Trung Quốc có phải là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ khởi động giai đoạn hai của cuộc tấn công bằng việc đề nghị Bộ Thương mại Mỹ áp đặt mức thuế 10% đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc? Theo ước tính của Hội đồng phân tích kinh tế Pháp (CEA), tác động cộng dồn của cuộc chiến tranh kinh tế Trung – Mỹ gần tương đương với tác động của cuộc khủng hoảng năm 2008, gây ảnh hưởng tới cả Liên minh châu Âu (EU) lẫn phần còn lại của châu Á vì xung đột này sẽ làm suy yếu hoạt động của các chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuộc tấn công này của Mỹ sẽ thúc đẩy nhiều hơn là cản trở việc thực hiện kế hoạch “Made in China 2025”. Kế hoạch này nằm trong tầm ngắm của Chính phủ Mỹ, và từ nhiều tuần qua các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã tránh đề cập đến để không chọc tức Washington. Tháng 3/2018, vụ việc liên quan tới Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc ZTE đã bộc lộ sự phụ thuộc công nghệ của Trung Quốc về các thiết bị bán dẫn, qua đó thúc đẩy Trung Quốc quyết tâm củng cố ngành công nghiệp này. Jack Ma, Giám đốc điều hành của tập đoàn Alibaba, đã công bố thành lập một bộ phận nghiên cứu và phát triển chuyên về sản xuất các chip sử dụng trong ngành trí tuệ nhân tạo. Trong lĩnh vực quan trọng này, lượng người truy cập đông đảo và sự bảo mật yếu kém các dữ liệu cá nhân đã mang lại cho Trung Quốc một lợi thế.
Bằng việc khởi động một cuộc chiến tranh kinh tế mang tên “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Donald Trump đã phá vỡ cấu trúc của trật tự thế giới mà Mỹ đã xây dựng vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, và thay thế nó bằng một trật tự mới, mà ở đó Mỹ, giống như Vương quốc Anh của thế kỷ 19, sẽ không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có những lợi ích. Tuy nhiên, điều này có thể hiểu được vào thời hòa bình dưới trướng đế quốc Anh (Pax Britannica), chứ không phải trong một thế giới đa cực.
Nguồn: Asialyst – 11/07/2018
* * *
Xem bài liên hệ với đề tài: click vào đây
Xem trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Xem các bài trên trang Anh ngữ: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net