Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
SÔNG TRÀ KHÚC VÀ THI HÀO CAO BÁ QUÁT
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Cao Bá Quát ( ? -1854) là một nhà thơ lỗi lạc trên thi đàn Việt Nam.

 

Người đương thời thường truyền tụng “Thần Siêu, Thánh Quát” và tương truyền vua Tự Đức có hai câu thơ: “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán,/ Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường” để tán tụng tài thơ văn của Cao Bá Quát cũng như của các ông Nguyễn Văn Siêu, Tùng Thiện Vương và Tuy Lúy Vương.

 

Cao Bá Quát tự là Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên và Cúc Đường, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

 

Năm 1831 đời vua Minh Mạng, ông thi đỗ Á nguyên trường thi Hương Hà Nội, sau đó ông có dự thi Hội mấy khoa liền đều bị đánh hỏng. Năm 1842 đời vua Thiệu Trị, nhờ sự tiến cử của quan tỉnh Bắc Ninh, ông được triệu về kinh đô Phú Xuân để lãnh chức Hành Tẩu Bộ Lễ, một chức quan nhỏ. Trong thời gian này, vua Thiệu Trị cho mở ân khoa thi Hương tại Thừa Thiên, Cao Bá Quát được bổ làm quan sơ khảo. Vì tiếc một số bài thi hay nhưng phạm trường qui, ông đã dùng muội đèn để sửa quyển thi. Sự việc bại lộ, ông bị bắt giam tra khảo cực hình, sau đó bị phát phối vào Đà Nẵng.

 

Năm 1843, Đào Tri Phú được cử cầm đầu một phái đoàn đi Nam Dương để giao dịch thương mại, Cao Bá Quát được tháp tùng phái đoàn để “lập công chuộc tội”. Được đi ra nước ngoài, ông mới thấy được cái học thiết thực của thiên hạ so với cái học từ chương hủ lậu của ta. Cuối năm này phái đoàn trở về nước và Cao Bá Quát bị thải hồi về nguyên quán. Đến năm 1847, Thiệu Trị lại cho vời ông về kinh đô để giữ chức vụ cũ. Sau hơn 3 năm làm việc tại triều đình, ông đã thấy rõ bộ mặt thối nát của bọn vua quan đương thời, ông tỏ rõ thái độ bất mãn.

 

Năm 1850, vua Tự Đức cho ông về Bắc và ông xin lĩnh chức giáo thụ phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

 

Cuối năm 1853, lấy cớ còn mẹ già cần phụng dưỡng, ông xin cáo quan. Thực ra ông từ quan chuyến này là để thực hiện giấc mộng “thế thiên hành đạo” của mình. Ông đã tìm được Lê Duy Cự, một người tôn thất của nhà Lê, tôn làm minh chủ, còn Cao Bá Quát giữ vai quân sư lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương chống lại triều đình vua Tự Đức. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt, bị lên án “tru di tam tộc” và bị chém đầu tại quê nhà làng Phú Thị vào năm 1854 (Có thuyết cho rằng ông bị tên Đinh Thế Quang bắn chết giữa trận tiền).

 

Sau vụ án Cao Bá Quát, triều đình ra lệnh tiêu hủy tất cả những gì có liên quan đến ông. Tuy nhiên, có nhiều người vì liên tài nên đã giấu giếm được một số tác phẩm của ông, một số khác được người đương thời thuộc lòng và truyền tụng ngay từ trước. Vào đầu thế kỷ, những tác phẩm của ông đã được một số nhà làm văn học sưu tập và chép thành nhiều bản với nhiều tên gọi khác nhau như Cao Bá Quát Thi Tập, Cao Chu Thần Di Cảo, Mẫn Hiên Thi Tập... gồm một số bài hát nói và bài phú lừng danh “Tài tử Đa Cùng” bằng chữ Nôm và hàng ngàn bài thơ, bài tự bằng chữ Hán.

 

Trà Khúc, con sông biểu tượng của Quảng Ngãi: Núi Ấn Sông Trà - dài không quá 130 cây số ngàn, đã mang trên mình nó những thắng cảnh của một thời vang bóng: Hà Nhai Vãn Độ, Long Đầu Hý Thủy và cùng với Thiên Ấn tạo nên Đệ nhất danh thắng của tỉnh nhà: Thiên Ấn Niêm Hà.

 

Trà Khúc - con sông rất mực hiền hòa:

 

Ai về xứ Quảng Ngãi xa xôi,

Nhớ sông Trà Khúc sóng dồi lăn tăn...

 

Trà Khúc - con sông đã sản sinh ra những thủy sản đặc biệt: Cá bống, cá thài bai và don - phát nguyên từ vùng núi cao giáp ranh với tỉnh Kontum, chảy qua quận Sơn Hà, xuôi về Đông làm ranh giới cho 2 quận Sơn Tịnh và Tư Nghĩa, rồi chảy ra biển Đông bằng cửa Cổ Lũy, còn gọi là cửa Đại.

 

Và trong hàng ngàn bài thơ chữ Hán đó của Cao Bá Quát, có hai bài lấy bối cảnh từ con sông thân yêu của quê hương Quảng Ngãi: Sông Trà Khúc. Và hai bài thơ, đó là:

 

* Trà Giang Thu Nguyệt ca

* Đồng Bùi Nhị Minh Trọng Trà Giang Dạ Bạc

 

Trước hết, ta thử bàn về bài thơ “Trà Giang Thu Nguyệt Ca”.

 

Trà Giang Thu Nguyệt Ca là một trong mấy bài thơ tả trăng tuyệt vời của Cao Bá Quát, và một người Quảng Ngãi đã được cái diễm phúc nhận lời đề tặng của tác giả họ Cao: Ông Bảo Xuyên.

 

Cao Bá Quát đã sáng tác bài thơ này trong trường hợp nào?

 

Căn cứ theo lời đề tặng và nội dung bài thơ, ta có thể đưa ra một vài suy đoán:

 

Có lẽ trong thời gian phát phối vào Đà Nẵng, Cao Bá Quát đã làm quen với hai người: một người Đà Nẵng có hiệu là Tồn Chân, một người Quảng Ngãi có hiệu là Bảo Xuyên. Đây là ba người bạn thân thiết. Thế nên, khi viết thơ tặng Bảo Xuyên, Cao Bá Quát chỉ nhắc đến tên Tồn Chân người Đà Nẵng mà không nhắc đến một người bạn nào khác ở ngoài Bắc hay ở kinh đô Phú Xuân.

 

Đà Giang cựu lữ Tồn Chân ông

Cần hải minh tiên hiểu tương biệt.

(Sông Đà bạn cũ bác Tồn Chân

Cần hải thét roi, mai giã biệt.)

 

Con người “Cần hải thét roi, mai giã biệt” đó chính là người đã được tác giả đề tặng bài thơ “Tặng Bảo Xuyên ông chi An Giang quân thứ” (Tặng ông bạn Bảo Xuyên đi quân thứ An Giang).

 

Cao Bá Quát viết bài thơ này vào cái đêm hôm trước ngày Bảo Xuyên lên đường đi quân thứ An Giang ở mãi tận miền Nam xa tít tắp:

 

Cần hải thét roi, mai giã biệt.

(Cần hải tức cửa biển Cần Giờ ở trong Nam.)

 

Đó là một đêm trăng mùa thu thật sáng, thật quyến rũ:

 

Trăng sông Trà

Đêm nay vì ai trong vắt?

Muôn dặm quan san, một màu vằng vặc...

 

Trong khoang thuyền nhỏ lênh đênh trên dòng Trà Giang loang loáng ánh trăng thu, hai người bạn cùng nâng chén rượu ly bôi, cùng thấy hồn mình như chùng xuống:

 

Nơi nào không buộc chặt mối tình quê

Đời người gặp nhau đâu dễ thường

Sẵn rượu đây cứ uống đi...

 

Nhất là Bảo Xuyên, cái ông quan võ ngày mai phải đi “Cần hải thét roi”, mà đêm nay như bịn rịn, như dùng dằng không nỡ rời người bạn tâm giao là Cao Bá Quát - cũng ví như nỗi bịn rịn của trăng thu:

 

Hỏi tại sao người dùng dằng không nỡ rời

Ta chỉ là gã lính quèn của Trúc Lâm?

 

Vậy Bảo Xuyên là ai?

 

Thật khó mà khám phá ra tung tích của nhân vật Bảo Xuyên này. Cái tên Bảo Xuyên chỉ xuất hiện một lần duy nhất trên lời đề tặng của một bài thơ của Cao Bá Quát. Chỉ có một điều ta có thể suy đoán, Bảo Xuyên là một viên quan võ, đó cũng là căn cứ theo lời đề tặng trên đầu bài thơ. Tuy là một viên quan võ, nhưng chắc Bảo Xuyên là người rất hâm mộ thi ca, rất ngưỡng mộ thi tài và đức độ của Cao Bá Quát nên đã được đáp lại bằng một tấm chân tình. Bằng chứng là Cao Bá Quát đã đến Quảng Ngãi để tiễn đưa Bảo Xuyên lên đường đi quân thứ An Giang. Huế - Quảng Ngãi đối vời chúng ta ngày nay không xa, nhưng đối với thời Cao Bá Quát cách đây trên 150 năm thì đó là một quãng đường xa diệu vợi. Hơn thế nữa, cứ theo như những giai thoại đã minh họa về Cao Bá Quát, ông không phải là người dễ kết thân với bất cứ ai. Phải là người được lọt vào mắt xanh của Cao Bá Quát mới được ông đối xử chân tình, mới được Cao Bá Quát làm thơ đề tặng. Oâi vinh dự thay cho Bảo Xuyên!

 

Bài thơ “Trà Giang Thu Nguyệt Ca” này đã được nhiều người dịch thành thơ. Sau đây chúng tôi xin sao lục bản phiên âm, bản dịch xuôi và 5 bản dịch thơ để chúng ta cùng nhau thưởng lãm.

Phần phiên âm:

 

TRÀ GIANG THU NGUYỆT CA

(Tặng Bảo Xuyên Ông chi An Giang quân thứ)

 

Trà Giang nguyệt

Kim dạ vị thùy thanh?

Quan san vạn lý hạo nhất sắc

Hà xứ bất hệ cố viên tình? (1)

Cử bôi thí yêu nguyệt

Nguyệt nhập bôi trung hành

Hàm bôi dục yết cánh phi khứ

Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành

Đình bôi thả phục trí

Hựu kiến cô quang sinh

Vấn quân hà sự luyến luyến bất nhẫn xả?

Ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi bộ binh!

Giang đầu thử dạ (2) phùng thu tiết

Tửu mãn tu khuynh vị quân thuyết:

Đà giang (3) cựu lữ Tồn Chân ông

Cần hải minh tiên hiểu tương biệt

Tạc dạ kim phong hạ thiên khuyết

Bạch lộ, thanh sương sảo xâm cốt

Nhân sinh hội ngộ an khả thường?

Hữu tửu thả ẩm Trà Giang nguyệt

Trà Giang nguyệt!

Như kính hạ ngân lưu

Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ

Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu!

Cao Bá Quát

 

Ghi chú:

 

(1) Dị bản: Hà xứ bất hệ ly nhân tình (Nơi nào lại không vương vít tình người biệt ly !)

(2) Dị bản: Tịch (cũng có nghĩa là đêm như chữ Dạ)

(3) Dị bản: Đà môn (cửa Đà Nẵng)

 

Phần dịch xuôi:

 

BÀI CA TRĂNG THU SÔNG TRÀ

(Tặng Bảo Xuyên Ông đi quân thứ An Giang)

 

Trăng sông Trà

Đêm nay vì ai trong vắt?

Muôn dặm quan san, một màu vằng vặc

Nơi nào không buộc chặt mối tình quê?

Cất chén mời trăng cùng uống

Trăng rơi vào lòng chén

Nâng chén toan uống, trăng bay đi

Chỉ còn bóng người chao ngang dọc

Ngưng uống đặt chén xuống

Lại thấy ánh trăng le lói hiện về

Hỏi tại sao người dùng dằng không nỡ rời

Ta chỉ là gã lính quèn của Trúc Lâm

Đầu sông đêm nay gặp thu tiết

Rượu tàn uống cạn, tỏ người biết:

Sông Đà bạn cũ bác Tồn Chân

Cần hải thét roi, mai giã biệt

Đêm qua gió thu từ trên cao thổi về

Móc trắng, sương trong thấm xương thịt

Đời người gặp nhau đâu dễ thường

Sẵn rượu đây cứ uống đi, Trăng sông Trà.

Trăng sông Trà

Như ánh bạc chảy tràn mặt gương

Trượng phu chống kiếm, bước cứ bước

Đường dù khó cứ đi. Chớ vương sầu nữ nhi.

(Bản dịch của Phương Đình)

 

Phần dịch thơ:

 

Bản dịch của Phan Huy Nhàn:

 

Trăng sông Trà

Đêm nay trăng sáng vì ai vậy?

Muôn dặm non sông bạc một màu

Hỏi đâu chẳng vướng tình ly biệt

Nâng chén mời trăng ta với nhau

Trăng vào giữa chén đi trong chén

Toan uống kề môi trăng vỡ tan

Chỉ còn rung bóng người ngang dọc

Ngưng chén nào xin đặt nhẹ nhàng.

Lại ngời đáy chén trăng le lói

Sao luyến lưu nhau chẳng nỡ rời

Ta gặp đường cùng như Nguyễn Tịch

Bạn bè theo bọn Trúc Lâm chơi

Khuya nay thu tới đầu sông gió

Nghiêng rượu vì trăng nói một lời

Anh bạn Tồn Chân Đà Nẵng lại

Cần Giờ ruỗi ngựa sớm mai thôi

Đêm trước heo may trời thổi xuống

Mù xanh sương bạc lạnh quê người

Trên đời đâu gặp nhau luôn được

Uống thỏa trăng sóng với rượu này

Trăng sông Trà

Như tấm gương trong đầm nước bạc

Làm trai chống kiếm bước ra đi

Ra đi nên thẳng đường đi thẳng

Nhi nữ đừng như... lúc biệt ly!

 

Bản dịch của Phước Hải:

 

Trăng sông Trà!

Đêm nay vì ai mà trong

Núi non muôn dặm trùng không trắng ngời

Đâu nơi ràng buộc tình người

Biệt ly nâng chén thử mời trăng soi

Trăng ngập mình vào chén

Ta muốn cạn một hơi

Trăng tan đi mất rồi

Chỉ bóng người cùng chạm!

Dừng tay đặt xuống chén này

Thấy trăng vằng vặc sáng đầy ly bôi

Hỏi sao trăng lại bồi hồi

Có gì quyến luyến chẳng rời bóng ta

Ta người lính bộ đường xa

Trúc Lâm cùng phái cũng là thân quen

Sông chìm trong tiết thu đêm

Rượu đầy ta phái cũng là thân quen

Sông chìm trong tiết thu đêm

Rượu đầy ta phải cạn thêm ánh rằm

Chén này cùng với xa xăm

Bạn ta Đà Nẵng, thưa rằng: Tồn Chân

Sớm mai ra quất ngựa

Ruổi tận cửa bề Cần

Đêm qua trời đổ gió

Sương móc ngấm buốt thân

Gặp người đâu dễ xưa nay

Sông Trà ta uống vơi đầy trăng suông

Trăng sông Trà tợ mặt gương

Phằng im chìm xuống còn buông trắng ngời

Cho một người trượng phu

Chống kiếm cứ ra đi

Và xa kia lối rẽ

Gây chi sầu xuân thì!

 

Bản dịch của Giản Chi:

 

Trăng sông Trà

Vì ai trong vắt đêm ni?

Muôn dặm trắng một màu quan tái đó

Tình nơi đâu không thắt buộc mối phân ly

Nâng chén mời trăng với ta cùng uống

Rượu long lanh vào đáy chén. Trăng đi

Toan nhắp chén. Trăng bay đâu rồi nhỉ?

Ngoài bóng người nghiêng ngửa, chén còn chi

Ngưng chén đặt vô nơi cũ

Le lói trăng sáng lại về

Hỏi người sao dùng dằng không nỡ bỏ

Báu gì ta, rừng Trúc bọn say nhè

Chốn giang đầu, đêm nay thu gặp tiết

Rượu đầy bầu nên dốc hết nói người hay

Người sông Đà, ông Tồn Chân, bạn cũ ta đây

Cần hải, người đi, sớm mai tiễn biệt

Đêm qua trời rộng mở cửa heo may

Móc trắng, sương xanh, thấu xương gió rét

Cuộc nhân sinh sum họp khôn thường

Sẵn rượu đây, rót ra ta thết:

Trăng sông Trà!

Trăng sông Trà!

Xuống dòng nước bạc tựa vành gương

Làm trai chống kiếm bốn phương

Đi là đi phứt, chẳng vấn vương như đàn bà.

 

Bản dịch của Vũ Khiêu:

 

Trăng sông Trà!

Đêm nay vì ai mà trong sáng?

Muôn dặm quan sơn trắng xóa một màu,

Khắp nơi vương vấn tình người xa nhau.

Cất chén thử mời trăng,

Trăng vào đi trong chén.

Đỡ chén lên môi, trăng vụt biến,

Chỉ còn bóng người đang dọc ngang.

Ngừng chén và đặt xuống,

Trăng hiện về, bóng lại long lanh.

Hỏi trăng: Vĩ sao quyến luyến đi không nỡ?

Ta chỉ là anh Bộ binh trong bọn Trúc Lâm gặp bước đường cùng.

Tối nay thu sang trên đầu sông,

Muốn nghiêng bầu rượu cùng trăng nói:

Tồn Chân bạn cũ cửa sông Đà

Sớm mai quật ngựa bể Cần xa!

Gió vàng đêm qua, từ cửa trời thổi xuống,

Móc trắng sương trong lạnh buốt xương da,

Đời người gặp gõ nhau được mấy?

Có rượu hãy uống với trăng sông Trà.

Trăng sông Trà!

Như tấm gương soi dòng nước bạc.

Trượng phu chống kiếm đi thì đi,

Đừng buồn như đàn bà trong lúc phân ly.

 

Bản dịch của Dật Tẩu: (*)

 

Trăng sông Trà,

Vì ai trong vắt đêm nay,

Muôn dặm quan san, một màu trắng xóa.

Nơi nào không ray rứt lúc chia tay.

Cất chén lên mới trăng thử

Trăng đi vào chén rượu đầy.

Đưa chén lên miệng hớp, trăng bay biến

Chỉ còn lại bóng người như múa may

Ngưng uống, cầm chén đặt nhẹ xuống

Vầng sáng cô đơn hiện lại ngay.

Hỏi ngươi cớ sao lưu luyến không rời bỏ,

Trúc lâm, ta chốn đường cùng một lính say

Đầu sông đêm nay gặp thu tiết

Rót đầy chung nốc cạn, nói ngươi biết:

Cửa sông Đà, bạn cũ bác Tồn Chân

Miền Cần hải thét roi, sáng ngày giã biệt

Tối qua, gió tây đã rời thiên khuyết,

Móc trắng, sương trong thấm xương buốt rét.

Đời người ta sum họp có thường đâu.

Trăng sông Trà, có rượu hãy uống hết.

Trăng sông Trà,

Như giòng bạc chảy trên gương

Trượng phu vỗ kiếm bước thì bước,

Khác tuồng nhi nữ, phân kỳ bận sầu thương.

 

*  *  *

 

Giờ đây ta thử bàn về bài thơ “Đồng Bùi Nhị Minh Trọng Trà Giang Dạ Bạc” (Cùng Bùi Nhị Minh Trọng đêm đậu thuyền trên bến sông Trà Khúc).

 

Cũng giống như trường hợp nhân vật Bảo Xuyên, cho đến lúc này, chúng ta vẫn chưa tìm ra một tài liệu nào có nhắc đến tên tuổi của nhân vật Bùi Nhị Minh Trọng. Trong hoàn cảnh xa xứ hiện nay, cái nhu cầu cần tìm hiểu này lại càng khó khăn diệu vợi!

 

Căn cứ theo ý thơ của Cao Chu Thần, chúng ta phỏng đoán rằng họ Cao và Bùi Nhị Minh Trọng quen biết nhau chưa phải là lâu lắm:

           

Đồng du mạn thán phùng tương vãn!

(Bạn cùng chơi với nhau những than hoài là gặp nhau đã muộn!)

 

Đây là lần thứ mấy Cao Bá Quát đến Quảng Ngãi? Chúng ta không biết được. Nhưng có một điều chúng ta có thể phỏng đoán là hai bài thơ cùng viết về sông Trà Khúc của họ Cao chắc phải được sáng tác ở hai thời điểm khác nhau.

 

Thời điểm sáng tác của bài thơ Trà Giang Thu Nguyệt Ca thật rõ ràng: một đêm trăng mùa Thu có trăng sáng vằng vặc.

 

Còn thời điểm sáng tác của bài Đồng Bùi Nhị Minh Trọng Trà Giang Dạ Bạc? Chắc hẳn phải là một đêm không trăng:

 

Tiễn chúc luân tâm lệ tiễn y!

(Khêu ngọn đèn, nói chuyện tâm sự mà lệ rảy khắp áo!)

 

Bởi không có trăng nên mới chịu thắp đèn để hàn huyên tâm sư ï!

 

Có một đêm trăng mờ ảo, neo thuyền trên bến Phong Kiều, nhà thơ Trương Kế đời Đường bên Trung Hoa nhìn “lửa đèn trên những chiếc thuyền câu, nhìn những cây phong bên sông” mà thấy lòng mình như chùng xuống một nỗi sầu vô hạn:

 

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên!

(Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ! - Tản Đà)

 

Còn Cao Bá Quát cùng bạn đậu thuyền trên bến sông Trà Khúc, trong cái ánh sáng mờ ảo dần dần đi vào đêm, nhìn bãi cát uốn quanh, nhìn khúc sông chảy hiền hòa trước mắt mà tưởng như khúc ruột của chính lòng mình đang quặn thắt tái tê!

 

Sa hồi giang tự sầu trường khúc!

(Bãi cát uốn quanh, khúc sông trông như khúc ruột quặn đau)

 

Cái “sầu trường khúc” đó mang tâm sự u uẩn của Vương Xán, Thái Ung.

 

Vương Xán tự là Trọng Tuyền, người nước Ngụy thời Tam Quốc, xa quê đã làm bài Đăng Lâu Phú (Bài phú Lên Lầu) nổi tiếng một thời nói lên tình cảm nhớ nhà, nhớ quê tha thiết của mình. Cao Bá Quát cũng đã mang cái tâm sự nhớ nhà, nhớ quê da diết như của Trọng Tuyền.

 

Và tâm sự của Thái Ung mới chính là cái tâm sự bi phẫn của họ Cao.

 

Thái Ung, tự là Bá Giai, một học giả nổi tiếng đời Hán Linh Đế. Khi tên Tướng quốc đại gian hùng là Đổng Trác âm mưu cướp ngôi nhà Hán, để thu phục nhân tâm, y đã hù dọa buộc Thái Ung ra làm quan cho mình. Cao Bá Quát bất đắc dĩ phải uốn mình ra làm quan cho triều Nguyễn có khác gì Thái Ung phải bất đắc dĩ giữ chức Trung Lang Tướng cho tên phản thần Đổng Trác?

