Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Giải trí
LAN MAN VỚI “NGÀY MAI KHÔNG BAO GIỜ LỤI TÀN” (Duan Dang)
Webmaster

 

 

Một tàu chiến Anh đang tuần tra ở Biển Đông, bất thình lình hai máy bay Trung Quốc áp sát bên phía trên. Xa xa, một chiếc tàu khác đang giám sát nhất cử nhất động của tàu chiến Anh. Viên phi công Trung Quốc phát thông điệp: “Đây là cảnh báo cuối cùng. Các vị đang ở trong lãnh hải Trung Quốc”. Đáp lại, hạm trưởng Anh tuyên bố: “Chúng tôi đang ở trong hải phận quốc tế”, nhấn mạnh tàu Anh sẽ tự vệ nếu bị tấn công.

 

Hẳn đây phải là khung cảnh trong chuyến tuần tra Tự do hàng hải của tàu chiến Anh HMS Albion ở Biển Đông ngày 31.8, khi tàu này thách thức đường cơ sở thẳng phi pháp do Trung Quốc vẽ ra ở quần đảo Hoàng Sa trên đường đến thăm TP.HCM đầu tháng 9. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đúng là nước này đã triển khai hai máy bay và một tàu hộ vệ bám đuổi tàu Albion. BBC đưa tin máy bay Trung Quốc đã bay cách tàu Anh chỉ khoảng 200 mét.

 

Nhưng không, những tình tiết trên là cảnh mở đầu của bộ phim Điệp viên 007: Ngày mai không bao giờ lụi tàn (Tomorrow Never Dies) phát hành năm 1997. Trong phim, trùm truyền thông Elliot Carver sử dụng chiếc tàu tàng hình của mình đánh chìm tàu HMS Devonshire sau khi sử dụng thiết bị gây nhiễu sóng vệ tinh định vị để lừa tàu Anh đi lạc vào “lãnh hải Trung Quốc” tại khu vực Biển Đông ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.

 

Cũng chính nhân vật phản diện này ra lệnh bắn rơi một trong hai chiếc MiG của Trung Quốc, với âm mưu kích động chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân Trung Quốc và Anh, hòng lật đổ chính quyền Bắc Kinh và đưa một viên tướng Trung Quốc đồng mưu lên nắm quyền, đổi lại một giấy phép truyền thông độc quyền cho y ở Trung Quốc trong 100 năm.

 

Dĩ nhiên, như mọi cuốn phim 007, âm mưu của Carver phải bị điệp viên Anh James Bond (Pierce Brosnan) và điệp viên Trung Quốc Wan Lin (Dương Tử Quỳnh) phá vỡ. Hành trình ngăn chặn Thế chiến thứ 3 trong 48 giờ đồng hồ đưa Bond và Lin đến với xác tàu Anh nằm trong lãnh hải Việt Nam (?), những pha rượt đuổi bằng xe máy trên đường phố Sài Gòn và đến với vịnh Hạ Long, căn cứ bí mật của chiếc tàu tàng hình.

 

Đáng tiếc, những cảnh phim này không được quay ở Việt Nam mà ở Thái Lan, sau khi Cục Điện ảnh Việt Nam, qua hình thức một công điện khẩn, đột ngột rút lại giấy phép đã cấp trước đó cho đoàn làm phim mà không một lời giải thích, khiến phong cảnh Việt Nam mất đứt một cơ hội có một không hai để xuất hiện sớm trong những bộ phim bom tấn của Hollywood.

 

Chính vì quay ở Thái Lan nên khán giả Việt không khỏi có cảm giác ấm ức khi người ta khăng khăng phải có những tà áo dài lả lướt rồi chạy tán loạn quanh các cao ốc của tư bản ở TP.HCM. Từ đó, những đoàn làm phim quốc tế cũng e ngại sự khó khăn và bất nhất từ phía chính quyền Việt Nam nên không còn hứng thú tìm đến nữa.

 

Mãi sau này, ông Đặng Tất Bình, giám đốc Hãng phim truyện 1 trong một cuộc hội thảo năm 2014 mới giải thích về sự cố Tomorrow Never Dies: Vì họ muốn dùng thuốc nổ để cải tạo một số đảo ở Vịnh Hạ Long, và đây là điều không thể chấp nhận được.

 

Nếu điều này quả thực là lý do thì cũng chỉ là một trong những lý do bởi các cảnh quay “vịnh Hạ Long” ở Thái Lan trong phim không cho thấy khả năng làm tổn hại gì đến di sản thiên nhiên thế giới này, ngay cả với kỹ xảo điện ảnh thời bấy giờ. Có lẽ còn những nguyên nhân khác nữa không tiện nói ra, không loại trừ cả vấn đề về nội dung kịch bản.

 

Với tâm lý của những nhà quản lý lo sợ trách nhiệm ngày ấy thì ngay cả gọi tên Sài Gòn hay TP.HCM cũng có thể là một bất đồng không nhỏ cho những cảnh quay đường phố. Cái tên Sài Gòn khi ấy đã không còn, nhưng TP.HCM thì sao? Có lẽ cũng không thể chấp nhận, khi nó là nơi ra vào như chốn không người của tướng tá Trung Quốc, với những nhóm vũ trang trang bị cả trực thăng và súng máy vãi đạn như mưa trên đường phố. (Hãy nhớ đến số phận của Bụi đời Chợ lớn nhiều năm về sau!)

 

Thậm chí ở khu Chợ Lớn còn có hẳn một “safe house” trang bị tận răng của nữ đại tá tình báo Hoa Nam. Thật chẳng khác nào một “đặc khu” Trung Quốc! Cả vịnh Hạ Long cũng mang lại mường tượng tương tự khi viên tướng Trung Quốc cho lập một căn cứ bí mật ở đó (Đặc khu Vân Đồn?).

 

Không chỉ thế, một chi tiết nữa có phần nhạy cảm là vị trí “lãnh hải Trung Quốc” ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ mà tàu HMS Devonshire lạc vào. Trong bản đồ của tàu HMS Devonshire, người ta thấy nó nằm ở khu vực đường trung tuyến giả định. Chiếu theo luật Biển, ngay cả khi có hiệp định phân định ở ngoài cửa vịnh Bắc Bộ đi nữa, thì nơi này cũng không được xem là lãnh hải Trung Quốc. (Phải chăng phim Điệp vụ Biển Đỏ của Trung Quốc sau này đã lấy cảm hứng từ Ngày mai không bao giờ lụi tàn để chen vào một đoạn cuối hết sức vô duyên về “lãnh hải Trung Quốc” ở Biển Đông?)

 

Trở lại với những liên tưởng thời sự từ bộ phim, ta có thể nghĩ đến một hành động hợp tác cứu nạn cứu hộ và chia sẻ tình báo của Việt Nam với nước ngoài, khi các sĩ quan Việt Nam cứu sống một số thủy thủ Anh, đồng thời cấp báo cho Bond biết xuất xứ số đạn được dùng để bắn họ là từ Trung Quốc.

 

Ta cũng chứng kiến sự xuất hiện của một căn cứ không quân Mỹ ở Biển Đông. Đó hẳn không phải là căn cứ không quân Clark ở Philippines bởi Mỹ đã rút đi từ năm 1992 trước khi quay lại năm 2016.

 

Thái độ lừng khừng của Mỹ trong vấn đề Biển Đông cũng được thể hiện khi một sĩ quan Mỹ tuyên bố với Bond rằng về mặt chính thức Mỹ sẽ đứng trung lập khi Anh và Trung Quốc giao chiến: “Chúng tôi chỉ tham gia vào những Thế chiến thứ ba do chúng tôi khởi sự”. (Tuy Anh là đồng minh Mỹ nhưng điều khoản phòng thủ tập thể của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương chỉ áp dụng cho khu vực địa lý được mô tả trong tên gọi của nó).

 

Cuối cùng, nhân vật phản diện Elliot Carver chính là đại diện cho truyền thông “fake news” lan tràn trong hiện tại ở hình thức nguy hiểm, “fake news” được chính ông ta đạo diễn thành sự thật. Hẳn không ít người sẽ so sánh Carver với Donald Trump, người nổi tiếng với những chương trình truyền hình thực tế trước khi trở thành tổng thống Mỹ và dọa gây chiến khắp mọi nơi.

 

Duan Dang.

 

Vài chi tiết khác:

 

- Tên gốc của bộ phim là Tomorrow Never Lies nhưng vì một lỗi đánh máy nó được viết sai thành Tomorrow Never Dies nhưng vì cái tên quá ấn tượng nên nhà sản xuất quyết định giữ xài.

 

- Bô phim được lên kế hoạch năm 1996, cũng là năm Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa. Trong chuyến tuần tra tự do hàng hải mới đây, tàu chiến HMS Albion đã thách thức chính đường cơ sở thẳng này.

 

- Quyền tự do hàng hải cho phép tàu HMS Devonshire qua lại không gây hại trong lãnh hải Trung Quốc.

 

- Phim được công chiếu sau khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc tháng 7.1997.

 

Nguồn: Facebook Duan Dang.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng chủ đề click tại đây

Xem bài trên trang Giải trí click vào đây 
Trở về trang chính www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh