Khuya Thứ Bảy, hạ tuần tháng Mười, trước khi ngủ thường xem email trong phone, nhận được tin của anh Nguyễn Văn Liên, đại diện Nguyễn Trãi 1 cho biết:
“Lưu giữ Kỷ Vật 47 năm sau ngày người yêu đền nợ nước. NT1 Dương Phước Duy đã tặng Chiếc Nhẫn Truyền Thống Khóa 1 cho người yêu tại Đà Lạt. Dương Phước Duy hy sinh tại mặt trận An Lộc, Bình Long năm 1972 làm dang dở mối tình. Sau nầy người nữ sinh lập gia đình và vẫn lưu giữ Kỷ Vật của người tình và đã mang sang Hoa Kỳ. 47 năm sau chị mang về VN trao lại cho gia đình Dương Phước Duy”. Và, lời nhắn của anh gợi ý cho bạn bè viết về mối tình nầy cũng “lâm ly, thơ mộng lắm”.
Kèm theo lới nhắn với hình ảnh Chiếc Nhẫn Kỷ Vật và những dòng trên facebook của người em trai ở VN ngày 12 tháng Mười: “Chị từ bên Mỹ trở về mang theo chiếc nhẫn có hàng chữ “ĐẠI HỌC CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ” mà chị đã giữ 47 năm từ ngày chị rời trường Bùi Thị Xuân. Cảm ơn chị đã lưu giữ và chuyển giao kỷ vật của anh cho gia đình”.
Bùi ngùi và xúc động. Tôi bật dậy, xuống garage, mở PC, đốt điếu thuốc, nhấp ly rượu vang để tưởng nhớ đến người bạn đồng khóa đã chia tay nhau từ ngày ra trường gần nửa thế kỷ. Dương Phước Duy về Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 9, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, hy sinh trong trận chiến khốc liệt tại An Lộc vào tháng Tư năm 1972!
Dương Phước Duy, người con xứ Huế. Trước đó vài ngày, tôi tìm được bài viết Để Nhớ Một Thời Áo Trận của Hương Thủy cho nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, phát hành tháng Mười Một năm 2018. Cuộc tình của đôi tình nhân cùng xứ Huế, nàng còn nữ sinh và chàng vào trường Võ Bị Quốc Gia, ra trường chàng đổi về Sư Đoàn 9 Bộ Binh, trong cơn binh lửa… đã làm cho cuộc tình thơ mộng thành bi thảm!
Tôi có post bài viết trên fb của tôi ngày 24 Tháng 10 với đôi lời: “Hôm nay chọn bài cho tờ báo, đọc bài viết của Hương Thủy rất xúc động. Trong thời binh lửa, biết bao nhiêu cuộc tình quá đẹp nhưng rồi kết cuộc quá bi thương!
Tác phẩm "Zeit zu leben und Zeit zu sterben" (Thời để sống và thời để chết) của nhà văn Đức Erich Maria Remarque do đạo diễn Douglas Sirk thực hiện cuốn phim “A Time to Love and a Time to Die” (Một thời để yêu & một thời để chết) năm 1958. Và sau nầy tác phẩm của Erich Maria Remarque dịch sang tiếng Việt với tựa đề như cuốn phim. Đây là một trong những tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng – Vương Trùng Dương”.
* * *
Trích những đoạn chính trong bài viết của Hương Thủy qua lới tâm sự của An Nhiên:
“Cát Đằng và An Nhiên thân nhau từ thuở nhỏ, lúc còn học trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trong Thành Nội. Hai đứa cứ thế lớn dần lên, lần lượt qua bên kia sông Hương học Đồng Khánh rồi Văn Khoa…
… Một hôm thật bất ngờ, “người hùng” của bạn đã xuất hiện. Đó là một buổi sáng “đầy sương thu và gió lạnh” như trong văn Thanh Tịnh, đoàn Sinh Viên Sĩ Quan trường VBQGVN về Huế vào Đại Học Văn Khoa tuyển quân. Phải công nhận sự có mặt của họ như một hiện tượng trong sân trường xưa nay toàn áo dài, chemise, quần tây. Trong trang phục worsted thật đẹp, thật hào hùng mặt anh nào cũng sáng láng thông minh… Tôi thấy Cát Đằng như trên mây. Nàng say sưa dán mắt vào anh SVSQ đang giới thiệu chương trình đào tạo. Anh nói giọng Bắc pha chút Huế”.
Cuộc tình chàng SVSQ (tên H) và Cát Đằng qua những lá thư tình tuyệt vời như những lá thư tình của Napoléon gởi cho Joséphine.
“Cuối năm 1972 anh H. ra trường. Anh có mười ngày phép trước khi về trình diện tại Sư Đoàn 9 Bộ binh có biệt danh “Mũi tên thép”, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đóng ở Vĩnh Long… Chiến trường miền Trung đang sôi động với chiến dịch tái chiếm Cổ thành Quảng Trị. Đêm đêm tiếng đại bác ì ầm từ phía Bắc vọng về. Thành phố Huế tràn ngập màu áo lính rằn ri. Cát Đằng có vẻ yên tâm với sự chọn lựa này dù hai người có xa nhau về không gian. Mười ngày, tôi phải ra sức bao biện cho bạn để họ có những giây phút hạnh phúc…
Cứ thế, những lá thư nối hai niềm vui. Cát Đằng mơ màng dự trù với tôi về tương lai. Một ngôi nhà với ngọn lửa ấm và những đứa con ngoan sẽ ra đời. Ước mơ trong tầm tay với. Tôi chia sẻ hạnh phúc với bạn bằng nụ cười bao dung…”
Thế rồi hung tin cho biết:
“Anh Hùng từ Bình Dương gọi ra báo tin anh H. bị thương nặng trong cuộc hành quân vào mật khu ở quận Mỹ An, vùng Đồng Tháp Mười. Mẹ chị đang trên đường vào, chưa biết chi thêm.Trong bóng chiều chạng vạng, ba chị em ngồi yên lặng. Không ai đủ sức đưa tay bật ngọn đèn điện. Chao ôi! Tuần trước tôi vừa đưa thư cho bạn. Anh đang đóng quân ở Đồng Tháp. Anh kể cho bạn nghe về Gò Công - quê hương của bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức; về cam Cái Bè; về mận Trung Lương… Thượng Đế ác nghiệt vậy sao? Anh vừa tròn 24 tuổi, ra trường mới chín tháng…
Nhưng nỗi bất hạnh không chỉ ngang chừng đó. Trong khi Cát Đằng định thưa thật với ba mạ để xin phép vào Vĩnh Long thì mươi hôm sau, mẹ anh H. nhắn ra anh H. không chỉ bị thương nặng mà còn mất tích. Cầm bằng như anh đã chết. Thôi còn mong chi nữa. Lần này thì bạn tôi quỵ ngã hoàn toàn. Nỗi đau ẩn giấu tận trong tim biến bạn thành một bóng ma câm lặng…
Không hiểu sao nhà anh H. không lập bàn thờ. Có lẽ niềm tin của người mẹ cho rằng con mình chưa chết. Vâng, mất tích chưa hẳn là chết. Mắt anh sáng, tai anh to vậy mà. Chắc bác vẫn hy vọng một phép mầu nào đó chăng? Căn nhà đóng kín cửa. Mẹ anh H. vắng nhà luôn. Chị Hương bảo bà vào Bình Dương chơi với cháu nội cho đỡ buồn…
Những đợt trao trả tù binh hai bên ở Lộc Ninh, Quảng Trị làm cho Cát Đằng hy vọng. Biết đâu anh sẽ trở về. Anh chỉ bị thương thôi mà. Bạn chăm chú theo dõi trên những tờ báo Tiền Tuyến, Sóng Thần… Nhưng tháng ngày qua. Niềm hy vọng hầu như đã thành tuyệt vọng. Bất chấp hiệp định Paris, chiến sự ngày càng ác liệt…”
Sau tháng Tư năm 1975 “Bạn tôi bước xuống cuộc đời. Trải một tấm nilon ở góc chân cầu Trường Tiền, Cát Đằng đi bán chợ trời. Cô tiểu thư con nhà quyền quý ấy bây giờ phải bươn chải với gánh nặng áo cơm của cả gia đình. Bạn bán từng cái áo nhà binh cho người đi lao động, vài cái lon Guigoz tiện cho người đi thăm nuôi, những chiếc áo dài cũ của vợ các sỹ quan một thuở huy hoàng, gói thuốc lá Tam Đảo nặng mùi khét lẹt cho đến cái chén kiểu, ly tách sang trọng một thời vang bóng... Nhìn bạn đếm từng hào tiền Bắc sau buổi chợ, tôi chảy nước mắt. Nhưng một nửa đất nước đều như thế, biết làm sao…
Từ nước ngoài người con trai yêu Cát Đằng ngày đó xuất hiện như một vị cứu tinh. Mạ bạn tha thiết khẩn nài “Con ơi! Thằng đó nó tốt, lại hiền lành, con nhà trí thức. Lấy hắn con cũng sướng mà các em cũng đỡ khổ. Với lý lịch này thì nhà mình không ngóc đầu lên được. Con chỉ có nước lấy anh xe thồ hoặc ông nông dân mà thôi”. Bạn tôi gục mặt vào hai bàn tay khóc nghẹn. Tôi khuyên Cát Đằng: Mọi chuyện đã trở thành quá khứ. Anh H. mất rồi. Đã gần 7 năm. Bạn đâu phải là kẻ phụ tình. Trong hoàn cảnh này đôi khi phải thực tế. Bạn yên lặng gật đầu…
Tôi đưa Cát Đằng lên thăm chị Hương lần cuối. May sao lại gặp mẹ anh H. từ Bình Dương trở về. Bác bảo có thể bác sẽ vào trong đó ở hẳn. Bác ôm vai bạn tôi: “Bác mừng cho con. Biết tin này ở đâu đó chắc H. vui lắm”. Trên bàn thờ vẫn chưa có ảnh của anh. Ghê gớm thay lòng tin của người mẹ. Bạn tôi xin phép được lạy trước bàn thờ ba lạy và nhét vào túi mẹ anh H. chút vốn liếng còm cỏi. Nước mắt người mẹ ứa ra tràn trề. Bà khẽ kêu “ H. ơi! ”.
Trước khi xuất cảnh, Cát Đằng đến nhà tôi ngủ lại một đêm. Bạn đem theo cái hộp bánh Chocolate chứa những bức thư của hai người, tấm ảnh trao nhẫn được đặt lên trên. Cát Đằng bảo tôi: - An Nhiên là một chứng nhân quan trọng trong mối tình lớn của mình. Mình không thể mang theo kỷ vật quý giá này. Bạn giữ giúp mình cho đến lúc nào còn có thể .
Tôi cất vào tủ sách, lòng ngậm ngùi thương bạn…
Gia đình tôi sẽ vào Nam lập nghiệp. Mở tủ sách, tôi cầm cái hộp bánh cũ. Những bức thư nhuốm màu thời gian nhưng tấm ảnh vẫn còn rất rõ. Ôi! Nụ cười hạnh phúc của cả hai người.
Tôi không thể đem chúng theo. Đốt thì tôi không nỡ. Suy đi tính lại, tôi quyết định đem lên nhà chị Hương, nhờ chị đặt trên bàn thờ anh H. Không còn gì để hy vọng về anh nữa rồi.
Căn nhà vẫn như xưa dù thời gian có làm nó già và cũ kỹ hơn. Tiếng chim sâu vẫn kêu lách chách trên những vòm cây xanh. Tôi dựng chiếc xe vào gốc ngọc lan, lòng bùi ngùi. Kỷ niệm ngày xưa ùa về trong ký ức. Một chiếc xe lăn trên hàng hiên. Tôi trách mình đã lâu không thăm mẹ anh. Cuộc sống bận rộn với cơm áo, gạo tiền làm mình trở thành người có lỗi.
Tôi tự nhiên đẩy cửa vào phòng khách khép hờ. Một người đàn ông nằm trên ghế sofa, tay cầm cuốn sách, chiếc chăn mỏng đắp ngang thân, phía bên dưới là một… khoảng trống. Anh ngước nhìn lên. Có phải tôi đang mơ? Đôi mắt ấy, gương mặt ấy… Đúng là anh H. Anh cất tiếng “An Nhiên đấy ư em?”. Tôi bàng hoàng, ngơ ngẩn.
Vâng, anh H. Anh bị thương nặng nhưng không chết. Trong cuộc hành quân của Tiếu Đoàn vào mật khu Đồng Tháp Mười, Đại Đội của anh sa vào ổ phục kích. Môt mảnh B40 đã bay vào lưng anh, chạm ngay cột sống. Anh được đưa về Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Bác sĩ cho biết mảnh đạn đã làm đứt dây thần kinh tủy sống dẫn đến khả năng bại liệt suốt đời. Trong cái đau đớn tận cùng của thể xác, anh vẫn nghĩ đến Cát Đằng. Không thể gắn số phận bất hạnh của mình đối với người yêu, anh cắn chặt răng bảo mẹ báo tin với Cát Đằng là mình bị mất tích. Và người mẹ đã làm theo lời anh…
Từ Cần Thơ, anh được chuyển vể Tổng Y Viện Cộng Hòa. Các bác sĩ và y tá tận tâm chăm sóc anh. Vết thương bên ngoài tạm ổn, anh sang Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng. Mẹ già theo sát anh từng bước. Đó là lý do khiến bà bảo với Cát Đằng mình vào Nam sống với người anh cả…
Cầm xấp thư và tấm hình, anh H. trầm ngâm bảo tôi:
- Anh cám ơn An Nhiên. Cố vật đã tìm về cố chủ. Cứ để cho Cát Đằng nghĩ rằng anh đã chết. Đó chính là tình yêu của anh giành cho cô ấy.
Anh nâng chiếc nhẫn có viên hồng ngọc trên ngón tay áp út, âu yếm hôn vào nó. Chiếc nhẫn năm xưa, Cát Đằng đã lồng vào tay anh trong đêm Lễ Trao Nhẫn trên Vũ Đình Trường”.
(Hương Thủy)
* * *
Tối Thứ Bảy, tôi vừa layout bài viết của Hương Thủy cho tờ báo, câu chuyện mang theo sự xúc động và sau đó nhận được email của Nguyễn Văn Liên. Vâng, vẫn Chiếc Nhẫn Truyền Thống có lẽ bạn tôi trao cho người yêu trong ngày ra trường để làm món quà lưu niệm nào ngờ là kỷ vật!. Vì tôn trọng đời sống riêng tư của chị nên giữ kín (nếu liên lạc với các bạn cùng khóa ở Huế sẽ biết rõ vì cuộc tình ở quân trường thường chia sẻ với nhau) nhưng rất tôn trọng tình yêu của chị với người yêu cừng hình ảnh chiếc nhẫn chị đã gìn giữ qua 47 năm. Có lẽ bây giờ chị nghĩ rằng nay mai sẽ về với cát bụi, không có ai để lưu giữ nên về VN trao lại cho gia đình để thờ phụng bên chân dung anh. Hình ảnh cuộc tình quá đẹp trong nghiệt ngã, chị đã giữ kỷ vật như hình ảnh người yêu. Nếu anh em chúng tôi gặp được chị, cúi đầu ngưỡng mộ.
Khi chúng tôi thực hiện Đặc San Kỷ Niệm 50 Năm Ngày Nhập Ngũ (1966-2016) đã đồng ý với nhau cố gắng ghi lại hình ảnh bạn bè đã ra đi. Khóa Nguyễn Trãi 1 đã có 20 người hy sinh trong chiến trận, 3 người chết trong trại tù cải tạo Cộng Sản, 5 người chết vì tai nạn nơi quân trường và 24 người chết vì bệnh tật.
Phạm Gia Hòa bỏ nhiều thời giờ để lập Danh Sách Bạn Bè Đã Qua Đời, sắp theo thứ tự alphabet từ Bùi Ngọc Bích đến Lê Bắc Việt. Phan Đắc Lập đã gom tất cả hình anh, thực hiện cái poster khá lớn để khi anh em gặp nhau, tưởng nhớ bạn bè đã khuất.
Trong bài viết của Đỗ Văn Phúc về Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Nơi 39 NT1 Về Phục Vụ chỉ liệt kê tổng quát bạn bè đáo nhậm đơn vị.
Và bài viết của Đào Hồng về Người Đồng Môn Năm Xưa “39 sĩ quan được điều về SĐ 5 BB bổ sung cho 39 Đại Đội tác chiến đang hành quân diệt địch tại Bình Dương, Bình Long, Phước Long
Năm 1972 chiến trường An Lộc rất khốc liệt. Mặc dù lực lượng địch đông gấp bội tấn công ngày đêm, nhưng quân ta chống trả mãnh liệt gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Tướng Tư Lệnh Lê Văn Hưng tuyên bố tử thủ An Lộc tạo cho SQ và quân lính dưới quyền ông hăng say, nhiệt huyết, quyết giết giặc bảo vệ non sông đất nước. Một buổi sáng chúng tôi bàng hoàng nhìn nhau nghe tin Lê Bắc Việt hy sinh (tháng 5 năm 1972), khi đang đi kiểm soát tuyến phòng thủ. Cộng quân pháo dữ dội, nên đành chôn LBV tại chỗ, mặc dù trực thăng bay đêm ngày nhưng chỉ có khả năng tiếp tế và tản thương mà thôi!”. Rất tiếc không có đồng môn nào chứng kiến cái chết của Dương Phước Duy. Dương Phức Duy hy sinh tại mặt trận hay bị bắt rồi chết vẫn còn là bí ẩn, hy vọng các bạn cùng khóa và cùng đơn vị liên lạc với các chiến hữu của Tiểu Đoàn 2 để biết chính xác về trường hợp nầy.
Đây là đặc san mà thơi gian tôi layout dài nhất vì trong 4 tháng, mỗi bài layout chuyển qua PDF, gởi đến anh em để xem qua, khi viết không bị trùng nhau. Cuốn đặc san nầy, tôi được anh đại diện khóa tặng cho vài quyển, để trong garage, bạn bè ở xa ghé thăm, thích nên phải tặng nên không còn lưu trữ quyển nào, may nhờ còn lưu lại trong PC. Bài cuối cùng trong đặc san nầy, tôi viết Đôi Dòng Với “Tiếng Chim Gọi Đàn” dài 24 trang để ghi nhận tình bạn hữu, nghĩa đồng môn không những giữa anh em chúng tôi mà cả các chị trong đại gia đình.
Qua bài viết nầy hy vọng trong cuốn Đặc San Kỷ Niệm 50 Năm kỷ niệm ngày ra trường vào tháng 5 năm 2019, có thêm những bài viết của anh chị với người thiên cổ.
Trở lại với hai mái trường xưa ở Đà Lạt, quân trường Đại Học CTCT được “diễm phúc” nằm đối diện trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Giữa thập niên 60, cô Đinh Thị Lệ Minh, cô hiệu trưởng cởi mở, thích văn nghệ nên mỗi lần tổ chức văn nghệ, liên lạc với cô cho ban văn nghệ nhà trường đóng góp, cô vui lòng nhận lời.
Trong số nhạc sĩ tài danh của VN, tôi thích Lê Trọng Nguyễn vì ông là người cùng xứ và tác giả ca khúc Cát Biển.
Trong Đêm Tưởng Niệm NS Lê Trọng Nguyễn vào tối 17 tháng 4 năm 2005 tại Little Saigon, tôi viết: “Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có nhiều nhạc phẩm nổi tiếng đã đi vào lòng người, nhất là ca khúc Nắng Chiều. Với tôi, ca khúc Cát Biển (viết chung với Y Vân) nhớ nhất. Cuối năm 1968, khi còn là Sinh Viên Sĩ Quan ở quân trường trên Đà Lạt. Đúng ra là thời điểm tốt nghiệp nhưng Khóa Nguyễn Trãi I phải tham gia chiến dịch Diên Hồng. Trong đêm văn nghệ của Khóa, mời ban tam ca của trường nữ trung học Bùi Thị Xuân trình bày ca khúc nầy, khó quên. Trong Đêm Tưởng Niệm Lê Trọng Nguyễn, ban tam ca Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước, rất tuyệt, nhớ lại kỷ niệm xưa…” (Trong quyển Lê Trọng Nguyễn, Âm Nhạc & Bạn Hữu, ấn hành vào Hè 2018, tôi cũng góp mặt vì Cát Biển vẫn còn vang vọng).
Vào thời điểm đó ban tam ca của trường Bùi Thị Xuân với 3 nữ sinh lớp Đệ Nhị trình bày 3 bè ca khúc nầy. Tôi ngẩn ngơ với bóng dáng và tiếng hát… “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi… như lời của nước mây” như dòng thơ của Hàn Mặc Tử... Với hình ảnh đó có bóng dáng cũng cùng xứ nhưng tôi là người ngoại đạo nên “Dã tràng ngoài biển... cát. Hồn mộng vẫn se... hoài” như lời ca trong Cát Biển, thế rồi “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy. Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” (HMT)!
Sau Tết Mậu Thân 1968, khóa tôi được điều động hằng đêm ra ngoài kích đêm, gác chung quanh quân trường, toán nào được phối trí ở trường Bùi Thị Xuân, xem như “diễm phúc”… vì được “kết bạn” gởi lại hộc bàn. (Nếu lúc đó có cell phone thì… “cho anh xin số nhà”, số phone anh đây, có lẽ ông tơ bà nguyệt sẽ bận rộn).
Rất tiếc, niềm vui qua mau vì trôi theo dòng thời gian… đến thời điểm trường học nghỉ Hè và khóa NT 1 sau đó giã từ đồi 4648.
Không biết có Chiếc Nhẫn Truyền Thống nào Gửi Người Em Gái xứ hoa đào “Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương. Đôi mắt em nói nhiều tha thiết như dáng kiều, ôi tình yêu” (Đoàn Chuẩn & Từ Linh) như Dương Phước Duy?
Tôi có thói quen chỉ viết về đêm, ban ngày đầu óc rỗng tuếch, trí nhớ bay bổng nơi nào xa xăm nhưng đêm đến lại nhập vào bởi kiếp “con vạc ăn đêm”.
Vương Trùng Dương
Little Saigon, 3 giờ sáng Chủ Nhật
28 tháng 10 năm 2018
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net