 

Ôi! Cái bầu tâm sự bi phẫn đó đã được họ Cao thổ lộ cho một người bạn là con dân của miền núi Ấn, sông Trà: Bùi Nhị Minh Trọng.

 

Tiễn chúc luân tâm lệ tiễn y!

(Khêu ngọn đèn, nói chuyện tâm sự mà lệ rảy khắp áo!)

 

Một đêm tiễn bạn trên bến Tầm Dương, một khúc sông Trường Giang chảy qua tỉnh Giang Tây bên Trung Hoa, quan Tư Mã đất Giang Châu là Bạch Cư Dị đời nhà Đường đã than:

 

Tọa trung khấp hạ thùy tối đa?

Giang Châu Tư Mã thanh sam khấp!

(Lệ ai chan chứa hơn người,

Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh - Phan huy Vịnh)

 

Giọt lệ của Bạch Cư Dị đời nhà Đường bên Trung Hoa và giọt lệ của Cao Bá Quát đời nhàNguyễn bên Việt Nam - hai giọt lệ bi phẫn đa tình của hai bậc thi hào đâu có khác gì nhau!

 

Sau đây tôi xin lục đăng bài thơ “Đồng Bùi Nhị Minh Trọng Trà Giang Dạ Bạc” để bà con đồng hương chúng ta cùng thưởng lãm:

 

Nguyên tác: (phiên âm)

 

ĐỒNG BÙI NHỊ MINH TRỌNG

 

TRÀ GIANG DẠ BẠC

 

Nhược lãm nguy can tố lãng trì,

Cao sư thôi hoán bạc tiền ky.

Sa hồi giang tự sầu trường khúc,

Mộ tĩnh phong như tửu lực vi.

Dị địa bất câm Vương Xán cảm,

Đương niên thùy phóng Thái Ung quy?

Đông du mạn thán tương phùng vãn,

Tiễn chúc luân tâm lệ tiễn y!

 

Dịch nghĩa:

 

CÙNG BÙI NHỊ MINH TRỌNG

 

ĐÊM ĐẬU THUYỀN TRÊN BẾN SÔNG TRÀ.

 

Dây mảnh, sào yếu ngược sóng đi rất chậm,

Bác lái dục thuyền đậu vào bến đá phía trước.

Bãi cát uốn quanh, khúc sông trông như khúc ruột quặn đau.

Buổi chiều lặng lẽ, sức gió nhẹ như hơi men phảng phất.

Nơi đất khách khôn ngăn được nỗi cảm của Vương Xán,

Tưởng khi ấy ai đã chịu cho Thái Ung về?

Bạn đồng du những than hoài là gặp nhau đã muộn,

Khêu ngọn đèn, nói chuyện tâm sự mà lệ rảy khắp áo.

 

Dịch thơ:

 

Sào non, dây mảnh ngược lâu thay,

Chú lái hò nhau đỗ bến này.

Bãi uốn, sông như sầu quặn khúc,

Tối chìm, gió tựa rượu hơi say.

Thái Ung năm ấy về ai để?

Vương Xán hồn quê rộn lúc này.

Cùng hội, cùng thuyền than gặp muộn,

Khêu đèn tâm sự lệ vơi đầy.

 

(Theo bản phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ của cụ Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm)

 

THÁI TƯỜNG

 

(*) Dật Tẩu là bút hiệu của giáo sư Nguyễn Đức Tập, người xã Sơn Long, quận Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ông còn bút hiệu nữa là Long Cương và là tác giả của 2 tác phẩm Hán Nôm Đa Dụng và Hán Nôm Độc Bản (soạn chung với Khổng Đức).

 

*  *  *

 

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click vào đây

Xem trang Đất nước, con người: click vào đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh